Cảm nhận về trường Tiểu học về công việc của người giáo viên

Có một nghề bụi phấn bám đầy tay

Người ta gọi đó là nghề cao quý nhất

Có một nghề không trồng hoa trên đất

Nhưng để lại cho đời những đóa hoa thơm

Là những nhà giáo, chúng ta có thể tự hào và hãnh diện khi nói về nghề nghiệp của mình. Từ xưa, ông bà ta đã đúc rút: “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy” hay “Không thầy đố mày làm nên”… Thế nên không tự hào sao được khi những người theo nghề được ví là “Những kỹ sư tâm hồn”, sự nghiệp giáo dục luôn được đánh giá là “Sự nghiệp trăm năm”… Với những mức độ khác nhau, tôi tin rằng, nghề giáo chân chính thì thời nào cũng đáng được trân trọng và thực tế luôn được trân trọng.

Không tự hào, không đáng trân trọng sao được khi những cô giáo, thầy giáo vẫn đang ngày ngày đứng trên bục giảng, tiếp xúc với nhiều đối tượng học sinh khác nhau, có em ngoan, có em chưa ngoan, có em giỏi, có em chưa giỏi nhưng với thiên chức cao cả mà xã hội đã giao, người giáo viên vẫn luôn trao cho các em những phần quà bằng nhau, đó là món quà tri thức. Có thể nói, công lao của thầy cô giáo luôn gắn bó với sự thành công trong tương lai của mỗi người, mỗi thế hệ. Người giáo viên không chỉ bằng năng lực nghề nghiệp, nghệ thuật dạy học để khơi dậy hứng thú và niềm vui trong hoạt động học tập, kích thích học sinh tự tìm tòi, khám phá và chiếm lính kiến thức mà còn dạy các em thành người, dạy những điều hay lẽ phải, rèn luyện kĩ năng sống, giúp các em phát triển toàn diện.

Hình ảnh người giáo viên trong cách nhìn của mọi người luôn gắn với sự an nhàn, không đua chen danh lợi. Điều đó chỉ đúng một nửa. Quả thật, những con người ấy đang âm thầm cống hiến, âm thầm tỏa hương nhưng làm sao có thể an nhàn cho được khi ngày đêm họ luôn trăn trở để không ngừng đổi mới phương pháp dạy học và luôn luôn sáng tạo chỉ với một mong muốn đem đến cho học sinh thân yêu của mình những điều tốt đẹp nhất. Chúng ta cảm phục và tự hào trước sự đóng góp, hy sinh to lớn của bao thế hệ thầy giáo, cô giáo, những người đã không quản khó khăn, gian khổ góp phần đào tạo nên những thế hệ con người “vừa hồng, vừa chuyên” đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc!

Thời nào, nghề nghiệp nào cũng đòi hỏi cái tâm, nhân cách đạo đức trên hết. Đặc biệt, đối với nghề giáo và trong thời đại ngày nay, vấn đề nhân cách người giáo viên càng được nhìn nhận nghiêm túc hơn bao giờ hết. Bởi, đối tượng lao động của người thầy không chỉ là kiến thức, trí tuệ mà cao hơn là nhân cách, tâm hồn con người, những thế hệ tương lai đất nước. Và công cụ lao động quan trọng nhất của nghề dạy học, thiết nghĩ cũng chính là toàn bộ nhân cách, phẩm giá của chính những người thầy người cô đang ngày ngày đứng trên bục giảng. Chưa kể, phương pháp giảng dạy tối ưu nhất của người thầy đó chính là làm gương, là truyền đạt bằng tư tưởng, tình cảm của mình… Nếu không có nhân cách tốt, những người thầy, người cô rất khó thực hiện trọn vẹn bổn phận và trách nhiệm của mình. Vì vậy, lao động của người thầy, ngoài đòi hỏi kiến thức, sự cẩn trọng, khoa học, nghiêm túc, đặc biệt phải có một cái tâm trong sáng, để tạo dựng nên nhân cách con người đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của sự nghiệp xây dựng xã hội mới. Như giáo sư Nguyễn Văn Lê đã dẫn lời một nhà tư tưởng nói về nghề dạy học rất hay rằng: “Nếu người thợ kim hoàn làm hỏng một đồ vàng bạc thì anh ta có thể đem ra nấu lại. Nếu một viên ngọc quý bị hư thì có thể phá bỏ… Làm hư một con người là một tội lớn, một lỗi lầm lớn không thể nào chuộc được”.

Đặc biệt, với Tiểu học là cấp học đặt nền móng ban đầu thì yêu cầu  với giáo viên là sự linh hoạt, sinh động trong việc tổ chức các hoạt động học để chiếm lĩnh kiến thức, cũng như trong cách thức giáo dục tâm hồn, nhân cách với những tâm hồn quá đỗi ngây thơ, trong sáng không bao giờ là đủ, nhất là đối với những giáo viên tâm huyết. Giáo viên Tiểu học hầu hết là các cô giáo. Thế nên vất vả ở trường là vậy nhưng khi trở về nhà, các cô giáo lại là những người vợ đảm, những người mẹ hiền trong gia đình. Những gia đình hạnh phúc, đầm ấm đó sao có thể thiếu bàn tay vun vén, lo toan của các cô. Thật khó để nói hết được những nỗi nhọc nhằn, vậy mà các cô giáo của chúng ta vẫn luôn tươi vui vào mỗi sớm mai đến trường. Niềm vui của các cô không bắt đầu từ những điều gì lớn lao, to tát mà chính từ những nụ cười hồn nhiên, những đôi mắt tròn xinh long lanh của các học sinh thân yêu. Nhìn các em lớn khôn từng ngày, nhìn những bàn tay bé xíu dần viết nên được những nét chữ xinh xắn mềm mại, giải được những bài toán khó, các cô không vui sao được!

Mỗi nghề có một lời ru

Dở hay thầy cũng chọn ru khúc này

Chỉ những ai đã và đang đứng trên bục giảng thì mới cảm nhận được niềm hạnh phúc và sự cao quý quá đỗi của nghề dạy học. Nghề mà những nhọc nhằn, trăn trở cũng chính là vinh quang!

Trà My

Khi những đợt gió mùa đông bắc đầu tiên tràn về mang mùa đông đến, xóa tan những oi ả, chói chang của mùa hè; khi những tất bật, bận rộn của những ngày đầu năm học đang dần trôi đi, khi những bỡ ngỡ, rụt rè đang thay bằng tình bạn bè, sự  đoàn kết…thì cũng là lúc những Nhà giáo chúng tôi hồ hởi đón chờ một ngày đặc biệt nhất trong năm - ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Những cái bắt tay thật chặt trong ngày gặp mặt, những cuộc hội ngộ bất ngờ mang bao niềm vui, những tâm sự, chia sẻ, những tình cảm thiêng liêng giữa thầy và trò được bày tỏ. Tất cả đã tạo nên một sự khởi đầu ấm áp, xua tan bao mệt mỏi, xóa mờ những nếp nhăn để chúng tôi bước qua một mùa đông đầy tình yêu thương. Đó là tình yêu với học trò, tình đồng nghiệp, tình yêu dành cho mái trường và hơn tất cả là tình yêu với nghề giáo.

Chắc hẳn chúng ta đều đồng ý với nhận định của vĩ nhân: “Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” - nghề gắn với sự nghiệp trồng người. Trong chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển của trường Tiểu học Dịch Vọng A thân yêu, trong quãng thời gian 33 năm gắn bó với nghề, tôi đã chứng kiến bao sự đổi thay của nhà trường: từ ngôi trường cấp bốn lợp ngói đơn sơ, sân trường luôn ngập nước mỗi khi mưa to, giáo viên và học sinh phải bắc cầu đi vào lớp... đến hôm nay trường đã được đổi thay bằng những tòa nhà cao tầng với trang thiết bị hiện đại. Bao nhiêu năm công tác với nhiều  đồng nghiệp và dẫn dắt  bao thế hệ học trò, điều tôi luôn tự hào là được gắn bó với các con - những cô cậu học trò đáng yêu nhất, hồn nhiên và vô tư nhất. Chính sự tinh khôi, thông minh và ngộ nghĩnh của các con là hành trang, là động lực, là sợi dây vô hình kết nối những yêu thương, làm chất men cho bài giảng của tôi mỗi giờ lên lớp. Thành công của tôi đơn giản chỉ là cảm thấy hạnh phúc, những điều hạnh phúc nhỏ nhoi. Hạnh phúc chỉ là khi nhìn thấy các con khôn lớn, là khi được thấy các con vui chơi hồn nhiên, là khi các con biết lễ phép, biết vâng lời. Hạnh phúc là khi các con biết biết chia sẻ, biết quan tâm đến nhau. Hạnh phúc là khi nét chữ của các con ngay ngắn, thẳng hàng. Hạnh phúc khi thấy các con biết nỗ lực, biết cố gắng vượt lên chính mình. Hạnh phúc là khi các con biết nhận lỗi và sửa lỗi, hay đơn giản chỉ vì các con mỗi ngày đến lớp chuyên cần.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy:“Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn  ngủ, biết học hành là ngoan”. Có lẽ chúng tôi - những nhà giáo của trường Tiểu học may mắn hơn ai hết là được gắn bó với các con - những mầm non tương lai của đất nước. Ở các con mọi thứ mới chỉ là sự khởi đầu, chúng tôi luôn tự hào là người đặt những viên gạch đầu tiên, phát hiện, bồi dưỡng và ươm mầm cho những ước mơ được bay cao, bay xa của các em trong tương lai. Bên cạnh niềm tự hào là những trọng trách to lớn, bởi vì chúng tôi hiểu được “gốc rễ có vững bền, cành lá mới xum xuê, mới mang lại hoa thơm, trái ngọt, bóng mát cho đời”.

Có những lúc thức khuya, dậy sớm, băn khoăn trăn trở bên những trang giáo án tôi thầm nghĩ: cần phải làm gì khi các con chưa ngoan, nét chữ chưa tròn? Vẫn còn có học sinh chưa tiến bộ, hay có những học sinh một phép tính đơn giản làm mãi không xong. Cũng có lúc tôi cảm thấy  nghẹn ngào khi thấy con bị khuyết tật hay mang bệnh nặng… Tất cả điều đó đều được tôi cảm nhận bằng tình yêu của một người làm cha, làm mẹ, một người thầy. Hơn ai hết tôi hiểu mình chính là chỗ dựa tinh thần của các con, của mỗi gia đình, góp phần vì sự bình yên cho xã hội.

Trải qua 33 năm trong nghề dạy học, tôi đã được chia sẻ bao niềm vui của đồng nghiệp rồi được cùng tập thể giáo viên hội hè tụ họp, giao lưu thân mật, tham quan dã ngoại bổ ích hay những buổi liên hoan chan chứa tiếng cười. Cũng có những lúc được chứng kiến nỗi buồn của đồng nghiệp, lòng lại dằn lòng. Dường như với tôi, trường Tiểu học Dịch Vọng A đã trở thành ngôi nhà thứ hai từ lâu lắm rồi. Ở đây, tôi đã được sống trong vòng tay yêu thương và sự ủng hộ hết lòng của đồng nghiệp, của phụ huynh và học sinh. Nơi đây gắn với tuổi thanh xuân với bao tâm huyết, ước mơ và hoài bão. Nơi đây cũng đã làm cho tôi trưởng thành hơn, dạn dày hơn, mạnh mẽ hơn, tự tin và bản lĩnh hơn với những va vấp trong nghề. Cũng tại nơi đây, cho tôi nhiều trải nghiệm lí thú, một nơi đầy ắp tình người trong sáng.

Cùng với sự phát triển của thời đại, xã hội có nhiều thay đổi, những giá trị cuộc sống được đo bằng nhiều thứ khác nhau. Có nhiều nghề trở nên mới mẻ, hay nói một cách thời thượng là “hot”, là có nhiều cơ hội thăng tiến, nghề thầy giáo được đưa lên bàn cân để đo, đong, đếm. Nhiều học sinh giỏi không chọn nghề này để làm bởi những áp lực, những trách nhiệm và trọng trách lớn với gia đình và xã hội. Còn tôi với 33 năm trong nghề dạy học và 31 năm gắn bó với mái trường Tiểu học Dịch Vọng A, cuộc sống và nghề dạy học đã cho tôi nhiều giá trị quí báu, nhưng giá trị chân chính nhất vẫn là tình yêu thương. Nếu như thời gian có quay trở lại, cho tôi chọn lại một nghề để gắn bó, tôi vẫn sẽ ngẩng cao đầu chọn nghề đứng trên bục giảng, để được hát mãi “Bài ca người giáo viên nhân dân”, để tiếp tục khơi dậy và truyền ngọn lửa cho những tâm hồn học sinh yêu dấu – những chủ nhân tương lai của đất nước.

 Cô giáo                                      

Nguyễn Lê kim An                          

[giáo viên – cựu học sinh Trường Tiểu học Dịch Vọng A]

Video liên quan

Chủ Đề