Vì sao phải sửa đổi luật giáo dục

Đã phải lúc sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục 2005?

GS. TSKH Nguyễn Ngọc Trân

08:55 SA @ Thứ Sáu - 04 Tháng Chín, 2009

Ba năm mười tháng có thể là đủ cho việc sửa đổi bổ sung Luật nhằm thúc đẩy sự nghiệp giáo dục phát triển nhanh và đúng hướng… Ngược lại, nó có thể còn quá ngắn để nói đến sửa đổi bổ sung luật nếu các công cụ để triển khai nó, các văn bản pháp quy dưới luật, còn chưa sẵn sàng.

1. Luật Giáo dục [sửa đổi] 2005 ban hành ngày 27.06.2005, có hiệu lực kể từ ngày 01.01.2006, tính đến kỳ họp thứ sáu của Quốc hội khóa XII, tháng 10 tới đây mới được ba năm mười tháng.

Thời điểm tháng 10.2009 được ấn định là vì ngày 15/11/2008, Quốc hội khóa XII tại kỳ họp thứ tư, đã thông qua Nghị quyết số 27/2008/NQ-QH12 bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XII [2007-2011] và đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục vào Chương trình chính thức xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 để được Quốc hội thảo luận, thông qua tại kỳ họp thứ 6, tháng 10/2009.

Khoảng thời gian ba năm mười tháng có thể là đủ để đúc rút được những gì cần thiết cho việc sửa đổi bổ sung Luật nhằm thúc đẩy sự nghiệp giáo dục tiến nhanh hơn và đúng hướng, nếu trong khoảng thời gian đó Luật đã thực sự đi vào cuộc sống. Ngược lại, nó có thể còn quá ngắn để nói đến sửa đổi bổ sung luật nếu các công cụ để triển khai nó, các văn bản pháp quy dưới luật, còn chưa sẵn sàng. Trường hợp chúng ta đang bàn ở vào tình huống nào?

Báo cáo tổng kết ba năm thi hành Luật Giáo dục [2006-2008] cho biết: “Xét trong cả 3 năm [2006- 2008] công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là ban hành văn bản theo kế hoạch, chưa đáp ứng được yêu cầu đã đề ra, số lượng văn bản đạt rất thấp; nhiều văn bản thuộc thẩm quyền cấp trên và nhiều văn bản trọng yếu thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng chưa được ban hành, gây khó khăn lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành; không đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi cấp thiết của tình hình thực tiễn, làm chậm quá trình đưa quy định của Luật Giáo dục vào cuộc sống và làm giảm uy tín của Bộ trong công tác này”; và “Số lượng văn bản theo kế hoạch soạn thảo quá lớn so với khả năng thực hiện, trong khi đó nhiều văn bản đã được ban hành ngoài kế hoạch”.

Chúng tôi thiết nghĩ, khách quan mà nhìn nhận, trường hợp chúng ta đang bàn ở vào tình huống thứ hai! Nguyên nhân tại sao và trách nhiệm thuộc về ai, tôi đã phân tích trong một bài báo ở Báo Người đại biểu nhân dân gần đây [1].

2. Thời gian còn quá ngắn, chưa đủ để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, gây khó khăn lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ. Thời điểm lại đã được ấn định trước. Còn về nội dung cần sửa đổi bổ sung thì sao?

+ Tại Hội nghị tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới khối các trường đại học và cao đẳng ngày 25-8, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngay sau Hội nghị, rà soát lại khung pháp lý trong công tác quản lý các trường đại học, tập trung nâng cao chất lượng quản lý, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đại học

Có lẽ chính từ sự cấp bách phải tập trung giải quyết các nhiệm vụ này mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đề xuất hai vấn đề để sửa đổi bổ sung: [1] Sửa đổi Điều 51, giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập trường đại học. [2] Sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 42, theo hướng giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giao đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ. Đề xuất tinh gọn như vậy, theo suy nghĩ của tôi, vừa nhấn mạnh trách nhiệm của Bộ trưởng, vừa phân quyền thêm để Bộ trưởng có điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ.

+ Tại Hội nghị sơ kết hai năm thi hành Luật Giáo dục, tính đến ngày 05.08.2009, đã có 50 vấn đề được đề xuất sửa đổi, bổ sung, ở hầu khắp các chương của Luật, thậm chí còn có ý kiến đề xuất sửa đổi cả hai chương về giáo dục đại học và chương về nhà giáo.

+ Ban soạn thảo đã lựa chọn 12 vấn đề để đưa vào dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục [2005]. Cả 12 vấn đề đều được một báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá có tác động kinh tế xã hội tốt.

+ Thế nhưng theo Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, “những vấn đề quan trọng đã từng được đưa vào Dự thảo ban đầu và được dư luận quan tâm, thảo luận sôi nổi đã bị rút ra khỏi Dự thảo vì còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau, do vậy hầu hết các nội dung còn lại được đề cập trong Tờ trình của Chính phủ, tuy rất đáng được sửa đổi bổ sung, nhưng chưa thực sự cấp thiết”, và sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi bổ sung với nội dung như vây là “chưa thực sự thuyết phục” [1].

+ Về phần mình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu lên thêm 10 nội dung mà theo Ủy ban là cần tiếp tục được sửa đổi bổ sung [2]. Ngoài ra Ủy ban còn đề nghị nghiên cứu để chọn lọc, đưa thêm một số nội dung quan trọng trong Dự thảo Luật Nhà giáo và Luật Giáo dục đại học, đã được thực tiễn kiểm nghiệm vào Dự thảo Luật [3].

Nhìn chung lại, [1] các vấn đề được đề xuất là khá nhiều và phân tán, và [2] ý kiến, quan điểm còn khác nhau trên những vấn đề quan trọng được dư luận quan tâm, là hai nét nổi bật trong quá trình thảo luận để xác định các nội dung cần sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục 2005.


Ngay cả đối với đề xuất thứ nhất của Thủ tướng Chính phủ cũng có hai luồng ý kiến khác nhau. Một bên hoan nghênh việc chuyển thẩm quyền từ Thủ tướng về cho Bộ trưởng coi đây là một bước chuyển rất quan trọng trong tư duy và cải cách hành chính. Ngược lại, nhiều ý kiến lo ngại rằng phân cấp mà không quản lý chặt chẽ thì hậu quả sẽ rất tai hại, và dẫn chứng, vừa qua chính Thủ tướng quyết định việc thành lập trường đại học mà việc thành lập còn khá tràn lan, và tồn tại nhiều vấn đề gây bức xúc trong xã hội. Nay nếu chuyển về cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định, thì với công tác quản lý hiện nay của Bộ này, liệu sự thể sẽ ra sao?

3. Từ những phân tích trên đây và từ tình hình thực tế, nhằm nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong giáo dục, điều kiện tiên quyết để đưa nền giáo dục nước nhà đi lên, xin kiến nghị:

[a] Quốc hội cân nhắc một cách khách quan, không chịu sức ép về thời gian, liệu đã phải lúc để sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục [sửa đổi] 2005 hay không. Nếu các điều khoản dự kiến sẽ sửa đổi bổ sung chưa thực sự cấp thiết, Quốc hội nên dành việc sửa đổi bổ sung luật một cách thích đáng vào một thời điểm khác. Đồng thời, Quốc hội tránh ban hành “non” một luật giáo dục [sửa đổi] mới.

[b] Quốc hội ra một nghị quyết về việc ban hành ngay trong năm 2010 các văn bản pháp quy cần thiết để Luật Giáo dục 2005 được triển khai đầy đủ và được quản lý chặt chẽ; về việc nâng cao chất lượng của quản l‎ý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục. Trong nghị quyết, trách nhiệm của ngành giáo dục, của các cấp các ngành, và của các thiết chế nhà nước được quy định một cách tường minh [1]. Qua việc thực hiện Luật Giáo dục 2005, sẽ đúc kết những vấn đề cần sửa đổi bổ sung vào thời điểm sớm nhất có thể được.

[c] Chính phủ tổ chức đoàn kiểm tra, và thanh tra nếu cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức đoàn giám sát, song hành hoặc vào thời điểm khác nhau, từ góc độ hành pháp và lập pháp, tập trung vào công tác quản l‎ý giáo dục đại học hiện nay, đặc biệt giáo dục ngoài công lập, [2] với mục đích tìm ra nguyên nhân của những yếu kém, những tiêu cực, làm cơ sở cho việc chấn chỉnh và nâng cao chất lượng của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Báo cáo với Quốc hội sớm nhất, nếu được tại kỳ họp thứ sáu tháng 10 năm 2009 tới đây.

Chú thích:


[1] Nguyễn Ngọc Trân, “Góp ý vào việc sửa đổi bổ sung luật giáo dục 2005, Văn bản pháp quy thiếu và yếu, trách nhiệm thuộc về ai?”, Báo Người đại biểu nhân dân, số 242, ngày 28.8.2009. //www.nguoidaibieu.com.vn/Trangchu/VN/tabid/66/CatID/2/ContentID/82898/Default.aspx

[2] Theo Cổng thông tin Chính phủ.

[3] Báo cáo Số 796 BC/VH-GD-TTN, ngày 11 tháng 8 năm 2009, trang 2.

[4] Đó là: Về phân cấp quản lý giáo dục; Vấn đề hợp tác quốc tế về giáo dục; Về chuyển đổi các loại hình trường; Về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; Về cơ sở giáo dục đại học; Về các cơ sở giáo dục được quy định tại Điều 49; Về cơ sở đào tạo bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; Về học phí, phí dịch vụ; Về kiểm định chất lượng giáo dục; Về việc bổ sung chế tài trong một số quy định của Luật. Báo cáo đã dẫn, các trang 9-11.

[5] Báo cáo đã dẫn, các trang 12.

[6] Xem bài “Góp ý vào việc sửa đổi bổ sung luật giáo dục 2005, Văn bản pháp quy thiếu và yếu, trách nhiệm thuộc về ai?”, Báo Người đại biểu nhân dân, số 242, ngày 28.8.2009, đã dẫn.

[7] Ba câu hỏi của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đặt ra trong cuộc họp ngày 25.8.2009 có thể là nội dung của kiểm tra, thanh tra, giám sát: Chất lượng giáo dục đại học hiện nay như thế nào? Chấp hành các quy định, quy chế quản lý trong các nhà trường, công tác quản lý đào tạo như thế nào? Việc quản lý, chi tiêu và sử dụng ngân sách tại các trường đại học và cao đẳng ra sao?

Nguồn:Tuần Việt Nam

LinkedInPinterestCập nhật lúc:01:09 SA @ 19/03/2014

giáo dụccải cách giáo dụcsửa đổiluật giáo dụcviệt nam

LTS: Đồng hành cùng đổi mới giáo dục nước nhà, thầy Trần Trí Dũng, đến từ Quảng Ninh đã đưa ra những lý do cần thay đổi Luật Giáo dục và hướng sửa đổi cho phù hợp.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Luật giáo dục của nước Cộng hòa Xã hội Việt Nam được ban hành lần đầu tiên năm 1998.

Trải qua hai lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2005 và 2009, đến nay Luật giáo dục đã bộc lộ những bất cập trước những chính sách của Đảng, những đổi thay trong đời sống giáo dục và một số nhu cầu bức thiết khác.

Vậy, vì sao lại cần thiết phải sửa đổi Luật giáo dục? Và cần sửa đổi, bổ sung theo hướng nào? Bài viết xin đề cập những định hướng đổi mới đó.

Thứ nhất, sự thay đổi và đổi mới trong chủ trương và chính sách của Đảng

Năm 2011 được xem là một bước khởi đầu mới trong giáo dục, khi mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI khai mạc vào mùa xuân.

Nói là một sự khởi đầu mới là vì chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục chính thức được Đảng ta khởi xướng tại Đại hội.

Tiếp bước lộ trình, ngày 4/11/2013, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tiến hành Hội nghị lần thứ 8 đã chính thức ban hành Nghị quyết số 29 với chủ điểm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. 

Tại Nghị quyết số 29, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đề cập tình hình và nguyên nhân của thực trạng nền giáo dục.

Trước những biến đổi thực tiễn của ngành giáo dục, Luật giáo dục cần được sửa đổi cho phù hợp. [Ảnh: Tuoitre.vn]

Từ đó, đề ra những quan điểm chỉ đạo, những mục tiêu tổng quát và cụ thể, những nhiệm vụ và giải pháp trọng yếu nhằm đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam.

Theo đó, mục tiêu mới tổng quát của nền giáo đục được xác định là "Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả.  Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hoá, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. 

Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực

". Và, những mục tiêu cụ thể mới đối với từng bậc học đã được Đảng xác định là: 1]  Đối với giáo dục mầm non, giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp 1. Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và miễn học phí trước năm 2020. Từng bước chuẩn hóa hệ thống các trường mầm non. Phát triển giáo dục mầm non dưới 5 tuổi có chất lượng phù hợp với điều kiện của từng địa phương và cơ sở giáo dục. 

2] Đối với giáo dục phổ thông, tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời. Hoàn thành việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn sau năm 2015. Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở [hết lớp 9] có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020. Phấn đấu đến năm 2020, có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương. 3] Đối với giáo dục nghề nghiệp, tập trung đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp. Hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp với nhiều phương thức và trình độ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật công nghệ của thị trường lao động trong nước và quốc tế. 4] Đối với giáo dục đại học, tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học.

Hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia.

Trong đó, có một số trường và ngành đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế.   Đa dạng hóa các cơ sở đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển công nghệ và các lĩnh vực, ngành nghề; yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. 5] Đối với giáo dục thường xuyên, bảo đảm cơ hội cho mọi người, nhất là ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, các đối tượng chính sách được học tập nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và chất lượng cuộc sống; tạo điều kiện thuận lợi để người lao động chuyển đổi nghề; bảo đảm xóa mù chữ bền vững. Hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên và các hình thức học tập, thực hành phong phú, linh hoạt, coi trọng tự học và giáo dục từ xa.  6] Đối với việc dạy tiếng Việt và truyền bá văn hóa dân tộc cho người Việt Nam ở nước ngoài, có chương trình hỗ trợ tích cực việc giảng dạy tiếng Việt và truyền bá văn hóa dân tộc cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần phát huy sức mạnh của văn hóa Việt Nam, gắn bó với quê hương, đồng thời xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước.  Như thế, đối với những mục tiêu mới này thì đã có sự thay đổi căn bản so với trước đây, đặc biệt là so với những mục tiêu cơ bản đã được quy định trong Luật giáo dục hiện hành. Vì thế, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung những quy định này trong Luật giáo dục đề phù hợp với những chủ trương thể hiện những mục tiêu mới của Đảng. Nếu không sẽ là một rào cản đối với công cuộc đổi mới toàn diện đất nước nói chung và đối với việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nói riêng. Mặt khác, đó cũng là một sự cụ thể hóa để Nghị quyết của Đảng được đi vào vào trong thực tiễn, góp phần thúc đầy giáo dục và xã hội phát triển. 

Thứ hai, sự chuyển giao và quản lý giáo dục


Vào ngày 9/11/2016, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành Lễ bàn giao chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, hệ thống 201 trường cao đẳng và 303 trường trung cấp chuyên nghiệp cũng như hệ trung cấp chuyên nghiệp đang được đào tạo tại 200 trường cao đẳng và 40 trường đại học sẽ được bàn giao về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý [trừ các trường sư phạm, các ngành đào tạo giáo viên].  Trong công tác tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục xử lý dứt điểm những vấn đề liên quan đến tuyển sinh của các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp năm 2016.

Từ năm 2017, các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp sẽ tuyển sinh theo quy chế do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp. 

Chính phủ quy định điều kiện thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Về hoạt động đào tạo, những sinh viên cao đẳng tuyển sinh từ khóa 2016 trở về trước được tiếp tục học chương trình cao đẳng hiện hành cho đến khi kết thúc khóa học, được cấp bằng cao đẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Những sinh viên tuyển sinh từ khóa 2017 trở đi học theo chương trình mới của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cấp bằng cao đẳng thuộc giáo dục nghề nghiệp.  Theo đó, về việc đào tạo liên thông đối với học sinh, sinh viên thuộc giáo dục nghề nghiệp thì đối với các đối tượng tuyển sinh từ năm 2017 trở đi sẽ thực hiện theo quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, trừ giáo dục nghề nghiệp ngành sư phạm. Cũng theo đó, toàn bộ các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và hệ đào tạo cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tại các cơ sở giáo dục đào tạo thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo trước đây sẽ chuyển về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý. Như thế, với động thái mới này, nội hàm và thành tố của nền giáo dục đã có sự thay đổi căn bản, đặc biệt là sự phân cấp quản lý và đào tạo giữa các Bộ đã có sự thay đổi. Khi chuyển toàn bộ hệ thống giáo dục nghề nghiệp và đào tạo hệ cao đẳng cũng như việc quản lý các trường cao đẳng cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì quan điểm, mục tiêu và phương hướng giáo dục sẽ phải xác dịnh lại. Vì thế, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục cho phù hợp với yêu cầu mới, với những thay đổi căn bản đó.   

Thứ ba, vấn đề dạy thêm học thêm

Trong suốt một thời gian dài vừa qua, tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan đã gây bức xúc trong xã hội, có những lúc được xem như một vấn nạn quốc gia và báo chí cũng đã tốn biết bao giấy mực về hiện tượng này.  Vì thế, cần thiết phải đặt vần đề dạy thêm học thêm thành một vấn đề nghị sự của Quốc hội, để từ đó tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục với những quy định về dạy thêm học thêm.  Bởi lẽ, trên thực tế vấn đề này mới chỉ được quy định trong một Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chưa đủ sức nặng để quản lý hoạt động này theo đúng quỹ đạo giáo dục cần thiết. 

Để từ đó đặt cơ sở hạn chế và đẩy lùi các hiện tượng dạy thêm học thêm tiêu cực tràn lan đang phổ biến trong xã hội hiện nay. 

Trên cơ sở đó, Chính phủ và các Bộ ngành có thể đưa ra những chế tài xử lý những vi phạm thích hợp trong hoạt động này.

Thứ tư, vấn đề lạm thu ở trường học


Thời gian qua, đặc biệt là mỗi khi vào đầu năm học, vấn đề lạm thu ở trường học đã trở nên hết sức bức xúc trong xã hội, đặc biệt đối với các bậc phụ huynh đang có con em là học sinh đang học ở các bậc học.  Tình trạng lạm thu ở các trường học vào đầu năm học đã trở nên phổ biến gây khó khăn về kinh tế cho nhiều gia đình học sinh, làm mất đi hình ảnh cao đẹp của mái trường XHCN và hình ảnh người giáo viên nhân dân cũng đã bị suy giảm trong con mắt của nhân dân. Vì thế, cần thiết Luật hóa vấn đề này với quy định mang tính nguyên tắc cụ thể và những chế tài xử lý thích hợp trong Luật giáo dục. Do đó, cùng với việc đổi mới toàn diện Luật giáo dục, vấn đề thu chi ở các trường học cũng cần thiết bổ sung thêm về vấn đề này, có như thế mới đủ sức nặng nhằm ngăn chặn và đẩy lùi hiện tượng lạm thu ở các trường học, góp phần giữ lại những hình ảnh trong sáng, công bằng và minh bạch trong môi trường giáo dục. 

Cùng với các nhu cầu cần thiết phải thay đổi, trong nhịp điệu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, cần thiết đánh giá lại toàn bộ các vấn đề của nền giáo dục quốc dân.

Theo đó, rà soát lại các quy định để sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật giáo dục hiện hành cho phù hợp với nhu cầu đổi mới, trong tình hình mới và trong điều kiện hội nhập quốc tế, từ đó thúc đẩy đất nước phát triển toàn diện.

Trần Trí Dũng

Video liên quan

Chủ Đề