Tác hại của thuốc bảo vệ thực vật là gây ô nhiễm môi trường ô nhiễm nông sản

17:39, 05/06/2013

HGĐT - Trong quá trình canh tác trong nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật [BVTV] đã giúp con người tiêu diệt các loài dịch hại trên đồng ruộng [sâu, bệnh, cỏ dại...]. Vì vậy, thuốc BVTV đã góp phần giữ vững và làm tăng năng suất cây trồng. Nhưng trong quá trình sử dụng, thuốc BVTV đã để lại hậu quả do làm ô nhiễm nguồn nước, đất canh tác và không khí, ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ con người do để lại dư lượng trong các sản phẩm nông nghiệp.


Bên cạnh đó thuốc bảo vệ thực vật là một trong trong những nguyên nhân chủ yếu làm bùng phát dịch sâu, bệnh hại cây trồng trong những vụ và năm sau.

Khi phun thuốc BVTV trên đồng ruộng chúng không chỉ tiêu diệt các loài sâu, bệnh, cỏ dại gây hại cây trồng mà các loài thiên địch có ích [thiên địch là những loài lấy sâu hại làm thức ăn hoặc ký sinh sâu hại] đều bị tiêu diệt; đa số các loài thiên địch bị tiêu diệt nhiều hơn do chúng dễ mẫn cảm với thuốc BVTV so với các loài sâu, bệnh hại. Nhưng các loài sâu hại sau khi bị phun thuốc, những cá thể còn sống sẽ phục hồi quần thể nhanh hơn nhiều so với các loài thiên địch. Vì vậy, các loài sâu hại sau khi hồi phục sẽ tăng nhanh mật độ trong khi thiên địch chưa kịp phục hồi để có thể đủ sức khống chế sâu hại. Vì vậy, ở những nơi nào mà người nông dân dùng nhiều thuốc BVTV để trừ sâu, bệnh trên cây trồng thì ở chính những nơi đó thường xuyên bùng phát dịch sâu bệnh vào những vụ và năm sau. Ngoài ra, khi sử dụng thuốc BVTV không đúng kỹ thuật sẽ gây hiện tượng sâu hại quen thuốc dẫn đến kháng thuốc và chống thuốc. Vì vậy, những vụ và năm sau muốn tiêu diệt sâu bệnh hại người dân lại phải tăng nồng độ và liều lượng các loại thuốc BVTV dẫn đến hiện tượng lượng thuốc BVTV tăng dần qua các năm trên cùng đơn vị diện tích. Điều đó gây tốn kém về mặt kinh tế, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, dư lượng các loại thuốc BVTV ngày càng cao trên các loại nông sản, ảnh hưởng càng nguy hại tới sức khoẻ con người. Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật: Nếu như cả nước ta năm 1990 đã sử dụng 10 nghìn tấn thuốc BVTV thì đến năm 2003 lượng thuốc BVTV đã sử dụng tăng lên 45 nghìn tấn, năm 2005 cả nước đã sử dụng 50 nghìn tấnvà vào năm 2010 cả nước đã sử dụng 72.560 tấn thuốc BVTV trong một năm. Đây thực sự là con số nguy hiểm đe doạ môi trường sống, sức khoẻ con người và hệ sinh thái nông nghiệp.

Vậy làm thế nào để giảm lượng thuốc BVTV sử dụng trên đồng ruộng nhưng vẫn giữ vững và tăng năng suất cây trồng? Nhằm hạn chế những ảnh hưởng bất lợi do thuốc BVTV gây ra cho môi trường sống, sức khoẻ con người và hệ sinh thái nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến cáo người nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV trên đồng ruộng; đó là triển khai sản xuất theo qui trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, qui trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap, chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp IPM... đó là những tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giảm lượng thuốc BVTV sử dụng trên đồng ruộng nhưng vẫn giữ vững và tăng năng suất cây trồng. Ngoài ra để bảo vệ các loài thiên địch có ích trên đồng ruộng, các cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo người nông dân nên sử dụng các loại thuốc BVTV có phổ tác động hẹp, nhanh phân huỷ, ít ảnh hưởng tới các loài thiên địch và có tính chọn lọc cao đối các loài với sâu bệnh hại.

                                          PHẠM VĂN PHÚ

                             [Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Giang]

Moitruong.net.vn

– Chỉ tính riêng trên cây lúa đã có tới 3.321 loại thuốc BVTV; đối với rau cũng có 260 sản phẩm. Các chuyên gia cảnh báo, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đang ở mức báo động, thậm chí một số nơi, nông dân “nghiện” sử dụng thuốc BVTV.

Qua gần 60 năm hình thành phát triển, không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của hệ thống ngành bảo vệ thực vật [BVTV] góp phần đưa đất nước trở thành quốc gia hàng đầu về xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp với tổng giá trị 36,2 tỷ USD năm 2017, trong đó, ngành trồng trọt chiếm tới 20 tỷ USD về giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Là một đất nước khí hậu nhiệt đới, có nền nông nghiệp phát triển, việc sử dụng thuốc BVTV là cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa trên thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện tình trạng lạm dụng thuốc BVTV đem đến nhiều hệ lụy tác hại cho sản xuất, môi trường, sức khỏe cộng đồng, đe dọa sự phát triển bền vững của nông nghiệp. Thậm chí, nhiều loại nông sản đã phải mang tiếng trên thi trường quốc tế vì có tồn dư thuốc trừ sâu quá mức cho phép.

Tình trạng lạm dụng thuốc BVTV sử dụng trên cây trồng đang ở mức báo động [ảnh minh họa]

Thực tế, thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy, năm 2017, Việt Nam chi tới 989 triệu USD để nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu, tăng 36,4% so với năm 2016. Theo đó, nguồn nhập chủ yếu là từ Trung Quốc chiếm tới 52,6% tổng giá trị của mặt hàng này.

9 tháng đầu năm 2018, tuy lượng nhập khẩu thuốc BVTV và nguyên liệu có giảm so với cùng kỳ năm 2017, nhưng Việt Nam vẫn chi tới 681 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng này. Nguồn nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu chủ yếu từ Trung Quốc, chiếm 49,4% tổng giá trị nhập khẩu.

Trung bình khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam chi khoảng 500-700 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu và thuốc trừ sâu từ Trung Quốc. Trong số này, chiếm 48% là thuốc trừ cỏ [19.000 tấn], còn thuốc trừ sâu và trừ bệnh chiếm khoảng 32% [16.400 tấn], ngoài ra còn một lượng thuốc điều hòa sinh trưởng khoảng 900 tấn. Riêng mặt hàng thuốc trừ cỏ được sử dụng trên mọi đối tượng cây trồng, trong đó dùng trên lúa là nhiều nhất.

Thống kê cũng cho thấy, chỉ tính riêng trên cây lúa đã có tới 3.321 loại thuốc BVTV; đối với rau cũng có 260 sản phẩm thuốc BVTV. Các loại cây lấy quả như điều, hồ tiêu, cà phê cũng phải chịu tới hàng chục loại thuốc BVTV/giống cây.

Báo động tình trạng lạm dụng thuốc BVTV

Thuốc trừ cỏ hiện nay vẫn chiếm vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, giúp cải thiện sức lao động cho người nông dân. Ngày càng xuất hiện tình trạng lạm dụng thuốc trừ cỏ, dẫn tới nhiều hệ lụy tác hại cho sản xuất, môi trường, sức khỏe cộng đồng, đe dọa sự phát triển bền vững của nông nghiệp.

Vì vậy, tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc trừ cỏ là một yêu cầu đặc biệt cấp bách hiện nay.

Thuốc trừ cỏ có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Nếu không có tác động của các biện pháp bảo vệ thực vật, sâu bệnh hại và cỏ dại thì năng suất cây trồng có thể giảm tới 70-75%, trong đó riêng cỏ dại làm giảm năng suất 40-45%.

Việt Nam xuất hiện tình trạng lạm dụng thuốc BVTV như một thói quen

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật [Bộ NN-PTNT], mặc dù pháp luật về quản lý thuốc trừ cỏ đã khá đầy đủ, đồng bộ, hài hòa với các nước trong khu vực và trên thế giới; bên cạnh đó, công nghệ để phân tích, kiểm định chất lượng về thuốc BVTV cũng từng bước được nâng cao. Thế nhưng, sản xuất của Việt Nam còn nhỏ, manh mún, hiểu biết của người sử dụng thuốc còn hạn chế, người nông dân hiện vẫn đang sử dụng thuốc dựa vào thói quen.

Trong khi đó, số lượng cửa hàng và người buôn bán thuốc còn quá nhiều, điều kiện kinh doanh còn lỏng lẻo, lực lượng thanh tra mỏng. Vai trò của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc buôn bán, sử dụng thuốc trên địa bàn quản lý chưa được quan tâm và phát huy đúng mức.

Để quản lý, sử dụng thuốc trừ cỏ một cách hiệu quả, ông cho rằng, ngoài việc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý thuốc theo hướng chặt chẽ, đủ sức răn đe, có thể áp dụng kỹ thuật camera giám sát việc sử dụng thuốc trên đồng ruộng để phát hiện vi phạm và xử lý nghiêm. Ngoài ra, cùng với loại bỏ các thuốc độc hại cần bố trí kinh phí và thực hiện việc đánh giá, phát hiện các thuốc kém chất lượng, hiệu lực thấp để loại bỏ khỏi Danh mục thuốc được phép sử dụng ở Việt Nam, ông cho hay.

Theo các chuyên gia trong ngành, Việt Nam cần có lộ trình để giảm thiểu lượng thuốc BVTV dùng trên cây trồng, khuyến khích sử dụng các loại thuốc BVTV thân thiện môi trường, ít độc hại và loại bỏ các loại thuốc đã bộc lộ nhiều nhược điểm, hạn chế.

An Nhiên

Share on FacebookShare on TwitterShare on Linkedin

Video liên quan

Chủ Đề