Trang phục và văn hóa của học sinh

Đồng phục không còn là điều xa lạ đối với học sinh Việt Nam và thế giới. tuy nhiên, vẫn có nhiều học sinh băn khoăn với câu hỏi: mặc đồng phục để làm gì? Đồng phục có ý nghĩa gì với đời sống học đường? đây là một câu hỏi không hề mới. trên thực thế, đồng phục học sinh là loại trang phục vô cùng cần thiết với vấn đề văn hóa học đường.

Theo một bài báo của New York Times nghiên cứu về đồng phục, các nữ sinh mặc đồng phục vì các bạn ấy tự hào về tuổi trẻ của mình. Những bộ đồng phục thiết kế đẹp mắt khiến các bạn ấy cho rằng thật dễ thương khi mặc chúng. Với các bạn nam sinh thì các bạn ấy cũng mặc đồng phục thường xuyên, nhưng chỉ với lý do là....lười thay trang phục và ngại không biết nên mặc bộ đồ nào cho ngày nào, nên đồng phục là sự lựa chọn tốt nhất.

Khi học sinh mặc đồng phục, nó không chỉ thay đổi vẻ bề ngoài, nó còn thay đổi nhân sinh quan của các em. Các em sẽ nhìn cuộc sống dưới vai trò vị thế xã hội của riêng mình. Không những thế đồng phục trường học truyền cho các em niềm tự hào về trường, về lớp, về chính bản thân mình. Nó giúp các em thấy được tầm quan trọng của chính bản thân mình. Nó nuôi dưỡng tâm hồn các em, nó xây dựng sự thống nhất, sự hoà hợp trong môi trường học tập.

Đồng phục tạo cho các em sự bình đẳng, những em gia đình khó khăn không có khả năng mặc đẹp, sẽ không bị mặc cảm về trang phục của mình. Nó giúp nhắc nhở các em mình đang còn là học sinh, mục tiêu lớn nhất của mình là học tập, thay vì mối quan tâm về quần áo. Trường học, lớp học sẽ không biến thành những ”show diễn thời trang”, các em sẽ không bị sao lãng việc học hành.

Đồng phục trường học giúp cha mẹ các em yên tâm hơn về trang phục của con mình mỗi khi tới trường, bởi đồng phục được thiết kế với chuẩn mực khắt khe của môi trường sư phạm. Một lợi thế nữa của đồng phục giúp cha mẹ các em giảm được ghánh nặng về tài chính khi cha mẹ chỉ phải mua đồng phục sẵn có với giá rẻ.

Đồng phục học đường đã thực sự tác động tới suy nghĩ và ứng xử của học sinh trong môi trường học đường. Đó cũng là một trong những tác động mạnh mẽ của đồng phục học sinh tới văn hóa học đường.

Những đồng phục gây ảnh hưởng đến môi trường học đường

Dưới sự tác động mạnh mẽ của quá trình hội nhập, các luồng văn hóa ngoại ồ ạt tới Việt Nam dưới nhiều hình thức và ảnh hưởng không nhỏ tới lối sống của thanh niên hiện nay. Ngoài những tác động tốt của văn hóa ngoại với xu hướng hiện đại thì cũng có một bộ phận không nhỏ những tác động tiêu cực tới thanh niên Việt Nam. Một trong những tác động tiêu cực đã ảnh hưởng tới văn hóa học đường.

Hiện nay, cứ đến bất cứ giảng đường của một trường đại học hay cao đẳng nào, đặc biệt là vào mùa hè, đều thấy nhan nhản hình ảnh những cô, cậu sinh viên khoác trên mình những bộ áo quần hở hang, te tua, vá víu…Một số các bạn nữ với quan niệm thời trang khá cởi mở vẫn mặc nhiên cho rằng cứ phải hở một chút mới đẹp hay cứ ngắn, cứ xẻ là thời trang. Thế nên, không biết vô tình hay hữu ý, cũng không biết thời thượng đến mức nào nhưng những chất liệu voan, ren từ mỏng đến “siêu mỏng”, áo bó quần bò lòe loẹt xanh đỏ tím vàng, rách trên, rách dưới cứ ngang nhiên thấp thoáng nơi sân trường. Lê Như [Sv Đh Công đoàn] còn thẳng thắn bày tỏ: “Theo mình thì ăn mặc như thế nào tùy vào gu của mỗi người. Không nên quá cực đoan với việc ăn mặc hở hang của một số bạn, có thể do sở thích, phong cách hay yêu cầu công việc. Với lại, cứ mặc cứng nhắc mãi cũng chán lắm”.

Tưởng chừng như hở hang là “đặc quyền” riêng của phái nữ thì ngày nay, sinh viên nam cũng tận dụng chẳng kém cạnh chị em. Cũng quần Jean rách gối, xé te tua từ dưới lên trên, cũng áo bó chẽn khoe body màu sắc sặc sỡ, có bạn còn cố tình mặc quần trễ cạp với mục đích khoe độ chơi hàng hiệu từ các món đồ như thắt lưng, phụ kiện hay thậm chí cả…quần lót. Cứ như thế họ tự biến môi trường học đường thành một sân khấu “thời trang ứng dụng”.

Bạn Nguyễn Thị Thu Trang, [Sv ĐH Sư phạm Thái Nguyên] chia sẻ: “Hiện nay, môi trường học đường đã trở nên khác so với trước đây. Tất nhiên cuộc sống mà có những thay đổi tiến bộ và phát triển là điều nên khuyến khích. Nhưng ngay trong các trường học mà cách ăn mặc của các bạn lại có phần “không lịch sự” như vậy sẽ tạo nên sự phản cảm cho người đối diện”.

Mỗi người đều muốn làm mình trở nên đẹp hơn, không ai có quyền ngăn cấm điều đó. Tuy nhiên, không nên nghĩ rằng cứ phải hở hang mới thể hiện được nét quyến rũ của người con gái. Sự gợi cảm cũng rất đẹp nhưng không phải lúc nào cũng cần thiết, ta sẽ tỏa sáng hơn rất nhiều khi biết lựa chọn cho mình những bộ đồ phù hợp với lứa tuổi, với dáng người và môi trường mình đang sống, nhất là lứa tuổi học sinh, sinh viên. Nét đẹp vẫn dễ dàng bộc lộ trong sự nền nã, chuẩn mực.

Nhìn chung, văn hóa học đường là vấn đề khá rộng. Và trên đây, chỉ là một trong số ít những tồn tại đã và đang phổ biến hiện nay và hoàn toàn không dễ gì để thay đổi. Phải chăng, sinh viên nên bắt đầu từ những bài học đạo đức, văn hóa và giao tiếp đơn giản. Bởi, một môi trường học mà sinh viên chạy theo những giấc mơ phù phiếm, lấy quần áo làm thước đo giá trị thì sẽ không có nội lực văn hóa, không đúng với trách nhiệm của sinh viên đến trường để tiếp thu tri thức. Với cách ăn mặc quá tự do ấy của một số bộ phận bạn trẻ phải chăng đang làm xấu đi hình ảnh sinh viên vốn rất đẹp và thanh lịch trong mắt mọi người.

Chủ Đề