Giới thiệu về Trường Đại học Lao động - Xã hội

Tiền thân là Trường Trung học Lao động - Xã hội I và Trường Cán bộ Quản lý Lao động - Thương binh và Xã hội, 55 năm qua, Trường Đại học Lao động - Xã hội đã kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên, đoàn kết vượt qua khó khăn, chủ động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trong từng thời kỳ lịch sử, Trường đã khẳng định được vị thế trong đào tạo cán bộ lao động - xã hội ở các trình độ đào tạo nghề, đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học. Đến nay, Trường đã trở thành cơ sở đào tạo đầu ngành về lao động - xã hội ở Việt Nam, góp phần phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. 55 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Đại học Lao động - Xã hội đã trải qua những chặng đường in đậm dấu ấn lịch sử:

Ngày 30/5/1961, Trường Trung học Lao động tiền lương trực thuộc Bộ Lao động được thành lập với nhiệm vụ ban đầu là đào tạo cán bộ lao động - tiền lương cho toàn miền Bắc. Trường có trụ sở ban đầu tại Cầu Diễn [Từ Liêm, Hà Nội]. Năm 1965, Trường sơ tán về huyện Ân Thi [Hưng Yên]. Năm 1979, Trường tập trung về địa điểm ở xã Đặng Lễ [huyện Kim Thi, tỉnh Hải Hưng]. Ngày 27/2/1988, cùng với việc được Bộ giao thêm nhiệm vụ đào tạo ngành bảo trợ xã hội, Trường được đổi tên thành Trường Trung học Lao động tiền lương và bảo trợ xã hội [gọi tắt là Trường Trung học Lao động - Xã hội I].

NGƯT, TS Hà Xuân Hùng phát biểu tại Lễ khai giảng năm học 2014 - 2015.

Năm 1975, Trường Cán bộ quản lý Lao động - Thương binh và Xã hội trực thuộc Bộ Thương binh và Xã hội được thành lập để thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ thương binh - xã hội đáp ứng tình hình mới của đất nước sau chiến tranh. Trường đã liên tục mở các lớp bồi dưỡng cán bộ thương binh - xã hội tại miền Bắc và miền Nam. Qua ba lần chuyển địa điểm: Từ Liêm- Hà Nội, Chí Linh - Hải Dương, Mai Lĩnh - Hà Tây [cũ], Trường về đứng chân trên địa bàn Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội ngày nay.

Ngày 27/5/1991, Trường Trung học Lao động - Xã hội I và Trường Cán bộ quản lý Lao động -Thương binh và Xã hội được hợp nhất thành Trường Cán bộ Lao động - Xã hội, trụ sở đặt tại Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội. Cũng từ đây, ngày 27/5 hàng năm được coi là Ngày truyền thống của Trường.

Tháng 1/1997, Trường Cán bộ Lao động - Xã hội được Thủ tướng Chính phủ quyết định nâng cấp thành Trường Cao đẳng Lao động - Xã hội.

Tháng 1/2005, Trường Cao đẳng Lao động - Xã hội được nâng cấp thành Trường Đại học Lao động - Xã hội.

Năm 2006, Trường có bước phát triển mới: sáp nhập Trường Kỹ nghệ I thuộc Tổng cục Dạy nghề thành Cơ sở Sơn Tây và Trường Trung học Lao động - Xã hội TP. Hồ Chí Minh thành Cơ sở II trực thuộc Trường.

55 năm - một chặng đường dài gắn với những mốc son lịch sử đã tạo đà đột phá, tạo ra sự phát triển vượt bậc của trường. Từ chỗ chỉ đào tạo các lớp ngắn hạn về lĩnh vực lao động, bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn lao động, tiền lương, bảo trợ xã hội, bồi dưỡng cán bộ làm công tác thương binh - xã hội và cấp bằng trung cấp, cao đẳng, từ năm 2005, nhà trường đã chính thức đào tạo trình độ đại học; từ năm 2011 đào tạo trình độ thạc sỹ và từ năm 2016 đào tạo trình độ tiến sĩ. Tính đến nay, nhà trường đã đào tạo được trên 80.000 cán bộ lao động - xã hội cho ngành và cho đất nước. Nhiều cựu học sinh, sinh viên của Trường đã và đang đảm nhận các vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp trong cả nước. Hiện nay, lưu lượng sinh viên đang theo học các trình độ tại Trường là trên 18.000 người.

Trường Đại học Lao động - Xã hội luôn quan tâm đặc biệt đến chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy, quản lý, coi đây như là nhân tố quyết định đến chất lượng đào tạo. Thông qua các hoạt động như cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ hiện có; thu hút đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ cao đến làm việc tại Trường mà đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng: Nếu tại thời điểm năm cuối của giai đoạn Trường cán bộ Lao động - Xã hội [1991-1996] nhà trường mới có 79 cán bộ; đến thời kỳ Trường Cao đẳng Lao động- Xã hội [1997-2004], đội ngũ này đã tăng lên 191 người [trong đó có 7 tiến sĩ và 42 thạc sĩ] thì đến thời điểm hiện nay, thời kỳ Trường Đại học Lao động - Xã hội [2005-2016], tổng số cán bộ, giảng viên, viên chức, lao động hợp đồng của Trường đã là 792 người. Trong đó, có 6 PGS, 73 Tiến sỹ và 406 Thạc sỹ.

Nhà trường không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học - công nghệ. Chương trình đào tạo, giáo trình, bài giảng của trường được xây dựng theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội và liên tục được cập nhật, có sự tham khảo chương trình đào tạo của các trường đại học có uy tín trong và ngoài nước, có sự tham gia đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành. Từ năm 2013 Trường đã tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm và chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, giáo viên nhà trường.     

Trong quá trình đào tạo, nhà trường luôn quan tâm đến giáo dục, rèn luyện sinh viên toàn diện, coi học sinh sinh viên, học viên là nhân vật trung tâm của quá trình đào tạo, từng bước biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo; gắn đào tạo lý thuyết với thực hành. Kết quả khảo sát sinh viên đại học tốt nghiệp ra trường tính từ khóa I đến khóa V cho thấy: Có gần 97% số sinh viên ra trường đã tìm được việc làm ngay trong năm tốt nghiệp, trong đó trên 72% tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo. Qua đó cho thấy chất lượng đào tạo của nhà trường đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội và yêu cầu của thị trường lao động.

Với mục tiêu Trường không chỉ là nơi giảng dạy, đào tạo mà còn là một trung tâm nghiên cứu khoa học, hoạt động nghiên cứu khoa học [NCKH] của cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường trong những năm qua đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận với 3 đề tài cấp Nhà nước, gần 50 đề tài cấp Bộ, 166 đề tài cấp Trường, 133 đề tài cấp khoa, 185 đề tài của sinh viên và hàng trăm bài báo đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước, hàng trăm giáo trình, bài giảng đã được xuất bản. Hoạt động NCKH không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ mà còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Hoạt động hợp tác quốc tế của nhà trường được quan tâm và được xem là một nhiệm vụ trọng tâm. Giai đoạn  2005 - 2015, nhà trường đã khai thác và triển khai gần 40 dự án với tổng kinh phí cam kết gần 3 triệu USD. Trường đã cử gần 150 lượt cán bộ, giảng viên, sinh viên đi học tập, giao lưu và tham dự các hội thảo, hội nghị quốc tế, trong đó có một số cán bộ, giảng viên đi học thạc sỹ và tiến sỹ tại nước ngoài. Trường cũng đón hơn 200 đoàn với gần 500 lượt khách quốc tế, sinh viên quốc tế đến làm việc và học tập tại Trường. Hiện nay, Trường Đại học LĐXH đã có quan hệ hợp tác với 23 trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức quốc tế.Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và hội nhập với các trường đại học trong nước và quốc tế, nhà trường luôn chăm lo xây dựng cơ sở vật chất và trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại. Đến nay, nhà trường đã có cơ sở vật chất tương đối khang trang với tổng diện tích đất của cả 3 cơ sở  là gần 11 ha, với diện tích sàn xây dựng khu học tập là 19,641 m2, khu ký túc xá 14.282 m2; công trình phụ trợ, thư viện, thể thao, vui chơi giải trí 16.129 m2. Với những thành tích đạt được, Trường Đại học Lao động - Xã hội đã vinh dự được Nhà nước tặng các phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba [năm 1981], hạng Nhì [năm 1991], hạng Nhất [1996]; Huân chương Độc lập hạng Ba [năm 2001], hạng Nhì [năm 2006] và hạng Nhất [năm 2011].

Để phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu hàng đầu của đất nước trong lĩnh vực lao động -xã hội, trong thời gian tới Trường Đại học Lao động - Xã hội sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, duy trì hợp lý quy mô đào tạo theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực và từng bước tiếp cận trình độ quốc tế. Đổi mới nội dung chương trình đào tạo, phương pháp dạy và học theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội; gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tiễn; tích cực phát huy tính chủ động của người học; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và học; khai thác các nguồn tư liệu giáo dục mở. Tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng hoạt động của Thư viện nhà trường, hòa vào mạng thông tin của các trường ĐH, CĐ trong nước và thế giới. Duy trì các hoạt động hợp tác quốc tế với các đối tác hiện có, mở rộng quan hệ với các đối tác mới để thực hiện các hoạt động theo chức năng và nhiệm vụ của nhà trường.

Hai là, Phát triển đội ngũ giảng viên đủ về số lượng và đạt về chất lượng chuyên môn; bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ và nghiệp vụ sư phạm; đổi mới phương pháp tiếp cận, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên; mời các nhà khoa học, các giáo sư, phó giáo sư đầu ngành đến thỉnh giảng và tham gia hướng dẫn học viên sau đại học. Rà soát, quy hoạch bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, xây dựng quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện để lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện mô hình cơ cấu tổ chức bộ máy và thiết chế quản lý nội bộ đảm bảo gọn nhẹ, hiệu quả. Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, biên chế, phân cấp quản lý cán bộ và nguồn kinh phí hoạt động, từng bước tạo các nguồn tài chính hợp pháp, đáp ứng các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác của trường. Đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa.

Kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống của Trường là dịp để mỗi cán bộ, giảng viên, viên chức, người lao động cũng như học sinh, sinh viên trong toàn trường ôn lại những chặng đường đã qua, những sự kiện, những mốc son rất đỗi tự hào nhưng cũng đầy khó khăn gian khổ để từ đó tiếp tục vững bước đi lên, đồng thời cũng khơi dậy tình cảm “uống nước nhớ nguồn” truyền thống đoàn kết, đùm bọc, yêu thương nhau trong khó khăn gian khổ của các thế hệ cán bộ, giảng viên, viên chức, người lao động các thế hệ đi trước trong suốt chặng đường đã qua, làm cho truyền thống tốt đẹp đó sống lại, lan tỏa trong lớp cán bộ, giảng viên, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên hôm nay của nhà trường - những người đang lãnh trách nhiệm đưa nhà trường tiếp tục phát triển đi lên.  

NGƯT, TS Hà Xuân Hùng [Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động - Xã hội]

Video liên quan

Chủ Đề