Cơ hội thị trường của thương mại điện tử

Trong top 10 website có lượt truy cập lớn nhất tại Đông Nam Á, Việt Nam có đến năm doanh nghiệp góp mặt và trở thành thị trường thương mại điện tử [TMĐT] lớn thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Indonesia.

Đây là thông tin đáng chú ý trong báo cáo Toàn cảnh kinh doanh sàn thương mại điện tử [TMĐT] nửa đầu năm 2022 được trích xuất từ nền tảng số liệu của Metric.vn. Báo cáo cho biết một số ngành hàng làm đẹp, thời trang nữ, gia dụng là những sản phẩm được quan tâm, mua sắm nhiều nhất trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam.

Ngoài ra, mức giá trên sàn thương mại điện tử Việt Nam nửa đầu năm 2022, phân khúc giá 200.000 – 5000.000 đồng dễ “chốt đơn” nhất trên tất cả sàn thương mại điện tử. Những sản phẩm có giá trị cao, cần sự tư vấn và bảo hành lâu dài thì người tiêu dùng vẫn ưu tiên mua sắm tại hệ thống cửa hàng, showroom uy tín.

 

Cơ hội cho doanh nghiệp và người dùng Việt

Thị trường TMĐT Việt Nam chứng kiến nhiều chuyển biến tích cực từ thói quen mua sắm, kinh doanh trực tuyến của cộng đồng người tiêu dùng và doanh nghiệp trong cả nước.

Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, theo đó, đã có các giải pháp hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT để các doanh nghiệp có khả năng chống chọi với dịch bệnh COVID-19.

Trong bối cảnh Covid-19, khi nhiều ngành hàng, lĩnh vực gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch, thị trường TMĐT vẫn có mức tăng trưởng và phát triển theo hướng đồng bộ giữa người mua và người bán. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi sự tăng trưởng nhanh chóng đến từ người dùng trong lĩnh vực TMĐT. Người tiêu dùng cũng đã thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm khi mua sắm trực tuyến [online] nhiều hơn, khi có đến 97% người tiêu dùng mới vẫn đang sử dụng dịch vụ và 99% có ý định tiếp tục sử dụng trong tương lai. Việc duy trì mức độ cao trong tiêu dùng kỹ thuật số đã trở thành một lối sống.

Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Những thay đổi trong cách thức tiếp cận mua bán hàng dựa trên nền tảng số đã giúp TMĐT chuyển mình với những thay đổi mạnh mẽ từ một kênh phụ, trở thành một phần cốt lõi trong chiến lược tăng trưởng của thương hiệu và nhà bán hàng và trở thành kênh mua sắm tiện lợi ngày càng được người tiêu dùng quan tâm sử dụng. Thị trường TMĐT Việt Nam đã ghi dấu mốc với một chuỗi các sự kiện, hoạt động đột phá cho doanh nghiệp Việt trong việc phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu khi lần đầu tiên hàng chục loại nông sản, trái cây vùng, miền của Việt Nam được tổ chức phân phối trên TMĐT thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” và các sàn TMĐT.

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái trở thành thách thức

Đi kèm với sự phát triển của TMĐT, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng có chiều hướng tăng rõ rệt, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nhu cầu mua sắm truyền thống của người dân bị hạn chế.

Nhìn chung, phương thức gian lận phổ biến nhất là buôn bán những sản phẩm không giống như quảng cáo. Đơn cử, các đối tượng thường lợi dụng hình ảnh, video sản phẩm chính hãng để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, hàng hóa sau khi đến tay người tiêu dùng lại khác biệt về mẫu mã, chất lượng hoặc tình trạng.

Ngoài việc làm xấu môi trường kinh doanh, méo mó sự cạnh tranh, hình ảnh doanh nghiệp, đất nước, thui chột tính hấp dẫn, sức sáng tạo và tổn hại cho người tiêu dùng, Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh - cho rằng tình trạng hàng giả, nhái lộng hành còn xói mòn nguồn thu thuế.

“Hàng lậu thì thường đi kèm trốn thuế. Không phải ngẫu nhiên chúng ta đang có những cải cách để thu thuế tốt hơn qua các giao dịch TMĐT. Chưa kể những vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ”, ông nhận định.

Minh Tú

Việt Nam tăng trưởng TMĐT nhanh nhất khu vực Đông Nam Á

Trong những năm gần đây, thị trường TMĐT ở Việt Nam đang có những biến chuyển tích cực. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động nặng nề đến nền kinh tế, TMĐT đang càng phát huy được những ưu thế của nền tảng mua sắm trực tuyến thông minh và tiện ích. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia có dân số trẻ với khả năng nắm bắt CNTT khá nhanh bởi vậy thị trường Việt Nam có thể thích ứng nhanh và mạnh đối với lĩnh vực này.

Chia sẻ tại tọa đàm "Tương lai của nền kinh tế số Việt Nam: Vai trò của TMĐT sau đại dịch COVID-19", bà Nguyễn Thị Thanh Thùy, Trưởng phòng sàn TMĐT Vỏ Sò cho biết, Việt Nam hiện đang được đánh giá là thị trường có tốc độ tăng trưởng TMĐT nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Dự báo, tốc độ tăng trưởng còn tiếp tục và sẽ vượt xa mốc 11,8 tỷ USD năm 2020. Đặc biệt, sau đại dịch, TMĐT sẽ tiếp tục bùng nổ và tạo ra những xu hướng tiêu dùng hoàn toàn mới.

Từ khi đại dịch bùng phát, nhu cầu mua sắm qua các sàn TMĐT đã tăng mạnh. Đến nay, đã có hơn 70% dân số Việt Nam tiếp cận với mạng Internet, trong đó, có gần 50% người dùng Việt Nam đã mua sắm trực tuyến, 53% người dân sử dụng ví điện tử, và thanh toán mua hàng qua mạng. Đặc biệt ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM chiếm tới 70% tổng lượng giao dịch trên các sàn TMĐT.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thùy, từ khi COVID-19 bùng phát, các hoạt động mua sắm, giao dịch gặp rất nhiều khó khăn, người dân có xu hướng mua hàng và thanh toán trực tuyến, cắt giảm chi tiêu và quan tâm hơn đến các sản phẩm Việt.

Thu nhập hạn chế và các điều kiện kinh tế giảm sút sẽ là những tác động lâu dài đến đời sống và hành vi người tiêu dùng. Người tiêu dùng sẽ ngày càng trở nên dè dặt và thận trọng hơn trong việc mua sắm và lựa chọn hàng hóa. Do đó, tỷ trọng tiêu dùng theo ngành hàng đã có sự thay đổi lớn. Các ngành thời trang, giải trí, làm đẹp… có tốc độ tăng trưởng mạnh trong những năm trước đã giảm, và thay vào đó là các ngành hàng mới thiết yếu như thực phẩm, sức khỏe, đồ thiết bị gia dụng có xu hướng tăng cao.

Bên cạnh những khó khăn mang lại, COVID-19 cũng đã có những tác động tích cực đến việc đẩy nhanh xu hướng mua sắm hàng hóa mà trước đây chưa tạo được sự quan tâm lớn của người tiêu dùng. Những khái niệm mới như mua hàng qua mạng, đi chợ hộ, đi chợ mạng,... đã dần xuất hiện. Rõ ràng, trong bối cảnh đó, TMĐT đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp hàng hóa và trở thành cầu nối tích cực giữa người mua và người bán.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ giải quyết để những thách thức

TMĐT Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ, dù vậy vẫn còn nhiều thách thức. Nhiều câu hỏi được đặt ra như lòng tin của người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến; các hình thức giao hàng và thanh toán và vấn đề bảo mật an toàn thông tin; hạ tầng vận chuyển, chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy…

Trong bối cảnh TMĐT phát triển như hiện nay, để đáp ứng nhu cầu người dùng, yếu tố tốc độ giao hàng có vai trò không kém so với chất lượng sản phẩm. Logistics đang là một trong những yếu tố có vai trò quyết định hành vi mua hàng của người tiêu dùng, doanh số bán hàng của từng doanh nghiệp [DN] TMĐT.

Chia sẻ về vấn đề này, Bà Lê Thị Mai Anh, Trưởng phòng Kinh doanh Bưu chính TMĐT, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam [BĐVN] cho rằng, sự tăng trưởng nhanh của thị trường hiện nay được dự báo sẽ tiếp tục được duy trì trong tương lai. Với tốc độ tăng trưởng này đang mang đến cơ hội lớn nhưng cũng sẽ là thách thức cho phát triển nền tảng logistics đáp ứng nhu cầu cao của khách hàng và thị trường.

Theo khảo sát năm 2021, khách hàng TMĐT luôn muốn giao hàng nhanh, chi phí thấp và dịch vụ tốt. Trong khi đó thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt bởi sự tham gia của các nhiều đối thủ lớn trong và ngoài nước.

Ngoài ra, hiện nay tỷ lệ thanh toán tiền mặt trong giao dịch TMĐT còn cao với hơn 80% người mua hàng trực tuyến vẫn lựa chọn hình thức thanh toán đơn hàng bằng tiền mặt. Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy tỷ lệ giao hàng thành công thấp xuống, tỷ lệ hủy đơn tăng lên, và nhân viên giao vận phải mang theo một lượng lớn tiền mặt…

Bên cạnh đó, các DN logistics cho TMĐT cũng đang phải đối mặt với thách thức về tỷ lệ ứng dụng CNTT trong Logistics TMĐT còn thấp. Theo Hiệp hội DN Logistics Việt Nam, hiện nay chỉ có khoảng 10,8% số DN đang ứng dụng CNTT cơ bản liên quan đến theo dõi và truy suất hàng hóa, hệ thống giao nhận, kho bãi… Còn lại, phần lớn DN vẫn đang duy trì hình thức thủ công trong phân loại, chia chọn hàng… dẫn đến sai sót, chi phí cao, nhất là khi sản lượng TMĐT lớn như hiện nay.

Đặc biệt, an toàn thông tin khi phát triển TMĐT cũng là một vấn đề quan trọng. TS. Lê Quang Minh, Viện CNTT [Đại học quốc gia Hà Nội] cho rằng, bảo mật cần đưa thành vấn đề cốt lõi trong DN tham gia bán hàng trên các sàn TMĐT. "Việc điều hành kinh doanh cần song hành với bảo mật thông tin, trong đó bảo vệ thông tin khách hàng phải là trách nhiệm hướng đến", ông Minh nhấn mạnh.

Nhận định về vấn đề này, đại diện sàn TMĐT Vỏ Sò, bà Thùy cũng cho rằng thách thức trong thời gian tới đó là vấn đề bảo mật dữ liệu. Các mạng xã hội đang nổi lên như một phương thức giao dịch TMĐT phổ biến nhưng chưa được điều chỉnh. Nạn hàng giả, hàng nhái trên các sàn TMĐT vừa qua cũng sẽ là những vấn đề thách thức trong thời gian tới cần có những biện pháp ngăn chặn để bảo vệ người tiêu dùng…

Nhấn mạnh về vai trò của công nghệ trong đảm bảo hoạt động của sàn TMĐT, bà Thanh Thùy cho biết thêm: "Phải hiểu rõ người dùng là ai, ứng dụng hiệu quả tính năng trên sàn và bảo đảm chất lượng sản phẩm. Theo tôi, để các sàn TMĐT thành công thì công nghệ là quan trọng chứ không chỉ đơn thuần là sản phẩm nào mang ra kinh doanh. Hoạt động TMĐT khiến lượng dữ liệu xử lý mỗi ngày rất lớn. Bởi vậy, startup Việt cần nghiên cứu công nghệ mới để cạnh tranh hoặc bắt tay với các ông lớn".

Đánh giá về thực trạng hoạt động của DN TMĐT hiện nay tại Việt Nam, trong đó có các startup Việt, ông Ôn Như Bình - Giám đốc Chiến lược Kinh doanh, Teko Vietnam [một trong những thành viên của hệ sinh thái công nghệ VNLife] cho biết, hiện chưa có sự đồng bộ trong giải pháp để định hướng cho các DN hợp tác cùng thắng. Các DN TMĐT vẫn còn "mạnh ai người đó chạy", chưa ưu tiên đặt thị trường công nghệ trong sự phối hợp nhịp nhàng khiến chi phí vận hành, dịch vụ còn cao. Và bài toán cần nhìn nhận để giải quyết đó là sự tích hợp, liên kết giữa các giải pháp để đảm bảo quá trình hoạt động của DN cũng như trải nghiệm của khách hàng được xuyên suốt và tiện lợi.

Cần có sự tích hợp, liên kết giữa các giải pháp để đảm bảo quá trình hoạt động của DN cũng như trải nghiệm của khách hàng được xuyên suốt và tiện lợi.

Cơ hội và thách thức cho các startup Việt Nam

TMĐT phát triển mạnh mẽ sẽ mở ra cho các startup Việt Nam nhiều cơ hội mới. Theo chuyên gia xúc tiến thương mại Lê Anh Trung, bên cạnh giúp tiết kiệm chi phí, hỗ trợ giao dịch giữa các bên, TMĐT còn tạo điều kiện thuận lợi để DN quảng bá hình ảnh thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ tới khách hàng, đối tác. Tham gia vào sàn TMĐT xuyên biên giới còn giúp các DN đưa ra quyết định về chiến lược, định hướng cho sản phẩm và hoàn thiện sản phẩm của mình một cách nhanh chóng, đơn giản.

Cùng với đó, các startup nhỏ, đặc biệt là các startup công nghệ có thể tập trung vào những điểm mạnh của mình như CNTT, công nghệ số, khả năng thấu hiểu khách hàng,... để tham gia thiết lập hạ tầng hỗ trợ người dùng trong việc gia tăng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, hay kết hợp với những DN lớn để phát triển các dịch vụ xuyên biên giới hoặc dịch vụ logistics TMĐT nhằm tối ưu hóa chi phí và trải nghiệm của khách hàng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó các startup cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.

Thứ nhất, an ninh mạng và bảo mật thông tin là một vấn đề đáng lo ngại. Hiện Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu về nguy cơ cài cắm phần mềm độc hại, người dùng bị mất thông tin, bị khai thác thông tin trái phép đang diễn ra phổ biến khi mua hàng qua TMĐT.

Theo báo cáo SonicWall năm 2021, DN Việt Nam có nguy cơ bị nhiễm phần  mềm  độc hại [malware] cao trên thế giới. Và như TS. Lê Quang Minh nhấn mạnh: "Mất dữ liệu là mất tương lai của DN".

Thứ hai, theo ông Lê Anh Trung, cơ cấu về con người, tổ chức cũng như kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ của các DN nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam khi tham gia TMĐT, đặc biệt là xuyên biên giới còn rất yếu.

Thứ ba, trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nếu DN không có sự chuẩn bị kỹ càng thì sản phẩm có thể bị làm nhái trong 30s kể từ khi tung ra thị trường và thậm chí là mất bản quyền.

Cuối cùng, COVID-19 cũng đưa đến vấn đề về niềm tin của người tiêu dùng, đòi hỏi các DN phải tối ưu, hoàn thiện sản phẩm để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Ngoài ra, theo TS. Lê Quang Minh, thói quen quét QR code trên điện thoại của người dân từ đại dịch COVID-19 cũng đang tạo điều kiện tốt cho các startup Việt hoạt động trên lĩnh vực TMĐT. Các DN khởi nghiệp cần nâng cấp thói quen này lên trong ứng dụng hoạt động của mình để khách hàng có thể tiện lợi trong việc thanh toán, xác thực nguồn gốc.

Để tận dụng tối đa ưu điểm, đồng thời hạn chế nhược điểm của TMĐT, các startup Việt cần phát triển những tính năng độc đáo trên sàn TMĐT cũng như nghiên cứu người dùng để có cái nhìn toàn cảnh hơn và tối ưu trải nghiệm khách hàng. Đồng thời, DN cần lấy vấn đề bảo mật làm cốt lõi, cần ban hành và nghiêm túc thực hiện chính sách về ATTT để đảm bảo bảo mật thông tin cho khách hàng.

TMĐT Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc trong thời gian vừa qua, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như tương lai nền kinh tế số Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới. Sau đại dịch COVID-19, với nhiều thách thức nhưng cũng rất nhiều lợi thế và cơ hội đang mở ra sẽ là đòn bẩy đưa TMĐT Việt Nam tiếp tục bùng nổ, tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới trong thời gian tới./.

Video liên quan

Chủ Đề