Nguyên nhân hình thành thị trường xám

Những ai tìm hiểu và nghiên cứu về quyền sở hữu trí tuệ đều nhận thấy: những tranh luận giữa đặc quyền chủ tài sản và lợi ích xã hội luôn diễn ra không ngớt. Trí tuệ hình thành giá trị chỉ khi nó tạo ra phúc lợi cho toàn bộ xã hội. Khi đó trí tuệ sẽ trở thành tri thức. Trên thực tế, quyền tài sản tư về tài sản trí tuệ luôn bị pháp luật giới hạn bởi lợi ích cộng đồng. Cụ thể, về thời gian (20 năm); về điều kiện sử dụng (li-xăng bắt buộc).

“Pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ quả là một nghệ thuật giữa những thái cực.” – PGS . TS . Phạm Duy Nghĩa.

Một trong những vấn đề có liên quan mật thiết đến pháp luật sở hữu trí tuệ đó là sự xuất hiện của Thị Trường Song Song (Parallel Trade) hay Chợ Xám (Grey Market). Bài viết dưới đây xin phép được lạm bàn về Chợ Xám, và mối quan hệ giữa thị trường đặc biệt này với các quyền sở hữu trí tuệ, hoạt động nhập khẩu song song và cạnh tranh.

Để có một cái nhìn tổng quát, ta tạm phân chia thị trường thành các màu sắc: thị trường màu trắng, thị trường màu đen (chợ đen), và thị trường màu ghi (chợ xám).
Chắc hẳn chúng ta nhiều người đã biết về “chợ đen” – nơi diễn ra các hoạt động trao đổi hàng hoá, dịch vụ phi pháp và kênh trao đổi bị cấm. Nó trái ngược với “chợ trắng” là thị trường chính thống, các hoạt động kinh doanh mua bán diễn ra rõ ràng “trên giấy”, chịu sự điều phối của luật pháp, thuế và các chính sách kinh tế. Tuy vậy, trên đời này ngoài trắng và đen ra còn rất nhiều các thứ màu trộn lẫn. Nó ở giữa, không hoàn toàn chính thống nhưng lại chẳng hề phi pháp. Đó là màu xám.

Vậy định nghĩa Chợ Xám là gì? Đó là một thuật ngữ kinh tế (Grey Market) chỉ các hoạt động trao đổi hàng hoá không chính thức, không được uỷ quyền và ngoài mong muốn của nhà sản xuất. Mục đích của thị trường này nhằm thoả mãn nguồn cầu quá cao, trong khi cung chưa đủ đáp ứng. Từ đó có thể suy ra các mặt hàng chủ yếu của chợ xám sẽ là:
– Vé ca nhạc, bóng đá, vé tàu xe… không qua đại diện của nhà tổ chức hay nhà cung cấp dịch vụ.
– Những mặt hàng hiếm chưa có hoạt động nhập khẩu chính ngạch. Hoặc các mặt hàng “xa xỉ” với thuế nhập khẩu quá cao. Nó được đưa về dưới dạng “hàng xách tay” nhỏ lẻ: đồng hồ, điện thoại, rượu, thuốc lá, dược phẩm, mỹ phẩm…
– Các sản phẩm không được nhà sản xuất định hướng đưa vào thị trường này mà nhắm tới thị trường khác, do đó chưa có kênh phân phối chính thức: phần mềm điện tử, ô tô, xe máy, máy ảnh, ống kính máy ảnh…
– Ngoại tệ.
Các mặt hàng trong chợ xám đa phần là hàng mới hoàn toàn, nhưng cũng có trường hợp là hàng đã qua sử dụng được sửa chữa, tân trang, làm mới lại. Lúc này, nó được xem là thị trường “chợ xanh” (Green Market) do đặc tính tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường, nhất là các linh kiện điện tử. Tuy nhiên, nếu người bán không trung thực về nguồn gốc và tính mới của sản phẩm, rất dễ dàng xuất hiện lừa đảo và rơi vào khu vực chợ đen.

Chợ Xám và Quyền Sở Hữu Trí Tuệ. Ảnh hưởng của nó đến sức cạnh tranh ngành hàng trong nước.

Nguyên nhân hình thành thị trường xám

Theo Tiến sĩ Nguyễn Như Quỳnh, “Chợ Xám” (Grey Market) là thuật ngữ được sử dụng rộng rãi tại Hoa Kỳ, trong khi châu Âu lục địa thường sử dụng thuật ngữ “Thương Mại Song Song” (Parallel Trade), cùng với “xuất khẩu song song” (parallel exportation) và “nhập khẩu song song” (parallel importation). Những hàng hoá này mang nhãn hiệu và đã đăng kí bảo hộ, nhưng được nhập khẩu ngoài mong muốn của chủ sở hữu nhãn hiệu hay nhà sản xuất. Phân biệt rõ với các hàng hoá trên thị trường đen – loại hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ.

Nhập khẩu song song (NKSS) nhằm lợi dụng sự chênh lệch giá bán đáng kể giữa 2 nước. Theo đó, sau khi mua hàng ở nước có giá bán rẻ (P1), Doanh Nghiệp này sẽ bán lại ở nước có giá bán cao (P2). Thông thường mức giá (P) của Doanh Nghiệp NKSS sẽ nằm ở giữa: P1 < P < P2. Doanh Nghiệp NKSS vừa hưởng lợi nhuận từ chênh lệch giá, vừa giúp thoả mãn cơn khát hàng hoá ở thị trường nội địa. Điều này ta có thể thấy cụ thể rõ nhất ở thị trường thuốc Tây. Bệnh nhân nghèo sẽ được hưởng lợi khi mua được cùng một loại thuốc đặc trị với giá rẻ hơn. Từ đó tăng phúc lợi xã hội, gián tiếp giảm sức căng ngân sách, bao gồm nguồn quỹ cho các hoạt động sức khoẻ cộng đồng.

Với những nước nghèo và đang phát triển, nhập khẩu song song được xem là một trong những công cụ hữu hiệu để bình ổn và giảm giá các mặt hàng nhạy cảm trên thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh đó có một mối lo ngại lớn rằng việc nhập khẩu song song một cách ồ ạt sẽ gây khó khăn trong vấn đề kiểm soát giá và chất lượng hàng hoá, các nhà kinh doanh có thể lợi dụng làm hàng giả, hàng nhái đem đến tay người tiêu dùng. Ngoài ra, việc lạm dụng nhập khẩu song song sẽ dẫn đến việc: các nhà sản xuất cùng một loại sản phẩm được nhập khẩu song song trong nước khó có thể cạnh tranh với những hàng hoá có nhãn hiệu nổi tiếng xuất hiện ồ ạt tại đây.

Dù có những ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực, hoạt động thương mại song song được coi là hợp pháp trên phạm vi toàn cầu. Vì chủ sở hữu quyền SHTT có quyền quyết định thời gian, địa điểm cho lần đầu tiên đưa sản phẩm vào lưu thông. Do đó không thể tiếp tục kiểm soát sự lưu thông tiếp theo của sản phẩm nữa. “Khái niệm kinh tế sơ đẳng nhất là không có nhà đặc quyền nào được phép thu lợi ích độc quyền 2 lần” – Nuno Pires de Carvalho.

Xét về khía cạnh sở hữu trí tuệ, thoả ước TRIPS của WTO cho phép các nước toàn quyền quyết định việc có cho nhập khẩu song song hay không, tuỳ vào điều kiện của mình. Một tư thế chủ động như vậy là kinh nghiệm đúc rút từ quá trình mặc cả giữa các nước giàu và các nước nghèo trong quá trình thương thảo TRIPS. Bởi càng bảo vệ sở hữu trí tuệ chặt chẽ, nhất là đối với các nhà tư bản nước ngoài đang nắm giữ đại đa số các đăng kí và phát minh về tư bản công nghệ, càng tăng vị thế độc quyền cho chủ tài sản. Điều đó chưa chắc đã có lợi lâu dài cho một dân tộc đang kém cỏi về công nghệ.

Thế mới thấy, nếu là “trắng” hay “đen” thì đã dễ dàng ra các quyết định. Một thị trường màu xám ngày càng phát triển như thế cần nhiều hơn sự tinh tế, linh hoạt và cẩn trọng trong các chính sách xây dựng khung pháp lý. Đặc biệt vào thời kì hội nhập này, khi chúng ta phải chạy đua cuộc đua không cân sức cùng các nước có nền kinh tế phát triển vượt bậc.

Quách Ngọc Thiện.