Vì sao cuối mùa gặt người ta thường đốt rơm

Thứ Hai, 16/12/2013 | 18:51

Vào thời điểm này, nông dân cải tạo đất để xuống giống vụ lúa đông xuân. Theo thói quen, bà con thường đốt đồng để xử lý rơm, rạ. Tuy nhiên, trong lúc thời tiết hanh khô, nắng nóng kéo dài, đốt đồng rất dễ xảy ra nguy cơ cháy lớn trên diện rộng. Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, đốt đồng không chỉ làm giảm độ màu mỡ của đất, mà còn gây ô nhiễm môi trường.

Mùa... lửa

Để làm sạch đồng ruộng, nông dân thường gom hết rơm, rạ lên bờ hoặc đốt. Những ngày qua, ở các huyện Hòa Bình, Phước Long, trong khi một phần diện tích lúa thu đông chưa thu hoạch xong, thì nhiều nông dân thu hoạch trước đã đốt đồng để cải tạo đất. Điều này rất dễ dẫn đến nguy cơ cháy đồng trên diện rộng.

Một vụ cháy đồng ở ấp Ninh Lợi, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình. Ảnh: P.Đ

Ông Nguyễn Văn Minh, nông dân ấp Nam Hưng, xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình, kể lại: “Ở đây nông dân đốt đồng mỗi năm 3 lần. Cách đây không lâu, một nông dân đốt đồng giữa trưa gặp gió mạnh nên ngọn lửa đã cháy lan hơn 100ha. Trong đó có nhiều diện tích lúa chưa thu hoạch cũng bị cháy. May mắn là người dân đã tập trung chữa cháy kịp thời, cứu được lúa”.

Những vụ cháy đồng thường rất khó chữa vì lửa sẽ lan theo khắp mọi hướng và cháy rất nhanh khi gặp gió mạnh. Một cánh đồng vài trăm héc-ta có thể bị thiêu trụi trong vài giờ. Đặc biệt, khi xảy ra cháy đồng, các phương tiện cứu hỏa chuyên dụng gần như không thể ứng cứu do điều kiện giao thông cách trở và khó khăn về nguồn nước.

Ở ấp Ninh Lợi, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, vào cuối vụ đông xuân trước, lửa đốt đồng cũng đã cháy lan trên diện tích khoảng 200ha. Hơn 20 người dân địa phương phải chữa cháy liên tục gần 1 giờ thì đám cháy mới được dập tắt. Vụ cháy tuy không gây thiệt hại về người và diện tích lúa chưa thu hoạch, nhưng đã làm người dân hoảng loạn. Trước đây, nông dân chỉ đốt đồng vào vụ đông xuân, nhưng từ khi có máy gặt đập liên hợp, rơm được trải đều trên mặt ruộng nên nông dân có thể đốt đồng cả 3 vụ trong năm. Nghĩa là cứ hết mùa lúa là đến “mùa lửa”.

Đốt đồng - lợi hay hại?

Sau “mùa lửa”, cánh đồng phủ kín một màu đen của tro. Khi được hỏi tác dụng đốt đồng đối với việc làm đất, anh Đặng Văn Mạnh [huyện Phước Long] cho rằng: “Đốt đồng làm sạch rơm rạ để dễ dàng cày, bừa đất. Nếu không đốt đồng thì đất không thể cày bừa được do rơm rạ phủ kín mặt ruộng. Không chỉ vậy, khi đốt đồng các loại sâu bệnh từ vụ trước cũng bị cháy nên lúa vụ sau ít bệnh”. Còn ông Nguyễn Mười Hai [cũng ở huyện Phước Long] nói: “Ngoài lợi ích về khâu cải tạo đất, đốt đồng còn một số tác dụng như: tránh cây lúa bị ngộ độc hữu cơ, tránh tình trạng rơm nổi khi lúa sạ sẽ làm lúa không thể bám rễ… Vì vậy, người dân sau khi làm xong vụ lúa là đốt đồng. Vụ nào mưa nhiều, rơm rạ không đốt được mới gom lại hoặc cày vùi xuống đất”.

Kinh nghiệm của nông dân là thế, tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, nông dân không nên đốt đồng. Bởi lẽ, việc làm này không chỉ gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng người đốt, mà còn ảnh hưởng đến môi trường. Trước hết, đốt đồng sẽ thải khói bụi vào không khí. Trong kỹ thuật canh tác, đốt đồng sẽ dễ làm chai đất, đất sẽ nhanh chóng bị bạc màu, thoái hóa. Qua đó cho thấy việc xử lý rơm, rạ trên đồng ruộng bằng hình thức đốt trực tiếp là chưa thật sự khoa học.

Với nông dân, không đốt đồng thì khó cải tạo đất, còn đốt thì vừa bất lợi cho đất lại nguy hiểm cho người. Từ đó, ngành Nông nghiệp cũng đưa ra giải pháp nhằm giúp nông dân xử lý rơm rạ trên đồng ruộng. Thay vì đốt rơm rạ, nông dân có thể làm theo những phương pháp sau: Thu gom rơm rạ trên đồng ruộng để làm nấm rơm. Sau khi thu hoạch nấm thì lấy rơm bón lại ruộng vì lúc này rơm đã hoai mục, trở thành phân hữu cơ. Nông dân cũng có thể ủ rơm khô với 4 - 5% urê để làm thức ăn cho gia súc, rồi lấy nguồn phân chuồng bón lại cho đồng ruộng. Nếu không có điều kiện đem rơm ra khỏi đồng ruộng thì nên xử lý rơm rạ bằng cách cày vùi, để duy trì trọng lượng đạm trong đất. Tuy nhiên, để rơm rạ phân hủy nhanh, đồng thời không gây ngộ độc cho lúa, bà con có thể dùng chế phẩm sinh học Trico phun lên rơm rạ hoặc dùng vôi bột rải vào ruộng 15 ngày trước khi cày xới.

Để bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và giữ độ màu mỡ của đất, ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con nên hạn chế đốt đồng. Hạn chế đốt đồng sẽ góp phần làm đất ít bị suy thoái và năng suất lúa sẽ ổn định qua từng mùa vụ.

Phạm Đoàn

Đốt đồng làm lãng phí nguồn phân hữu cơ

Theo kỹ sư Lê Hữu Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, đốt đồng là quá trình chuyển hóa chất hữu cơ thành vô cơ. Quá trình ấy sẽ lấy đi một lượng nước lớn trong đất làm cho đất bị khô. Nếu đốt nhiều lần và lâu dài sẽ làm cho đất biến chất và trở nên chai cứng; 16 nguyên tố vi lượng trong đất cũng chịu tác động lớn khi đất bị đốt.

Đốt đồng làm lãng phí một lượng lớn phân hữu cơ, tiêu diệt nguồn thiên địch và làm ô nhiễm môi trường. Đốt đồng không chỉ có hại cho đất mà còn nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng người đốt. Nông dân thường đốt đồng vào buổi trưa, trong quá trình đốt lửa cháy sẽ thải ra các loại khí như: CO2 [dioxid cacbon], SO2 [dioxid sunfur], và CH4 [metan] nên người đốt dễ bị ngộ độc. Đồng thời, người đốt đồng cũng dễ bị ngất vì thiếu ôxy trong không khí.

Đoàn Phạm

Những ngày này ở ngoại ô thành phố, nơi những cánh đồng vụ hè thu mới gặt xong, những ngọn khói đốt đồng đang bay lên. Có những khi trời lặng gió, trong nội thành cũng thoang thoảng nhận thấy mùi thơm quen thuộc của khói rơm. Cái mùi thơm ấy nó gợi lên cho người ta một khoảng trời kí ức sâu thẳm, tha thiết kì lạ.

Vài thập niên trước, nhiều nơi, ruộng đồng còn xen lẫn với những con đường toả ra từ nội thành. Gần lắm. Mùa cốm thấy mùi cốm thơm, mùa gặt thấy mùi lúa chín, mùa đốt đồng khói len vào tận từng con ngõ. Rồi những ngày cuối đông rét mướt thì dường như nghe thấy cả tiếng những bước chân người, chân trâu bì bõm cày bừa, nghe thấy cả những khoảnh ruộng mạ đang tí tách nảy mầm, đợi ăn tết xong, buông bát buông đũa là kéo nhau ra đồng cho đẹp ngày…

Đất nước chín mươi triệu dân của chúng ta phần lớn từ nông thôn mà ra, tổ tiên là nông dân, lớn lên trên ruộng đồng. Cho dù có dắt díu nhau ra thành phố lập nghiệp thì rồi sớm muộn cũng sẽ nhận ra mình muốn có một nơi để quay về. Thiết tha biết mấy hai chữ “quay về”.

Bố mẹ tôi từ nông thôn, nửa thế kỉ trước lên miền núi khai hoang. Cái thời ấy, đất chật người đông, cả làng được “bốc” gọn ghẽ lên những chiếc xe tải, rong ruổi lên rừng. Càng đi sâu vào trong rừng càng nghe nhiều hơn tiếng chim Bắt cô trói cột khắc khoải “Rừng thiêng nước độc/ Bắt cô trói cột”. Rồi những chuyến xe đầy người, đầy đồ đạc ấy được “đổ” xuống một cái thung lũng dài vài cây số. Đất mênh mông, rừng thăm thẳm. Chặt cây cối, san nền dựng nhà, đắp bờ thành ruộng vườn, đào hố trồng cây… Nửa thế kỉ sau, thế hệ thứ tư đã kịp ra đời. Ấy thế mà cưới xin tang ma giỗ chạp… tất tật cái gì cũng đủ lệ bộ, thủ tục y như cái thời cụ kị ở quê nhà xa tít tắp kia vẫn làm.

Mẹ tôi thường nhớ quê. Càng già càng hay nhớ. Mà trí nhớ con người rất kì lạ. Chuyện của năm mươi năm trước mẹ nhớ như in, nhưng chuyện vừa nói cách đấy nửa tiếng đã quên sạch. Ở vùng đất mới – vùng đất nửa thế kỉ – nhà nào cũng chỉ có rất ít ruộng, vì thiếu nước và vì địa hình không phù hợp để trồng lúa. Nên mỗi mùa thu hoạch cũng chỉ lác đác có vài đụn khói nhỏ bay lên. Có thế thôi mà chao ôi, mấy người già ngồi bậu cửa cũng rưng rưng nhớ bố nhớ mẹ, nhớ ông bà. Cái thời nảo thời nào cấy cày gặt hái đều dùng sức người, thậm chí nhà nghèo không có trâu còn phải chồng kéo vợ đi sau cầm cày…

Cuối mùa gặt, cả cánh đồng chỉ còn trơ lại những gốc rạ thưa. Chiều tháng 5 gió đồng thông thốc thổi. Từ đống rơm cháy, những lọn khói xám mơ hồ theo gió bảng lảng vào làng. Khói không cay, mà chỉ thoang thoảng một mùi hương dịu nhẹ đủ để cho ai xa làng chỉ mới nghe trong gió đã quay quắt nhớ miên man mà tìm về… Giờ đây, trên đồng đất quê hương, mỗi người dân đã biết “vơ tiền” tăng nguồn thu từ phụ phẩm này.

Khói đốt đồng của một thời quá vãng. [Ảnh: Internet].

Tôi sinh ra và lớn lên từ làng rồi xa làng. Có một khung cảnh tuổi thơ cứ ám ảnh mãi trong tôi, theo tôi đi suốt cuộc đời. Mỗi khi hè về hay gió mùa đông bắc thổi nó lại hiện lên như níu kéo tôi, dắt tôi về với những ngày xa xưa ấy. Đó là khung cảnh khói đốt đồng của những chiều tà tím sẫm. Làn khói bay như mơ ôm trùm chân núi Đọ sồ sộ, đồng chiều trơ gốc rạ, bầu trời như cao hơn. Lũ trẻ chúng tôi bắt cá dưới hố bom mà năm xưa giặc Mỹ bắn phá cầu Hàm Rồng khiếp đảm trút bừa để bỏ chạy. Nô đùa quanh đống lửa đang nghi ngút khói, đàn trâu nhẩn nha gặm cỏ... Cả cánh đồng mênh mông vắng tanh vắng ngắt, nếu không có lũ trẻ chúng tôi và đống lửa chắc sẽ hiu quạnh biết chừng nào.

Cứ mỗi lần đến mùa đốt đồng là đám con nít chăn trâu thích lắm, đứa nào cũng vẽ nên những câu chuyện thần tiên, ùa vào đám khói dày đặc rồi từ từ bước ra với tư thế nghiêm trang: "Ta là bụt đây". Mùi khói rơm không khó chịu mà thơm ngái, lan cả cánh đồng. Lũ trẻ chúng tôi nằm ngửa cổ trên bờ cỏ, mắt lim dim, hít hà hương đốt đồng còn nồng cả mùi bùn đất, có lẽ nó chứa cả những giọt mồ hôi của dân quê mình, nó chứa cả tuổi gắn bó với đồng lúa. Mùa đốt đồng, có nghĩa là mới gặt xong, để sửa soạn cho mùa cấy mới, dân làng tôi lại vác cào tre ra đồng thu gom rơm vãi. Mẹ bảo tôi, gom rơm lại để đốt, vừa cho chết cỏ, lại làm sạch ruộng, kẻo rơm khô lại làm nặng đường cày.

Tôi về làng, bập bõm nghe mẹ kể. Thời hiện đại rồi ai còn đốt đồng nữa. Từ lâu, cơ giới hóa đã len lỏi vào mọi khâu sản xuất của đồng đất quê mình. Trao đổi với anh Nguyễn Lệnh Thái, Trưởng trạm khuyến nông huyện Thiệu Hóa, được biết thêm, khi đốt đồng các chất hữu cơ trong rơm rạ và trong đất sẽ trở thành các chất vô cơ nên mất đi lượng dinh dưỡng cần thiết. Khi đốt đồng, nông dân vô tình làm lãng phí nguồn dinh dưỡng trong đất. Nếu đốt đồng lâu ngày sẽ khiến đất bị biến chất và trở nên chai cứng.

Chưa nói, việc đốt đồng còn tiêu diệt các loại côn trùng có ích cho cây lúa, làm mất cân bằng sinh thái đồng ruộng. Bởi cây lúa trong giai đoạn phát triển sẽ đối diện với nhiều loại dịch bệnh, nông dân phải sử dụng một lượng lớn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ khiến chi phí sản xuất cao, hiệu quả lại thấp. Ngoài ra, những hôm nắng nóng, người dân đốt đồng ven trục đường quốc lộ, khói bụi còn làm giảm tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Vẫn biết việc đốt đồng sau mỗi vụ thu hoạch trở thành một tập quán có từ lâu đời của người nông dân. Ký ức về đồng chiều cuống rạ có thể bất giác ùa về bất cứ lúc nào trong lòng người xa xứ. Ngồi trong nhà, nhìn qua cửa kính thấy một lọn khói lam chiều từ đâu bay tới, hình ảnh thuở chăn trâu trên cánh đồng chiều nào đó như những thước phim quay chậm hiển hiện chạm vào miền nhớ. Để rồi ai đó phải xuýt xoa, giá gặp được tất cả bạn bè xưa để cùng nhau vơ rạ đốt đồng?

Bây giờ quê tôi rơm rạ không còn là đồ rẻ rúng nữa. Trâu bò, nuôi ít do có máy móc đảm nhận phần sức kéo, nhu cầu rơm ăn không còn quá bức thiết. Hầu hết rơm rạ được gom lại, quy ra “thành thóc” không còn đem đốt như xưa, hộ nào đem đi đốt còn được coi là đang đốt …tiền.

Rơm được cuộn thành từng bó và đưa đi tiêu thụ. [Ảnh: QĐND]

Tôi nhớ, có đận trao đổi với đại diện Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tại hội thảo đầu bờ tổng kết mô hình sử dụng chế phẩm sinh học và rơm rạ để sản xuất phân hữu cơ tại xã Thăng Bình [Nông Cống], tôi cứ lẩm nhẩm ước tính vụ chiêm xuân năm 2019 của cả Thanh Hóa có diện tích trồng lúa khoảng 117 nghìn ha lúa. Theo đó, mỗi vụ thu hoạch 1 ha cho 6 tấn rơm rạ, với một khoảng thời gian ngắn đem xử lý bằng chế phẩm sinh học sẽ thu được khoảng 400 kg phân hữu cơ. Làm bằng cách này mỗi năm người dân trong tỉnh thu gần 600 nghìn tấn phân hữu cơ, giá thị trường hiện bán 5,5 triệu đồng/tấn...

Bà con nhân dân xã Thăng Bình [Nông Cống] tham gia xử lý rơm rạ dưới sự hướng dẫn của các nhà khoa học.

Thực tế cho thấy, việc sử dụng chế phẩm sinh học và rơm rạ để sản xuất phân hữu cơ không những giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng triệt để nguồn rơm rạ dư thừa, trả lại độ phì nhiêu cho đất canh tác mà còn giúp bà con nông dân giảm từ 30-40% lượng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí sản xuất, đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân. Ngoài ra cũng tạo thói quen tốt bảo vệ môi trường và nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.

Nếu một chiều nào, bôn ba suốt dọc dài tỉnh Thanh, bạn không thấy mùi khói đốt đồng như xưa lòng hãy lâng lâng niềm hạnh phúc. Bởi để người dân quê tôi an yên bước qua những ngày giáp hạt có một phần từ lọn khói đốt đồng chập chờn lùi vào quá vãng mang theo những dùng dằng của một thời thơ ấu dễ mấy ai quên.

Ngọc Huynh

Video liên quan

Chủ Đề