Văn bản nghệ thuật trong chương trình mầm non là gì

Văn học - phương tiện giáo dục thẩm mỹ cho trẻ mầm non

11/9/2018 3:57:00 PM

Giáo dục thẩm mỹ[GDTM] cho trẻ mầm non có thể sử dụng nhiều phương tiện nghệ thuật khác nhau: âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, sân khấu điện ảnh, văn học... Trong đó, văn học được coi là một trong những phương tiện GDMT cho trẻ mầm non hiệu quả nhất

Văn học - phương tiện giáo dục thẩm mỹ cho trẻ mầm non

Tóm tắt: Giáo dục thẩm mỹ[GDTM] cho trẻ mầm non có thể sử dụng nhiều phương tiện nghệ thuật khác nhau: âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, sân khấu điện ảnh, văn học... Trong đó, văn học được coi là một trong những phương tiện GDMT cho trẻ mầm non hiệu quả nhất vì: Văn học giúp phát triển ở trẻ khả năng tri giác thẩm mĩ, trên cơ sở đó hình thành xúc cảm, tình cảm, khái niệm thẩm mĩ, tạo ra mọi điều kiện thuận lợi nhất để phát triển khả năng sáng tạo nghệ thuật ở trẻ và xây dựng được những cơ sở đầu tiên của thị hiếu thẩm mĩ. GDTM có sức mạnh vô cùng to lớn, hãy mở rộng cách cửa để dẫn dắt trẻ đi vào thế giới bao la của cái đẹp và sự sáng tạo

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong xu hướng phát triển và yêu cầu đổi mới của ngành Giáo dục mầm non, có nhiều cách tiếp cận mới về mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục trẻ. Một trong những cách tiếp cận mới được đề cập và ứng dụng phổ biến trong thực tiễn giáo dục mầm non hiện nay là dạy học tích hợp theo chủ đề. Trong đó "Giáo dục thẩm mỹ trong trường mầm nonlà nội dung quan trọng không thể thiếu trong Chương trình giáo dục mầm non. GDTM cho trẻ mầm non có thể sử dụng nhiều phương tiện nghệ thuật khác nhau: âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, sân khấu điện ảnh, văn học nghệ thuật... Trong đó, văn học được coi là một trong những phương tiện GDMT cho trẻ mầm non hiệu quả và dễ triển khai thực hiện trong các hoạt động học tập và vui chơi trong các trường mầm non.

NỘI DUNG

1. Khái niệm thẩm mỹ và giáo dục thẩm mỹ cho trẻ mầm non

1.1. Giáo dục thẩm mỹ nhìn từ góc độ mĩ học

Trong mĩ học Mácxít, GDTM được hiểu theo hai nghĩa: Nghĩa hẹp là giáo dục có tính trường quy về cái đẹp, giáo dục cho con người biết cảm thụ, đánh giá và sáng tạo ra cái đẹp. Nghĩa rộng là sự giáo dục và tự giáo dục, phát huy mọi năng lực bản chất con người theo quy luật của cái đẹp. Như vậy, GDTM tồn tại khắp nơi trong cuộc sống. GDTM đồng nghĩa với sự hình thành thẩm mĩ. GDTM là nâng cao năng lực thẩm mỹ ở mỗi người, trong đó việc bồi dưỡng các cảm xúc thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ và lí tưởng thẩm mỹ. Xây dựng những tình cảm mạnh mẽ để con người có thể phân biệt rạch ròi cái cũ, cái mới, cái xấu, cá đẹp. Đó là công việc trọng tâm của GDTM. Vì thế lí luận GDTM của chủ nghĩa Mác luôn luôn quan tâm tới khả năng thụ cảm, xúc cảm của con người.

GDTM theo cả hai nghĩa đều hướng tới làm sáng rõ mối quan hệ thẩm mĩ của con người với hiện thực như trong sơ đồ sau:

Ba yếu tố trên có mối quan hệ qua lại và biện chứng nhau. Vì thế quá trình GDTM là nhằm hình thành chủ thể thẩm mỹ biết hưởng thụ, đánh giá và sáng tạo trên mọi mặt của cuộc sống theo quy luật của cái đẹp.

1.2. Giáo dục thẩm mỹ cho trẻ mầm non

Khi xem xét GDTM với tư cách là đối tượng để giáo dục trẻ em phát triển nhân cách toàn diện, thì GDTM là một khái niệm rộng, trong đó chủ yếu là giáo dục thái độ thẩm mỹ đối với thiên nhiên, lao động đời sống xã hội, sinh hoạt và nghệ thuật. Bởi vì, thẩm mỹ thuộc phạm trù quan hệ, đánh giá. Khi có quan hệ đến đối tượng thẩm mỹ, cá nhân bộc lộ thái độ của mình qua sự đánh giá. Thái độ trong tâm lý học được lý giải như là mối quan hệ giữa con người với hiện thực. Tất nhiên thái độ phản ánh cả tập hợp động cơ, tình cảm, ý thức. Thái độ thẩm mỹ của trẻ với thế giới xung quanh là một hệ thống hoàn chỉnh của những mối liên hệ cá nhân, có chọn lọc của trẻ với những phẩm chất mỹ học của xung quanh. Thái độ thẩm mỹ của trẻ bao gồm phản ứng xúc cảm của trẻ đối với cái tuyệt vời, cái đẹp, những xúc cảm lành mạnh; hoạt động sáng tạo của trẻ, nguyện vọng biến đổi xung quanh vừa sức mình, cũng như đánh giá những sự kết hợp đẹp đẽ, hài hoà về màu sắc, âm thanh.

Xét về bản chất, GDTM cho trẻ mầm non là nhằm xây dựng nên những đứa trẻ với tư cách là chủ thể thẩm mĩ chân chính, biết thưởng thức, biết đánh giá, biết sáng tạo cái đẹp. Đó là các thành tố quan trọng góp phần tạo nên nhân cách trẻ một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội.

2. Văn học với tư cách là phương tiện giáo dục thẩm mĩ cho trẻ mầm non

Trên cơ sở nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn việc GDTM ở các trường Mầm non trong nước, các nước trong khu vực và Châu Âu trong mối liên hệ với đặc điểm tâm, sinh lý, với các phương tiện dạy học hầu hết các tác giả đã khẳng định vai trò của GDTM có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện nhân cách trẻ thơ. GDTM cho trẻ mầm non có thể sử dụng nhiều phương tiện nghệ thuật khác nhau: âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, sân khấu điện ảnh, văn học..., trong đó văn học được coi là phương tiện GDMT cho trẻ mầm non tuyệt với và hiệu quả nhất.

Xét ở phương diện GDTM, mỗi quá trình phản ánh hiện thực thông qua các loại hình nghệ thuật khác nhau mang lại các vai trò GDTM cho trẻ mầm non cũng khác nhau.

Âm nhạc có khả năng tác động đến thính giác, nó đưa lại mĩ cảm sâu sắc trong tâm hồn mỗi đứa trẻ thông qua thế giới âm thanh. Âm nhạc là một loại hình nghệ thuật tuyên truyền tác động vào các lĩnh vực tình cảm của trẻ, thống nhất các tình cảm thông qua xúc cảm mà thể hiện tư tưởng, tình cảm thị hiếu thẩm mĩ của trẻ.

Sân khấu và điện ảnh thuộc loại hình nghệ thuật tổng hợp. Mặc dù có những khác nhau nhưng ở cả hai loại đều có sự kết hợp của các nghệ thuật biểu diễn, tạo hình và biểu hiện. Do đó, sân khấu, điện ảnh đều là những phương tiện để giáo dục tư tưởng, giáo dục thị hiếu cho trẻ mầm non rất tốt. Nó mang lại cho chủ thể thưởng thức những lý tưởng cao quý của cái đẹp, đấu tranh chống lại cái xấu trong xã hội, khơi dậy tính tích cực của trẻ.

Nghệ thuật tạo hình nhờ những thuộc tính khách quan [hình thức vật chất của các vật thể, màu sắc, đường nét, hình khối] mà nội dung hiện thực được tái hiện cụ thể trong tác phẩm nghệ thuật tạo hình, do đó chúng có sức thuyết phục mạnh mẽ đến tình cảm thẩm mĩ , khả năng nhận thức của của trẻ. Nghệ thuật tạo hình là một trong những con đường làm phong phú sự tiếp xúc của trẻ với hiện thực, định hướng cho sự hoạt động của trẻ nhằm nhận thức thế giới xung quanh. Nghệ thuật tạo hình giúp chủ thể thưởng thức hiểu về cái đẹp để sống và hoạt động theo quy luật của cái đẹp.

Văn học nghệ thuật miêu tả cuộc sống bằng phương tiện ngôn từ. Nó thể hiện được toàn bộ tính phong phú của thế giới hiện thực nơi con người sống, suy nghĩ, cảm xúc và hành động. Bằng những hình thức đặc trưng của nghệ thuật ngôn từ, văn học thể hiện các tư tưởng, đạo đức và thẩm mĩ, làm phong phú, sâu sắc và tinh tế thêm thế giới tinh thần của trẻ. Ngôn ngữ văn học mang tính nghệ thuật có tác dụng như một phương tiện hết sức quan trọng của GDTM. Chính trong quá trình tiếp nhận văn học, năng lực thẩm mĩ của chủ thể thưởng thức [trẻ mầm non] sẽ được bộc lộ rõ nét như: tình cảm, tư tưởng, nhận thức, kinh nghiệm của bản thân về cuộc sống và hoạt động thực tiễn, được gợi mở để hoàn thiện về nhiều mặt và phát triển con người theo hướng hài hoà, hoàn thiện của cái đẹp trong tâm hồn trẻ.

Tuổi mầm non là thời kỳ nhạy cảm với những cái đẹp xung quanh, có thể nói đây là thời kỳ phát cảm của những xúc cảm thẩm mỹ, những xúc cảm tích cực, dễ chịu được nảy sinh khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với cái đẹp tạo nên trạng thái tinh thần khoan khoái khiến trẻ cảm thấy gắn bó thiết tha với con người và cảnh vật xung quanh, giáo dục lòng yêu cái đẹp và năng lực đưa cái đẹp vào trong đời sống một cách sáng tạo. Đối với trẻ em tình cảm thẩm mỹ được hình thành từ rất sớm. Nó được nảy sinh từ sự hấp dẫn của sự vật, hiện tượng xung quanh và từ nhu cầu hiểu biết của trẻ. Nó là trạng thái đòi hỏi thoả mãn các thiếu hụt về thẩm mỹ, về cái đẹp. Văn học hội tủ đủ các yếu tố trên để thỏa mãn mọi nhu cầu và tình cảm yêu mến của trẻ. Văn học với tư cách là phương tiện quan trọng trong GDTM cho trẻ trong trường mầm non vì văn học phát triển ở trẻ khả năng tri giác thẩm mĩ, trên cơ sở đó hình thành xúc cảm, tình cảm, khái niệm thẩm mĩ, tạo ra mọi điều kiện thuận lợi nhất để phát triển khả năng sáng tạo nghệ thuật ở trẻ và xây dựng được những cơ sở đầu tiên của thị hiếu thẩm mĩ.

Văn học giúp trẻ phát triển khả năng tri giác thẩm mĩ.

GDTM cho trẻ mầm non thông qua văn học cần phải bắt đầu từ việc làm thế nào phát triển được năng lực tri giác cái đẹp cho trẻ. Các tác phẩm văn học viết cho trẻ em như một khung cửa sổ rộng lớn với bao màu sắc sặc sỡ, bao âm thanh kì diệu về cuộc sống và vô vàn sự vật hiện tượng chuyển động, biến đổi không ngừng của sự vật đã thu hút sự chú ý của trẻ với niềm say mê vô hạn. Nhưng sự chú ý đó của trẻ chưa phải là sự biểu hiện của tình cảm thẩm mĩ mà chỉ là sự biểu hiện của hứng thú nhận thức. Bởi vì trẻ chưa biết cách nhìn nhận những cái đẹp trong cuộc sống trong tác phẩm, chưa có những tiêu chuẩn để đánh giá cái đẹp thực sự. Do đó, giáo viên mầm non cần làm cho trẻ có khả năng, kĩ năng tri giác bằng tất cả các giác quan một cách có ý thức về cái đẹp hướng dẫn cho trẻ cách quan sát, chú ý đến những sự vật hiện tượng trong tự nhiên, phản ánh trong tác phẩm; giúp trẻ biết nhìn và phát hiện ra cái đẹp, giáo dục cho trẻ biết suy xét phân biệt cái đẹp và cái chưa đẹp [xấu], đánh giá và nhìn nhận về phương diện thẩm mĩ đối với thế giới xung quanh.

Ví dụ: Bài thơ Hoa kết trái của tác giả Thu Hà

Hoa cà tím tím Hoa vừng nho nhỏ Này các bạn nhỏ

Hoa mướp vàng vàng Hoa đỗ xinh xinh Đừng hái hoa tươi

Hoa lựu chói chang Hoa mận trắng tinh Hoa yêu mọi người

Đỏ như đốm lửa. Rung rinh trong gió. Nên hoa kết trái.

Trẻ được nghe các cô đọc, trẻ đọc theo hay trẻ tự đọc thì trong qua trình đó trẻ bắt đầu cùng cô tri giác tác phẩm để quan sát và khám phá cái đẹp. Trẻ có thể sự dụng nhiều giác quan để tri giác tác phẩm. Bài thơ Hoa kết trái được viết những câu từ ngắn gọn, trong sáng, gần gũi với trẻ thơ, đã mở ra trước mắt các em những bông hoa đẹp rực rỡ sắc màu: vàng vàng, đốm lửa, trắng tinh đang tỏa hương thơm dưới ánh nắng mặt trời. Thông qua những hình ảnh đó, không chỉ giúp các em cảm nhận được vẻ đẹp lộng lẫy, tươi tốt của các loài hoa trong vườn, biết trân trọng, gìn giữ, bảo vệ cái đẹp mà còn biết nhìn và phát hiện ra cái đẹp trong ngôn ngữ với biện pháp so sánh, nhân hóa, điệp vần, liên tưởngđem đến cho các em những cảm xúc tươi mới về thế giới xung quanh.

Cho nên tri giác thẩm mĩ bao giờ cũng có liên quan chặt chẽ với xúc cảm và tình cảm thẩm mĩ. Bởi vì trong quá trình tri giác thế giới xung quanh trẻ thường biểu hiện xúc cảm, tình cảm của mình qua nét mặt, nụ cười, thái độ đồng tình hoặc phản đối, thích hay không thích, qua lời nói tán thành hoặc chê trách .. Đó là cảm xúc tâm hồn ngây thơ, trong sáng của trẻ khi được tiếp xúc với sự vật hiện tượng muôn màu của cuộc sống mà trẻ tham gia vào.

GDTM cho trẻ mầm non thông qua văn học cần lựa chọn nội dung tác phẩm văn học, thể loại, phù hợp với từng độ tuổi, nhận thức, xúc cảm, tình cảm của trẻ mới có thể giúp trẻ để trở thành một chủ thể thẩm mĩ thực sự.

  • Văn học giúp trẻ phát triển khả năng tư duy sáng tạo nghệ thuật.

Khi đề cập đến vấn đề phát triển khả năng sáng tạo nghệ thuật ở trẻ, N.C. Cơrupxcaia viết: Cần phải làm thế nào đó để không chỉ cảm thụ mà phải hành động, không chỉ bắt chước mà còn sáng tạo[7;12]

Đối với trẻ khi mới sinh ra chưa có khả năng sáng tạo. Khả năng sáng tạo chỉ được hình thành trong quá trình trẻ tham gia vào cuộc sống xã hội dưới những tác động có mục đích và mọi trẻ em bình thường đều có khả năng sáng tạo nghệ thuật nếu được hướng dẫn đúng đắn về mặt sư phạm.

Trẻ mầm non yêu thích tất cả những hình thức nghệ thuật và luôn mong muốn thể hiện các hình thức nghệ thuật đó. Vì vậy, trẻ mầm non đã có thể tham gia thể hiện hầu hết các loại hình hoạt động nghệ thuật như: xây dựng một câu chuyện; sáng tác một bài thơ, bài hát, đóng kịch... Đó là biểu hiện của khả năng sáng tạo nghệ thuật ở trẻ.

Để phát triển khả năng sáng tạo nghệ thuật ở trẻ nhà giáo dục cần cho trẻ tiếp xúc với các tác phẩm văn học [truyện cổ tích, truyện đồng thoại, truyện ngắn hiện đại, thơ, ca dao, đồng dao, câu đố, vè ...] phù hợp với lứa tuổi.

Trước hết, nhà giáo dục đặc biệt là giáo viên mầm non phải giúp trẻ nắm được một số tri thức sơ đẳng về các loại hình nghệ thuật khác nhau [như nội dung, tư tưởng, ý nghĩa...] và những phương tiện thể hiện mô tả của các loại hình nghệ thuật ấy, nắm được những phương thức hành động độc lập và sáng tạo. Điều đó nghĩa là phải giúp trẻ nắm được cách hành động độc lập, cách di chuyển và áp dụng cái đã nắm được vào những hoàn cảnh mới. Sau đó, các nhà giáo dục, giáo viên mầm non cần giúp trẻ chuyển từ những ưa thích, hứng thú, đánh giá đầu tiên đối với các loại hình nghệ thuật thành nhu cầu, hứng thú tham gia vào các loại hình nghệ thuật sáng tạo đó.

Ví dụ 1. Dạy trẻ kể chuyện sáng tạo.

Dạy trẻ kể chuyện sáng tạo với nhiều đề tài khác nhau có thể là hiện thực [ngày sinh nhật của thỏ, chú vịt xám, bác gấu đen, dán hoa tặng mẹ] có thể là truyện cổ tích, truyện đồng thoại [cuộc phiêu lưu của nhím con, sự tích cây tre, cô bé quàng khăn đỏ, đôi giầy kì diệu]. Giáo viên mầm non có thể gợi ý để trẻ tự nghĩ ra nội dung câu chuyện, cấu trúc logic thể hiện trong hình thức lời nói tương ứng với nội dung câu chuyện

Ví dụ 2. Dạy trẻ đóng kịch.

Đây là hoạt động trẻ rất yêu thích vì nó giúp trẻ vừa vui chơi và học tập hiệu quả. Trẻ được tham gia, khám phá câu chuyện bằng những trải nghiệm của bản thân. Đối với xây dựng kịch bản, giáo viên cùng với trẻ cùng xây dựng kịch bản và lựa chọn nhân vật, kết hợp sử dụng tất cả các hình thức ngôn ngữ của nghệ thuật sân khấu [ngôn ngữ đối thoại, độc thoại, của kịch nói, lối nói bằng thơ, đọc thơ trong kịch thơ, những ca khúc, điệu múa trong nhạc kịch] để tiến hành cho trẻ đóng kịch.

Chẳng hạn: Truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh, giáo viên và trẻ có thể cùng nghĩ ra tình huống kịch, biên soạn lại và chuyển thể thành kịch bản dành cho lớp Mẫu giáo lớn đóng kịch.

1. Công tác chuẩn bị:

Nhân vật:

- Người dẫn chuyện: Giáo viên.

- Vua Hùng: 1 cháu nam đóng

- Sơn Tinh: 1 cháu nam đóng vai.

- Thuỷ Tinh: 1 cháu nam đóng vai.

- Mọi người [nam, nữ, già, trẻ, gái, trai thuộc nhiều dân tộc]: Tập thể lớp đảm nhận.

- Các loài thuỷ quái, nước, gió,sấm chớp: 5 cháu đóng.

- Các loài thú rừng [sóc, hươu, nai], núi, cây: 5 cháu đóng.

Chuẩn bị sân khấu: Sân khấu được trang trí sáng sủa, xa xa là núi Tản Viên. Núi và cây đứng cạnh nhau, cây lắc như đang đùa vui với núi rừng.

2. Đóng kịch

Cảnh 1:

Sóc [cầm loa chạy về các phía của sân khấu]:

  • Loa - Loa - Loa
  • Mời già trẻ, trai gái
  • Về Tản Viên dự hội
  • Loa - Loa - Loa

Núi [nói với cây]: Này cây ơi, có nghe sóc loa không!

  • Hôm nay là ngày hội của rừng núi đấy.

Cây: Hội mừng Sơn Tinh thần núi phải không?

  • [Hươu, nai với những cặp sừng duyên dáng, tay cầm cành cây đầy hoa quả, vừa ríu rít đùa vui, vừa tiến vào]

Hươu: Ta sẽ mang vào hội những những bông hoa rực rỡ, sắc mầu và ngát hương thơm.

Nai: Ta sẽ mang vào hội những quả chín ngọt lành.

  • [Hươu, nai cầm tay nhau]
  • Hươu, nai[đồng thanh]: Này cây ơi! Ở núi Tản Viên có hội gì vui vậy!

Núi: Các bạn biết không! Thần Sơn Tinh đã tìm được voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao làm lễ vật dâng vua.

Cây: Vua đã đồng ý gả cô công chúa Mị Nương xinh đẹp cho Sơn Tinh rồi.

Núi: Nào hãy nổi trống lên.

Cây: Nào hãy nổi chiêng lên.

Hươu, nai: Hãy nổi chiêng, trống lên để mừng ngày hạnh phúc.

  • [Tiếng chiêng, trống, hươu, nai, cây, núicầm tay nhau nhảy múa, hát ca..]

Người dẫn chuyện: Có một ngày thật vui. Một ngày thật hạnh phúc. Ngày ấy đã xa lắm rồi. Thuở ấy

[Kể tóm tắt hoặc đọc diễn cảm lại truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh đến đoạn vua Hùng giữ lời hứa gả con gái công chúa cho Sơn Tinh].

Cảnh 2:[Sân khấu ánh sáng nhạt dần]

Người dẫn chuyện [đọc hoặc kể đoạn: Thuỷ Tinh không lấy được công chúa nên nổi giận dâng nước lên bao vây núingập tràn nước mênh mông].

Sóc[chạy vào sân khấu]:

  • Cấp báo, cấp báo,
  • Mưa gió ào ào
  • Nước sông suối dâng cao.
  • Lũ tràn khắp ngả.
  • [Hươu, nai chạy vào]

Hươu: Thuỷ Tinh không lấy được công chúa nên dâng nước đánh Sơn Tinh.

Thuỷ Tinh [cùng lũ mưa gió, thuỷ quái mang mặt nạ, mặc áo đen, lao vào sân khấu, cây cối ngả nghiêng]:

  • Thuỷ quái đâu hãy đến đây.
  • Ta sẽ cướp công chúa về làm vợ.

Cảnh 3:

Người dẫn chuyện:Đọc hoặc kể đoạn: Sơn Tinh bình tĩnh.lui quân về

Sơn Tinh[xuất hiện uy nghi]:

  • Hỡi thần dân!
  • Bọn Thuỷ Tinh đã gây bao ác độc.
  • Mọi người hãy chung sức, chung lòng.
  • Giữ làng, giữ xóm.

[Trống thúc liên hồi. Cảnh sân khấu: Một bên là nam, nữ các dân tộc đang đọ sức với một bên là các loài thuỷ quái. Người - nam, nữ các dân tộc anh em, cầm xẻng, cuốc, quang gánh, lao động đắp đêvừa làm vừa ca hát. Chẳng mấy chốc đê đã được đắp lên cao].

Sơn Tinh: Thuỷ Tinh đã thua rồi, ha ha

  • Bà con ơi, ta tiếp tục hội vui
  • Nào chiêng, nào trống hãy nổi lên.
  • Chúng ta hát bài ca
  • Con người bắt thiên nhiên khuất phục
  • Mọi người[nói đồng thanh]: Con người bắt thiên nhiên khuất phục.

[Sau đó cầm tay nhau múa ca. Ánh sáng nhạt dần. Hạ màn].

Trong quá trình tham gia đó, trẻ được rèn luyện các kĩ năng cần thiết thể hiện nội dung hoạt động nghệ thuật đó, những năng lực để thực hiện thành công một loại hình nghệ thuật được hình thành và như vậy năng lực sáng tạo nghệ thuật được phát triển ở trẻ. Điều đó sẽ mang đến cho trẻ niềm vui, ham mê, những định hướng nhất định trong sự phát triển nhân cách và nó là cơ sở để hình thành thị hiếu thẩm mĩ cho trẻ.

Văn học góp phần hình thành những cơ sở của thị hiếu thẩm mĩ cho trẻ mầm non

Sự cảm thụ cái đẹp có liên hệ mật thiết đến năng lực đánh giá cái đẹp một cách đúng đắn. Đối với trẻ mầm non, giáo dục thị hiếu thẩm mĩlà bồi dưỡng cho trẻ năng lực đánh giá cái đẹp, biết phân biệt cái đẹp với cái không đẹp [thô kệch và xấu xí] và biểu hiện thái độ của mình với các sự vật hiện tượng đó.

Để thực hiện điều này, trước hết trường mầm non khi hướng dẫn trẻ tri giác các đối tượng thẩm mĩ cần phát triển được ở trẻ năng lực trình bày lí do tại sao mình thích hay không thích một vấn đề nào đó. Việc trẻ tự nói lên được suy nghĩ, nhận xét, đánh giá của mình có ý nghĩa rất lớn đối với trẻ trong quá trình thưởng thức các đối tượng thẩm mĩ . Và chính trong quá trình trẻ bày tỏ những thái độ, xúc cảm, tình cảm đó của mình giúp cho nhà giáo dục thu được những tín hiệu ngược quan trọng về những cơ sở ban đầu của việc đánh giá thẩm mĩ của trẻ. Từ đó có những tác động sư phạm giúp trẻ bước đầu nhận ra cái đẹp, phân biệt cái đẹp và cái xấu trong hiện thực, biết thưởng thức cái đẹp một cách sâu sắc hơn và biết tạo ra cái đẹp trong mọi hoạt động của mình.

Văn học viết cho thiếu nhi là những tác phẩm văn học mà nhân vật trung tâm là thiếu nhi hoặc được nhìn bằng đôi mắt trẻ thơ, với tất cả những cảm xúc, tình cảm mãnh liệt, tinh tế, ngây thơ hồn nhiên, được các em thích thú say mê. Bằng các hình tượng nghệ thuật, văn học mở ra và giải thích cho trẻ cuộc sống xã hội và thiên nhiên, thế giới những tình cảm và các quan hệ qua lại của con người. Văn học với tư cách là phương tiện GDTM cho trẻ mầm non sẽ phát triển những cảm xúc, tư duy hình tượng cho trẻ, tới việc giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn, đặt nền móng cho sự hoàn thiện và phát triển nhân cách của các em thuộc những lứa tuổi khác nhau. Vì thế hãy đưa các em đến với văn học bằng cách đọc cho trẻ nghe những câu chuyện kèm theo những bức tranh minh họa sinh động, hãy kể cho trẻ nghe những câu chuyện cổ tích để đưa trẻ vào thế giới bí ẩn đầy huyền thoại và giàu trí tưởng tượng, gợi lên ở trẻ những ước mơ về cái đẹp, cái nhân hậu luôn chiến thắng cái xấu, cái thấp hènHãy khuyến khích trẻ đọc những bài thơ ca hay, những vở kịch thiếu nhi giàu tình cảm hướng trẻ học tập và làm theo những nhân vật tốt đẹp trong tác phẩm.

Để góp phần xây dựng cơ sở ban đầu của thị hiếu thẩm mĩ cho trẻ, trường mầm non có thể thực hiện thông qua việc cho trẻ tìm hiểu các tác phẩm văn học, cho trẻ học cách nhận biết, yêu mến các hình tượng nghệ thuật phù hợp với lứa tuổi, cho trẻ có điều kiện cảm thụ cái đẹp thông qua các nhân vật chính diện, phản diện, các tình huống truyện độc đáo, cảnh vật thiên nhiênTrẻ sẽ tự nhìn thấy hình ảnh của mình trong những hình tượng nghệ thuật đó, trẻ bước đầu nhận ra cái đẹp, phân biệt cái đẹp và cái xấu trong hiện thực, biết thưởng thức cái đẹp một cách sâu sắc hơn và xây dựng cho mình ý thức bảo vệ, chăm sóc và giữ gìn cái đẹp.

N.A Vetlughina, L.G Atstơrôpxkaia đã khẳng định: GDTM là một điều kiện cần thiết để hình thành con người có văn hoá cao. Vì thế GDTM trong trường mầm non có ý nghĩa to lớn trong việc hình thành nhân cách của trẻ. Muốn GDTM cho trẻ đạt hiệu quả cao cần nghiên cứu vấn đề GDTM trong mối liên hệ chặt chẽ với các mặt giáo dục khác, bởi vì cái đẹp trong các âm nhạc, tạo hình, văn học mà tồn tại trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, nó biểu hiện qua tất cả các hành vi trong cuộc sống của trẻ thơ.

3. Các biện pháp sử dụng văn học để giáo dục thẩm mĩ cho trẻ mầm non

Việc thực hiện đồng bộ các biện pháp GDTM dưới đây thông qua hoạt động văn học trong mối quan hệ mật thiết với các hoạt động giáo dục khác sẽ nâng cao được kết quả GDTM cho trẻ ở trường mầm non trong điều kiện hiện nay, đó là:

3.1. Phát triển khả năng tri giác thẩm mĩ của trẻ

- Tổ chức hoạt động đọc, kể diễn cảm tác phẩm.

- Tổ chức cho trẻ cảm nhận vẻ đẹp, hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm văn học thông qua các hoạt động: Dạy trẻ cảm nhận được nhịp điệu, vần thơ, ca dao, đồng giao, hiểu được nội dung, đánh giá nhân vật, đọc thơ, kể lại truyện một cách diễn cảm.

- Lựa chọn tác phẩm hay, phù hợp với lứa tuổi trẻ, đảm bảo tính giáo dục.

3.2. Bồi dưỡng xúc cảm, tình cảm và khả năng thẩm mĩ cho trẻ.

- Dùng lời nói sinh động, giàu hình ảnh, giảng giải cho trẻ hiểu và nắm bắt được giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

- Tổ chức cho trẻ trực tiếp tham gia trải nghiệm vào môi trường nghệ thuật trong tác phẩm: Dạy trẻ kể lại truyện; Đọc diễn cảm thơ, ca dao, đồng dao, vè; Dạy trẻ đóng kịch, sắm vai

- Tăng cường sử dụng văn học như là một yếu tố chơi và trò chơi vào trong quá trình tổ chức các hoạt động học tập khác cho trẻ.

3.3. Phát triển tư duy hình tượng, năng lực sáng tạo nghệ thuật cho trẻ

- Dùng hệ thống câu hỏi kích thích tính tích cực sáng tạo của trẻ.

- Dạy cho trẻ tự phát biểu cảm xúc của mình về các nhân vật trong truyện và thơ

- Tạo điều kiện cho trẻ được tiếp xúc với tác phẩm văn học ở mọi nơi, mọi lúc.

- Tổ chức hoạt động văn học theo hướng tích hợp chủ đề.

3.4. Xây dựng cơ sở ban đầu cho sự phát triển thị hiếu thẩm mĩ cho trẻ.

- Cho trẻ tham gia các hoạt động góc thư viện, góc văn học.

- Cho trẻ tự đánh giá các nhân vật trong truyện, mô tả và tạo ra câu chuyện từ những bức tranh hoặc tưởng tượng ra.

- Cho trẻ tham gia các hoạt động nghệ thuật, các ngày lễ hội, các cuộc thi đọc thơ, kể chuyện...

- Kết hợp với gia đình trẻ và các lực lượng xã hội cùng thực hiện các hoạt động giáo dục.

KẾT LUẬN

Văn học phương tiện GDTM có vị trí rất quan trọng đối với sự phát triển nhân cách toàn diện của trẻ. Thông qua văn học, trẻ có những điều kiện thuận lợi để tìm hiểu, khám phá và thể nghiệm một cách sinh động những gì trẻ nhận biết, trẻ yêu thích trong thế giới xung quanh. Văn học cũng chính là môi trường thuận lợi nhất để phát triển năng lực thẩm mĩ cũng như khả năng tri giác, xúc cảm, tình cảm thẩm mĩ, năng lực phản ánh cái đẹp, sáng tạo cái đẹp trong lao động, trong lời nói, hành vi cử chỉ của trẻ.

dtp

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đỗ Văn Khang [chủ biên] [2002], Mỹ học đại cương, NXB ĐHQG Hà Nội .

2. L.X.Vưgôtxki [1985], Trí tưởng tượng và sáng tạo ở lứa tuổi thiếu nhi, NXB Phụ nữ, Người dịch: Duy Lập.

3.Phan Việt Hoa, Nguyễn Thị Hoàng Yến[2005], Mĩ học và giáo dục thẩm mĩ. NXB ĐHSP Hà Nội.

4. Đỗ Huy [1987], Giáo dục thẩm mỹ - Một số vấn đề lí luận và thực tiễn, NXB Thông tin lí luận.

5. Lã Thị Bắc Lý[2012], Giáo trình văn học trẻ em, NXB ĐHSP Hà Nội.

6. Vũ Minh Tâm, [1998], Mĩ học và Giáo dục thẩm mĩ, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.

7. Xaculina N.P Calinxcaia N.S - Êdikêova V.A, [1960], Những vấn đề về Giáo dục thẩm mĩ ở mẫu giáo, NXB, Bộ Giáo dục nước Cộng hoà Xô Viết XHCN Liên Bang Nga.

TS. Hoàng Thị Lan

Phòng QL Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác Quốc tế

Nguồn tin: Vụ GDMN - Bộ GD&ĐT:

Video liên quan

Chủ Đề