2 lực lượng nòng cốt được mỹ sử dụng trong chiến lược chiến tranh đặc biệt 1961 1965 là gì

[Bqp.vn] - Khác với chủ nghĩa thực dân cũ của Pháp, chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở miền Nam luôn coi bình định là chính sách chiến lược cơ bản hàng đầu. Đây thực sự là một cuộc giành giật dân và đất có tính mất còn giữa nhân dân miền Nam với Mỹ và chính quyền Việt Nam cộng hòa, cũng là một cuộc chiến cam go diễn ra trực tiếp ở cơ sở. Và tất nhiên, lực lượng trực tiếp tiến hành bình định cũng chính là hệ thống bộ máy chính quyền với lực lượng vũ trang, bán vũ trang và các tổ chức phản động chìm, nổi ở khắp địa bàn và thực hiện nhất quán, xuyên suốt trong từng chiến lược chiến tranh.

Du kích miền nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. [ảnh: tư liệu]

Trong thời kỳ “Chiến tranh một phía” [1954 - 1960] là chương trình “Tố Cộng, diệt Cộng” và dồn dân lập khu dinh điền, khu trù mật để nắm dân. Đến chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” [1961 - 1965], chúng đưa ra “Chương trình Bình định nông thôn”, trong đó “ấp chiến lược” là biện pháp chủ yếu nhất. Trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ” [1965 - 1968], Mỹ đưa bình định lên ngang với biện pháp quân sự “tìm diệt”, xây dựng “làng kiểu mẫu”. Khi thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” [1969 - 1975], chúng triển khai kế hoạch “bình định cấp tốc”, “bình định đặc biệt”, “bình định xây dựng”, “bình định phát triển”, “bình định bổ túc”. Đây là thời kỳ Mỹ và chính quyền Việt Nam cộng hòa đẩy chương trình bình định lên đỉnh cao nhất, quyết liệt nhất.

Về lực lượng sử dụng trong quá trình bình định, dưới sự chỉ đạo của đội ngũ cố vấn Mỹ, quân đội và bộ máy chính quyền Việt Nam cộng hòa các cấp là lực lượng trực tiếp và thường xuyên tiến hành các hoạt động bình định. Cụ thể: Quân chủ lực, địa phương quân, cảnh sát, lực lượng bán vũ trang, lực lượng chính trị phản động [các đội bình định, phượng hoàng, mật vụ, tề xã ấp, tâm lý chiến, chiêu hồi, các đảng phái và tôn giáo phản động …]. Cùng với các đơn vị bảo an, dân vệ, cảnh sát là lực lượng trực tiếp thực hiện các biện pháp, thủ đoạn khủng bố đàn áp, kìm kẹp nhân dân. Nhìn một cách tổng thể: Chương trình bình định miền Nam Việt Nam-một vấn đề chiến lược được Mỹ coi vừa là mục tiêu; đồng thời, vừa là mục đích của cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới do chính Mỹ tiến hành ở miền Nam Việt Nam.

Để đối phó với chính sách bình định của địch, việc đấu tranh chống phá bình định, giành và giữ dân, giải phóng và giữ đất đai trở thành vấn đề chiến lược cốt lõi của cách mạng miền Nam trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bình định và đấu tranh chống phá bình định chỉ có thể tiến hành từ cơ sở thôn xóm, xã ấp và phải do lực lượng tại chỗ tiến hành. Với ta là bộ đội địa phương, nòng cốt là dân quân tự vệ và du kích, các tổ chức quần chúng cách mạng… Dân quân tự vệ, du kích luôn đóng vai trò “đòn xeo”, là một trong những nhân tố quyết định đến tiến trình phát triển và thắng lợi của phong trào.

Trong phong trào Đồng khởi, do lực lượng vũ trang còn hạn chế, riêng lực lượng dân quân, du kích trên toàn miền Nam, năm 1959 mới chỉ có khoảng 4.000, đến năm 1960 lên tới 10.000 người; thực hiện phương châm kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang, quân và dân ta đã đẩy mạnh chiến tranh du kích - phá thế kìm kẹp của địch; tiêu hao, tiêu diệt và giải tán các lực lượng phản động, phá hệ thống chính quyền cơ sở của chúng, lập chính quyền cách mạng ở cơ sở. Điển hình như dân quân, du kích tỉnh Bến Tre làm nòng cốt cho 58 vạn quần chúng nổi dậy phá tan, bức hàng, bức rút hơn 100 đồn bốt, giải phóng 300/500 ấp. Thắng lợi của phong trào Đồng khởi đánh dấu sự thất bại của “Chiến tranh đơn phương” của địch, mở ra thời cơ và điều kiện thuận lợi để quân và dân miền Nam chuyển sang thời kỳ chủ động tiến công và nổi dậy, giành những thắng lợi mới.

Từ năm 1961 trở đi, chiến tranh du kích đã phát triển rộng khắp và mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi để ta đẩy mạnh phương châm đấu tranh “hai chân”, “ba mũi”, liên tục tiến công quân địch, giải phóng thêm những vùng địa bàn và dân cư rộng lớn. Hình thái chiến tranh du kích cục bộ đã mở rộng khắp miền Nam, hỗ trợ cho quần chúng đấu tranh chính trị, đẩy quân đội và chính quyền Sài Gòn vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng và triền miên.

Bên cạnh đó, dân quân, du kích hoặc độc lập tác chiến, hoặc phối hợp với bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương chiến đấu, từng bước đánh bại các biện pháp chiến thuật tân kỳ như “trực thăng vận”, “thiết xa vận”, “phượng hoàng vồ mồi”… những con “át chủ bài” trong các cuộc hành quân bình định của địch; làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc phát triển lên những cung bậc mới. Cùng với thời gian, dân quân, du kích đã góp phần trực tiếp và hiệu quả cùng Quân giải phóng và quần chúng cách mạng đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, tạo ra thế và lực vững chắc, mạnh mẽ cho cách mạng miền Nam. Đó là thế chủ động tiến công, tiến công liên tục và toàn diện của cách mạng miền Nam.

Khi chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” phá sản, Mỹ triển khai chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam. Để chủ động chuẩn bị đối phó với đối tượng tác chiến mới, lực lượng cách mạng miền Nam, trong đó dân quân tự vệ, du kích là một thành phần trọng yếu đã nhanh chóng phát triển mạnh cả về số lượng cũng như về chất lượng. Đến năm 1966, dân quân tự vệ và du kích trên toàn miền là 301.354 người, trong đó có 152.037 người trực tiếp chiến đấu; năm 1967 đã lên 302.638 người, có 154.159 người trực tiếp chiến đấu.

Trong giai đoạn này, chiến tranh du kích tại các địa phương tiếp tục phát triển mạnh mẽ, sáng tạo ra nhiều cách đánh thông minh, độc đáo, “thiên biến vạn hóa”… đạt hiệu suất chiến đấu cao, gây bao nỗi kinh hoàng, khiếp sợ, ám ảnh thẳm sâu trong tâm thức của mỗi người lính Mỹ khi bị đốc thúc ra trận, thậm chí ngay cả những lúc nằm trong căn cứ [kể cả những căn cứ trong thành phố] có hệ thống canh phòng hết sức cẩn mật. Quan trọng hơn là chính trong thành phần lực lượng tác chiến đặc biệt - tác chiến biệt động, cũng có những đóng góp rất quan trọng của lực lượng vũ trang tại chỗ. Đây cũng là nét độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam mà hầu như các nước khác không có được.

Cùng với thời gian, sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng đi liền với sự gia tăng cường độ và quy mô tác chiến của dân quân, du kích đã hỗ trợ mạnh mẽ và hiệu quả cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, góp phần quan trọng vào việc từng bước đánh bại các cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966, 1966 - 1967; trực tiếp bẻ gãy “gọng kìm bình định” của địch. Khi thời cơ đến, toàn miền Namđã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân [1968], điển hình nhất là đợt Tết Mậu Thân. Chớp thời cơ thuận lợi này, với ưu thế của mình, dân quân, du kích đã tổ chức và hậu thuẫn trực tiếp cho quần chúng nổi dậy phá rã hệ thống chính quyền cơ sở, khu dồn dân, ấp chiến lược - “sản phẩm” chính sách bình định của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, giải phóng nhiều vùng đất đai và dân cư rộng lớn.

Tiếp đà thắng lợi, từ năm 1970, lực lượng dân quân, du kích đã phối hợp với bộ đội chủ lực từng bước giành lại thế chủ động, tiến công tiêu diệt địch, giành thắng lợi lớn ở Trị - Thiên, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang tại chỗ và nhân dân các địa phương nổi dậy phá tan rã hàng loạt ấp chiến lược, khu dồn dân của địch. Riêng với Khu 5 và Đồng bằng sông Cửu Long, bằng các chiến dịch tổng hợp của lực lượng vũ trang ba thứ quân, trong đó dân quân, du kích là thành phần lực lượng trụ bám địa bàn, chủ động đánh bại các chiến dịch hành quân bình định, làm thất bại kế hoạch “bình định trọng điểm” trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch.

Tiếp đó, bằng sự tỉnh táo, nhạy bén trước âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt của địch trước khi Hiệp định Pa-ri có hiệu lực, phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, dân quân, du kích các địa phương đã chủ động chống phá bình định, phá tan rã hàng trăm ấp chiến lược, khu dồn dân của địch; cản phá quyết liệt các cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng, làm thất bại kế hoạch “cắm cờ tràn ngập lãnh thổ”, “Bình định cấp tốc”… của chúng, giữ vững và mở rộng thêm nhiều vùng địa bàn chiến lược trọng yếu, tạo thêm các lõm căn cứ đứng chân cho bộ đội chủ lực, tích trữ hậu cần chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam khi thời cơ đến. Để trực tiếp chuẩn bị cho cuộc nổi dậy đồng loạt của ngày Đại thắng, cùng với các lực lượng khác, dân quân tự vệ và du kích trên các địa phương thôn ấp, làng xã, phường khóm… khẩn trương củng cố và phát triển nhanh chóng về mọi mặt.

Khi thời cơ chiến lược giải phóng miền Nam đến, bên cạnh một bộ phận dân quân du kích trực tiếp cùng bộ đội chủ lực chiến đấu trên các hướng chiến trường, phần lớn lực lượng còn lại thực sự đóng vai trò nòng cốt cho phong trào nổi dậy của quần chúng như: Diệt ác ôn, giải tán quân bảo an dân vệ, phá tan các ấp chiến lược, giải tán toàn bộ hệ thống chính quyền cấp cơ sở của địch, thiết lập chính quyền cách mạng...

Tựu trung lại, thực tế kết quả phong trào đấu tranh của quân và dân miền Nam chống phá bình định trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không chỉ góp phần quan trọng vào việc làm thất bại cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, mà còn nhằm tiếp tục khẳng định đường lối xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân - trong đó có thành phần lực lượng dân quân tự vệ và du kích; thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc đúng đắn và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, trong việc xây dựng khu vực phòng thủ đất nước hiện nay, nhất là đối với những địa bàn chiến lược hiểm yếu, nơi biên giới, hải đảo… việc phát triển lực lượng dân quân tự vệ cả về số lượng, chất lượng là một yêu cầu cấp bách. Và những bài học và kinh nghiệm từ những năm kháng chiến chống Mỹ nói chung, từ phong trào đấu tranh chống, phá bình định nói riêng sẽ vẫn là những nội dung cần thiết cần tiếp tục được nghiên cứu và vận dụng một cách phù hợp và sáng tạo nhằm tiếp tục khẳng định vai trò của lực lượng dân quân tự vệ sẽ vẫn mãi là “một lực lượng vô địch - bức tường sắt của Tổ quốc” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

Nguyễn Huy Thục - Nguyễn Duy Điệp [Báo QĐND]

Video liên quan

Chủ Đề