Nếu các hình thức của giáo dục thể chất trong trường Đại học

Công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học còn nhiều khó khăn

Tuesday, August 20, 2019 [GMT+7] 12303 Lượt xem
Categories: Giáo dục đào tạo

Trong những năm qua, ngành Giáo dục & Đào tạo đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trong trường học ở tất cả các cấp học từ bậc mầm non đến Đại học, nhằm góp phần giúp học sinh, sinh viên hình thành kỹ năng vận động, phát triển thể lực một cách toàn diện, đảm bảo thực hiện mục tiêu của giáo dục là phát triển toàn diện con người về đức - trí - thể - mỹ. Tuy nhiên, công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học hiện nay còn nhiều khó khăn, bất cập nên chất lượng chưa cao.

Vũ đạo giải trí là môn thể thao phát triển mạnh mẽ tại các trường học [Ảnh: VD]
Thực trạng công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học

Giáo dục thể chất trong trường học là nội dung quan trọng, góp phần rèn luyện thể lực cho học sinh, từ đó nâng cao tính tự giác, chủ động rèn luyện, giúp các em đảm bảo sức khỏe cho hoạt động học tập và phát triển thể lực, góp phần đào tạo con người toàn diện đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước.

Nghị quyết số 08/NQ-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020 đã nhấn mạnh "Thực hiện tốt giáo dục thể chất theo chương trình nội khóa; phát triển mạnh các hoạt động thể thao của học sinh, sinh viên, bảo đảm mục tiêu phát triển thể lực toàn diện và kỹ năng vận động cơ bản của học sinh, sinh viên và góp phần đào tạo năng khiếu và tài năng thể thao" và để công tác giáo dục thể chất cũng như thể thao trong trường học đạt hiệu quả cần phải "Đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục thể chất, gắn giáo dục thể chất với giáo dục ý chí, đạo đức, giáo dục quốc phòng, giáo dục sức khỏe và kỹ năng sống của học sinh, sinh viên. Đãi ngộ hợp lý và phát huy năng lực đội ngũ giáo viên thể dục hiện có, mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, hướng dẫn viên thể dục cho trường học; củng cố các cơ sở nghiên cứu khoa học về tâm sinh lý lứa tuổi và thể dục, thể thao trường học".

Thực hiện Công tác GDTC, thể thao trường học thời gian qua mặc dù được các địa phương, nhà trường quan tâm thực hiện và đạt một số kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, thực tế cho thấy chất lượng công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học còn ở mức thấp.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đội ngũ giáo viên, nguồn nhân lực đảm nhiệm vai trò giảng dạy bộ môn giáo dục thể chất trong các trường hiện nay cả nước có gần 80.000 giáo viên thể dục thể thao, trong đó có khoảng 74% giáo viên chuyên trách và 26% giáo viên bán chuyên trách. Cùng với đó, hệ thống cơ sở vật chất tuy đã có sự đầu tư, quan tâm nhưng vẫn còn nhiều khó khăn khi ở cấp Tiểu học có 17% số trường có nhà tập thể dục thể thao, 15% số trường có sân tập thể dục thể thao; cấp Trung học cơ sở có 12% số trường có nhà tập thể dục thể thao, 15% số trường có sân tập thể dục thể thao; cấp Trung học phổ thông có 30% số trường có nhà tập thể dục thể thao, 15% số trường có sân tập thể dục thể thao.

Như vậy, cả nước hiện có 80% số trường tiểu học, THCS và THPT thiếu nhà tập thể dục, thể thao;99,6% số trường thiếu bể bơi; giáo dục đại học có 36% số trường thiếu nhà tập luyện thể dục, thể thao và thiếu bể bơi là 87%...Trong khi đó, mục tiêu mà đề án phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020 đặt ra là có ít nhất 80% trường mầm noncó sân chơi, phòng học giáo dục thể chất được trang bị đủ thiết bị, đồ chơi vận động cho trẻ em theo quy định; có ít nhất 85% trường tiểu học, trung học cơ sở và 95% trường trung học phổ thông có sân tập; 60% trường tiểu học, 70% trường trung học cơ sở và 80% trường ttrung học phổ thông có nhà tập đa năng được trang bị đủ tiêu chuẩn. 90% cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 95% cơ sở giáo dục đại học có sân tập

Ngoài ra, đội ngũ giáo viên thể dục giáo dục phổ thông còn thiếu về số lượng, cơ cấu chưa đáp ứng yêu cầu. Trong đó, cấp tiểu học chỉ có khoảng 20% số trường có giáo viên chuyên trách; hơn 90% giờ học thể dục ở cấp tiểu học do giáo viên kiêm nhiệm giảng dạy. Bên cạnh đó, cấu trúc nội dung chương trình môn học Giáo dục thể chất của các cấp học cấu trúc chưa cân đối, nhiều nội dung còn mang nặng tính kỹ thuật.

Hầu hết các trường dạy chương trình cũ ban hành từ năm 2000, ít các hướng dẫn, các kĩ năng thực hành, không có các hoạt động thể thao ngoại khóa. Một số trường còn xem nhẹ việc thực hiện chương trình môn học Giáo dục thể chất, triển khai chương trình giáo dục thể chất hình thức, kém hiệu quả. Hoạt động thể thao trường học hướng dẫn nội dung còn nghèo nàn, hình thức hoạt động đơn điệu, chưa thu hút được đông đảo lực lượng học sinh tham gia tập luyện thể dục, thể thao. Nguồn lực đầu tư cho công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học chưa đáp ứng yêu cầu.

Nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai trong thời gian tới

Trước thực trạng trên, ngành Giáo dục và Đào tạo đã đặt ra nhiều giải pháp thiết thực, đồng bộ đó là: Cần thay đổi nhận thức về mục đích, vai trò, tác dụng của công tác giáo dục thể chất, thể thao trường học, trước hết là ngay trong ngành Giáo dục, từ đó tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, nhìn nhận giáo dục thể chất, thể thao trường học đóng vai trò quan trọng, là hoạt động vận động không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của mỗi học sinh, sinh viên và các thầy cô giáo.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, để công tác giáo dục thể chất đạt kết quả cần đổi mới nội dung, phương pháp dạy học môn giáo dục thể chất, hoạt động thể thao trường học theo hướng tăng cường thực hành, bám sát khung chương trình môn học giáo dục thể chất trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nhằm tạo hứng khởi, yêu thích đối với người học; tạo điều kiện cho người học được lựa chọn môn thể thao sở trường, yêu thích...

Rà soát, sắp xếp lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên TDTT trong cả nước, trong đó tập trung xây dựng Trường Đại học sư phạm TDTT Hà Nội và Trường ĐHSP Thể thao TP Hồ Chí Minh trở thành các trung tâm nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng về giáo dục thể chất và thể thao trường học của cả nước; tiên phong thực hiện các mô hình giáo dục thể chất mới và là đầu mối kết nối với các địa phương, cơ sở giáo dục để đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên thể dục trên toàn quốc.

Nghiên cứu, đề xuất thành lập Viện nghiên về giáo dục thể chất và thể thao trường học để đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển thể thao trường học; nghiên cứu, đề xuất thành lập trường phổ thông năng khiếu TDTT để ươm tạo những năng khiếu thể thao trong HSSV.

Các trường sư phạm, các cơ sở đào tạo giáo viên TDTT phải đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo theo hướng thiết thực, nhấn mạnh đến trang bị kỹ năng, phát triển phẩm chất của người học và người dạy. Mở rộng đào tạo các chuyên ngành về huấn luyện thể thao, xây dựng, tổ chức các phong trào, câu lạc bộ thể thao, quản lý TDTT. SGK, tài liệu hướng dẫn các môn TDTT phải thiết thực, xây dựng chủ yếu theo hướng thực hành, thiết thực.

Từng bước tăng cường cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học, trong đó đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư cho giáo dục thể chất và thể thao trường học. Trước mắt, vận dụng tối đa điều kiện cơ sở vật chất sẵn có để tổ chức hiệu quả môn học giáo dục thể chất; Chủ động phối hợp với các trung tâm văn hóa thể thao xã/phường, quận/huyện và các câu lạc bộ văn hóa TDTT tại địa phương để đa dạng hóa cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường.

Để thực hiện được các giải pháp trên, trước mắt Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát để ban hành các văn bản nhằm đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa GDTC trong nhà trường, bảo đảm chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Các trường đại học sư phạm thể dục thể thao, khoa sư phạm GDTC tập trung xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng tăng cường kỹ năng cho cả người dạy, người học, kỹ năng xử lý tình huống, tăng thực hành... Trong khi đó, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bám sát mục tiêu, nội dung chương trình, từ đó vận dụng các hoạt động giáo dục thể chất và thể thao một cách linh hoạt, phù hợp điều kiện của địa phương, thể trạng học sinh; tạo sự hứng khởi cho cả người dạy và người học

VD

Khai mạc Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc
Khai mạc giải vô địch Đấu kiếm quốc gia 2019
Print
12303 Rate this article:
4.2
Tags: Tin tức cũ Giáo dục đào tạo

Related articles

  • Bế mạc khóa học giảng viên trọng tài Liên đoàn thành viên FIFA năm 2021
  • Khai giảng lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao kỹ năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực TDTT
  • An Giang phấn đấu đến năm 2030 đạt 90% số trường thực hiện chương trình thể thao ngoại khóa
  • Huyện Chợ Gạo Tiền Giang đẩy mạnh phát triển thể thao học đường
  • Tp. Hồ Chí Minh quan tâm, đầu tư cho giáo dục thể chất và thể thao học đường

Video liên quan

Chủ Đề