Hàng chính hàng là như thế nào?

Có lẽ rất nhiều người dùng vẫn còn khá mơ hồ và chưa hiểu rõ thế nào là hàng "chính hãng", bởi song song với đó còn có hàng "xách tay". Vậy thì câu chuyện sản phẩm "chính hãng và xách tay" là như thế nào?

Thực tế không có một định nghĩa rõ ràng và cũng không có một quy định nào mang tính pháp lý về các sản phẩm "chính hãng" hay "xách tay". Mà chỉ có những khái niệm với các đặc thù và tính chất khác nhau. Xin liệt kê một số thông tin theo quan điểm của TECHRUM, hy vọng giúp các bạn có thể phân biệt, hiểu rõ hơn xuất xứ và đặc thù của những mặt hàng muốn mua.

Chính hãng

Khái niệm:

  • Sản phẩm được hãng sản xuất có đại diện, trụ sở ở Việt Nam nhập khẩu hợp pháp, hoặc sản xuất tại Việt Nam và phân phối hoặc bán lẻ tại Việt Nam.
  • Sản phẩm được một hay nhiều công ty [thường gọi là nhà phân phối] có trụ sở, đại diện hợp pháp tại Việt Nam mua lại số lượng lớn từ hãng sản xuất, hoặc nhà phân phối lớn khác trong khu vực, nhập khẩu hợp pháp [nếu không sản xuất tại Việt Nam] và sau đó bán lại cho các kênh hay cửa hàng.
  • Sản phẩm do các đơn vị, tổ chức được chính hãng uỷ quyền, nhập khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp hợp pháp và bán lẻ tại Việt Nam.
  • Nhập khẩu hợp pháp tức là được chính phủ cấp phép nhập khẩu vào Việt Nam, cấp phép lưu hành, có đóng thuế và các khoảng phí theo quy định của pháp luật Nhà Nước Việt Nam.

Xuất xứ:

  • Sản phẩm được sản xuất ở bất cứ nơi nào mà hãng sản xuất ra sản phẩm đó. Ví dụ iPhone được sản xuất tại Trung Quốc, Samsung có máy sản xuất tại Việt Nam.
  • Sản phẩm "chính hãng tại Việt Nam" không có nghĩa là nó phải được sản xuất tại Việt Nam. Ví dụ iPhone được sản xuất tại Trung Quốc
  • Sản phẩm "chính hãng tại Việt Nam" có thể được sản xuất dành cho thị trường Việt Nam, hoặc thị trường Đông Nam Á, hoặc thị trường Châu Á... tuỳ theo chính sách và sự cho phép của nhà sản xuất mà được phép bán ra tại thị trường Việt Nam. Ví dụ BlackBerry được sản xuất tại Mexico, dành cho thị trường toàn cầu, và phân phối chính hãng tại Việt Nam thông qua nhà phân phối PHTD.

Đặc điểm:

  • Các sản phẩm dạng này sẽ có chế độ bảo hành gọi là "chính hãng", có độ tin cậy, uy tín cao hơn, cũng như các chế độ chăm sóc khách hàng, chương trình khuyến mãi... dồi dào và phong phú.
  • Các sản phẩm này luôn có tem nhập khẩu hợp pháp, hoặc tem phân phối hợp pháp.
  • Các sản phẩm này thường có mức giá cao hơn hàng xách tay cùng loại.

Xách tay

Khái niệm:

  • Sản phẩm nhập khẩu hợp pháp hoặc bất hợp pháp với số lượng nhỏ, không có các giấy phép do cơ quan chức năng cấp duyệt cho nhập khẩu và lưu hành tại Việt Nam.

Xuất xứ:

  • Sản phẩm được sản xuất ở bất cứ nơi nào mà hãng sản xuất ra sản phẩm đó.

Đặc điểm:

  • Các sản phẩm này thường có chế độ bảo hành "cửa hàng", người bán, tức là khi máy móc, thiết bị có vấn đề, bạn sẽ phải liên hệ những đơn vị này để được hỗ trợ. Hoặc có thể mang đến trung tâm bảo hành chính hãng của hãng sản xuất, nhà phân phối của thương hiệu đó để được hỗ trợ, trong đó, bạn có hoặc không được hưởng các chế độ, chính sách bảo hành như hàng "chính hãng" nêu trên, thậm chí là chế độ bảo hành toàn cầu của sản phẩm đang sử dụng.
  • Các sản phẩm này có giá thấp hơn hàng chính hãng

Một số câu hỏi liên quan:

1. Tại sao các cửa hàng nhỏ, lẻ, cá nhân... vẫn có bán hàng "chính hãng"?
- Bởi vì họ mua lại của một ai đó, hoặc từ các đơn vị bán hàng chính hãng. Và khách hàng vẫn được hưởng các chế độ, chính sách dành cho hàng "chính hãng" mặc dù mua từ những cá nhân, cửa hàng này.

2. Nên mua hãng chính hãng hay xách tay?
- Nên mua hàng chính hãng nếu bạn có đủ tiền và không có thời gian, không đủ kinh nghiệm, kiến thức xử lý những phát sinh xảy ra trong quá trình sử dụng sản phẩm.

3. Được tặng sản phẩm "chính hãng" thì phải làm sao khi có sự cố trong quá trình sử dụng sản phẩm?
- Bạn có thể hỏi trên diễn đàn TECHRUM hoặc các nơi khác để được tư vấn. Tuỳ vào thương hiệu mà có những kênh hỗ trợ khác nhau.

4. Mua hàng chính hãng sẽ được hỗ trợ sửa chữa, bảo hành.. miễn phí?
- Tuỳ vào mức độ, quy định bảo hành của từng sản phẩm, từng nhà sản xuất mà có thể mất thêm phí hoặc hoàn toàn không mất phí khi sản phẩm có sự cố.

5. Bảo hành toàn cầu nghĩa là ở Việt Nam cũng được bảo hành?
- Tuỳ thuộc vào từng nhà sản xuất mà bạn có thể được bảo hành hay không, có mất thêm chi phí hay không. Ví dụ sản phẩm bảo hành toàn cầu, nhưng có thể trong quy định có trừ ra một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, như vậy, bạn không được bảo hành. Hoặc bảo hành toàn cầu, nhưng không có trụ sở, đại diện... hợp pháp, uỷ quyền tại Việt Nam, thì bạn cần chuyển sản phẩm đến quốc gia gần nhất có tiếp nhận bảo hành cho nhà sản xuất đó.

Theo cá nhân mình thấy, để gọi là "chính hãng" thì nhà sản xuất nên có trụ sở, văn phòng đại diện hợp pháp tại Việt Nam. Tuy nhiên nếu vậy thì hơi quá khắt khe cho nhiều thương hiệu vẫn được các nhà phân phối làm rất tốt từ khâu nhập khẩu, bảo hành, chăm sóc khách hàng và các chương trình mang lại giá trị gia tăng cho người tiêu dùng, do đó tạm thời chúng ta hãy gọi những sản phẩm theo dạng này là hàng "chính hãng" hay chính xác hơn là "phân phối chính hãng".

Mình sẽ tiếp tục cập nhật khi có thông tin mới, hoặc tiếp nhận ý kiến đóng góp của mọi người cho thông tin được chuẩn xác và đầy đủ hơn.

Chủ Đề