Xây đi đôi với chống là gì

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức là cái gốc của người cách mạng, không có đạo đức cách mạng thì không lãnh đạo được nhân dân. Để xây dựng nền đạo đức mới, Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thực hiện các nguyên tắc về tu dưỡng đạo đức suốt đời, nói đi đôi với làm và xây đi đôi với chống. Gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống" trong công tác xây dựng Đảng, khẳng định việc tu dưỡng, rèn luyện và nêu gương của cán bộ, đảng viên có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, cũng là phẩm chất của cán bộ, đảng viên; góp phần quan trọng xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên; củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.

Hồ Chí Minh khẳng định: Muốn xây phải chống, chống nhằm mục đích xây là con đường để xây dựng đạo đức cách mạng1. Đây chính là nguyên tắc vô cùng cần thiết được Người vận dụng thường xuyên, linh hoạt và sáng tạo trong suốt quá trình xây dựng Đảng ta. Xây dựng đạo đức mới, bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, nhất thiết phải chống những biểu hiện phi đạo đức, sai trái, xấu xa. Đó là chủ nghĩa cá nhân. Theo Người, để xây dựng đạo đức cách mạng, trước hết phải tuyên truyền giáo dục các chuẩn mực đạo đức cho mỗi người, trong từng gia đình, từng tập thể, cộng đồng. Xây dựng đạo đức bằng việc khơi dậy ý thức tự nguyện vươn lên của con người tới chân, thiện, mỹ, từ đó tạo ra năng lực tự trau dồi đạo đức trong mỗi con người, loại bỏ cái ác, cái xấu, cái vô đạo đức.

Năm 1947, tại chiến khu Việt Bắc, cùng với việc viết tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", với bút danh Tân Sinh, Bác Hồ viết tác phẩm "Đời sống mới". Đối với một chính quyền non trẻ và đối với cuộc kháng chiến đầy cam go thử thách thì việc xây dựng đời sống mới có vai trò đặc biệt quan trọng. Mục đích của việc xây dựng đời sống mới là để xoá đi những tàn dư lạc hậu của phong kiến, đế quốc để lại, bởi vì muốn "diệt cỏ dại phải trồng nhiều hoa"; đồng thời, từng bước giáo dục nhân dân thấy được sự tốt đẹp của chế độ mới và trách nhiệm từng người với Tổ quốc. Người viết: "Những người ở trong các công sở từ làng [xã] cho đến Chính phủ Trung ương đều dễ tìm dịp phát tài hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục nhân dân. Đến khi lộ ra, bị phạt, thì mất hết cả danh giá, mà của phi nghĩa đó cũng không được hưởng. Vì vậy, những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu"2. Người thường phát động các cuộc vận động có tính chất chống tham ô thông qua triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các quyết định của Chính phủ, của Quốc hội như phát động phong trào "ba xây, ba chống"...

Theo Hồ Chí Minh, cùng với nhiệm vụ xây, nhiệm vụ chống cũng có vị trí đặc biệt quan trọng, để tạo môi trường cho cái đẹp nảy nở và phát triển. Người khẳng định phải kiên quyết chống lại những tệ nạn tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa rời quần chúngVì đây chính là kẻ thù nguy hiểm của nhân dân, là giặc nội xâm hết sức nguy hiểm làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Đối với phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu, Người chỉ ra rằng: "Chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị"3. Vì vậy, theo Người, muốn chống tham ô, lãng phí, quan liêu thì phải dân chủ, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tự phê bình mình và phê bình người khác. Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là cách mạng. Chúng ta làm cách mạng để tiêu diệt chế độ thực dân, phong kiến, để xây dựng dân chủ mới. Người nói: Thực dân và phong kiến tuy bị tiêu diệt nhưng cái nọc xấu của nó [tham ô, lãng phí, quan liêu] vẫn còn, thì cách mạng vẫn chưa hoàn toàn thành công, vì nọc xấu ấy ngấm ngầm ngăn trở, ngấm ngầm phá hoại sự nghiệp xây dựng của cách mạng4.


Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương sáng ngời về việc chống những hành vi tham ô, lãng phí. Người hết lòng yêu thương cán bộ, nhưng nếu ai dám lạm dụng tình thương của Người để làm hại đến tài sản và tính mệnh của nhân dân; làm mất đi thanh danh và uy tín của Đảng và Nhà nước thì người đó dù là cách mạng kỳ cựu cũng phải kiên quyết trừng trị để đề cao phép nước. Chính Người đã ký bản án tử hình đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu vì tội tham ô tài sản của quân đội, ăn chơi sa đọa, cắt xén công quỹ, tiêu xài hoang phí. Qua đây có thể thấy, thái độ kiên quyết đấu tranh với tệ nạn tham ô của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem lại hiệu quả cao trong việc đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu.

Xây phải gắn liền với chống, trong xây có chống và ngược lại. Theo đó việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh ở các cơ quan, đơn vị phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Kết hợp chặt chẽ các biện pháp tuyên truyền, giáo dục với biện pháp hành chính, xử lý kỷ luật nghiêm minh, tăng cường đấu tranh chống lại những biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Trong quá trình thực hiện, xây và chống phải có sự kết hợp hài hòa, không được xem nhẹ nội dung nào đồng thời yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thường xuyên tự soi mình, tự sửa, đánh giá đúng những ưu điểm, khuyết điểm của bản thân và tìm biện pháp khắc phục, sửa chữa. Coi đó là công việc như rửa mặt hàng ngày để gột rửa, làm sạch những vết bẩn, những hạn chế, thiếu sót, chủ động rèn luyện đạo đức của người cán bộ, đảng viên.

Thực hiện lời Di huấn của Người để lại, Đảng ta trong suốt các kỳ đại hội, luôn nêu cao tầm quan trọng của việc xây đi đôi với chống, đặc biệt, ngày 7/11/2006 Bộ Chính trị, khóa XI, ban hành Chỉ thị số 06 - CT/TW về tổ chức cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", sau đó đến Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 về việc Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là một trong những giải pháp nhằm đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ tham nhũng, tiêu cực; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nguyên tắc xây đi đôi với chống, trong những năm qua đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình đã nỗ lực cố gắng, khắc phục mọi khó khăn để triển khai, thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh nhà. Trường đã quan tâm xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đảng viên của toàn Đảng bộ đoàn kết thống nhất, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân; thực hành dân chủ, không quan liêu, vị kỷ, luôn vì mọi người. Đội ngũ cán bộ giảng viên của nhà trường ngày càng lớn mạnh, số lượng, chất lượng được nâng lên một bước. Đến tháng 06/2019, Trường có 27 thạc sỹ, 01 tiến sỹ, 16 giảng viên chính, 05 chuyên viên chính, 22 người có trình độ CCLLCT, 12 người có trình độ TCLLCT. Đảng ủy, Ban Giám hiệu thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm túc những cán bộ, đảng viên, học viên chưa tích cực tu dưỡng, rèn luyện hoặc vi phạm những quy định của Đảng, Nhà nước và của Trường.

Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ, đảng viên và giảng viên Trường Chính trị nói riêng, cần gắn việc học tập với giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong nhà trường, nhằm phê phán những biểu hiện tiêu cực đang diễn ra giúp cho cán bộ, đảng viên, giảng viên nâng cao nhận thức, giác ngộ trước những lỗi lầm sai phạm, tự giác thực hành sửa chữa, đồng thời phát hiện những nhân tố mới, những điển hình người tốt, việc tốt, những tấm gương sáng tiêu biểu để nhân rộng, tạo nên một phong trào sống chiến đấu, lao động và học tập theo đạo đức Hồ Chí Minh mang đầy đủ ý nghĩa thực tiễn và có sức thuyết phục.


Tài liệu tham khảo:

[1]. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 2011, T. 5 tr.252-253.

2 . Hồ Chí Minh. Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2011. T.5, tr.105

3. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 2011, T. 5 tr.252-253.

4 . Hồ Chí Minh. Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2011. T.5, tr.105



Phạm Thị Thu Hằng

Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở

Video liên quan

Chủ Đề