Review phim the man from earth năm 2024

Phim không kỹ xảo, bối cảnh giới hạn trong một căn phòng nhưng có sức hấp dẫn vô cùng lớn, là một kiệt tác của dòng phim khoa học giả tưởng, là cái thể loại sâu sắc đến từng con chữ, tinh tế đến từng hạt cảm xúc.

Một trong những cách biểu đạt thông tin và khơi màu cảm xúc hiệu quả nhất là kể một câu chuyện. Đặc biệt đây lại là một câu chuyện có sức nặng khi người nghe có thể đắm mình trong nó, cảm nhận họ là một phần trong dòng chảy lớn hơn của lịch sử, một câu chuyện mà dù không muốn chấp nhận nhưng các nhân vật vẫn không thể cưỡng lại được sức hấp dẫn của nó, vẫn thèm khát được nghe mãi, được trả lời cho những trăn trở dù nó mới lạ, nó ngược ngạo với những định kiến thông thường.

“Tôi nghĩ đó là chuyện hoang đường, nhưng… tôi vẫn muốn nghe thêm”

Từ đầu đến cuối, phim đơn giản chỉ là cuộc đối thoại trước lúc chia ly, mà xương sống là các chuyện kể của John Oldman – tự cho mình trường sinh bất lão – với những người bạn. Trong một căn phòng nhỏ, ánh lửa bập bùng, các ý niệm về sinh học, lịch sử, tôn giáo, nhân loại học, cảm xúc và nhận thức con người… được sắp xếp, gợi mở trơn tru, theo đó là âm nhạc định hướng khá rõ ràng: ban đầu hứng khởi, sau đó là huyền bí pha lẫn chút bàng hoàng, rồi thinh lặng, cuối cùng là bản giao hưởng nhẹ nhàng.

1- Từ nhân chứng lịch sử…

Trước tiên xin giới thiệu sơ qua thứ ngoài lề phim: Nguyên lý vị nhân.

Nguyên lý vị nhân cho rằng Vũ trụ nguyên thủy tự điều chỉnh những điều kiện ban đầu của nó đến mức vô cùng tinh tế và vi tế [như khối lượng các hạt sơ cấp] để sau này, sự sống có hiểu biết bậc cao xuất hiện và tự vấn về sự tồn tại của chính mình. Cũng giống với Đấng Sáng thế Tối cao hay một thực thể tương tự gieo những hạt mầm sống đầu tiên cho nhân loại.

Và John Oldman – với 14.000 năm tồn tại trên trái đất – vẫn còn sống để thuật lại những chuyến phiêu lưu kỳ diệu của đời người. Vi diệu ở chỗ, ông không tồn tại như các thể loại siêu anh hùng bất lão bất tử [kiểu Wonder Woman], mà chỉ là dạng thường dân tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, thậm chí trải qua các đợt dịch bệnh tiêu diệt hàng triệu người [như đậu mùa, mà ứ để lại tí sẹo nào].

Đám khán giả là chuyên gia các kiểu ngồi chém gió, đặt câu hỏi, tranh luận, châm chích chọt, phản bác đủ kiểu ngay khi có nghi vấn hay đụng chạm đức tin.

“Câu chuyện của cậu không hợp tự nhiên như chúng ta đã biết” “Nhưng chúng ta biết rất ít”

Phim quay tới quay lui cũng chỉ là nội dung và nét mặt, hỏi và đáp. Ông có thể bị giết không hay bất tử? Tồn tại bên trong hay ngoài thời gian? Làm sao một người 14.000 năm tuổi tồn tại qua ngần ấy năm với bao biến đổi thời cuộc? Sống lâu vậy có theo tôn giáo hay có đức tin nào không? Các cuộc di cư, chuyển đổi bộ tộc, phiêu lưu, trốn chạy, nghe Đức Phật giảng…

Là cái thể loại kể chuyện mà không phải chuyện, đó là trải nghiệm có kết hợp suy luận logic khi hồi tưởng lại quá khứ, cho nên John Oldman dễ dàng trả lời các câu hỏi và lập luận, tuy hiển hiện đôi mắt buồn bã trước sự ngờ vực, lâu lâu mỉa mai của mấy cha chuyên gia. Ổng không phải thiên tài, thứ ông có là thời gian, là quan sát, đúc kết. Nhưng ổng đáp trả câu nào ra câu đó, tinh tế và trực diện vấn đề. Cứ như cả thế giới tồn tại từ khi John Old biết nhận thức chỉ để cho một mình nhân vật chính là ổng quan sát, tự vấn và chứng nghiệm vậy.

“Thời gian, chúng ta không thể nhìn thấy nó, nghe nó, không thể cân nó, đo lường trong phòng thí nghiệm. Đó là cảm giác chủ quan khi trở thành chúng ta thay vì chính chúng ta cách đây 1 phần tỷ giây trước, và chính chúng ta sau 1 phần tỷ giây. Người Hopis xem thời gian như là 1 quang cảnh, tồn tại trước và sau chúng ta, và chúng ta di chuyển, chúng ta di chuyển xuyên qua nó, từng lớp, từng lớp một.”

“Đồng hồ để đo thời gian.”

“Không, chúng tự đo chúng đấy. Cái mà 1 cái đồng hồ nhắm đến là 1 cái đồng hồ khác.”

“Thật là thú vị biết bao. Vậy thì nó đã làm gì với John?”

“Oh, cậu ấy – cậu ấy có lẽ là người sống bên ngoài cái gọi là thời gian mà chúng ta biết.”

2- … cho đến việc trở thành kẻ sáng tạo lịch sử

Một thực thể sống từ thời tiền sử cho đến nay, chu du khắp thiên hạ, là hiện thân của nguyên lý vị nhân ắt phải có mối nhân duyên với Đức Phật để chứng ngộ thế gian ở cấp độ chân lý.

John tiếp tục mang đến cho những tay chuyên gia một câu chuyện thảng thốt bàng hoàng khác: Ổng từng là người truyền bá tư tưởng mà người đời gọi tên Chúa Jesus, sau khi đem những lời dạy của Đức Phật diễn đạt lại theo cách người đời có thể hiểu, hạn chế thay đổi đến mức thấp nhất.

“Believe in what he tried to teach, without rigmarole. Piety is not what the lessons bring to people, it’s the mistakes they bring to the lessons.”

Câu này subtitle Tiếng Việt có vấn đề nên tạm dịch lại: “Tin những gì ổng [chúa Jesus nói] mà không bép xép hay kể lể lại luyên thuyên. Lòng mộ đạo không phải là thứ tôi [chúa Jesus] muốn truyền tải cho nhân loại, nó [Lòng Mộ đạo hay Sùng đạo] là sai lầm mà người ta thêm thắt vào các bài học”

Hay nói cách khác: Người ta đã sai lầm khi thêm Lòng Mộ đạo vào các bài thuyết giảng.

Bàn về Tôn giáo, ngoài lề một xíu [nhưng có liên quan]

Trước tiên, Thượng Đế là gì? Đó là một thực thể, hay đơn thuần là niềm tin, cảm giác. hay cái gì đó khác? Không ai có thể khẳng định, dù cho khẳng định thì cũng chỉ là cảm quan cá nhân mang tính chủ quan của chính bản thân người đó.

Hoặc người biết Thượng Đế là gì, đã chứng ngộ Thượng Đế, họ chỉ có thể hướng người khác vào con đường tìm kiếm Thượng Đế mà thôi.

Ở cấp độ hiện hữu vật chất, rất khó có thể lý giải bằng ngôn ngữ hay diễn tả trực quan mà con người có thể nhận thức được bằng giác quan.

Ở cấp độ toàn thể, nói chung, Thượng Đế mang tính chân lý, nguyên tắc vận hành, là sợi năng lượng vật chất và tâm linh xuyên suốt, kết nối cả vũ trụ này.

Con người hiện đại đã đồng tình rằng mọi tôn giáo đích thực hướng con người tới cái tốt đẹp, sâu xa hơn là mọi tôn giáo đều qui về một mối.

Các tôn giáo hiện đại có thể tiếp cận mối đó bằng hai cách, hai con đường: – Con đường của nỗ lực lớn lao, hay sự dấn thân tìm kiếm Thượng Đế: Ấn giáo, Hồi giáo, Kitô giáo, Do Thái giáo. Thượng Đế luôn bên cạnh thông qua lời cầu nguyện, nhưng chưa hiện hữu. Để đạt đến sự hiện hữu và hòa nhập, đòi hỏi vươn tới ngưỡng tối đa của sự khổ hạnh, không thể kém hơn, vì vô tác dụng. – Con đường của tánh không, của vô vi: Phật giáo, Đạo giáo. Để cửa mở và chờ Thượng Đế bước vào, tạo khoảng trống cho Thượng Đế trú ngụ. Không ý chí mà là từ bỏ, không dò hỏi, không tìm kiếm, chỉ tiếp nhận. Cho nên cầu nguyện sẽ là trở ngại, thiền mới là phương pháp vi diệu, được phát triển bởi các Phật tử và Đạo nhân.

Tín đồ Giáo tìm kiếm Thượng Đế, Thiền giả chờ Thượng Đế tới.

Nếu dấn thân vào con đường thứ nhất, thực sự chú tâm, bản ngã phải làm nhiều thứ, cho nên nó dễ thành rào cản, bản ngã có nguy cơ trỗi dậy mạnh mẽ. Đối với con đường thứ hai, chấp nhận buông bỏ tất cả, không làm gì, sẽ có thể rơi vào trạng thái lười nhác, ngơ ngác, mất tỉnh táo, đờ đẫn.

Tuy nhiên, người theo tôn giáo hiện đại do sự tiếp nhận tam sao thất bản các lời dạy của bậc thánh nhân xưa, thường lầm lạc giữa hai phương hướng. Nỗ lực lớn lao, mộ đạo nhưng trở nên mất tỉnh táo, thi hành ở trạng thái trống rỗng, hoặc tu tập tánh không nhưng để bản ngã trỗi dậy, ngay cả trường phái Tịnh độ.

Quay trở lại câu chuyện của John Oldman, kịch bản đã có góc nhìn vô cùng sáng tạo khi tạo ra những tình tiết của một câu chuyện khá hợp lý khi cho ông tiếp thu chân lý từ Đức Phật, giảng dạy lại dưới ngôn ngữ địa phương, giải thích nguồn gốc từ Jesus, cách ngưng trệ đau đớn và sự sống [thực ra là đưa cơ thể vào trạng thái ngưng trao đổi chất – một số sách gọi là trạng thái Xômachi, khi nước trong cơ thể chuyển sang một dạng đặc chất khác] bằng thiền định học từ Đức Phật lại được huyền thoại hóa thành chúa Jesus cải tử hoàn sinh.

Các sự kiện huyền ảo của tôn giáo chỉ như nét họa thêm thắt dưới sự giải thích của John, và đức tin của những người nghe bị lung lay dữ dội.

“The mythical overlay is so enormous. And not good. The truth is so, so simple.”

Câu chuyện dần trở nên hấp dẫn đến mức người phụ nữ với đức tin mạnh mẽ ban đầu phản ứng dữ dội, sau thì hỏi lại John: “Là ông thiệt hả?” “Nếu giờ tui nói không phải, chị tin không” :v

John Oldman tự bản thân ông đã có con đường của riêng mình, ông không tìm kiếm Thượng Đế, cũng không ngồi chờ Thượng Đế, ông là hiện thân của vũ trụ, tự trải nghiệm chính vũ trụ nhưng cũng vị nhân sinh. Ông hướng nhiều tới Đạo, nhưng thi hành Đạo theo cách của Giáo.

3- Mấy thứ khác ngoài nội dung [đuối rồi viết sơ sơ]

– Diễn xuất tuyệt vời, tinh tế từng nét mặt, mỗi nhân vật cá tính riêng biệt, không ai chìm, đất diễn phân chia hợp lý – Âm nhạc hợp ngữ cảnh – Thoại vô cùng sắc sảo, một trong những phim thoại hay nhất từng được xem – Góc quay đẹp và bật được cảm xúc diễn viên – Đoạn trước kết đẹp nhưng gây hụt hẫng, mấy anh chị chuyên gia yếu quá :v – Đoạn kết tuyệt vời

Jerome Bixby viết kịch bản từ tập niên 60, viết dài dài 35 năm cho tới ngay trước lúc ổng mất. Kinh phí làm phim có 0.2 triệu đô thui mà imdb 8.0

Thực sự coi tới cuối phim mới thấy bị trả lại hiện thực chán ngấy mà đáng lẽ mình đang ở trong cái phòng của ông John Oldman này. Thiệt là muốn nói chuyện với ổng quài quài mãi mãi.

Một phim khoa học viễn tưởng chả cần tới vũ trụ khác, chả cần tới du hành thời gian hay mấy thứ vị lai, hay người ngoài hành tinh, hay xâm lăng hầm bà lằng các kiểu.

Và thay vì kể lại một câu chuyện khác, một lịch sử khác, phim tuyệt vời ở chỗ xác thực lại lịch sử theo cách của nó.

Mỗi người, thay vì có một cuộc sống ở thế giới vật chất dài đằng đẵng không chết như ảnh, thì chúng ta có linh hồn, cũng hành trình trên một cuộc phiêu lưu bất tận…

What does a day, or a year or a century mean to you ? The birth death cycle ? Johm Oldman: Turbulence. I meet someone. Learn their name, say a word, they’re gone. Others come like waves, rise and fall. Ripples in a wheat field blown by wind

Chủ Đề