Đánh giá lược sử thời gian năm 2024

Giọng văn lôi cuốn, hài hước của nhà vật lý tài năng Stephen Hawking khiến cho những kiến thức vật lý khô khan bỗng hóa gần gũi với đời sống, tình cảm của con người.

Trần Thanh Giảng -

Tên sách: Lược sử thời gian Tác giả: Stephen Hawking Người dịch: Cao Chi - Phạm Văn Thiều NXB Trẻ

"Anh nói với chúng tôi chuyện nhảm nhí gì vậy? Thế giới thực tế chỉ là một cái đĩa phẳng tựa trên lưng một con rùa khổng lồ mà thôi". "Thế con rùa ấy tựa lên cái gì?". "Anh thông minh lắm, anh bạn trẻ ạ, anh rất thông minh, nhưng những con rùa cứ xếp chồng lên nhau mãi xuống dưới, chứ còn sao nữa".

Trên đây là một đoạn đối thoại giữa một bà già nhỏ bé, ít học, tưởng chừng như vu vơ, chen ngang bài giảng của một giáo sư nổi tiếng, được tác giả Stephen Hawking trích trong chương đầu cuốn sách nổi tiếng của ông, Lược sử thời gian.

"Lược sử thời gian" được nhiều bạn trẻ Việt Nam tìm đọc.

Thế giới chúng ta đang sống, như những con rùa xếp chồng lên nhau, tiếp nối mãi mãi. Sự tưởng tượng này không phải là không có lý. Nó ít ra cũng đưa đến cho ta thấy sự vô hạn của vũ trụ. Vũ trụ bao la, từ xa xưa đến ngày nay, khơi gợi trí tưởng tượng thật phong phú của chúng ta.

Nhiều người đã biết đến bộ truyện tranh Doremon nổi tiếng của Nhật Bản ra đời từ những năm 70. Chú mèo máy Doremon nhiều khả năng siêu phàm, kích thích sự tìm của các bạn nhỏ, có một khả năng khiến người ta kinh ngạc là là chú sở hữu cỗ máy "đi ngược thời gian". Khi bạn ngồi trên cỗ máy đó, bạn có thể trở về quá khứ, trở về thời công viên của những chú khủng long khổng lồ, thời con người ăn lông ở lỗ, thời trung đại với những tập tục và cách phục trang xa lạ với ngày nay, gần hơn trở về thời thơ trẻ của bố mẹ hay của chính các bạn.

Thú vị quá nhỉ? Chính quá khứ thường không quay lại được, những gì qua đi thường gợi lại cho người ta sự tiếc nối, nên cỗ máy đi ngược thời gian luôn mang lại cho bạn những tò mò đáng kể, và là người ta luôn ước gì nó tồn tại thực trên thế giới này.

Hồi nhỏ, tôi và bố tôi, một giáo viên vật lý, trong những đêm trăng thanh gió mát, đem ghế ra ngoài sân ngồi ngắm những vì sao. Có những vệ tinh như những ngôi sao sáng chuyển động một cách cần mẫn. Những kiến thức về bầu trời mà bố truyền cho tôi, có thể hiểu lõm bõm, nhưng cũng khơi gợi cho tôi những ham muốn được bay lên, được khám phá bầu trời kia.Tôi đã không hiểu vì sao trên bầu trời có vô vàn vì sao như thế, và tôi không hiểu, nó sẽ kết thúc ở đâu?

Lớn hơn nữa, tôi có đọc được bộ truyện tranh khoa học viễn tưởng Hecman. Một trong những tác giả là chú Hùng Lân hiện nay mà tôi biết. Câu chuyện kể về những cuộc chiến tranh giữa các hành tinh, với chàng người máy với khả năng tự lắp ráp mình siêu phàm lập nên bao chiến công ấn tượng với tôi mãi đến bây giờ.

Chúng ta đang sống trên thế giới này, một năm có 12 tháng, một tháng có 30 ngày, một ngày có 24 giờ... Ngày này qua ngày khác, trôi qua một cách đều đặn. Có lúc nào bạn nghĩ rằng ở một nơi nào khác, một năm nó kéo dài lâu hơn không? Có đấy. Bộ truyện Tây Du Ký có nói tới một năm trên trời bằng 100 năm dưới hạ giới. Đây cũng là quan niệm về thế giới thần tiên thượng đế của toàn bộ Á Đông ngày xưa.

Chàng Từ Thức lấy vợ tiên, lên thượng giới sống đời sống vợ chồng, chỉ một năm thôi, khi về về thăm quê thì bồi hồi xúc cảm vì cảnh xưa người đó, người cũ đâu rồi. Chàng đâu hề biết rằng chàng sống một năm trên thượng giới là bằng 100 năm dưới hạ giới?

Bạn thường cho đó là những điều kỳ lạ, không có thực, và chỉ kích thích trí tưởng tượng của bạn. Nhưng quả thực các nhà vật lý đã tìm ra những định luật định lý, mang lại rất nhiều sự thay đổi trong nếp nghĩ của con người. Không có gì là không thể. Điều bạn tưởng thế, mà thực chất nó không thế. Rồi người ta nhận thấy, cỗ máy thời gian đi ngược quá khứ, sự tích một năm trên trời bằng 100 năm hạ giới... là những điều không quá xa lạ quả, nó là hệ quả tất yếu, có thể diễn ra, nếu chiếu theo những phát minh vật lý kỳ diệu đó...

Chính vì thế, chúng ta đọc Lược sử thời gian để biết không có sự tưởng tượng nào là không thể.

Từ thở sơ khai, con người dần tiến hóa nhờ khả năng lao động, khả năng hoàn thiện mình để thích nghi với điều kiện sống. Sống trong hang động, trong rừng sâu, hằng ngày phải đối mặt với biết bao mối hiểm nguy như thiên tai lũ lụt, hạn hán, hay mối đe dọa từ thú dữ, bệnh tật...Hiểu biết con người về thế giới gần như con số không. Thưở mông muội đó, con người tin rằng có Thượng đế, sáng tạo ra con người và muôn loài. Thượng đế che chở cho con người, và cũng chính là ngài mang lại bao khổ đau cho con người... Tuy thế, trong tiềm thức con người luôn khát khao tìm kiếm những sự thật để giải thích thế giới mà họ đang sống. Bản năng sinh tồn của họ hiểu, càng hiểu biết, và giải những gì mình thấy thì mình sẽ dễ dàng chế ngự hơn.

Và chính vì thế, đọc Lược sử thời gian, chúng ta phần nào hiểu thêm về sự cô đơn của chúng ta trong vũ trụ.

Các nhà vật lý cho rằng, từ xa xưa, vũ trụ nở từ một vụ nổ lớn, từ vụ nổ đó, các thiên hà, hành tinh ra đời, và đến nay vũ trụ vẫn tiếp tục giãn nở. Không ai biết nó sẽ giãn nở tới đâu, và cũng không ai biết phạm vi của nó thế nào? Cũng như không ai biết trước khi vụ nổ bắt đầu, thì vũ trụ là cái gì? Lúc đó, có phải là quá khứ hay không? Có tồn tại thời gian, vật chất hay không? Và vụ nổ có phải được sắp đặt bởi Thượng đế, một bàn tay vô hình, và Thượng đế có sự lựa chọn khác nào không?

Đọc đến đây, hẳn bạn đã cho rằng không phải bà già đã nói ở đầu bài không phải không có lý. Bà đã biết vũ trụ, thực ra là vô hạn. Để biết rằng nhiều khi để hiểu một vấn đề tưởng như đơn giản, người ta đã mất rất nhiều công sức.

Như vậy, vật lý hiện đại còn nhiều điều cần phải giải quyết. Người ta vẫn chưa biết được mình bắt đầu từ đâu, chưa thể biết được sống trong một thế giới có giới hạn hay không, và đến lúc nào thì kết thúc. Và người ta cũng không hiểu giữa vô vàn thiên hà của vũ trụ bao la, chúng ta có tìm được những người bạn nào không? Những nhà khoa học đã chứng minh rằng, có rất nhiều hành tinh hội đủ sự sống như hành tinh xanh của chúng ta. Có chăng một nơi nào đó, cách xa chúng ta, cũng có những con người khác đang sống?

Giả sử rằng chỉ có vài nghìn hành tinh có sự sống thôi, chúng ta sẽ thấy chiến tranh giữa các vì sao, giữa các hành tinh nói đến trong bộ truyện Hecman, hay series phim nổi tiếng Chiến tranh giữa các vì sao không hẳn chỉ là "chuyện giả tưởng".

Trái đất hơn 7 tỷ người, biết bao sắc tộc, khác nhau về màu da, văn hóa, ngôn ngữ, trình độ phát triển, nhưng so với vũ trụ chúng ta chỉ là một hạt cát bao la, chúng ta không biết mình từ đâu, và chúng ta đang cô đơn... Đủ thấy, thế giới này thật nhỏ bé, con người thật vô vi, hà cớ gì trong sự nhỏ bé đó, trong sự mông lung của vũ trụ đó, chúng ta lại ham hố, giành giật nhau quyền lợi, danh vọng, hại nhau nhỉ?

Nhìn đi nhìn lại, quả thực chúng ta đang cô đơn....

Vô vàn ví dụ thú vị trên có thể minh họa cho những gì được nhắc tới trong cuốn sách Lược sử thời gian của nhà vật lý - toán học người Anh Stephen HawKing. Được xuất bản ở Việt Nam đã lâu, được giới trẻ tìm đọc với một thái độ trân quý cầu thị. Tôi được tiếp cận cuốn sách này từ năm học lớp 11. Nhưng thời đó, có lẽ do chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về vật lý cũng như toán học nên cứ mơ màng, nhiều kiến thức thực sự không hiểu cho lắm. Nay giờ giở lại đọc, cảm thấy thú vị, nhiều bất ngờ và có nhiều suy nghĩ.

Người ta đánh giá đây là một trong những cuốn sách viết về vật lý cho những người không chuyên thành công nhất, được gọi là best-seller. Nếu bạn đã biết vật lý là khoa học của sự chính xác chỉ dành cho những thiên tài, vĩ nhân của thế giới như Newton, Galile, hay Albert Einstein, nếu bạn đã từng "kính nhi viễn chi" đối với những công trình vĩ đại của các nhà vật lý, nếu bạn đã từng vặn óc ra với những khả năng không tưởng như "đi ngược trở về quá khứ", hay "hai anh em cùng sinh nhưng chênh lệch tuổi"... thì việc đọc sách sẽ giúp bạn thêm những kiến thức cơ bản để tiếp cận giải thích với những điều vĩ đại đó.

Rồi bạn sẽ thấy, à, té ra nhiều vấn đề nghe tưởng chừng như đơn giản, thế mà người ta đã phải mất hàng trăm năm, hàng nghìn mới phát hiện ra. Rồi bạn sẽ nảy ra suy nghĩ, biết đâu rồi mình cũng có thể có một phát kiến nào đó. Rồi bạn cũng sẽ thấy sự lãng mạn đích thực của các nhà vật lý chân chính, họ thực sự không khô khan như bạn tưởng, đó chính là sự lãng mạn trong những nỗ lực đi tìm những điều bí ẩn, bản chất sâu xa tận cùng của thế giới, đi tìm sự chính xác để giải thích cho nguồn gốc của bản thân, của thế giới xung quanh, hay nói rộng ra là cả vũ trụ. Cái đẹp, cái lãng mạn của họ chính là... sự thật, sự bí ẩn của sự thật luôn luôn mang lại người ta cảm hứng dấn thân tìm hiểu khám phá.

Ông Hawking quả là thật tài tình, diễn đạt những vấn đề gai góc, khó hiểu của toàn bộ thế giới vật lý, cũng như từng bước trưởng thành của nhận thức loài người đối với thế giới chúng ta đang sống nói riêng và vũ trụ một cách đơn giản, dễ hiểu, và chỉ cần người có trang bị ít kiến thức vật lý [học xong lớp 12 bậc phổ thông thôi] là cũng có thể hiểu được vài phần. Giọng văn lôi cuốn, có phần hài hước, những giải thích dễ hiểu, liên tưởng so sánh thú vị, cách sắp xếp trình tự giúp người đọc có một cái nhìn toàn cục. Có thể nói, ông đã chọn cách trình bày dễ tiếp cận nhất, cho những vấn đề khó hiểu, trừu tượng nhất.

Chủ Đề