Nhạc sĩ Trần Hoàn đã được nhà nước trào Tăng giải thưởng nào

Trần Hoàn tên thật là Nguyễn Tăng Hích, sinh năm 1928 tại làng Câu Nhi, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, con một gia đình công chức, bố có nhiều năng khiếu âm nhạc, mẹ thường hát ru con bằng những khúc dân ca miền Trung đậm đà màu sông nước. Anh thuộc thế hệ thanh niên lớn lên trong khí thế hào hùng của Cách mạng tháng Tám. Với sự ham thích âm nhạc do bố mẹ truyền lại,  anh đi vào cách mạng và trưởng thành về nghề nghiệp qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và sự nghiệp xây dựng đất nước.

Mới gặp, người ta thường khó thấy chất “nghệ sĩ” ở con người anh, tuy linh hoạt, cởi mở nhưng nghiêm chỉnh, đĩnh đạc, có phần thiên về một cán bộ chính trị hơn là văn nghệ sĩ, như quan niệm người ta thường có. Phải chăng, do sớm được trên giao nhiệm vụ chính trị và các chức danh chính quyền và đoàn thể của anh, đã gây nên ấn tượng đó? Nhưng nếu ngược dòng lịch sử, thuở 16, 17 thấy rõ anh là một thanh niên say sưa nghệ thuật từ trong nhà trường, được giải thưởng sáng tác và trong kháng chiến chống Pháp, anh từng là người sáng tác, ca sĩ, biên đạo múa khi anh làm chỉ đạo nghệ thuật của Đoàn tuyên truyền kháng chiến Trung bộ và Huế [1946-1949]. Ngày nay, ở tuổi trên sáu mươi lăm nếu gần anh, sẽ dễ dàng nhận thấy chất nghệ sĩ ở khoé mắt, nụ cười, ở những câu bông đùa dí dỏm, nhất là ở những lúc anh ôm đàn ghi ta ngồi trầm tư, mơ màng, để rồi sau đó hát lên một bài ca đầy xúc cảm, anh vừa làm xong.

Với tình bạn chân thành ngót 50 năm nay, mặc dù có những giai đoạn anh em ở xa nhau, theo dõi quá trình sáng tác, tôi rất vui mừng trước những thành tựu của anh.

Thường ta hay nghĩ rằng khi bận công tác quản lý, thì ít nhiều ảnh hưởng đến sáng tác. Nhưng ở Trần Hoàn thì không phải như vậy. Có lẽ anh đã xem sáng tác là một mảng việc làm không thể thiếu, để hỗ trợ chợ công tác quản lý của mình. Và ngược lại, cũng nhờ công tác quản lý, mà sáng tác của anh thêm dày dạn, khái quát, đi sâu vào cuộc sống không hời hợt và tủn mủn với những cảm xúc tầm  thường. Xét cho cùng, trải qua bao nhiêu chức vụ khác nhau, vấn đề cốt lõi là Trần Hoàn trước sau vẫn là cán bộ làm công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền vận động quần chúng, do đó, có điều kiện tiếp xúc dồi dào từ cuộc sống, và nhắc nhở anh phải viết một cái gì cho nhân dân?

Tay hãy xem, lúc là Giám đốc Sở Văn hoá thông tin thành phố Hải Phòng, thì anh có bài hát Mời anh chị về thăm Hải Phòng, Kể chuyện người Cộng sản, Bạch Long Vĩ, Chiều hải cảng…

Với cương vị là người phụ trách tuyên huấn tỉnh Bình Trị Thiên [lúc này ba tỉnh chưa tách], ta lại nghe những ca khúc: Nắng tháng Ba, Mời anh về thăm thành Huế, Tình ca nùa xuân [thơ Nguyễn Loan], Một mùa xuân nho nhỏ [thơ Thanh Hải], Về Đồng Lê Nhớ Nhật Lệ, Quảng Trị mến thương….

Khi làm Phó ban văn hoá văn nghệ trung ương, Trưởng ban Tuyên huấn Thành uỷ Hà Nội, anh vẫn không ngừng sáng tác và cho ra đời những bài hát được nhiều người ưa thích, như: Khúc hát người Hà Nội, đêm Hồ gươm, Hát về mùa xuân…

Lúc đã là Bộ trưởng Bộ văn hoá thông tin, khi ở lứa tuổi ngoài sáu mươi, ta thấy ca khúc của anh càng nở rộ. Có thể nói, một số nhạc sĩ trẻ hơn anh cũng chưa theo kịp anh về nhịp độ sáng tác đều tay như vậy.

Nếu ta nhớ lại cậu học sinh Trần Hoàn, lúc 16 tuổi đã có Trên đường về, Học sinh vui tươi; Lúc 17 tuổi đã có bài hát đầu tay được xuất bản: Hồn nước [Nhà xuất bản Tân Hoa-1946] đang hăm hở đi vào cuộc kháng chiến chống Pháp, với vốn liếng lý thuyết âm nhạc tự học và một số bài hát “tiền chiến’, xen với những bản nhạc ngoại quốc của Điện ảnh Pháp đã gieo vào tầng lớp thanh niên học sinh Huế hồi bấy giờ, thì ta không ngạc nhiên ở bố cục bài hát và chất lãng mạn mà Trần Hoàn đã gửi trong ca khúc Con chim non, Đàn chim xanh, Hồn Sông Hương, Bầy chim đêm khuya, Đường rừng, Sơn nữ ca … Nhưng, trong gian khổ của vùng địch hậu, chất dí dỏm, hài hước của Trần Hoàn vẫn trỗi dậy và anh đã thể hiện khá thành công trong những bài hát sáng tác ở chiến trường Trị Thiên, như Con trâu kháng chiến, Bà ba, Buồn cười cho thằng Tây được quần chúng rộng rãi ưa thích.

Tôi không bao giờ quên, trong thời kỳ này, có một bài hát rất phổ biến mà tôi được chứng kiến sự ra đời, hiểu rõ nỗi niềm thầm kín của ý nhạc và lời ca, luôn luôn gợi lại trong tôi một kỷ niệm khó quên với Trần Hoàn. Năm 1950 Trần Hoàn cưới chị Thanh Hồng hiện nay, sống với nhau chưa đầy một tuần lễ, được nhận công tác mới, xông vào nơi địch hậu Liên khu III và không biết được chắc chắn ngày về, người thanh niên chưa đầy 23 tuổi ấy, tránh sao khỏi trăn trở, nghĩ suy, dằn vặt khi rời người yêu? Anh đã viết Lời người ra đi [lúc đầu có tên Rằng kháng chiến còn trường kỳ] như mối tình nồng thắm trao tay, như lời tạm biệt người vợ trẻ, như lời dặn dò hãy yêu nhau mãi mãi và giữ vững niềm tin, hãy “đợi anh về em nhé”. Lúc hai vợ chồng chia tay nhau trên đồi, vào một buổi sáng xanh thẳm, tôi nói với Trần Hoàn: “Hôn tạm biệt đi chớ!” Nhưng anh chị vẫn e thẹn, đỏ mặt, cầm tay nhau bịn rịn.

Buổi chia tay của tuổi trẻ, trước lúc ra tiền tuyến, hồi bấy giờ là như vậy đó. Sau này, mỗi lúc nghe ai hát: “Rằng kháng chiến còn trường kỳ …” tôi lại nhớ đến “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” và cười thầm, nhớ về đôi bạn. Bài hát thực sự viết ra từ rung động của trái tim, nên nó đã có sức sống trên 40 năm và nay vẫn là một bài hát được nhiều người trong, ngoài nước ưa thích.

Sang kháng chiến chống Mỹ [từ 1966-1975] từ đất lửa Trị Thiên, anh đã gửi ra Hà Nội nhiều sáng tác nóng bỏng bom đạn chiến trường, với biệt danh Hồ Thuận An. Lúc này tất nhiên Hà Nội vắng bóng Trần Hoàn. Những bài: Đường yêu nhất- đường ra mặt trận, Tiến về thành Huế, Trường Sơn, Ngắt cành hoa thầm tặng anh, Tiếng gọi Đông Xuân, Chiều trên Do Cam giải phóng, yêu đất nước, yêu nhân dân, yêu đồng đội, chí căm thù giặc và nỗi tiếc thương những người con đã ngã xuống trên đất mẹ. Những bài hát nóng bỏng, đầy nhiệt huyết viết từ tiền phương của anh đã được thính giả Đài tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng đón nhận với mối cảm tình đặc biệt.

Chắc cũng như tôi, hiều người hẳn không quên bài Lời ru trên nương [thơ Nguyễn Khoa Điềm] 1971 – Một ca khúc xúc động lòng người, một ca khúc đánh dấu bước đầu thành công của Trần Hoàn trong việc xử lý chất liệu dân ca. Từ Phương hướng và kinh nghiệm ấy, Trần Hoàn đã vận dụng làn điệu dân ca ngày càng nhuần nhị hơn và chúng ta đã có những ca khúc sau này và nhiều người ưa thích như: Mưa lâm thâm ướt dầm lá khế, Mai em về Hà Tĩnh, Khúc hát ru của người K’ho … Sẽ thiếu sót nếu không nhắc tới những bài hát mà Trần Hoàn đã viết về Bác Hồ kính yêu và được nhân dân mến mộ. Với Giữa mạc tư khoa nghe câu hò ví dặm, Cảm xúc từ làng Sen, Thăm bến Nhà Rồng và gần đây là Lời Bác dặn trước lúc đi xa . Trần Hoàn đã biết từ đề tài về lãnh tụ kính yêu, tìm tòi khai thác những chủ đề đặc thù, qua đó nói lên những lời Bác Hồ căn dặn, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam với Người, với nội dung khái quát cao, âm điệu trữ tình phát triển từ âm nhạc miền Trung gợi nên trong thính giả những xúc động chân chính và sâu lắng.

Một nét đặc biệt của Trần Hoàn là dường như anh có mặt trong những giai đoạn gay cấn nhất từ Cách mạng tháng tám đến nay, khi Đảng cần đến và với tính xông xáo, luôn xâm nhập vào cuộc sống của quần chúng đã giúp Trần Hoàn dù ở đâu, cũng viết được nhanh, nhạy những bài ca có chất lượng, phục vụ kịp thời.

Phong cách ấy khi làm Bộ trưởng, anh vẫn giữ cho đến những ngày quá tuổi sáu mươi, đang vươn lên bậc “cổ lai hy”. Trong những đợt ông Bộ trưởng chính thức đi thăm các địa phương trong nước và nước ngoài, tuy suốt ngày bận rộn với đón tiếp, họp hành, ký kết… nhưng tối về phòng riêng ở khách sạn anh vội khép chặt cửa lại để cho con người “ngoại giao” trong anh được lột xác. Và, khi chỉ còn lại một Trần Hoàn “nhạc sĩ” thì anh đã quên hết mỏi mệt, nằm lim dim, mơ màng, nhớ lại những xúc cảm bùng lên trong ngày, chốc chốc nhổm dậy, ghi lại những giai điệu đang vang trong đầu anh; và có lúc trình bày ngay cho địa phương, cho bạn bè nước ngoài về cảm xúc của anh bằng âm nhạc. Sau những chuyến công tác và công du ngắn ngủi ấy, anh đã viết ra những tác phẩm hay. Hay không phải vì ý nghĩa ngoại giao mà hay vì chất lượng nghệ thuật đích thực của bài hát như: Về Tuyên Quang, Gửi Lạng Sơn, Mưa rơi [Phú Thọ], Chiều Đà Nẵng … Với các nước bạn anh đã viết Cubasi-Yankeno [1980], Gửi bạn đảo dừa [1986] bài hát tặng Harmoko Bộ trưởng Bộ Thông tin Indonesia, Thăm vạn cảnh đài [1989] được giải thưởng sáng tác duy nhất ở Liên hoan Bình Nhưỡng, Đừng quên nhau [1993] và cách đây hai tháng Trên sông Nil [Ai Cập], Việt Nam – Syrie …

Điểm qua một số ca khúc tuyển chọn trong số trên 800 bài hát của anh từ ngày đầu kháng chiến, qua từng giai đoạn hoạt động cách mạng của anh, ta thấy Trần Hoàn ngày càng vững vàng về bút pháp, càng thành công về nghệ thuật, càng sâu sắc về nội dung tư tưởng, và luôn luôn đậm đà một cái gì rất trữ tình, rất “tâm tình” như Huy Cận đã viết, rất “Trần Hoàn”. Với sự nhạy cảm vốn có, với các vấn đề cuộc sống và xã hội đặt ra, tác phẩm của Trần Hoàn ngày càng đa dạng, ra đời đều đặn và làm xúc động người nghe, với những giai điệu trữ tình mang âm hưởng của nhiều miền đất nước. Trong các sinh hoạt ca nhạc ở mọi nơi, ca khúc của Trần Hoàn thường được trình diễn và để lại những ấn tượng khó quên.

Tôi tin rằng, với một tâm hồn của một nghệ sĩ chân chính, với tâm huyết của một chiến sĩ, với đức tính giàu lòng nhân nghĩa của anh và với tình yêu của anh với cái đẹp cho cuộc đời, Trần Hoàn vẫn tiếp tục là niềm tin của mọi người về những sáng tạo nghệ thuật sắp tới của anh. Và chắc chắn, những sáng tác của anh đã có và sẽ có sẽ làm phong phú thêm gia tài ca khúc cực kỳ phong phú và đa dạng của đất nước Việt Nam ta.

                                                                                    N.V.T.

Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 15 tháng 12/1995

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề