Giật hụi là gì

Chơi hụi miền Bắc gọi là chơi họ, miền Trung gọi là chơi bêu, phường. Trong tiếng Anh, chơi hụi gọi là taking part in a tontine; trong đó thuật ngữ “tontine” có nghĩa là “lối chơi họ”. Đây là một hoạt động về tài chính và huy động vốn đã xuất hiện từ lâu trong đời sống dân gian Việt Nam. Mặc dù vậy, thực tế vẫn ghi nhận việc chơi hụi, chơi họ tiềm ẩn rủi ro tài chính rất lớn. Đây cũng là mảnh đất màu mỡ mà các tội phạm về xâm phạm quyền sở hữu thường hay xảy ra.

Bài viết này giới thiệu khái quát thế nào là hụi, việc chơi hụi và tìm hiểu về người chơi hụi dưới góc độ nạn nhân trong các vụ bể hụi [vỡ hụi].

Xem thêm bài liên quan:

  • Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại
  • Những cách thức để Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước
Chơi hụi [to take part in a tontine] là 1 hình thức huy động vốn

Mục lục bài viết

  1. Hụi là gì? Thế nào gọi là chơi hụi?
    1. 1. Định nghĩa chung về họ, hụi, biêu, phường
    2. 2. Chơi hụi là gì? Cách thức và nguyên tắc của chơi hụi
  2. Lịch sử phát triển của hụi, chơi hụi có hợp pháp không?
    1. 1. Pháp luật về hụi, họ qua các thời kỳ
    2. 2. Các loại tội phạm liên quan đến việc chơi hụi
  3. Về người chơi hụi, nạn nhân chính của những vụ bể hụi [vỡ hụi]
    1. 1. Tại sao lại hay có những vụ bể hụi [vỡ hụi]
    2. 2. Một số vụ bể hụi điển hình bị xử lý trách nhiệm hình sự
    3. 3. Phân tích khía cạnh nạn nhân của các vụ bể hụi
  4. Kết luận

Hụi là gì? Thế nào gọi là chơi hụi?

1. Định nghĩa chung về họ, hụi, biêu, phường

Họ, hụi, biêu, phường là một loại giao dịch về tài sản theo tập quán hình thành từ rất lâu trong đời sống của nhân dân ta ở khắp các vùng miền. Ở miền Bắc hình thức này thường được gọi là họ, miền Trung gọi là biêu, phường; miền Nam gọi là hụi. Một số nơi còn có cách gọi khác là huê, hội,…

Tuy vậy, cách gọi “hụi” thường phổ biến cả một số nơi ở miền Bắc, miền Trung và xuất hiện nhiều trên các sách báo, truyền thông. Ngược lại, cách gọi “họ” chỉ được phổ biến ở miền Bắc nhưng được pháp luật sử dụng như cách gọi chung nhất cho các hoạt động này.

Mặc dù cách gọi khác nhau nhưng về bản chất là giống nhau.

Tại Điều 471 của BLDS 2015, hụi được quy định như sau:

Họ, hụi, biêu, phường [sau đây gọi chung là họ] là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

Theo Wikipedia, chơi hụi là một hình thức huy động vốn trong dân gian. Loại hình này thường do phụ nữ tổ chức và cũng do số đông chị em phụ nữ tham gia.

2. Chơi hụi là gì? Cách thức và nguyên tắc của chơi hụi

Qua định nghĩa ta thấy, hụi là một giao dịch dựa trên cơ sở tự nguyện. Một nhóm người tập hợp nhau lại, thường thì số người này sẽ thỏa thuận phân công một người làm chủ hụi [trong dân gian gọi là “cái”]; những người còn lại trong dây hụi gọi là các hụi viên [trong dân gian hay gọi là “con”].

Tuy nhiên, trên thực tế đa số các trường hợp thì một người sẽ tự đứng ra làm chủ hụi và kêu gọi mọi người tham gia vào dây hụi của mình. Chính hình thức kêu gọi này làm cho “hụi” dễ dàng trở thành đối tượng để kẻ xấu lợi dụng cho mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác.

Khi tham gia hụi [thường được gọi là “chơi hụi”], các thành viên còn lại sẽ góp tiền hoặc tài sản khác như lúa, vàng,…theo từng phần hụi thông qua chủ hụi. Một thành viên sẽ nhận được toàn bộ các phần đóng góp này, gọi là lĩnh hụi hay hốt hụi. Tới kỳ mở hụi [hay khui hụi] tiếp theo sẽ đến lượt thành viên khác lĩnh hụi tạo thành một vòng luân phiên theo một chu kỳ nhất định.

Tùy theo loại hụi mà việc xác định thành viên lĩnh hụi thông qua hình thức bốc thăm hay thỏa thuận [đối với hụi không có lãi], hoặc thông qua việc bỏ lãi, ai đưa ra mức lãi cao sẽ được lĩnh hụi trước [đối với hụi có lãi]. Một người có thể làm chủ nhiều dây hụi hoặc tham gia nhiều phần hụi trong một dây hụi; cũng có thể nhiều người cùng tham gia một phần hụi.

Hụi có nhiều loại khác nhau tùy theo thỏa thuận giữa chủ hụi và các hụi viên bao gồm hụi ngày, hụi tuần, hụi tháng, hụi 3 tháng, hụi 6 tháng, hụi mùa vụ, hụi năm, hụi hai năm,…

Tùy theo loại hụi mà có chu kỳ đóng hụi và lĩnh hụi khác nhau, chẳng hạn như hụi ngày thì mỗi ngày đóng và khui hụi một lần, hụi tuần thì cứ 7 ngày đóng và khui hụi một lần,…đối với hụi mùa vụ thì đến mùa thu hoạch các thành viên sẽ thống nhất đóng hụi và khui hụi vào một ngày nhất định nào đó.

Lịch sử phát triển của hụi, chơi hụi có hợp pháp không?

1. Pháp luật về hụi, họ qua các thời kỳ

Trong lịch sử Việt Nam, vấn đề hụi, họ, biêu phường đã là một giao dịch theo tập quán hình thành từ rất sớm trong đời sống nhân dân và đã được các Nhà nước trước đó thừa nhận. Đặc biệt tại Điều 1204 của Bộ luật dân sự Bắc Kỳ và Điều 1435 của Bộ luật Viết Trung Kỳ hộ luật đã ghi nhận về loại hình giao dịch này.

Cho đến những năm 80-90 của thế kỷ XX, trước tình hình các dây hụi được lập ra sau đó bị bể, vỡ hàng loạt ảnh hưởng xấu đến ổn định kinh tế và trật tự xã hội, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng lúc đó đã có thông báo nghiêm cấm việc tổ chức và chơi hụi dưới mọi hình thức.

Tuy nhiên, việc chơi hụi trong nhân dân không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng, số lượng các tranh chấp liên quan đến hụi khởi kiện tại Tòa án ngày một nhiều mà pháp luật thì không có quy định nào để điều chỉnh.

Suốt một thời gian dài từ năm 1990 – 2005, việc có nên ghi nhận “hụi” là một giao dịch vào trong Bộ luật dân sự hay không trở thành chủ đề tranh luận gay gắt của các nhà lập pháp ở nước ta.

Xét về bản chất, việc tổ chức hụi và tham gia chơi hụi vốn mang một ý nghĩa tốt đẹp, thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” giữa các thành viên trong dây hụi. Tuy nhiên, thực trạng vấn đề bể hụi [một dạng mất khả năng thanh toán khi chơi hụi] và tội phạm “núp bóng” đằng sau các dây hụi trở thành mối lo ngại cho tình hình kinh tế, xã hội của nước ta.

Sau nhiều lần thảo luận, Quốc hội đã quyết định ghi nhận hụi, họ, biêu, phường là một giao dịch tài sản chính thức vào Bộ luật dân sự năm 2005 [Điều 479] và hiện nay là Bộ luật dân sự năm 2015 [Điều 471].

Ngoài ra, quyền và nghĩa vụ của chủ hụi cũng như các thành viên còn được quy định rõ tại Nghị định số 144/2006/NĐ-CP ngày 27/11/2006 của Chính phủ. Nhưng Nghị định cũng chỉ quy định về trách nhiệm dân sự trong giao dịch này, còn văn bản quy định cụ thể cách xử lý các vụ việc liên quan đến hụi có dấu hiệu hình sự thì chưa có.

2. Các loại tội phạm liên quan đến việc chơi hụi

Đối với các vụ vỡ hụi lớn, chủ hụi không có khả năng chi trả thường bị khởi tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 140 Bộ luật Hình sự [BLHS], trong đó dấu hiệu bắt buộc phải là “bỏ trốn sau khi chiếm đoạt tiền”.

Tuy nhiên, các yếu tố cấu thành tội phạm này đối với chủ hụi thường không rõ, do chủ hụi và hụi viên đều thỏa thuận với nhau bằng miệng, khi xảy ra vỡ hụi không có giấy tờ, biên lai chứng minh việc chủ hụi chiếm đoạt tiền của hụi viên. Trong khi đó, khi vỡ hụi, chủ hụi hứa hẹn sẽ hoàn trả và không thể hiện ý định bỏ trốn. Vì thế, các cơ quan pháp luật không đủ cơ sở để xử lý hình sự, mà chỉ xem đó là giao dịch dân sự.

Bên cạnh đó, để khởi tố điều tra chủ hụi về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 139 BLHS thì phải chứng minh được chủ hụi có dấu hiệu lừa dối ngay từ đầu để chiếm đoạt tài sản của hụi viên. Nhưng trong thực tế, ít có cơ sở xác định ngay từ đầu chủ hụi đã có dấu hiệu gian dối. Vì những lý do đó, hầu hết các vụ vỡ hụi, hụi viên chỉ có thể khởi kiện án dân sự, nhưng điều bất lợi là hụi viên không có giấy tờ chứng minh thì cũng khó đòi lại được tiền.

Về người chơi hụi, nạn nhân chính của những vụ bể hụi [vỡ hụi]

1. Tại sao lại hay có những vụ bể hụi [vỡ hụi]

Như đã phân tích ở phần trên, mô hình hoạt động của “hụi” cũng như một Ngân hàng thu nhỏ nếu việc “góp hụi” chính là cách thức huy động vốn, và “lĩnh hụi” là cách thức cho vay, chủ hụi sẽ được hưởng lợi thông qua tiền hoa hồng hay lãi suất tùy thuộc vào thỏa thuận giữa các bên

Một mô hình như vậy, hoạt động dựa trên cơ sở tự nguyện và tự phát sẽ dễ dàng dẫn đến tình trạng nợ xấu khó đòi [nghĩa là hụi viên đã lĩnh hụi không góp lại hụi chết, gọi nôm na là “giựt hụi”] và tình trạng chủ hụi mất khả năng chi trả cho các hụi viên [gọi là “bể hụi” hay “vỡ hụi”]. Dù rơi vào tình trạng nào thì xét cho cùng, nạn nhân chính phải chịu thiệt thòi vẫn là các hụi viên.

2. Một số vụ bể hụi điển hình bị xử lý trách nhiệm hình sự

Đa số các trường hợp bể hụi sẽ được xử lý bằng vụ kiện dân sự, chỉ những trường hợp nào có dấu hiệu tội phạm xuất hiện thì mới bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử để xem xét trách nhiệm hình sự lẫn dân sự. Chẳng hạn:

– Ngày 14/12/2016, Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Nguyễn Thị Phượng [sinh năm 1973, ngụ ấp Phước Thạnh, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh] 14 năm tù giam về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản; buộc bị cáo Phượng hoàn trả số tiền hơn 3,3 tỷ đồng cho 31 bị hại.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Tây Ninh, từ năm 2006, Nguyễn Thị Phượng bắt đầu làm chủ hụi và tổ chức nhiều dây hụi cho hụi viên tham gia góp hụi. Mỗi dây hụi có từ 21 đến 24 hụi viên tham gia và số tiền góp mỗi dây hụi từ 3 triệu đến 10 triệu đồng/người/tháng.

Đến năm 2013, lợi dụng việc các hụi viên tin tưởng, không đến tham gia các kỳ mở hụi, Phượng bắt đầu ghi khống tên của các hụi viên bỏ phiếu hốt hụi, để lĩnh hụi nhưng không cho các hụi viên biết. Thấy hành vi của mình không bị các hụi viên phát hiện, Phượng tiếp tục thực hiện nhiều lần như vậy để chiếm đoạt tiền của hụi viên. Đến ngày 26/5/2016, đến lượt hốt hụi chót của nhiều hụi viên, biết ḿnh không thể nào che đậy được hành vi kể trên, Phượng tuyên bố bể hụi.

Bức xúc trước hành vi của Phượng, những người bị hại đã làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng để được xem xét, giải quyết. Tại thời điểm vỡ hụi, cơ quan chức năng đã xác định được 13 dây hụi mà Phượng làm đầu mối có hành vi tước đoạt của 57 hụi viên với số tiền gần 7 tỷ đồng.

Thấy được hành vi phạm tội của mình, trong thời gian chờ kết luận điều tra, Phượng và gia đình đã khắc phục một phần hậu quả gây ra, hoàn trả gần 3,7 tỷ đồng cho 26 hụi viên, số còn lại không có khả năng chi trả.

[Nguồn bài viết gốc tại đây].

– Ngày 9/6/2016, Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang đã tuyên phạt Võ Thị Liên, trú ấp Thị Tứ, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang 16 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cáo trạng, bà Võ Thị Liên đã bắt đầu làm chủ hụi tại thị trấn Bảy Ngàn được hơn 10 năm và được rất nhiều người tin tưởng. Trong các năm 2013 và 2014, Liên mở nhiều dây hụi và cấp cho mỗi hụi viên một sổ hụi chỉ ghi số lần hốt, số tiền kêu đóng hàng tháng nhưng không ghi họ tên đầy đủ những người tham gia trong dây hụi nên các hụi viên không biết nhau.

Vì vậy, bằng thủ đoạn gian dối như mạo danh các hụi viên để hốt hụi, bán hụi khống hay đưa ra các dây hụi ảo, không có thật rồi thu tiền của những người có nhu cầu chơi hụi, Liên đã chiếm đoạt của 62 người với tổng số tiền hơn 5,4 tỷ đồng. Ngoài mức án đã tuyên, Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang còn buộc bị cáo Võ Thị Liên phải trả lại số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại.

– Trong bài “Cảnh báo tình trạng vỡ hụi ở miền Tây Nam bộ” đăng trên Báo Công an nhân dân Online ngày 116/2020 cũng cung cấp thông tin: Nhiều nạn nhân vì chơi hụi mà tán gia, bại sản, ít có khi chỉ vài triệu đồng nhưng nhiều, lên đến tiền tỷ. Chỉ tại Trà Vinh, từ đầu năm 2020 đến nay đã xảy ra 5 vụ vỡ hụi; số tiền chủ hụi chiếm đoạt của các hụi viên lên cả chục tỷ đồng. Đồng thời, tác giả cũng liệt kê hàng loạt những vụ bể hụi “khủng” tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ trong năm 2020. [Xem bài gốc tại đây].

3. Phân tích khía cạnh nạn nhân của các vụ bể hụi

Xét ở khía cạnh các nạn nhân của những vụ bể hụi, điển hình qua 3 vụ án kể trên ta thấy, những người tham gia chơi hụi thường không nắm rõ các quy tắc, nội dung và thông tin cụ thể của dây hụi.

Họ chỉ cần biết số tiền phải góp và số tiền sẽ được lĩnh là 2 mối quan tâm hàng đầu, còn lại phụ thuộc tất cả vào chủ hụi nên dễ dàng bị lợi dụng, lừa đảo. Cho đến khi quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm thì họ mới vỡ lẽ thì đã trở thành nạn nhân.

Những nạn nhân trong các vụ bể hụi [xem xét dưới góc độ trách nhiệm hình sự] thường có đặc điểm:

– Một là, trong mối quan hệ với người phạm tội, họ thường là người thân, bạn bè, hàng xóm, láng giềng gần gũi,…hoặc thông qua bạn bè, người thân để quen biết chủ hụi. Bằng một mối quan hệ hay bằng cách nào đó, chủ hụi phải là người được các hụi viên tin tưởng. Việc tạo niềm tin đối với các hụi viên có thể dựa vào uy tín vốn có của chủ hụi hoặc chủ hụi cố tình tạo uy tín giả tạo để lừa dối vì mục đích vụ lợi.

Ngược lại, trong mối quan hệ giữa các nạn nhân với nhau, họ thường không quen biết lẫn nhau hoặc chỉ có một số ít người trong dây hụi là có quen biết, quen biết sơ sài hoặc không biết rõ về nhau; mối quan hệ giữa các nạn nhân này càng mơ hồ thì càng dễ dàng bị các tội phạm lợi dụng.

– Hai là, nhân thân của các nạn nhân thường có các đặc điểm chung khiến họ trở thành đối tượng và môi trường thuận lợi để kẻ xấu thực hiện hành vi phạm tội.

Đa phần trong số họ là phụ nữ ở độ tuổi trung niên [ngoài 30 tuổi], là những người có nhu cầu tích góp tiền để sinh lãi dựa vào số vốn không cao và đang nhàn rỗi, phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt của gia đình. Về mặt tâm lý, họ là những đối tượng rất nhẹ dạ, sợ hãi, hám lợi,…Trước lời ngon ngọt của chủ hụi với mức lãi suất khủng cao hơn mức lãi suất tiết kiệm của Ngân hàng, họ dễ dàng bị lừa dối.

Bên cạnh đó, phải kể đến các nạn nhân trong trường hợp này cũng là những người nông dân, trình độ học vấn không cao, nhận thức của họ đối với việc bể hụi như một tệ nạn xã hội còn rất mơ hồ.

Đối tượng tham gia chơi hụi là nông dân cũng là bản chất và cơ sở cho sự ra đời của hụi, họ, biêu, phường trong đời sống nhân dân đã rất lâu đời. Một bộ phận tham gia để đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn cho sản xuất, một bộ phận có nguồn vốn nhàn rỗi cần góp hụi đễ sinh lời, đều xuất phát từ đặc điểm sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ ở nước ta.

– Ba là, hành vi của chính người chơi hụi khiến họ trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo. Trong khi pháp luật hiện hành đã quy định rõ về hình thức, cách thức, quyền và nghĩa vụ của chủ hụi cũng như hụi viên. Nhưng thực tế người chơi hụi rất “cẩu thả” và dựa trên niềm tin là chính.

Hầu hết các vụ lừa đảo hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan đến hụi đều không có danh sách hụi viên và sổ hụi rõ ràng; không xác định được chính xác số tiền đã góp và số tiền đã lĩnh. Vì vậy, đây cũng là cơ sở để người chơi hụi trở thành nạn nhân.

Kết luận

Chơi hụi [họ, biêu, phường] về bản chất vốn là một hoạt động tương trợ, như 1 hình thức bỏ ống tiết kiệm. Tuy nhiên, rủi ro tài chính và pháp lý đối với hoạt động này là rất lớn. Bên cạnh những vụ việc bể hụi, giật hụi có dấu hiệu tội phạm đã được xử lý hình sự, còn rất nhiều vụ việc bị bỏ ngỏ. Rất nhiều nạn nhân đã và đang ngậm bồ hòn làm ngọt vì các vụ việc chưa xử lý được.

Với đặc thù của hoạt động hụi, họ, biêu, phường như phân tích ở trên, các nạn nhân của những vụ bể hụi, giật hụi đều có những đặc điểm chung cố hữu. Thiết nghĩ, để có những giải pháp và cơ chế pháp lý hoàn thiện hơn trong việc quản lý loại hình hoạt động này, cần có những nghiên cứu đầy đủ hơn, chuyên sâu hơn nữa.

Chủ Đề