Nẹt pô xe là gì

Nẹt pô: Tai nạn đến từ sự thiếu văn hóa

Chủ Nhật, 13/08/2017, 07:42 [GMT+7]

VOVGT - Hành vi nẹt pô, rú ga không những giảm mà còn có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây, tiềm ẩn không ít nguy hiểm cho người đi đường.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Ảnh minh họa

Thời gian qua, tình trạng người điều khiển xe mô tô tham gia giao thông gắn pô xe “cải tiến” tạo ra tiếng nổ rất lớn gây ra nhiều phiền phức, khó chịu cho người dân, thậm chí dẫn đến những vụ ẩu đả nghiêm trọng. Bất bình với tình trạng này, một thính giả lên tiếng:

"Đường thì đông mà cái xe phân khối lớn vẫn luồn lách, vẫn nẹt pô quá trời. Thực sự mình là nam giới còn giật mình chứ đừng nói phụ nữ, người lớn tuổi. Nhiều người vì hốt hoảng với tiếng xe quá to mà loạng choạng ngã. Mà lạ là sao chẳng có ai ra chặn những thanh niên ngông cuồng kiểu vậy".

Bằng động tác bóp côn rồi rồ ga mạnh làm động cơ gầm rú, người điều khiển phương tiện đã tạo nên tiếng nẹt pô trong khi xe không di chuyển hoặc chạy chậm. Tùy theo từng loại xe, tùy theo cách cải tiến mà có tiếng "nẹt pô" khác nhau, nhưng nhìn chung đều là âm thanh rất to và khó chịu do tiếng động cơ gây ra. Đặc biệt vào ban đêm, các đối tượng, chủ yếu là thanh, thiếu niên chạy xe có gắn pô “cải tiến” thường lao với tốc độ cao, cố tình gây chú ý bằng cách nẹt pô, rú ga liên tục khiến không ít tai nạn giao thông xảy ra.

Mới đây nhất, tối ngày 30/7, Đặng Thanh Sơn, 29 tuổi, ở phường Mỹ Long, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang dùng xe máy chở bạn là Trần Quốc Việt. Khi chạy đến trước một quán nhậu, Sơn làm rơi mũ bảo hiểm nên dừng xe lại để Việt xuống nhặt lấy. Lúc này, Sơn nẹt pô xe liên tục khiến nhiều thanh niên ngồi trước quán nhậu nhìn anh ta với ánh mắt khó chịu.

Không những không xuống nước, trái lại, với tính cách côn đồ, Sơn cho rằng những người này "nhìn đểu" mình nên nhìn vào quán và chửi thề khiến nhóm thanh niên đang nhậu chạy ra đuổi đánh Sơn và Việt. Sơn bỏ chạy đến cửa hàng phụ tùng máy nông nghiệp thì gục xuống tử vong. Còn Việt bị nhóm côn đồ đâm nhiều nhát ở vai, được người dân xung quanh đưa đi cấp cứu nên thoát chết.

Trước đó, ngày 27/6, Nguyễn Tuấn Kiệt, 22 tuổi, ngụ xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang lái xe gắn máy chở bạn chạy trên huyện lộ 26B nẹt pô inh ỏi. Khi đến đoạn thuộc xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo, Kiệt vượt qua xe của một nam thanh niên đang chạy cùng chiều. Thấy vậy, nam thanh niên từ phía sau tăng ga vượt lên, yêu cầu anh Kiệt dừng xe nói chuyện. Trong lúc xô xát, Kiệt bị thanh niên này dùng vật sắc nhọn đâm trúng ngực, dẫn đến tử vong. Một vụ ẩu đả khác xảy ra tại Bình Thuận đầu tháng 6 vừa qua khiến một nam thanh niên tử vong cũng bắt nguồn mâu thuẫn do tiếng nẹt pô. Liên quan đến tiếng nẹt pô xe, nhiều thính giả bày tỏ nỗi lo khi có không ít vụ việc mâu thuẫn, ẩu đả liên tiếp xảy ra thời gian gần đây:

"Nó không khác gì tiếng khoan nhưng mức độ lớn gấp nhiều lần, nếu xe đó mà đến gần thì chẳng khác gì bị khoan vào tai. Tôi nghĩ phải xử lý thế nào chứ để đám thanh niên đó ngang nhiên thách thức mọi người như vậy không chấp nhận được. Như thế người tham gia giao thông làm sao được bảo đảm an toàn."

"Chơi xe phân khối lớn là chính đáng, văn minh, lành mạnh nhưng phải đảm bảo an toàn cho chính bản thân và người đi đường. Ra đường mà không tôn trọng người khác mà nẹt pô sẽ gây rất khó chịu cho người đi đường."

Theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 01/08/2016 thì: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như bấm còi, rú ga [nẹt pô] liên tục trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định. Nhiều người cho rằng mức phạt này còn quá nhẹ, và chưa đủ tính răn đe. Ông Vũ Đình Nam, sống tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết:

"Tôi thấy là cái trò nẹt pô này bị xử phạt có 100.000-200.000đthì không thấm vào đâu so với những hậu quả nó gây ra. Chỉ cần nghe tiếng nẹt pô từ xa mà mình đã thấy hoảng hồn không biết nên dẹp vào lề đường ngay không hay giữ nguyên làn để tránh cái xe đó lao tới. Mà thực tế tôi thấy những đối tượng này cũng rất ít bị xử phạt, vậy thì khác gì là đặt mức phạt cho có. Với những nguy hiểm mà hành vi này gây ra thì xử phạt hành chính như vậy là còn rất nhẹ, và chắc chắn sẽ còn nhiều vi phạm như thế diễn ra."

Nhìn nhận về đề xuất này, Luật sư Lê Minh Trường, giám đốc Công ty Luật Minh Khuê cho rằng, nếu không có những biện pháp nghiêm khắc hơn thì chắc chắn tiếng nẹt pô sẽ còn tiếp tục gây án. Tuy nhiên, tăng nặng chế tài xử phạt hành chính không phải là cách thức hiệu quả để răn đe những đối tượng thực hiện hành vi này mà cần các biện pháp thực chất hơn như tạm giữ phương tiện, tháo bỏ thiết bị cải tiến. Quan trọng hơn, cần tăng cường giáo dục nhận thức đối với các đối tượng, chủ yếu là thanh thiếu niên. Luật sư Lê Minh Trường phân tích:

"Trong nhiều năm qua, trong các Nghị định đã điều chỉnh thì điều chúng ta đều thấy là đã có sự tăng nặng hình phạt nhưng vi phạm của người dân thì chưa có sự biến chuyển nhiều. Tôi cho rằng việc tăng nặng, giảm nhẹ, hay thực thi phải đảm bảo có sự tuân thủ của người dân. Không phải cứ tăng nặng hình phạt là có hiệu quả. Trong trường hợp này, đa phần đối tượng vi phạm là thanh thiếu niên, nên cần có biện pháp mang tính chất giáo dục nhiều hơn là xử phạt. Bởi khi xử phạt thì bố mẹ họ là người phải trả khoản tiền này và nó không tác động trực tiếp vào đối tượng vi phạm là thanh thiếu niên. Chúng ta cần cân nhắc các giải pháp như: tạm giữ phương tiện, thông báo về gia đình hoặc các giải pháp pháp lý khác. Quan trọng hơn là sự vào cuộc của cơ quan chức năng. Bởi nếu như cải tiến và lắp các loại pô không đúng quy chuẩn thì hoàn toàn có căn cứ tạm giữ phương tiện và yêu cầu thay thế thiết bị để tránh tái phạm. Còn nếu cứ chăm chăm vào việc tăng nặng hình thức xử phạt thì như thế chưa chắc hiệu quả đã cao."

Có quá nhiều phiền toái, rủi ro và hệ lụy nảy sinh từ hành vi nẹt pô và ý thức của người thực hiện hành vi này. Dẫu vậy, chế tài xử phạt với mức phạt thấp hiện nay chưa đủ để răn đe các đối tượng coi thường sự an toàn của người tham gia giao thông và thách thức luật pháp. Rõ ràng, còn cần cả những biện pháp mang tính giáo dục, tác động trực tiếp đến quyền lợi của người điều khiển phương tiện mới mong có sự thay đổi thực chất trong nhận thức của người lái xe.

Video liên quan

Chủ Đề