Vì sao thái tử trịnh cán bị bệnh

Tháng 9 năm Canh Tí [1780], chúa Trịnh Sâm bắt Trịnh Khải phải xuống làm con út, lại còn bắt giam vào nội phủ, tình cảnh rất là khốn khổ. Hơn một năm sau, tháng 10 năm Tân Sửu [1781], Trịnh Sâm lập con thứ là Trịnh Cán mới được năm tuổi [tính theo tuổi ta] làm Thế tử. Chuyện này được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục [Chính biên, quyển 45, tờ 24] chép lại như sau :

"[Trịnh] Cán mắc bệnh từ khi còn phải bế ẵm, tay chân thân thể ốm yếu, bao nhiêu thuốc thang chữa trị vẫn không khỏi. Thế mà kể từ khi [Trịnh] Khải bị tội, bỗng dưng bệnh tình của [Trịnh] Cán ngày một giảm dần, coi bói thấy mọi sự đều thuận, [Trịnh] Sâm lấy làm vui vẻ lắm. Bầy tôi trong kinh ngoài trấn cùng chúc mừng và khuyên [Trịnh] Sâm nên sớm lập người nối nghiệp, cốt mau thống nhất nhân tâm. [Trịnh] Sâm nghe theo. Mẹ của [Trịnh] Sâm là Thứ phi Nguyễn Thị nói với [Trịnh] Sâm rằng :

- Khải với Cán đều là cháu nội của già này, nhưng già này nghĩ rằng Khải đã trưởng thành mà Cán thì còn quá nhỏ, lại đau yếu luôn, già này chỉ mong vương thượng coi trọng tôn miếu xã tắc, hãy tạm để khuyết ngôi kế tự, chờ xem Khải có tự răn mình mà sửa lỗi hay không, nhược bằng không thì hãy đợi đến khi Cán đã lớn cùng chẳng có gì là muộn.

Trịnh Sâm nói :

- Việc lớn của nước nhà cốt sao tìm được người xứng đáng để phó thác. Nếu như bệnh tình của Cán không khỏi thì thà là lập [Trịnh] Bồng trả lại cơ nghiệp cho ngành cả của nhà bác [Trịnh Bồng là con Trịnh Giang, còn Trịnh Doanh là em Trịnh Giang. Năm 1740, Trịnh Doanh tự lập làm chúa rồi sau truyền ngôi cho con là Trịnh Sâm. Như vậy, Trịnh Bồng là anh con bác của Trịnh Sâm - ND], chứ không thể phó thác cho đứa con bất hiếu được.

Thái phi nghe vậy thì không nói thêm gì nữa. [Trịnh] Sâm tâu Vua xin lập [Trịnh] Cán làm Thế tử. Lúc ấy [Trịnh] Cán mới 5 tuổi. [Trịnh] Sâm dùng Huy Quận công Hoàng Đình Bảo làm A phó [cho Thế tử Trịnh Cán] để lộ nuôi dưỡng và giúp đỡ [Trịnh] Cán. Bấy giờ, [Trịnh] Sâm mắc bệnh trĩ, phải ở trong nhà kín chớ không ra ngoài. Đặng Thị [Huệ] ở trong cung sắp đặt mọi việc, bè đảng cùng giữ trọng trách, trong khi đó, [Trịnh] Cán lại còn quá thơ ấu nên ai cũng lấy làm lo."

Lời bàn : Bề ngoài, có vẻ như Trịnh Sâm thuận theo lời tâu xin của quần thần, sớm định ngôi Thế tử để yên lòng người, nhưng thực ra, những quần thần kia chẳng qua chỉ là tay chân của Đặng Thị Huệ, rốt cuộc, Trịnh Sâm chỉ là con rối, bị lòng tham của những kẻ tầm thường giật dây đó thôi. Kẻ vô đạo thường hay nói lời nhân nghĩa, như lời Trịnh Sâm trả lời Thái phi Nguyễn Thị, kể cũng là lời nhân nghĩa đó thôi, có điều, trên thì coi khinh nhà vua và bất kính với mẹ, dưới thì rẻ rúng quần thần. Trịnh Sâm quả là kẻ vô đạo nổi bật trong số những kẻ vô đạo vậy.

Những người quyết chí tôn lập Trịnh Cán đều không phải vì ngôi vị của Trịnh Cán mà là vì... chính họ. Đặng Thị Huệ thì vì ngôi Thái phi của mình, Hoàng Đình Bảo thì vì quyền khuynh loát bá quan của ông, những người khác thì vì tham vọng thăng quan tiến chức kiểu ngang tắt của họ, đến như Trịnh Sâm mà quyết chí lập Trịnh Cán cũng chỉ vì nặng lòng cưng chiều Đặng Thị Huệ đó thôi.

Bao kẻ trong phủ chúa có chung một cái cớ tệ hạị để vụ lợi, thế nhưng lại chẳng có chung nổi một chút lòng xót thương đến xã tắc, khiếp thay !

Với việc hướng dẫn tóm tắt Vào phủ chúa Trịnh, Blog Kiến Guru mong muốn các bạn học sinh có thể nắm được nội dung chính của văn bản này. Đây chính là phần kiến thức nền nhưng lại đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp chúng ta có thể phân tích thật rõ ràng và chi tiết tác phẩm ở cả phương diện nội dung và nghệ thuật. Cùng Kiến tóm tắt và tìm hiểu về tác phẩm này nhé.

I. Sơ lược về tác giả, tác phẩm trước khi tóm tắt Vào phủ chúa Trịnh

Dù nội dung của bài viết tập trung vào phần tóm tắt văn bản nhưng chúng ta cũng rất cần điểm qua một vài chính nét về tác giả, tác phẩm các bạn nhé!

1. Tác giả Lê Hữu Trác

Nguồn: Internet

Lê Hữu Trác [1724 – 1791] xuất thân là người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương [nay thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên]. Ông nổi tiếng với tên hiệu Hải Thượng Lãn Ông. Trong tên hiệu, có thể dễ hình dung là hai chữ “Hải Thượng” được ông lấy từ hai chữ đầu của tỉnh Hải Dương và phủ Thượng Hồng. Hai chữ còn lại là “Lãn ông”, có nghĩa là “ông lười”. Tuy nhiên “lười” ở đây không mang nghĩa trái ngược với đức tính siêng năng, chịu khó của con người mà mang nghĩa là chán ghét, lười biếng tranh quyền đoạt vị vì bản tính của Lê Hữu Trác là người lúc nào cũng mong muốn tự giải phóng mình khỏi những khuôn khổ, ràng buộc của quyền hành, chức tước. Thế nên, ông đã chọn cho mình lĩnh vực y học là điều suốt đời gắn bó để thực hiện lí tưởng của bản thân.

Cả đời phụng sự cho y học đã tạo cơ hội cho Lê Hữu Trác viết nên Bộ “Hải Thượng y tông tâm tĩnh”. Đây được xem là một công trình nghiên cứu không chỉ có ý nghĩa y học mà còn là một đóng góp giàu giá trị cho văn học Việt Nam. Nói như thế là bởi vì tuy chỉ ghi lại những bài thuốc hay những câu chuyện về hành trình chữa bệnh cứu người của Lê Hữu Trác nhưng dường như thấp thoáng trong đó là những tình cảm, nỗi niềm của một con người rộng lòng yêu đời, yêu người.

2. Văn bản Vào phủ chúa Trịnh

Nguồn: Internet

Vào phủ chúa Trịnh vốn là một đoạn trích có vị trí nằm ở phần đầu của tác phẩm. Ý nghĩa chính yếu của truyện có lẽ là tác giả đã bày tỏ thái độ của mình trước hiện thực xa hoa nơi phủ chúa. Ý nghĩa đó được thể hiện rất khéo léo thông qua việc tác giả thuật lại câu chuyện ông vào kinh đô, được dẫn vào phủ chúa Trịnh để bắt mạch, kê đơn cho thế tử Trịnh Cán.

II. Hướng dẫn tóm tắt Vào phủ chúa Trịnh

Bài tóm tắt Vào phủ chúa Trịnh sẻ chia nội dung tóm tắt theo tiến trình gồm 2 phần tiếp nối để thuận tiện cho việc theo dõi: Cuộc sống nơi phủ chúa và cảnh Lê Hữu Trác bắt mạch, kê đơn cho thế tử Trịnh Cán.

1. Cuộc sống nơi phủ chúa

Vào sáng sớm tinh mơ ngày 1 tháng 2, Lê Hữu Trác, vốn là một thầy thuốc trứ danh mà ai nghe đến tên cũng như “sấm động bên tai”, được triệu vào phủ chúa. Ông được lính của chúa đón đi vào phủ bằng cáng rất gấp rút, chạy như ngựa lồng. Đến phủ chúa Trịnh, Lê Hữu Trác vào chầu từ cửa sau. Theo sự quan sát của Lê Hữu Trác, xung quanh phủ không chỉ được phủ xanh bằng cây cối, có tiếng hót líu lo của chim chóc mà còn có cả hương sắc thoang thoảng, thắm tươi của danh hoa. Đường vào phủ phải qua mấy lần cửa và các dãy hành lang dài quanh co. Bên cạnh đó, kẻ hầu người hạ qua lại rộn ràng, huyên náo. Chính cảnh giàu sang khác hẳn người thường của vua chúa khiến cho Lê Hữu Trác – người vốn chẳng lạ lẫm chốn phồn hoa, cấm thành, cũng cảm thấy sửng sốt, ngâm cả một bài thơ để tỏ rõ cảm xúc của mình.

Nguồn: Internet

Sau đó, Lê Hữu Trác được nghỉ chân tại điếm sang trọng chờ lệnh yết kiến và được đưa đến một cái nhà lớn vừa cao lại rộng, gọi là “phòng trà”. Nơi đây được bài trí đồ nghi trượng sơn son thếp vàng và cả những đồ dùng mà nhân gian chưa từng thấy. Đây cũng chính là nơi mà thế tử trị bệnh [vì kiêng từ “thuốc” nên gọi thuốc là “trà”]. Trong phòng trà thì có đến bảy, tám vị lương y hiện diện. Đây đều là những thầy thuốc lừng danh của sáu cung, hai viện được mời vào điện để túc trực lo liệu bệnh tình cho thế tử. Nội cung của thế tử là nơi nằm trong năm, sáu lần trướng gấm. Thầy thuốc họ Lê được dùng bữa cơm sáng với đầy đủ phong vị của nhà đại gia với “mâm vàng, chén bạc, đồ ăn toàn là của ngon vật lạ”. Theo lời kể của tác giả, có thể thấy chúa Trịnh là một người khá cẩn trọng vì chính tác giả là một thầy thuốc tài danh nhưng cũng không được thấy mặt chúa mà chỉ làm theo mệnh lệnh của chúa thông qua quan Chánh đường.

2. Cảnh Lê Hữu Trác bắt mạch, kê đơn cho thế tử Trịnh Cán

Sau những hình dung ban đầu về cuộc sống trong phủ chúa Trịnh, Lê Hữu Trác được đưa đến Đông Cung để yết kiến và khám chữa bệnh cho thái tử Trịnh Cán. Dù thế tử chỉ là một cậu bé chừng năm, sáu tuổi thế nhưng khi gặp mặt, Lê Hữu Trác [đã là một cụ già] phải cúi lạy bốn lạy. Thầy tiến hành xem mạch và khám cả thân hình cho thế tử và đều phải xin phép người. Cách thăm khám của Lê Hữu Trác rất cẩn thận và tỉ mỉ. Khi về Lê Hữu Trác cũng cúi lạy chào thế tử rồi mới lui ra.

Sau khi khám, thầy thuốc kê đơn cho thế tử, dù cách chẩn đoán và phương hướng điều trị của Lê Hữu Trác khác hẳn và thậm chí là trái ngược với đa số các thầy thuốc khác trong cung. Tuy nhiên, ông vẫn quyết đoán, giữ vững lập trường bảo vệ ý kiến của mình. Không chỉ vậy, ông còn kiên nhẫn giải thích những khúc mắc của mọi người. Tuy nhiên, chính lúc này đây, Lê Hữu Trác lại gặp phải một vấn đề đó là đối diện với sự giằng xé, mâu thuẫn dữ dội giữa một bên là niềm mong muốn được sống ẩn dật, thoát khỏi vòng danh lợi, cuộc sống xa hoa và một bên nữa là lương tâm của người chọn nghề thuốc. Đến cuối cùng, Lê Hữu Trác đã chọn chữa trị cho thế tử để làm tròn trách nhiệm của người thầy thuốc mà gạc sở thích cá nhân sang một bên. Câu chuyện kết thúc trong cảnh Lê Hữu Trác về dinh Trung Kiên để chờ thánh chỉ và trong thời gian đó, bạn bè trong cung cũng thường tới lui hỏi thăm ông.

Như vậy, thông qua việc tóm tắt Vào phủ chúa Trịnh, chúng ta có thể hiểu được diễn biến câu chuyện. Đây chính là phần kiến thức nền rất hữu ích để các bạn có thể phân tích tác phẩm ở cả phương diện nội dung và nghệ thuật như đã giới thiệu từ đầu. Các bạn thấy đấy, công việc tóm tắt văn bản mang lại rất nhiều lợi ích đúng không? Thế nên, Blog Kiến Guru hi vọng rằng các bạn sẽ dành ít phút tóm tắt văn bản trước khi bước vào phần tìm hiểu chi tiết nhé!

Video liên quan

Chủ Đề