Nghiên cứu khám phá (exploratory studies)


5. 4. Thiết kế nghiên cứu [Research designs]

Thiết kế nghiên cứu là lên kế hoạch chuẩn bị để biết cuộc nghiên cứu sẽ đuợc tiến hành như thế nào. Người ta có thể thực hiện các cuộc nghiên cứu xã hội với rất nhiều cách thiết kế khác nhau, nhưng tựu trung có các yếu tố cần phải xem xét và các bước chính yếu cần làm để đạt kết quả tốt.

Xác định mục đích nghiên cứu: Mục đích tối hậu của nghiên cứu khoa học là giải thích các hiện tượng xã hội, nhưng trước khi đi tới mục đích tối hậu đó thì có những giai đoạn khởi đầu, như khám phá xem hiện tượng đó là gì, và trình bày hiện tượng đó trước khi giải thích nó lý do hiện hữu của nó. Do đó tùy theo nhu cầu tìm hiểu mà nghiên cứu có các mục đích khác nhau. Nghiên cứu để khám phá [exploratory research] thường dùng để mở đầu cho một đề tài loại mới, chưa được nhiều người chú ý, thường với các mục đích sau đây: [1] thoả mãn sự tò mò về kiến thức của nhà nghiên cứu, [2] xem việc thực hiện một cuộc nghiên cứu đầy đủ có thể thực hiện được hay không và [3] thử nghiệm một phương pháp mới có thể áp dụng cho một nghiên cứu trong tương lai. Nghiên cứu mô tả [descriptive research] có mục đích mô tả hiện tượng xã hội dựa trên sự quan sát của nhà nghiên cứu. Thí dụ, các cuộc khảo sát dân số, hay các thăm dò ý kiến thuộc loại nghiên cứu mô tả. Nghiên cứu giải thích [explanatory research] có mục đích trả lời câu hỏi “tại sao” [why] để giải thích hiện tượng xã hội. Thí dụ, tại sao băng đảng phát sinh nhiều ở lứa tuổi thiếu niên, tại sao tuổi trung bình của các thành viên băng đảng tăng cao trong thời gian gần đây, hay tại sao giới trung lưu thường bầu cho ứng viên A trong khi giới thượng lưu bầu cho ứng viên B, v.v.

Lựa chọn phương pháp quan sát: Sau khi đã xác định được mục đích nghiên cứu, người làm nghiên cứu phải nghĩ đến phương pháp quan sát nào được coi là thích hợp. Việc lựa chọn các phương pháp quan sát [đã được giải thích ở trên] tùy thuộc vào đề tài nghiên cứu, mục đích nghiên cứu, khả năng tiếp xúc với các đối tượng nghiên cứu, và các giới hạn về phương tiện [resources] mà nhà nghiên cứu có. Thí dụ, phương pháp thử nghiệm truyền thống khó thực hiện được với nghiên cứu xã hội về tình dục an toàn vì không thể phân chia một cách ngẫu nhiên hai nhóm, một nhóm áp dụng và một nhóm không áp dụng tình dục an toàn. Thí dụ thứ hai là phương pháp quan sát định lượng không phù hợp cho các nghiên cứu muốn tìm hiểu sâu sắc quan điểm, suy nghĩ cũng như kinh nghiệm bản thân của giới trẻ đối với việc tham gia băng đảng.

Đơn vị phân tích [Units of analysis]: Việc lựa chọn đơn vị phân tích liên quan đến mục đích của nghiên cứu cũng như việc thu thập hay tìm kiếm dữ liệu [data]. Ba đơn vị phân tích thường dùng trong nghiên cứu xã hội là cá nhân [individuals], nhóm [groups], và tổ chức [organizations]. Đơn vị phân tích cá nhân dùng trong các nghiên cứu nhằm tìm hiểu quan điểm hay hành động của các cá nhân, và dữ liệu sẽ được thu thập trên từng cá nhân tham gia nghiên cứu [mỗi cá nhân là một đơn vị]. Thí dụ, các nghiên cứu tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến khuynh hướng phạm tội trên phương diện cá nhân. Nếu muốn tìm hiểu hoạt động của các băng đảng, các công ty, thì đơn vị là nhóm, và dữ liệu được thu thập cho từng băng đảng hay công ty. Nghiên cứu về các quốc gia, tỉnh, thành phố, xã, huyện, thì đơn vị phân tích sẽ là tổ chức và dùng dữ liệu tổng hợp [aggregated data].Thí dụ, tỷ lệ tội phạm hay thu nhập trung bình của từng quốc gia, tỉnh, hay thành phố. Một đơn vị phân tích thứ tư, ít thông dụng hơn, là các hiện vật xã hội [social artifacts] như sách, báo, thơ, văn, tranh ảnh dùng trong phương pháp phân tích nội dung [content analysis]

Phạm vi nghiên cứu theo thời gian [Time dimension]: Có hai loại nghiên cứu theo phạm vi thời gian là phương pháp cắt ngang [cross sectional research] và phương pháp nghiên cứu dọc [longitudinal research or panel research]. Phương pháp nghiên cứu cắt ngang tìm hiểu và quan sát hiện tượng xã hội một lần trong trong thời gian nghiên cứu. Đây là phương pháp thường đưọc dùng nhiều nhất trong nghiên cứu xã hội học vì tính khả thi trong việc thu thập dữ liệu [chỉ làm một lần], mặc dù phương pháp này không đáp ứng đưọc yêu cầu xác định nguyên nhân và hậu quả, vốn cần có yếu tố thời gian.

Phương pháp nghiên cứu dọc tìm hiểu và quan sát hiện tượng xã hội nhiều lần trong một thời gian dài. Mục đích là tìm hiểu sự thay đổi trong thời gian và các yếu tố tác động đến sự thay đổi, như tìm hiểu nguyên nhân và hậu quả. Thí dụ, người ta muốn hiểu tuổi thọ trung bình của một nhóm hay vùng, các sự chênh lệch về học vấn giữa nam và nữ, hay khuynh hướng chính trị của người dân thay đổi với thời gian như thế nào [trend studies]. Người ta cũng có thể dùng phương pháp nghiên cứu dọc để tìm hiểu sự thay đổi của một thành phần xã hội theo thời gian, như khác biệt về hoạt động tình dục của nhóm thiếu niên 14-17 tuổi trong một khoảng thời gian dài 20 năm hay 30 năm [cohort studies], hay tính chất của cùng một đối tượng hay cùng một nhóm người trong mẫu nghiên cứu trong một thời gian dài [panel studies]. Loại sau cùng [quan sát cùng một đối tượng nghiên cứu nhiều lần] thường được dùng để tìm hiểu nguyên nhân và hậu quả bằng cách thực hiện quan sát ít nhất là hai lần cách nhau một khoảng thời gian để biết biến số được coi là nguyên nhân [quan sát ở lần đầu] có ảnh hưởng đến biến số được coi là hậu quả [quan sát ở lần sau] hay không.

6. Cách thực hiện một nghiên cứu xã hội

6. 1. Khởi đầu –Khảo cứu tài liệu [Literature review] –Câu hỏi cho nghiên cứu [Research questions].

Mục đích cuối cùng của nghiên cứu khoa học là đóng góp vào sự hiểu biết chung của nhân loại, và người ta có thể đóng góp bằng cách bắt đầu một đề tài hoàn toàn mới mẻ, hay bổ sung những thiếu sót trong kiến thức bằng những khám phá mới để làm tăng sự hiểu biết về một đề tài.

Do đó, khi một người cảm thấy thích thú và muốn nghiên cứu về một đề tài xã hội, công việc đầu tiên là làm một cuộc xem xét tổng quan tài liệu [literature review] về vấn đề mình muốn tìm hiểu để biết được những kiến thức nào đã được khám phá, và những gì còn chưa được rõ ràng nhằm giúp nêu ra những câu hỏi cần đưọc trả lời để tạo thêm hiểu biết. Các câu hỏi cho nghiên cứu [research questions] chính là lý do cho việc thực hiện nghiên cứu. Thư viện là phương tiện để thực hiện việc xem xét tài liệu, căn cứ vào đó, người ta nhận ra những lỗ hổng trong kiến thức [gaps in knowledge] và đặt ra các câu hỏi cần được trả lời bằng nghiên cứu khoa học. Căn cứ vào kết quả xem xét tài liệu, người ta xác định được đề tài cho cuộc nghiên cứu.

6. 2. Định nghĩa khái niệm [Conceptualization]

Sau khi đã xác định được đề tài nghiên cứu, người làm nghiên cứu cần định nghĩa rõ ràng các khái niệm chính trong đề tài nghiên cứu để từ đó có thể rút ra các kết luận cụ thể. Định nghĩa khái niệm cũng là cách để thu hẹp và xác định cụ thể đề tài nghiên cứu. Thí dụ, đề tài nghiên cứu là yếu tố xã hội của tội phạm. Bởi vì khái niệm tội phạm rất rộng lớn, bao trùm rất nhiều hành vi khác nhau, như tội phạm liên quan đến đồ vật, đến an toàn thân thể của con người, các tội xâm phạm an ninh quốc phòng, hay tội liên quan đến thị trường kinh tế v.v. , và bởi vì các tội phạm có đặc tính khác nhau, các yếu tố xã hội liên hệ đến loại tội phạm cũng khác
nhau, người làm nghiên cứu cần xác định tội phạm trong nghiên cứu là những hành vi nào để sau khi quan sát và phân tích có thể rút ra kết luận về những yếu tố xã hội gây ra tội phạm nhất định nào đó.

6. 3. Lựa chọn phương pháp nghiên cứu [Research methods]

Lựa chọn phương pháp nghiên cứu gồm có sự lựa chọn các phương pháp quan sát, đơn vị phân tích, và phạm vi nghiên cứu theo thời gian [đã trình bày ở trên]. Các phương pháp nghiên cứu có các ưu và khuyết điểm khác nhau cho từng đề tài và từng câu hỏi nghiên cứu, và không có một phương pháp nào tốt cho tất cả các đề tài. Thí dụ, phương pháp nghiên cứu khảo sát và phân tích định lượng phù hợp với các đề tài nhằm tìm hiểu thái độ [attitudes] của con người về một vấn đề xã hội; phương pháp quan sát thực địa và phân tích định tính phù hợp cho các đề tài tìm hiểu các phong trào xã hội [social movements] hay kinh nghiệm [sentiments] của con người trong các mối quan hệ xã hội phức tạp với sự chú trọng vào ý nghĩa của các mối tương quan xã hội theo quan điểm của người trong cuộc. Các nhà nghiên cứu thuộc phái nữ quyền [feminist] cho rằng bạo hành trong gia đình thể hiện quyền lực của nam giới đối với nữ giới và thường được nam giới dùng để thể hiện và giữ vững quyền lực của họ đối với người vợ hay người tình. Do đó, các nhà nghiên cứu về bạo hành trong gia đình thường chú trọng đến ý nghĩa khống chế để duy trì quyền lực trong hành vi bạo hành của nam giới đối với người vợ hay người tình của họ, và ý nghĩa được phát hiện ra tốt hơn qua nghiên cứu định tính với phương pháp phỏng vấn sâu [in-depth interview] và kể chuyện [narrative] để tìm lời giải thích theo quan điểm của nạn nhân hay chủ nhân của bạo hành.

6. 4. Đặt giả thuyết [Hypothesis formulation]

Như đã trình bày ở trên, trong nghiên cứu định luợng và phương pháp diễn dịch [deductive], lý thuyết [theory] đóng một vai trò quan trọng trong việc giải thích các thực tế hay hiện tượng xã hội. Lý thuyết là một trình bày tổng quát giải thích về mối liên hệ của các sự vật trong xã hội, còn giả thuyết đi vào truờng hợp cụ thể của vấn đề nghiên cứu và được dùng để kiểm chứng xem lý thuyết có đúng với thực tế không. Sau khi đã xác định được đề tài cụ thể để nghiên cứu, người làm nghiên cứu cần xác định lý thuyết dùng để hướng dẫn quan sát [observation] và giải thích hiện tượng được nghiên cứu. Thí dụ, một người muốn tìm hiểu các yếu tố [xã hội, cá nhân, môi trường, v.v.] liên hệ đến thiếu niên phạm pháp. Căn cứ trên kết quả xem xét tổng quan tài liệu [literature review], người làm nghiên cứu nhận thấy học thuyết xã hội kiểm soát [social control] của Hirschi [1969] có thể giúp giải thích hiện tượng này. Hirschi [1969] cho rằng các mối liên hệ xã hội [social relationships] tạo nên sự kiểm soát không chính thức của xã hội [informal social control], và có sự liên hệ giữa khuynh hướng phạm tội và các mối liên hệ xã hội; một trong các mối quan hệ xã hội là quan hệ gia đình, và tình cảm thân thiết, gần gũi giữa cha mẹ và con cái có thể ngăn cản hành vi tội phạm

nơi thanh thiếu niên vì những người sống trong tình thương của cha mẹ sẽ vâng lời cha mẹ và không làm điều xấu sợ làm mất mối quan hệ thân thiết đang có với cha mẹ. [22] Căn cứ trên lý thuyết này, người làm nghiên cứu có thể đặt giả thuyết để kiểm chứng như sau: những học sinh có quan hệ gia đình gắn bó sẽ ít phạm pháp hơn các học sinh không có quan hệ gia đình gắn bó.

6. 5. Triển khai [Operationalization]

Trong nghiên cứu định lượng, sau khi đã đặt giả thuyết, người làm nghiên cứu cần định nghĩa những khái niệm có trong giả thuyết và cách đo lường các khái niệm này bằng con số. Trong thí dụ về thiếu niên phạm pháp ở trên, có hai khái niệm cần định nghĩa là “quan hệ gia đình gắn bó”và “phạm pháp.” Trong giai đoạn triển khai, người làm nghiên cứu cũng quyết định loại dữ liệu hay cách thu thập dữ liệu được dùng cứu vì dữ liệu được thu thập với mục đích tìm thông tin dùng để trả lời các câu hỏi nghiên cứu. Trong thực tế, vì việc thu thập dữ liệu chính thức tốn kém, trong khi có các chương trình nghiên cứu rộng lớn với mẫu nghiên cứu lớn, dữ liệu được thu thập hàng năm hay nhiều lần trong một thời gian dài, và dữ liệu chứa nhiều thông tin có thể đáp ứng nhiều câu hỏi nghiên cứu khác nhau, nên việc sử dụng dữ liệu thứ cấp trong nghiên cứu đã trở nên tiện lợi và thông dụng. Hợp tác nghiên cứu làm cho việc sử dụng dữ liệu thứ cấp trở nên dễ dàng hơn, như các dữ liệu thu thập bởi các tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc được sử dụng cho các nghiên cứu dùng đơn vị phân tích là quốc gia, vùng, khu vực, v.v. Để khuyến khích nghiên cứu và sử dụng hết tiềm năng của dữ liệu đã được thu thập, một số tổ chức nghiên cứu khoa học ở các nước đã cung cấp dữ liệu miễn phí cho hội viên. Thí dụ, Hiệp hội Liên đại Học về Nghiên cứu Xã hội Và Chính trị [Interuniversity Consortium of Political and Social Research – ICPSR] ở Hoa Kỳ là kho dữ liệu cho các nghiên cứu khoa học xã hội nói chung, và dữ liệu được cung cấp miễn phí cho tất cả các hội viên trong và ngoài Hoa Kỳ [các trường đại học hay các cơ sở nghiên cứu tư nhân đều có thể là hội viên của ICPSR].

6. 5. Dân số nghiên cứu và mẫu nghiên cứu [Research population and sample]

Trước khi thực hiện việc quan sát để thu thập dữ liệu, người làm nghiên cứu phải quyết định dân số nghiên cứu, tức là một nhóm người, một thành phần xã hội, hay một nhóm các tổ chức để từ đó rút ra kết luận từ kết quả quan sát. Thí dụ, nếu người làm nghiên cứu muốn tìm hiểu thái độ của sinh viên ở trường đại học Y đối với chương trình học trực tuyến thì tất cả sinh viên của trường đại học Y được coi là dân số nghiên cứu [research population]. Việc quyết định, hay đúng ra là thu hẹp, phạm vi của dân số nghiên cứu rất quan trọng vì việc lấy mẫu nghiên cứu sẽ được làm trong phạm vi của dân số nghiên cứu [sinh viên trường Y thay vì tất cả sinh viên trong cả nước]. Trên thực tế, vì lý do thời gian, nhân lực và vật lực, người làm nghiên cứu thường không thể quan sát tất cả sinh viên của trường đại học Y [dân số nghiên cứu] nên sẽ chọn một số sinh viên có tính cách đại diện cho sinh viên của trường đaị học Y gọi là mẫu nghiên cứu [research sample] để quan sát. Có nhiều cách chọn mẫu nghiên cứu khác nhau, và cách thức chọn mẫu nghiên cứu liên hệ đến phương pháp phân tích và  quan sát cũng như sự diễn giải [interpretation] kết quả phân tích và kết luận. Thí dụ, các mẫu nghiên cứu được thiết lập bằng phương pháp chọn ngẫu nhiên [radom sample] phù hợp [appropriate] với phương pháp thống kê suy luận [inferential statistics] và kết quả có tính tổng quát hoá [generalization] cao, tức là kết quả từ mẫu nghiên cứu có thể nhân rộng ra cho toàn thể dân số nghiên cứu. Trái lại, mẫu chọn có mục đích [purposive sample] thường phù hợp cho nghiên cứu thăm dò [exploratory research] và không có tính tổng quát hoá cao.

Căn cứ trên tính phức tạp của cách lấy mẫu, có hai loại mẫu: [1] loại mẫu đơn giản [simple sampling] được chọn qua một giai đoạn và [2] loại mẫu phức tạp được chọn qua nhiều giai đoạn [multistage hay complex sampling]. Loại sau này thường dùng để lấy mẫu có tính đại diện [representative] cho cả một khu vực rộng lớn như quốc gia và bao gồm ba giai đoạn: phân chia khu vực [stratification], phân chia nhóm [clustering] trong mỗi khu vực, và chọn ngẫu nhiên trong mỗi nhóm [random selection]. Loại mẫu phức tạp thường được coi là lý tưởng vì nó có cả tính đại diện và tổng quát hoá cao nhất. Tuy nhiên, việc phân tích dữ liệu thu được ở các mẫu phức tạp đòi hỏi việc sử dụng các chương trình thống kê [statistical programs] đặc biệt được thiết kế để đáp ứng được các sai số lấy mẫu [sampling errors] phát sinh do tính chất phức tạp của việc lấy mẫu.

[còn tiếp]

Nguồn: Tạp chí Thời đại mới T07/2012.

———–

[22] Hirschi, T. [1969]. Causes of Delinquency. Berkeley, CA: University of California Press.

Video liên quan

Chủ Đề