Công an c50 là gì

Một trong những điều khiến công luận xã hội quan tâm và báo chí trong nước đồng loạt đăng tải trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ đang được xét xử, là sự bất nhất trong lời khai của hai vị cựu tướng trong ngành công an về vai trò của Công ty đầu tư và phát triển An ninh Công nghệ cao [CNC].

Ông Phan Văn Vĩnh, Cựu Trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, Bộ Công an thì cho rằng công ty CNC là công ty bình phong của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao [C50], được thành lập năm 2011.

Cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng C50, lại phủ nhận toàn bộ tài liệu về việc lập công ty bình phong CNC và khẳng định CNC không phải là công ty bình phong.

Nhận xét về điều này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng:

Vấn đề là trước tòa thì người ta có thể từ chối hoặc nói không, nói có tùy theo quyết định là nói thế nào cho có lợi. Cho nên chuyện “ông nói gà bà nói vịt” cũng là điều dễ hiểu. Theo suy nghĩ của tôi thì công ty này chắc chắc là công ty bình phong.

Còn với Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, người đã từng có thời gian công tác tại Ban An ninh Nội chính thành ủy TP Hồ Chí Minh, điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì tâm lý chung của các tội phạm trước vành móng ngựa là đổ vấy trách nhiệm cho nhau, và bây giờ họ đang đổ luôn cho cố Chủ tịch nướcTrần Đại Quang, người từng nắm Bộ Công an khi vụ việc xảy ra.

Ở Việt Nam thì có một nghịch lý khủng khiếp, là cái doanh nghiệp bình phong lại không làm đúng chức trách của nó là phục vụ cho công tác tình báo của công an, mà lại lợi dụng thế lực của ngành công an, đặc biệt là Bộ Công an để làm ăn và trục lợi cá nhân và đem lại lợi nhuận cho rất nhiều quan chức công an.  - Phạm Chí Dũng

Vậy công ty bình phong là gì, cựu Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang nhận dịnh:

Nói về ngữ nghĩa thì công ty bình phong là một công ty do một pháp nhân lập ra để hoạt động nhưng người ngoài không biết rằng chủ là ai, không biết đấy là một công ty của nhà nước. Người dân chỉ nghĩ đó một công ty của tư nhân thôi và tiến hành giao dịch bình thường, nhưng thực tế thì những giao dịch đó là theo chỉ đạo.

Đây là khái niệm mới chỉ có khoảng trên dưới chục năm nay trong hoạt động kinh tế thị trường cũng như các lĩnh vực khác trong xã hội.

Với nhà báo Phạm Chí Dũng thì công ty bình phong hay doanh nghiệp bình phong là một khái niệm, một thuật ngữ đặc biệt được dùng trong ngành tình báo của Việt Nam và cả trên thế giới. Trên thế giới cũng có rất nhiều cơ quan tình báo đã sử dụng những đặc tình của mình cài cắm vào các doanh nghiệp và cung cấp thông tin, tin tức cho các cơ quan tình báo. Nhà báo Phạm Chí Dũng giải thích sự khác biệt ở Việt Nam:

Ở Việt Nam thì có một nghịch lý khủng khiếp, là cái doanh nghiệp bình phong lại không làm đúng chức trách của nó là phục vụ cho công tác tình báo của công an, mà lại lợi dụng thế lực của ngành công an, đặc biệt là Bộ Công an để làm ăn và trục lợi cá nhân và đem lại lợi nhuận cho rất nhiều quan chức công an. Vì vậy mới có vụ công ty bình phong CNC.

Việc các công ty bình phong ở Việt Nam làm ăn bất chính đã từng xảy ra. Ví dụ gần đây nhất là trường hợp của Công ty TNHH Một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận của Thành ủy TP. HCM.

Cựu tướng công an Phan văn Vĩnh Reuters

Công ty này nguyên là Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận, được UBND TP. HCM phê duyệt phương án chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và xây dựng Tân Thuận [Công ty Tân Thuận] trực thuộc Ban Tài chính Quản trị Thành ủy. Khi đã là doanh nghiệp của Thành ủy TPHCM, Công ty Tân Thuận đã được giao thực hiện và chuyển nhượng nhiều khu đất, dự án.

Một trong những vụ nổi cộm là phi vụ mua bán 32 ha đất công tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè và phường Tân Phong, Quận 7, TP.HCM với Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai.

Ngày 4/6/2018, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM ra thông báo quyết định thi hành kỷ luật đối với 5 cán bộ lãnh đạo Công ty Tân Thuận do những vi phạm về vai trò, trách nhiệm tại Dự án khu dân cư Phước Kiển, Nhà Bè.

Riêng trong vụ án đánh bạc hàng nghìn tỷ đồng liên quan đến CNC, hai cựu tướng công an đang phải hầu tòa bị cáo buộc tội lợi dụng chức vụ quyền hạn và bị đề nghị mức án tù từ 7 đến 8 năm. Hai viên cựu tướng công an này hiện còn bị điều tra tham nhũng lên đến hàng triệu đô la.

Mối liên kết giữa CNC và C50

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng thường các công ty bình phong luôn luôn lợi dụng cái thế của nó để kiếm những khoản lời bất chính, nhưng về mặt pháp lý thì có thể có vẻ là hợp pháp.

Một công ty được thành lập bởi Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao [C50] lại là nơi tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng internet với gần 43 triệu tài khoản tham gia thì đó là điều khác biệt của Việt Nam so với thế giới, như nhận định của Nhà báo Phạm Chí Dũng. Ông nhận định chính C50 mới là bình phong cho CNC:

Chuyện CNC đã chứng minh một điều là về mặt thực chất thì nó không còn là công ty bình phong của Bộ Công an hay của Tổng cục Tình báo Bộ Công an [đã bị giải thể], mà chính Tổng cục Tình báo đó lại là bình phong cho CNC để làm ăn trục lợi.  - Phạm Chí Dũng

Chuyện CNC đã chứng minh một điều là về mặt thực chất thì nó không còn là công ty bình phong của Bộ Công an hay của Tổng cục Tình báo Bộ Công an [đã bị giải thể], mà chính Tổng cục Tình báo đó lại là bình phong cho CNC để làm ăn trục lợi. Tức là không những không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ tình báo, mà các cơ quan quản lý, điều hành tình báo lại đi làm chỗ dựa, làm bình phong cho một doanh nghiệp để làm ăn trục lợi. Đó là sự khác biệt giữa tình báo Việt Nam và tình báo thế giới.

Truyền thông trong nước trích dẫn cáo trạng cho biết theo Quyết định 158 ngày 14/5/2015 do ông Vĩnh ký, Tổng cục Cảnh sát công nhận CNC là công ty bình phong thì C50 góp 20% vốn trong tổng số vốn điều lệ 20 tỷ đồng, đồng thời cử nhân lực tham gia điều hành công ty. Trên thực tế, C50 không đóng góp 20% vốn và nhân lực.

Cáo trạng còn cho biết Tổng giám đốc công ty CNC, bà Dương Thị Hồng đưa 600 triệu đồng tiền tết cho C50 do Võ Tuấn Dũng - trưởng phòng 1, nhận [năm 2015 là 100 triệu, năm 2016 là 500 triệu đồng.]

Một công ty được gọi là bình phong của công an thường có hai chức năng là vừa làm kinh tế, vừa tìm hiểu, thu thập thông tin và cung cấp thông tin ngược lại cho Bộ Công an. Công ty CNC cũng không là ngoại lệ. Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nói thêm về chức năng làm kinh tế của CNC là khái niệm xã hội hóa kinh tế từ ngành công an ra tới bên ngoài. Chức năng làm kinh tế có cơ sở pháp lý đàng hoàng, có tất cả mọi thứ, thậm chí còn vượt hơn những doanh nghiệp bình thường về mức độ ưu đãi và cả mặt pháp lý.

Trước đó, ngày 29/1, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho hay, Công an Phú Thọ đã phá được vụ án đánh bạc có tổ chức, xuyên quốc gia; thu được trên 1.000 tỉ đồng; số ngoại tệ đánh bạc chuyển ra nước ngoài theo thống kê ban đầu ước chừng 3,6 triệu USD.

Ngày 11/3, Ban Bí thư họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để nghe Đảng ủy Công an trung ương và các cơ quan chức năng liên quan báo cáo kết quả điều tra vụ án “Tổ chức đánh bạc, đánh bạc, lừa đảo, rửa tiền”. Ban Bí thư cho rằng, đây là vụ án có quy mô đặc biệt lớn, sử dụng công nghệ cao, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành, nhiều địa phương, liên quan đến cán bộ của lực lượng công an, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

C50 đã phá nhiều vụ án lớn

Ông Nguyễn Thanh Hóa được bổ nhiệm là Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – C50, Bộ Công an từ khi Cục này được thành lập vào năm 2009 cho đến khi bị đình chỉ chức vụ vào cuối năm 2017. C50 trực thuộc Tổng cục Cảnh sát có trách nhiệm tham mưu giúp Tổng cục trưởng chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong cả nước, tiến hành các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, điều tra xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao; trực tiếp tiến hành các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống các hành vi vi phạm và tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Ông Nguyễn Thanh Hóa trong một buổi khen thưởng tại Viettinbank

Mặc dù là một đơn vị non trẻ những những năm qua C50 đã phá nhiều vụ án lớn, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ an ninh, ngăn chặn tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Điển hình như chuyên án đấu tranh với mạng lưới sử dụng mạng Internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty cổ phần đào tạo trực tuyến [Công ty MB24].  Công ty MB24 tiến hành các hoạt động giao dịch thương mại điện tử, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua xác minh đã làm rõ: các đối tượng đã xây dựng Website //www.muaban24.vn và tự nhận đây là sàn giao dịch TMĐT được Nhà nước thừa nhận. Người tham gia bắt buộc phải đóng 5,2 triệu đồng để mua gian hàng trên Website trên và khi giới thiệu những người khác mua các gian hàng thì sẽ được hưởng phần trăm hoa hồng. Trong khi đó các đối tượng cầm đầu sử dụng phần mềm do chúng xây dựng để chia nhau [theo tỷ lệ hoa hồng] số tiền 5,2 triệu đồng của mỗi người tham gia hệ thống mà người tham gia đóng tiền không biết.

Dàn lãnh đạo của MB24 hào nhoáng được chào đón…

Các đối tượng này đã xây dựng đại lý tại 32 tỉnh, thành phố trên cả nước và tổ chức các lớp đào tạo để lôi kéo người tham gia. Tình đến thời điểm bị triệt phá, chúng đã bán được 134.957 gian hàng [trong đó 118.842 gian hàng đã nộp 5,2 triệu đồng]. Thực tế mô hình này không phát sinh lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh mà chỉ lấy tiền của người tham gia sau trả cho người tham gia trước. Người tham gia không phát sinh hoạt động kinh doanh gì trên Website muaban24.net mà chủ yếu lôi kéo người tham gia khác để hưởng phần trăm hoa hồng. Còn các đối tượng tổ chức thì chia nhau số tiền 5,2 triệu mà người tham gia đóng. Qua điều tra, hệ thống này đã gây thiệt hại 700 tỷ đồng, bước đầu xác định số tiền bị chiếm hưởng trái phép khoảng 378 tỷ. C50 đã tích cực phối hợp, hướng dẫn Công an 32 địa phương có hoạt động của MB24 tiến hành điều tra, xác minh. Công an 17 tỉnh, thành phố khởi tố vụ án theo Điều 226b BLHS, trong đó Công an 9 tỉnh, thành phố đã khởi tố vụ án và khởi tố 27 bị can.

Hay chuyên án triệt phá ổ nhóm sử dụng mạng Internet để chiếm đoạt tài sản dưới hình thức kinh doanh đa cấp tại Công ty Cộng Đồng Việt. Công ty này có trụ sở tại quận Tân Phú, TP.HCM tiến hành các hoạt động kinh doanh đa cấp tại Website //www.vicongdongviet.vn, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. C50 đã tiến hành xác minh và làm rõ: từ tháng 4/2012 đến tháng 8/2012, Cộng Đồng Việt đã lập mạng lưới gồm 18 văn phòng đại diện, huy động 238.000 lượt người ở 63 tỉnh, thành phố tham gia góp vốn, mua gian hàng với tổng số tiền đã huy động khoảng 400 tỷ đồng để chiếm đoạt. Ngày 19/10/2012, CQĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 05 bị can theo Điều 226b BLHS.

Chuyên án đấu tranh với nhóm đối tượng sử dụng mạng Internet để chiếm đoạt tài sản dưới hình thức kinh doanh đa cấp tại Công ty Tâm Mặt Trời. C50 phát hiện, xác minh, làm rõ công ty Cổ phần đầu tư Tâm Mặt Trời, có trụ sở tại quận Tân Bình, TP HCM tự nhận là thành viên của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và tiến hành lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách kinh doanh trực tuyến tại Website //www.EMT.com.vn theo hình thức đa cấp. Các đối tượng này lôi kéo người tham gia bằng nhiều cách và mỗi người tham gia phải đóng 6 triệu đồng để sở hữu một quan hàng ảo trên hệ thống thương mại điện tử do chúng quản lý nhằm được ưu đãi mua các loại hàng hóa có giá rẻ. Đồng thời người tham gia sẽ được thưởng thêm tiền nếu lôi kéo được nhiều người khác mua các gian hàng trong hệ thống. Tuy nhiên, trên thực tế, người tham gia không hề được mua bất cứ loại hàng hóa nào cũng như không được thưởng tiền qua việc lôi kéo thêm người tham gia. Qua điều tra ban đầu xác định công ty này đã lôi kéo được 39.000 người tham gia, trong đó có 23.000 người đã đóng phí, số tiền thu lợi bất chính qua việc bán gian hàng ảo ước tính hơn 120 tỷ đồng. C50 đã tiến hành thu thập tài liệu, phục hồi, phân tích dữ liệu trên máy chủ của công ty và làm rõ bản chất lừa đảo bằng hình thức kinh doanh đa cấp của công ty này. CQĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 05 bị can theo Điều 226b BLHS.

Vụ Công ty cổ phần thương mại Diamond Holiday lợi dụng kinh doanh đa cấp trên mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Diamond Holiday đã huy động vốn trái phép bằng phương thức quảng cáo “Vừa du lịch vừa kiếm tiền”, du lịch thế giới chỉ với 375USD. Theo đó, người tham gia phải đóng 375 USD để được xếp một vị trí ở bàn du lịch tầng 1. Ngoài ra, người chơi còn có thể kiếm tiền thưởng bằng cách nếu mời được nhiều người tham gia thì sẽ được lên tầng cao hơn. Khi người đầu tiên qua bàn bậc 4 sẽ được chuyển sang bàn kim cương và sẽ được thưởng 1000 USD. Bản chất của chương trình này là huy động vốn đa cấp, lấy tiền của người dưới thưởng cho người trên. C50 đã phối hợp Công an Hà Nội tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 05 đối tượng.

Vụ việc làm thẻ giả thanh toán khống để chiếm đoạt gần 17 tỷ đồng của ngân hàng TMCP Quân đội. Qua công tác trinh sát, C50 phát hiện một nhóm tội phạm người Trung Quốc móc nối với các đối tượng người Việt Nam sử dụng trái phép thông tin thẻ tín dụng của người nước ngoài, làm thẻ giả để thanh toán hàng hóa qua POS [máy giao dịch tự động] tại Hà Nội. C50 đã phối hợp với Công an Hà Nội tiến hành bắt khẩn cấp 03 đối tượng, thu hồi 1,58 tỷ đồng, 27 thẻ tín dụng các loại, máy tính, 02 POS, 02 máy đọc, ghi dữ liệu lên thẻ và nhiều phương tiện khác để làm thẻ giả. Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận từ ngày 03/7/2012 đến ngày 15/7/2012 đã thực hiện thành công hơn 300 giao dịch, trị giá gần 17 tỷ đồng. CQĐT Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố 03 bị can. Riêng năm 2012, lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên cả nước đã phát hiện, xác minh, điều tra 261 đầu mối vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật [bao gồm xác lập 44 chuyên án, 217 vụ việc và vụ án]. Tổng thiệt hại do tội phạm gây ra ước tính hơn 2.000 tỷ đồng.

Qua công tác trinh sát, C50 phát hiện đường dây gồm các đối tượng người Việt Nam và Trung Quốc thuê đường truyền Internet tốc độ cao, thiết lập mạng VPN, lập các trạm thu phát tín hiệu Wifi trái phép tại khu vực biên giới ở Quảng Ninh, Tây Ninh để kết nối với các sòng bạc ở Campuchia tổ chức đánh bạc trực tuyến. C50 đã phối hợp với Cục CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh Quảng Ninh, Công an tỉnh Tây Ninh tiến hành trinh sát, thu thập dữ liệu về hành vi phạm tội của ổ nhóm này. Sau 5 tháng trinh sát bám sát đối tượng, thu thập tài liệu, C50 cùng Công an các đơn vị, địa phương tiến hành đồng loạt phá án, triệt phá ổ nhóm chuyên tổ chức đánh bạc trực tuyến xuyên quốc gia do Lâm Mạnh Nhi cầm đầu, thu giữ nhiều trang thiết bị, phương tiện hiện đại phục vụ hoạt động đánh bạc tại 04 trạm thu phát Wifi trái phép. CQĐT Bộ Công an đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố 06 bị can.

Vụ việc sử dụng mạng Internet tấn công truy cập trái phép chiếm đoạt cơ sở dữ liệu các Website của Công ty cổ phần giải trí di động tại TP.HCM. Qua công tác trinh sát, C50 phát hiện đối tượng Vũ Hương Giang đã câu kết với Trịnh Quang Huy sử dụng máy tính thông qua mạng Internet tấn công cài phần mềm gián điệp, chiếm quyền quản trị và chiếm đoạt cơ sở dữ liệu các Website của Công ty cổ phần giải trí di động. Đồng thời thay đổi dữ liệu của người chơi tại các Website này nhằm thu lợi bất chính, gây thiệt hại hàng tỷ đồng và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của Công ty cổ phần Giải trí di động. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Hương Giang và Trịnh Quang Huy.

Đội quân tinh nhuệ

Sự tinh nhuệ của C50 còn thể hiện ở những vụ án với các đối tượng mà phía Mỹ cũng “bó tay”. Đơn cử vụ giữa năm 2012, C50 nhận được công văn từ Cục điều tra Liên bang Mỹ [FBI] và Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ truy tìm 3 đối tượng có liên quan đến một đường dây rửa tiền quy mô lớn, lên tới 24 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, thông tin mà phía bạn cung cấp rất ít ỏi, nếu không muốn nói là… “vu vơ”. Họ đề nghị truy tìm 3 người mang tên: “Pham Thi Thuy, Bui Thi Tuyen và Doan Van Cong”, có địa chỉ ở Việt Nam.

Sau một thời gian truy xét theo hướng liên quan đến những trao đổi của Thuy, Tuyen và Cong trên mạng Internet, các trinh sát Phòng 6 đã xác định được chính xác tên tuổi, địa chỉ của 3 người có tên trong danh sách nhận tiền mà FBI cung cấp. Tuy nhiên, cả 3 người trên đều phủ nhận chưa hề nhận đồng xu cắc bạc nào từ nước ngoài, cho dù họ có tên trong hệ thống giao dịch chi trả của dịch vụ chuyển tiền nhanh Western Union.

Các trinh sát tiếp tục thực hiện những biện pháp dò tìm các giao dịch trên mạng của 3 đối tượng trên. Vì những giao dịch này đã thực hiện từ nhiều năm trước nên mất rất nhiều công sức, các chiến sỹ mới phát hiện được nhiều giao dịch “mờ ám” ở thành phố Hải Phòng. Tiếp tục miệt mài xác minh cho đến cuối năm 2012, một hy vọng lóe lên khi nhiều giao dịch đã dẫn về địa chỉ một công ty có trụ sở tại TP Hải Phòng. Đó là Công ty cổ phần Thịnh Vũ [địa chỉ quận Dương Kinh, TP Hải Phòng] Giám đốc là Vũ Văn Lăng [SN 1982]. Lăng đã thu thập rất nhiều CMND của người dân để lập hồ sơ khách hàng rồi nhận hàng triệu đô la từ nước ngoài chuyển về. Số này có rất nhiều giao dịch nghi là từ hoạt động trộm cắp mà có. Trong vòng 4 năm, Lăng đã thực hiện trót lọt gần 60 ngàn giao dịch thì mới bị phát hiện.

C50 non trẻ nhưng là một lực lượng tinh nhuệ

Theo tài liệu điều tra từ Cơ quan công an, năm 2008 Vũ Văn Lăng lập ra Công ty cổ phần Thịnh Vũ, làm đại lý phụ cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Hải Phòng [BIDV Hải Phòng] để chi trả kiều hối thông qua hệ thống Western Union. Tuy nhiên, mục đích của Lăng không phải để kinh doanh mà để có quyền chi trả ngoại tệ phục vụ việc kinh doanh tiền điện tử Liberty Reserve [LR]. Lăng đã thu mua LR từ trong nước và nước ngoài, sau đó bán cho người nước ngoài để thu lợi, qua mạng Internet. Những người mua LR của Lăng trả tiền bằng cách gửi tiền về cho y thông qua đại lý Western Union mà chính Công ty cổ phần Thịnh Vũ làm đại lý. Tổng số tiền mà Thịnh Vũ và 2 công ty khác đã lập hồ sơ của khách hàng để nhận tiền là hơn 24 triệu đô la tương đương hơn 404 tỷ đồng. Để nhận được số tiền trên, Vũ Văn Lăng đã cho thực hiện 59.605 giao dịch và lấy tên của hơn 1.000 người để lập hồ sơ rút tiền. Lăng đã thu lời hơn 5 tỷ đồng từ phí hoa hồng mà ngân hàng chi trả và từ lợi nhuận của việc mua bán LR.

Hay như vụ đối tượng Lê Hữu Hiếu [SN 1986, trú tại xã Phú Lương, Phú Vang, Thừa Thiên – Huế]. Hiếu là một trong những người quản lý một trang web chuyên chia sẻ phim đồi trụy. Cùng điều hành với Hiếu còn có ba đối tượng khác là Lê Văn Tỵ [SN 1988, trú tại thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế], Nguyễn Ích Vũ [SN 1985, trú tại Phú Thượng, Phú Vang] và Đoàn Văn Vĩnh Quốc [SN 1983, trú tại Phú Dương, Phú Vang]. Tiếp tục xác minh, các trinh sát phát hiện kẻ đứng đầu không ở Huế mà ở một tỉnh thành khác. Hắn là Nguyễn Đức Nhật [SN 1983, trú tại thị xã Dĩ An, Bình Dương]. Được biết, đầu tháng 3-2012 Nhật lập và quản trị trang website Ry…com có chức năng lưu trữ và chia sẻ dữ liệu điện toán đám mây. Nhật thuê máy chủ của một công ty đóng tại Pháp. Để website hoạt động, Nhật thuê thêm nhiều server của các công ty quốc tế để lưu trữ dữ liệu cho khách hàng. Tất cả người sử dụng Internet đều có thể đăng ký làm thành viên của trang nhưng chỉ được đưa lên [upload] hệ thống lưu trữ miễn phí 88 Gb và tải xuống [download] 1 Gb. Các thành viên muốn lưu trữ và download dữ liệu nhiều hơn thì phải mua tài khoản VIP có trả phí với các mức khác nhau tùy thuộc ngày, dung lượng sử dụng.

Các thành viên khác chia sẻ dữ liệu, ấn phẩm của mình trên hệ thống tìm kiếm, giới thiệu được thành viên khác mua tài khoản VIP thì được hưởng 60%. Để giới thiệu được nhiều thành viên có trả phí, thành viên của website Ry…com đưa nhiều tranh ảnh, phim có nội dung đồi trụy, giới thiệu, chia sẻ các ấn phẩm này trên các trang mạng xã hội, blog, website trong và ngoài nước. Trước khi bị đánh sập, trang web này có khoảng 803.884 thành viên tham gia [trong đó gần 80.000 thành viên VIP trả thuê bao hằng tháng từ 9,96 Euro/người/tháng]. Có hơn 410.000 lượt người dùng thẻ thanh toán quốc tế để mua tài khoản VIP, trong đó có 406 chủ thẻ là người Việt Nam.

Cơ quan điều tra xác định, đến thời điểm bị phát hiện, Nhật đã thuê của hai công ty tại Pháp và Hà Lan 693 server để lưu trữ hơn 11,3 triệu file do các thành viên website Ry…com tải lên. Hàng tháng riêng tiền thuê server Nhật đã phải chi tới 5 tỷ đồng. Tính riêng từ tháng 8-2012 đến tháng 9-2014, Nhật thu lợi vài chục tỷ đồng qua việc kinh doanh phim khiêu dâm.

Cơ quan điều tra cũng xác định được Hiếu, Tỵ, Vũ và Quốc thường xuyên sử dụng, đưa lên website Ry…com lưu trữ và phát tán lượng lớn phim sex, phim có nội dung đồi trụy. Hiếu tải gần 5.900 file, được Nhật chia lợi nhuận gần 2,2 tỷ đồng. Tỵ tải gần 5.000 file, thu lợi gần 65 triệu đồng. Vũ tải gần 5.200 file, thu lợi hơn 1,7 tỷ đồng. Quốc đưa lên mạng gần 2.400 file, thu lợi hơn 40 triệu đồng…

**

Qua những vụ án trên đây có thể thấy tội phạm sử dụng công nghệ cao đang diễn biến rất phức tạp và gây hậu quả thiệt hại về nhiều mặt cho trật tự, an toàn xã hội. Những thành tích mà C50 đạt được trongg năm qua rất to lớn, được dư luận hoan nghênh, ủng hộ. Tiếc rằng, nguyên Cục trưởng C50 đã “thua tội phạm”, từ đấu tranh, ngăn chặn đã bị tha hóa thành đồng phạm, dẫn đến kết cục bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra làm rõ và mở rộng vụ án. Đây cũng là bài học xương máu đối với cán bộ chiến sĩ trong lực lượng đấu tranh với tội phạm công nghệ cao hiện nay.

LÊ BẮC [ tổng hợp]

Video liên quan

Chủ Đề