Kinh nghiệm sinh 2 bé liền nhau

Nhiều gia đình quan niệm sinh con dày cho vui nhà vui cửa, hoặc đẻ lâu thì ngán việc chăm con nên cực một lần cho cực luôn để chăm cho tiện, đẻ nhiều con một lúc để có thời gian chơi cho hết thanh xuân… Nhiều hội nhóm các bà mẹ đã được lập ra để chia sẻ kinh nghiệm đẻ dày, kinh nghiệm sinh 2 bé liền nhau để cùng động viên, khuyến khích nhau. Thế nhưng, ý kiến của các bác sĩ về vấn đề này như thế nào?

Khi nào nên sinh con tiếp theo

Sau khi sinh thường [đẻ thường], con đủ tháng và đã được ít nhất một năm thì bạn mới nên có thai lần nữa. Đối với trường hợp sinh mổ trong lần trước, nếu mang thai lại ngay thì càng nguy hiểm vì vết sẹo chưa ổn định, có thể dẫn đến biến chứng rạn, nứt vết mổ cũ. Nhiều trường hợp phải chấm dứt thai kỳ giữa chừng bởi việc nứt vết mổ sẽ nguy hiểm đến cả tính mạng người mẹ. Vì vậy đối với trường hợp sinh mổ thì ít nhất là 2  – 3 năm mới nên có thai lần nữa. Đó là khoảng cách tối thiểu để người mẹ phục hồi sức khỏe ở điều kiện thuận lợi [có cuộc sống gia đình êm ấm, được nuôi dưỡng tốt, không có stress tâm trí, cảm xúc].

Thông thường, tốt nhất 2 lần sinh nên cách nhau 3 – 5 năm. Tuy nhiên nếu người mẹ phải vất vả nuôi con và còn nhiều dấu hiệu mỏi mệt thì thời gian có con tiếp theo nên xa hơn nữa, cho đến khi mẹ hoàn toàn khỏe mạnh hãy nên có thai tiếp.

Sinh con quá gần có nguy cơ gì cho mẹ và con

Sinh con quá dày cơ thể người mẹ dễ bị thiếu máu, tăng huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường… trong thời gian mang thai và cả những khó khăn khi chuyển dạ, hay gặp nhất là cơn co yếu, chuyển dạ kéo dài. Ở các thế hệ trước, nhiều bà mẹ sinh con quá cận kề nhiều lần là nguyên nhân gây ra nhiều tai biến khi mang thai và khi chuyển dạ cho cả mẹ và con.

Khi sinh con, các dưỡng chất trong cơ thể người mẹ như omega 3, canxi, máu, chất dinh dưỡng… bà mẹ đã chuyển qua con khá nhiều trong thời kì mang thai, cần có thời gian để hồi phục lại. Khi cơ thể chưa phục hồi tốt mà lại có bầu tiếp thì lần thai sau người mẹ đã mất đi một số chất rồi nên dễ gây mệt mỏi, yếu. Em bé sau có thể thiếu chất hơn em bé đầu. Ví dụ như khi mang thai, cơ thể mẹ bầu không được bổ sung đầy đủ Omega 3 thai nhi sẽ lấy nguồn Omega 3 dự trữ trong cơ thể của mẹ, nguồn dự trữ này nằm ở não và nếu bị thiếu hụt sẽ bị mất đi 3% tế bào não. Người mẹ phải cần ít nhất 4 năm để phục hồi với một chế độ dinh dưỡng khoa học và đủ chất.

Xem thêm: Bổ sung Omega 3 cho bà bầu như thế nào

Tình trạng thai của những bà mẹ sinh con quá gần nhau phụ thuộc nhiều vào sức khỏe và bệnh lý của người mẹ, thường gặp nhất là thai kém phát triển, nhẹ cân so với tuổi thai, chết lưu hoặc nhiều sự cố khác xảy ra trong tiến trình chuyển dạ như suy thai, tử vong khi đẻ ra, tỷ lệ phải mổ lấy thai tăng…

Về tình trạng sức khỏe của bé sau, nếu sinh bé thứ hai dưới 2 năm thì tỷ lệ nguy cơ ốm đau, bệnh tật và tử vong của bé sẽ cao hơn. Ngoài ra, sinh con sớm cũng sẽ ảnh hưởng đến việc chăm sóc con cái, đặc biệt là phục hồi sức khỏe người mẹ. Do đó, khoảng cách an toàn để mang thai lần tiếp theo thông thường khoảng 3 – 5 năm.

Đặc biệt, nếu bạn mang thai trong thời gian cho bé bú thì có nhiều nguy cơ tiềm ẩn, gây nguy hại cho cả ba mẹ con.

Mang thai trong thời gian đang cho con bú thì có những nguy cơ gì

Nên tránh mang thai khi còn đang cho con bú vì bạn sẽ gặp phải những vấn đề sau

Mỗi một phản xạ bú của em bé sẽ kích thích cơ thể người mẹ tiết ra chất Oxytocin, chất này gây co bóp cơ tử cung, có thể dẫn tới sảy thai. Do đó nếu mẹ đang cho bé bú mà biết mình có bầu thì các bạn nên cai sữa và chuyển em bé sang dùng sữa ngoài. Bú mẹ là một trong những yếu tố làm gò tử cung gây sảy thai. Do đó, cho con bú khi đang mang thai là việc làm không được các bác sĩ sản khoa khuyến khích. Bởi nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với thai kỳ.

Trong trường hợp cai sữa, mẹ cũng nên cắt giảm một cách từ từ, chẳng hạn như làm thưa dần các cữ bú mẹ để bé làm quen với sự thiếu vắng sữa mẹ. Bên cạnh đó, cách này cũng giúp tránh sự xáo trộn, thay đổi quá lớn của các hormone trong cơ thể người mẹ.

Cơ thể mẹ dễ bị suy nhược khi vừa mang thai, vừa cho con bú:

– Cảm giác đau đầu vú: do thay đổi nội tiết, đầu vú trở nên nhạy cảm hơn khi mang thai. Việc cho con bú lúc này khiến cảm giác đau đầu vú càng trầm trọng. Cách để vượt qua là cho bé bú từng cữ ngắn, tùy từng độ tuổi của bé mà bạn sắp xếp thời gian bú của bé cho phù hợp.

– Nghén khi mang thai đã là một điều khủng khiếp. Vừa nghén vừa cho con bú khiến tình trạng mệt mỏi, ốm nghén càng trở nên trầm trọng. Cơ thể mẹ dễ bị suy nhược, có thể khiến mẹ ít sữa, mất sữa, không đủ sữa cho bé lớn bú.

Vì vậy, tốt nhất bạn nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ để đảm bảo cơ thể đã sẵn sàng để thụ thai thêm một lần nữa.

Theo Bác sĩ Thanh Hà

Đến dự tiệc thôi nôi con đầu của vợ chồng chị Hồng Chi [Quận Hoàng Mai – Hà Nội], nhiều bạn bè không khỏi ngạc nhiên khi thấy dấu hiệu bụng “lùm xùm” dưới áo và kèm theo thông báo là trong thời gian ba tháng tới gia đình chị sẽ đón thêm 1 thành viên mới. Trả lời thành thật trước câu hỏi của chị đồng nghiệp: “Không lẽ hai vợ chồng bị vỡ kết hoạch”, chị Chi bình thản cho biết: “Thật ra đây là kế hoạch “năm một” mà hai vợ chồng em đặt ra. Vì tụi em tính đằng nào thì cũng phải sinh 2 bé cho vui cửa vui nhà, nếu đợi cho bé đầu lớn rồi mới sinh tiếp bé thứ hai thì sợ công việc bị gián đoạn, ảnh hưởng đến việc tiến thân sau này. Thêm đó em cũng sợ kế hoạch quá lâu thì sau này khi mang bầu, mẹ dễ gặp biến chứng, con lại có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh do hiện tại em cũng đã ngoài 30 tuổi rồi còn đâu”.


Có rất nhiều cặp vợ chồng trẻ chọn cách sinh con dày mà chưa lường hết những khó khăn sẽ phải đối diện trong tương lai [hình minh họa]

Anh Hoàng, chồng chị lại có “tâm sự” khác khi quyết định sinh theo kiểu “đứa lớn thôi nôi, đứa nhỏ đầy tháng”: “Nói thật, mình cũng sợ cái cảnh chăm sóc con nhỏ lắm. Nên thôi, đã vất vả thì vất vả luôn, làm “một phát 2 đứa” để bỏ công chăm sóc 1 lần cho tiện”. Chị Chi cũng cho biết thêm, do mình được nghỉ thai sản đến 6 tháng nên nghe nói công ty đã tìm người thay. Thấy thế, chị bàn với chồng xin nghỉ luôn để vừa tiện chăm sóc bé lớn, vừa bầu bí bé sau. Khi bé sau “cứng cáp” và có thể mướn người trông giúp, chị sẽ tính đến chuyện xin vào làm lại hoặc tìm công việc mới tốt hơn, lúc đó các sếp cũng không lo nhiều việc chị nghỉ thai sản, mà chị cũng khỏi lăn tăn lên kế hoạch xin nghỉ để khám thai, bầu bí hay sinh nở như nhiều chị em đồng nghiệp khác.

Không chỉ riêng gia đình chị Chi mà có rất nhiều các bà mẹ cùng chung tâm lý “chịu cực một lần”, chấp nhận sinh con trong khoảng thời gian gần nhau để tiện chăm sóc và nuôi dạy các bé, sau đó mới tập trung cho công việc. Có những trường hợp do “nhỡ” nên phải “cố chịu” do hoàn cảnh chưa cho phép. Tuy nhiên, khi các bé đủ lớn thì mẹ lại thấy mình may mắn vì không phải chịu cảnh “đầu bù tóc rối”, tất bật bên con nhỏ như những bà mẹ có kế hoạch sinh con cách nhau trong thời gian dài. Việc sinh hai con gần nhau cũng có nhiều lợi ích khác như giúp các mẹ giảm thiểu được tối đa thời gian bị gián đoạn trong sự nghiệp, tiết kiệm được tiền bạc khi tận dụng lại quần áo, vật dụng…

Ngoài ra, do độ tuổi cách biệt không nhiều, nên các bé dễ thân thiết với nhau hơn. Có anh chị em chơi cùng trong suốt thời thơ ấu cũng là một trong những cách giúp các bé năng động và sáng tạo hơn. Và quan trọng hơn là sinh con năm 1 như thế sẽ giúp các ông bố, bà mẹ trẻ tận dụng, củng cố thêm kiến thức, kinh nghiệm nuôi dạy con vẫn còn “nóng hổi” của chính mình.

Nên hay không việc sinh con liền?


Mệt mỏi vì bầu bí, lại thêm chăm con nhỏ có thể khiến mẹ bị stress, thậm chí là ảnh hưởng đến sức khỏe thai nghén [hình minh họa]

Mặc dù có nhiều lợi ích, nhưng cách sinh con “dày” nêu trên dường như lại không được các chuyên gia ủng hộ. Theo các nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức Santa Fe de Bogota, Columbia, thời gian sinh giữa 2 lần nên nằm trong khảng thời gian từ 18 – 59 tháng, trường hợp sinh sớm hoặc muộn hơn khoảng thời gian này sẽ gia tăng nguy cơ có hại cho thai nhi. Nếu mẹ sinh thường [đẻ thường] con đủ tháng và được ít nhất một năm thì mới nên có thai lần nữa.

Trường hợp sinh mổ thì thời gian nghỉ nên là 2 năm. Đó là khoảng cách tối thiểu để người mẹ phục hồi sức khoẻ ở điều kiện thuận lợi. Những ca sinh có khoảng cách quá gần sẽ làm gia tăng nguy cơ sinh non, thai kém phát triển và nhẹ cân so với tuổi thai. Việc sinh con dày cũng khiến cho cơ thể người mẹ dễ bị thiếu máu, tăng huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ… và có thể gặp nhiều khó khăn khi vượt cạn như chuyển dạ kéo dài, hay gặp nhất là cơn co yếu. Các nhà nghiên cứu cũng đã khẳng định, việc sinh con quá dày ở thế hệ trước là một trong những nguyên nhân phổ biến đưa đến các tai biến cho mẹ và bé khi thai nghén và sinh nở.

Sinh con liền, sao cho phù hợp?

Do việc sinh con “dày” tưởng sẽ mang lại nhiều lợi ích, nhưng thực chất lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên trước khi quyết định chọn cách “sinh con năm một” này, các ông bố bà mẹ cần cân nhắc nhiều điều. Trước hết là cần xem xét điều kiện thực tế của mỗi gia đình và tình trạng sức khỏe của mẹ. Nếu may mắn được sự giúp đỡ của người thân trong gia đình, kinh tế ổn định, sức khỏe mẹ tốt thì việc sinh 2 con gần nhau sẽ giúp ích cho người mẹ trong việc tập trung toàn tâm, toàn ý chăm lo và nuôi dạy con thật tốt. 


Tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm như ba mẹ, anh chị … sẽ giúp bạn có lựa chọn đúng đắn hơn khi quyết định có nên sinh con dày hay không [hình minh họa]

Ngược lại, việc sinh con dày sẽ vô cùng khó khăn cho các mẹ có sức khỏe kém, không người phụ giúp. Nếu 1 trong 2 trẻ bị đau bệnh thì cả bố và mẹ sẽ không có đủ thời gian để chăm lo cho bé còn lại. Ngoài ra việc các bé quấn mẹ và chưa biết nhường nhịn nhau là điều khó tránh khỏi, dẫn đến hậu quả là nếu bố mẹ không khéo xử lý sẽ có tác động xấu đến sự phát triển tâm lý của bé. Chưa kể xoay xở nguyên cả ngày lẫn đêm cho 2 “thiên thần nhỏ” cùng một lúc có thể làm cho mẹ mệt mỏi từ đó tăng nguy cơ bị stress, trầm cảm và nặng hơn là có thể dẫn đến bị rối loạn tâm thần…

Vì vậy, một khi đã quyết định sinh tiếp 1 bé khi bé đầu hãy còn bé xíu, các ông bố bà mẹ trẻ cần tham khảo kinh nghiệm các trường hợp đi trước, cũng như tìm hiểu thêm thông tin về sinh dày, các mặt lợi và hại … trên sách, báo, tạp chí, internet để từ đó có quyết định phù hợp nhất với tình hình thực tế của mình, sao cho vẫn đảm bảo “mẹ tròn con vuông” và 2 bé vẫn được chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ chu đáo sau khi chào đời.

Xem thêm chủ đề Tin tức mẹ bầu

Theo Thành Hưng [Tổng hợp] [Khampha.vn]

Video liên quan

Chủ Đề