Ví dụ về đối tượng điều chỉnh của luật kinh tế


Lấy ví dụ về quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của các ngành luật : Hành chính, dân sự, kinh tế, hôn nhân – gia đình ?

BÀI LÀM

            Khái niệm điều chỉnh pháp luật: là quá trình Nhà nước dùng pháp luật tác động lên hành vi của các chủ thể, thông qua đó tác động lên các quan hệ xã hội.

            Đối tượng điều chỉnh của pháp luật: là những quan hệ xã hội mà Nhà nước thấy cần phải tác động bằng pháp luật.

            Pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội theo hai hướng: Những quan hệ xã hội không phù hợp với ý chí của Nhà nước, Nhà nước điều chỉnh theo hướng hạn chế, loại trừ chúng. Những quan hệ xã hội phù hợp với ý chí của Nhà nước thì Nhà nước sẽ ghi nhận và bảo vệ.

Phương pháp điều chỉnh của một ngành luật là cách thức tác động đến các quan hệ xã hội bằng pháp luật. Phương pháp điều chỉnh là yếu tố quan trọng để xác định ngành luật đó có phải là ngành luật độc lập hay không. Ngoài ra, phương pháp điều chỉnh còn góp phần xác định phạm vi điều chỉnh của các ngành luật trong trường hợp những quan hệ xã hội có chỗ gần kề hoặc đan xen với nhau.

Mỗi ngành luật đều có đối tượng và phương pháp điều chỉnh khác nhau. Cụ thể :

            1. Quan hệ xã hội thuộc đối tượng và phương pháp điều chỉnh của ngành luật hành chính:

            1.1 Đối tượng điều chỉnh của Luật Hành chính :

Luật Hành chính điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động quản lí hành chính Nhà nước [còn được gọi là hoạt động chấp hành - điều hành].

            Ví dụ : Ông Quách Văn Minh đến UBND xã Hòa Phú đăng kí khai sinh cho con. Khi đó, quan hệ giữa ông Minh và UBND xã là do luật Hành chính điều chỉnh vì việc đăng kí khai sinh là hoạt động quản lí hành chính Nhà nước.

Các quan hệ xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của luật hành chính gồm 3 nhóm:

a. Nhóm 1: Những quan hệ quản lý phát sinh trong quá trình các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoạt động chấp hành và điều hành trong phạm vi các cơ quan hành chính nhà nước [ngoại trừ hoạt động trong quan hệ công tác nội bộ], với mục đích chính là đảm bảo trật tự quản lý, hoạt động bình thường của các cơ quan hành chính nhà nước. Nhóm này thường được gọi ngắn gọn là nhóm hành chính công. Nói một cách ngắn gọn, quan hệ pháp luật hành chính công được hình thành giữa các bên chủ thể đều mang tư cách có thẩm quyền hành chính nhà nước khi tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính đó.

Ðây là nhóm những quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh cơ bản của luật hành chính. Thông qua việc thiết lập những quan hệ loại này, các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện các chức năng cơ bản của mình. Những quan hệ này rất đa dạng, phong phú bao gồm những quan hệ được chia thành 2 nhóm nhỏ như sau:


a.1. Quan hệ dọc :

- Quan hệ hình thành giữa cơ quan hành chính nhà nước cấp trên với cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới theo hệ thống dọc. Ðó là những cơ quan nhà nước có cấp trên, cấp dưới phụ thuộc nhau về chuyên môn kỷ thuật, cơ cấu, tổ chức...

Ví dụ: Mối quan hệ giữa Chính phủ với UBND tỉnh Cần Thơ; Bộ Tư pháp với Sở Tư pháp...

- Quan hệ hình thành giữa cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chuyên môn cấp trên với cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chung cấp dưới trực tiếp nhằm thực hiện chức năng theo quy định của pháp luật.

Ví dụ: Mối quan hệ giữa Bộ Tư pháp với UBND tỉnh Cần Thơ; giữa Sở Thương mại tỉnh Cần Thơ với UBND huyện Ô Môn...

- Quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với các đơn vị, cơ sở trực thuộc.

Ví dụ: Quan hệ giữa Bộ Giáo dục - Ðào tạo với Trường đại học Cần Thơ, Giữa Bộ Y tế và các bệnh viện nhà nước.

a.2. Quan hệ ngang :

- Quan hệ hình thành giữa cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chung với cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chuyên môn cùng cấp.

Ví dụ: Mối quan hệ giữa UBND tỉnh Cần Thơ với Sở Thương mại tỉnh Cần Thơ ; Giữa Chính Phủ với Bộ Tư pháp ...

- Quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chuyên môn cùng cấp với nhau. Các cơ quan này không có sự phụ thuộc nhau về mặt tổ chức nhưng theo quy định của pháp luật thì có thể thực hiện 1 trong 2 trường hợp sau:

+ Một khi quyết định vấn đề gì thì cơ quan này phải được sự đồng ý, cho phép hay phê chuẩn của cơ quan kia trong lĩnh vực mình quản lý.

Ví dụ: Mối quan hệ giữa Bộ Tài chính với Bộ Giáo dục - Ðào tạo trong việc quản lý ngân sách Nhà nước; giữa Sở Lao động Thương binh -Xã hội với các Sở khác trong việc thực hiện chính sách xã hội của Nhà nước.

+ Phải phối hợp với nhau trong một số lĩnh vực cụ thể

Ví dụ: Thông tư liên Bộ do Bộ giáo dục đào tạo phối hợp với Bộ tư pháp ban hành về vấn đề liên quan đến việc đào tạo cử nhân Luật

Thông tư liên ngành do Bộ trưởng Bộ tư pháp phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao liên quan đến lĩnh vực tội phạm ban hành.

- Quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương với các đơn vị, cơ sở trực thuộc trung ương đóng tại địa phương đó.

Ví dụ: quan hệ giữa UBND tỉnh Cần Thơ với Trường đại học Cần Thơ.

            b/ Nhóm 2 : là những quan hệ quản lí phát sinh trong quá trình các cơ quan Nhà nước ổn định công tác nội bộ của mình.

            Ví dụ : Chánh án phân công Thẩm phán xử án thì quan hệ giữa Chánh án và Thẩm phán là do luật Hành chính điều chỉnh nhằm ổn định nội bộ.

            c/ Nhóm 3 : là những quan hệ do Nhà nước ủy quyền cho các nhân và một số tổ chức xã hội thực hiện hoạt động quản lí hành chính nhà nước trong một số trường hợp cụ thể.

            Ví dụ 1 : Chủ tọa phiên tòa đang xét xử, có người gây rối trật tự tại phiên tòa. Lúc đó, Chủ tọa phiên tòa được quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính [hoạt động quản lí hành chính Nhà nước] đối với người gây rối.

            Ví dụ 2 : Người chỉ huy con tàu [đã rời cảng] hoặc người chỉ huy máy bay [đã rời sân bay] có quyền tạm giữ người gây rối theo thủ tục hành chính.

1. 2. Phương pháp điều chỉnh của Luật Hành chính :

Phương pháp điều chỉnh của Luật hành chính là phương pháp mệnh lệnh được hình thành từ quan hệ “quyền lực – phục tùng” giữa một bên có quyền nhân danh nhà nước ra những mệnh lệnh bắt buộc đối với bên kia là cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ phục tùng các mệnh lệnh đó. Chính mối quan hệ “quyền lực – phục tùng” thể hiện sự không bình đẳng giữa các bên tham gia quan hệ QLHCNN.

Phương pháp điều chỉnh chủ yếu của luật hành chính Việt Nam là phương pháp mệnh lệnh đơn phương. Nó được xây dựng trên các nguyên tắc:

- Trong quan hệ QLHCNN luôn có sự không bình đẳng giữa các bên tham gia: một bên nhân danh nhà nước, sử dụng quyên lực nhà nước để đưa ra các quyết định hành chính, còn bên kia phải phục tùng những quyết định ấy.

- Bên nhân danh nhà nươc, sử dụng quyền lực nhà nước có quyền đơn phương ra quyết định trong phạm vi thẩm quyền của mình vì lợi ích của nhà nước, của xã hội.

- Quyết định đơn phương của bên có quyền sử dụng quyền lực nhà nước có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với các bên có liên quan và được đảm bảo thi hành bằng quyền lực nhà nước.

- Quyết định hành chính phải thuộc phạm vi thẩm quyền của bên nhân danh nhà nước, vì lợi ích nhà nước, lợi ích xã hội, trên cơ sở pháp luật có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với các bên hữu quan và được đảm bảo thi hành bằng sự cưỡng chế nhà nước.

Ngoài ra, còn một số phương pháp khác như : phương pháp giáo dục, thuyết phục; phương pháp kinh tế; phương pháp phối kết hợp; phương pháp thống kê; …

2. Quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của ngành luật dân sự :

            2.1. Đối tượng điều chỉnh của Luật Dân sự :

Đối tượng điều chỉnh của Luật Dân sự là nhóm quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân phát sinh trong quá trình sản xuất, phân phối, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm hàng hoá nhằm thoả mãn nhu cầu ngày càng tăng của các thành viên trong xã hội.

            a/ Quan hệ tài sản :

            - Luật Dân sự chỉ điều chỉnh một số quan hệ tài sản mang tính hàng hóa, tiền tệ, đền bù ngang giá phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

            - Quan hệ luật Dân sự bao gồm : quan hệ sở hữu; quan hệ hợp đồng dân sự; quan hệ bồi thường; quan hệ thừa kế.

            Ví dụ : Bà Trương Mộng Linh đại diện Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đến cửa hàng kinh doanh vi tính Tín Thành Đạt hợp đồng mua 30 máy vi tính cho Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh.

            b/ Quan hệ nhân thân : là quan hệ giữa người với người về các giá trị tinh thần :

            “ Điều 32. Quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể :

            1. Cá nhân có quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể.

            2. Khi phát hiện người bị tai nạn, bệnh tật mà tính mạng bị đe dọa thì người phát hiện có trách nhiệm đưa đến cơ sở y tế; cơ sở y tế không được từ chối việc cứu chữa mà phải tận dụng mọi phương tiện, khả năng hiện có để cứu chữa.

            3- ...”                                                  [ Trích Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2005]

            Quan hệ nhân thân được chia làm 2 loại :

            + Quan hệ nhân thân liên quan đến tài sản nghĩa là các quan hệ nhân thân làm tiền đề phát sinh quan hệ tài sản nó chỉ phát sinh trên cơ sở xác định được các quan hệ nhân thân như: quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật,...

+ Quan hệ nhân thân không liên quan đến tài sản là những quan hệ giữa người với người về những lợi ích tinh thần tồn tại một cách độc lập không liên quan gì đến tài sản như quan hệ về tên gọi, quan hệ về danh dự của công dân hoặc tổ chức. Quan hệ nhân thân không liên quan đến tài sản trong Luật dân sự là thể chế hoá Hiến pháp 1992 bao gồm đối với họ tên, bí mật đời tư, quyền của cá nhân đối với hình ảnh, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm uy tín,...

            2.2. Phương pháp điều chỉnh của Luật Dân sự :

            Phương pháp điều chỉnh của LDS là những cách thức biện pháp mà nhà nước tác động đến các các quan hệ tài sản, các quan hệ nhân thân làm cho các quan hệ này phát sinh, thay đổi hay chấm dứt theo ý chí của nhà nước.

Phương pháp điều chỉnh của LDS là bình đẳng, thoả thuận và quyền tự định đoạt của các chủ thể. Nó thể hiện qua 2 ý :

- Pháp luật dân sự đảm bảo cho các bên tham gia quan hệ bình đẳng với nhau về mặt pháp lí dựa trên sự độc lập về tài sản.

- Pháp luật cho phép các bên tham gia quan hệ tự thỏa thuận, tự quyết định về mọi vấn đề trong nội dung của quan hệ.

Ví dụ : Đất mặt tiền đường Tỉnh lộ 7 khu vực từ ngả 3 Trung Lập đến Bệnh viện An Nhơn Tây được Nhà nước quy định là 400 ngàn đồng / 1m2. Nhưng trên thực tế, do thỏa thuận giữa người mua và người bán, số tiền này có thể ít hoặc nhiều hơn so với quy định.


3. Quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của ngành luật kinh tế :

            3.1. Đối tượng điều chỉnh của Luật Kinh tế :

Đối tượng điều chỉnh của luật kinh tế là những quan hệ kinh tế do luật kinh tế tác động vào, bao gồm các nhóm quan hệ phát sinh trong quá trình quản lý kinh tế và nhóm quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình kinh doanh giữa các doanh nghiệp với nhau.

            Ví dụ : Ông Quách Văn Minh Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Quách Minh kí kết hợp đồng bán bột mì cho công ty cổ phần Á Châu là quan hệ được điều chỉnh bởi Luật Kinh tế.

a/ Nhóm quan hệ phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh giữa các chủ thể kinh doanh với nhau.

Ví dụ : Góp vốn để thành lập công ty.

            b/ Các hoạt động mang tính tổ chức của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ví dụ : quan hệ giữa cơ quan tài chính với các bộkinh tế, bộ kế hoạch đầu tư với các bộ kinh tế....

            c/ Nhóm quan hệ phát sinh trong nội bộ doanh nghiệp, nội bộ đơn vị kinh tế, tổ chức bộ máy cũng như hoạt động kinh tế trong nội bộ đơn vị đó.

            d/ Nhóm quan hệ phát sinh trong việc giải quyết tranh chấp hoạt động kinh doanh thương mại và phá sản.

            3.2. Phương pháp điều chỉnh của Luật Kinh tế :

            Phương pháp điều chỉnh của Luật kinh tế là phương pháp bình đẳng, thỏa thuận và phương pháp mệnh lệnh, hành chính.

            Phương pháp bình đẳng, thỏa thuận sử dụng cho các nhóm a; c và d

            Phương pháp mệnh lệnh, hành chính sử dụng cho các nhóm b; c và d.

            4. Quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của ngành luật hôn nhân-gia đình:

            4.1. Đối tượng điều chỉnh của Luật Hôn nhân-Gia đình :

Đối tượng điều chỉnh của Luật Hôn nhân - gia đình đó là những quan hệ xã hội trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, cụ thể là quan hệ nhân thân và tài sản giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con và giữa những người thân thích ruột thịt khác. Vậy, đối tượng điều chỉnh của Luật Hôn nhân - gia đình gồm hai nhóm quan hệ xã hội, đó là nhóm quan hệ nhân thân và nhóm quan hệ tài sản.

            a/ Nhóm quan hệ nhân thân là những quan hệ xã hội phát sinh giữa các thành viên trong gia đình về lợi ích nhân thân.

            Ví dụ : Quan hệ giúp đỡ nhau giữa vợ và chồng; quan hệ về trách nhiệm giữa cha mẹ đối với con cái; về sự kính trọng của cháu chắt đối với ông bà; ...

            b/ Nhóm quan hệ về tài sản là  những quan hệ phát sinh giữa các thành viên trong gia đình về tài sản.

            Ví dụ : quan hệ về sở hữu giữa vợ và chồng; quan hệ về cấp dưỡng giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng, giữa các thành viên trong gia đình, ...

            4.1. Phương pháp điều chỉnh của Luật Hôn nhân-Gia đình :

Phương pháp điều chỉnh của luật Hôn nhân- gia đình là những cách thức, biện pháp mà các qui phạm pháp luật hôn nhân - gia đình tác động lên các cơ quan xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của nó. Phương pháp điều chỉnh của Luật Hôn nhân - gia đình hết sức mềm dẻo, chủ yếu là khuyến khích các chủ thể thực hiện các nghĩa vụ và quyền hôn nhân - gia đình. Chỉ trong những trường hợp đặc biệt mới dùng biện pháp cưỡng chế: hũy hôn nhân trái pháp luật, hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên ... [điều 16, điều 14, điều 41 Luật Hôn nhân - gia đình 2000].

Page 2

Video liên quan

Chủ Đề