Mực nước DBT là gì

Viên ngọc xanh trên đảo Phú Quốc, nguồn cung cấp nước ngọt duy nhất trên đảo. Thiết kế, thi công xây dựng và một vài suy ngẫm về cách tiêu phí tiền của cộng với sự phá vỡ cái đẹp của viên ngọc này. Ngày 8 tháng 6 năm 2014.

HỒ CHỨA NƯỚC DƯƠNG ĐÔNG - nhìn từ Google earth - Các ảnh dưới

1.Giới thiệu chung:

     Trước khi sân bay  mới đi vào vận hành, những ai đi ra Phú Quốc bằng máy bay, gấn tới nơi sân bay cũ sẽ nhìn thấy một hồ nước trong xanh, rất đẹp, mái hạ lưu đập đất được trồng cỏ xanh rì, với hàng chữ màu trắng trên mái đập: HỒ DƯƠNG ĐÔNG.Việc thiết kế, thi công, sửa chữa nâng cấp, đặc biệt công tác sử lý chống thấm tầng cát khá dày là những vấn đề Khoa học, vấn đề xã hội, kinh tế đáng để suy ngẫm.

     Năm 1994, để giải quyết khó khăn thiếu vật liệu đắp đập, và phải thi công đập trong mùa mưa để đảm bảo thời hạn tích nước của hồ Hòn Chông [huyện Kiên Lương-tỉnh Kiên Giang] , tôi được mời tham gia và giải quyết vấn đề này bằng giải pháp cải tạo thành phần hạt của vật liệu đắp đập. Biện pháp đơn giản là trộn đất có thành phần sét cao với cát có khá nhiều ở lòng hồ. VIỆC THAY ĐỔI  THÀNH PHẦN HẠT đất đắp đảm bảo việc thi công đ8áp đập trong mùa mưa vẫn đảm bảo chất lượng.

      Tiếp theo, sau khi sử lý thấm cho hồ Tam Phu Nhân [thị xã Hà Tiên], cung cấp nước ngọt cho thị trấn Hà Tiên thành công, Công ty cấp nước Kiên Giang – giám đốc là ông Sáu Xe đã đề nghị  tìm địa điểm và lập Thiết kế Nghiên cứu khả thi  [bây giờ là lập dự án Khả thi] cho việc cấp nước ngọt cho huyện đảo Phú Quốc- khoảng giữa năm 1995.

      Đảo Phú Quốc [tỉnh Kiên Giang] biên chế thành một huyện đảo riêng biệt, diện tích tự nhiên 575 km2 – nhỏ hơn Singapore vài km2, dân số trên 200 000 người. Đảo chưa có hệ thống cấp nước công nghiệp, ngoài việc sử dụng một số giếng khoan công nghiệp, công xuất vài chục m3/ngày, người dân sử dụng nước mưa và các giếng nước tự đào.

      Giá thành nước dùng cho sinh hoạt trên đảo cực kỳ đắt đỏ, một can nước 40 lít có giá 40 000 đồng- khi đó, giá phòng nghỉ cho 2 người ở khách sạn Hương Biển  [ khu vực nhà ăn bây giờ] cũng chỉ 30 000- 40 000đồng/ngày mà thôi.

      Hồ Dương Đông có dung tích 3 triệu m3 nước, là hồ nước ngọt duy nhất cung cấp cho đảo, được xây dựng do vốn của bộ Nông nghiệp &PTNN, cung cấp nguồn nước 15 000 m3/ngày đêm; nhà máy sử lí và hệ thống cấp nước sinh hoạt do công ty cấp nước Kiên Giang thực hiện.

     Kinh tế Phú Quốc đang phát triển vũ bão, sân bay, bến cảng, khu du lịch, nhà nghỉ khách sạn cao cấp , sân golf .....toàn những dự án lớn .đã đi vào vận hành, thử hỏi các dự án này có ra đời được không nếu không có nước từ hồ Dương Đông.

Hình 2: Ảnh chụp năm 2003. Đập chính hồ Dương Đông khi mới xây dựng xong, hòa cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Ghi chú: Việc gắn tên hồ trên mái đập Dương Đông là lần đầu tiên ở Việt Nam [năm 2001] - chắc chắn là vậy. Ý tưởng xuất phất từ anh em đơn vị Thiết kế, thi công và BQL khi ngồi trên máy bay nhìn xuống đập.

2-Quá trình thiết kế, thi công, một số giải pháp kĩ thuật đặc biệt.

Quá trình lập thiết kế NCKT, thiết kế KT và bản vẽ thi công thời đó khá phức tạp bởi khó tìm được một nơi có địa hình tốt để xây dựng hồ chứa và gặp tầng cát rất sâu tại nơi tuyến đập dự kiến chọn. Việc chống thấm nền là vô cùng khó khăn nếu không có sự áp dụng tiến bộ KHKT sử lí nền mới.

Việc tìm vị trí xây dựng hồ Dương Đông được lựa chọn dựa trên bản đồ không ảnh tỷ lệ 1:50 000. Đầu tiên, hai vùng tuyến được quan tâm nhất là tuyến đập cầu Trắng trên rạch Cửa Cạn và tuyến đập trên nhánh phải của rạch Dương Đông [tuyến được xây dựng hiện nay]. Tuyến đập chọn có dung tích hồ vừa phải , đáp ứng nhu cầu cấp nước tới 20 000m3/ngày đêm, trong khi tuyến Cầu Trắng có quy mô quá lớn so với yêu cầu dùng nước của đảo [dung tích hồ chứa lớn gấp 6 lần hồ Dương Đông].

Năm 1996 thiết kế NCKT hoàn thành, với tổng mức đầu tư trên 45 tỷ đồng, tỉnh Kiên Giang thấy rằng đó là một CT có chi phí quá mức chịu đựng của tỉnh. Trong buổi báo cáo kĩ thuật cuối cùng, người chủ trì cuộc họp là bí thư tỉnh ủy Hoàng Việt chính thức kết luận thông qua dự án và đề xuất tư vấn thiết kế báo cáo và xin bộ Nông nghiệp đầu tư vào công trình này.

Năm 1997, trong buổi báo cáo dự án ngăn mặn An Minh – An Biên, trong giờ giải lao, tôi có đề xuất ý kiến của tỉnh Kiên Giang với thứ trưởng bộ NN&PTNN Phan Sỹ Kỳ, ông cho phép lập một bộ hồ sơ hoàn chỉnh nộp Cục quản lý XDXB. Sau khi ông Phan Sỹ Kỳ nghỉ hưu, thứ trưởng Phạm Hồng Giang tiếp tục cho phép tiến hành các bước theo trình tự XDXB hiện hành.    

Việc thông qua dự án bị một vướng mắc lớn là đập đất đồng chất của hồ chứa nằm trên tầng cát dày tới 20m, phải đưa ra được biện pháp chống thấm hợp lý. Nếu dùng biện pháp thông thường đã có ở Việt nam bấy giờ như khoan phụt, đào hào bằng các thiết bị gầu đào hiện có là không khả  thi. 

Từ khi hoàn thành thiết kế , rồi sau hơn một năm hồ sơ Nghiên cứu khả thi mới được duyệt, lý do chính là việc làm tường chống thấm [TCT] bằng biện pháp đào hào trong dung dịch Bentonite tại đập Dầu Tiếng thành công – tháng 12 năm 1999 do công ty Bachydoletanche [Pháp] thực hiện. Giải pháp này sẽ được áp dụng để sử lý thấm tầng cát dày dưới đập.

Việc thi công TCT để sử lí thấm nền đập Dương Đông được giao cho chính cho đơn vị thiết kế đảm nhiệm. Đây là trường hợp đầu tiên của ngành thủy lợi, một chủ nhiệm thiết kế công trình, trưởng ban chỉ huy công trường thi công sử lí nền là một người, vừa đá bóng, vừa thổi còi, cái đáng kỵ thời bấy giờ. 

Cuối cùng thì một cái hồ chứa có khả năng cung cấp nước 15 000m3/ngày đêm cũng hoàn thành, thực sự là viên ngọc quí trên đảo Phú Quốc, một chút tự hào cho những người đã tham gia làm nên công trình này.

3- Những điều suy ngẫm.

Giải pháp kĩ thuật chống thấm nền bằng TCT như ở Dầu Tiếng đã được duyệt, nhưng để người Việt Nam thi công là vấn đề khác, mà  ngay bây giờ mình thấy không thể tưởng tượng được sự nhiêu khê của nó.

Giải pháp này đối với Việt  Nam là mới, nhưng thế giới thì không, kỹ thuật xây dựng cũng đơn giản, tuy vậy, chính là người Việt mình tự làm nó rắc rối bởi điều kiện được chỉ định thầu, rắc rối bởi những suy nghĩ bảo thủ, nghi kỵ cá nhân....

Tổng dự toán của công tác thi công TCT chỉ 5, 7 tỷ mà muốn được chỉ  định thầu ngoài các điều kiện như : công trình quốc phòng, áp dụng công nghệ KHKT mới…..còn phải được Chính phủ đồng ý trước, sau đó ủy nhiệm bộ Nông nghiệp &PTNT ra văn bản giao thầu.

Ít nhất hai buổi báo cáo tại bộ Kế hoạch đầu tư sau khi đã có hàng nửa tá cuộc họp xung quanh bộ, thời gian kéo dài hàng năm, cuối cùng thì nhà thầu thi công mới được chỉ định, và tường chống thấm đã hoàn thành tháng 3, hồ tích đầy nước tháng 6 năm 2001, quyết toán công tác sử lý nền chỉ còn 5,4 tỷ đồng, giảm 300 triệu so với dự toán duyệt.Từ thiết kế đến khi hồ tích nước đằng đẵng ....5 năm trời. Một mô hình quản lý trì trệ, kìm hãm phát triển mà cũng chẳng chống được sự thất thoát kinh tế đang hơi hướng phát triển. 

Nhiều chuyến xà lan loại 500 tấn chở hệ thống cung cấp thiết bị, vật liệu, cần cẩu 70 tấn, máy xúc…..đi về gần nghìn km từ thành phố Hồ Chí Minh ra đảo, hơn một năm trình duyệt đồ án, hàng chục cuộc họp tại trung ương, địa phương xong một công việc chỉ vẻn nẹn có giá thành 5,4 tỷ, mới trả lời tại sao mà các công ty, xí nghiệp của Việt Nam ta không thể lớn nổi.

Mưa lưu vực rất lớn mức 3000 mm/năm, nguồn nước đến hồ đạt mức 3 - 4 lần lượng nước hiện nay thu gom được. Đáng lẽ ra, trên các đảo xa, nơi nguồn nước , điều kiện địa hình hạn chế nên thiết kế những hồ chứa có khả năng trữ nước tối đa bằng cách hạ thấp tần xuất đảm bảo trong bài toán cân bằng nước, nâng cao tiêu chuẩn cấp nước, không hạn chế đầu bài theo nhóm từ “theo quy hoạch được duyệt” như thời đó thì quy mô hồ chứa sẽ lớn hơn nhiều. Chính cái cụm từ "Quy hoạch được duyệt" này làm thiệt hại kinh tế không biết là bao nhiêu.

Xung quanh "quy hoạch được duyệt" có câu chuyện cười ra nước mắt. Đó là, muốn xin được vốn bộ Nông Nghiệp, trong nhiệm vụ công trình ít nhất phải có chữ "tưới" ruộng nào đó. Vì vậy, phải đưa nhiệm vụ tưới 300 ha cây tiêu vào nhiệm vụ dự án. Hăng hái nhất là ông Lịch, phó giám đốc sở NN & PTNN đứng lên phát biểu là khu vực đó gần thị trấn, chắc chắn cây tiêu không có đất sống. Ý ông ta đúng hoàn toàn. Nhưng giữa cuộc họp, ông được chủ tọa buổi trình duyệt dội gáo nhước lạnh: ông là lãnh đạo nông nghiệp mà không biết rằng muốn xin được vốn bộ "tưới tiêu" là phải có nhiệm vụ tưới ở trong đó chứ.....

Bây giờ hai ông nêu trên đều còn sống, 300ha tiêu không còn  tồn tại thật, kết quả tất nhiên là ý lãnh đạo hoàn toàn đúng vì mục tiêu có nguồn nước quí giá cho dân, ông phó giám đốc sở vẫn bị coi là sai vì không hiểu nhiệm vụ của chính ông phải làm theo nghị quyết ở trên ....chứ đâu phải kĩ thuật đơn thuần. Làm kĩ thuật thời đó có giỏi mấy  thì tai ương cũng có thể giáng lên đầu bất cứ lúc nào. Một thời gian sau cuộc họp này, ông Lịch chuyển về làm chủ tịch huyện Hòn Đất thì phải. Về góc độ người viết thuyết minh kĩ thuật dự án, tôi vẫn chấm cho ông Lịch hoàn toàn đúng....

Chỉ tiếc là quy mô hồ Dương Đông qúa nhỏ so với nhu cầu dùng nước tương lai và tiếc tiền thiết kế phí - đáng lẽ nhiều hơn. Cái may là dù sao đã rút ra được bài học tốt cho những người làm KHKT, và cũng mừng là nhiều quy định về XDCB  nay đã có nhiều thay đổi....

Việc tách hai hạng mục cho hai ngành khác nhau quản lý là sai lầm, kiểu chia mâm, chia bát:  : Nguồn nước – hồ Dương Đông do ngành Nông nghiệp & PTNT quản lý, phần sử lý nước, cấp nước, thu hồi vốn do ngành cấp nước quản lý đã làm cho việc quản lý, vận hành hồ chứa không hiệu quả. Bên NN & PTNN muốn giữ một phần của công trình trong khi bên Cấp nước thì sẽ có nhiều thuận tiện hơn trong kinh doanh nước nếu chuyển quyền quản lý về cho họ. Biết làm sao được, vì hồ Dương Đông đang là cây khế nhả vàng...mà. 

Hình 3: Ảnh chụp năm 2001. Thi công tường chống thấm, cứu cánh cho giải pháp chông thấm nền đập Dương Đông, người áp dụng đầu tiên ở Việt Nam: Nguyễn Văn Tăng.

* Thực ra, các ông  Hiệu trưởng trường đại học Thủy Lợi, Vụ phó Vụ XDCB ra công trường mục đích là lần đầu tiên là để nhìn thấy công nghệ lạ làm tường chống thấm bằng biện pháp đào hào trong dung dịch bentonite mà thôi - hình trên.

4- Một việc làm  theo cách "đau bụng cho uống thuốc cảm"  của tỉnh Kiên Giang đối với việc nâng cấp hồ Dương Đông năm 2011.

Năm 2011, lấy tiêu đề nâng công xuất cấp nước của hồ chứa từ 15 000m3/ngày đêm lên 20 000 m3/ngày đêm, tỉnh Kiên Giang đã đầu tư trên 40 tỷ đồng để nâng cấp hồ chứa.Họ đã quá lãng phí.

Nâng công xuất cấp nước, việc làm chính là nâng dung tích hồ chứa [khoảng 1,2 triệu m3], bằng cách nâng mực nước dâng bình thường thêm 2,5m, hay chỉ 1,5m so với cao trình phai trên đỉnh tràn đã được thiết kế ban đầu -tức là nâng mực nước DBT từ +23,3 lên +24,8.

Khi nâng mực nước dâng bình thường thêm 2,5m , có nghĩa, cột nước trước đập cao thêm, dẫn đến hệ số ổn định đập đất, ổng định tràn....trước đây không phù hợp, hay nói cách khác, phải có giải pháp công trình để nâng hệ số ổn định lên tương ứng.

 Tuy nhiên, năm 2011, họ đã đầu tư  40 tỷ đồng nhưng chưa có động tác nào cải thiện thêm độ ổn định đập đất và đập tràn cả, cụ thể:

- Lát mái hạ lưu đập bằng tấm BT có lỗ để trồng cỏ  tiêu tốn trên 6 tỷ đồng, chẳng đóng góp gì cho việc nâng hệ số an toàn đập, các cụ nói, dán bùa ...cho mèo. Trong khi về thẩm mỹ, trong khung cảnh đất đảo thiên nhiên hoang dã, nhìn những tấm bê tông khô cứng, khấp khểnh, ghẻ lở, rất thảm hại - Xem hình 4.  

- Họ cho thiết kế phụt nút kép bằng vật liệu sét + Ximăngđể chống thấm thân đập tốn kém 18 tỷ đồng là phản khoa học, vì đất đắp đập ở đây có thành phần hạt sét [D=0,005 mm] mức 16%-38% thì việc phụt ximăng+Bentonite  [hạt D=0,05mm - 0,08 mm] là không thể. Trừ phi thân đập có vết nứt [tham khảo bài viết về khoan phụt nút kép trong website này], tạo nên tình trạng thấm ra hạ lưu lớn bất thường thì biện pháp khoan, phụt sét sẽ HIỆU QUẢ và cần thiết. Thực tế này đã chứng minh ở đập Tam Phu Nhân [Kiên Giang], Dầu Tiếng,đập Easup Hạ [Đák Lăk].

Nhưng ở đập Dương Đông chưa có hiện tượng thấm bất thường, chưa xuất hiện các điểm lộ thấm nền hay  ở mái đập thì biện pháp khoan phụt là không hiệu quả, tốn tiền thuế của dân.

Chỉ  không cần làm hai việc trên, dự án đã tiết kiệm 30 tỷ đồng so với 40 tỷ họ đã tiêu tốn. Với 30 tỷ đồng họ đã không mảy may cải thiện một chút nào các thông số ổn định công trình đập đất cũng như đập tràn.Theo các cụ xưa, có thể nói các giải pháp kỹ thuật nâng cấp do Sở NN & PTNT thực hiện là là "đau bụng cho uống thuốc cảm".

- Sửa chữa đập tràn xả lũ chủ yếu là làm cửa van 2,9m * 15m bằng thép, nâng giàn kéo  van và lấp nhét những hố sạt lở đuôi tràn sau mấy năm vận hành, không có bất kỳ động tác nào nhằm nâng cao hệ số ổn định như ổn định trượt, lật. Chi phí này  hợp lý, nhưng chiếm tỷ lệ chẳng đáng là bao [25%] - xem hình 7.

Từ nhận xét trên, có thể đưa kết luận rằng, thiết kế gia cố mái hạ lưu đập, khoan phụt chống thấm thân đập không có nhu cầu trong nhiệm vụ nâng quy mô tích nước hồ chứa, chỉ nhằm mục đích tiêu tốn tiền tiền thuế của dân. 

- Hồ sơ thiết kế nâng cấp hồ chứa đợt này vẫn chưa triệt để nhằm tận dụng  tiềm năng sinh thủy của lưu vực hồ chứa và chưa xét toàn diện sự phát triển tiếp theo của đảo Phú Quốc dẫn đến xuất đầu tư quá thấp. Mai này chắc sẽ có một dự án nâng cấp nưa được đề xuất. Lỗi này thuộc Sở NN và PTNT, cơ quan tham mưu của tỉnh.

- Cũng nhắc lại thêm một lần nữa là, những năm cuối của thế kỷ trước, người ta chỉ duyệt dự án khi có quy hoạch được duyệt, mà quy hoạch được duyệt chỉ nêu đầu bài cho một thời gian hạn định mức 10 - 15 năm. Vì vậy hồ Dương Đông chỉ được thiết kế mức 10 000m3/ngày, "lách luật" bằng cửa tràn có thả phai cao 1m để đạt khả năng cấp nước 15 000m3/ngày đã là một lối mở cho quy mô hồ chứa rồi.

- Bao giờ lại có một sự án "sửa chữa nâng cấp" [giai đoạn 2] nữa đây......Sự dốt nát về chuyên môn của tỉnh đã bao biện cho lợi ích nhóm ở tỉnh này. 

5- Các hình ảnh minh họa.

Hình 4: Ảnh chụp  sau nâng cấp.Mái hạ lưu đập mới rất mất thẩm mỹ, chẳng bổ sung thêm một chút nào cho khả năng ổn định [trượt, sạt, kể cả ổn định thấm].

Hình 5: Bản vẽ đập đất nâng cấp, họ chỉ bổ sung thêm khoan phụt chống thấm thân đập, việc này không thuyết phục về kĩ thuật, tốn kém tiền của nhà nước.

Ghi chú: Nhìn ảnh trên, tỉnh Kiên Giang đã chọn giải pháp chống thấm để gọi là nâng cao ổn định và chống thấm cho thân đập đất là hoàn toàn không phù hợp về lý thuyết sử lí nền đất. 

Hình 6: Ảnh chụp sau nâng cấp. Tràn xả lũ được bổ sung van, dàn kéo van, trong khi chẳng cần làm gì thêm để tăng khả năng chống trượt, chống lật, nhìn tổng thể rất xấu. Nhìn kỹ vẫn thấy tường biên mốc đen, nhem nhuốc....

Hình 7: Bản vẽ thiết kế nâng cấp chỉ bổ sung thêm cửa và giàn kéo van, mọi kết cấu công trình khác không thay đổi - so sánh với hình 8 dưới.

Hình 8- Kết cấu tràn thiết kế ban đầu. Việc néo chặt thân tràn xuống nền bằng các thanh  neo bằng  thép chính là tăng cường độ ổn định trượt, lật khi nâng cao mực nước DBT. Đây chính là giải pháp dự phòng cho việc phải nâng cao mực nước hồ chứa sau này của tác giả thiết kế trước.

Hình 9: Ảnh chụp năm 2003, tràn xả lũ thiết kế ban đầu, mái đập màu xanh, tràn xả lũ nhìn thanh thoát, rất mỹ quan.

Hình 10: Ảnh chụp năm 2003. Tràn Dương Đông đã vận hành với mực nước hồ +23,3 bằng  phai thép cao 1m, dự phòng cho mức sử dụng nước 15 000 m3/ngày [sau này sở cho nâng mực nước hồ lên +24,8, thêm 1,5 m nữa].

Một vài nhắn nhủ đời sau: Đến nay, đã hơn 10 năm, hồ chứa nước Dương đông cần mẫn ngày đêm cung cấp nước cho toàn bộ nhân dân, công nghiệp, du lịch huyện đảo đảo Phú Quốc hiện đại và giàu có. Nguồn nước sạch của lưu vực hồ còn dư rất lớn, vẫn có khả năng nâng cấp công xuất cấp nước tới nhiều lần hiện nay - một lời lưu ý những nhà quản lý chính quyền đảo Phú Quốc. Nước ở đây sẽ ngày càng qúi, hiếm, hãy đừng quên nâng niu, bảo vệ và mở rộng hồ khi cần thiết. Hãy quên những các suy nghĩ thời ấu trĩ ngày xưa" phải Thiết kế theo Quy hoạch được duyệt, một Quy hoạch không xứng tầm vẫn tồn tại bao năm theo nền kinh tế được chủ đạo kiểu Xã hội chủ nghĩa.

Video liên quan

Chủ Đề