Việt nam gia nhập tổ chức wto vào năm nào năm 2024

Việt Nam nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới [WTO] vào năm 1995, bắt đầu quá trình chuẩn bị và đàm phán kéo dài 11 năm để gia nhập tổ chức thương mại lớn nhất toàn cầu này. Trong suốt hành trình 11 năm gian khổ đó, cộng đồng trong nước và quốc tế ghi nhận vai trò dẫn dắt của Phó thủ tướng Vũ Khoan như một “tổng công trình sư” đưa Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO vào năm 2007.

Hành trình lâu dài, nhiều thử thách

Ngày 30-5-1995, Ban Công tác về việc gia nhập WTO của Việt Nam [Ban Công tác] được thành lập. Mười lăm tháng sau, Việt Nam chuyển “Bản ghi nhớ Chính sách ngoại thương” tới WTO và nhận được một danh sách hơn 1.700 câu hỏi về các chi tiết thực tiễn kinh tế, hành chính và pháp lý của Việt Nam. Ban Công tác đã tổ chức 5 cuộc họp, từ đó đem tới WTO một bức tranh rõ nét hơn về nền kinh tế và chính sách ngoại thương của Việt Nam, kết thúc giai đoạn “thu thập thông tin” về Việt Nam của WTO, chuyển sang giai đoạn đàm phán.

Lễ ký Hiệp định Thương mại Việt Nam-Mỹ [BTA] giữa Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Vũ Khoan và Đại diện Thương mại Mỹ, bà Charlene Barshefsky, ngày 13-7-2000, tại thủ đô Washington D.C. [Mỹ].

Quá trình đàm phán để trở thành thành viên đầy đủ của WTO được thực hiện ở hai cấp độ khác nhau: Đa phương và song phương. Ở cấp độ đa phương, các điều khoản đã được đưa ra rất rõ ràng, có mức độ minh bạch nhất định. Về tổng thể, quá trình này giúp các nước muốn trở thành thành viên điều chỉnh nền kinh tế của mình cho phù hợp với những yêu cầu của WTO.

Tuy nhiên, đàm phán song phương lại có phần khác biệt. Quốc gia nộp đơn xin gia nhập WTO phải đàm phán theo 2 hướng: Cam kết về thuế quan và bảo hộ nông nghiệp; và cam kết về thương mại dịch vụ. Trong cả 2 hướng này, bên nộp đơn gia nhập thường xuyên phải chịu áp lực phải nhượng bộ đối với những nội dung đôi lúc có thể đụng chạm đến lợi ích quốc gia. Thêm vào đó, các cuộc đàm phán song phương đều được tiến hành trên cơ sở riêng giữa bên nộp đơn và một thành viên WTO, không công khai như ở cấp độ đàm phán đa phương.

Ảnh trái: Ngày 31-5-2006, tại TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự ký Hiệp định gia nhập WTO với ông Karan Bhatia - Phó đại diện thương mại Mỹ.

Ảnh phải: Nâng ly chúc mừng thành công của đoàn đàm phán gia nhập WTO Việt Nam, ngày 7-11-2006 - Ảnh: Reuters

Trong quá trình đàm phán song phương đó, trước tiên bên xin gia nhập phải gửi đề nghị và chờ nhận những yêu cầu cụ thể từ các thành viên WTO quan tâm. Khi nhận được yêu cầu, bên xin gia nhập phải kiểm tra, đối chiếu với lợi ích quốc gia về mặt thương mại và lại gửi đề nghị sửa đổi tới thành viên WTO trong đàm phán. Thành viên này lại tiếp tục đưa ra các yêu cầu mới… Quá trình này tiếp tục cho đến khi hai bên thống nhất được các nội dung. Sau khi đàm phán song phương kết thúc, kết quả đàm phán với tất cả các cá nhân thành viên được tổng hợp lại, đệ trình để xem xét và thông qua đa phương. Trước ngày gia nhập, bên nộp đơn phải gia hạn thỏa thuận nhượng bộ thuế quan trên cơ sở tối huệ quốc cho tất cả thành viên WTO. Quá trình đàm phán vì thế trở nên hết sức phức tạp và mất nhiều thời gian.

Năm 2000 đánh dấu một dấu mốc quan trọng khi Hiệp định thương mại song phương với Mỹ được ký kết sau 3 năm đàm phán và lưỡng viện Quốc hội Mỹ hoàn tất quá trình phê chuẩn vào tháng 12-2001.

Thành tựu từ khi Việt Nam gia nhập WTO

Ngày 7-11-2006 đã diễn ra lễ kết nạp Việt Nam vào WTO và ngày 11-1-2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức thương mại lớn nhất thế giới này. Gia nhập WTO, Việt Nam đứng trước những cơ hội và thuận lợi mới, đồng thời cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Tham gia vào sân chơi kinh tế - thương mại rộng lớn này tạo điều kiện cho Việt Nam mở rộng thị trường hàng hóa và dịch vụ, mở rộng quy mô thị trường xuất khẩu ra toàn cầu và tăng cường cải cách, đổi mới kinh tế - xã hội, đẩy mạnh thu hút đầu tư và kỹ thuật của nước ngoài trong khi nâng cao tính hiệu quả và sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước có cơ hội tiếp cận và sử dụng hàng hóa, dịch vụ với giá cả cạnh tranh và chất lượng tốt. Việc gia nhập WTO đã cho phép Việt Nam được tham gia một cách bình đẳng vào hệ thống thương mại đa phương, tránh tình trạng bị phân biệt đối xử, có điều kiện nâng cao và phát huy vai trò đối ngoại, gặt hái nhiều thành công về kinh tế - xã hội.

Sáng 11-1-2007, tại trụ sở Tổ chức Thương mại Thế giới [WTO] ở Geneva [Thụy Sĩ] treo biểu ngữ chào mừng Việt Nam bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức thương mại lớn nhất thế giới này.

Trước sự kiện Việt Nam gia nhập WTO, nhiều nước đã gửi điện chúc mừng. Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Francois Blarel gửi thông điệp hoan nghênh Việt Nam vào WTO với đại ý: Cũng như các đối tác khác thuộc Liên minh châu Âu, nước Pháp rất vui mừng trước sự kiện Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Kể từ thời điểm chính thức nộp đơn xin gia nhập WTO năm 1995, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc cải cách và phát triển kinh tế. Việt Nam đã thể hiện quyết tâm cao và công cuộc cải cách kinh tế đã bắt đầu đơm hoa kết trái. Việc gia nhập WTO sau 20 năm thực hiện chính sách Đổi mới đã đánh dấu một bước tiến mới của quá trình này.

Theo Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala, từ khi chính thức trở thành viên WTO đầu năm 2007 đến năm 2021 nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiến mức độ gia tăng gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội [GDP], giảm tỷ lệ nghèo một cách ấn tượng từ hơn 14% xuống 4% và trở thành một trong 20 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Đây là “kỳ tích” và là hình mẫu cho nhiều nước đang phát triển noi theo.

Không chỉ tác động mạnh mẽ, tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, gia nhập WTO chính là “mở cánh cửa lớn” để Việt Nam bước vào “sân chơi” toàn cầu.

Báo cáo Khảo sát mức sống dân cư các năm của Tổng cục Thống kê năm 2006 cho thấy tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 15,5%. Đến năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 4,4%. Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước của năm 2022 là 4,03% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.

Tham gia WTO, cán cân thương mại được cải thiện rõ nét, từ chỗ thường xuyên nhập siêu, Việt Nam đã chuyển sang cân bằng xuất, nhập khẩu, thậm chí là xuất siêu. Ảnh 1: Sản phẩm tôm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú [Minh Phu Seafood Corp] xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU. Ảnh 2: Chế biến mủ cao su phục vụ xuất khẩu tại Nông trường cao su Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Ảnh 3: THACO tổ chức Lễ bàn giao 15 xe bus THACO thương hiệu Việt Nam xuất khẩu sang Philippines. Đây là lô hàng thương mại đầu tiên của THACO sau hơn 16 năm đầu tư và phát triển trong ngành ô tô Việt Nam [28-12-2019].

Nếu như năm 2006 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước chỉ ở mức 84,7 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu là 39,8 tỷ USD và nhập khẩu là 44,9 tỷ USD, thì đến năm 2020 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã lên tới 545,3 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành một trong 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2015-2020 đạt trung bình 8-10%/năm. Riêng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả năm đạt mốc kỷ lục 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021.

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: TÔ NGỌC

Sau 16 năm gia nhập WTO, đến nay Việt Nam có hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực. Trong đó Việt Nam tham gia vào 17 hiệp định thương mại tự do, thiết lập quan hệ kinh tế với khoảng 230 nước và vùng lãnh thổ, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 17 quốc gia, tạo ra những động lực vượt trội giúp đất nước hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng tiếp theo. Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam cải thiện đáng kể, từ hạng 68 năm 2007 lên 48 vào năm 2022.

Việc gia nhập WTO giúp Việt Nam tăng trưởng mạnh GDP, thương mại có thặng dư, khẳng định năng lực và đưa Việt Nam trở thành một phần của chuỗi cung ứng, vừa có nhập khẩu, vừa có xuất khẩu. Đồ họa: TÔ NGỌC. Nguồn: Tổng cục thống kê, TTXVN.

Ngoài những thuận lợi, việc gia nhập WTO cũng đặt Việt Nam trước nhiều khó khăn như sức ép cạnh tranh gia tăng đối với các ngành nghề do phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có sức cạnh tranh thị trường kém, hạn chế về vốn, công nghệ và năng lực, doanh nghiệp trong nước dễ bị thua lỗ trước các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Ngoài ra, việc gia nhập WTO còn có khả năng gây ra một số tác động tiêu cực về mặt xã hội như làm gia tăng khoảng cách giàu-nghèo, bất bình đẳng giữa thành thị và nông thôn... Tuy nhiên, khi đã tuân theo tất cả các luật chơi của thương mại quốc tế, Việt Nam đã chủ động điều chỉnh hệ thống các quy định thương mại phù hợp với hệ thống thương mại của WTO, nhanh chóng thích ứng và tận dụng mọi thuận lợi mà tư cách thành viên WTO mang lại để phát triển đất nước. Thành tựu kinh tế - xã hội 16 năm qua đã khẳng định đường lối chỉ đạo và hành động đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

Hội nhập giúp Việt Nam tranh thủ được cơ hội, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn, đứt gãy chuỗi cung ứng, khủng hoảng an ninh phi truyền thống và truyền thống, địa chiến lược… như hiện nay. Trong ảnh: Nhà máy sản xuất xe thứ 2 của Hyundai tại Ninh Bình. Ảnh: Thắng Nguyễn

Dấu ấn “Tổng công trình sư” Vũ Khoan

Trước khi trở thành Phó thủ tướng Chính phủ phụ trách kinh tế đối ngoại, ông Vũ Khoan từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Thương mại. Trên các cương vị đó từ năm 1990 đến 2006, cố Phó thủ tướng Vũ Khoan đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình đàm phán với các nước thành viên WTO nhằm đạt được những thỏa thuận thương mại với các quốc gia và khu vực và thực hiện các cải cách kinh tế trong nước nhằm đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn để Việt Nam gia nhập WTO.

Trên cương vị Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Thương mại khi đó, cố Phó thủ tướng Vũ Khoan trực tiếp có đóng góp quan trọng vào quá trình đàm phán, ký kết thành công Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Mỹ vào năm 2000, bước đột phá quan trọng để Việt Nam thuận lợi đàm phán song phương với các quốc gia thành viên WTO và chuyển sang đàm phán đa phương. Từ tháng 8-2002, Bộ trưởng Bộ Thương mại Vũ Khoan được bổ nhiệm giữ chức Phó thủ tướng Chính phủ, phụ trách kinh tế đối ngoại. Trên cương vị mới, ông tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là trong vai trò trực tiếp chỉ đạo Bộ Thương mại hoàn tất quá trình đàm phán gia nhập WTO.

Tham gia các thỏa thuận thương mại về song phương và đa phương với các nước, đặc biệt là tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do đa phương đã tạo cho Việt Nam lợi thế trong việc duy trì chuỗi cung ứng cũng như đà kinh tế, thương mại của mình để tiếp tục phát triển.

Sinh thời Phó thủ tướng Vũ Khoan từng chia sẻ, khi ông về Bộ Thương mại và sau đó lên làm Phó thủ tướng phụ trách kinh tế đối ngoại thì quá trình đàm phán gia nhập WTO là một nhiệm vụ trọng tâm. Những nội dung trong đàm phán WTO cũng theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng quy mô rộng hơn và cao hơn so với Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Mỹ. Vì vậy, nếu hiệp định với Mỹ phải mất 9 lần xin ý kiến Bộ Chính trị thì đàm phán WTO chỉ cần xin những chủ trương, đường nét khuôn khổ lớn và Bộ Chính trị giao cho cố Phó thủ tướng Vũ Khoan trực tiếp chỉ đạo các ban, ngành thực hiện.

Những đóng góp và nỗ lực không mệt mỏi vì đất nước, vì nhân dân của cố Phó thủ tướng Vũ Khoan trong giai đoạn 1995-2006 đã góp phần đưa Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO vào tháng 1-2007, chỉ hơn 6 tháng sau khi ông được Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó thủ tướng vì lý do sức khỏe. Cố Phó thủ tướng Vũ Khoan - “Tổng công trình sư” WTO của Việt Nam - đã cùng các lớp cán bộ dày dạn kinh nghiệm và tâm huyết đưa Việt Nam trở thành một thành viên tích cực của WTO, góp phần đem lại nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội cho đất nước.

Trong bối cảnh tự do hóa thương mại và Cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển, hội nhập quốc tế đã góp phần thay đổi bộ mặt đất nước.

[1]: Nội dung trao đổi với báo Thanh Niên của Phó thủ tướng Vũ Khoan về những nguyên nhân khó khăn dẫn đến Việt Nam không gia nhập WTO trong năm 2005, và hướng giải quyết các vấn đề vướng mắc với các đối tác còn lại

Việt Nam gia nhập WTO vào năm bao nhiêu?

Ngày 11-1-2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO và một ngày sau, những quyền và nghĩa vụ của Việt Nam với tư cách là thành viên đầy đủ của WTO được thực thi. Sau 15 năm gia nhập WTO [2007 - 2022], Việt Nam đã có những bước tiến dài trên con đường hội nhập kinh tế toàn cầu.

Việt Nam gia nhập WTO có ý nghĩa như thế nào?

Việt Nam gia nhập WTO đồng nghĩa với việc từng nước thành viên WTO sẽ cho hàng hoá Việt Nam hưởng thuế suất nhập khẩu đang và sẽ áp dụng cho hàng hoá đến từ các nước thành viên WTO khác theo Biểu cam kết của nước đó trong WTO [gọi là thuế suất MFN].

Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế từ khi nào?

Tháng 7/1995 Việt Nam đã gia nhập vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á [ASEAN] và chính thức tham gia khu vực Thương mại tự do ASEAN [AFTA] từ 1/1/1996. Đây là sự kiện đánh dấu bước đột phá của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

BTA là viết tắt của từ gì?

Dịch vụ ngân hàng trong Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ [BTA] là một trong những lĩnh vực được Việt Nam cam kết mở cửa tương đối rộng, gần như tất cả các phân ngành dịch vụ trong dịch vụ ngân hàng. Vì vậy, nội dung về dịch vụ ngân hàng trong Hiệp định có ảnh hưởng tới việc chỉnh sửa pháp luật về ngân hàng.

Chủ Đề