Làm sao để phát triển năng lực cá nhân trong phát triển nghề nghiệp sau này

5 BƯỚC GIÚP BẠN LÊN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP [PHẦN 1]

Sau khi bước chân ra khỏi cánh cửa trường học, công việc sẽ là thứ gắn bó với chúng ta trong suốt phần đời còn lại và có ảnh hưởng không nhỏ tới hạnh phúc của mỗi người trong cuộc sống. Bởi vậy mà quá trình phát triển nghề nghiệp cũng sẽ kéo dài gần như cả đời người, việc lên kế hoạch cho công việc/sự nghiệp và kỹ năng ra quyết định cũng trở nên đặc biệt cần thiết. Đây là một quá trình nhằm giúp mỗi cá nhân có được định hướng đúng đắn trên con đường sự nghiệp, có sự thích nghi và thay đổi phù hợp để đạt được hiệu quả cao nhất trong công việc cũng như phát huy tối đa tiềm năng của mình.

Cho dù bạn đang đứng trước ngưỡng cửa đại học và cần phải lựa chọn một chuyên ngành để theo đuổi, hoặc bạn chuẩn bị tốt nghiệp và sắp gia nhập thị trường lao động, hay bạn đã đi làm và có thu nhập, thì 5 bước đơn giản dưới đây đều sẽ rất hữu ích để giúp bạn xây dựng được công việc/sự nghiệp mà mình mong muốn!

Bước 1: Đánh giá bản thân [Self-Assessment]

Đánh giá bản thân có nghĩa là nhận thức và hiểu về bản thân mình, điều này bắt đầu bằng việc hiểu bốn yếu tố sau đây: Tính cách, Năng lực/Kỹ năng, Sở thích và Giá trị.

Nguồn ảnh: //dolphinseaveg.com

- Tính cách: trả lời cho câu hỏi Tôi là ai?

Tính cách là sự kết hợp những đặc điểm độc đáo của riêng bạn, có ảnh hưởng tới cách bạn suy nghĩ, hành động, ra quyết định và tương tác với thế giới xung quanh. Tính cách còn bao gồm cách bạn sử dụng, điều hướng năng lượng của mình, cách bạn ra quyết định và lựa chọn trong cuộc sống. Một công việc có thể là hoàn hảo đối với tính cách của người này, nhưng lại hoàn toàn không phù hợp với tính cách của người khác. Cuộc đời bạn cũng chính là sự nghiệp của bạn. Do vậy việc dành ra vài tháng, thậm chí vài năm để thấu hiểu bản thân sẽ giúp ích cho bạn trong cả cuộc đời. Bạn có thể thực hiện các bài trắc nghiệm tính cách như Big Five, MBTI, RIASEC, hoặc quan sát bản thân trong nhiều trường hợp khác nhau. Ngoài ra, bạn hãy tự đặt ra và dành thời gian trả lời những câu hỏi sau đây:

  • Điểm mạnh trong tính cách của tôi là gì? Điểm yếu trong tính cách của tôi là gì?
  • Phong cách làm việc/học tập của tôi là gì?
  • Mức độ tương tác với người khác mà tôi cảm thấy phù hợp với bản thân mình trong công việc như thế nào? Tôi thích làm việc với nhiều người, làm việc trong nhóm nhỏ hay làm việc độc lập?
  • Tôi thích làm những công việc mang tính sáng tạo và cần nhiều trí tưởng tượng, hay tôi thích giải quyết các vấn đề thực tế, chi tiết, có thể đo đếm được?
  • Tôi thích các công việc ngồi một chỗ cố định hay các công việc cần hoạt động nhiều, tương tác nhiều? Tôi thích các công việc cần nhiều thời gian tự do suy nghĩ, nghiên cứu hay các công việc có thời hạn rõ ràng?
  • Tôi thích là người ở vị trí lãnh đạo, quản lý, ra quyết định hay làm việc theo chỉ thị, chỉ dẫn từ người khác/cấp trên?

- Năng lực/Kỹ năng: trả lời cho câu hỏi Tôi giỏi trong việc gì?

Năng lực/Kỹ năng là những gì mà bạn làm tốt. Những kỹ năng mà bạn có được một cách tự nhiên, không cần quá nhiều cố gắng thường được gọi là năng khiếu hay tài năng thiên bẩm. Bên cạnh đó cũng có những kỹ năng mà bạn phát triển thông qua các trải nghiệm và sự học hỏi, luyện tập. Tuy nhiên, dù là kỹ năng bẩm sinh hay kỹ năng học hỏi thì việc luyện tập vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ví dụ, bạn có thể có năng khiếu trong việc chơi nhạc cụ, nhưng nếu thiếu đi sự luyện tập, học hỏi và phát triển, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp.

Rất nhiều kỹ năng có tính linh hoạt - nghĩa là có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, được gọi là kỹ năng mềm. Ví dụ như: kỹ năng giao tiếp có giá trị đối với tất cả các ngành nghề, lĩnh vực và các vị trí công việc khác nhau. Bên cạnh đó cũng có các kỹ năng cứng, là các kỹ năng liên quan tới lĩnh vực chuyên môn nhất định và đạt được thông qua quá trình học tập, giáo dục và rèn luyện. Ví dụ như: kỹ năng sử dụng các thiết bị trong phòng thí nghiệm. Điều quan trọng là bạn cần dành thời gian để nhận biết các kỹ năng mình giỏi và đánh giá kết nối của những kỹ năng đó đối với những nghề nghiệp mà bạn lựa chọn. Bạn hãy quan sát bản thân trong quá khứ, hiện tại và ghi chép lại nếu có thể, hoặc thực hiện những bài kiểm tra đánh giá năng lực như IQ, EQ, Đa trí thông minh Ngoài ra, bạn hãy dành thời gian trả lời các câu hỏi sau đây:

  • Năng khiếu của tôi là gì? Tôi thường làm tốt điều gì?
  • Tôi thường nhận được đánh giá cao/lời khen ngợi của người khác khi làm việc nào?
  • Tôi có thể học hỏi/thực hành nhanh những kiến thức gì?

Nguồn ảnh: //blogleet.com

- Sở thích: trả lời cho câu hỏi Tôi thích/không thích điều gì?

Sở thích là những gì mà bạn cảm thấy thích thú khi làm hay học hỏi về nó. Bạn có thể có rất nhiều sở thích ở các lĩnh vực khác nhau, hoặc chỉ có một vài sở thích ở những lĩnh vực tập trung nhất định. Sở thích của bạn cũng có thể thay đổi theo thời gian khi bạn được tiếp xúc với những kiến thức mới, có những trải nghiệm mới, và khi bạn phát triển qua các giai đoạn của cuộc đời. Hãy nhớ rằng có một vài sở thích của bạn mang tính giải trí cá nhân, và có những sở thích có thể hỗ trợ định hướng sự nghiệp. Điều quan trọng mà bạn cần làm là nhận diện cả hai loại sở thích này, bởi vì sẽ có rất nhiều cách để kết hợp các sở thích cá nhân của bạn vào trong công việc, sự nghiệp, một cách trực tiếp hay gián tiếp. Việc tự quan sát những sở thích của mình, và xem xét sự liên quan của chúng với những kỹ năng mà bạn có, với tính cách của bạn là một bước quan trọng trong quá trình tự đánh giá. Hãy sử dụng những câu hỏi dưới đây để hỗ trợ bạn:

  • Tôi thường bị thu hút bởi các lĩnh vực/kiến thức/hoạt động nào? Điều gì khiến tôi cảm thấy bị thu hút bởi những thứ này?
  • Tôi thường thích làm gì trong thời gian rảnh rỗi?
  • Những vấn đề hay kiến thức nào quan trọng đối với tôi?
  • Đã có khi nào tôi bị cuốn vào một công việc đến mức không để ý tới thời gian và các hoạt động xung quanh chưa? Khi đó tôi đang làm việc gì?
  • Tôi cảm thấy hạnh phúc khi làm công việc/hoạt động nào?
  • Nếu tôi có thể được học về bất cứ thứ gì [không bị cản trở về tài chính, thời gian,...], tôi muốn học điều gì?
  • Nếu có ai đó trao cho tôi một phần thưởng về những thành tựu mà tôi đạt được, tôi muốn người đó nói gì về mình, phần thưởng đó là về thành tựu gì?

- Giá trị: trả lời cho câu hỏi Điều gì là quan trọng đối với tôi?

Giá trị là những tiêu chuẩn, quy tắc hay phẩm chất có ảnh hưởng tới các lựa chọn trong suốt cuộc đời bạn và cung cấp các chỉ dẫn cho bạn để đánh giá các lựa chọn. Việc quan sát các giá trị của bản thân và đưa ra các quyết định lựa chọn phù hợp dựa trên các giá trị đó là yếu tố then chốt đối với sự thỏa mãn trong công việc. Bạn cần thiết phải xác định các giá trị có ý nghĩa đối với bản thân mình. Ví dụ như: tạo nên sự khác biệt là một giá trị trong nghề nghiệp mà rất nhiều người hướng tới. Tuy nhiên giá trị này có ý nghĩa đối với mỗi người như thế nào thì lại rất khác nhau. Bạn muốn tạo sự khác biệt trong việc bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên, hay trong việc giúp mọi người tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hay trong việc cải cách chính sách nhập cư, hay trong việc tạo ra các sản phẩm chất lượng về âm nhạc,...? Một lần nữa, quan sát bản thân và ghi chép lại sẽ giúp bạn dần có cái nhìn rõ ràng hơn về những giá trị của mình trong cuộc sống nói chung và trong công việc nói riêng.

Bước 2: Nhận diện và Nghiên cứu các lựa chọn [Identify and Research options]

Có những nghề nghiệp rất phổ biến trong xã hội mà bất kỳ người nào cũng biết, ví dụ như bác sĩ, giáo viên, luật sư... Tuy nhiên trên thực tế, có hàng ngàn công việc khác được tạo ra mỗi ngày cùng với sự phát triển của xã hội và thị trường lao động. Một khi bạn đã hoàn thành việc tự đánh giá bản thân trên các yếu tố tính cách, kỹ năng, sở thích và giá trị, thì đây là lúc mà bạn bắt đầu dành thời gian khám phá các lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân. Hãy đi theo sự tò mò của bạn và đừng giới hạn mình trong những nghề nghiệp bạn cảm thấy quen thuộc.

Nguồn ảnh: //www.flexjobs.com

Các thông tin cần thiết cho công cuộc khám phá nghề nghiệp này có thể thu được từ rất nhiều nguồn khác nhau thông qua internet, websites, mạng xã hội, các trung tâm tư vấn nghề nghiệp, các diễn đàn, hội thảo chuyên ngành, báo chí truyền thông, các tổ chức chuyên môn, các học giả, người có nhiều kinh nghiệm trong ngành Kiến thức về bản thân mà bạn thu được qua quá trình tự đánh giá ở bước một sẽ rất hữu ích trong việc nhận diện các lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bạn. Hãy cố gắng tìm hiểu các khao khát nghề nghiệp của mình, xác định các mục tiêu cá nhân và tận dụng các nguồn lực sẵn có để đạt được chúng.

Bước 3: Đánh giá và Ưu tiên để đưa ra quyết định [Evaluate and Prioritize]

Sau khi nghiên cứu các lựa chọn nghề nghiệp và có được hiểu biết tổng quan cũng như cụ thể về những nghề nghiệp phù hợp, bước tiếp theo của bạn là đánh giá. Bạn cần liệt kê và cân nhắc các ưu điểm và nhược điểm của nghề nghiệp đó, xem xét mức độ tương ứng của những yếu tố đó với con người bạn [tính cách, giá trị, sở thích, kỹ năng] và với những gì bạn mong muốn. Hãy sử dụng những câu hỏi dưới đây để định hướng cho mình:

  • Phản ứng ban đầu của tôi đối với ngành nghề/lĩnh vực đó sau khi tìm hiểu?
  • Điều gì làm tôi cảm thấy hứng thú đối với lĩnh vực đó? Điều gì không làm tôi cảm thấy hứng thú? Hãy liệt kê những ưu điểm và nhược điểm?
  • Có thông tin nào mà tôi tìm hiểu được làm tôi cảm thấy ngạc nhiên không? Tôi có học được thêm điều gì về lĩnh vực đó sau khi tìm hiểu mà trước đó tôi không hề biết? Kiến thức mới này có ảnh hưởng như thế nào đối với suy nghĩ của tôi lĩnh vực nghề nghiệp này?
  • Kỹ năng, kiến thức hay trải nghiệm nào mà tôi cần giỏi khi hoạt động trong lĩnh vực này? Tôi có đủ hứng thú đối với lĩnh vực đó để phát triển thêm kỹ năng hay kiến thức không?
  • Với bất kỳ lĩnh vực nghề nghiệp nào, luôn luôn xuất hiện một loạt những kiến thức và kỹ năng cần phát triển để có thể thực hành thành thạo. Tôi có sẵn sàng dành đủ thời gian và nỗ lực rèn luyện các kỹ năng, kiến thức này để trở nên thành công và đạt được thành tựu trong lĩnh vực đó không? Sự hứng thú của tôi đối với lĩnh vực này ổn định hay chỉ là thoáng qua?
  • Cân nhắc những gì mà bạn tìm hiểu được qua quá trình tự đánh giá bản thân. Có những khía cạnh nào thuộc nghề nghiệp này phù hợp với con người bạn hơn những nghề nghiệp khác?
  • Bạn có nghĩ rằng bạn sẽ cảm thấy thỏa mãn khi làm trong lĩnh vực hay vị trí này? Tại sao và tại sao không?
  • Bạn cần phải có sự thích nghi như thế nào đối với lĩnh vực nghề nghiệp này? Trên thực tế, không có nghề nghiệp nào phù hợp với bạn 100%, chắc chắn sẽ có những khía cạnh nghề nghiệp mà bạn không mong muốn. Tuy nhiên phần trăm những điều không mong muốn ấy có ở trong mức độ chấp nhận được của bạn hay không, hay nó sẽ ảnh hưởng tới sự thỏa mãn nghề nghiệp lâu dài của bạn?

Nếu như sau quá trình nghiên cứu và đánh giá, bạn thấy rằng có những lĩnh vực nghề nghiệp không phải dành cho mình, thì điều này hoàn toàn bình thường. Sau tất cả, mục đích của bước này là nhằm giúp bạn tìm ra được một lĩnh vực tương ứng với bản thân. Nếu không phù hợp ở lĩnh vực này, hãy bỏ qua nó và tìm hiểu lĩnh vực khác. Còn nếu như bạn không có ấn tượng mạnh mẽ ở bất cứ lĩnh vực nào, thì bạn cần thực hiện một số cuộc phỏng vấn với những người đang làm việc trong ngành để có thêm góc nhìn, hoặc thử một số công việc thực tập, làm thêm để có được trải nghiệm cần thiết. Hãy nhớ rằng các vị trí thực tập/làm thêm này có thể có các yếu tố ít được bạn mong đợi hơn, nhưng nếu như đây là bước đi đầu tiên trong việc xây dựng sự nghiệp bạn mong muốn, thì nó có thể xứng đáng để thực hiện. Bạn cần phải nghĩ xa hơn việc có được công việc đầu tiên, và hướng tới các vị trí lâu dài để xây dựng sự nghiệp.

[Còn tiếp]

MVN

Video liên quan

Chủ Đề