Vì sao nhà siêu mỏng siêu méo còn tồn tại

Ngay từ năm 2006, Hà Nội đã có quy định với những mảnh đất có diện tích nhỏ hơn 15 m2, chiều rộng mặt tiền và chiều sâu nhỏ hơn 3 m so với chỉ giới xây dựng thì phải giữ nguyên hiện trạng và cấm xây dựng. Quy định này tưởng chừng được đưa ra để ngăn chặn tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo. Thế nhưng oái oăm thay, chính nó lại là cơ sở để những ngôi nhà kỳ dị này tồn tại. Bởi quy định trên là cấm xây công trình, nhưng lại giữ nguyên hiện trạng. Và khi đó, những chủ sở hữu mảnh đất bé con, xấu xí kia vin vào cái cớ đó để trước tiên là giữ những tấc vàng còn sót lại sau khi những con đường mới được mở. Và bằng nhiều cách, những căn nhà siêu mỏng méo mọc lên từ đấy.

Trên thực tế, nhà siêu mỏng, siêu méo đã được Hà Nội coi như một điểm nóng cần giải quyết, và đã được các đại biểu chất vấn qua nhiều kỳ họp của Hội đồng nhân dân thành phố. Ấy thế nhưng, tại phiên họp vừa diễn ra, độ nóng vẫn không giảm. Đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc là khi mở đường phải có một quy hoạch đồng bộ giữa hạ tầng giao thông và kiến trúc. Cần giải phóng mặt bằng từ chỉ giới xây dựng vào sâu độ 50 m. Sau đó, thành phố sẽ bán đấu giá phần đất này để xây dựng công trình theo một thiết kế đô thị hai bên đường hoàn chỉnh. Làm được như vậy, sẽ chấm dứt cái nạn nhà mỏng, nhà méo hiện nay. Nhưng, ý tưởng này cuối cùng không hiểu sao không được thực hiện, và cứ thế, cùng với mỗi con đường mới được mở để phục vụ cho một thành phố phát triển là sự khai sinh của hàng loạt căn nhà siêu mong, siêu méo.

Nếu không sớm có một quy định chặt chẽ hơn nữa để trước tiên là ngăn chặn các ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo mới và sau đó là giải quyết các trường hợp đang tồn tại thì việc giải quyết hậu quả những ngôi nhà phố dị dạng chẳng khác nào việc “thả gà ra đuổi”.

Nhưng, có lẽ để giải quyết vấn đề này một cách rốt ráo, cái cần xử lý trước chính là một tầm nhìn cao hơn, một cái bắt tay hiệu quả hơn giữa các cơ quan quản lý. Để tránh trường hợp quả bóng trách nhiệm được chuyền từ Sở này qua Sở kia mỗi lần bị chất vấn trong các kỳ họp.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đến nay hàng trăm nhà siêu mỏng, siêu méo đã được xử lý. Tuy nhiên, cứ có đường mới là nhà kỳ dị lại mọc lên.

Về hiện tượng hàng loạt nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên hai bên tuyến đường vành đai 2, ông Lý Chí Hồng, Phó trưởng phòng Kế hoạch [Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội] cho biết, UBND Hà Nội đã lập đoàn kiểm tra liên ngành xác minh thông tin báo chí phản ánh.

Nhà siêu méo xây lên nhưng không có người ở

Theo ông Hồng, hiện tượng nhà siêu mỏng, siêu méo trong chuyên môn được gọi là tình trạng nhà trên đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng. Khi đường mở qua khu vực dân cư sẽ xuất hiện những trường hợp thửa đất còn lại bị cắt xén còn lại hình dạng kỳ dị.

Những nhà có tổng diện tích lớn hơn 15 m2 vẫn được xây dựng theo quy định của TP về xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng đang tồn tại dọc theo các tuyến đường giao thông và nguyên tắc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông mới trên địa bàn.

Ông Lý Chí Hồng cho hay, nhà kỳ dị trên tuyến đường Võ Chí Công [tuyến đường vành đai 2] nằm ở hai quận Tây Hồ và Cầu Giấy.

Báo cáo của quận Tây Hồ cho hay, quận có 2 trường hợp nhà được xây dựng siêu mỏng, siêu méo như báo chí phản ánh. Có nhà một tầng chỉ 4 m2, hình tam giác nhưng không có người ở.

Qua kiểm tra tổng thể, quận Tây Hồ có 18 trường hợp về cơ bản là đất không đủ mặt bằng xây dựng. Có những nhà diện tích nhỏ đang được yêu cầu giữ nguyên trạng 1 tầng không phát sinh siêu mỏng, siêu méo.

Trong khi đó ở quận Cầu Giấy, tuyến đường vành đai 2 đi qua địa bàn phường Nghĩa Đô có 26 lô đất không đủ điều kiện về mặt bằng để xây dựng. UBND quận đã giải quyết 19 trường hợp cho hợp thửa, còn 7 trường hợp sẽ tiếp tục giải quyết trong các năm tiếp theo.

Cụ thể, 4 trường hợp đất trống có khả năng hợp thửa với thửa đất nhà liền kề, UBND quận Cầu Giấy tiếp tục vận động hướng dẫn các hộ dân hợp thửa. Ba trường hợp không thể tiến hành, UBND quận đang giao UBND phường Nghĩa Đô thu hồi theo quy định.

“Thẩm quyền giám sát, kiểm tra xử lý các nhà không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng thuộc quận, huyện. Để xảy ra tình trạng này là chủ đầu tư không tính đến từ khi lập dự án để giải phóng mặt bằng. Hiện, TP đã yêu cầu chủ đầu tư phải tính đến công trình sau cắt xén có thể xảy ra siêu mỏng, siêu méo để xử lý từ đầu”, vị Phó phòng Kế hoạch nói.

Có đường mới là có nhà kỳ dị

Ông Hồng cho rằng, các trường hợp diện tích thửa còn lại sau khi giải phóng mặt bằng nhỏ hơn 15 m2 và có hình dạng hình học kỳ dị, sẽ do Phòng Quản lý đô thị cấp quận, huyện xem xét. Việc xem xét sẽ dựa trên bước kết cấu xây dựng để lên phương án xử lý hợp thửa hoặc thu hồi.

Ông dẫn chứng, có nhà một cạnh 80 cm nhưng phải xem xét các bước kết cấu của công trình có đủ điều kiện xây dựng không. Một cạnh 80 cm nhưng công trình có 3 cạnh, diện tích vẫn lớn hơn 15 m2 thì phải xem xét, từng trường hợp cụ thể.

Những trường hợp không đủ điều kiện xây dựng phải thu hồi, quận có trách nhiệm xây dựng điểm công trình đô thị như cột ATM, trạm tuần tra, biển quảng cáo…

"Tóm lại, những trường hợp không đủ điều kiện xây dựng phải hợp thửa, hợp khối sẽ giữ nguyên hiện trạng hoặc thu hồi sau 30 ngày UBND quận ra thông báo”, ông Hồng khẳng định.

Cũng theo ông Hồng, trường hợp hộ dân có đất không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng, không đồng ý với phương án thu hồi, quận huyện phải thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định pháp luật.

Sở Xây dựng Hà Nội thông tin, trước tháng 12/2015, đơn vị này tổng rà soát nhà siêu mỏng siêu méo đợt 1, phát hiện 513 trường hợp đã xử lý hợp thửa, thu hồi 244 trường hợp, còn lại 269 trường hợp chưa xử lý. Đợt 2 vào cuối tháng 12/2015, Sở Xây dựng rà soát phát hiện 213 trường hợp nhà siêu mỏng siêu méo và đã xử lý 100 trường hợp. 113 trường hợp còn lại các quận huyện tiếp tục xử lý. Hiện, Sở Xây dựng đang tổng hợp các công trình siêu mỏng, méo từ đầu năm 2016 đến nay.

Nói về lộ trình đến bao giờ Hà Nội sẽ chấm dứt tình trạng này, ông Lý Chí Hồng cho hay, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục ra soát yêu cầu quận, huyện xử lý chứ không thể nói bao giờ "triệt để".

"Đường mọc lên là dân cứ xây, mà trách nhiệm giám sát xây dựng ở quận huyện, phường, xã lại không tốt", ông Hồng nói.

Theo Theo Zing

Tuyến đường Vành đai 2 là công trình giao thông trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng bậc nhất của Thủ đô, giúp giảm ách tắc cho một số khu vực trên địa bàn nội đô. Hiện đã thông xe đoạn trên cao từ Ngã Tư Sở đi Ngã Tư Vọng. Tuy nhiên, sau giải phóng mặt bằng đã để lại một số tồn tại như nguy cơ vi phạm trật tự xây dựng, nhà “siêu méo, siêu mỏng”.

Ghi nhận của PV ngày 21/4 tại tuyến đường Vành đai 2 qua địa bàn quận Hai Bà Trưng, hai bên đường, cảnh quan kiến trúc đã cơ bản ổn định.

Nhiều nhà bị cắt xén, nham nhở sau khi giải phóng mặt bằng ở trên đường Đai La. Ảnh: V.Đ

Tuy nhiên, một số vị trí, có những ngôi nhà bị cắt xén nham nhở trên phố Minh Khai gây mất mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, có hàng chục ô đất được gia chủ sử dụng vật liệu nhẹ quây lại hoặc thực hiện xây dựng trên phần đất nhỏ, có hình thù không bắt mắt.

Được biết tại khu vực này, sau khi giải phóng mặt bằng có 128 trường hợp không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng với diện tích nhỏ hơn 15m2, chiều sâu so với chỉ giới xây dựng là dưới 3m.

Thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết sau khi thực hiện xong giải phóng mặt bằng, tới nay chỉ khoảng 3 tháng nên việc người dân hoàn thành việc chỉnh trang lại toàn bộ là điều tương đối khó khăn.

Trong thời gian tới, quận Hai Bà Trưng sẽ phối hợp cùng các phường hoàn thành các thủ tục để cho 76 hộ dân thực hiện hợp thửa, hợp khối. Đối với 52 hộ dân còn lại có diện tích đất dưới 15m2 nhưng không hợp thửa, hợp khối sẽ được UBND quận thực hiện thu hồi để phục vụ công cộng, tránh tình trạng xây dựng nhà "siêu mỏng, siêu méo" gây mất mỹ quan đô thị.

Vấn đề nhà “siêu mỏng, siêu méo” gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan đô thị ở Hà Nội.

Theo các chuyên gia đô thị, thời gian qua việc phê duyệt các đồ án này còn chậm dẫn đến là tình trạng nhà "siêu mỏng, siêu méo" xuất hiện tràn lan.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, hiện trên địa bàn Hà Nội có 25 đồ án quy hoạch chi tiết và 11 đồ án thiết kế đô thị hai bên tuyến đường đang dừng thực hiện để tiến hành rà soát. Theo kế hoạch cũ, đa số các tuyến đường mới mở đều phải lập quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, đối với khu vực nội đô, các tuyến đường người dân đã ở ổn định hai bên, việc này rất khó thực hiện.

Do đó, Sở đang rà soát lại theo kế hoạch mới của thành phố, mạnh dạn loại bỏ quy hoạch không khả thi đối với khu vực không còn quỹ đất mà chuyển sang chỉnh trang cải tạo. Đối với những tuyến đường mới mở, quỹ đất còn nhiều thì mới lập quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường.

Cần sớm lập và phê duyệt quy hoạch để giải quyết vấn đề nhà "siêu mỏng, siêu méo".

Cũng nói về vấn đề này nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ cho rằng, việc sau giải phóng mặt bằng tại một số tuyến đường xuất hiện những căn nhà siêu mỏng, siêu méo, hình dáng kỳ dị là lỗi của quản lý xây dựng. Theo lý giải, ngay khi các đơn vị chức năng lên phương án thu hồi, giải phóng mặt bằng đã có thể xác định được những phần diện tích nhỏ, hẹp.

Do vậy, thay vì lấy đúng theo chỉ giới đường đỏ, nên thu hồi luôn những phần đất không đủ diện tích xây dựng để làm những công trình công cộng như vườn hoa, bảng tin… Thậm chí, cần xem xét thu hồi thêm 10 - 15m phía sau chỉ giới đường đỏ để xây dựng những ngôi nhà riêng lẻ có chiều cao theo đúng quy hoạch rồi tiến hành bán đấu giá./.

Video liên quan

Chủ Đề