Ví dụ về tính toàn diện của hệ thống pháp luật

NCS. ThS. PHÍ THỊ THANH TUYỀN [Trường Đại học Luật Hà Nội]

TÓM TẮT:

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật là một nhiệm vụ cơ bản đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Có thể thấy, hệ thống pháp luật Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều thay đổi theo hướng từng bước được hoàn thiện, góp phần ổn định và thiết lập trật tự xã hội, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hệ thống pháp luật nước ta vẫn còn một số hạn chế, như: cồng kềnh, mất cân đối, không nhất quán, khó kiểm soát, khó áp dụng… Một trong những nguyên nhân đó là do tính thống nhất giữa các quy phạm pháp luật chưa được bảo đảm. Vậy, tính thống nhất của hệ thống pháp luật được hiểu là gì? Cần có giải pháp nào để bảo đảm cho hệ thống pháp luật thống nhất, chặt chẽ về cả nội dung và hình thức? Bài viết dưới đây sẽ giải quyết một số nội dung cơ bản nêu trên.

Từ khóa: Quy phạm pháp luật bảo đảm, thống nhất, hệ thống pháp luật, bảo đảm, tính thống nhất.

1. Yêu cầu khách quan của việc bảo đảm tính thống nhất giữa các quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam

Theo Từ điển tiếng Việt do Viện Khoa học xã hội Việt Nam ấn hành thì “thống nhất là làm cho phù hợp với nhau, không mâu thuẫn nhau”. Trên cơ sở này, tính thống nhất của hệ thống pháp luật được hiểu là sự phù hợp, sự đồng bộ trong các quy định của pháp luật. Với cách hiểu này, tính thống nhất của pháp luật phải được xem xét trên cả hai phương diện hình thức và nội dung.

Về mặt nội dung, trước tiên, tính thống nhất của pháp luật đòi hỏi pháp luật phải bảo đảm sự nhất quán. Điều này thể hiện ở chỗ các văn bản pháp luật trong cùng một lĩnh vực, hoặc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đều thống nhất trong việc xác lập mô hình hành vi. Tránh tình trạng văn bản luật thì cho phép nhưng xuống đến văn bản hướng dẫn thi hành luật lại không cho phép, đồng thời, văn bản luật và văn bản có giá trị pháp lý thấp hơn luật đều phải phù hợp với Hiến pháp. Mặt khác, pháp luật phải bảo đảm thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ thể. Ví dụ, quyền sở hữu của công dân được Hiến pháp quy định phải được bảo đảm bởi các luật và văn bản có giá trị pháp lý dưới luật. Các văn bản pháp luật phải quy định trách nhiệm cho các cơ quan nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện được quyền sở hữu những gì mà pháp luật không cấm. Minh chứng cho vấn đề này việc thành phố Hà Nội đưa ra quy định hạn chế công dân sở hữu xe máy, xe ô tô những năm trước đây là không bảo đảm tính nhất quán của hệ thống pháp luật.

Về phương diện hình thức, tính thống nhất của hệ thống pháp luật còn được thể hiện qua cấu trúc, cách sắp xếp, phân loại thứ bậc, hiệu lực của quy phạm pháp luật. Cũng là các quy phạm cùng điều chỉnh về một quan hệ, nhưng tính thống nhất đòi hỏi những quy phạm pháp luật được quy định trong Hiến pháp phải có giá trị pháp lý cao nhất, sau mới với đến những quy phạm pháp luật được chứa đựng trong các bộ luật và luật, thứ nữa mới đến các quy phạm pháp luật chứa đựng trong các văn bản quy phạm pháp luật [sau đây sẽ viết tắt là VBQPPL] khác. Như vậy, dưới góc độ này, tính thống nhất của pháp luật phải bảo đảm trên hai mức độ: 1- sự thống nhất trong chính VBQPPL đó và 2- tính thống nhất trong toàn bộ hệ thống pháp luật.

Như vậy, bảo đảm tính thống nhất là một yêu cầu căn bản trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay. Việc bảo đảm tính thống nhất giữa các quy phạm trong hệ thống pháp luật xuất phát từ những yêu cầu khách quan sau:

Thứ nhất, xuất phát từ yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì Hiến pháp và luật giữ vai trò tối thượng, Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, coi pháp luật là công cụ hữu hiệu để thực hiện vai trò quyền lực của mình, mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước phải trên cơ sở tuân thủ pháp luật. Theo đó, nhà nước pháp quyền đặt ra yêu cầu không chỉ người dân mà cả các cơ quan nhà nước và công chức cũng phải “Sống và làm việc theo pháp luật”. Yêu cầu này đòi hỏi pháp luật phải được ban hành đầy đủ để điều chỉnh các quan hệ xã hội làm cơ sở để cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức dựa vào đó mà thực hiện nhiệm vụ của mình; người dân dựa vào đó mà thực hiện nghĩa vụ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Có như vậy mới bảo đảm được tiêu chí xây dựng nhà nước pháp quyền, trong đó Hiến pháp là tối thượng, tất cả các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật phải triệt để phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Hệ thống pháp luật của Nhà nước ta bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương ban hành gồm nhiều văn bản có giá trị pháp lý khác nhau với phạm vi điều chỉnh rộng lớn, toàn diện về mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, vì vậy để pháp luật được mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện, tuân thủ nghiêm chỉnh và thống nhất trên phạm vi cả nước thì trước hết hệ thống pháp luật phải bảo đảm được tính thống nhất trong chính nội tại của nó. Nếu một hệ thống pháp luật không thống nhất, giữa các bộ phậncủanó chứa đựng các quy định mâu thuẫn, chồng chéo thì hệ thống ấy không thể tạo ra sự điều chỉnh pháp luật một cách toàn diện, đồng bộ và hiệu quả. Vì vậy, đòi hỏi phải kịp thời phát hiện ra những mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật để loại bỏ ra khỏi hệ thống pháp luật.

Thứ hai, xuất phát từ yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quá trình này dẫn đến những thay đổi nhanh chóng trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, kéo theo sự đòi hỏi sự sửa đổi luật pháp cho phù hợp và đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Sự sửa đổi luật pháp vì thế rất dễ tạo nên những mâu thuẫn, chồng chéo, trùng lắp giữa các quy định mới với các quy định khá trong hệ thống pháp luật. Vì vậy, để đáp ứng những yêu cầu về mặt thể chế đặt ra phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóaoá, hiện đại hóaoá đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì việc bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với những sửa đổi của luật pháp là hết sức cần thiết và quan trọng.

Thứ ba, xuất phát từ những yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã dẫn đến việc Nhà nước ta tham gia và là thành viên của nhiều tổ chức kinh tế quốc tế, các điều ước quốc tế cũng như các thỏaoả thuận quốc tế. Với tư cách là thành viên của các tổ chức kinh tế quốc tế, các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, chúng ta có nghĩa vụ phải tuân thủ đầy đủ các cam kết quốc tế của mình, trong đó có nghĩa vụ sửa đổi pháp luật cho tương thích. Vì thế việc rà soát hệ thống pháp luật để loại bỏ những quy định mâu thuẫn, gây cản trở cho việc thực hiện các cam kết quốc tế, cũng như việc sửa đổi luật pháp cho tương thích với các cam kết, nhất là đối với các cam kết của chúng ta khi gia nhập các tổ chức kinh tế thế giới, điều ước quốc tế đa phương là việc làm cần thiết nhằm tăng cường vị thế và nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế;

Thứ tư, từ thực tiễn hệ thống pháp luật của Nhà nước ta vẫn còn tồn tại tình trạng thiếu tính thống nhất. Tình trạng này không chỉ tồn tại đối với các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật mà ngay cả đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật vì nhiều lý do khác nhau cũng tiềm ẩn những yếu tố xâm phạm đến tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Điều này thể hiện ở việc có không ít văn bản được ban hành chưa đồng bộ, thiếu tính thống nhất; văn bản do cơ quan cấp dưới ban hành không phù hợp với văn bản của cơ quan cấp trên hoặc các văn bản cùng loại có những quy định chưa được thống nhất với nhau. Những mâu thuẫn này đã và đang tạo nên những rắc rối về mặt pháp lý không chỉ đối với người dân mà ngay cả đối với cán bộ, công chức nhà nước cũng không biết là phải dựa vào quy định nào của pháp luật để thực thi công vụ trong các trường hợp quy định của pháp luật có sự mâu thuẫn, chồng chéo và trùng lắp.

Thứ năm, xuất phát từ chính yêu cầu nội tại của việc hoàn thiện hệ thống pháp luật. Như trên đã phân tích, tính thống nhất của hệ thống pháp luật là một đặc trưng, một yêu cầu không thể thiếu được của hệ thống pháp luật. Chính tính hệ thống của hệ thống pháp luật đã đặt ra yêu cầu phải loại bỏ ra khỏi hệ thống những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với nhau. Bên cạnh đó, nhu cầu tự hoàn thiện là nhu cầu tất yếu của mọi thiết chế, kể cả hệ thống pháp luật. Bởi lẽ, muốn điều chỉnh các quan hệ xã hội một cách có hiệu quả cao thì các quy định của pháp luật trong hệ thống pháp luật phải có sự thống nhất với nhau và phù hợp với thực tiễn. Do đó, bản thân các quy định của pháp luật cũng phát sinh nhu cầu phải sửa đổi cho phù hợp, thống nhất. Vì vậy, có thể khẳng định rằng yêu cầu bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật cũng xuất phát từ chính yêu cầu nội tại của việc hoàn thiện hệ thống pháp luật.

2. Thực trạng việc bảo đảm tính thống nhất giữa các quy phạm pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Theo quy định hiện hành của pháp luật, việc bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật được thực hiện ở cả hai giai đoạn trước và sau khi văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Ở giai đoạn thứ nhất, việc bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật tập trung vào các bước, các khâu của quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, trách nhiệm này được giao cho nhiều chủ thể khác nhau tham gia trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản. Trong đó, có một chủ thể chính chịu trách nhiệm thẩm định, thẩm tra nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật. Ở giai đoạn thứ hai, việc bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật được thực hiện thông qua các hoạt động giám sát, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời phát hiện những văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo để loại bỏ ra khỏi hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm tính thống nhất.

Qua việc thực hiện các quy định trên, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã được nâng cao, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, trên thực tiễn vẫn xảy ra nhiều trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được ban hành không bảo đảm tính thống nhất, chủ yếu là đối với các văn bản dưới luật, pháp lệnh.

Đánh giá về những hạn chế trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tại Báo cáo giám sát số 401/UBTVQH11 ngày 06/10/2005 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu rõ: “Một số quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành không phù hợp, mâu thuẫn với quy định của luật, pháp lệnh, nghị quyết nên đã vô hiệu hóa quy định này”; “Một số văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh có những quy định không phù hợp với thực tế, tính khả thi thấp cũng như có những quy định mâu thuẫn, chồng chéo với quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác gây ra những tác động tiêu cực cho xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả của việc bảo đảm tính thống nhất giữa các quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay

Để nâng cao hiệu quả của việc bảo đảm tính thống nhất giữa các quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay cần quan tâm triển khai một số giải pháp sau:

a. Có thể nghiên cứu việc tham khảo và áp dụng kỹ thuật một văn bản sửa nhiều văn bản

Việc dùng một văn bản để sửa nhiều văn bản là một quy định tiến bộ của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó có thể tiến hành việc sửa đổi nhiều văn bản ngay trong một văn bản thay vì phải sửa đổi lần lượt từng văn bản. Chính vì vậy, với việc áp dụng kỹ thuật một văn bản sửa nhiều văn bản cho phép một cơ quan khi sửa đổi một quy định của pháp luật sẽ đồng thời sửa ngay những quy định có liên quan trong các văn bản quy phạm pháp luật khác do mình ban hành để bảo đảm sự thống nhất giữa các quy định mới với với hệ thống pháp luật, tránh xảy ra các trường hợp mâu thuẫn, chồng chéo, trùng lắp với các quy định cũ trong hệ thống pháp luật. Chỉ trong trường hợp không thể sửa ngay được các văn bản khác vì lý do khách quan, việc sửa đổi phức tạp thì phải xác định rõ danh mục văn bản, điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật do mình đã ban hành trái với quy định của văn bản quy phạm pháp luật mới và có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung trước khi văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực để bảo đảm pháp luật được thống nhất của hệ thống pháp luật.

Việc áp dụng dùng một văn bản để sửa đổi nhiều văn bản có nhiều ưu điểm nhưng nếu quá lạm dụng mà không có sự chuẩn bị thảo luận kỹ trước khi thông qua sẽ dẫn đến tình trạng chất lượng văn bản được ban hành hạn chế, tạo nên mâu thuẫn, chồng chéo mới giữa các quy định trong hệ thống pháp luật. Do đó, để áp dụng có hiệu quả cần phải đặt ra các tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Một văn bản gốc có thể bị sửa đổi bởi nhiều văn bản khác nhau cho nên nếu việc rà soát không kỹ dẫn đến bỏ lọt các quy định cũ mà không sửa đổi đồng thời được cùng với các quy định mới, tạo nên mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định mới và cũ. Do đó, việc áp dụng phương thức một văn bản sửa đổi nhiều văn bản chỉ phát huy được tối đa tác dụng bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong điều kiện chúng ta tiến hành pháp điển hóaoá hệ thống quy phạm pháp luật. Khi đó mọi quy định sau khi được sửa đổi và có hiệu lực sẽ được cập nhật ngay vào các bộ pháp điển và do đó trong các lần sửa đổi sau chỉ cần rà soát trên bộ pháp điển hoá.

b. Hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng nâng cao hiệu quả bảo đảm tính thống nhất của các quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật

Việc nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật ở giai đoạn xây dựng, ban hành văn bản sẽ giúp tránh khỏi để xảy ra những văn bản “còn sạn” những quy định không phù hợp với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, mâu thuẫn, chồng chéo, cụ thể cần:

Một là: Tập trung công tác soạn thảo dự án luật, pháp lệnh vào một đầu mối cơ quan là Bộ Tư pháp hoặc một thiết chế khác trực thuộc Chính phủ [sau đây gọi chung là cơ quan soạn thảo chuyên trách]. Đây là cơ quan thuần túyuý mang tính chuyên môn pháp lý, sử dụng các kỹ thuật lập pháp để soạn thảo dự án luật. Việc đổi mới công tác soạn thảo luật, pháp lệnh như vậy sẽ tăng cường tính chuyên môn hoá ở từng khâu, từng công đoạn trong quá trình soạn thảo luật, pháp lệnh.

Hai là: Tăng cường chất lượng của công tác thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; trong thẩm định thẩm tra phải đặc biệt chú ý đến thứ bậc hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật sao cho phù hợp với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, cơ quan ngang cấp và không mâu thuẫn trong nội tại văn bản; các chủ thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần kiên quyết không xem xét, thông qua hoặc ký ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi trong hồ sơ dự án, dự thảo văn bản chưa có báo cáo thẩm định, thẩm tra.

Ba là: Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ủy ban pháp luật trong việc bảo đảm tính tính thống nhất của các dự án luật, pháp lệnh đối với hệ thống pháp luật.

c. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước ta với một số lượng lớn đồ sộ các văn bản dưới luật, pháp lệnh, các văn bản này lại do rất nhiều các chủ thể khác nhau ban hành dưới nhiều hình thức. Bởi vậy, để bảo đảm sự thống nhất giữa các quy phạm nằm trong các văn bản do các chủ thể có thẩm quyền khác nhau ban hành thì cần thiết phải thường xuyên duy trì hoạt động kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.

Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật bao gồm các hoạt động: Hoạt động tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hoạt động kiểm tra của cơ quan cấp trên đối với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan cấp dưới;... Hoạt động kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhằm mục đích phát hiện ra những văn bản quy phạm có nội dung không bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật để kịp thời xử lý, loại bỏ ra khỏi hệ thống pháp luật.

4. Kết luận

Muốn pháp luật là cơ sở để hướng dẫn, thống nhất hành vi của các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ pháp luật, tạo lập trật tự, hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia, pháp luật phải bảo đảm tính thống nhất. Chỉ trong điều kiện hệ thống pháp luật bảo đảm sự thống nhất mới tránh được việc các chủ thể lựa chọn hành vi nào có lợi cho mình khi họ tham gia vào các quan hệ pháp luật và điều này tạo nên sự xung đột trong hành vi xử sự của các chủ thể pháp luật, là căn nguyên của sự xung đột pháp luật. Do vậy, việc bảo đảm tính thống nhất là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay. Để nâng cao hiệu quả của việc bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật cần có sự quan tâm, đầu tư và triển khai nhanh chóng các giải pháp nêu trên ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Báo cáo giám sát số 401/UBTVQH11 ngày 06/10/2005 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang Bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Báo cáo số 127/BC-CP ngày 17/8/2009 của Chính phủ.

3. Nguyễn Minh Đoan [2011], Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, NXB Chính trị Quốc gia - Sự Thật, Hà Nội.

4. Nguyễn Minh Đoan [2008], Vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

5. Phan Trung Lý [2011], Bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội.

6. Nguyễn Như Phát [2015], Xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch và hiệu quả trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

7. Trần Thị Thu Phương [2013], Hoàn thiện các qui định về giám sát, kiểm tra, xử lí văn bản qui phạm pháp luật, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 11/2013, Tr.3-9,20.

8. Tài liệu Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật.

9. Trung tâm Từ điển ngôn ngữ [1992], Từ điển Tiếng Việt, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, tr351.

10. Đoàn Thị Tố Uyên [2011], Về kiểm tra văn bản qui phạm pháp luật ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Luật học, số 6/2011, Tr.53-59,67.

ENSURING THE CONSISTENCY BETWEEN THE LEGAL

NORMS IN THE LEGAL SYSTEM OF VIETNAM

● Post Graduate Student. MA. PHI THI THANH TUYEN

Hanoi Law University

ABSTRACT:

Building and perfecting the legal system are basic tasks to meet the requirements of building a legitimate socialist state of Vietnam. For years, the Vietnamese legal system has changed in many ways in a step by step manner, contributing to stabilizing and establishing the social order, facilitating the economic development of the country. However, besides the positive aspects, the legal system of our country still has some limitations such as: cumbersome, unbalanced, inconsistent, difficult to control, difficult to apply, ect. One of the reasons is due to the unity of legal norms not secured. What is the consistency of the legal system? And what solution should be taken to ensure that the legal system is consistent, both in content and form? The following article will address some of the above.

Keywords: Legal nomrs, legal, security, integrity.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 3 tháng 3/2018 tại đây

Video liên quan

Chủ Đề