Ngày 23 tháng 4 là ngày gì năm 2024

Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 23-4-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 23-4

Sự kiện trong nước

Ngày 23-4-1959, Cục Chính trị BĐBP và 5 phòng trực thuộc Cục Chính trị là Phòng Tuyên huấn, Phòng Tổ chức, Phòng Cán bộ, Phòng Bảo vệ An ninh, Phòng Dân vận (nay là Phòng Vận động quần chúng) được thành lập. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu sự ra đời của một lực lượng trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn và tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị trong lực lượng Công an nhân dân vũ trang trước đây và BĐBP ngày nay.

Từ khi thành lập đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị; trực tiếp là Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP, Cục Chính trị BĐBP không ngừng hoàn thiện tổ chức, biên chế, hướng về cơ sở, bám sát thực tiễn tình hình trên các tuyến biên giới, yêu cầu, nhiệm vụ công tác biên phòng để chủ động làm tốt công tác tham mưu đề xuất, hướng dẫn chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, nội dung công tác Đảng, công tác chính trị trong BĐBP.

Với những đóng góp quan trọng trong xây dựng lực lượng BĐBP, Cục Chính trị BĐBP vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống, Cục Chính trị BĐBP vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.

Ngày 23-4-1966, bộ đội pháo binh ta đã bắn chìm một tốp 3 tàu biệt kích của địch ở vùng biển Quảng Bình. Trong 6 nǎm, từ nǎm 1966 đến nǎm 1972, pháo binh đã bắn cháy hoặc bắn bị thương 32 tàu chiến Mỹ ở ngoài biển thuộc các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Vĩnh Linh, Thanh Hóa và Hải Phòng. Trong chiến công trên, đội nữ pháo binh xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã 4 lần bắn cháy tàu chiến Mỹ, được Bác Hồ gửi thư khen và tặng huy hiệu của Người.

Phan Vǎn Trường - nhà yêu nước, luật sư, từng tham gia các hoạt động dân chủ ở Pháp và Sài Gòn. Ông quê ở xã Đông Ngạc (Từ Liêm, Hà Nội), đậu tiến sĩ Luật khoa ở Pháp và làm luật sư tại Paris một thời gian rồi trở về nước, sinh sống tại Sài Gòn. Ông có liên hệ mật thiết với Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh. Thường bênh vực quyền lợi của nhân dân nên Phan Vǎn Trường được mọi người quý mến. Ông cũng là một trong những người Việt Nam đầu tiên tìm hiểu Chủ nghĩa Mác. Tờ báo L'Annam do ông làm chủ bút có đǎng Tuyên ngôn Đảng Cộng sản cùng loạt bài công kích chủ nghĩa đế quốc. Ông mất ngày 23-4-1933, thọ 58 tuổi. Được tin ông từ trần, Phan Bội Châu rất cảm động và có đôi câu đối điếu ông. Trong đó có câu: "Một kiếp thương tâm" ám chỉ Phan Vǎn Trường cả cuộc đời đau đáu nỗi đau chung là mất nước.

Ngày 23-4-1975, tỉnh Bình Tuy cũ đã được hoàn toàn giải phóng. Sau thắng lợi ở Phan Thiết, các lực lượng vũ trang Bình Tuy chủ động nổ súng đánh chiếm cǎn cứ 6 và 13 của địch. Từ đêm 22-4-1975, quân ta đánh chiếm khu vực Láng Gòn, quân địch ở thị xã Hàm Tân hoàn toàn tan vỡ, xô nhau tháo chạy ra cửa biển Tân Lý. Với thắng lợi của cuộc hành quân thần tốc, đột phá mở đường vào Nam, tiến công tiêu diệt địch ở Phan Rang, Phan Thiết, Hàm Tân, giải phóng các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy, các lực lượng vũ trang của ta đã góp phần quan trọng làm thất bại chiến thuật phòng ngự từ xa của địch ở hướng Đông Bắc Sài Gòn.

Sự kiện quốc tế

Sêchxpia, nhà thơ, nhà soạn kịch, vǎn hào lớn của tư tưởng nhân vǎn trong trào lưu vǎn hóa phục hưng Anh. Ông sinh ngày 23-4-1564. Quá trình sáng tác kịch của Sêchxpia có thể chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu khi lực lượng tiến bộ chống chế độ phong kiến đang giành được một số thắng lợi, ông viết một số hài kịch như: "Giấc mộng đêm hè", "Người lái buôn thành Vơnidơ"... và một số kịch lịch sử. Sau là một số vở bi kịch như: Rômêô và Giuyliét. Giai đoạn thứ hai, thời kỳ chủ nghĩa tư bản thắng thế, nhưng lại làm bǎng hoại đạo đức xã hội, ông sáng tác những vở bi kịch nói lên sự thất vọng về chính trị và phản ánh sự xung đột giữa cá nhân với xã hội như: Hǎmlét, Ôtenlô, vua Lia. Giai đoạn thứ ba, ông trở lại khuây khỏa với những bi kịch hoang đường tuy nội dung vẫn mang tính chất xã hội và có phê phán, tư duy sâu sắc.

Sêchxpia đã nói lên nguyện vọng, hoài bão của nhân dân, đề cao quyền tự do của con người, đòi quyền sống, quyền yêu đương, quyền được hạnh phúc trong các vở kịch của mình.

Vào ngày 23-4-1988, một tay đua xe đạp Hy Lạp tên là Kênlôpơlớt (Kanellopoulos) lái máy bay Deudalus, đạp chân, đã cất cánh từ H'eraklion, phía Bắc đảo Creta, để bay 118km trong 3 giờ 55 phút tới đảo Santorin.

Theo dấu chân Người

Ngày 23-4-1931, Nguyễn Ái Quốc viết “Thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương” thông báo về những cán bộ được cử về nước theo đường dây liên lạc, nhắc nhở công tác bảo vệ Đảng, giữ gìn bí mật, duy trì chế độ báo cáo của Đảng với Quốc tế Cộng sản và đề nghị Trung ương ghi nhận nhiệm vụ mình được Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản phân công.

Tháng 4-1948, nhân giới kiến trúc sư trong vùng kháng chiến họp Đại hội thành lập Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư chào mừng, trong thư nêu rõ: ”Trong 4 điều quan trọng cho dân sinh: Ở và đi là hai vấn đề cũng cần thiết như ăn và mặc. Vì vậy, kiến trúc là một việc rất quan hệ. Tôi mong hội nghị sẽ đi tới những kế hoạch thiết thực với tình thế hiện nay và những chương trình kiến thiết hợp với tương lai... đặc biệt là vấn đề nhà ở tại thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền”.

Tháng 4-1950, vào thời điểm những thắng lợi lớn trên chiến trường đã đưa đến việc nhiều tù binh địch, trong đó có những tù binh Pháp bị quân dân ta bắt giữ, khi tiếp xúc với Lêo Phigơrét (Leo Figuores), đại diện Đảng Cộng sản Pháp đang thăm vùng kháng chiến của ta, để bác bỏ luận điệu cho rằng tù binh bị ngược đãi, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi đã đối xử tốt nhất với tù binh Pháp trong điều kiện có thể có. Bữa ăn của họ khá hơn bữa ăn của chiến sĩ chúng tôi. Chúng tôi rất hiểu nỗi đau khổ của các bà mẹ, các gia đình người Pháp có con em bị bắt làm tù binh...”.

Ngày 23-4-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chào mừng Hội nghị các nhà báo Á-Phi và chào mừng Liên đoàn Thanh niên Dân chủ Thế giới nhân Ngày Thanh niên thế giới chống chủ nghĩa thực dân và đấu tranh chung sống hòa bình. Trong thư gửi tổ chức nhà báo, Bác viết: “Trong lúc các dân tộc châu Á, châu Phi, châu Mỹ la-tinh đang anh dũng đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc thực dân, để bảo vệ độc lập dân tộc và hoà bình, các nhà báo Á-Phi đoàn kết chặt chẽ, dùng ngòi bút chính nghĩa của mình phục vụ cuộc đấu tranh cho tự do, cho chân lý, cho tương lai tươi sáng của loài người, là một nhiệm vụ cực kỳ vẻ vang”.

Còn trong điện gửi cho Liên đoàn Thanh niên Dân chủ được ký là “Bác Hồ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “Chúc các bạn đạt được nhiều thắng lợi to lớn trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân, để giành lấy và giữ gìn độc lập dân tộc và hòa bình thế giới, để thực hiện sự hợp tác anh em giữa tất cả các dân tộc. Các bạn hãy tăng cường thống nhất, đoàn kết để bảo đảm thắng lợi và tương lai tươi sáng của thế hệ trẻ.”

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Chính sách của chúng ta vốn là chính sách thực hiện hòa bình và ủng hộ hòa bình..."

"Chính sách của chúng ta vốn là chính sách thực hiện hòa bình và ủng hộ hòa bình. Song hòa bình ắt phải ra sức tranh lấy, phải dùng lực lượng tranh lấy, phải do kháng chiến thắng lợi mà tranh lấy. Quyết không nên ảo tưởng không ngồi chờ nó đến.” Đây là lời trích trong Báo cáo tình hình và nhiệm vụ tại Hội nghị lần thứ III của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II tháng 4- 1952 do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày.

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình và luôn tôn trọng mối quan hệ với các dân tộc anh em, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đại diện tiêu biểu cho lẽ sống đó. Khát vọng hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện qua mong muốn giải quyết xung đột giữa các dân tộc bằng con đường đàm phán hòa bình, việc tiến hành chiến tranh chỉ là giải pháp bắt buộc cuối cùng khi hoàn toàn không còn khả năng đàm phán. Không chỉ vậy, ngay cả khi chiến tranh đã bùng nổ, Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục kiếm tìm giải pháp thương lượng hòa bình với điều kiện tiên quyết là kẻ thù phải thực sự tôn trọng nền độc lập của Việt Nam.

Tư tưởng hòa hiếu, khát vọng hòa bình của Hồ Chí Minh còn thể hiện ở chỗ khi kẻ thù sa lầy và muốn xuống thang chiến tranh thì sẵn sàng đàm phán để kẻ thù rút lui. Hồ Chí Minh cho rằng, đánh giặc không phải là tiêu diệt hết lực lượng của đội quân xâm lược, mà chủ yếu là đánh bại ý chí xâm lược của chúng. Thiết tha yêu chuộng hòa bình, cố gắng giải quyết mọi xung đột bằng con đường đàm phán hòa bình, kể cả phải chấp nhận một sự nhân nhượng có nguyên tắc, nhưng cũng kiên quyết chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược với ý chí và quyết tâm dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập; chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ để bảo vệ hòa bình một cách thực sự.

Học tập và làm theo lời Bác dạy, Đảng, Nhà nước tiếp tục kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, chủ động hội nhập quốc tế với phương châm “Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển". Song, chúng ta cũng luôn nêu cao cảnh giác, không ngừng xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Muốn vậy, phải phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của cả nước. Đó là sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân, của thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc phát triển ở trình độ cao; khi đất nước xảy ra chiến tranh thì “cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc”, thực hiện chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện; trong đó quân đội luôn là lực lượng nòng cốt.

Cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân luôn gương mẫu đi đầu trong học tập và làm theo lời Bác dạy, được thể hiện sâu đậm ở bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; luôn nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, sớm phát hiện, ngăn chặn, vô hiệu hóa mọi âm mưu, hoạt động chống phá chế độ chính trị, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, giữ vững hòa bình, ổn định, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 23-4-1976 đăng tin "Hồ Chủ tịch cảm ơn các vị đứng đầu 5 nước châu Phi dự hội nghi Lơ Ke đã ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược".