Đánh giá về kinh tế nga năm 2024

QPTĐ-Tại Diễn đàn ngoại giao mang chủ đề “Chống lại các biện pháp trừng phạt kinh tế và mối đe dọa khác từ phương Tây” do Thượng viện Nga tổ chức (tại Moskva, ngày 24/11), Vụ trưởng Hợp tác kinh tế (Bộ Ngoại giao Nga) B.Dmitry cho biết: “Trong cuộc chiến hỗn hợp chống lại Nga, phương Tây đóng vai trò quan trọng đặc biệt với các lệnh trừng phạt đơn phương. Số lượng lệnh cấm vận áp đặt lên Nga đã vượt quá 17.500, một diễn biến chưa từng có tiền lệ”. Có thể nói, đó là “món quà đặc biệt” mà phương Tây dành cho Nga sau sự kiện Crimea năm 2014, cao điểm khi Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm “phi hạt nhân hóa”, “phi phát xít hóa” Ukraine (2/2022).

Show

Đánh giá về kinh tế nga năm 2024

Kinh tế nga vẫn phát triển tốt trước các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Ảnh: Saint-Petersburg.com

Đồng thuận với nhận định này, Phát ngôn viên Điện Kremlin D.Peskov tuyên bố: Các lệnh trừng phạt không thể gây tổn hại cho Nga như cách mà phương Tây mong muốn. Những hạn chế này không thể khiến kinh tế Nga sụp đổ. Nền kinh tế Nga đã dần thích nghi và sẵn sàng chống chọi với các lệnh trừng phạt thêm nhiều năm nữa.

Tại diễn đàn này, các chuyên gia Nga nhận định: Các lệnh trừng phạt đã có tác động phần nào đối với một số cá nhân và tổ chức của Nga bị phong tỏa tài sản nhưng hoạt động xuất, nhập khẩu của Moskva hầu như không bị ảnh hưởng lớn. Mất đi thị trường phương Tây, Nga nhanh chóng chuyển hướng và thành công, dòng chảy thương mại đổ sang các đối tác thuộc Nhóm Các nền kinh tế mới nổi (BRICS) 3 tỉ dân (bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Nga) và Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Belerus; kể cả các quốc gia Đông Á, Trung Đông, vùng Vịnh.

Nếu như nền kinh tế Nga rơi vào suy thoái 2,1% năm 2022 thì đã lấy lại tăng trưởng GDP năm 2023 là 2% nhờ “nhu cầu trong nước mạnh hơn dự kiến trước đó” và sẽ tăng trưởng khoảng 1,6% trong năm 2024 và 2025-Tài liệu của Ủy ban châu Âu (EC) dự báo.

Nhận xét của EC trùng khớp với CEO của Amundi (Công ty quản lý quỹ châu Âu) V.Mortier phát biểu tại cuộc họp báo ở Paris cuối tuần qua: GDP của Nga sẽ tăng 1,5% vào năm 2024, trong khi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Euro) chỉ tăng trưởng 0,5%, tức là GDP Nga tăng trưởng gấp 3 lần Liên minh châu Âu.

“Điều đó có nghĩa là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Australia-những nước phát triển lớn, không thể trừng phạt hiệu quả một quốc gia. Chúng ta có thể ghét điều đó, nhưng nó là thực tế phải chấp nhận. Rốt cuộc thì, nếu chúng ta nhìn nhận lại chiến sự Ukraine: Châu Âu đã phải chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề, tác động tới Mỹ là trung lập, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Á và châu Á, nói chung được hưởng lợi ”-Ông V.Mortier khẳng định.

Ngân hàng Trung ương Nga đưa ra con số thống kê và dự báo, tăng trưởng quý II và III/2023 của Nga là 4,9% và 5,5% do nhiều hoạt động kinh tế cho thấy sự tăng tốc như bán lẻ, sản xuất, xây dựng, nông nghiệp, kể cả ngành công nghiệp quốc phòng. Nền kinh tế Nga đã thích ứng với tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Dự báo, tăng trưởng GDP năm 2023 của Nga đạt 2,2-2,7%; bất chấp việc đồng Ruble trượt giá, chi tiêu quân sự tăng cao, giá cả leo thang, thiếu lao động và lạm phát ở mức 7-7,5%. Kinh tế Nga đã lấy lại đà tăng trưởng vào những năm tới.

Thật ra, trong cuộc chiến trả đũa cấm vận lẫn nhau giữa Nga và phương Tây, gây ra thiệt hại không hề nhỏ cho các bên và mỗi quốc gia. Phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế Á-Âu (EAEU, 11/2023), Thứ trưởng Ngoại giao Nga A.Grushko cho biết: Tổng thiệt hại của Liên minh châu Âu (EU) sau khi áp lệnh trừng phạt và cắt đứt các hoạt động hợp tác kinh tế với Nga có thể lên tới khoảng 1.500 tỉ USD.

Ông A.Grushko đưa ra các số liệu lý giải: Nếu như năm 2013, giao thương giữa EU và Nga đạt 417 tỉ USD, dự báo lên đến 700 tỉ USD năm 2023, nếu như không có cấm vận. Xung đột Nga-Ukraine khiến giao thương chỉ còn 200 tỉ USD năm 2022. Nửa đầu năm 2023 mới đạt 47 tỉ USD, dự kiến ở mức 100 tỉ USD vào cuối năm (chưa bằng 1/4 giá trị thương mại 10 năm trước-2013). “Năm tới, giao thương giữa hai bên sẽ là 50 tỉ USD và sau đó có xu hướng về số 0”-Ông A.Grushko nói.

Giới chuyên gia quốc tế có chung nhận định, Điện Kremlin đã ngoan cường, khéo léo chèo lái con thuyền kinh tế vượt cạn thành công nhờ chính sách cởi mở lựa chọn đối tác xuất, nhập khẩu, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt; thanh toán quốc tế bằng đồng Ruble nội địa và Ruble kỹ thuật số; phi đô la hóa tiền tệ; tăng mạnh dự trữ vàng. Nga là quốc gia có sức mạnh kinh tế, có tiếng nói trọng lượng trong Nhóm BRICS, EAEU, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+).

Hãy xem lối phá cách của Nga trong thập kỷ qua, thoát đòn cấm vận dầu khí của Liên minh châu Âu và phương Tây. Đến thời điểm này, châu Âu đã tung 13 gói trừng phạt nhằm vào Nga bao gồm các lệnh cấm xuất nhập khẩu hàng hóa, các mặt hàng chiến lược, vàng, kim cương, đóng băng tài sản, đóng băng ngân hàng, cấm nhập khẩu dầu thô bằng đường biển.

Tháng 12/2022, Liên minh châu Âu và các nước G7, Australia đồng loạt áp lệnh “phi kinh tế”, “phi thị trường”, cấm các công ty cung cấp dịch vụ hàng hải như bảo hiểm, tài chính, vận chuyển dầu Nga, buộc Nga bán dầu không quá 60 USD/thùng, nhằm hạn chế nguồn tài chính đến Moskva. Tuy nhiên (đến cuối tháng 11/2023), “99% lượng dầu của Nga xuất khẩu được giao dịch cao hơn 60 USD/thùng, thường xuyên ở mức 70-80 USD/thùng”-Ông V.Furgalsky, Bộ Năng lượng Nga cho biết.

Năm 2023, sản lượng dầu xuất khẩu của Nga đạt 242 tấn, so với 248 tấn năm 2022 và dự kiến đạt 241 tấn vào năm tới. Riêng trong quý II và III năm nay, doanh thu từ nguồn xuất khẩu dầu khí đạt 1.635-1.700 tỉ Ruble/tháng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu từ dầu khí của Nga chỉ giảm nhẹ, không ảnh hưởng đến việc cân đối ngân sách Liên bang.

Trả lời báo chí về nguy cơ giá dầu thế giới dao động ở mức 100 USD/thùng, thay vì mức giá trần 60 USD/thùng do phương Tây áp đặt, Bộ trưởng Tài chính Mỹ J.Yellen thừa nhận: “Hiệu quả của giá trần đã giảm đi phần nào. Nga đã dành rất nhiều tiền bạc, thời gian và công sức để cung cấp dịch vụ xuất khẩu dầu. Họ đã bổ sung thêm đội tàu chở dầu, cung cấp thêm bảo hiểm và loại hình giao dịch đó không bị cấm theo cơ chế giá trần”. Được biết, nhiều quốc gia châu Âu vẫn mua dầu, khí đốt của Nga theo những con đường vòng khác nhau.