Hội thê flungx nhai diễn ra vào thời gian nào năm 2024

Hội Thề Lũng Nhai - nơi ghi dấu ấn lịch sử của Lê Lợi cùng 18 vị nhân kiệt cùng sống cùng chết để cứu dân cứu nước. Đây là hạt nhân của bộ tham mưu đầu tiên chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa toàn dân.

Dẫu lịch sử đã đi qua nhưng hào khí trong cuộc khởi Khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ vào đầu xuân năm 1418 (đã được chuẩn bị rất công phu từ nhiều năm trước đó) và Hội thề Lũng Nhai là một cột mốc, một sự kiện trọng đại. Đánh dấu hạt nhân của bộ tham mưu, bộ chỉ huy khởi nghĩa đã bước đầu hình thành.

Vào ngày đầu tháng Hai năm Bính Thân (1416), Lê Lợi cùng 18 người bạn chiến đấu tâm huyết nhất là Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Ninh, Lê Hiểm, Vũ Uy, Nguyễn Trãi, Đinh Liệt, Lê Nhân Chú, Lê Bồi, Lê Lý, Đinh Lan, Trương Chiến đã lặng lẽ cùng nhau đến làng Lũng Nhai (tức Lũng Mi, tên nôm là làng Mé, nay thuộc xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) làm lễ tế cáo trời đất, kết nghĩa anh em, quyết tâm đánh giặc cứu nước. Lịch sử gọi sự kiện này là Hội thề Lũng Nhai.

Trên đỉnh đồi Bái Tranh Lũng Nhai Tiền Sử được người dân và chính quyền xây dựng để hương khói ghi nhớ đến những vị anh hùng lịch sử của đất nước.

Làng Lũng Nhai (nơi diễn ra hội thề Lũng Nhai) cách Lam Sơn hơn 10 km về phía Tây, là địa điểm kín đáo nằm sâu trong rừng núi có sông Âm bên hữu ngạn, sông Lương ở phía tả ngạn. Trong không khí nghiêm trang của hội thề, trước thần linh sông núi cùng 18 vị hào kiệt, Lê Lợi tuyên đọc lời thề:

“... Tôi là phụ đạo Lê Lợi cùng với Lê Lai đến Trương Chiến 19 người. Tuy họ hàng quê quán khác nhau, nhưng kết nghĩa thân nhau như một tổ liền cành. Phận vinh hiển đều có khác nhau, mong có tình như cùng chung một họ. Có kẻ bằng đảng xâm chiếm nước ta, qua cửa quan làm hại, nên Lê Lợi cùng Lê Lai đến Trương Chiến, 19 người chung sức đồng lòng, gìn giữ đất nước làm cho xóm làng được ăn ở yên lành. Thề sống chết cùng nhau, không dám quên lời thề son sắt... Nếu như Lê Lợi cùng Lê Lai đến Trương Chiến sinh lòng này khác, cầu ơn hiện tại, núp bóng quân thù, không cùng một lòng, quên lời thề ước, chúng tôi nguyện trời đất và các thần linh giáng trăm tai ương trị bản thân cho đến họ hàng, con cháu đều bị tru diệt, chịu hết hình phạt của trời”. (Theo Lam Sơn thực lục).

Ông Lê Đức Tiến, người uy tín của làng Lũng Nhai hương khói trên đỉnh đồi Bái Tranh ở Lung Nhai Tiền Sử

Dù tất cả hào khí chỉ được ghi lại bằng các trang sử sách, thế nhưng khi đọc lại lời thề của các vị nhân kiệt, nhân dân Việt Nam vẫn cảm thấy thấy được lửa truyền trong máu mỗi người con sinh ra trên đất nước này. Lời thề không chỉ có ý nghĩa chống giặc ngoại xâm mà lời thề như khẳng định mỗi cá nhân cũng như mang tính dân tộc cần lao vì đại đoàn kết dân tộc một lòng vì đất nước đánh giặc và xây dựng cơ đồ phát triển đất nước.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Đức Tiến, 71 tuổi, vị cao niên uy tín của địa phương được bà con bầu giữ chức Từ Hương chăm lo hương khói trên đỉnh núi Pù Mé cho biết, theo dân gian truyền lại, vùng này xưa là một địa bàn hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn, dưới chân núi Pù Mé chính là nơi diễn ra Hội thề Lũng Nhai. Địa danh này có ba mặt (phía Bắc, phía Tây và phía Nam là ngọn núi Pù Mé hùng vỹ), phía Tây bắc là suối Hón Mé của địa phận thôn Xuân Thành, phía Đông là thôn Xuân Thành. Tại xã Ngọc Phụng, nhân dân còn lưu giữ nhiều truyền thuyết dân gian về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn, như làng Phụng Dưỡng, Hòn mài mực, suối Khao, chòm Nhân, hòn Ngồi, Cánh đồng Chó,…

Như vậy, vai trò to lớn và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Hội thề Lũng Nhai trong công cuộc bình Ngô, dựng xây nền thái bình thịnh trị cho quốc gia Đại Việt là điều không thể phủ nhận. Vấn đề đặt ra cho hậu thế hôm nay chính là bài học về xây dựng đất nước, phát triển hùng cường trong đó không quên bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử quốc gia để từ đó nhân lên niềm kính ngưỡng đối với tổ tiên ông cha. Khơi dậy lòng tự hào dân tộc, cùng tinh thần tự lực, tự cường mà cách đây hơn 600 năm, từ trong tăm tối cần lao, cha ông ta đã dày công vun đắp và trao truyền lại.

Núi Pù Mé là ngọn núi cao nhất vùng, khoảng hơn 1.000m so với mực nước biển. Đứng ở đây có thể trông thấy vùng căn cứ Lam Kinh, nghĩa quân có thể quan sát được các hoạt động của quân địch. Dưới lưng chừng núi có một đồi đất khá bằng phẳng, người ta gọi đó là đồi Bái Tranh.

Ông Hà Đình Mạnh, Chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng cho biết, ngày 20/7/2013 Hội thảo khoa học “Hội thề Lũng Nhai trong Khởi nghĩa Lam Sơn” với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu Việt Nam. Tại sự kiện, các vấn đề về tầm vóc, giá trị của Hội thề Lũng Nhai trong khởi nghĩa Lam Sơn đã được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đưa ra bàn thảo và có những đánh giá xác đáng, khách quan. Trong đó, quan điểm xuyên suốt là khẳng định, đề cao vai trò của Hội thề Lũng Nhai như là thành quả của giai đoạn đầu tiên chuẩn bị, xây dựng lực lượng cho cuộc khởi nghĩa toàn dân.

Mõm đá đồi Bái Tranh những vết tích lịch sử còn ghi dấu lại được nhân dân gìn giữ và bảo vệ

"Như vậy nếu phát huy tốt giá trị di tích thì trong tương lai không xa Lũng Nhai sẽ trở thành địa chỉ du lịch về Lịch sử- văn hoá- tâm linh và sinh thái vô cùng hấp dẫn", ông Mạnh nói.

Vị trí Hội thề Lũng Nhai được xem là nơi kín đáo, ẩn sâu trong núi rừng, có vai trò ý nghĩa quân sự đặc biệt để nhìn thấy được tầm nhìn chiến lược của vị chủ tướng Lê Lợi và 18 anh hùng hào kiệt

Như vậy Hội thề Lũng Nhai đã hình thành hạt nhân của bộ chỉ huy và định hướng cho công việc chuẩn bị một khởi nghĩa vũ trang mang tính dân tộc và nhân dân sâu sắc. Với lời thề sắc son cùng đoàn kết đánh giặc, đó là một sự kiện trọng đại trong quá trình hình thành, phát triển và thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn, bao quát trong đó những tư tưởng và định hướng ban đầu nhưng rất cơ bản cho một cuộc khởi nghĩa phát triển thành chiến tranh giải phóng dân tộc qui mô cả nước.

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn được chuẩn bị từ Hội thề Lũng Nhai năm 1416 và được kết thúc thắng lợi bằng Hội thề Đông Quan năm 1427 “mở nền thái bình muôn thuở, tắt muôn đời chiến tranh”, là cuộc trường chinh đầy hy sinh gian khổ nhưng rất đỗi tự hào của dân tộc ta tất cả bài học mang tầm vóc quốc gia chỉ có lịch sử mới minh chứng được đó chính là tự hào dân tộc, tự hào con cháu Lạc Rồng mà thế hệ trẻ đang tiếp nối đưa Việt Nam hùng cường sánh với các cường quốc năm Châu.