Giải pháp để xây dựng gia đình hạnh phúc

Đại biểu Nguyễn Hữu Châu [phường Võ Thị Sáu] phát biểu ý kiến tại hội nghị

[Thanhuytphcm.vn] - Chiều 22/8, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Quận Đoàn và Phòng Văn hóa và Thông tin Quận 3 phối hợp tổ chức tọa đàm giải pháp xây dựng “Gia đình hạnh phúc - phát triển bền vững” năm 2022.

Tại buổi tọa đàm, ông Trần Vinh Quang, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận giới thiệu đến các đại biểu Bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc bao gồm 5 tiêu chí cụ thể: Tiêu chí về ứng xử trong gia đình, tiêu chí về điều kiện vật chất, tiêu chí về điều kiện tinh thần, tiêu chí về giáo dục và tiêu chí về y tế và chăm sóc sức khỏe.

Báo cáo tham luận tại buổi tọa đàm, các đại diện MTTQ phường 1, 3, 11 và phường Võ Thị Sáu chia sẻ về kết quả thực hiện và những mô hình, giải pháp hay trong tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng gia đình hạnh phú, phát triển; có 13 đại biểu đại diện phụ nữ, đoàn thành niên và công chức chuyên trách văn hóa xã hội phường đã tham gia thảo luận và đưa ra các ý kiến đóng góp xoay quanh nhiều vấn đề: công tác vận động, hỗ trợ hội viên phụ nữ, gia đình phát triển kinh tế để xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc; đề xuất cải tiến các loại hình tuyên truyền phù hợp với xu thế phát triển của xã hội; cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến gia đình; tổ chức các chương trình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, con cái thảo hiền… Các đại biểu cũng chia sẻ giải pháp, cách thức triển khai thực hiện Bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc đạt hiệu quả trong cộng đồng khu dân cư.

Thay mặt Ban tổ chức, ông Huỳnh Gia Giang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 3 ghi nhận, trân trọng cảm ơn những đóng góp của các đại biểu tham dự và cho biết Ban Chỉ đạo công tác gia đình quận sẽ tham khảo, vận dụng các ý kiến trong tổ chức triển khai thực hiện xây dựng “Gia đình hạnh phúc - phát triển bền vững” và “Bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc” của Thành phố; đồng thời, mong muốn các ban ngành đoàn thể, đơn vị, tổ chức tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong những năm vừa qua, đề ra những giải pháp, mô hình mới để hoàn thành tốt công tác thực hiện xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững trên địa bàn quận, thành phố.

Công Danh

Tin liên quan

[HNM] - Trước những nguy cơ đe dọa sự phát triển bền vững của gia đình, Chính phủ đã chọn năm 2013 là Năm Gia đình Việt Nam với chủ đề "Kết nối yêu thương". Qua nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo về đề tài gia đình được tổ chức gần đây cho thấy, giới trẻ có vai trò, trách nhiệm không nhỏ trong việc xây dựng, củng cố và phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt.

Bạo lực gia đình không thuyên giảm
Từ xưa đến nay, trong mỗi gia đình Việt Nam luôn hiện hữu và hài hòa các mối quan hệ: Vợ - chồng, cha mẹ - con cái, ông bà - con cháu, gia đình với họ hàng, cộng đồng, làng xóm, với Nhà nước. Bởi thế, gia đình có vai trò quan trọng đối với sự hình thành, phát triển nhân cách của các thành viên và là một tế bào của xã hội. Thế nhưng, những giá trị bền vững của gia đình đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ.

Giới trẻ có vai trò, trách nhiệm không nhỏ trong việc xây dựng, củng cố và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Theo phân tích của Vụ Gia đình [Bộ VH,TT&DL], khi xã hội phát triển, mức sống của các gia đình nâng lên đồng nghĩa với việc các thành viên phải dành nhiều thời gian và công sức để thực hiện chức năng kinh tế. Lẽ tất nhiên, khi các gia đình trẻ mải mê, đề cao chức năng kinh tế thì sẽ sao nhãng các chức năng khác, trong đó có chức năng giáo dục con cái. Điều này lý giải tại sao 70% trẻ em vị thành niên vi phạm pháp luật do gia đình không yên ấm, cha mẹ thiếu quan tâm tới con cái dẫn đến bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng. Hơn thế, sự mâu thuẫn giữa các thế hệ trong gia đình ngày càng rõ nét khi nhiều bậc ông bà, cha mẹ thậm chí không hiểu vì sao con cháu mình lại có những hành vi, ngôn ngữ ứng xử mà theo họ là "không thể chấp nhận được". Cũng theo đánh giá của Vụ Gia đình, xu hướng mỗi thế hệ nhìn về một phía [người lớn thường có tâm lý chưa thật tin cậy ở thế hệ trẻ, còn con cái lại tìm mọi cách để khẳng định mình] nếu không sớm được khắc phục sẽ dẫn đến những xung đột trong suy nghĩ, lựa chọn giá trị, chuẩn mực và hành vi giữa các thành viên trong gia đình. Bức tranh gia đình vì thế sẽ ảm đạm; bệnh vô cảm vì thế mà hình thành trong những người thân thích rồi lan tỏa ra cộng đồng. Không những thay đổi về mặt chức năng, nạn bạo lực trong gia đình không hề thuyên giảm. Ông Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới cho biết: Kết quả điều tra năm 2006 cho thấy, 21,2% gia đình ở Việt Nam xảy ra một trong ba loại hành vi bạo lực [đánh, mắng, chửi và phải chấp nhận quan hệ tình dục khi không mong muốn], phần lớn phụ nữ là người phải hứng chịu. Hiện nay, con số này hầu như không thay đổi, thậm chí 50% số phụ nữ khi được hỏi còn cho rằng chồng có thể mắng chửi nếu vợ làm trái ý chồng, không chăm sóc chồng con, ăn tiêu hoang phí, lười biếng… Hành vi bạo lực đối với phụ nữ sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như: Đe dọa sự an toàn của các thành viên; rạn nứt quan hệ, tan vỡ gia đình; ảnh hưởng tới sự phát triển của con trẻ; tăng chi phí xã hội [mất 1,41%GDP]; tác động tiêu cực tới sự ổn định của cộng đồng…

Vai trò của giới trẻ

Nhiều năm làm công tác quản lý nhà nước về gia đình, Phó Vụ trưởng Vụ gia đình Hoa Hữu Vân chỉ rõ, đội ngũ thanh niên chính là lực lượng có vai trò, trách nhiệm, có khả năng "hóa giải" những mâu thuẫn, thách thức của gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Minh chứng cho nhận định này, chị Lương Thị May Huyền, dân tộc Thái, công tác tại Đài Truyền thanh huyện Tương Dương [Nghệ An] cho biết: Một vài năm trước, những chuyện tưởng chừng chỉ có trong hồ sơ các vụ án hay như báo chí đưa tin ở tỉnh này, thành phố kia, thì nay chuyện con cái giết cha mẹ vì tiền, vì đất, bạo lực gia đình trong công chức trẻ… đều xảy ra ở Tương Dương. Trước thực trạng này, huyện Tương Dương đã thành lập các CLB gia đình hạnh phúc, CLB nuôi con khỏe, dạy con ngoan, CLB nói tiếng mẹ đẻ; xây dựng các mô hình gia đình, dòng họ hiếu học, phòng chống ma túy và thực hiện tuyên truyền các quy định của pháp luật về công tác gia đình cho các gia đình trẻ, cho những người sắp lập gia đình thông qua các buổi sinh hoạt. Nhờ đó, cộng đồng dân cư trong huyện không những nâng cao ý thức xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình mà còn góp phần lưu giữ giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số. Tương tự, Phó Bí thư Huyện đoàn Đông Giang [Quảng Nam] Đỗ Hữu Tùng cho hay: Thanh niên là đối tượng dễ tiếp nhận, tiếp thu những cái mới, cái hay, cái tiến bộ nên Huyện đoàn Đông Giang đã tập trung tuyên truyền cho thanh niên nhận ra giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương cần phải lưu giữ và những hủ tục, tập tục lạc hậu cần phải loại bỏ. Khi hiểu ra, một lực lượng lớn thanh niên dân tộc Cơtu đã chung sức cùng các ngành chức năng khôi phục làng nghề truyền thống Gươl, điệu múa Tơtung dadá, phục dựng nghề dệt thổ cẩm; loại bỏ hủ tục tảo hôn, thách cưới… "Từ một huyện miền núi nghèo nàn, lạc hậu, nhờ đổi mới nếp nghĩ, cách sống, nếp sống văn minh ở Đông Giang đang từng bước hình thành. Toàn huyện hiện có 73,7% số gia đình được công nhận gia đình văn hóa và con số này chắc chắn sẽ tăng dần hằng năm" - anh Đỗ Hữu Tùng khẳng định. Còn cặp vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Hùng - Trương Hoài Thu cùng công tác ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy [Hà Nội] chia sẻ: Vợ chồng trẻ hiện nay ai cũng có cái tôi cá nhân rất lớn, nếu không biết lắng nghe, chia sẻ, tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau tìm hướng giải quyết những khúc mắc trong cuộc sống thì mâu thuẫn nhỏ sẽ tích tụ thành lớn. Cũng theo cặp vợ chồng này, gia đình trẻ muốn chung sống hạnh phúc phải "nói không" với bạo lực gia đình và cùng nhau quan tâm, chăm sóc gia đình hai bên.

Một vài dẫn chứng trên cho thấy, chức năng, cấu trúc của gia đình Việt Nam đã và đang thay đổi. Sự thay đổi này tuy là tất yếu, song cũng cần có sự điều chỉnh, định hướng để bảo vệ những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt.

Ngày 24/6/2021, thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị:

"Sau hơn 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác xây dựng gia đình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể đã xác định công tác xây dựng gia đình là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình công tác. Nhiều gia đình đã tiếp cận được những dịch vụ xã hội cơ bản, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao. Kinh tế hộ gia đình đã đóng vai trò quan trọng trong thu nhập quốc dân; nhiều hộ gia đình đã nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng. Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi trong gia đình được coi trọng và có nhiều tiến bộ. Bình đẳng giới, quyền trẻ em, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao. Chăm lo, vun đắp, xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình là giá trị cao đẹp mà mỗi người Việt Nam luôn quan tâm thực hiện và hướng tới. Các giá trị chung thủy, yêu thương, chia sẻ và bình đẳng trong hôn nhân luôn được coi trọng… Những thành tựu của công tác xây dựng gia đình đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam; thực hiện thành công Mục tiêu Thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của gia đình và công tác xây dựng gia đình. Việc quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư, chính sách, pháp luật của Nhà nước về gia đình có nơi còn thiếu đồng bộ. Chi tiêu của gia đình cho dịch vụ xã hội cơ bản còn chiếm tỉ trọng lớn, nhất là cho dịch vụ y tế và giáo dục. Chưa quan tâm phát huy vai trò của cộng đồng và đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng gia đình. Chưa có giải pháp đồng bộ, kịp thời để phòng ngừa, ngăn chặn tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, lối sống thực dụng, thông tin tiêu cực trên Internet và mạng xã hội tới gia đình. Chưa xử lý triệt để tình trạng bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ, xâm hại tình dục, sử dụng lao động trẻ em; sự phối hợp giữa gia đình với nhà trường và xã hội trong định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, lối sống cho giới trẻ còn hạn chế. Việc bình xét, công nhận gia đình văn hoá ở nhiều nơi còn hình thức…

Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hoá dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước.

Nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Tiếp tục nghiên cứu, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác xây dựng gia đình; nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của gia đình và công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Xác định gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững đất nước. Gia đình là đối tượng tác động, thực hiện và thụ hưởng chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là một trong những nội dung quan trọng, yêu cầu xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước.

Các cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng gia đình; phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp về công tác xây dựng gia đình. Cán bộ, đảng viên phải nêu gương và vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng gia đình hạnh phúc. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hoá tiêu biểu, nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hoà thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau. Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, định hướng giá trị, giáo dục thế hệ trẻ. Kiên quyết đấu tranh chống lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình. Khắc phục bệnh thành tích, hình thức trong công tác xây dựng gia đình.

2. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về gia đình theo hướng lấy hoạt động của gia đình làm trọng tâm, bảo đảm sự gắn kết xã hội và vai trò của gia đình. Các chính sách về gia đình phải hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, chú trọng đến đối tượng trẻ em và người bệnh tật, cao tuổi. Xây dựng danh mục dịch vụ công thuộc lĩnh vực gia đình. Phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản đối với gia đình, hỗ trợ gia đình phát triển bền vững, hạnh phúc và thực hiện bình đẳng giới. Huy động các cá nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng tham gia cung cấp dịch vụ gia đình và chăm lo giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình nghèo, khó khăn; bảo đảm gia đình được tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản công bằng, bình đẳng, thuận lợi. Gắn việc thực hiện công tác xây dựng gia đình với Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

3. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác xây dựng gia đình. Xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Xây dựng Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045; chương trình giáo dục quốc gia về gia đình; chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc. Xây dựng dữ liệu số quốc gia về gia đình làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ gia đình tiếp cận các nguồn lực xã hội. Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học về gia đình; hoạch định, tổ chức thực hiện và đánh giá chính sách về gia đình; sáng tác các tác phẩm văn học - nghệ thuật về chủ đề gia đình.

Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về gia đình bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, thống nhất, gắn kết với các lĩnh vực dân số, bình đẳng giới và trẻ em. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nhân lực làm công tác gia đình theo hướng tích hợp đa ngành, phân định rõ đào tạo chuyên môn và cán bộ quản lý công tác gia đình.

4. Đẩy mạnh, đổi mới công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình; các chuẩn mực, giá trị văn hóa gia đình; kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình; các rủi ro đối với gia đình, giúp người dân chủ động phòng ngừa các ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người Việt Nam giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, khát vọng, hiện đại. Nâng cao hiệu quả, tính thiết thực trong xây dựng gia đình văn hoá, gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".

5. Tổ chức thực hiện

- Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tổ chức phổ biến, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị này.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, đoàn thể; phát huy vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong công tác xây dựng gia đình.

- Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến gia đình. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách gia đình.

- Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới và chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên.

- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các cơ quan có liên quan hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đánh giá thực hiện Chỉ thị này và định kỳ báo cáo Ban Bí thư.

Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ"./.


Video liên quan

Chủ Đề