Nhận xét về cải cách của Nguyễn Trường tộ

NGUYỄN ĐỨC MẬU
[Tiến sĩ, Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam]

     Nguyễn Trường Tộ đặt ra hàng loạt vấn đề để cải cách, mỗi vấn đề như vậy thường xuất phát từ mong muốn bảo vệ, phát triển đất nước. Trong các cải cách đó, có việc vì hướng đến như một cần kíp để đối phó kịp thời nguy cơ mất nước, có việc hướng đến lâu dài, có việc nếu muốn thực hiện thì phải giải phóng khỏi quan niệm, thói quen, cách nghĩ hay phải nhìn nhận lại sự kháng cự lại của những cái đó.

     Rất nhiều những cải cách liên quan đến kỹ thuật, đào tạo và phần lớn những cải cách muốn thực hiện thì phải qua bàn tay triều đình, hay nói đúng hơn, Nguyễn Trường Tộ chỉ nhìn hay trông mong vào triều đình, vào quyền lực nhà nước, vào quân quyền. Tính chất của điều trần là vậy và hầu tất các cải cách Nguyễn Trường Tộ đưa ra đều thế, nó không hướng đến một tầng lớp, một bộ phận xã hội nào ngoài bộ nhận cao nhất của quyền lực: ông vua.

     Đó là một đề nghị cải cách từ trên xuống, từ sự chủ động của nhà nước. Nhưng cải cách để làm gì, theo Nguyễn Trường Tộ, là cái căn bản cho trước mắt và lâu dài mà trực tiếp là để mưu thu hồi và gìn giữ đất nước1. Ông dự tính cho công cuộc canh tân đó một kỳ hạn không dài: “Theo tôi tính toán thì từ nay về sau trong khoảng hai mươi năm, nước ta chắc chắn có một kỳ thái bình thịnh trị [Đó là lý thế vận hội sinh ra như vậy. Lý do rất dài dòng khó có thể nói rõ” [Trương Bá Cần, 2002, tr.465].

     Như đã nói ở bài Hai cách nghĩ, hai cách hành xử trước tình thế mới – trường hợp Nguyễn Trường Tộ và Fukuzawa, hầu như ít lĩnh vực mà Nguyễn Trường Tộ không bàn đến và đề nghị một sửa đổi, một cải cách. Vấn đề là đặc điểm, tính chất, tính hệ thống, tư tưởng của thay đổi đó là gì, nó phản ánh điều gì.

     Nguyễn Trường Tộ bàn đến thay đổi cơ cấu bộ máy, đến phân quyền, giao quyền cho các cấp, nghĩa là hình thức là giảm tập quyền mà mục đích là “giảm tải” cho quân quyền hay gì khác? Nguyễn Trường Tộ bàn đến thay đổi trên diện rộng các mặt: luật pháp, giáo dục, thuế khóa, khai khoáng, vận tải, buôn bán [chống bế quan tỏa cảng, vì mục đích chính trị hay thuần kinh tế?], thay đổi chữ viết, ra báo chí, vai trò vua quan hay vai trò dân đối với xã hội, vấn đề ruộng đất, các chức sắc làng xã,… Những đề nghị thay đổi đó được nhận thức liên quan đến nhau không, sự thay đổi được nhận thức từ triết lý nào? Tính thực dụng hay tính tư tưởng nào là cơ sở? Trong từng ngành nghề, trong từng bộ phận cụ thể thì sự thay đổi mang tính điều chỉnh, cải cách, hay thay đổi căn bản mang tính cách mạng?

     Xem xét các cách mà các tấu sớ, các lời trích bàn về ý kiến, điều trần của Nguyễn Trường Tộ thì thấy suy nghĩ của Nguyễn Trường Tộ cũng đã được chú ý, với những quan chức như Trần Tiễn Thành thì sự tin cậy là có. Vấn đề là những suy nghĩ nào của Nguyễn Trường Tộ được chú ý, Nguyễn Trường Tộ tác động được phần nào đến suy nghĩ của các quan chức có trách nhiệm, cái đó trong tỉ lệ nhất định liên quan đến nhiều vấn đề tiếp nhận.

     Nhận thức về những cải cách của Nguyễn Trường Tộ phần lớn đều thừa nhận có tính hệ thống, toàn diện [Trương Bá Cần, 2002, tr.72], cũng có thể nói là tổng thế. Phần lớn đều có thể liệt kê, từ chính trị, ngoai giao, luật pháp, kinh tế [công, nông, thương,..], văn hóa, giáo dục đến các biện pháp nhân đạo và những cấp bách trước mắt như lấy lại ba tỉnh miền Đông, kế hoạch vận động ở Pháp để giữ ba tỉnh miền Tây, kế hoạch thu hồi sáu tỉnh, xa hơn là kế ly gián Anh và Pháp, lập sứ quán, cử phái bộ, gửi người sang Pháp, sang Singapore học và sâu hơn nữa là cải cách phong tục, thay đổi cách nghĩ về đánh giá nghề để hướng xã hội sang cả nghề khác thuộc công, thương,.. Hướng cải cách phong tục như ăn ở, ăn mặc, vệ sinh, ngôn ngữ giao tiếp và nhà cửa nơi đô thị. Nếu điểm hết các đề nghị thì có thể nhìn thấy tính toàn diện, hệ thống, nói chung là đủ mọi mặt.

     Thế nhưng hàng loạt đề nghị cải cách có thể gọi là toàn diện, hệ thống, đều là xuất phát nhận thức, thấy ra những yếu tố cần thay đổi để hướng chuẩn theo giá trị châu Âu hiện đại. Trong mỗi đề nghị đó yếu tố hiện đại được chiếm tỉ lệ thế nào, khả năng tương tác của nó trong không gian cũ, nghĩa là sự thay đổi mang tính hệ thống hay chắp vá, cải cách hay cách mạng, sự tương thích hay không có được ông tính đến, hay có phân tích đến mức độ nào?

     Hình như khía cạnh nào ông cũng nhìn ra vấn đề nào đó cần thay đổi, nhưng ông có nhìn ra tư tưởng tổng thế tạo ra toàn bộ cơ cấu quyền lực nhà nước, cơ cấu chính trị, luật pháp không? Ví dụ câu chuyện đánh giá và hướng giá trị về thượng cổ, về cổ xưa hay, ví dụ cái học hư văn, cái thái độ coi thường thực nghiệp,… ông có đặt câu hỏi nhận biết rằng những cái đó có nguồn gốc từ đâu hay không? Những yếu tố, những điểm, những thành phần mà ông thấy cần thay đổi liên quan đến Nho giáo [Nho giáo hay chỉ là Tống nho với vài chỗ mà ông nói đến] và ý thức về sự liên quan đó trong nhận thức của ông có được đặt ra hay không?

     Nguyễn Trường Tộ không đối đầu, đối địch, không thách thức Nho giáo, không xem nó là nguyên nhân cản trở lớn nhất cho tư tưởng mới, cho cải cách theo hướng hiện đại của tư tưởng văn minh phương Tây như Fukuzawa [có thể ông tránh xung đột để thuyết phục cải cách]. Điều khác đó, phần rất nhiều là do chính phủ và xã hội Nhật lúc đó đã chịu ảnh hưởng khá rộng rãi tư tưởng văn minh [Fukuzawa Yukichi, 2005, tr.294], trong khi Việt Nam cùng thời Nguyễn Trường Tộ, văn minh phương Tây mới được nhận thức ở một số cá nhân mà Nguyễn Trường Tộ là nổi trội một cách đơn lẻ. Tình trạng nhận thức dạng đơn độc như thế, đã có thể nói, góp phần hình thành một áp lực cho một lựa chọn nội dung điều trần. Nhưng sự đơn độc có phải là yếu tố quyết định nên sự bất cập trong các nhận thức mang tính quan yếu của thay đổi, cải cách?

     Nhà cải cách có vai trò đến duy tân của Nhật Bản là Fukuzawa, người cùng thời với ông, đã nhìn thấy sức cản từ tư tưởng Nho giáo, ý thức sức cản của nó nằm trong thói quen suy nghĩ và trong tình cảm nữa, ông nói rằng trong lòng ông vẫn nặng Nho giáo nhưng ông cố khép nó lại trong góc riêng. Fukuzawa nhận thấy nếu “để tư tưởng thủ cựu của Nho giáo đọng vào trong trí não hậu thế, thì tư tưởng văn minh phương Tây sẽ khó vào được Nhật Bản” [Fukuzawa Yukichi, 2005, tr.294]. Đấy là tư tưởng của nhà cách mạng, không chỉ là cải cách từng bộ phận, thay đổi chi tiết, trong khi sức chống trả lại là cả hệ thống tư tưởng đang bám sâu vào dân tộc. Fukuzawa nói hướng đến “tư tưởng văn minh phương Tây”,“vào Nhật Bản”, chứ không chỉ chỉ là thay đổi yếu tố trong hệ thống, chứ không phải thay đổi nhận thức từng phần trong bộ phận nào đó của quyền lực, điều mà Nguyễn Trường Tộ dường không nhìn ra, hay trước một tình thế đặc biệt của lịch sử bắt buộc ông nghiêng lệch trong quan tâm. Nhìn ra được như Fukuzawa là nhìn ra chỗ cơ bản nhất để thay đổi. Chỉ khi nhận ra yếu tố tư tưởng Nho giáo là cơ sở tạo ra sức cản trở cả hệ thống, mới có sự thay đổi hệ thống, mới có thay đổi mang tính cách mạng triệt để.

     Câu hỏi về sự phát triển và câu trả lời về nó luôn được đặt ra, thông tin về sự phát triển tự do cá nhân liên quan đến sự phát triển đất nước cũng có điều kiện đến được với Nguyễn Trường Tộ và cả vua Tự Đức một cách trực tiếp, nhưng tiếp nhận điều đó và thái độ với nó lại là một vấn đề quan trọng.

     Một người phương Tây, lãnh sự ở Bangkok, được giao nhiệm vụ ở Huế năm 1864, tường thuật buổi yết kiến vua Tự Đức, vua rất thích trò chuyện với ông, chỉ khi đêm đến mới chịu chấm dứt, nhưng nhà vua có vẻ “sửng sốt” nghe câu trả lời của vị lãnh sự này khi vua hỏi nhờ đâu mà nước Pháp hùng cường và phồn thịnh: “Những sinh lực hàng đầu của một dân tộc là quyền tự do cá nhân và những quan hệ tự do giữa các dân tộc nữa” [Yoshiharu Tsuboi, 2011, tr.223]. Thêm một xác nhận về sự khó khăn thay đổi do tinh thần Nho giáo cản trở, nhân vật ngoại giao này nhận xét: “Sự tôn trọng phong tục, trên cơ sở phục tùng đến mức “giáo điều” học thuyết của Khổng giáo, cho chúng ta một trong những chiếc chìa khóa cho phép chọc thủng bức màn bí mật của lịch sử triều Nguyễn và trả lời câu hỏi chủ yếu này: Tại sao triều Nguyễn đã không thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển một kiểu tư duy khả dĩ thức tỉnh ý thức dân tộc trước sự bành trướng của phương Tây” [Yoshiharu Tsuboi, 2011, tr.225]. Nguyễn Trường Tộ và cả Tự Đức nữa, như vậy, đã tiếp xúc được những ý tưởng như vậy, nhưng thành vấn đề quan tâm chưa, hay đó vẫn là điều xa lạ, có thể làm nên sự sửng sốt, nhưng thành xa lạ, không ám ảnh như những nhu cầu thay đổi về kỹ thuật, về các bộ phận của quyền lực. Từ sự gặp nhau về nhận thức của vị lãnh sự đến từ phương Tây và của Fukuzawa – một người trực tiếp gặp Tự Đức, một người cải cách cùng thời ở Nhật, chúng ta thấy căn nguyên quan trọng là tư tưởng Nho giáo, điều mà Nguyễn Trường Tộ mới ý thức được từng phần, từng điểm. Yoshiharu Tsuboi cũng nhận thấy sự “không ngờ vực” “khuôn phép Nho giáo”, “sự tin tưởng mù quáng” vào hệ thống Nho giáo đã cản trở những nhà cải cách và triều đình “phát huy những lối suy nghĩ khác” [Yoshiharu Tsuboi, 2011, tr.339].

     Xã hội trật tự phận vị Nho giáo không hình dung được tự do cá nhân, tất nhiên sẽ rất sợ tự do cá nhân vì nó sẽ phá vỡ trật tự từ lâu đã thành khuôn thước. Với cách nhìn chưa được chuẩn bị để thay đổi, thì làm sao có thể nhận thấy rõ Nho giáo là lực cản mất còn với tự do, bình đẳng, trở lực nguy hiểm nhất của sự phát triển.

     Nguyễn Trường Tộ nói không có bộ môn gì, không thấy vấn đề gì mà không học, không đọc, nhưng yếu tố tự do cá nhân, các điều kiện của xã hội cho tự do cá nhân tồn tại, lại không có trong quan tâm của Nguyễn Trường Tộ2 như ở Fukuzawa.

     A. Cải cách chính trị, xã hội

     Nguyễn Trường Tộ viết điều trần là nhằm thuyết phục một sự thay đổi từ nhận thức và hành động từ trên xuống, từ quyền lực nhà nước. Chú trọng sự thay đổi từ vài bộ phận trong cơ cấu hệ thống quyền lực cũ, nhưng sự thay đổi này, theo như những đề nghị của ông, tất nhiên hướng đến sức mạnh nhà nước, xem sức mạnh này có ý nghĩa quyết định sự thay đổi, và hướng ít, hay có thể chỉ là những dấu hiệu mờ nhạt, đến xã hội, đến sức mạnh ngoài nhà nước. Cái quan niệm “nước mạnh, dân giàu” của ông không bao hàm trong nó vừa sức mạnh của quyền lực nhà nước vừa sức mạnh trong lòng xã hội, nó có thể chỉ là sự giàu mạnh về vật chất kỹ thuật và ông xem đây là cái quyết định sức mạnh một đất nước, sự giàu mạnh của quốc gia.

     Trong cách nhận thức và hình dung đó, Nguyễn Trường Tộ không đặt vấn đề tiến bộ, văn minh, hay chưa thấy ra điều này như Fukuzawa, mà đặt vấn đề nước mạnh, dân giàu, đặt hy vọng từ cải cách vài quan niệm về kinh tế, vài nhận thức về bộ phận nào đó của chính trị, giáo dục hay luật pháp sẽ thay đổi đất nước. Mỗi một đề xuất thay đổi yếu tố, bộ phận nào đó thì ông đều nói rất lạc quan rằng rồi sẽ dẫn đến thế này, dẫn đến thế kia một cách tích cực. Ví dụ, ông đề xuất “mua tàu lớn vượt bể để chở những đồ vật nước mình dư không dùng đến đem bán ở các nước” rồi họ sẽ đưa đi bán cho các nước khác, rằng “nếu làm được thì không ngoài vài năm người Tây tự nhiên bỏ đất mà đi không cần phải đánh chác gì nữa”. Tuy nhận thấy sự xâm lược của phương Tây mục đích đầu tiên là tìm kiếm, chiếm lĩnh thị trường, nhưng giải quyết vấn đề chỉ vậy là không tính đến, lý giải đến các điều kiện, các mục đích khác. Đấy là chưa nói đến thị trường nội địa và thị trường mà mình hướng đến, các nhu cầu khác nhau của buôn bán,… Thực dân Pháp hướng đến Việt Nam là nhằm vào một không gian thị trường, chính trị rộng lớn hơn, ví dụ hướng sang Vân Nam, Trung Quốc và một mục đích nhiều tham vọng hơn.

     Hiểu được phá bỏ bế quan tỏa cảng là một việc cần kíp, nhưng không thể nghĩ rằng mở cảng thông thương thì việc tốt đẹp sẽ đến. Ông lý giải và lạc quan tin vào việc mở cửa khẩu mà không tính đến xây dựng các phương diện hỗ trợ, tính đến các nguồn lợi từ nó, nhưng không thể xem từ đó “sự sinh sống của dân ta sẽ dần dần thịnh vượng”. Cách phân tích rằng mở cửa thì nước ngoài “không thừa cơ gây hấn, chỉ dùng lối nói mềm dẻo để xin” là một lạc quan hay là một cách thuyết phục của điều trần:

     “Ví như trong nhà có một chỗ bí mật không hề mở cho ai thấy ắt sẽ khiến người ta sinh nghi. Bọn cướp không phải trên trời xuống, tất cũng là người trên đất này, chúng sẽ lấy kỳ được những thứ cất giấu đó mới thôi. Nay nếu ta mở toang các cửa, để cho họ thấy rõ mọi vật đều có chủ, thì không thể thừa cơ gây hấn, chỉ có dùng lối mềm dẻo để xin mà thôi. Khi đó quyền định đoạt thuộc về ta. Ngày nay nếu ta nhân có họ xin mà mở các cảng khẩu để thuyền bè các nước ra vào, ta ngồi mà thu thuế để tăng quốc dụng, như ở Trung Quốc. Có thuyền máy qua lại trên mặt biển thì bọn cướp biển dần dần sẽ tiêu. Sự sinh sống của dân ta sẽ dần dần thịnh vượng” [Di thảo 8].

     Sự suy luận lạc quan từ một đề xuất tích cực, nó phá vỡ một định chế tai hại là bế quan tỏa cảng, nhưng không tính đến các điều kiện cần thiết, vì vậy về sau, tháng 9 năm 1875, nghĩa là sau khi Nguyễn Trường Tộ mất được mấy năm, mở các bến cảng Hà Nội và Hải Phòng, “đã có những hậu quả tai hại” bởi triều đình “không biết đến cả cơ chế định giá của thị trường tự do” [Yoshiharu Tsuboi, 2011, tr.342]. Việc sử dụng các hiểu biết từ bên ngoài về Việt Nam không đặt nó trong tổng thể, suy tính các yếu tố cần thiết, tương thích, cũng như sự lạc quan về các kết quả của cải cách bộ phận, dường như là một đặc điểm có tính chất chung của không ít các điều trần, các phác thảo của Nguyễn Trường Tộ, hai phân tích trên là những ví dụ.

1. Mọi quyền lợi hành vi trong một nước phải do vua nắm

     Về phương diện chính trị, nhiều nghiên cứu đã nói Nguyễn Trường Tộ muốn giữ nguyên nền quân chủ Nho giáo, có vài sửa đổi, ví dụ phân quyền cho các cấp quản trị giống với các nước phương Tây mà ông quan sát được: “Nhìn ra các nước ở phương Tây và Tây châu, vua các nước thường giao việc nước cho các đại thầnchu du các nước để mở rộng kiến văn, không phải lo việc bên trong nữa, vì đã có nhiều người lo giữ cho rồi. Sở dĩ được thế vì danh nghĩa đã lập, ngôi vị đã định, lý chính, thế đồng, phải trái thiên hạ đều biết, tung hoành liên kết nước lớn nước nhỏ, hòa hiếu hợp với các nước, một người làm trái thì cả đám gỡ cho” [Di thảo 8]. Trong cách lý giải và cách quan sát vua “phương Tây và Tây châu” của Nguyễn Trường Tộ, như trích dẫn trên, thì bộ máy quyền lực được phân công trách nhiệm quản lý nhà nước và được, nói như cách nói ngày nay là giám sát, bởi “thiên hạ đều biết” “phải trái” và chính quyền “xử sự hợp với công luận”. Nhưng kiểu giám sát và “một người làm trái thì cả đám gỡ cho” thì sự phân công trách nhiệm “giao việc cho các đại thần” để “chu du các nước” nhằm “mở rộng kiến văn” vì đã có sự phân công rồi không phải lo nội chính vì “đã có nhiều người lo giữ cho rồi”. Cách nhìn này, như vậy đã đòi hỏi một chế độ quân chủ khác, trên căn bản của bộ máy cũ. Nhưng hiểu theo kiểu phân nhiệm như thế chưa bảo đảm điều đó được hiểu như một “tinh thần pháp quyền tư sản” [Cao Tự Thanh, 2013, tr.75-76], nó là vì vua, do vua, từ vua, nó không từ một khế ước pháp quyền, mặc dù tính chất được mô tả đó không còn là tính chất nguyên bản nhà nước quân chủ Nho giáo đức trị.

     Sự lý giải phân công trách nhiệm trong bộ máy vẫn dựa trên “lý chính”, “thế đồng”, “danh nghĩa đã lập”, “ngôi vị đã định” và chưa cho thấy tinh thần của một Hiến pháp cho hệ thống quyền lực, nó vẫn là “giao việc” bởi từ vua, chứ không phải khế ước xã hội. Cách nhìn nhận nhà vua đã giao việc cho các đại thần nên “không phải lo việc bên trong nữa, vì đã có nhiều người lo cho rồi” có thể chưa mô tả đúng tổ chức nhà nước tư bản và được hiểu như là phân nhiệm để cho nhà vua có thời gian “mở rộng kiến văn”, không phải sự phân công sâu của các bộ phận quản lý hành chính, quản trị đất nước. Cách giải thích của Nguyễn Trường Tộ về “ngôi vua là quý, chức quan là trọng” xuất phát từ phê phán quan niệm “dân là gốc của nước” và giải thích vua, quan có trách nhiệm ổn định xã hội, dân thì không bảo đảm cho điều đó, họ còn có thể tranh giành quyền lực, làm loạn, thù oán nhau: “Người xưa có nói: “Dân là gốc của nước”. Nói như vậy cũng chưa đúng. Tôi cho rằng vua quan là gốc của nước. Vì không có vua quan thì chẳng bao lâu dân sẽ loạn, tranh nhau làm trưởng, giành giật lẫn nhau, án sát lẫn nhau, oán thù lẫn nhau. Cho nên nước dù có vua bạo ngược còn hơn không vua. Trong kinh thánh xưa của đạo giáo có nói: Tuy vua bạo ngược dân cũng không thể hai lòng. Vì nếu dân dấy loạn thì chưa tổn hại đến vua mà trước hết là hại dân” [Di thảo 13]. Cách giải thích “Cho nên nước dù có vua bạo ngược còn hơn không vua” cho thấy Nguyễn Trường Tộ rất xa với quan niệm nhà nước pháp quyền. Điều đó có thể giải thích nhu cầu ổn định, về trật tự pháp luật chứ chưa có thể nói về một nhà nước pháp quyền trong đó nhà vua là viên chức trong hệ thống hành chính3. Nguyễn Trường Tộ đã viết trong bài Lục lợi từ [Di thảo 5] và nhắc lại trong Di thảo 13, chứng tỏ ý tưởng về chế độ chính trị quân quyền, tập quyền, chứ không phải cho thấy một nền chính trị pháp quyền độc lập:

     “Cho nên trong bài Lục lợi từ, tôi có nói: Mọi quyền lợi hành vi trong một nước phải do vua nắm, và cùng với quốc dân chia sẻ nỗi vui buồn. Ngoài quy luật này ra đều là tội cả. Tôi xem khắp các nước trong thiên hạ, hễ nước nào có một họ được bề tôi đời đời giúp rập thì tuy có đôi khi suy vi nhưng trong nước cũng không đến nỗi có loạn lớn. Như Nhật Bản đã mấy nghìn năm, Thổ Nhĩ Kỳ đã nghìn năm, các nước phương Tây đều như thế cả, ở Nam Tây Châu cũng vậy. Sở dĩ dân ở đấy phần nhiều chỉ có loạn nhỏ mà không có loạn lớn là vì danh nghĩa đã xác lập ngôi vị ổn định, nghe thấy đã quen ít xảy ra việc thoán đoạt làm loạn” [Di thảo 13]. Nhìn vào ngôi vua ổn định ở các nước phương Tây mà không nhìn vào cơ cấu quyền lực, cấu trúc chính trị và đặc điểm xã hội của họ thì sự biện luận cho bảo lưu một ngôi vị vua ở một nước chưa phát triển về mặt xã hội là duy trì sự không thay đổi về nền chính trị quân chủ.

2. Quan niệm mới về luật và giới hạn của một cách nhìn

     Chế độ quân chủ Nho giáo là chế độ lấy đức trị để quản trị đất nước, dù có hình luật kiểu “Quốc triều hình luật’ của nhà Lê thì đưa lên hàng đầu vẫn là đức trị, ơn nghĩa, lễ nghĩa, biếm truất không xét xử là biện pháp quen dùng. Nguyễn Trường Tộ sau những quan sát từ phương Tây đã đề nghị đưa luật lên cai quản đất nước, việc điều trần một quan niệm, một nhận thức đó thôi cũng là điều không dễ được tiếp nhận, dù pháp trị hay đức trị vẫn là sự tương nhượng, bàn luận rất nhiều trong lịch sử quyền lực. Đặt các điều trần về luật của Nguyễn Trường Tộ trong môi trường tiếp nhận của bộ máy cai trị bằng đức trị để phân tích thấy rõ khoảng cách giữa cái chính trị đang tồn tại và cái đang đươc điều trần thay đổi, đồng thời thấy rõ đặc điểm, tính chất tư duy nằm sâu trong hình dung cải cách của Nguyễn Trường Tộ. Như vừa nói, chuyên chế đức trị hay pháp trị không phải là câu chuyện mới của sự lựa chọn trong lịch sử, nhưng giữa đức trị chuyển sang luật có nội dung mới, mà tính chất cơ bản của nó là khế ước xã hội, thay đổi ít nhiều quyền lực của nền quân chủ lại là câu chuyện bước chuyển thời đại.

     Cách trình bày một ý tưởng về luật, tính tư tưởng và sự hình dung về nó, cách giải thích quan niệm liên quan đến việc ông điều trần về các cách cải cách luật pháp,… là điều cần phân tích mới thấy tầm vóc cải cách chính trị của Nguyễn Trường Tộ. Có thể nói, ở vấn đề này, tính chất, đặc điểm của điều trần rõ nhất, khi Nguyễn Trường Tộ dung hợp mới cũ, trên cơ sở cái luật cũ, điều đó cũng cho thấy Nguyễn Trường Tộ đi xa bao nhiêu, bị điều kiện hóa trong cái cũ như thế nào:

     “Bất luận quan hay dân, mọi người đều phải học luật nước và những luật mới bổ sung thêm từ Gia Long đến nay. Ai giỏi luật sẽ được làm quan. Vì luật bao gồm cả kỷ cương, uy quyền, chính lệnh của quốc gia, trong đó tam cương ngũ thường cho đến việc hành chánh của 6 Bộ đều đầy đủ. Quan dùng luật để trị, dân theo luật mà giữ gìn. Bất cứ một hình phạt nào trong nước đều không vượt ra ngoài luật. Bởi vậy ở các nước phương Tây, phàm những ai đã nhập ngạch Bộ hình xử đoán các vụ kiện tụng thì chỉ có thăng trật chứ không bao bị biếm truất. Dù vua, Triều đình cũng không giáng chức họ được một bậc. Như vậy là để giúp cho các vị này được thong dong trong việc chấp hành luật pháp không bị một bó buộc nào cả. Phàm những tội ngũ hình đều do các vị này xử. Vua cũng không được đoán phạt một người nào theo ý mình mà không có chữ ký của các quan trong Bộ ấy. Làm thế là để cho dân chúng thấy rõ đạo công bằng. Vả lại vua không dự vào những việc ngũ hình để tỏ đạo nhân ái”.

     Đề xuất về luật của Nguyễn Trường Tộ là bước tiến bộ vượt bậc so với hình luật của chế độ quân quyền, đó là tất cả các hình phạt “không vượt ra ngoài luật”, “quan dùng luật để trị, dân theo luật mà giữ gìn” [Tế cấp bát điều – Di thảo 27]. Nhưng điều đó không thể hiện hết sự tiến bộ khi quy định mang tính hiến pháp, vượt ra khỏi vương quyền, đó là “dù vua hay triều đình cũng không được giáng chức” ngạch Bộ hình, “Vua không dự vào những việc ngũ hình”, dù điều này ông chỉ nêu câu chuyện “ở các nước phương Tây”. Nhà vua thực sự vẫn nằm ngoài vòng pháp luật, luật quy định cho quan trở xuống, nhà vua chỉ bị quy định ở chỗ không can thiệp vào việc “ngũ hình”, nghĩa là tòa án có sự độc lập với chính quyền, nghĩa là có tính chất của “tam quyền phân lập”, đấy là một tiến bộ quan trọng của đề xuất luật pháp qua việc quan sát các nước phương Tây. Ông quan tâm cái gì trong những cái ông có thể quan sát được?

     Quy định như thế cho nhà vua là không nằm trong luật pháp mà nằm trong hiến pháp, vì đấy là thuộc quyền hạn và trách nhiệm, là hệ thống quy định những nguyên tắc căn bản của thể chế nhà nước, nguyên tắc giữa các tổ chức chính trị, là đạo luật cơ bản nhất của một nhà nước, chứ không thuộc vào điều luật.

     Nhưng dù, là tính chất “tam [hay nhị] quyền phân lập” được nêu lên rất rõ thì vua vẫn nằm ngoài luật pháp, trừ mỗi quy định vua không can thiệp vào hình luật, vua không nằm trong sự xét xử nào nên dùng luật cho quan và dân mà thôi. Nhà vua bị tước bớt quyền lực trực tiếp, không còn biếm tuất, thăng trật ở ngạch hình luật.

___________
1. “Nay việc khẩn cấp nhất của ta là trước hết phải giữ cho được cái gì chưa mất còn việc mưu thu hồi sáu tỉnh là việc sau. Muốn giữ cái chưa mất thì phải gấp rút giao thiệp rộng, muốn mưu thu hồi sáu tỉnh thì phải gấp rút thừa cơ, mà canh tân chính là căn bản để mưu thu hồi và gìn giữ. Nếu không canh tân để tiến bộ thì dù có tạm thu hồi được, vá hôm nay ngày mai lại rách, rốt cuộc cũng không thể không có chuyện xảy ra. Nếu nhất luật canh tân để tiến bộ thì việc giữ không khó mà việc mưu thu hồi không chóng thì chầy cũng có thể hy vọng được” [Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh 2002, tr.464, Di thảo số 52].

2. “Về việc học thì không môn nào không để ý tới, cái cao của thiên văn, cái sâu của địa lý, cái phiền toái của nhân sự, cho đến luật lịch, binh quyền, tạp giáo, dị nghệ, các môn cách trí, thuật số, không môn nào tôi không khảo cứu, nhất là, để ý nghiên cứu về sự dọc ngang tan hợp trong thiên hạ” [Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo, NXB TP Hồ Chí Minh 2002, Di thảo 3].

3. Cao Tự Thanh: “…mệnh đề: “ngôi vua là quý chức quan là trọng” trong một bản điều trần của ông [Nguyễn Trường Tộ] thực ra đã xuất phát từ cách đặt vấn đề về tổ chức quản lý nhà nước và xã hội theo tinh thần pháp quyền tư sản, ở đó vua quan chỉ là những viên chức trong hệ thống hành chính và đều phải làm tròn chức trách cũng như tuân thủ pháp luật, điều này khác hẳn tư tưởng tôn quân và quan niệm về trật tự xã hội theo truyền thống Nho giáo phương Đông” [Nguyễn Trường Tộ trong giới hạn và thất bại của trào lưu canh tân đất nước nửa sau thế kỷ XIX, dẫn theo Nguyễn Tiến Lực: Fukuzawa Yukichi và Nguyễn Trường Tộ – Tư tưởng cải cách giáo dục, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2013, tr.75-76].

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ IV với chủ đềNhững vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam trong thế giới ngày nay.
NXB: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – 2019 [từ  trang 1207 đến trang 1222]

Ban Tu thư [thanhdiavietnamhoc.com]

     Mời xem tiếp:

Cải cách, Duy Tân của Nguyễn Trường Tộ: đặc điểm, tính chất, tầm vóc và quy mô [Phần 2]

Video liên quan

Chủ Đề