Ý nghĩa của phim bố già

Bố già là bộ phim thuần Việt, với kịch bản hoàn toàn Việt, diễn viên, đạo diễn Việt chứ không phải phim làm lại [remake] từ những siêu phẩm đình đám của Hàn, Trung hay thậm chí là Thái Lan, Philippines. Nhưng phim vẫn đủ đầy cung bậc cảm xúc, mới khóc đó đã cười, mới rưng rưng đó đã hả hê. Điều đó minh chứng một điều: điện ảnh Việt dư sức làm ra những bộ phim hoàn toàn Việt với câu chuyện rất Việt và được khán giả Việt đón nhận.

Thông điệp của tình yêu thương

Bố già xoay quanh câu chuyện gia đình nhiều thế hệ gồm Hai Giàu [Ngọc Giàu], Ba Sang [Trấn Thành], Tư Phú [Hoàng Mèo] và Út Quý [La Thành]. Bốn chị em Giàu – Sang – Phú – Quý mà mãi vẫn… nghèo, sống trong con hẻm lao động giữa Sài Gòn đô hội. Xoáy sâu vào sự khác biệt quan niệm giữa hai thế hệ cha - con, Bố già dẫn người xem trôi vào những kỷ niệm mà đa phần ai từng sống ở Sài Gòn 20-30 năm trước đều cảm nhận rõ: xóm nghèo, nước ngập, ồn ào… với đủ thứ hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời. Hiếm có bộ phim Việt nào mà chất đời được lồng vào nhiều và trọn vẹn như Bố già từ cảnh anh thanh niên hay lén tiểu bậy đến chuyện "nhà có đám" là chận xe cả xóm, đề nghị đi đường khác để gia chủ "vui" bên cái micro la om sòm các ca khúc cũ rích…

Phim Bố già kể câu chuyện quanh một xóm nghèo ở Sài Gòn

ẢNH: GALAXY

Điểm nhấn của phim là lời thoại. Khán giả rơi nước mắt khi nghe Ba Sang la trong cơn tức giận vì con trai Quắn [Tuấn Trần] không hiểu mình, không cảm được sự hi sinh của ông với gia đình, con cái bằng câu thoại: "Đ.M vì tao thương mầy!". Tình thương không thể cân đo đong đếm bằng lý trí, bằng trực giác. Nó không đến bằng sự trao đổi mà là cho đi. Và Ba Sang đã sống như thế!

Sự xung khắc cha-con trong phim cũng được từng khán giả cảm nhận như ngoài đời vì ít nhất vài lần ai đó cũng từng tranh cãi với cha mẹ mình về quan niệm sống, về cái được cho là "tư tưởng lạc hậu" của ông bà cụ. Ba Sang là một ông bố nghèo, không có nhiều tiền của, vật chất để lại cho con nên lấy sự hi sinh mà đền đáp. Trong khi người con lại suy nghĩ khác khi cho rằng: "Ba hãy sống cuộc đời của ba, đừng sống vì người khác nữa". Nhưng rồi người xem chợt tỉnh, chợt nhớ lại lần cuối cùng mình chụp ảnh chung với cha là khi nào như Tuấn Trần đã hỏi trong phim. "Dạo này tui thấy con trai tui nó thương tui nhiều quá, tự nhiên thấy muốn sống ghê", câu thoại rất đời của Ba Sang, của người cha gần đất xa trời như giọt nước tràn ly về tình cha con, nghĩa gia đình. Bi kịch, đau thương, hạnh phúc cứ đan xen trong Bố già. Xem phim chắc rằng nhiều người đều nhớ đến cha mình dù còn hay mất qua hình ảnh Ba Sang ngồi cặm cụi dùng mỏ hàn chì sửa đồ điện trong nhà, gội đầu cho cháu gái... Hay chi tiết con trai Quắn tắm nhờ Ba Sang đưa chai dầu gội, ông già mằn mò lấy chai dầu đã cạn đổ thêm xíu nước vào đưa con trai để xài cho thật hết. Cái máu nghèo, tiện tặn của ông làm ai cũng phải ngậm ngùi chợt nhớ về một thời mình đã từng sống như thế, và cha mẹ mình cũng từng làm thế ngày xưa…

Tình gia đình là thông điệp chính mà Bố già luôn hướng tới

ẢNH: GALAXY

Rồi cái xóm nghèo nhiều người sống hồi nhỏ từng ngập nước thế nào mỗi khi mưa lớn, cả đám con nít chạy ùa ra hẻm tắm mưa ngụp lặn trong cái "hồ bơi khổng lồ" đầy hôi hám chạy dọc dài theo con ngõ nhỏ. Tất cả những hình ảnh kỷ niệm đó đều được tái hiện trong Bố già, hiển nhiên nhưng dễ làm cho bao con tim phải thổn thức.

Bối cảnh phim được chăm chút theo từng góc máy. Vật dụng, đồ nội thất trong nhà cũng được chuẩn bị và sắp xếp chu đáo. Phục trang từng nhân vật hợp với cảnh quay. Cách xây dựng nhân vật rất đời thường, gần gũi và các tình tiết thì quá thật, không xảy ra ở đâu đâu mà luôn khiến khán giả cảm nhận: "Hình như mình đã thấy cảnh này ngoài đời rồi". Từng lớp xung khắc, vui buồn được tung ra và giải quyết lần lượt hợp logic, không gượng ép. Bố già là thế!

Bố già có thể đánh bay quan niệm: phim Việt lời thoại chán òm, nói toàn triết lý cao siêu, toàn chuyện chỗ nào chứ ít thấy chữ ĐỜI. Dàn diễn viên trong phim thì quá tròn vai, khó thể chê được. Mỗi diễn viên đều tạo được dấu ấn, làm khán giả nhớ.

Tuy nhiên nếu phần đầu đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và Trấn Thành chắt lọc hơn, bớt dàn trải thì phim sẽ gọn gàng và chỉn chu hơn. Vài phân đoạn cũng còn khá sến nhưng không quá lạm dụng mà tiết chế ổn nên không đẩy phim quá xa rời thực tế.

Bố già của Trấn Thành dù chỉ trùng cái tên Bố già [The Godfather] của đạo diễn lừng danh Francis F.Coppola với ngôi sao Al Pacino vào vai Bố già Mafia Michael Corleon nhưng có chung một thông điệp, như nhân vật Corleon từng nói: "Một người đàn ông không dành thời gian cho gia đình thì mãi mãi không bao giờ trở thành người đàn ông thật sự". Ba Sang trong Bố già đã sống đúng như thế. Và lời nhắn sau khi Bố già kết thúc như vọng mãi trong tim khán giả: "Chúng ta còn nhiều thời gian nhưng cha mẹ thì không. Hãy dành thời gian cho những người thương yêu nhất".

Tin liên quan

Không quá ngạc nhiên khi “Bố già” - bộ phim điện ảnh của Trấn Thành lại lấy đi nhiều nước mắt của khán giả đến vậy. Phim đi vào từng lát cắt của cuộc sống gia đình, vui có, buồn có và đầy nước mắt.

Cha mẹ luôn dành sự yêu thương, chở che cho con cái. Ông Sang [Trấn Thành] của “Bố già” cũng chẳng ngoại lệ. Một người bố lo cho từ cơm ăn áo mặc, đến bữa sáng cũng mang tận giường, chiếc quần xẻ dọc xẻ ngang chạy theo mốt, bố cũng mang ra may vá... "Đầu tắt mặt tối" với cuộc sống mưu sinh, ông Sang không một lời than vãn mà luôn cố gắng từng giờ để lo cho hai con của mình. Thấm thía cái nghèo khổ của cuộc sống, ông Sang khắt khe, áp đặt, bao đồng chỉ vì mong muốn con cái có cuộc sống ổn định và tương lai.

Thế nhưng đôi khi sự hi sinh quá nhiều sẽ gây ra tác dụng ngược. Hi sinh quá thành ra can thiệp, con cái sẽ cảm thấy không được sống theo những gì chúng muốn. Thay vào đó, phụ huynh nên trở thành những người bạn cùng cảm thông, sẻ chia trên hành trình con đang đi.


Trấn Thành trong phim “Bố già“. Ảnh: CMH

Sự khác biệt về tư tưởng giữa 2 thế hệ sẽ dẫn đến nhiều khúc mắc trong cuộc sống gia đình. Vì thế, cha mẹ nên ngồi lại lắng nghe con và để chúng được sống với đam mê của mình, đừng quy định cách sống của con.

Hãy dạy con cách suy nghĩ cho thế hệ sau này và để con nhận thức được rằng gia đình là nơi những người sống trong đó đều yêu thương nhau. Hãy để con cái được làm trọn trách nhiệm của mình, để con cảm thấy bản thân mình được sống có ý nghĩa.

Bộ phim còn mang đến một thông điệp sâu sắc gửi đến những người con, cần và phải biết nói lời cảm ơn và xin lỗi với bố mẹ ngay khi còn có thể, như lời nhắn nhủ đọng lại “chúng ta có rất nhiều thời gian, còn bố mẹ thì không. Xin lỗi cha mẹ khó lắm nhưng nói được thì dễ thương vô cùng...”.

Theo Laodong.vn

Trấn Thành cùng các cộng sự sử dụng tốt chất liệu đời thường để xây dựng nên bộ phim giàu cảm xúc về những vấn đề giản dị.

Thể loại: Tâm lý, hài hước
Đạo diễn: Vũ Ngọc Đãng, Trấn Thành
Diễn viên: Trấn Thành, Tuấn Trần, Ngân Chi, Ngọc Giàu, Hoàng Mèo, La Thành, Lan Phương
Đánh giá: 7/10

Bố già của Trấn Thành thuộc nhóm dự án điện ảnh Việt được trông đợi nhất năm, đồng thời đánh dấu lần đầu nghệ sĩ cùng lúc nắm giữ vai trò diễn viên chính, biên kịch, sản xuất lẫn đồng đạo diễn [cùng Vũ Ngọc Đãng]. Phim từng dự kiến ra rạp trong dịp Tết Nguyên đán 2021, trước khi phải dời tới đầu tháng 3 do dịch bệnh.

Dù được giới thiệu là phát triển từ loạt phim Bố già [2020], bộ phim điện ảnh không có điểm chung về tuyến nhân vật với web drama. Tác phẩm mới lấy bối cảnh một con hẻm nghèo, nhốn nháo và hay ngập nước ở TP.HCM, nơi Ba Sang [Trấn Thành] sống cùng con trai Quắn [Tuấn Trần] và con gái nuôi Bù Tọt [Ngân Chi]. Trong khi người bố vất vả với nghề chở hàng thuê, thì cậu con trai ôm mộng trở thành ngôi sao trên mạng xã hội.

Ông Ba Sang là người con thứ hai trong gia đình gồm bốn anh chị em Giàu [Ngọc Giàu], Sang, Phú [Hoàng Mèo], Quý [La Thành]. Sự khác biệt trong lối sống và điều kiện kinh tế dẫn đến nhiều bất đồng. Một số người thậm chí dị nghị ông Sang vì nhận nuôi bé Bù Tọt dù gia cảnh không mấy khá giả.

Sự kết hợp giữa Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng

Ở vị trí biên kịch kiêm đồng đạo diễn, Trấn Thành chứng tỏ được khả năng thu nhặt những mẩu chuyện xung quanh mình và phát triển thành tình tiết phim. Như chia sẻ tại buổi ra mắt tác phẩm, kịch bản được anh xây dựng từ câu chuyện thật của mình, hoặc nghe kể từ bạn bè, đồng nghiệp.

Đôi lúc, Bố già mang hơi hướm phong cách slice-of-life [lát cắt cuộc sống], mô tả những trải nghiệm đời thường hơn là hướng đến sự kịch tính. Khán giả lần lượt được giới thiệu các nhân vật, quan điểm và vấn đề riêng của họ, trước khi mâu thuẫn chính xuất hiện khá muộn ở gần giữa phim.

Trấn Thành cùng Vũ Ngọc Đãng cùng phát huy điểm mạnh của bản thân trong phim.

Hướng đi này giúp Trấn Thành cùng cộng sự phô diễn thế mạnh về lời thoại và tung hứng. Tác phẩm giống như được chia thành từng đoạn nhỏ, mỗi đoạn bàn đến một vấn đề trong gia đình. Ở từng đoạn, ê-kíp biết cách thắt, mở diễn biến thông qua lời thoại, tình tiết, để đưa đẩy cao trào và làm phong phú tổng thể tác phẩm.

Tùy trải nghiệm cá nhân, mỗi người xem có thể tìm thấy và đồng cảm với một khía cạnh nào đó của câu chuyện, từ việc cha mẹ đem con cháu ra để ganh đua nhau, bất đồng thế hệ, cho đến cảm giác nuối tiếc khi người thân ra đi.

Lối xây dựng nhân vật gần gũi, giàu chất liệu cuộc sống giúp các cảnh phim đáng tin và dễ chạm đến cảm xúc. Những cá nhân trong Bố già không hẳn là nghèo, nhưng mang dáng dấp của người lao động. Họ bị chi phối bởi những cảm xúc đời thường, đôi khi hơi tiêu cực, ghen tị nhau, ăn nói thẳng thừng, thậm chí dọa đánh nhau. Nhưng tất cả nhìn chung đều hướng thiện, quan tâm đến người thân.

Có thể nói, sự kết hợp trên ghế đạo diễn giữa một Trấn Thành nhiều biến hóa, ý tưởng và một Vũ Ngọc Đãng rất mát tay khi làm phim về người lao động đã mang lại trái ngọt.

Sự khác biệt giữa các thế hệ

Trong phim, vai ông Ba Sang sắc nét nhất với tính cách tốt bụng, ưa nhường nhịn, giàu tình cảm, nhưng ngại thay đổi. Ông lo cho con trai, nhưng còn lấn cấn trong việc chấp nhận hướng đi mới của cậu. Trong khi đó, Quắn đại diện cho lớp thanh niên ngày nay, giỏi công nghệ và thích thử thách bản thân.

Mâu thuẫn giữa hai bên được cài cắm qua nhiều tình tiết nhỏ như mua quần áo, chuyển nhà, cách cư xử với người thân… Biên kịch giải quyết khéo sự khác biệt thế hệ, khi đến cuối mỗi người đều hiểu và chấp nhận một phần quan điểm của người kia.

Trấn Thành và Tuấn Trần ăn ý trong phim.

Việc cân bằng tốt giữa hai quan điểm này giúp bộ phim có được cái kết hợp lý, dễ chịu với đa phần người xem. Càng về cuối, Bố già càng đẩy thêm nhiều trường đoạn xúc động khi câu chuyện lên cao trào. Hàng loạt màn đối thoại chát chúa lúc đầu được thay bằng những lời giãi bày chân tình.

Không ít người sẽ nhận ra rằng chính người thân trong gia đình mới là những người vốn thiếu thốn lời ngọt ngào, êm đềm nhất từ chúng ta. Cuộc sống bộn bề bên ngoài khiến con người đôi khi quên mất là mình “có nhiều thời gian, nhưng ba mẹ thì không”.

Diễn xuất ăn ý của dàn diễn viên

Trấn Thành cho thấy sự tiến bộ về diễn xuất trong hình tượng một ông già tốt tính nhưng bảo thủ. Ở lần tái xuất này, nghệ sĩ không lạm dụng sự hoạt ngôn của bản thân, mà phát tiết nó vào một đường dây tâm lý chắc chắn. Các câu nói của ông Ba Sang có ý nghĩa trong nội tại đối thoại và câu chuyện, chứ không bị rơi vào tình trạng “thuận miệng thì nói” như nhiều vai trước đây của Trấn Thành.

Lê Giang vào vai người phụ nữ nặng tình nghĩa và tạo nhiều tiếng cười, giúp bộ phim bớt căng thẳng.

Trong khi đó, Tuấn Trần gây bất ngờ sau khi không để lại nhiều dấu ấn trong các tác phẩm trước đây. Ở những đoạn đóng cùng Trấn Thành lẫn các đàn anh, đàn chị, nam diễn viên không bị lép vế mà vẫn tạo được điểm nhấn.

Một cảnh quay đáng khen của bộ phim là khi hai bố con đấu khẩu trong nhà vài phút mà không cắt cảnh. Không chỉ giữ được nội dung thoại trong khoảng thời gian khá dài, Trấn Thành và Tuấn Trần còn kiến tạo được mâu thuẫn qua nhịp điệu, sắc thái thoại.

Trong dàn diễn viên phụ, những nghệ sĩ giàu thực lực như Ngọc Giàu, Lan Phương, La Thành không khó hoàn thành vai diễn. Trong đó, Lan Phương tỏ ra ấn tượng với chất giọng chát chúa, những lời thoại cà khịa qua vai nhân vật khó ưa nhất phim. Còn Lê Giang nổi bật nhờ sự duyên dáng, dí dỏm khi hóa thân thành cô hàng xóm mê Ba Sang. Sau Tuấn Trần, nữ nghệ sĩ là người có nhiều trích đoạn đáng nhớ nhất với Trấn Thành.

Cú máy dài ở đầu phim là nỗ lực lớn của ê-kíp.

Về kỹ thuật, ê-kíp giới thiệu cảnh đầu phim ấn tượng với cú máy one-shot dài khoảng hai phút, phô diễn đại cảnh đường phố trước khi đi vào khu xóm nghèo của dân lao động. Tuy nhiên, phần nhạc phim nặng tính sắp đặt, mang khuynh hướng dẫn dắt thay vì khơi gợi cảm xúc tự nhiên.

Kịch bản Bố già có nhiều điểm sáng, nhưng vẫn rơi vào tình trạng ôm đồm tình tiết, chưa giải quyết hết mâu thuẫn. Bên cạnh đa phần câu thoại tốt, một số vẫn còn sến và dài dòng, không hợp xuất thân các nhân vật.

Với thời lượng 128 phút, bộ phim tạo cảm giác hơi lê thê và nhiều đoạn hoàn toàn có thể chuốt ngắn hơn, như cảnh với bài hát Bigcityboi đầu phim. Ngoài ra, tình tiết Quắn trở thành ngôi sao diễn ra quá nhanh, phá hỏng bầu không khí chung vốn đang xoay quanh những người lao động. Loạt cảnh về scandal showbiz bị rập khuôn nhiều phim trước đó và cũng lạc lõng trong tổng thể.

Nhìn chung, Bố già là một xuất phẩm tốt đến từ Trấn Thành và các cộng sự. Dù còn vài điểm lấn cấn, tác phẩm vẫn cho thấy tố chất của cả những người đứng trước và phía sau máy quay.

Video liên quan

Chủ Đề