Các tiêu chí đánh giá hình thức thông tin

Tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả tuyên truyền Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng trên báo chí hiện nay

Ngày đăng: 25/07/2018 02:57
Mặc định Cỡ chữ

Nghị quyết của Đảng có vai trò đặc biệt quan trọng, có chức năng lãnh đạo và định hướng các hoạt động thực tiễn, góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động bảo vệ và phát triển đất nước. Nhưng, muốn đạt được điều đó, tất cả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đều phải được đi vào cuộc sống, được hiện thực hóa trong cuộc sống.

Nói cụ thể hơn, nghị quyết, chỉ thị của Đảng phải được đến với quần chúng nhân dân, các tổ chức kinh tế, các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, được quần chúng nhân dân hiểu, ủng hộ, thực hiện một cách tự giác.

Có nhiều cách thức để chỉ thị, nghị quyết đi được vào cuộc sống, tiếp cận và thẩm thấu được vào nhận thức, hành vi của quần chúng nhân dân. Chẳng hạn, thông qua hoạt động truyền thông trực tiếp của các báo cáo viên, tuyên truyền viên; thông qua các đợt sinh hoạt chính trị trong các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan ban ngành đoàn thể; thông qua mạng lưới cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử trên mạng Internet Trong số đó, truyền thông trên báo chí là một phương thức hữu hiệu. Bởi, thực tiễn đã chứng minh, trong số các phương tiện truyền thông hiện nay, báo chí, bao gồm báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử, là loại hình truyền thông đại chúng có phạm vi thông tin rộng lớn nhất, mức độ tác động nhanh nhất, mạnh nhất.

Báo chí thực hiện truyền thông về chỉ thị, nghị quyết bằng cách:

- Đưa thông tin về chỉ thị, nghị quyết. Thông tin về chỉ thị, nghị quyết có thể được đưa theo 2 hình thức: đăng toàn văn, trích đăng/giới thiệu một phần.

- Phân tích, bình luận về tầm quan trọng, tính hợp lý của các chỉ thị, nghị quyết qua ý kiến chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý

- Quản lý, giám sát việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong đời sống thực tế, kịp thời nhận diện những nhân tố tích cực để tuyên dương, góp phần nhân rộng trong xã hội những tấm gương điển hình tiên tiến trong học tập và thực hiện chỉ thị, nghị quyết; nắm bắt và phản ánh những biểu hiện tiêu cực, vi phạm trong quá trình thực hiện chỉ thị, nghị quyết để tạo tính răn đe, hỗ trợ cơ quan chức năng xử lý đúng người, đúng tội. Báo chí quản lý, giám sát việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết thông qua cơ chế đưa thông tin, tạo dư luận xã hội, định hướng dư luận đồng tình, ủng hộ trong việc học theo và làm theo, đưa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.

- Tham góp ý kiến để Đảng, Nhà nước nắm bắt ý chí, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, kịp thời điều chỉnh hoặc ban hành mới các chỉ thị, nghị quyết phù hợp với đời sống.

Các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng luôn được báo chí phản ánh kịp thời.

Các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng luôn được báo chí phản ánh kịp thời.

Để thực hiện tốt những chức năng nêu trên, yêu cầu đặt ra là các tác phẩm báo phải đạt chất lượng tốt. Dưới góc độ chủ thể sáng tạo, các nhà báo, cơ quan báo chí cần phải xác định được tiêu chí chất lượng thông tin. Để xác định chính xác, có thể căn cứ vào mô hình truyền thông hai chiều của C. Shannon. Theo mô hình đó, truyền thông về chỉ thị, nghị quyết trên báo chí sẽ được thực hiện theo cơ chế sau: Nguồn phát là nhà báo [cơ quan báo chí] thực hiện khai thác thông tin, tư liệu [các chỉ thị, nghị quyết], sáng tạo thành các tác phẩm [thông điệp], truyền thông điệp tới đối tượng [cơ quan, tổ chức, cá nhân] thông qua phát thanh, truyền hình, báo in, báo mạng nhằm tác động làm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của đối tượng phù hợp với mục đích của Đảng, Nhà nước.

Chất lượng truyền thông chủ yếu phụ thuộc vào các yếu tố: nguồn phát [nhà báo với trình độ năng lực, kỹ năng và tâm huyết]; thông điệp [với sức hấp dẫn, giá trị về nội dung, hình thức]; kênh [phù hợp, hấp dẫn, có thể tiếp cận được người tiếp nhận]; người nhận [với sự quan tâm, khả năng hiểu, nhớ thông điệp] Trong đó, chất lượng thông điệp là yếu tố hiện hữu trực tiếp, quyết định lớn tới sự thành công của hoạt động truyền thông.

Tác phẩm báo chí có chất lượng là tác phẩm:

+ Thông tin nhanh chóng, kịp thời các chỉ thị, nghị quyết.

+ Thông tin thường xuyên, liên tục về các chỉ thị, nghị quyết. Bởi không giống hầu hết sự kiện, sự việc khác trong đời sống xã hội có vòng đời ngắn, các chỉ thị, nghị quyết sẽ sống rất lâu. Việc triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết trong đời sống thực tế không thể một sớm một chiều, mà đòi hỏi nhiều tháng, nhiều năm. Do đó, nhiệm vụ của báo chí là phải thường xuyên thông tin nhắc lại chỉ thị, nghị quyết, thường xuyên theo dõi, giám sát để phản ánh việc học tập, thực hiện chỉ thị, nghị quyết của các tổ chức, cơ quan, của từng cá nhân

+ Thông tin đơn giản, dễ hiểu. Chỉ thị, nghị quyết vốn được trình bày cô đúc, chặt chẽ, khoa học, nhưng lại có nhiều thuật ngữ, từ ngữ khoa học hoặc thuật ngữ chuyên ngành. Vì vậy, khi đến với báo chí, tuỳ từng đối tượng, nhà báo có cách sử dụng từ ngữ phù hợp. Ví dụ, với đối tượng là người dân có trình độ học vấn thấp, chỉ thị, nghị quyết phải được diễn đạt một cách đơn giản bằng việc luôn giải nghĩa, giải thích; sử dụng cách nói dân gian, tục ngữ, ca dao để ví von, so sánh; luôn liên hệ với thực tiễn

+ Thông tin phù hợp với từng loại hình báo chí. Ví dụ, cùng là thông tin toàn văn về Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII, các tờ báo mạng điện tử nên lựa chọn cách trình bày bắt mắt: ngắt đoạn ngắn, tạo những khoảng trắng để người xem nghỉ mắt, có thể bổ sung ảnh, bổ sung video hoặc audio có liên quan đến kỳ Đại hội. Báo phát thanh thì chia toàn văn Nghị quyết thành nhiều kỳ để người nghe dễ tiếp nhận; còn truyền hình vừa đọc, vừa trích lọc văn bản để đưa dưới dạng chữ viết kèm theo, giúp khán giả nhớ lâu hơn.

+ Thông tin có tính phân tích, chỉ dẫn nhằm định hướng, củng cố niềm tin, kêu gọi hành động. Báo phát thanh, báo truyền hình hay báo mạng có thể mời các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước các cấp tham gia các cuộc phỏng vấn, toạ đàm, bình luận về các chỉ thị, nghị quyết được ban hành. Từ những phân tích, nhận định của các chuyên gia, công chúng có thể hiểu rõ hơn nội dung chỉ thị, nghị quyết với những mặt tích cực để tin tưởng, tự giác học theo, hành động theo. Ngoài ra, báo chí cũng có thể lấy thông tin nhiều chiều: ý kiến của nhân dân trong việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết; những ý kiến đóng góp của người dân

+ Thông tin một cách sáng tạo về tình hình vận dụng và cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết đối với từng điều kiện, tình hình thực tiễn ở mỗi địa phương, đơn vị. Nên tận dụng đa dạng thể loại báo chí: bài phản ánh, phóng sự, toạ đàm, ghi nhanh để thông tin đa dạng, nhiều chiều.

Muốn có được những tác phẩm báo chí về chỉ thị nghị quyết đạt chất lượng tốt với những tiêu chí đã nêu trên, nhà báo cần có những phẩm chất nhất định:

- Có kỹ năng truyền thông [kỹ năng khai thác tư liệu, chụp ảnh, viết bài, tác nghiệp đa phương tiện..].

- Hiểu rõ nội dung, mục đích các chỉ thị, nghị quyết

- Tâm huyết với nhiệm vụ truyền thông về chỉ thị, nghị quyết

- Hiểu rõ đối tượng tiếp nhận [đặc điểm tâm lý, công việc, vị trí công tác, các yếu tố văn hoá, xã hội... ở từng vùng miền] để lựa chọn nội dung và phong cách truyền thông phù hợp

- Biết lựa chọn kênh truyền thông thích hợp với đối tượng tiếp nhận. Đó là kênh truyền thông mà đối tượng có thể tiếp cận được và chi trả được, có sức hấp dẫn. Hiện nay, truyền hình và báo mạng điện tử là kênh truyền thông hấp dẫn, phổ biến nhất đối với công chúng. Vì vậy, có thể chọn truyền hình, báo mạng là những kênh truyền thông chủ đạo.

- Xác định những rào cản [nhiễu] trong quá trình truyền thông để tìm cách hạn chế càng nhiều càng tốt. Đó có thể là nhiễu về tâm lý của đối tượng tiếp nhận [sự thờ ơ, thiếu quan tâm]; nhiễu về tác động của môi trường xã hội [các thế lực thù địch cũng dùng truyền thông để chống phá Đảng, chế độ và cản trở việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết của các tổ chứ, cá nhân]; nhiễu về trình độ năng lực của chủ thể truyền thông [thiếu kỹ năng và đạo đức truyền thông]

Một sản phẩm báo chí thông tin về chỉ thị, nghị quyết có chất lượng tốt, sẽ thu hút được đông đảo công chúng tiếp nhận; sẽ giúp đối tượng hiểu nhanh, nhớ lâu, hình thành khao khát được thực hiện. Nhưng, quan tâm đến chất lượng truyền thông không thôi thì chưa đủ. Muốn đo đếm được hiệu quả tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết, phải xác định được những chỉ số thay đổi trên thực tế ở đối tượng tiếp nhận thông qua xác định các tiêu chí đánh giá hiệu quả truyền thông như sau:

- Có bao nhiêu phần trăm đối tượng [bao nhiêu người] cung cấp ý kiến phản hồi về việc tiếp nhận thông tin?

- Có bao nhiêu phần trăm đối tượng [bao nhiêu người] nhận thức được tầm quan trọng, giá trị của các chỉ thị, nghị quyết, quan tâm và sẵn sàng tiếp nhận thông tin về chỉ thị, nghị quyết qua báo chí?

- Có bao nhiêu phần trăm đối tượng [bao nhiêu người] làm theo nội dung mà chỉ thị, nghị quyết đã ban hành?

Muốn đo đếm được những thay đổi đó ở đối tượng tiếp nhận, các cơ quan báo chí cần phải tiến hành các cuộc điều tra xã hội học về nhu cầu và năng lực tiếp nhận các chỉ thị, nghị quyết ở các tổ chức, cá nhân. Việc điều tra hiệu quả tiếp nhận có thể được tiến hành theo định kỳ 1-2 năm/lần. Công việc này không đơn giản, bởi các cơ quan báo chí thường không có kinh phí để thực hiện các cuộc điều tra kiểu dạng này, trừ một số cơ quan báo chí lớn, các cơ quan báo Đảng. Vì vậy, cần thiết phải có sự quan tâm về chính sách, hỗ trợ về kinh phí của cơ quan chủ quản, thậm chí là lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với các hoạt động này. Đo đếm được hiệu quả truyền thông, một mặt, giúp các cơ quan báo chí có thêm động lực để thay đổi nội dung, phương thức truyền thông, nâng cao chất lượng truyền thông; mặt khác, thu hút hơn nữa sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân vào việc tìm hiểu, nắm bắt, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết mà Đảng đã ban hành./.

PGS. TS. Trương Thị Kiên - Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Theo: tuyengiao.vn

Về trang trước
Gửi email In trang

Video liên quan

Chủ Đề