Dân tộc cil còn gọi là dân tộc gì năm 2024

Không quá xa so với trung tâm xã Đa Nhim (Lạc Dương) nhưng Đưng Ja Giêng gần như tách biệt với thế giới bên ngoài bởi đường xa cách trở. Nằm lọt thỏm giữa lòng núi mẹ Bidoup, buôn nhỏ "miễn nhiễm" với những xô bồ, bon chen của đời sống hiện đại, nơi ấy vẫn còn vẹn nguyên những gì tinh túy nhất trong văn hóa của người Cil.

Không quá xa so với trung tâm xã Đa Nhim (Lạc Dương) nhưng Đưng Ja Giêng gần như tách biệt với thế giới bên ngoài bởi đường xa cách trở. Nằm lọt thỏm giữa lòng núi mẹ Bidoup, buôn nhỏ “miễn nhiễm” với những xô bồ, bon chen của đời sống hiện đại, nơi ấy vẫn còn vẹn nguyên những gì tinh túy nhất trong văn hóa của người Cil.

Bà con tự chế tạo dụng cụ đuổi chim trên ruộng lúa

Cung đường vào Đưng Ja Giêng

Ðồng hành cùng tôi có anh K’Vâng - nhân viên của Trung tâm Du lịch sinh thái VQG Bidoup Núi Bà và hướng dẫn viên du lịch cộng đồng, anh Cil Phi Criêu Thani, cả hai đều là những người con của dân tộc Cil đang sống trên mảnh đất Lạc Dương. Vốn kinh nghiệm sống cùng rừng, nét văn hóa bản địa, với cách thuyết minh giản dị, chân thành, anh Thani đã tỉ mỉ giải đáp những thắc mắc của tôi về cây cỏ, chim muông. Bidoup có muôn vàn những điều thú vị và trong số đó, tôi - người con gái trẻ đã không khỏi ngạc nhiên khi được sờ tận tay cây trang điểm, “đó là bí mật làm đẹp của những người con gái chốn núi rừng”, anh Thani bật mí. Những người dẫn đường đầy kinh nghiệm này đã kể cho tôi nghe những chuyện kể của người Cil, những điểm dừng chân nghỉ ngơi giữa hành trình cũng chứa đựng những điều kỳ thú, là gốc thông già mà ngày xưa một chàng trai người Cil đã ngồi khóc vợ, hay nơi có cây đa bóp cổ lừng lững với bao triết lý nhân sinh ở đời.

Nắm rõ như lòng bàn tay mọi cung đường ở Bidoup Núi Bà, anh K’Vâng giải thích: Với độ cao khoảng 800m so với mực nước biển, Ðưng Ja Giêng nằm lọt thỏm giữa vùng lõi của VQG. Con đường mòn giữa rừng mà chúng tôi phải băng qua là con đường độc đạo dẫn vào Ðưng Ja Giêng. Cuộc hành trình ấy mất gần 5 giờ đồng hồ xuyên qua những rừng thông cao vút, rừng cây lá rộng nắng cũng khó có thể lọt qua, tiếng gió ào ào nghe như thác đổ. Lúc mặt trời lên cao cũng là khi chúng tôi đặt những bước chân đầu tiên vào mảnh đất Ðưng Ja Giêng đầy mong đợi.

Tình người ở Đưng Ja Giêng

Hiện nay, số dân cư đang sống trong vùng lõi của VQG Bidoup Núi Bà có khoảng 193 hộ với 942 nhân khẩu (chiếm 6,94%), tập trung tại 2 thôn là: thôn Klong Klan (147 hộ với 677 nhân khẩu) và thôn Ðưngksi (46 hộ với 265 nhân khẩu) của xã Ðạ Chais. Riêng khu vực Ðưng Ja Giêng chỉ có 27 hộ gia đình. Bà con nơi đây chủ yếu canh tác nông nghiệp với diện tích khoảng 20ha.

Cây cối ở đây lớn lên nhờ ánh nắng, mưa trời. Tận mắt chứng kiến sự sinh sôi trên mảnh đất này mới hiểu vì sao người Cil nói rằng, tên Ðưng Ja Giêng nghĩa là mảnh đất bằng phẳng, màu mỡ tốt tươi. Có lẽ vậy mà những người Cil nơi đây không muốn rời đi nơi khác, vẫn bám trụ mảnh đất của cha ông.

Anh Thani bảo, ban ngày người dân Ðưng Ja Giêng hầu như không ở nhà nên chúng tôi ghé vào nghỉ ngơi ở cái lán nhỏ bên mép ruộng mà hai, ba gia đình cùng dựng lên để ở lại qua trưa. Họ ăn cùng nhau và đã vui vẻ sẻ chia cho những người khách lần đầu gặp mặt một phần cháo bắp đựng trong bầu - bữa trưa thường ngày bên ruộng. Trước lúc chia tay để vào làng, những người đàn ông Ðưng Ja Giêng còn vui vẻ hái đãi khách quả dứa, quả xoài tươi rói làm quà gặp mặt cùng cái bắt tay trìu mến và lời mời quay lại lần sau. Men theo con đường nhỏ, ông Kơ Să Ha Thanh (64 tuổi) - người dân Ðưng Ja Giêng dẫn chúng tôi vào làng.

Thoăn thoắt bước chân, ông Ha Thanh vừa đi vừa nói: Giờ lúa đã chắc hạt, nhà nào nhà nấy đều phải đi đuổi chim từ sáng tới tối mịt. Bà con mang theo thức ăn, nước uống đi lúc gà chưa gáy. Chiều tối, khi thấy con chim bay về ngủ mới mang gùi trở về. Ở Ðưng Ja Giêng, từ bao đời nay vẫn vậy, lúa cũ vẫn trồng bên mép suối hay vùng lầy trũng. Trâu bò thả rông trong rừng còn mọi việc khác đều dùng chính sức người làm nên.

Dẫn chúng tôi vào nhà, ông Ha Thanh lấy cái lưới nhỏ mắc đầu giàn ra suối để thêm chút thức ăn tươi đãi khách. Người Cil ở đây thật lạ, đi bắt cá nấu canh chỉ lấy cá nhỏ, cá lớn mắc vào lưới cũng thả ra để khi nào muốn ăn, ra suối còn có. Ông Ha Thanh giải thích khi thấy tôi tiếc nuối, nhìn theo con cá lớn ông vừa thả ra từ chiếc lưới của mình.

Chiều muộn bên bờ suối, tôi bắt gặp bà con đi ruộng trở về, trong gùi ai cũng có sẵn bó rau rừng. Người Ðưng Ja Giêng biết rõ thuộc tính, mùi vị và công dụng của hàng trăm loại rau trên mảnh đất này. Khi tôi hỏi về bí quyết, câu trả lời của bà con luôn là “kinh nghiệm ông cha để lại” kèm theo một nụ cười “tỏa nắng”.

Đêm Đưng Ja Giêng

Khác với xã hội ngoài kia, một ngày của người dân ở đây chủ yếu ngoài ruộng, ngoài rừng. Tối về, bếp lửa nổi lên, tay vợ, tay chồng cùng nấu nướng. Bữa cơm tối ở Ðưng Ja Giêng, thịt heo còn lại một ít trên gác bếp mang xuống nướng, gà trong vườn, cá suối nấu với nắm rau rừng mang về lúc đi làm ruộng. Chủ nhà bảo rằng “không có gì đãi khách, thôi có gì ăn nấy vậy nha”, nhưng có lẽ đây là bữa cơm sạch nhất, tươi nhất và đầy ân tình so với những bữa cơm vội vã trong cuộc sống náo nhiệt chốn thị thành. Không điện thoại, tivi, không rock, ráp như giới trẻ ngoài kia, bên bếp lửa bập bùng, những người con của núi rừng đã cất lên những lời ca về cao nguyên huyền thoại có đôi chân trần, có hoa Langbiang, có lời gọi K’Bing ơi hãy về trong hơi men ngây ngất… Chưa bao giờ tôi nghe những khúc ca về cao nguyên hay hơn thế. Về khuya, khách đã nghỉ ngơi nhưng người đàn ông Ðưng Ja Giêng vẫn tranh thủ soi đèn đi quanh vườn bắp để đuổi con lợn rừng. Trong nhà ngọn lửa vẫn liu riu để ninh nhừ nồi cháo bắp nấu sẵn làm cháo chua.

Ngày mới...

Sáng bừng tỉnh ở Ðưng Ja Giêng là một ngày mưa, cả gia đình ông Ha Thanh quây quần trong ngôi nhà sàn để đan lát, chuyện trò. Hôm nay, nhà ông Ha Thanh có khách, ông Sơ Nơr Ha KLas (70 tuổi), một trong những người già sống ở Ðưng Ja Giêng, đội áo qua chơi. Ngồi tựa lưng vào góc nhà rít điếu thuộc tự cuốn, ông KLas cho tôi hay: “Ở đây, tổ tiên sống sao giờ bà con sống vậy, không có thay đổi gì nhiều. Mọi thứ của thiên nhiên, của rừng đều tốt. Gỗ thông để làm nhà, mái lợp bằng cỏ tranh; thân cây dẻ làm cối giã gạo; cây mây làm gùi; dứa rừng làm chiếu; tre làm đũa…”. Người Ðưng Ja Giêng ai cũng có thể đan lát nên những sản phẩm mềm mại, tinh xảo. Khi nhìn những người già ở đây đan lát chẳng khác gì xem nghệ nhân bậc thầy đang biểu diễn.

Những bon chen, toan tính của xã hội hiện đại đã bị chặn lại ở cửa rừng, nơi đây bà con sống hòa mình vào thiên nhiên, bình lặng và an lành. Ban ngày, Ðưng Ja Giêng thức cùng mặt trời, ban đêm chuyện trò cùng ánh trăng, đốm lửa. Ðêm thứ hai trong ngôi nhà không cần khóa, vợ chồng ông Ha Thanh lại bỏ hết mọi công việc, ngồi quây quần bên bếp lửa với khách, vừa nhâm nhi những ly rượu ấm nồng, vừa thong thả kể về Ðưng Ja Giêng ngày xa xưa và những gì mà người Cil trên mảnh đất này còn gìn giữ cho đến tận bây giờ. Ông Ha Thanh trầm ngâm “Bà con mình ở đây không hẹp cái bụng đâu, khách tới ăn bao nhiêu, ngủ bao nhiêu cũng được, xin gì cũng cho. Nhưng phải hòa nhập với cách sống của bà con, đó là tôn trọng và danh dự”.

Từ những gì ông Ha Thanh bộc bạch, trong tôi nảy ra ý nghĩ chính từ sự nguyên vẹn tinh túy còn giữ được ở Ðưng Ja Giêng là điều may mắn không chỉ cho những người quan tâm tìm hiểu về văn hóa dân tộc bản địa Lâm Ðồng mà còn là vùng đất đầy hứa hẹn cho những người làm du lịch.