Trở về đất mẹ nguyễn văn thương mp3

Website Petrus Ký Úc Châu xin hân hạnh giới thiệu Nguyệt San Cỏ Thơn Online đến quý Thầy Cô và đồng môn.

Ðêm Ðông

Quỳnh Giao [12/2006]

Trong mùa Giáng Sinh, có nhiều người lại thấy ngậm ngùi khi nghe nhạc Giáng Sinh.

Không khí Giáng Sinh và âm hưởng của nhạc thường gợi lên niềm hạnh phúc ấm áp của gia đình khi mọi người cùng đoàn tụ để chào mừng một biến cố lớn của nhân loại và chúc tụng nhau những điều tốt đẹp. Chính nét nhạc vui tươi đầm ấm đó lại có thể gây bồi hồi cho những người xa nhà, những kẻ cô đơn, lạnh lẽo đứng bên ngoài mái ấm.

Cảm xúc ấy thực ra lại hiển hiện rõ ràng nhất trong một ca khúc Việt Nam, một bài ca không thuộc về loại nhạc Giáng Sinh. Ðó là Ðêm Ðông.

Tác giả Nguyễn Văn Thương là một trong những nhạc sĩ tiền phong của nền tân nhạc Việt Nam. Ông mất cách nay đúng bốn năm, ở tuổi 83.

Nguyễn Văn Thương được biết đến trước tiên là qua bài Trên Sông Hương.

Ðây là ca khúc đầu tay của ông, viết khi vừa xong trung học, cũng thuộc loại ca khúc tân nhạc đầu tiên của Việt Nam. Ông vốn sinh trưởng tại Huế và ở tuổi thanh niên đã dâng cho đất thần kinh bài hát cải cách đầu tiên. Trên Sông Hương được viết năm 1936, Ðêm Ðông xuất hiện sau đó ba năm, khi tác giả vừa tròn hai mươi. Cả hai bài đều có chung một nét là rất chỉnh, theo đúng khuôn thước cổ điển, cân xứng, gọi là có “carrure”.

Bảy mươi năm về trước, những người lai láng hồn nhạc như Dương Thiệu Tước hay Nguyễn Văn Thương diễn tả cảm hứng của mình ra sao? Ða số đều có học nhạc từ khi còn trẻ, có thể là nhờ truyền thống của gia đình, nhưng đó là học cổ nhạc và sử dụng chữ quốc ngữ với phong cách còn cổ điển. Thế rồi những người có tư tưởng khai phá nhất thì tìm cách học nhạc Tây phương. Ða số là tự học, hãn hữu mới có cơ hội học từ những thầy nhạc người Pháp.

Mà dù tự học hay học thầy, thì khi sáng tác thế hệ nhạc sĩ tiền phong ấy phải kết hợp được hai điều: dùng nhạc pháp và nhạc lý Tây phương – lần đầu tiên được ghi lại trên giấy và truyền bá bằng mắt thay vì truyền khẩu bằng tai bằng miệng của cổ nhạc – có giai điệu diễn tả cảm xúc của lời từ, viết bằng tiếng Việt, bằng chữ “quốc ngữ” khi ấy vẫn còn phôi thai. Nghe nhạc của Tây chưa đủ, dùng nhạc của Tây để nói lên nỗi niềm của ta mà vẫn tự nhiên và gây xúc động mới là điều khó. Thời ấy, các đài phát thanh chưa phổ biến và cái vốn liếng nghe nhạc của người thưởng ngoạn chưa đủ dày.

Hoàn cảnh ấy cần được nhắc lại để thế hệ chúng ta ngày nay cảm thông được với những đắn đo cân nhắc của thời trước. Mấy điều tưởng rằng khai phá của “nhạc trẻ” thời sau – ba chục năm sau – thực ra chưa thể so sánh với những bước đầu tiên của việc sáng tác nhạc cải cách.

Cũng trong tinh thần viết nhạc của thời trước, một ca khúc thường có nhiều đoạn và từng đoạn phải cân xứng với nhau thì mới là chỉnh.

Ðiều ấy cần nói ra vì nhiều người viết nhạc theo cảm hứng và kết thúc bất ngờ, hoặc dài miên man mà quên hẳn giai điệu dàn dựng ban đầu, đoạn nào cũng có thể là điệp khúc. Chúng ta có thể làm thơ tự do, nhưng khi viết thơ luật thì có khuôn phép, từ phá đề đến thừa đề, qua các câu thực và luận rồi mới đến câu kết. Nguyễn Văn Thương xuất hiện với khuôn thước chừng mực đó. Hiển nhiên là dù tự học, ông cũng chịu khó tìm tòi và học đến nơi đến chốn.

Ở tuổi 17, Nguyễn Văn Thương mở đầu bài Trên Sông Hương trên cung Ré thứ, chậm buồn và xa vắng, dài đúng 16 trường canh. Khi trăng lên và khách du trên dòng Hương Giang thấy đắm say trước cảnh vật hữu tình thì nhạc sang chuyển đoạn [modulation], trên cung Ré trưởng, cũng dài 16 trường canh. Ðoạn thứ ba nhịp nhàng trong đúng 16 trường canh để quay về lại chuyển đoạn một để kết thúc. Khi còn là một thanh niên và tự học lấy cách đọc và viết nhạc của Tây phương, Nguyễn Văn Thương đã học được tự nền móng, tự căn bản. Trên Sông Hương vì vậy báo hiệu một nhạc sĩ có tài, một người sẽ trở thành nhạc sư đào tạo ra nhiều thế hệ nhạc sĩ.

Ba năm sau, Ðêm Ðông xuất hiện.

Ðây là một trong những ca khúc đầu tiên mà cũng là ca khúc buồn bã nhất. Mùa Ðông vốn đã lạnh lùng, mà lại về đêm và đêm không nhà nữa! Ông viết với nhịp điều trầm buồn mà sau này chúng ta thường hay hát với điệu tango chậm.

Ca khúc mở đầu từ buổi chiều tà, khi màn đêm buông xuống chầm chậm và trải qua cũng 16 trường canh. Hình ảnh qua lời từ ông viết cùng Kim Minh là cánh chim chiều bay mênh mang trong tiếng chuông cô tịch, sương bay mưa tỏa giăng mắc. Ðoạn hai mở ra tâm cảnh rộng ấy, của người chinh phu, nàng vợ hiền, của thi nhân và người ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng. Tình thì như vậy, cảnh là gió lạnh. Gió nghiêng chiều say, gió lay ngàn cây, gió reo sầu miên, gió đau niềm riêng. Ðoạn hai này dài 30 trường canh và kết thúc với lời giải: đấy là tâm tư của kẻ cô lữ xa nhà, giữa đêm đông lạnh buốt bỗng mơ về gia đình.

Nguyễn Văn Thương viết ca khúc này tại Hà Nội, nhưng ông đang nhớ nhà và thương rộng ra những người cùng cảnh ngộ.

Trong rất nhiều năm, Ðêm Ðông được hát nhiều nhất là ở trong Nam. Ðây là ca khúc của mọi tâm hồn cô đơn nhớ về một mái ấm không còn, hoặc đang ở rất xa. Nó là đốm lửa trong một đêm đen lạnh lùng. Người hát bài này hay nhất, đến nỗi Ðêm Ðông trở thành một dấu ấn của mình chính là Bạch Yến. Mỗi ca sĩ thường có một bài mà nhạc vừa cất lên, người nghe đều nhớ đến mình. Bạch Yến là trường hợp đó với Ðêm Ðông.

Riêng với người viết mục này thì Ðêm Ðông còn là một kỷ niệm đẹp.

Ðây là ca khúc đã đưa thân mẫu mình vào làng tân nhạc.

Năm 1949, khi ca sĩ Ngọc Thanh [hiền thê của nhạc sĩ Ðức Quỳnh, tác giả bài Thoi Tơ] đột nhiên bị ốm, Giám đốc đài phát thanh Pháp-Á là ông Hoàng Cao Tăng phải lật đật tìm người thay. Thời ấy, ca sĩ chưa nhiều nên việc kiếm người quả là khó! Có một nữ biên tập viên kiêm xướng ngôn viên là Nguyễn Thị Ngọc Trâm đang ngồi làm việc tại đó, ông Hoàng bèn hỏi:

“Bà có biết hát không?”

“Chỉ ngân nga bài Ðêm Ðông thôi!”

Thế rồi mời thử giọng và lập tức lên làn sóng điện. Bài Ðêm Ðông bỗng thành “top hit” trên đài phát thanh vì thính giả tán thưởng nhiệt liệt. Ðài Pháp-Á bèn mời người biên tập viên làm ca sĩ thực thụ. Bà lấy biệt hiệu hay nghệ danh là gì bây giờ? Tên hai người con là Minh và Trang được kết hợp làm một. Ca sĩ Minh Trang xuất hiện từ đấy. Cách nay cũng đã hơn nửa thế kỷ.

Quỳnh Giao [12/2006]

Mời quý vị thưởng thức ĐÊM ĐÔNG – Nhạc: Nguyễn Văn Thương; lời: Kim Minh

Tiếng hát Tâm Hảo [Virginia, USA]:

MP3
Youtube [Bạch Yến Đà Lạt thực hiện]

Nhạc không lời:

Piano
Saxophone [Trần Mạnh Tuấn]

Đêm Đông – Nhạc: Nguyễn Văn Thương – Lời: Kim Minh

Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời Cùng mây xám về ngang lưng trời

[Lời 2: Đời như vô tình ta ngao ngán Non nước thê thảm mang cảnh tang Thân lãng du cô liêu chán chường Về đâu giữa trời đông đêm trường?]

Thời gian như ngừng trong tê tái Cây trút lá cuốn theo chiều may Mưa giăng mắc nhớ nhung, tiêu điều Sương thướt tha bay ôi đìu hiu

[Lời 2: Sầu lên khơi hồn quê lai láng Ta van gió nhắn mưa ngừng than Cho ta lắng tiếng vang muôn lòng Rên rỉ qua không gian buồn mong!]

Đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu Đêm đông, bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng Đêm đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng Gió nghiêng chiều say, gió lay ngàn cây Gió nâng thuyền mây, gió reo sầu miên Gió đau niềm riêng, gió than triền miên

Đêm đông, ôi ta nhớ nhung đường về xa xa Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình yêu đương Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương Có ai, thấu tình cô lữ đêm đông không nhà

Mời quý vị thưởng thức ĐÊM ĐÔNG qua tiếng hát:

Bạch Yến [Paris]
Vũ Khanh Hà Thanh

Elvis Phương
Lệ Thu
Phạm Ngọc Lân

Nhớ Mãi Đêm Đông… Lê Quang Thanh Tâm –15 Tháng tư 2011

Cố Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương ra đi đã được 9 năm, nhưng mỗi lần nghe lại ca khúc Đêm đông là lòng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động. Tôi có may mắn được trò chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương nhiều lần lúc ông còn sinh thời. Và trong những câu chuyện ấy, hoàn cảnh ra đời của các ca khúc nổi tiếng Trên sông Hương, Đêm đông, Bướm hoa… được ông kể lại một cách thật thú vị. Nguyễn Văn Thương được xem như là một trong những nhạc sĩ tiên phong của âm nhạc cải cách [tân nhạc] ở Việt Nam. Bên cạnh đó, ông còn là tác giả của nhiều tác phẩm khí nhạc, giao hưởng, nhạc phim được giới chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Tuy nhiên, chỉ cần nhạc phẩm Đêm đông cũng đủ để tên tuổi của ông sống mãi trong lòng những người yêu nhạc.

2 cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương [phải] và Phạm Duy

Từ Trên Sông Hương đến Đêm Đông

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sinh năm 1919 ở làng Vân Thể, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế, trong một gia đình công chức. Cha ông làm nghề bưu điện, nhưng rất yêu nghệ thuật. Mẹ ông biết đàn tranh nên ông đã bắt đầu làm quen với âm nhạc từ năm lên 9 tuổi. Mùa hè 1936, sau khi tốt nghiệp trung học ở Trường Quốc học Huế, chuẩn bị ra học tú tài ở Thăng Long, ông và nhóm bạn thân cùng lớp tổ chức một buổi đi dã ngoại để chia tay. Đó là vào một đêm trăng sáng, cả nhóm thuê một con thuyền thật đẹp thả trôi xuôi dòng sông Hương cùng nhau hát, ngắm trăng, ngắm cảnh thơ mộng của đất Cố đô. Cuộc du thuyền hôm ấy đã để lại trong ông nhiều ấn tượng và cảm xúc sâu sắc. Và khi trở về nhà, ông đã sáng tác bài Trên sông Hương. Đây cũng là bản nhạc đầu tay của ông viết về dòng sông thân thương, về xứ Huế mộng mơ quê nhà. Còn ca khúc nổi tiếng Đêm đông cũng gắn liền với một kỷ niệm thời đi học của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Ông sáng tác ca khúc Đêm đông năm 1939. Lúc này ông đang ở Hà Nội, học thi tú tài. Hàng năm vào dịp Tết, ở nhà đều gửi tiền cho ông mua vé tàu về quê. Năm ấy, nhà không có tiền nên không gửi ra. Thế là ông không được về nhà. Lần đầu tiên ăn tết xa nhà, đêm 29 Tết, bạn bè đều về quê hết, ông buồn quá đi lang thang khắp phố phường, ngang qua ga Hàng Cỏ, nhìn mọi người tay xách nách mang, lũ lượt bước lên chuyến tàu cuối năm với tiếng còi giục giã, ông đã rơi nước mắt vì nhớ nhà, nhớ cha mẹ. Sau đó ông về nằm ở nhà trọ số 10 phố Hội Vũ. Căn gác trọ làm bằng gỗ, đêm mùa đông rét, gió thổi qua khe cửa… Và thế là ông vùng dậy, viết một mạch… “Gió lay qua ngàn cây, gió nâng thành mây, gió reo sầu miên, gió đau niềm riêng/ Đêm đông ôi ta nhớ nhung đường về xa xôi/ Đêm đông ta mơ giấc mơ gia đình yêu thương/ Đêm đông ta lê bước chân phong trần tha phương”… Trong bài hát còn có câu: “Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng…” là ông viết về cô ca nhi ngồi khóc trong ngôi nhà gỗ mà trong lúc đi lang thang ngoài phố đêm ấy ông đã nhìn thấy. Chính cô gái ấy là người cùng cảnh ngộ, đồng cảm nhất với ông trong thời điểm đó. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, em rể của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương cũng cho biết: “Hồi còn làm Trưởng đoàn Văn công Liên khu IV, trong những buổi chuyện trò, anh Thương kể rằng đêm 29 Tết năm ấy, anh hận gia đình lắm vì đã để anh vuột mất một mùa xuân đoàn tụ cùng gia đình. Nhưng sau đó nghĩ lại, anh Thương cho rằng đó là ý trời, bởi nếu như ba mẹ anh gửi tiền ra, thì làm gì anh có bài hát Đêm đông để khẳng định tên tuổi của mình…”.

Những câu chuyện bây giờ mới kể

Ca sĩ Hồng Hạnh cho biết: “Ngay từ khi mới bước chân vào con đường âm nhạc, tôi đã yêu thích ca khúc Đêm đông. Từ đó đến nay, tôi đã trình bày ca khúc này hàng trăm lần, nhất là mỗi độ trời chuyển sang đông. Trước tôi, các ca sĩ Bạch Yến, Cẩm Vân, Lê Dung trình bày rất thành công. Sau này còn có Đức Tuấn, Quang Dũng, Cẩm Ly hát cũng được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Tuy nhiên, người hát bài Đêm đông đầu tiên chính là ba tôi – nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết, cũng là người rất thân thiết với nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương”.

Trong chuyến về biểu diễn tại Việt Nam mới đây, ca sĩ Bạch Yến [hiện sống ở Pháp, là con dâu của GS. Trần Văn Khê] cũng kể rằng: “Tôi trình bày ca khúc này năm 1958, lúc đó tôi mới 16 tuổi. Thời ra đời của Đêm đông và Sơn nữ ca chỉ mới có các nhịp điệu fox trot, valse, tango, boston… Mãi sau năm 1950 mới có điệu slow rock. Đêm đông ngay từ lúc mới ra đời đã mang giai điệu tango. Chính tôi đã gặp nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, trao đổi và xin ý kiến đổi cách hát Đêm đông từ điệu tango sang điệu slow rock. Thật bất ngờ, khán giả hài lòng và giai điệu này được giữ cho đến bây giờ…”.

Nhạc sĩ Phạm Duy cũng bật mí: “Hồi ấy, khi công bố nhạc phẩm Đêm đông, anh Thương thường ký tên mình kèm với tên Kim Minh [đã qua đời năm 1946]. Thật ra, Kim Minh là một người bạn, rất giỏi văn chương nên đã trau chuốt lời cho các bản nhạc của anh Thương, từ bài Đêm đông đến bài Bướm hoa. Tuy nhiên, có một điều rất lạ là nhiều người đã lãng quên nhân vật ký tên chung trong bản nhạc Đêm đông với anh Thương trong bản in ở Sài Gòn, điều này khiến anh Thương rất buồn… Còn một điều nữa mà ít người biết, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương và nhà thơ Huy Cận có một tình bạn rất thân, giống như Bá Nha – Tử Kỳ vậy. Hai anh học chung từ thời tiểu học đến khi vào Trường Quốc học Huế. Cả hai ngồi cùng một bàn, học giỏi, nên hỗ trợ cho nhau rất nhiều”.

Là một giáo sư có nhiều kinh nghiệm, lúc sinh thời, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã từng có lời khuyên cho các bạn trẻ yêu thích âm nhạc là muốn đi vào con đường này thì phải vào bằng con đường chính, được đào tạo qua trường lớp [kể cả thanh nhạc và sáng tác]. Bởi vì ngoài năng khiếu có sẵn, các em cháu phải có một vốn liếng cơ bản về kỹ thuật âm nhạc thì mới có thể tiến xa được. Năm 2003, NXB Trẻ cũng đã xuất bản quyển hồi ký “Một cuộc đời đeo đuổi sự nghiệp âm nhạc” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Quyển hồi ký được viết theo dạng các mẩu chuyện của ký ức, những kỷ niệm trong cuộc đời ông, của bạn bè ông cùng với một số ảnh tư liệu quý báu.

LÊ QUANG THANH TÂM

TRÊN SÔNG HƯƠNG – Nhạc & lời: Nguyễn Văn Thương

Ϲhiều tàn trên bến Hương Giɑng lờ trôi ßóng chim bɑу νề chân núi xɑ νời Ϲhiều tàn trên bến mɑng th℮o hoàng hôn Giòng sông buồn mơ chiếu áng mâу hồng ĸhóm lɑu mờ nghiêng mình bên dòng nước

Ƭrên sông Hương, bến nước mơ chɑn chứɑ bɑo tình Hằng Ŋgɑ νừɑ lên, nhìn quɑ ƙhóm câу Ɗưới ánh mơ, ƙhách du thuуền lòng bɑo đắm sɑу Hồn tràn nguồn thơ trước cảnh Hương ßình

Ƭiếng đàn đâu đâу νẳng th℮o chiều gió Ѵấn νương xui lòng ngẩn ngơ Đưɑ từ xɑ xɑ, tiếng cɑ trầm bỗng Ƭhoáng ngh℮ u huуền mơ hồ

[Thuyền từ trôi] Ƭrên sông Hương Khách đắm sɑу trong giấc mơ màng Ʀồi bɑo năm sɑu, lòng ɑi nhớ nhung Ŋhững đêm mơ, nước ru thuуền nặng tình gió trăng Hồn th℮o giấc νàng, vướng muôn tiếng đàn

Mời quý vị thưởng thức nhạc phẩm TRÊN SÔNG HƯƠNG qua tiếng hát:

Thanh Thúy
Khánh Ly

Bướm Hoa – Nhạc: Nguyễn Văn Thương ; Lời: Kim Minh

Trời bình minh lướt theo chiều gió bướm bay bướm bay, chàng đi tìm yêu Đầu cành muôn đóa hoa hàm tiếu lả lơi mỹ miều, trêu bướm đa tình

Vườn hồng hoa ẩn sau màn lá, cánh phong kín hương nàng chưa hề yêu Thường nàng trông những con bướm tơ, nàng không ước mơ, đời hoa thơ trinh

Bướm tình tứ ngắm hoa hồn say sóng xuân, lòng tràn yêu mơ Hoa hổ ngươi trên cành, tình trong ngẩn ngơ, nhưng vờ làm duyên Bướm liền khoác cánh nhung, cùng hoa sánh đôi thề nguyền lưu luyến Đóa hoa hé môi đào, tươi cười thầm nghe mấy lời đầy thơ

Nghiêng mình chàng bướm ấp yêu đóa hoa bàng hoàng Trên lòng hoa thắm ái ân, hồn bướm mơ màng

Bướm là những lá thư nàng xuân gửi đi chào mừng non sông. Hoa dấu chân muôn màu, nàng xuân đã ghi khi nàng vừa sang Bướm là những thiếu niên lòng khao khát yêu, đời còn tươi sáng, Đóa hoa: khách yêu kiều, tình thơ chớm gây đời xuân trắng trong

Mời quý vị thưởng thức nhạc phẩm BƯỚM HOA qua tiếng hát:

Quỳnh Giao
Như Mai

Theo TS Trịnh Hoài Thu: “Cuối năm 1948, Nguyễn Văn Thương thôi công tác ở Bưu điện và chuyển hẳn sang công tác văn nghệ. Ông làm ủy viên thường vụ Ban chấp hành chi hội văn nghệ liên khu IV phụ trách về âm nhạc. Đây là một bước chuyển đặc biệt trong cuộc đời ông. Ông đã đi thực tập ở Nhạc viện Bắc Kinh – Trung Quốc từ năm 1964-1966. Năm 1968 ông lại tiếp tục đi tu nghiệp ở Đức tại Nhạc viện Leipzig. Tháng 4 năm 1972 ông trở về nước và được cử làm Hiệu trưởng trường Âm nhạc Việt Nam [nay là Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam]. Trên 20 năm công tác ở lĩnh vực nghệ thuật, làm công tác quản lý, ông đã đưa và hướng dẫn nhiều đoàn nghệ thuật Việt Nam đi thăm và biểu diễn trên 30 lần ở nhiều nước trên thế giới. Ông được phong hàm Giáo sư năm 1982…”

Mời quý vị thưởng thức một số tác phẩm “nhạc không lời” của Nguyễn Văn Thương:

Trở Về Đất Mẹ:

MP3 [cello & piano]
Youtube1 [dàn giao hưởng]
Youtube2 [cello & piano]

Youtube3 [Dàn nhạc dân tộc Việt Nam – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam]

Romance No 5 – cello: Trần Thị Mơ ; piano: Tuyết Minh

Adagio 3 – cello: Trần Thị Mơ ; piano: Tuyết Minh

Vũ Khúc Tây Nguyên – dàn giao hưởng

Vũ Khúc Ngày Hội – Đào Trọng Tuyển [piano] & nhóm nhạc thính phòng

NHẠC SĨ NGUYỄN VĂN THƯƠNG Lê Quốc Thanh – 14/01/2011

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sinh ngày 22 tháng 5, 1919 tại Thừa Thiên, trong một gia đình yêu nghệ thuật . Từ lúc 9 tuổi ông đã học đàn nguyệt và tự học ký xướng âm qua sách vở . Ông là một nhạc sĩ đa tài , là một trong những nhạc sĩ tân nhạc thuộc thế hệ đầu tiên của Việt Nam.

Hai bản nhạc được nhiều người biết tới nhất là “Đêm Đông ” [viết vào năm 1939], và “Bướm Hoa ” [viết năm 1942 khi làm việc ở nha bưu điện Saigon] . Bản “Đêm Đông ” đã được rất nhiều ca sĩ trình bày nhưng chỉ có nữ ca sĩ Bạch Yến là người đầu tiên chuyển điệu Tango sang Slow Rock vào năm 1958 và làm cho bài hát trở thành bất tử . Ông là người đầu tiên viết nhạc cho múa chuyên nghiệp như thơ múa “Chim Gâu “, kịch múa “Tấm Cám “, “Múa Ô “, “Chàm Rông ” . Ông có viết nhạc phim, viết nhạc hợp xướng . Ông còn được nhiều người biết đến với các bản nhạc soạn phối khí như “Lý Hoài Nam [độc tấu sáo trúc], “Buôn Làng Vào Hội “, “Quê Hương “, “Ngày Hội Non Sông “. Bản “Rhapsodie số 2 ” dành cho đàn Trưng và dàn nhạc giao hưởng [viết đầu thập niên 70] .

Có lẽ khi viết Đêm đông, Nguyễn Văn Thương không ngờ được rằng rồi nó sẽ đi vào lòng biết bao thế hệ suốt mấy mươi năm như thế. Khi ấy ông mới hai mươi tuổi. Một anh chàng sinh viên nghèo xác, đêm ba mươi không có tiền về quê ăn tết, đi lang thang trong cái lạnh Hà Nội, với bộ quần áo tây cũ và đôi giày tây rộng thùng thình. Chàng ta chỉ đủ tiền ăn ổ bánh mì, dạo qua phố Khâm Thiên, phố ả đào nổi tiếng của Hà Nội bấy giờ, mong tìm một chút ấm lòng giữa khu phố dập dìu đó. Thế nhưng ngay cả khu phố ăn chơi này cũng vắng ngắt, một cô đào nghe tiếng loẹt quệt trên đường [chứ nhạc sĩ lúc ấy làm gì dám bén mảng đến cửa nhà ả đào!] ra đưa mắt nhìn rồi chán nản quay vào, chỉ còn kịp thấy phản chiếu trong gương một cánh tay trần trắng nuỗn xanh xao. Buồn, chán đời và chán bản thân mình, quay về gác trọ và giữa tiếng gió lạnh gào rú bên ngoài, nhạc sĩ ngồi viết. Viết một mạch xong Đêm đông, từ thân phận mình, cảm thân phận người. Bài hát lặp lại mãi từ đêm đông, điệp lại mãi sự điên cuồng của gió! Tuy nhiên, có một điều rất lạ là người ta đã lãng quên nhân vật ký tên chung trong bản nhạc Đêm đông với Nguyễn Văn Thương trong bản in ở Sài Gòn. Đó là Kim Minh. Kim Minh là một người bạn, người đã chau chuốt lời cho các bản nhạc của Nguyễn Văn Thương. Tuy nhiên, ông này mất sớm. Chính vì vậy người ta cũng thành lạ luôn.

Thêm một điều lạ nữa là người nhạc sĩ thâm niên này lại có thời gian làm bưu điện, sở dây thép bấy giờ. Khi ấy [1938-1939] Pháp muốn mở rộng chính sách mị dân bằng cách tuyển nhiều trí thức Việt Nam vào các ngạch cao cấp. [Chính vì thế Xuân Diệu cũng được đỗ vào ngành Hải quan!]. Nguyễn Văn Thương đỗ đầu toàn Đông Dương, làm Bưu điện trung tâm Sài Gòn 5 năm. Đến bây giờ nhắc lại, ông nói: “Chỉ còn thế hệ trên 80 là biết mình. Vừa rồi có việc “lụy” bưu điện, mình đã phải quát ầm lên vì phải chờ lâu, bắc cái điện thoại mà mãi không xong. Mình bảo cái cô trẻ măng ngồi trực quầy: Này, thế hệ bọn mày không biết tao, chứ tao từng làm giám đốc bưu điện này cách đây 50 năm đấy!” [1]

Ngoài việc viết nhạc, ông còn viết nhiều sách về âm nhạc như “Tuyển Tập Piano ” [trung cấp], “Tuyển Tập 16 Bài Dân Ca, Dân Vũ Việt Nam ” [sọan cho piano] . Ông cũng là người đã đưa hệ trung cấp âm nhạc cổ truyền Việt Nam lên thành hệ đại học ở Việt Nam .

Ngày 5 tháng 12, 2002, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, đã từ trần tại bịnh viện Thống Nhứt , hưởng thọ 84 tuổi . Ông nguyên là giám đốc Đoàn ca múa nhạc Việt Nam, giám đốc Nhạc Viện Hà nội, giáo sư âm nhạc…

Tác Phẩm Đầu Tay: Năm 1935 khi theo học lớp đệ tam [tương đương lớp 10 hiện nay] tôi may mắn làm quen với một anh bạn nhỏ người nhưng rất lanh lợi và đàn piano khá thành thạo. Người ấy là nhạc sĩ Trần Văn Lý, về sau vào Sài Gòn sinh sống và nay đã mất. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được sờ tay vào cây đàn piano, thật là một niềm vui lớn lao mà tôi chưa bao giờ dám mơ tới. Anh Lý tốt bụng chẳng những nhiệt tình giải thích những thắc mắc về nhạc lý mà còn bày vẽ cho tôi tập đàn và giảng dạy những kiến thức sơ đẳng về hòa thanh, về câu cú trong bản nhạc. Anh Lý là người Công giáo. Cũng nên nhắc qua từ những năm cuối thập kỷ 20, các nhà truyền giáo đã đặt lời Việt cho các bài thánh ca thay cho lời La-tinh và lời Pháp để dễ truyền bá đạo Thiên Chúa trong con chiên. Đồng thời họ còn tổ chức các lớp dạy nhạc lý, dạy hát để phổ biến âm nhãc Thánh đường. Do đó đa số những người Việt sớm được tiếp xúc với âm nhạc Châu Âu cũng như được học nhạc lý phương Tây chính là người Công giáo hoặc học tại các trường dòng. Ta có thể liên hệ đến một số nhạc sĩ đi đầu trong phong trào âm nhạc cải cách để thấy rõ điều này. Cũng trong năm đó, tuần báo Phong Hoá ở Hà Nội thỉnh thoảng có đăng những bản nhạc của nhạc sĩ Lê Thương và Nguyễn Xuân Khoát. Trong khi vừa đàn vừa lẩm nhẩm hát những bài ca đầu tiên do người Việt sáng tác, tôi đã nảy sinh ý nghĩ sẽ cố gắng học nhạc để có thể làm được như các anh. Ước nguyện chóng thành, mùa hè năm sau [năm 1936] tác phẩm đầu tay của tôi ra đời. Từ lâu tôi vẫn hằng mong muốn dành những cảm hứng âm nhạc đầu tiên cho dòng sông quê hương, linh hồn của vẻ đẹp xứ Huế mà bao nhiêu nhà văn, nhà thơ đã từng hết lời ca ngợi. Thực vậy, sông Hương hiền hòa và thơ mộng chính là món quà vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho Huế. Chiều chiều tôi vẫn thường ra hóng mát ở bến Thương Bạc, vừa đọc sách vừa thả hồn trôi theo dòng nước trong veo dịu dàng chảy về phía Cồn Hến, Bao Vinh, lặng ngắm núi Ngự Bình với những hàng thông cao vút in hình trên nền trời xanh thẳm. Cũng tại nơi này vào mỗi buổi chiều thứ Năm tôi dõi mắt nhìn theo những chấm li ti, khi thì màu tắng khi lại màu tím, lúc ẩn lúc hiện trong rặng cây mà thầm đoán người yêu mình lúc này đang dạo chơi trên đỉnh đồi hay ngồi ven triền núi [*]. Khi hoàng hôn buông xuống sau dãy lam xa xa về phía cầu Bạch Hổ, tôi mê mẩn ngắm những áng mây tím, mây hồng viền vàng, viền đỏ soi mình trên dòng nước phẳng lặng rồi mờ dần, mờ dần trong khi màn đêm từ từ buông xuống.

Năm ấy tôi vừa thi đổ bằng Thành Chung nên cùng với mấy người bạn thân trong lớp tổ chức một buổi dã ngoại để chia tay. Chúng tôi thuê chiếc thuyền chèo đến điện Hòn Chén, mang theo đàn ghi-ta, măng-đô-lin và cả một máy quay đĩa lên dây cót. Đó là một đêm trăng sáng, ánh trăng lung linh in bóng xuống dòng nước, chúng tôi thả thuyền trôi theo dòng Hương Giang cùng nhau đàn hát và thưởng thức cảnh trí thơ mộng của đất đế kinh. Tôi còn nhớ lúc về gần cầu Bạch Hổ, chúng tôi neo thuyền lại rồi cùng nhau xuống tắm ở đoạn sông có bãi cát bồi khá rộng. Chuyến du ngoạn đêm ấy đem lại những ấn tượng và cảm xúc sâu sắc nên khi về nhà tôi đã sáng tác bài Trên Sông Hương. Nói là bài hát ra đời vì đã được ghi trên giấy trắng mực đen, nhưng bản thân tác giả cũng chưa dám tin đó lá một tác phẩm âm nhạc đáng được giới thiệu ra ngoài, bởi lẽ tôi có được học sáng tác bao giờ đâu ! Sau kỳ nghỉ hè, khi ra Hà Nội học ở trường Thăng Long tôi chép tay bản nhạc này đưa cho bạn bè xem để nhờ góp ý kiến. Vài người khen hay nhưng tôi vẫn còn dè dặt chưa dám phổ biến. Mãi mấy tháng sau, khi anh Dương Thiệu Tước đến gặp tôi đề nghị cho xuất bản bài Trên sông Hương, tôi mới vững tin rằng đã đến lúc đưa đứa con đầu lòng của mình ra mắt làng xóm. [2]

Chủ Đề