Làm sao để hòa nhập mà không hòa tan

Làm sao để hòa nhập mà không hòa tan
Bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ nhiều câu chuyện về giới trẻ và hội nhập từ chính trải nghiệm của mình - Ảnh: Việt Dũng

Đến tham dự buổi giao lưu với hàng trăm sinh viên, bà Tôn Nữ Thị Ninh (cựu đại sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại Liên minh châu Âu), ông Phạm Phú Ngọc Trai (một trong những nhà quản trị doanh nghiệp xuất sắc nhất VN, cố vấn chương trình “Câu chuyện hòa bình”) và nhà báo, MC Diễm Quỳnh (phó giám đốc Trung tâm truyền hình VTV6) đã chia sẻ nhiều câu chuyện từ chính trải nghiệm của họ.

Hội nhập là gì?

Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng: “Thanh niên chúng ta bây giờ, tôi mạn phép thấy rằng chỉ lướt bề mặt chứ chưa đi sâu vào lực mà hội nhập tác động đến mình. Không cần ai bảo nhưng thanh niên nam nữ VN hội nhập về ăn mặc rất nhanh. Sự “nhanh nhảu” đó có được là tốt nhưng chưa phải là cốt lõi. Vì thế, tôi hi vọng rằng trong số các bạn đang hội nhập về thời trang sẽ có những bạn có sáng tạo, tác động trở lại thế giới, chứ không thể chỉ mua đồ của nước ngoài để mặc”.

Theo bà Ninh, câu chuyện về hội nhập gắn liền với câu chuyện tùy thuộc lẫn nhau. Vì thế, mỗi người cần phải nhớ, làm bất cứ việc gì, hành động gì cũng đều có ảnh hưởng đến người khác và chỗ khác.

“Khi xuất phát từ quan điểm như vậy thì bài toán đặt ra là giới trẻ VN phải biết tranh thủ cơ hội, với sự sắc bén, thông minh và phải có bản lĩnh. Thế giới bao la đầy cơ hội, nhưng có nhiều điều rất khó hiểu, khó lường và cả những nguy cơ, nguy hiểm. Sự thông minh và bản lĩnh ở đây chính là tìm được viên ngọc trong cái mớ bòng bong đó” - bà Tôn Nữ Thị Ninh nêu.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai nhận xét qua buổi giao lưu tại Đà Nẵng ngày 22-12, ông nhận thấy các bạn sinh viên đang hiểu về hội nhập một cách rất chung chung, chưa rõ định hình từ góc độ của những sinh viên sẽ là những trí thức của tương lai.

“Đầu tiên chúng ta phải có kiến thức về hội nhập, để có thể hiểu được vị trí của sinh viên trong quá trình hội nhập và nắm bắt các cơ hội. Các bạn cần phải có kiến thức để tiếp nhận sự thay đổi và xử lý sự thay đổi đó như thế nào, để mang lại kết quả tốt nhất” - ông Ngọc Trai nói.

MC Diễm Quỳnh chia sẻ câu chuyện của riêng mình: “Khi được mời làm trưởng đoàn của đoàn thanh niên VN tham dự Chương trình thanh niên châu Á, tôi phát hiện ra rằng hội nhập không đơn giản như chúng ta nghĩ là chúng ta được đặt vào cái hội trường như thế này. Hội nhập là làm thế nào để mọi người nhận thấy mình, nhìn ra mình, và mình trở thành một thành tố không thể thiếu của quá trình hội nhập.

Còn nếu mình là một thành tố nhưng chưa được người khác nhận ra, chưa được nhìn thấy thì chúng ta chỉ đóng vai trò là “quan sát viên” mà thôi. Hiện nay, vai trò của VN đã thay đổi trong quá trình hội nhập với thế giới, nên chúng ta không thể xuất hiện với vai trò “đi theo”, “vỗ tay” như trước được nữa”.

Làm sao để hòa nhập mà không hòa tan
Ông Phạm Phú Ngọc Trai tâm sự về thành công, thất bại của mình trong kinh doanh - Ảnh: Việt Dũng

Người trẻ VN cần gì để hội nhập?

Trả lời câu hỏi của một sinh viên làm thế nào để bước qua định kiến, dũng cảm trong việc lập nghiệp, ông Phạm Phú Ngọc Trai cho biết sự dũng cảm trong lập nghiệp của các bạn trẻ phụ thuộc rất nhiều vào mức độ tự tin và sự chuẩn bị.

“Các bạn phải có sự nghiêm túc và lao động cật lực. Để có sự dũng cảm thì phải chuẩn bị cho mình hành trang, sự chuẩn bị nghiêm túc. Khi có sự chuẩn bị rồi thì các bạn sẽ có sự quyết định” - ông Trai chia sẻ.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh nói rằng để hội nhập, trước hết mỗi bạn trẻ VN phải trang bị cho mình một công cụ không thể thiếu đó là ngoại ngữ cùng sự hiểu biết về lịch sử, văn hóa, con người, đất nước mình. Theo bà, khi thấy người nước ngoài quan tâm hiểu biết về lịch sử, văn hóa nước mình hơn cả mình, thì tự nhiên mình cảm thấy có vẻ gì đó không ổn.

“Tôi nghĩ rằng hội nhập có cái mình nên giống, nhưng có cái mình cần phải rất khác. Cái giống là giá trị nhân bản, tình yêu thương con người, yêu hòa bình... Nhưng nếu mình không có góc cạnh để người ta không nhận ra đây là người Việt thì không hay lắm.

Nên tôi nghĩ, khi tương tác với người nước ngoài, các bạn đừng bao giờ tự ti. Có nghĩa là mình phải biết mình và phải có cơ sở để tự hào về mình. VN là người đến sau, đang chạy đến đích là sự phát triển, nhưng các nước khác cũng đang chạy, nếu mình không biết cách chạy nhanh hơn, giỏi hơn thì mãi mãi sẽ ở đằng sau” - bà Ninh nói.

Làm sao để hòa nhập mà không hòa tan
Sinh viên khoa Hán Nôm đặt câu hỏi với các diễn giả - Ảnh: Việt Dũng

Dám... nhảy xuống nước

Bà Tôn Nữ Thị Ninh kể câu chuyện bà nhận được hai luồng ý kiến ủng hộ và không ủng hộ khi bà nhận được lời mời của ông Xuân Thủy ra Hà Nội đảm nhận công việc mới. Rồi cuối cùng bà đã vượt qua những ý kiến không đồng tình để từ bỏ nghề dạy học, đi con đường mới.

“Trước hết phải nhận thấy đó là cơ hội và dám nhảy xuống nước, dám làm. Chúng ta sẽ học được nhiều hơn, sâu hơn từ thất bại hơn là từ thành công. Trong lúc thất bại, nếu bạn là người có chí, có quyết tâm thì phải mổ xẻ vì sao bạn thất bại? Khi đó, nếu những người xung quanh chê bai, các bạn cứ để ngoài tai, không cần trả lời và cứ yên tâm đi con đường mà các bạn đã chọn” - bà Ninh nói.

Tại buổi giao lưu, đại sứ “Câu chuyện hòa bình” - ca sĩ Hà Anh Tuấn đã truyền đến các bạn sinh viên tinh thần nhiệt huyết bằng những lời ca tiếng hát ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước.

VŨ VIẾT TUÂN

Làm sao để hòa nhập mà không hòa tan

Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tân Sơn đẩy mạnh giáo dục học sinh tiếp cận thông tin chính thống trên mạng Internet, giúp các em có thêm kiến thức làm hành trang tự tin hội nhập quốc tế.

PTĐT - Nắm giữ vai trò là hạt nhân tiêu biểu, xung kích trong quá trình hội nhập quốc tế, tuổi trẻ Đất Tổ đang phát huy cao độ sức trẻ, lòng nhiệt huyết, đóng góp vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. Tuy nhiên, để thích nghi, hòa nhập quốc tế, thế hệ trẻ Đất Tổ cần rèn luyện bản lĩnh, tư tưởng vững vàng, thái độ, ý thức, trách nhiệm đúng đắn với cá nhân và cộng đồng xã hội, soi sáng trong hành trình tương lai.

Cùng với sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ toàn cầu, hội nhập quốc tế trở thành cơ hội cũng như thách thức để thế hệ trẻ phát huy thế mạnh cá nhân trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Việc tiếp cận mạng lưới thông tin khổng lồ, phủ sóng toàn cầu cùng những ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến đã tạo ra sự thay đổi nhanh chóng đến cộng đồng, xã hội, đặc biệt là bộ phận giới trẻ. Ngày nay, thế hệ trẻ được trang bị đầy đủ những kỹ năng cần thiết nhằm phục vụ cho quá trình hội nhập quốc tế. Bắt đầu từ việc rèn luyện ngoại ngữ, tin học để phục vụ cho những nhu cầu về công việc và cuộc sống đến đào tạo chuyên môn, kỹ thuật, trình độ học vấn, giao thoa văn hóa quốc tế.

Mang lại thay đổi tích cực đến thế hệ trẻ, song hội nhập quốc tế cũng giống như “con dao hai lưỡi”. Hệ thống mạng Internet cùng những tiện ích từ mạng xã hội vốn là “người đồng hành lý tưởng” của giới trẻ, là kênh cung cấp trao đổi thông tin toàn cầu nhưng cũng chính điều này lại là môi trường thuận lợi cho kẻ xấu, các thế lực thù địch lợi dụng phát tán những tin tức chưa qua kiểm chứng, sai sự thật, thậm chí xuyên tạc, bịa đặt… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng và xã hội. Không chỉ vậy, việc tiếp xúc với mạng lưới thông tin dày đặc, đa dạng cũng góp phần thúc đẩy sự du nhập ồ ạt của văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, tập quán mang tính “quốc tế hóa”, gây ra nhiều tác động “ngược” với giới trẻ. Bằng chứng là trong văn hóa giao tiếp của nhiều thanh, thiếu niên, tình trạng pha trộn ngôn ngữ Anh- Việt đã trở thành “hot trend” gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa dân tộc. Em Nguyễn Hà My (phường Thanh Miếu, thành phố Việt Trì) cho biết: “Em thường xuyên giao tiếp đan xen ngôn ngữ Anh - Việt, đây được coi là ngôn ngữ dành riêng cho giới trẻ. Lâu dần, việc sử dụng song ngữ đã trở thành thói quen, có những lúc vô tình quên một vài từ trong tiếng Việt nên em thay thế bằng tiếng Anh cho thuận tiện”.

Mới đây, Công an thành phố Việt Trì tiến hành kiểm tra, phát hiện 16 đối tượng thanh niên dương tính với ma túy tại quán Q Club, phường Nông Trang, thành phố Việt Trì. Vốn dĩ, những tụ điểm quán bar, club,… là nơi giao lưu, giải trí năng động dành cho giới trẻ khắp thế giới, nhưng đi ngược với ý nghĩa đơn thuần ấy, địa điểm vui chơi giải trí sầm uất này lại trở thành nơi để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Những sai lệch trong nhận thức, tư duy, lối sống, văn hóa của giới trẻ chính là minh chứng điển hình cho sự thiếu trách nhiệm, thiếu tỉnh táo của thế hệ thanh niên trong quá trình hội nhập quốc tế.

Thanh niên Việt Nam nói chung và tuổi trẻ Đất Tổ nói riêng là lực lượng đông đảo, giàu khát vọng, hoài bão, có nhu cầu, có khả năng tiếp thu nhanh nhạy những thành tựu khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại, năng động sáng tạo, vì vậy, việc thanh niên hội nhập quốc tế là rất cần thiết. Tuy nhiên, để thích nghi, hòa nhập với xu thế ấy, ngoài việc củng cố kỹ năng, bồi dưỡng tri thức, mỗi cá nhân thanh, thiếu niên đều cần phải rèn luyện bản lĩnh tư tưởng vững vàng, xác định đúng và đầy đủ vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong quá trình hội nhập quốc tế.

Để đoàn viên thanh niên Đất Tổ tự tin hội nhập quốc tế nhưng vẫn gìn giữ và phát huy được phẩm chất, giá trị tốt đẹp của dân tộc, Tỉnh đoàn thường xuyên tổ chức tập huấn nhằm nâng cao kiến thức về các nội dung hội nhập quốc tế cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong toàn tỉnh; triển khai công tác quốc tế thanh niên nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, rèn luyện kỹ năng và phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong hội nhập quốc tế. Đồng thời kết nối, tuyên truyền quảng bá hình ảnh của đất nước, con người, lịch sử văn hoá, bản sắc Việt Nam và các giá trị văn hoá của vùng Đất Tổ. Tăng cường tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về cam kết và lộ trình hội nhập quốc tế của Việt Nam cho đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền đối ngoại về công tác thanh niên, làm cho thanh niên các nước ngày càng hiểu đúng và đầy đủ hơn về đất nước, con người Việt Nam nói chung và thanh niên Đất Tổ nói riêng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên thanh niên về chính sách đối ngoại của Việt Nam, về tình hình thế giới và các vấn đề toàn cầu.

Mai Bích

Mai Bích