Trong Đông - Xuân 1953 đến 1954 bộ đội chủ lực Việt Nam mở chiến dịch tiến công quân Pháp ở

Biên phòng - Trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã đề ra tư duy chiến lược: Giữ vững thế chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng, không để địch tập trung lực lượng cơ động ở đồng bằng Bắc Bộ. Tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã tiếp tục chủ động, sáng tạo trong thay đổi phương châm tác chiến, chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” để đảm bảo giành thắng lợi.

Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954. Ảnh: Tư liệu

Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, tập trung hoàn thành chiến dịch

Ngày 7-5-1953, Đại tướng Henrri Navarre [khi ấy là Tham mưu trưởng lục quân Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương [NATO]] được Chính phủ Pháp cử sang làm Tổng Chỉ huy Quân đội Pháp ở Đông Dương. Navarre đã đề ra kế hoạch quân sự mới vào tháng 7-1953 với hy vọng quân Pháp đang trong tình thế phòng ngự bị động sẽ “chuyển bại thành thắng” trong vòng 18 tháng. Thực hiện Kế hoạch Navarre, quân Pháp đã mở rộng càn quét các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Bình - Trị - Thiên, Nam Bộ và tập trung quân cơ động chiến lược ở Bắc Bộ chuẩn bị cho cuộc tiến công lớn vào Việt Bắc để giành thắng lợi quyết định để nhanh chóng kết thúc chiến tranh theo hướng có lợi cho chúng.

Vào tháng 9-1953, Bộ Chính trị, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã họp bàn nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953 - 1954. Bộ Chính trị nhấn mạnh phương châm: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” và nguyên tắc chỉ đạo chiến lược, tác chiến là tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta; đánh chắc thắng; đánh tiêu diệt; chọn nơi địch sơ hở, tương đối yếu mà đánh; giữ vững thế chủ động, kiên quyết tiến công, buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó với ta trên nhiều hướng, các mặt trận; chọn thời cơ quyết chiến, quyết thắng. Để làm thất bại kế hoạch Navarre, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Địch tập trung quân sự đông để tạo nên sức mạnh. Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn... Về hướng hoạt động lấy Tây Bắc làm hướng chính. Các hướng khác là hướng phối hợp”.

Tháng 11-1953, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh đã ra lệnh cho quân ta tiến lên Tây Bắc. Cùng với hướng chính là Tây Bắc, quân ta cũng tiến đánh Trung Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên, Thượng Lào. Do đó, quân Pháp buộc phải phân tán lực lượng để giữ Tây Bắc [ngày 20-11-1953, quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ], Thượng Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên và đồng bằng Bắc Bộ.

Được sự giúp đỡ của Mỹ, Pháp đã tiến hành xây dựng nhanh chóng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương. Các tướng lĩnh Mỹ và Pháp đều cho rằng, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là “pháo đài bất khả chiến bại”. Do đó, để giành thắng lợi mang tính quyết chiến chiến lược, quân ta cần tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để làm lung lay đến tận gốc rễ hy vọng tiếp tục chiến tranh của thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ. Mục tiêu của chiến dịch là tiêu diệt lực lượng địch ở đây, giải phóng vùng Tây Bắc, tạo điều kiện giải phóng Bắc Lào.

Bộ Chính trị nhận định Điện Biên Phủ có một vị trí cô lập, xa căn cứ hậu phương của địch và mọi sự tăng viện, tiếp tế đều dựa vào đường hàng không. Lực lượng ta là những đơn vị chủ lực tinh nhuệ, có tinh thần chiến đấu cao và đã được huấn luyện về cách đánh tập đoàn cứ điểm. Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.

Tại hội nghị, Bộ Chính trị đã thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đảng ủy mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Ngoài ra, Hội đồng Cung cấp mặt trận cũng được thành lập ở Trung ương do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Theo đó, các địa phương cũng thành lập Hội đồng Cung cấp mặt trận cấp liên khu và cấp tỉnh.

Chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

Tổng quân số điều động tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ lên đến 55.000 người, bao gồm 3 đại đoàn bộ binh [308, 312, 316], Trung đoàn bộ binh 57 [Đại đoàn 304], Đại đoàn công binh - pháo binh 351. Đảng, Chính phủ ta cũng đã huy động 260.000 dân công để phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong trận đánh quyết định này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao trọn niềm tin cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và căn dặn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”[1]. Bởi vậy, tại Mặt trận Điện Biên Phủ, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã chủ động, sáng tạo trong thay đổi phương châm tác chiến, chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Ngày 30-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có thư gửi báo cáo điều này với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh và Bộ Chính trị: “Chúng tôi nhận thấy đối với một kẻ địch đã tăng cường như ở Điện Biên Phủ thì phải dùng cách đánh tiêu diệt từng bước”[2]. Kế hoạch “đánh chắc, tiến chắc” của Đảng ủy chiến dịch được Bộ Chính trị chấp thuận.

Từ ngày 13-3-1954, tại Mặt trận Điện Biên Phủ, quân ta đã tiêu diệt lần lượt từng cứ điểm, vây lấn địch từng mét hào và mở những đợt tiến công quyết định đi đến thắng lợi. 17 giờ 30 phút, ngày 7-5-1954, tướng De Castries, Chỉ huy trưởng cùng toàn bộ Ban tham mưu của địch đầu hàng và bị bắt sống.

Kết thúc chiến dịch, quân ta loại khỏi vòng chiến đấu toàn bộ 16.200 tên địch, trong đó có 1 tướng, hạ 62 máy bay, 81 đại bác. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đập tan “Kế hoạch Navarre”, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao của ta giành thắng lợi.

Nói về tầm vóc của chiến thắng Điện Biên Phủ [7-5-1954], tại Hội nghị Chính trị đặc biệt [3-1964], Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và anh dũng của nhân dân cả nước ta, chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin trong thời đại ngày nay: chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công”.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hệ thống thuộc địa của Pháp đã dần bị lung lay. Nhà sử học Mỹ Berna Fol đánh giá: “Lần đầu tiên, cường quốc thực dân bị một nước thuộc địa đánh bại”. Ký giả người Pháp Jules Roy ghi nhận: “Đó là một trong những thất bại lớn của phương Tây, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa”.

Đặc biệt, chỉ 4 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 1960 đã đi vào lịch sử nhân loại với tên gọi “Năm châu Phi” với 17 nước châu Phi đã tuyên bố độc lập. Đến 1968, có tới 39 nước ở châu lục này [gồm 85% lãnh thổ và 93% dân số] đã giành được thắng lợi trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc. Nhận định về chiến thắng Điện Biên Phủ, vào tháng 9-1969, Bí thư Đảng Cộng sản Tunisie Mohamed Hartman đã bày tỏ: “Chúng tôi biết rằng, chính cuộc đấu tranh thắng lợi của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp đã đóng góp vai trò quyết định trong việc thúc đẩy phong trào dân tộc ở châu Phi và trong thế giới Arab, và mở đầu sự tan rã của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”[3].

1. Võ Nguyên Giáp: Điểm hẹn lịch sử, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 66.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Điện Biên Phủ - Hội nghị Giơnevơ, Văn kiện Đảng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 214-220.

3. Thế giới ca ngợi và thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.631.

Nguyễn Văn Toàn

Chuyên mụcNgày này năm xưasố ra ngày 7-5-2022 cũng đượcBáo Quân đội nhân dân Điện tửthực hiện dưới hình thức các tác phẩmphát thanh podcastvà video clip trênChuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 7-5

Sự kiện trong nước

7-5-1944: Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị Sửa soạn khởi nghĩa.

7-5-1948: Thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam tại chiến khu Việt Bắc.

7-5-1954: Chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong 9 nǎm.

Từ giữa năm 1953, Bộ chỉ huy Pháp ở Đông Dương bắt đầu thực hiện Kế hoạch Nava, xây dựng khối cơ động chiến lược mạnh nhằm giành quyền chủ động trên chiến trường chính. Địch chủ trương nhanh chóng tăng cường binh lực trên các hướng bị uy hiếp, củng cố vùng chiếm đóng, tổ chức phòng ngự bằng tập đoàn cứ điểm, coi đó là biện pháp tác chiến chiến lược để đối phó với các cuộc tiến công của chủ lực ta.

Trên cơ sở phân tích âm mưu của địch và khả năng của ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh, ta buộc chúng phải phân tán lực lượng thì sức mạnh đó không còn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ [tại xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cuối năm 1953]. Ảnh tư liệu

Trước khi ta tiến công, địch đã xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ gồm 49 cứ điểm. Với lực lượng đông, hoả lực mạnh, hệ thống công sự vật cản được xây dựng vững chắc, hoàn chỉnh và tận dụng được thế lợi của địa hình, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là hệ thống phòng ngự mạnh nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Bộ chỉ huy Pháp coi Điện Biên Phủ là một “pháo đài không thể công phá” và tin chắc “sẽ gây cho Việt Minh một thất bại nghiêm trọng”.

Xác định quân Pháp đưa quân chiếm giữ Điện Biên Phủ là có lợi cho ta, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp thông qua kế hoạch tác chiến và quyết định: tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ mở chiến dịch tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giải phóng toàn bộ Tây Bắc, tạo ra sự chuyển biến mới trong cục diện chiến tranh và tạo điều kiện cho Lào giải phóng Thượng Lào. Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng uỷ mặt trận là Võ Nguyên Giáp. Sở chỉ huy chiến dịch đặt tại Mường Phăng. Thời gian nổ súng dự định vào 13-3-1954.

Ngày 7 tháng 5 năm 1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Lá cờ quyết chiến quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ảnh tư liệu

Kết quả, sau 56 ngày đêm chiến đấu liên tục, quân và dân ta đã tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã loại khỏi vòng chiến đấu một số lượng lớn sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, giải phóng địa bàn có ý nghĩa chiến lược, giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho đấu tranh ngoại giao của ta đi tới kết thúc chiến tranh. Chiến thắng Điện Biên Phủ trở thành “cột mốc vàng” của lịch sử dân tộc Việt Nam, niềm tự hào của dân tộc và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

[Bách khoa toàn thư Quân sự Việt Nam]

7-5-1955: Ngày thành lập Quân chủng Hải quân [Cục Phòng thủ Bờ bể thuộc Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh].

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một đơn vị Hải quân nhân dân Việt Nam đang sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng biển Tổ quốc [22-1-1962]. Ảnh tư liệu

Bộ đội hải quân không ngừng phấn đấu, rèn luyện, góp phần xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đội tuyển Hải quân nhân dân Việt Nam tham gia môn thi “Cúp biển” trong khuôn khổ Army Games 2021.

Thực hiện nghị quyết của Tổng Quân ủy về xây dựng lực lượng phòng thủ bờ biển, ngày 7-5-1955, Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh ra Nghị định số 284/NĐ-A thành lập Cục phòng thủ bờ bể trực thuộc Bộ. Nhiệm vụ của Cục là giúp Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo bộ đội phòng thủ bờ biển; đào tạo cán bộ, nhân viên, thủy thủ; sản xuất các dụng cụ, phương tiện về thủy quân; xây dựng các thủy đội phòng thủ bờ biển rồi chuyển giao cho các liên khu [sau này là quân khu]. Ngày 7-5-1955 trở thành mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời của Hải quân nhân dân Việt Nam.

7-5-1985: Ngày thành lập Bệnh viện Quân y 15 [Binh đoàn 15].

Sự kiện quốc tế

7-5-1840: Ngày sinh Nhà soạn nhạc nổi tiếng nước Nga Pyotr Ilyich Tchaikovsky. Ông là một trong những người đặt nền móng cho nhạc giao hưởng cổ điển Nga.

Chân dung Tagore. Ảnh: baotintuc.vn

7-5-1861: Tagore, nhà thơ lớn, nhà vǎn hoá lớn của Ấn Độ ra đời tại Kolkata. Ông mất ngày 7-8-1941, thọ 80 tuổi. Ông được coi là thần đồng trong lĩnh vực văn học. Các tác phẩm nổi tiếng của ông như: Thơ dâng, Balaca, Người làm vườn, Mùa hái quả, Ngày sinh, Thơ ngắn...

Theo dấu chân Người

Ngày 7-5-1959, Bác thăm Sơn La thuộc Khu tự trị Thái - Mèo và gặp gỡ và động viên đồng bào Thuận Châu: “Đồng bào Khu tự trị đã từng cùng bộ đội ta đánh thắng trận Điện Biên Phủ, đuổi hết giặc Tây, giải phóng đất nước. Ngày nay đồng bào, bộ đội và cán bộ lại càng phải cùng nhau đoàn kết phấn đấu để giành lấy một thắng lợi to hơn nữa là tiêu diệt cho hết giặc đói, giặc dốt, làm cho mọi người đều được no ấm, đều biết chữ, làm cho mọi người đều được hưởng hạnh phúc, yên vui”.

Ngày 7-5-1963, Bác viết bài báo “Kỷ niệm thắng lợi Điện Biên Phủ” [ký bút danh T.L] đăng trên Báo Nhân Dân nhấn mạnh ý nghĩa của chiến thắng lịch sử này.

Bác Hồ thưởng Huy hiệu cho các cán bộ, chiến sĩ lập nhiều chiến công, tham gia chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ [5-1954]. Ảnh tư liệu

Ngày 7-5-1964, kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, Bác viết vào “Sổ cảm tưởng” của Bảo tàng Điện Biên Phủ: “Chiến thắng Điện Biên Phủ… là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin trong thời đại ngày nay: chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại; cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công”.

[Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, 2010]

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Lý luận kết hợp với thực hành, học tập kết hợp với lao động”.

Đó là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Sinh viên Việt Nam lần thứ II, ngày 7-5-1958. Lời dạy của Người đối với sinh viên Việt Nam diễn ra trong bối cảnh miền Bắc đang thực hiện Kế hoạch 3 năm lần thứ hai [1958- 1960]. Cùng với các lĩnh vực khác, trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Bác Hồ với thế hệ trẻ. Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, cũng có những vấn đề mới trong thực tiễn đặt ra, đòi hỏi phải kịp thời chấn chỉnh, định hướng. Bác đã chỉ rõ: “Lao động trí óc mà không lao động chân tay, chỉ biết lý luận mà không thực hành thì cũng là tri thức có một nửa. Vì vậy, cho nên các cháu trong lúc học lý luận cũng phải kết hợp với thực hành và tất cả các ngành khác đều phải: Lý luận kết hợp với thực hành, học tập kết hợp với lao động”.

[Hồ Chí Minh:Toàn tập,Nxb. Chính trị Quốc gia-Sự thật, t.11, tr.400]

Lời dạy của Người chỉ ra phương châm giáo dục đào tạo bao hàm cả lý luận và thực tiễn, lý thuyết với thực hành, Người xác định lao động là quyền, là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi công dân đối với Tổ quốc. Ai cũng phải tùy khả năng của mình mà tự nguyện, tự giác tham gia lao động, góp phần xây dựng nước nhà. Mỗi người phải nhận rõ: Lao động là vinh quang, lao động chân tay hay lao động trí óc đều là vẻ vang, đáng quý. Do vậy, học tập phải kết hợp với lao động, sản xuất.

Học tập và làm theo lời Bác dạy,công tác huấn luyện, đào tạo trong quân đội luôn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc.

Học tập và làm theo lời Bác dạy, công tác huấn luyện, đào tạo trong quân đội luôn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc với việc ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác huấn luyện, công tác giáo dục đào tạo và được cụ thể hóa thành những quan điểm, nguyên tắc trong huấn luyện. Trong đó, xác định lý luận liên hệ với thực tiễn, lý thuyết đi đôi với thực hành, lấy thực hành làm chính. Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện, kiểm tra và diễn tập các cấp có bắn đạn thật để không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Kết quả công tác huấn luyện, đào tạo được xác định là một tiêu chí quan trọng, là thước đo để đánh giá năng lực lãnh đạo, chỉ huy của cấp ủy, chỉ huy các cấp. Bên cạnh việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của đội quân chiến đấu, quân đội luôn coi trọng và tiến hành có hiệu quả chức năng đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất trong tình hình mới.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất BáoQuân đội nhân dân ngày 7-5 các năm 1970, 1973, 1974, 1979, 1984 đăng ảnh Hồ Chủ tịch tặng Huân chương cho các chiến sĩ đã lập công xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trên trang nhất ra ngày 7-5-1970 đăng lời của Bác: “Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác – Lê nin trong thời đại ngày nay: chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công".

Trang nhất số 8235 ngày 7-5-1984 đăng lời của Bác: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác – Lê-nin trong thời đại ngày nay: Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định sẽ thất bại, cách mạng giải phóng dân tộc nhất định thành công”.

Trang nhất BáoQuân đội nhân dân ngày 7-5 các năm 1970, 1973, 1974, 1979, 1984.

Trang nhất BáoQuân đội nhân dân số 1354, ngày 7-5-1964 đăng ảnh Hồ Chủ tịch và các vị lãnh đạo Đảng, mặt trận, Nhà nước tới dự Mít tinh trọng thể kỷ niệm 10 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Trang nhất BáoQuân đội nhân dânsố 5033, ngày 7-5-1975 đăng ảnh Hồ Chủ tịch cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước bàn kế hoạch tiến công Đông Xuân 1953-1954.

Trang nhất BáoQuân đội nhân dânsố 5395, ngày 7-5-1976 đăng ảnh Hồ Chủ tịch trên lễ đài Ba Đình khi Đảng và Chính phủ về Thủ đô sau chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trang nhất BáoQuân đội nhân dânsố 12200, ngày 7-5-1995 đăng ảnh Bác Hồ cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị xem và duyệt kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trang nhất BáoQuân đội nhân dânsố 17259, ngày 7-5-2009 đăng ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ [xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cuối năm 1953].

Trang nhất BáoQuân đội nhân dânsố 17981, ngày 7-5-2011 đăng ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước họp bàn, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trang nhất BáoQuân đội nhân dânsố 18704, ngày 7-5-2013 đăng ảnh Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở mặt trận chiến lược: Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của quân viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ.

Trang nhất BáoQuân đội nhân dân ngày 7-5 các năm 1964, 1975, 1976, 1995, 2009, 2011 và 2013.
Trang nhất BáoQuân đội nhân dân ngày 7-5 các năm 1967 và 2015.

Trang nhất BáoQuân đội nhân dânsố 2134, ngày 7-5-1967 đăng tin Hồ Chủ tịch ký lệnh thưởng huân chương Độc lập hạng Nhất cho quân và dân Hà Nội.

Trang nhất BáoQuân đội nhân dânsố 19426, ngày 7-5-2015 đăng ảnh Bác Hồ với Bộ đội Hải quân kèm bài viết “Bộ đội Hải quân thực hiện lời dạy của Bác Hồ”.

TƯỜNG VY [tổng hợp]

Video liên quan

Chủ Đề