Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Chủ Nhật, 26/01/2020, 06:54 [GMT+7]

[TTV] - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 52-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa [CNH-HĐH] đất nước.

Mục đích của Kế hoạch là tổ chức quán triệt đầy đủ, sâu sắc nội dung Kết luận số 52-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các cấp, các ngành và toàn thể xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ tri thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước; đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước trong việc xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước.

Một trong các nội dung của Kế hoạch là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền. Các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với tổ chức đảng và cấp ủy cùng cấp tổ chức nghiên cứu, quán triệt, triển khai nội dung kết luận số 52-KL/TW  trong toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội, hoàn thành trong quý II/2020.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách bảo đảm trọng dụng, phát huy tốt đội ngũ trí thức.

Các Bộ ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm rà soát quy định pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện để phát triển, cống hiến và được xã hội tôn vinh; tạo hành lang pháp lý thuận lợi và xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của trí thức khi tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định các chủ trương chính sách, các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, báo cáo Chính phủ nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm sáng tạo nhằm bảo đảm lợi ích của trí thức đối với các sản phẩm sáng tạo do mình làm ra, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế.

Đẩy mạnh triển khai và tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ; hỗ trợ; hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ từ khối nghiên cứu ra doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện cơ chế, chính sách về lương, điều kiện làm việc, sinh hoạt đối với trí thức, đặc biệt đối với trí thức làm việc ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trí thức là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, để trí thức được hưởng đầy đủ lợi ích vật chất, tinh thần tương xứng với giá trị từ kết quả lao động sáng tạo của mình.

Ưu tiên cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển về hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, sáng tạo của trí thức.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, sáng tạo của trí thức.

HQ [Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ]

Đội ngũ trí thức là nguồn lực quan trọng, phản ánh sức mạnh của mỗi quốc gia, đặc biệt trong cuộc cạnh tranh toàn cầu hiện nay. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ, trong quá trình này đội ngũ trí thức đang ngày càng đóng vai trò quan trọng để đưa Việt Nam tiến kịp trình độ khu vực, thế giới. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đội ngũ trí thức đang đồng hành cùng dân tộc để đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp.

Đảng ta khẳng định: “Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo, truyền bá tri thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học, công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển”[1]. Đảng, Nhà nước ta luôn đánh giá cao đội ngũ trí thức, vai trò của họ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Đồng thời, có nhiều chủ trương, chính sách trong đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ trí thức. Có thể nói, đội ngũ trí thức Việt Nam thời kỳ nào cũng đều là những người tiêu biểu của dân tộc. Đặc biệt, từ khi cách mạng Việt Nam bước sang trang sử mới, đội ngũ trí thức càng có điều kiện để phát huy tài năng. Nhận định khái quát về vai trò của đội ngũ trí thức, Nghị quyết Hội nghị lần thứ VII của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X khẳng định: “Ðội ngũ trí thức đã đóng góp tích cực vào xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, góp phần làm sáng tỏ con đường phát triển của đất nước, giải đáp những vấn đề mới phát sinh trong sự nghiệp đổi mới; trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; sáng tạo những công trình có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật, nhiều sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh; từng bước nâng cao trình độ khoa học, công nghệ của đất nước, vươn lên tiếp cận với trình độ của khu vực, thế giới” [2]. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vai trò của đội ngũ trí thức được thể hiện sinh động trên các nội dung cơ bản.

Thứ nhất, xây dựng những luận cứ khoa học góp phần quan trọng vào hoạt động tư vấn, phản biện, hoàn thiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Hoạt động tư vấn, phản biện xã hội của đội ngũ trí thức là hoạt động minh bạch, dân chủ, công khai được coi như một hành vi có chất lượng khoa học của phê phán. Hoạt động phản biện tốt sẽ góp phần tạo ra sự đồng thuận cho phát triển, giảm được tối đa những yếu tố trở ngại trong quá trình thực thi các quyết sách. Thực tiễn, hoạt động phản biện là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, thậm chí phải trả giá đắt trên con đường tìm ra chân lý. Cho nên hoạt động phản biện xã hội rất cần một đội ngũ trí thức có đủ bản lĩnh, đủ dũng khí làm vai trò tổng hợp, phân tích, chọn lọc các ý kiến truyền tải một cách đầy đủ nhất, trung thực nhất đến nơi có thẩm quyền giải quyết. Vậy nên, đòi hỏi đầu tiên của hoạt động tư vấn, phản biện là độc lập, khách quan, khoa học, trung thực.

Thông qua tổ chức hội của mình là Liên hiệp hội Khoa học,  Kỹ thuật Việt Nam [VUSTA] là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đội ngũ trí thức đã tích cực tham gia vào các hoạt động phản biện xã hội. Với tinh thần yêu nước, trách nhiệm trước vận mệnh của quốc gia, dân tộc, đội ngũ trí thức Việt Nam đã nêu cao ý thức trách nhiệm công dân, đã đóng góp sức lực, trí tuệ vào nhiệm vụ chung của đất nước. Họ tham gia tích cực vào hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội, góp ý kiến của mình vào các vấn đề mang tính chất quốc kế, dân sinh. Họ tích cực đấu tranh bảo vệ các giá trị tốt đẹp của cuộc sống, không để cho chủ nghĩa cơ hội, tác động tiêu cực có cơ hội len lỏi vào đời sống xã hội: “Ở thời nào, trí thức cũng luôn luôn sẵn sàng đóng góp những ý kiến hết sức tâm huyết với nhiều vấn đề lớn liên quan đến quốc kế dân sinh, đến vận mệnh quốc gia dân tộc. Chính phủ rất quan tâm, đánh giá cao những đóng góp của đội ngũ trí thức” [3].


   Ngành công nghiệp sản xuất ô tô. Ảnh internet

Hoạt động phản biện là nhân tố cơ bản để nâng cao vị trí của trí thức trong bối cảnh đổi mới, phát triển khoa học, công nghệ. Phản biện giúp tìm ra chân lý, là cơ sở để phát triển bền vững. Nhà khoa học phải nói lên tiếng nói khoa học, trách nhiệm, lương tâm với tổ quốc, với nhân dân. Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều dự án từ trung ương đến địa phương nhờ sự phản biện của đội ngũ trí thức đã cung cấp luận cứ khoa học, thực tiễn giúp cấp thẩm quyền xem xét, kịp thời điều chỉnh, bổ sung vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Thứ hai, trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ngày nay, nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng được coi là yếu tố hàng đầu quyết định quy mô, tốc độ, tính chất, hiệu quả của công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở mọi quốc gia. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực này là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có vai trò, trách nhiệm hàng đầu của đội ngũ trí thức mà không lực lượng nào thay thế được.

Trong việc hình thành nền kinh tế tri thức, cuộc cách mạng 4.0, nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là lực lượng then chốt cho mọi sự phát triển nói chung, quyết định tốc độ phát triển kinh tế, xã hội, định hướng phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới. Với tư cách hiền tài, nguyên khí quốc gia, đội ngũ trí thức đã tham gia đóng góp vào hoạch định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Họ đã có nhiều kiến nghị, giải pháp giúp Việt Nam hoạch định hướng đi bền vững cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam. Với tư duy mới, những giải pháp, khuyến nghị của đội ngũ trí thức đã góp phần định hướng, xây dựng nguồn nhân lực phù hợp, đủ sức cạnh tranh với nguồn nhân lực chất lượng cao trên thế giới.

Đội ngũ trí thức trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Họ giảng dạy trực tiếp hoặc thỉnh giảng ở các trường đại học, học viện, cao đẳng trên tất cả các lĩnh vực. Mỗi năm có hàng triệu cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ được họ đào tạo, bồi dưỡng cung ứng cho thị trường lao động. Họ còn tích cực tham gia hợp tác, liên kết với đội ngũ trí thức ở một số quốc gia có nền giáo dục phát triển trên thế giới nhằm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội… là những đơn vị đào tạo uy tín, chất lượng cao khi có sự tham gia, phối hợp đào tạo, bồi dưỡng với đội ngũ trí thức nước ngoài.

Trên cơ sở đánh giá thành tựu, hạn chế thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đội ngũ trí thức còn tích cực tham gia tổng kết, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam. Nhiều bài học kinh nghiệm được tổng kết đã cung cấp luận cứ khoa học giúp Việt Nam hoàn thiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ ba, chủ động nghiên cứu, sáng tạo, truyền bá trí thức góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong mọi thời đại, trí thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo, truyền bá tri thức. Ngày nay cũng vậy, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, đội ngũ trí thức Việt Nam đang từng bước đa dạng hóa các phương thức tự học tập, tự nghiên cứu, chủ động tích lũy kiến thức, nâng cao trình độ mọi mặt. Họ đã tiếp thu những tri thức khoa học tiên tiến, hiện đại của thế giới, phát minh ra các tri thức, sáng kiến cải tiến kỹ thuật giúp tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đội ngũ trí thức đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp trên các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng, triển khai công nghệ tiên tiến, các dịch vụ khoa học, công nghệ khác. Họ đã tìm, phát minh ra nhiều công trình khoa học góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội của đất nước.

Thứ tư, tiếp nối, phát huy truyền thống dân tộc đội ngũ trí thức đã có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc.

Trong lịch sử, đội ngũ trí thức ở các thời kỳ đã luôn đồng hành cùng dân tộc. Tiếp nối truyền thống đó, trong những năm qua, đội ngũ trí thức đã luôn phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần hiếu học của dân tộc. Nhờ đó, trình độ lý luận, thực tiễn của đội ngũ trí thức Việt Nam không ngừng được nâng cao. Đã xuất hiện nhiều trí thức trẻ với nhiều công trình khoa học được nước nhà, quốc tế đánh giá cao. Một bộ phận trí thức Việt kiều trở về nước công tác là chiếc cầu nối giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế, đem những thành tựu khoa học tiên tiến về Việt Nam; tham gia vào công tác giảng dạy ở một số trường đại học, học viện, triển khai nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh đem lại hiệu quả cao. Đội ngũ trí thức đã phát huy tinh thần lao động sáng tạo trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, khắc phục tình trạng đói nghèo về trí tuệ, văn hóa, thông tin. Những thành tựu về khoa học của họ đã trở thành nguồn tài nguyên vô giá, góp phần rất quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước.

Với vị trí, vai trò ngày càng tăng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đội ngũ trí thức Việt Nam đang có nhiều cơ hội, thuận lợi, cho phép họ phát triển tài năng, đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Để hiện thực hóa được tầm ảnh hưởng này, đội ngũ trí thức cần có điều kiện để học tập, rèn luyện, không ngừng nỗ lực vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của mình.

___________

1, 2. Nghị quyết số 27-NQ/TƯ, ngày 6 – 8 – 2008, Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

3. vusta.vn.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 406, tháng 4 – 2018

Tác giả : ĐOÀN NAM CHUNG

Video liên quan

Chủ Đề