Chính sách tuyển dụng công chức ở Việt Nam hiện nay

Tin tức sự kiện

Một số điểm mới về tuyển dụng công chức theoNghị định 138/2020/NĐ-CP, ngày 27/11/2020 của Chính phủ

- 7 May 2021
Submitted by Tổng biên tập on 7 May 2021

1. Tiêu chuẩn tuyển dụng công chức từ 01/12/2020

Trước đây, theoNghị định số 24/2010/NĐ-CPngày 15/3/2010; khoản 1 Điều 1 Nghị định 161/2018/NĐ-CP, ngày 29/11/2018, sửa đổi, bổ sung một số điều củaNghị định số 24/2010/NĐ-CPngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, để được đăng ký dự tuyển công chức, thí sinh phải có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; đủ 18 tuổi trở lên; có đơn dự tuyển, có lý lịch rõ ràng, có văn bằng, chứng chỉ phù hợp

Ngoài ra, một số điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển phải không trái quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ trường công lập, trường ngoài công lập.

Nghị định số138/2020/NĐ-CP, quy định ngoài những điều kiện nêu trên, người dự thi công chức còn phải đáp ứng các điều kiện được bổ sung tại Điều 4 Nghị định 138/2020/NĐ-CP:

- Phù hợp với khung năng lực vị trí việc làm nhưng không thấp hơn các tiêu chuẩn chung;

- Báo cáo bằng văn bản để cơ quan quản lý công chức xem xét, quyết định[trước đây chỉ quy định báo cáo cơ quan quản lý công chức phê duyệt trước khi tuyển dụng].

2. Thay đổi về điểm ưu tiên khi tuyển dụng công chức

Điều 5 Nghị định 138/2020/NĐ-CP vẫn nêu các trường hợp ưu tiên trong tuyển dụng công chức được cộng 7,5 điểm; 05 điểm và 2,5 điểm khi thi tuyển hoặc xét tuyển. So với quy định trước đây, Nghị định 138/2020/NĐ-CP đã có những điều chỉnh như sau:

- Cộng 7,5 điểm:Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B[giữ nguyên như quy định trước đây];

- Cộng 05 điểm:

+ Quân nhân chuyên nghiệp phục viên[trước đây là quân nhân chuyên nghiệp];

+ Bỏ đối tượng con của người hoạt động Cách mạng trước Tổng khởi nghĩa [từ ngày 19/8/1945 trở về trước];

+ Bổ sung đối tượng học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị.

- Cộng 2,5 điểm:Bỏ đối tượng đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ.

3. Sửa đổi một số nội dung vòng 1 thi tuyển công chức

Vòng 01 của kỳ thi tuyển công chức là thi kiểm tra kiến thức, năng lực chung. Theo đó, nội dung thi vòng 01 có nhiều quy định mới như sau:

* Thi ngoại ngữ:Thi 30 câu hỏi trong vòng 30 phút theo yêu cầu của vị trí việc làm một trong năm thứ tiếng: Anh, Nga, Đức, Pháp, Trung Quốc hoặc ngôn ngữ khác do người đứng đầu cơ quan tuyển dụng quyết định.

- Bỏ quy địnhđối với vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn là ngoại ngữ thì người dự tuyển không phải thi ngoại ngữ ở vòng 01.

- Các trường hợp miễn thi:

+ Có bằng tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển[trước đây chỉ quy định có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học về ngoại ngữ];

+ Có bằng tốt nghiệp cùng hoặc cao hơn trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp và được công nhận tại Việt Nam[trước đây có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học ở nước ngoài hoặc tại cơ sở đào tạo bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam];

+ Nếu dự tuyển để công tác ở vùng dân tộc thiểu số thì phải có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số hoặc là người dân tộc thiểu số[trước đây quy định là chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số được cấp có thẩm quyền công nhận].

* Thi tin học:Thi 30 câu hỏi theo yêu cầu của vị trí việc làm trong 30 phút:

- Bỏ quy địnhđối với vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn là tin học thì người dự tuyển không phải thi ngoại ngữ ở vòng 01.

- Miễn thi tin học với người có bằng tốt nghiệp từ trung cấp trở lên các chuyên ngành liên quan đến tin học, công nghệ thông tin[trước đây quy định có bằng tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin, tin học hoặc toán - tin trở lên].

4. Có thể kết hợp thi viết và phỏng vấn tại vòng 2 thi công chức

Không chỉ vòng 01 mà tại vòng 02 của kỳ thi tuyển công chức cũng có sự thay đổi đáng kể. Nổi bật là thêm hình thức thi môn nghiệp vụ chuyên ngành.

Trước đây tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 161/2018/NN-CP, việc thi vòng 02 này chỉ gồm thi phỏng vấn hoặc thi viết thì nay Chính phủ đã bổ sung thêm 01 hình thức nữa:

Căn cứ vào tính chất, đặc điểm và yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định một trong ba hình thức thi: Phỏng vấn; viết;kết hợp phỏng vấn và viết.

Việc thi kết hợp phỏng vấn và viết được hướng dẫn như sau:

- Thời gian thi:Thi phỏng vấn 30 phút, thi viết 180 phút;

- Thang điểm:Tỷ lệ điểm phỏng vấn và viết do Chủ tịch Hội đồng thi quyết định nhưng phải đảm bảo có tổng là 100 điểm.

5. Thí sinh chỉ có 15 phút để chuẩn bị trước khi phỏng vấn

Đây là một trong những nội dung mới đáng chú ý được Chính phủ bổ sung tại Nghị định 138/2020/NĐ-CP. Cụ thể, trước khi thi phỏng vấn trong kỳ thi tuyển công chức, thí sinh dự thi có không quá 15 phút chuẩn bị [điểm c khoản 2 Điều 8 Nghị định 138].

Quy định này cũng áp dụng với thời gian phỏng vấn tại vòng 02, phỏng vấn để kiểm tra về kiến thức, kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng tại kỳ xét tuyển công chức.

Như vậy, có thể thấy, dù thi tuyển hay xét tuyển công chức thì thí sinh cũng chỉ có không quá 15 phút để chuẩn bị cho vòng phỏng vấn.

6. Các loại giấy tờ trong hồ sơ tuyển dụng công chức

Việc hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng được Chính phủ quy định chi tiết tại Điều 16 Nghị định 138/2020/NĐ-CP. Cụ thể, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo kết quả trúng tuyển, người trúng tuyển phải hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng gồm:

- Bản sao văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển, chứng nhận đối tượng ưu tiên [nếu có]. Trong đó, không phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nếu có bằng tốt nghiệp chuyên môn đã chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học tương ứng yêu cầu vị trí việc làm và được miễn ngoại ngữ, tin học;

- Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Trong khi trước đây, hồ sơ tuyển dụng được quy định tại thông báo công nhận kết quả trúng tuyển bằng văn bản nêu tại khoản 10 Điều 1 Nghị định 161/2018/NĐ-CP:

Nội dung thông báo phải ghi rõ thời hạn người trúng tuyển phải đến cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức để xuất trình bản chính các văn bằng, chứng chỉ, kết quả học tập, đối tượng ưu tiên theo yêu cầu của vị trí tuyển dụng để hoàn thiện hồ sơ dự tuyển theo quy định và nhận quyết định tuyển dụng.

Như vậy, Nghị định 138/2020/NĐ-CP đã quy định cụ thể 02 loại giấy tờ phải chuẩn bị để hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng nếu trúng tuyển trong kỳ tuyển dụng công chức.

7. Có thể xin gia hạn nhận việc quá 30 ngày

Điều 17 Nghị định 138/2020/NĐ-CP nêu rõ: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định tuyển dụng, người được tuyển dụng vào công chức phải đến cơ quan nhận việc, trừ trường hợp quyết định tuyển dụng quy định thời hạn khác hoặc được cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức đồng ý gia hạn

Nghị định 138 không giới hạn thời hạn xin gia hạn để công chức trúng tuyển đến nhận việc như quy định trước đây tạiĐiều 18 Nghị định 24/2010/NĐ-CP:

Trường hợp người được tuyển dụng vào công chức có lý do chính đáng mà không thể đến nhận việc thì phải làm đơn xin gia hạn trước khi kết thúc thời hạn nêu trên gửi cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức.Thời gian xin gia hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nhận việc quy định tại khoản này.

8. Hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ tiếp nhận vào công chức

Ngoài 02 hình thức tuyển dụng là thi tuyển và xét tuyển công chức, các đối tượng dưới đây còn được người đứng đầu cơ quan quản lý công chức xem xét, tiếp nhận vào công chức để thống nhất với quy định mới tạikhoản 5 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức sửa đổi năm 2019:

- Có đủ 05 năm công tác trở lên làm công việc có yêu cầu trình độ đào tạo phù hợp vị trí việc làm cần tuyển: Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập; cán bộ, công chức cấp xã; người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải công chức;

- Bổ nhiệm làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, có đủ 05 năm công tác trở lên phù hợp lĩnh vực tiếp nhận, được quy hoạch vào chức vụ bổ nhiệm hoặc tương đương đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Thành viên Hội đồng thành viên, Thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và người đang giữ chức vụ, chức danh quản lý từ cấp phòng trở lên trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết;

- Người đã từng là cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên sau đó được điều động, luân chuyển đến các vị trí không phải cán bộ, công chức tại cơ quan khác. Riêng trường hợp này không phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch và không yêu cầu phải có đủ 05 năm công tác trở lên.

Người được đề nghị tiếp nhận vào làm công chức phải chuẩn bị hồ sơ sau đây:

- Sơ yếu lý lịch công chức[thời gian lập chậm nhất 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ, có xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác];

- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển;

- Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp chậm nhất là 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ tiếp nhận;

- Bản tự nhận xét, đánh giá về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, quá trình công tác của người được đề nghị tiếp nhận, có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác.

Như vậy, so với quy định trước đây, Nghị định 138/2020/NĐ-CP đã quy định cụ thể các đối tượng, hồ sơ, quy trình tiếp nhận vào công chức không qua thi tuyển hoặc xét tuyển. Đồng thời, những quy định này cũng thống nhất, đồng bộ với quy định tại Luật Cán bộ, công chức sửa đổi.

Thực hiện Quyết định số 671/QĐ-UBND ngày 22/3/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn về việc phê duyệt nhu cầu tuyển dụng công chức các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, người làm việc tại các Hội có tính chất đặc thù năm 2021; Thông báo số 172/TB-UBND ngày 03/4/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn về việc tuyển dụng công chức năm 2021.

Sở Tài chính ban hành Thông báo số 65/TB-STC, ngày 06/5/2021 về địa điểm, thời gian, công chức tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển kỳ thi tuyển dụng công chức năm 2021 tại Sở Tài chính tỉnh Lạng Sơn. Thực hiện tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển của thí sinh, tổng hợp danh sách thí sinh đăng ký dự tuyển công chức năm 2021 nộp cho Sở Nội vụ tỉnh Lạng Sơn theo quy định./.

Nguyễn Hoàng Đỉnh Sở Tài chính

Thông tin liên quan

Đảng ủy Tài chính Lạng Sơn tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Đảng năm 2021; triển khai nhiệm vụ năm 2022
- Feb 18, 2022

Những điểm mới đáng chú ý của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020
- Jan 24, 2022

Sở Tài chính tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, người lao động năm 2022
- Jan 24, 2022

Hội nghị Triển khai công tác Tài chính-Ngân sách năm 2022
- Jan 21, 2022

Cụm Thi đua các cơ quan tham mưu tổng hợp tỉnh Lạng Sơn tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2021
- Jan 21, 2022

Công bố Quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó Trưởng phòng Quản lý Giá, công sản và doanh nghiệp Sở Tài chính Lạng Sơn
- Jan 18, 2022

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề