Tâm lý học người trưởng thành trẻ tuổi

Trưởng thành [mature] là việc đạt đến một sự hoàn thiện, hoàn hảo trong quá trình phát triển của mỗi con người. Con người mãi không trưởng thành là một bất hạnh. Chúng ta sợ nhất người ta nói rằng “mày còn trẻ con lắm”, “đúng là trẻ người non dạ”.

Khái niệm “lớn” không đồng nghĩa với “trưởng thành”, bởi thiếu gì người “to đầu mà dại”, hay chỉ là “đứa trẻ to xác”.

Khái niệm có tuổi, lớn tuổi, nhiều tuổi cũng chỉ chứng minh rằng bạn đã ăn nhiều, hít thở nhiều hơn người khác, chứ không đồng nghĩa với “trưởng thành”. Thiếu gì người trẻ mà chững chạc, ra dáng người lớn. Ngược lại, không ít người “đã lớn rồi mà như ngây thơ!”.

Có bằng cấp cũng chỉ chứng tỏ bạn chịu khó học. Có nhiều tài sản chỉ chứng tỏ bạn kiếm tiền và tiết kiệm tiền để mua sắm tải sản. Đầu hai thứ tóc cũng chỉ chứng tỏ bạn “xấu máu”. Con cái đề huề, cũng chỉ chứng tỏ bạn có khả năng sinh đẻ, chứ chắc gì bạn đã trưởng thành. Thiếu gì người đàn ông, trong ngày vợ đẻ còn đi chơi game, đi nhậu, thậm chí đi nhà nghỉ với bạn gái.

Người xưa có chỉ ra mức độ “cần đạt được”, tức là “chuẩn”, là standard cho từng độ tuổi khác nhau. Ai đến độ tuổi nào đó mà không “đạt chuẩn”, thì bị coi như chưa trưởng thành. Còn nhỏ thì “biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”. Từ ba mươi trở đi mới có “chuẩn”. Tam thập nhi lập, tức là tuổi 30 rồi, phải tự lập thôi, không thể sống phụ thuộc vào cha mẹ mãi được. Tự lập nghĩa là “làm lấy mà ăn”, tự làm nhà mà ở, mua trâu mà cày, lấy vợ mà sinh con. Một anh 32 tuổi, vẫn vùi đầu vào học, hết thạc sĩ, đến tiến sĩ, vợ không lấy, tiền không có, vẫn ăn nhờ, ở đậu với bố mẹ… thì chưa gọi là “nhi lập” được.

Tứ thập nhi bất hoặc, nghĩa là 40 tuổi rồi thì phải xông pha, đi đây đi đó, nhìn ngó để thấu hiểu thực tế cuộc đời, biết cái gì đúng, cái gì sai, điều gì đáng làm, điều gì nên tránh, nhận ra kẻ xấu, người tốt… Điều này chỉ có được nhờ những trải nghiệm tích cực của mỗi con người.

Ngũ thập tri thiên mệnh. Thiên mệnh là “mệnh trời”, là quy luật tự nhiên, tất yếu. Tuổi 50 rồi phải hiểu mọi lĩ lẽ cuộc đời, biết “nhân nào quả ấy”, biết “có làm thì mới có ăn”, nhận ra rằng trong xấu có tốt, trong tốt cũng còn có điều chưa được, không tuyệt đối hoá, không lý tưởng hoá. Tri thiên mệnh là nhận ra rằng đời người hữu hạn, ai cũng sẽ già, ai cũng phải chết, chẳng mang theo được gì. Tri thiên mệnh còn là hiểu rằng con người không phải điều gì muốn là được, nhiều việc có thành công hay không phải có đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Khi biết mình đã khá lớn tuổi, những điều ôm ấp cả đời mà mãi không thể với tới, thì hãy biết buông để mà thanh thản, mà sống bình yên. Không tham được đâu!

Lục thập nhi nhĩ thuận, tức là đến 60 tuổi rồi, tai nghe mọi thứ trên đời, chẳng còn gì là lạ nữa, “thuận nhĩ” là biết cái gì cũng có thể xảy ra, không mắt tròn mắt dẹt, ô a, ố ớ khi nghe một “cái tin” nào đó. Nhĩ thuận tức là nghe được mọi điều, ai khen mình cũng không lấy đó làm quá vui, ai chê mình, chửi mình cũng không lấy đó làm giận, sống bình tâm, thanh thản.

Từ 70 tuổi trở lên [ngày xưa tuổi thọ thấp] đã được coi là “cổ lai hi”, là xưa nay hiếm, miễn bàn.

Hình minh hoạ: Tuổi tác không phải là thước đo sự trưởng thành.

Dưới góc nhìn khoa học, toàn diện, biện chứng ngày nay, có thể nói về 3 loại, hay ba khía cạnh trưởng thành của con người: Trưởng thành sinh lý, trưởng thành tâm lý và trưởng thành văn hoá – xã hội.

Trưởng thành sinh lý là điều dễ đạt nhất, dễ thấy nhất, bởi nó đo bằng chiều cao, cân nặng, bằng những dấu hiệu dậy thì như mông to, ngực nở, ria mép lún phún, thắt đáy lưng ong, bộ phận sinh dục “đạt chuẩn”. Người trưởng thành về sinh lý là người có thể tham gia các hoạt động “trai trên gái dưới”, có thể lấy vợ, lấy chồng và nếu không có bệnh tật gì đặc biệt thì … có thể sinh con. Mốc trưởng thành sinh lý loanh quanh quãng 18, đôi mươi [được phép kết hôn theo luật định].

Trưởng thành tâm lý là thứ khó đạt hơn, bởi ông trời không cho sẵn, mà mỗi người tự phấn đấu thì mới có được, nên không có chuẩn tuổi tác. Trưởng thành tâm lý được đánh giá bởi sự tự lập, suy nghĩ chín chắn, nhìn trước ngó sau, ứng xử phải đạo, không hấp tấp, vội vàng. Tự lập, tự quyết là điều cần thiết để trưởng thành tâm lý. Tự lập tâm lý cũng đi kèm với việc biết mình biết người, nhận ra mình là ai, có giá trị gì, có sở trường, sở đoản gì, có nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm gì. Trưởng thành tâm lý cũng gắn với những thứ “có”:  Có vợ/ chồng, có con cái có nghề nghiệp, có địa vị xã hội nhất định [là ai đó trong xã hội, chứ không nhất thiết phải là ông nọ, bà kia], có nhà để ở, có tiền để tiêu cho những nhu cầu của bản thân và gia đình.

Loại trưởng thành cuối cùng là trưởng thành về mặt văn hoá – xã hội, cũng là đòi hỏi ở mức cao, không phải ai cũng đạt được. Người trưởng thành về văn hoá – xã hội không chỉ thấu hiểu quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm, mà còn dành nhiều thời gian nghĩ đến người khác, nghĩ đến “đạo lý”, đến “lương tâm”, nghĩ đến phận người, kiếp người. Trong gia đình, người trưởng thành về văn hoá – xã hội nghĩ đến “đạo vợ chồng”, “nghĩa phu thê”, “tình huynh đệ”, “phận làm con”, nên không chỉ sống cho mình, mà còn biết chăm lo, làm bờ vai, chỗ dựa cho người khác. Ngoài xã hội, người trưởng thành về văn hoá – xã hội cũng thường nghĩ và làm những việc liên quan tới “tình quê hương”, “nghĩa đồng bào”, “tình làng nghĩa xóm”. Không chỉ biết vơ vào mình, giữ cho mình, mà còn biết san sẻ, chia sẻ, làm phước, ban phát…

Người trưởng thành về tâm lý có thể không còn phụ thuộc vào ai, không làm ai buồn vì mình, nhà mình mình ở, tiền mình mình tiêu. Nhưng người trưởng thành về tâm lý – xã hội thì biết mình ăn bát cơm, phải nghĩ đến bố mẹ đang ăn cháo, mình đang ăn nhậu, chợt nhớ đến việc phải dành tiền mua cho vợ cái tủ lạnh, cái máy giặt, cái bình lọc nước… cho vợ con đỡ vất vả.

Trưởng thành về văn hoá – xã hội là đỉnh cao của trưởng thành mà ai cũng mong muốn đạt tới, còn đạt được hay không lại tuỳ ở mỗi người.

Bạn hãy dành một ít thời gian suy ngẫm, đánh giá bản thân xem mình đang ở đâu trong bậc thang trưởng thành của đời người nhé!

Đinh Đoàn

Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.

1. Tuổi trưởng thành

1.1. Khái niệm về tuổi trưởng thành

Khi nào thì một người đạt đến trưởng thành? Tính theo năm tuổi không giúp ích gì trong trường hợp này, bởi vì một người được xem là trưởng thành ở tuổi 20 nhưng người khác mãi đến tuổi 40 vẫn không hy vọng gì trưởng thành. Người trưởng thành là một khái niệm tổng hợp được xem xét cả trên bình diện Sinh học, Tâm lý học, Xã hội học.

Các nhà nghiên cứu dựa trên khả năng tính dục cho rằng, “nhận" và "trao" tình yêu một cách đích thực và sâu sắc hoặc biết biểu lộ hành vi âu yếm hay nhu cầu bản năng tính dục là biểu hiện sự trưởng thành. Họ cho rằng những cá nhân trưởng thành phải có ý thức về mục đích cuộc sống của mình và khả năng duy trì nòi giống. Các nghiên cứu nhấn mạnh yếu tố xã hội lại cho rằng, kết bạn, bị thu hút bởi người khác hay chăm sóc bản thân trong mối quan hệ tâm lý là biểu hiện của sự trưởng thành.

Một cách xem xét sự trưởng thành nữa là sự vận dụng khả năng để đương đầu tốt với những biến cố hay những quyết định mà hầu hết ai cũng phải đối mặt cụ thể vài lần trong đời. Trong những giai đoạn của thuyết Erikson, sự trưởng thành ở tuổi vị thành niên phải bao gồm việc hoàn thành khi giải quyết các khủng hoảng tăng trưởng ở tuổi ấu thơ và thiếu niên, khả năng tiến tới kết thân với người khác [khả năng tính dục], một vài người thì lo lắng về vấn đề hướng dẫn con cái hay vấn đề truyền sinh [Whitbourne và Waterman, 1979] [38].

L. Hoffman và Manis [1979] xem xét sự trưởng thành là sự tự nhận thức. Cái gì khiến con người ta cảm thấy mình trưởng thành? L. Hoffman và Manis đã khảo sát với hơn 2.000 nam nữ có gia đình về đề tài: Đâu là sự kiện quan trọng nhất trong đời mà làm họ cảm thấy họ thật sự trưởng thành. Trở thành cha mẹ và việc nâng đỡ ai đó là dấu hiệu được họ thừa nhận nhiều nhất cho sự trưởng thành [L. Hoffman và Manis, 1979] [38].

Thật khó khi định nghĩa về tuổi trưởng thành vì nó luôn biến đổi và phức tạp. Sự trưởng thành cần đến một tiến trình điều chỉnh liên tục những thay đổi không ngừng nơi ước muốn và tính trách nhiệm. Một người có thể trưởng thành cho dù họ không lập gia đình, không con cái hoặc không công việc nghề nghiệp. Người trưởng thành biết họ là ai, họ muốn đi đâu, họ hướng đến mục đích gì.

Theo nghiên cứu của nhiều nhà Tâm lý học, Xã hội học, khái niệm tuổi trưởng thành được xác định dựa theo một tổ hợp các tiêu chí sau đây:

- Sự chín muồi về mặt sinh lý, thể chất nghĩa là sự hội tụ đầy đủ những điều kiện sinh học để làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ, cũng như làm một người lao động thực sự trong gia đình và xã hội.

- Có đầy đủ những quyền hạn và nghĩa vụ của một người công dân như đi bầu cử, ứng cử, chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hành vi, hoạt động của mình.

- Đã kết thúc việc học tập ở những mức độ khác nhau.

- Có nghề nghiệp ổn định.

- Có lao động để nuôi sống bản thân và gia đình.

- Đã xây dựng gia đình riêng [lấy vợ, lấy chồng].

- Có cuộc sống kinh tế độc lập, không phụ thuộc vào cha mẹ hoặc người đỡ đầu [19].

Người trưởng thành là một khái niệm tổng hợp được xem xét cả trên bình diện Sinh học, Tâm lý học, Xã hội học. Những công trình nghiên cứu cho thấy sự chín muồi sinh học thường đi trước, sớm hơn tuổi chín muồi về tâm lý và xã hội khá nhiều. Bới vậy, dưới góc độ Tâm lý học mà xét, tuổi trưởng thành toàn diện của con người thường đến chậm hơn 2, 3 năm. Không những thế, khái niệm tuổi trưởng thành cũng còn tùy thuộc vào thời gian đào tạo và trình độ học vấn. Đó cũng chính là lý do giai đoạn "người trưởng thành trẻ tuổi" thường được lấy mốc từ 20 tuổi trở lên, chậm hơn chút ít so với tuổi công dân [18 tuổi].

Dựa vào những tiêu chuẩn trên, những người không học lên Cao đẳng, Đại học thì độ tuổi trưởng thành của họ thường từ 20 tuổi Giai đoạn người trưởng thành trẻ tuổi từ 18 - 20 đến 40 tuổi. Tóm lại, người trưởng thành là những người có độ tuổi từ 20 trở lên và hiểu về chính mình một cách tương đối cũng như xác lập mục tiêu cuộc đời trong một cái nhìn tổng thể.

1.2. Một số thuyết về tâm lý tuổi trưởng thành

1.2.1. Thuyết tâm lý xã hội của Erikson

Theo Erik Erikson [1982], người trưởng thành trẻ tuổi là quãng đời tương ứng với giai đoạn thứ 6 trong 8 giai đoạn phát triển của đời người. Đó là giai đoạn được đặc trưng bằng sự xuất hiện nhu cầu và năng lực gần gũi thân thiết về mặt tâm lý với người khác, bao gồm cả sự gần gũi tình dục. Đối lập với nó là tình cảm ẩn dật và thích cô độc. Khi người thanh niên thắng được những đối chọi, thì họ có thể tự mình tiến tới đòi hỏi bản thân sự hy sinh và chấp nhận. Họ có thể yêu người khác một cách không vị kỷ nhiều hoặc ít hơn. Nếu sự “cô lập" thống trị trong sự tương quan với thân mật thì mối quan hệ tình cảm sẽ trở nên lãnh đạm và gượng ép và cũng chẳng có sự giao lưu tình cảm thực sự nào. Con người có thể quan hệ tình dục không với mục đích phát triển sự thân mật, đặc biệt khi người ta sợ rằng sợi dây tình cảm sẽ dẫn đến một quan hệ cam kết gò bó. Khi hình thái quan hệ tình dục buông thả này định hình nên cuộc sống của một người nào đó thì có lẽ vì họ cảm thấy tự do.

Erikson cho rằng những khác biệt văn hóa ảnh hưởng đến tiến trình tăng trưởng trong từng giai đoạn gặp phải. Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu đã tiến hành cuộc điều tra theo cơ cấu chiều dọc về tiến trình trưởng thành tin rằng kết quả nghiên cứu của Erikson chỉ ảnh hưởng trên những nền văn hóa nơi mà chủ nghĩa cá nhân được đề cao nhưng trách nhiệm công dân thì không được xã hội lưu tâm một cách chặt chẽ [Vaillant và Milofsky, 1980] [40].

1.2.2. Thuyết về những “mùa vụ” của Levinson

Một thuyết khác về các giai đoạn phát triển trưởng thành đã được lập ra bởi Daniel Levinson [Levinson và cộng sự, 1978]. Ông nói rằng thuyết này miêu tả một cách sống động những "mùa của cuộc sống con người". Ông nhấn mạnh thuyết của mình được xây dựng trên thuyết tâm lý của Erikson. Thuyết Levinson miêu tả sự tăng trưởng của người nam từ khoảng giữa tuổi 17, chú ý tới chuỗi trật tự luân phiên giữa giai đoạn định vị và giai đoạn biến đổi. Trong những giai đoạn định vị, người nam ít nhiều có thể đạt những đích điểm [của từng giai đoạn] một cách thanh thản bởi vì quá trình phát triển thích hợp đã được giải quyết. Giai đoạn biến đổi có thể dẫn đến những thay đổi chính yếu trong cấu trúc đời sống của họ. Vào những thời điểm này, người nam đang có những khát vọng đến khuôn mẫu lý tưởng của đời sống họ, cũng như khám phá ra những khả năng mới nơi họ. Levinson đặt thuyết của ông trên nền một chuỗi nghiên cứu sâu kín nơi 40 người nam [người Mỹ da trắng cũng như người da đen, tầng lớp lao động cũng như tầng lớp trung lưu].

Levinson thấy rằng lứa tuổi từ 17 đến 22 là giai đoạn của những thay đổi hướng đến sự trưởng thành ban đầu. Trong tiến trình tăng trưởng, cũng tựa như sự trưởng thành tính cách của Erikson, người nam không ngừng tiến tới trong việc phát triển tâm lý độc lập với cha mẹ... Vào tuổi 22, họ độc lập hoàn toàn và chuyển vào giai đoạn định vị khi họ ra sức đặt mình vào thế giới tuổi trưởng thành. Cùng lúc này họ quan tâm đến việc thiết lập mối quan hệ với người khác phái và dần kiến thiết một mái ấm; một gia đình - giai đoạn phát triển tương giao thân mật, theo như các giai đoạn của Erikson. Trong vòng 6 năm sau, lúc họ khoảng 28 tuổi, họ tiến vào một giai đoạn biến đổi khác. Đây là thời khắc họ thấy được những lỗ hổng trong khung hình mẫu của đời sống họ và họ tiến hành những chọn lựa mới. Rồi vào khoảng tuổi 33, họ sẵn sàng yên vị. Có nghề nghiệp vững chắc là mục đích chính của họ và người đàn ông tập trung vào phát triển những kỹ năng cũng như đào sâu vốn kinh nghiệm. Đồng thời, họ cũng hoạt động để đạt đến những ước vọng lớn lao mà họ đã từng đặt ra cho mình hoặc nỗ lực đạt đến một tổ chức liên doanh hay làm chủ một công ty nào đó...

Những cố gắng trong việc áp dụng thuyết của Levinson cho người nữ cũng thu được những kết quả tương tự. Một vài thực nghiệm chỉ ra rằng người phụ nữ cũng trải qua những giai đoạn như người nam ở tuổi thiếu niên và cũng vào cùng những thời điểm nhưng có một vài khác biệt. Sự thay đổi của phụ nữ ở tuổi 30 thể hiện hình thức một khẳng định mới, khi họ có khuynh hướng chuyển sang chú tâm đến việc chăm sóc gia đình [hoặc ngược lại]. Thay vì yên vị, ở tuổi 30 người phụ nữ nỗ lực hòa hợp những quyết định mới vào guồng máy cuộc sống của họ.

1.2.3. Thuyết về “những biến động" của Gould

Roger L. Gould [1975, 1978] với thuyết phát triển ở tuổi trưởng thành dành cho cả hai giới dựa trên số liệu nghiên cứu từ 524 người đàn ông và phụ nữ được thực nghiệm thuộc tầng lớp trung lưu da trắng ở Mỹ. Từ những câu trả lời của họ trong bảng câu hỏi ở mọi khía cạnh, Gould kết luận rằng tiến trình tăng trưởng ở tuổi trưởng thành phải trải qua một chuỗi những biến động. Ở mỗi giai đoạn, con người phải khẳng định ý niệm phản thân, đối mặt với khủng hoảng ấu thơ và giải quyết những xung đột.

Trong thuyết của Gould, người thành niên trải qua bốn giai đoạn. Ở giai đoạn thứ nhất, bắt đầu trong khoảng từ lứa tuổi thiếu niên cho đến tuổi 22, con người đang dần hình thành tính cách và dần rời xa vòng tay của bố mẹ. Với ý chí tự khẳng định, con người bước vào giai đoạn thứ hai, trong suốt giai đoạn này thường chịu ảnh hưởng để đạt đến những mục đích của mình. Giữa khoảng tuổi 28 - 34, con người phải trải qua giai đoạn chuyển mình trong giai đoạn này chúng gợi lại những mục đích khi xưa và thực hiện việc lập gia đình. Vào tuổi 35, họ có những mâu thuẫn sâu sắc cùng với nhận thức ra ngưỡng cửa của tuổi trung niên đang tiến gần họ một cách dữ dội. Cuộc sống dường như đầy khó khăn, đau khổ và phiêu lưu. Trong suốt giai đoạn bấp bênh - có khi kéo dài cho đến sau tuổi 40, dường như, có cái gì đó đã “xé toang" một phần đời sống của họ và buộc họ phải đặt nó vào một lộ trình mới. Người độc thân có thể lấy vợ, người có gia đình lại muốn ly hôn, người mẹ muốn đến trường hoặc trở lại làm việc, những cặp đôi luống tuổi quyết định thành thân. Thuyết của Gould tương đương với thuyết “mùa vụ cuộc đời" của Levinson mà đặc biệt giống nhau khi áp dụng cho người phụ nữ. Cả hai thuyết đều được triển khai cùng một thời điểm - thập niên 1970 - Levinson nghiên cứu về người đàn ông ở vùng Tây Bắc Hoa Kỳ còn Gould thì lại nghiên cứu nam nữ ở Califomia [40].

1.2.4. Thuyết “nhu cầu làm cha mẹ” của Gutmann

Trong những năm gần đây, một vài nhà nghiên cứu về sự phát triển đã đưa ra một số thuyết về sự tăng trưởng ở thanh niên đặt nền trên mối liên hệ giữa thuyết tiến hóa sinh học và hình thái âu yếm và nuôi nấng con cái. Phần đông việc làm này tập trung vào ý kiến cho rằng sự sống sót của loài phụ thuộc vào sự bảo tồn và nuôi nấng thế hệ sau cho tới khi chúng vào tuổi sinh sản, sự tăng trưởng của con người có lẽ cũng ảnh hưởng theo quy luật này. Theo thuyết tăng trưởng của David Gutmann [1987], sự tăng trưởng xét cho cùng cũng xoay quanh nhu cầu làm cha mẹ của con người. Ông ta cho rằng mọi thế hệ đã tiến hóa sinh ra những trẻ nam nữ với tính cách đảm bảo được độ hoàn thiện về thể chất và tình cảm nơi con cháu. Trong xã hội sơ khai, người cha với uy lực, độc đoán, giáo dục con cái mình theo một cách áp đặt. Với sự chăm sóc, đồng cảm, dịu hiền và thông hiểu khiến cho người mẹ dễ gần con cái và luôn đạt được độ tin cậy thân tình.

Theo Gutmann, sự tiến triển chỉ thể hiện tiềm năng trong những vai trò của từng giới. Qua những năm tháng sống trong cộng đồng, người nam hay người nữ sẽ trở nên tự nhiên với đặc điểm bề ngoài và cảm thấy thú vị về chính họ. Khi họ trở thành tha mẹ thì những ông bố sẽ có nét gia trưởng hơn, quan tâm của họ là sự yên ổn cho gia đình [thể chất và kinh tế]. Vì một ông bố ỷ lại, thụ động, nhu nhược sẽ gây khó khăn trong khả năng mang lại cho gia đình những nhu cầu cần thiết hoặc trong việc nuôi dưỡng con cái, người đàn ông phải loại trừ mọi nguy cơ dẫn đến sự lệ thuộc và nhu nhược Những bà mẹ mới cũng trở nên hiền mẫu đích thực, mối bận tâm của họ là chăm sóc và nuôi nấng đàn con. Vì một người mẹ dữ dằn, thiếu lòng yêu thương sẽ gây tổn thương cho con cái hoặc trấn áp chồng mình. Người mẹ phải ra sức loại bỏ những nguy cơ trở thành một bà mẹ quyết đoán, khắt khe và nóng nảy. Cho đến khi con cái họ trở thành thanh niên rời bỏ gia đình để khẳng định vai trò của mình mà bấy lâu nay vốn bị chôn vùi trong những quan tâm của cha mẹ.

Mặc dù thuyết của Gutmann có ý dùng cho mọi chế độ xã hội trong mọi giai đoạn lịch sử, nhưng quả thực nó giới hạn trong xã hội hiện đại nơi mà vai trò cha mẹ không còn quan trọng nữa. Khi những ông bố bà mẹ chia sẻ cùng con cái trong việc cung cấp những nâng đỡ vật chất, sự chăm sóc cũng như sự an toàn tâm lý, tình cảm; tuổi làm cha mẹ có lẽ yêu cầu những thay đổi lớn trong trách nhiệm và cá nhân ít hơn như theo đề nghị của thuyết Gutmann.

Các quan điểm của các lý thuyết được nêu ở trên nói lên sự bắt đầu của tuổi trưởng thành tùy thuộc nhiều vào yếu tố văn hóa và tâm sinh lý, trong đó việc tự xác định mình như người lớn dựa vào nhận thức của cá nhân, liệu cá nhân có đáp ứng các tiêu chuẩn quan trọng liên quan hay không trở thành một tiêu chí cực kỳ quan trọng.

2. Một số điều kiện ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của người trưởng thành trẻ tuổi

2.1. Đặc điểm sự phát triển thể chất

Trong suốt tuổi trưởng thành, hầu hết mọi người đều đạt đến đỉnh điểm của sức khỏe, tốc độ và linh hoạt của thể chất. Lúc người thanh niên đã đạt đến điểm hoàn thiện thể chất ở tuổi trưởng thành cũng là lúc nhiều dấu hiệu của lão hóa bắt đầu xuất hiện. Trong khoảng tuổi 20, người ta đã có ít nhiều những thay đổi ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể con người. Đặc điểm của cơ bắp và sức khỏe đạt đến điểm hoàn thiện ở độ tuổi 20 - 30, rồi sau đó giảm xuống dần. Độ tinh nhạy của tai và mắt cũng bắt đầu giảm xuống ở độ tuổi 20. Nếp nhăn đầu tiên xuất hiện ở đuôi mắt và da bị lão hóa, đặc biệt đối với những người có nhiều tàn nhang. Tia cực tím tiêu diệt DNA và các tố chất bảo vệ da, và vì thế chúng làm chậm lại tiến trình phục hồi của da, dẫn tới da bị mỏng và nhăn nheo.

Những thay đổi khác cũng xảy ra bên trong cơ thể. Mặc dù trọng lượng không thay đổi, nhưng qua cuộc điều tra về tuổi thanh niên cho thấy lượng tế bào trong cơ bắp bắt đầu giảm. Ngoài ra. lượng khí vận chuyển vào phổi trong mỗi lần hít thở cũng có dấu hiệu giảm sút ở tuổi hai mươi, và giảm trung bình 1% mỗi năm; cũng như thế đối với tỷ lệ lọc máu của thận. Những dây động mạch cũng bắt đầu già với sự xuất hiện của các màng mỡ thô vàng nơi thành động mạch nơi những người có hội chứng vữa xơ cứng động mạch. Việc kiêng khem ngặt nghèo hoặc thiếu tập thể dục sẽ thúc đẩy sự phát triển những căn bệnh kinh niên sẽ xuất hiện ở tuổi trung niên và tuổi già.

Một vài người trẻ lo lắng khi ở tuổi 30 thấy xuất hiện vài sợi tóc bạc tinh nghịch. Sự phát triển về thể chất của con người đã đạt đến mức hoàn thiện ở tuổi 25 - 26 [nữ sớm hơn nam khoảng 2 năm] như: trọng lượng não đạt mức tối đa; số lượng nơ-ron thần kinh lên tới mức cao nhất [14 - 16 tỉ] với chất lượng hoàn hảo nhờ quá trình myelin hóa cao độ. Số lượng xi-nap của các tế bào thần kinh đảm bảo cho một sự liên lạc rộng khắp, chi tiết, tinh tế và linh hoạt giữa vô số kênh làm cho hoạt động của não bộ trở nên nhanh, nhạy, chính xác đặc biệt so với các lứa tuổi khác.

Những biểu hiện về giai đoạn phát triển ổn định, đồng đều về hệ xương, cơ bắp, tạo ra nét đẹp hoàn mỹ ở người thanh niên; các tố chất về thể lực: sức nhanh, sức bền bỉ, dẻo dai, linh hoạt đều phát triển mạnh này nhìn chung thường kéo dài đến độ tuổi 26 và vì vậy thanh niên thường nổi trội trong những môn thể thao đòi hỏi phản ứng nhanh, tốc độ và khỏe mạnh. Sau tuổi 25 - 26, mọi sự phát triển về thể chất đều dừng lại và khoảng 30 tuổi thì bắt đầu có sự đi xuống, đó là lý do mà hầu hết các vận động viên chuyên nghiệp bắt đầu cảm thấy có tuổi khi họ bước vào tuổi 30.

2.2. Điều kiện sống, hoạt động và vai trò xã hội của người trưởng thành trẻ tuổi

Xét về các điều kiện sống và hoạt động của người trưởng thành trẻ tuổi cho thấy họ đang đứng trước những ngả rẽ của cuộc đời, người thì tiếp tục đi học, người thì bắt đầu lao động kiếm sống... Đa số họ đều thiết lập dần dần cuộc sống độc lập. Trong gia đình, họ được xem như là một thành viên chính thức, được đối xử một cách công bằng như những người lớn thực thụ. Ngoài xã hội, họ trở thành những thành viên chính thức của xã hội với đầy đủ quyền hạn và nghĩa vụ công dân trước pháp luật.

Hoạt động thủ yếu ở giai đoạn lứa tuổi này là hoạt động nghề nghiệp. Nếu chưa phải lao động kiếm sống thì họ thường tiếp tục theo học tại các cơ sở đào tạo hệ Trung cấp, Cao đẳng, hoặc Đại học. Đa số những thanh niên này chưa thể tự lập hoàn toàn. Đây cũng là một hạn chế nhất định ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của họ.

Hoạt động chủ yếu của thanh niên sinh viên là hoạt động học tập chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai. Thanh niên sinh viên là những người trưởng thành còn đang theo học ở các trường Đại học và Cao đẳng... Do vậy điều kiện sống và các dạng hoạt động cơ bản của họ có những đặc trưng rất riêng.

* Trong các trường Đại học và Cao đẳng, họ là đại biểu của một nhóm xã hội đặc biệt gồm những người đang trong quá trình chuẩn bị tri thức để trở thành chuyên gia ở một lĩnh vực nhất định của xã hội, là những người trẻ tích cực, năng động, nhạy cảm với những thay đổi của xã hội và dễ thích nghi với sự thay đổi đó. Khoảng thời gian sinh viên lĩnh hội nền tri thức xã hội trong môi trường Đại học - Cao đẳng... là thời điểm diễn ra quá trình xã hội hóa rất nhanh, mạnh và đa dạng. Đây là thời điểm và là cơ hội để họ định hình phát triển và hoàn thiện nhân cách của mình. Cần xem xét những điều kiện phát triển tâm lý của sinh viên thông qua những hoạt động mà họ tham gia.

- Hoạt động học tập:

+ Nội dung học tập

Sinh viên phải tải trọng một nội dung học tập rất đáng kể, phong phú. Khối lượng kiến thức chuyên ngành đa dạng, phức tạp [lĩnh hội hệ thống tri thức kỹ năng, kỹ xảo chuyên ngành và phát triển những phẩm chất và năng lực của người làm việc chuyên nghiệp ở tương lai].

Sự đòi hỏi của thực tiễn cho thấy song song với việc chuẩn bị những tri thức lý thuyết thì việc chuẩn bị những kinh nghiệm thực tiễn và thao tác làm việc là yêu cầu tối quan trọng. Hơn thế nữa, việc tiếp cận những kiến thức chuyên ngành vẫn chưa đủ nên việc học hỏi những kiến thức liên ngành và xuyên ngành để chuẩn bị làm việc thực tế là một cơ hội đáng quý cho độ tuổi.

+ Phương pháp học tập

Những yêu cầu về học tập ở độ tuổi này đòi hỏi người sinh viên phải độc lập, tự chủ, có ý thức đầy đủ và sáng tạo.

Ngoài ra, sự học của sinh viên là loại hoạt động trí tuệ đích thực căng thẳng, cường độ cao và có tính lựa chọn rõ rệt.

- Hoạt động chính trị xã hội:

Các hoạt động chính trị xã hội ở tuổi này là một điều kiện đặc biệt cho sự phát triển tâm lý. Việc tham gia vào tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Sinh viên Việt Nam đem lại những kinh nghiệm thực sự quý báu để nâng cao tri thức - tầm hiểu biết, tích lũy những kinh nghiệm sống và hoàn thiện dần những kỹ năng cũng như xây dựng lý tưởng nghề nghiệp - lý tưởng cuộc sống.

Ngoài ra, việc tham gia các tổ chức khác, các câu lạc bộ đội nhóm xã hội - kỹ năng cũng là một điều kiện thú vị giúp thanh niên sinh viên thể hiện mình và phát triển có định hướng hoặc phát triển toàn diện.

- Hoạt động nghiên cứu khoa học:

Hoạt động nghiên cứu khoa học chiếm một vị trí quan trọng trong hoạt động học tập của sinh viên. Hoạt động này nhằm phát huy những tố chất của một người trí thức lao động chuyên nghiệp với hệ thống quan điểm, phương pháp luận và những phẩm chất - năng lực của một con người làm việc có phương pháp và đam mê sáng tạo.

Đối với sinh viên, việc tham gia nghiên cứu khoa học ở nhiều hình thức khác nhau đem đến những cơ hội mới để nhìn thấy mình và phát triển mình ở đỉnh cao về nhân cách - nghề nghiệp.

- Hoạt động văn thể mỹ:

Việc tham gia các câu lạc bộ văn thơ, hội họa, âm nhạc, khiêu vũ, thể hình, các cuộc thi... sẽ trở thành một điều kiện để sinh viên tự thể hiện và điều chỉnh chính mình. Không ít sinh viên đã thực sự phát triển một cách nhanh chóng bằng những bước tiến dài khi có những thành công ban đầu trong hoạt động này.

- Hoạt động giao tiếp:

Hoạt động giao tiếp của thanh niên sinh viên đa dạng với nhiều mối quan hệ đan xen. Trong những mối quan hệ khác nhau, họ trở thành thành viên của các nhóm xã hội khác nhau. Đây cũng là một môi trường giúp sinh viên phát triển các phẩm chất, hình thành những kỹ năng sống, kỹ năng mềm hỗ trợ cho nghề nghiệp và cuộc sống.

Xét về vai trò xã hội của người trưởng thành trẻ tuổi có rất nhiều quan niệm khác nhau. Có thể đề cập đến một số quan niệm sau đây:

* Robert Havighurst [Mỹ] xác định vai trò xã hội của người trưởng thành dựa trên các nhiệm vụ trọng tâm mà họ sẽ phải thực hiện. Và như vậy theo ông, người trưởng thành trẻ tuổi có các vai trò xã hội sau:

- Lựa chọn người bạn đời.

- Học cách sống với người bạn đời.

- Bắt đầu cuộc sống gia đình.

- Nuôi dạy con cái.

- Tổ chức gia đình.

- Bắt đầu một nghề nghiệp.

- Thực hiện trách nhiệm người công dân.

- Tìm nhóm xã hội tâm đầu ý hợp.

* Grace and Richard [2003] xác định vai trò xã hội của người trưởng thành dựa trên các đặc trưng tâm lý lứa tuổi. Theo tác giả này, vai trò xã hội của người trưởng thành trẻ tuổi khá phức tạp với những biểu hiện sau:

- Thích nghi với tâm lý sống cách xa cha mẹ.

- Chấp nhận trách nhiệm về thể chất của bản thân.

- Trở nên quan tâm đến “lịch sử”, kinh nghiệm của bản thân và giới hạn của thời gian ở bản thân.

- Tích hợp kinh nghiệm tình dục đồng giới hay khác giới.

- Phát triển khả năng thể hiện tình cảm với vợ, chồng hoặc bạn tình.

- Quyết định có con hay không.

- Có thể hiểu và thông cảm với trẻ con.

- Thiết lập những mối quan hệ người lớn với cha mẹ.

- Đạt được những kỹ năng thích hợp.

- Chọn lựa một công việc, nghề nghiệp phù hợp.

- Sử dụng tiền bạc cho mục tiêu tương lai.

- Đảm đương vai trò xã hội.

- Thích nghi với những giá trị đạo đức và tinh thần trong xã hội [41].

* Theo "Luật Thanh niên" của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, số 53/2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2006, vị trí và vai trò xã hội của thanh niên sinh viên được thể hiện thông qua các điều luật sau:

- Điều 9: Quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong học tập.

- Điều 10: Quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong lao động.

- Điều 1 1: Quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong bảo vệ tổ quốc

- Điều 12: Quyền và nghĩa vụ của Thanh niên trong hoạt động khoa học, công nghệ và bảo vệ tài nguyên, môi trường.

- Điều 13: Quyền và nghĩa vụ của Thanh niên trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí.

- Điều 14: Quyền và nghĩa vụ của Thanh niên trong bảo vệ sức khỏe, hoạt động thể dục, thể thao.

- Điều 15: Quyền và nghĩa vụ của Thanh niên trong hôn nhân và gia đình.

- Điều 16: Quyền và nghĩa vụ của Thanh niên trong quản lý nhà nước và xã hội [Chương II: Quyền và nghĩa vụ của thanh niên, Luật Thanh niên].

Như vậy, có thể thấy vai trò xã hội của sinh viên được xem xét ở những luận điểm sau:

- Người trưởng thành trẻ tuổi là một tầng lớp xã hội quan trọng đối với mọi thể chế chính trị, đội ngũ trí thức tương lai.

- Người trưởng thành trẻ tuổi là công dân thực thụ.

- Người trưởng thành trẻ tuổi trưởng thành về mặt xã hội một cách đúng nghĩa về mặt nhận thức, thái độ và hành vi trong quyền và nghĩa vụ của mình trên bình diện nghề nghiệp, gia đình và xã hội.

Tóm lại, đặc điểm phát triển thể chất, điều kiện sống và vai trò xã hội của người trưởng thành trẻ tuổi ảnh hưởng đến sự ổn định về sự phát triển tâm lý; khả năng nhận thức, học tập; tự ý thức, định hướng giá trị và sự lập thân của họ.

3. Đặc điểm tâm lý thanh niên sinh viên [18 đến 25 tuổi]

3.1. Đặc điểm về sự phát triển nhận thức và học tập của thanh niên sinh viên

3.1.1. Đặc điểm về sự phát triển nhận thức của thanh niên sinh viên

Những nghiên cứu về sinh viên Đại học cho thấy, đầu tiên họ giải thích thế giới và những kinh nghiệm giáo dục của họ một cách độc đoán [authoritarian term]. Thế nhưng, dần dần họ bắt đầu chấp nhận và tích cực chấp nhận những chân lý. Kramer [1991] cho rằng đặc trưng tư duy của tuổi này vượt khỏi tư duy hình thức gồm ba giai đoạn: tuyệt đối hóa [18 - 22 tuổi]; tương đối [cuối tuổi 20 - đầu trung niên]; biện chứng [41].

Hoạt động nhận thức của thanh niên sinh viên vừa phải kế thừa và cập nhật những thành tựu của khoa học đương đại. Hoạt động học tập có tính chất mở rộng theo năng lực và sở trường. Cấu trúc thứ bậc động cơ học tập bao gồm:

- Động cơ nhận thức.

- Động cơ nghề nghiệp.

- Động cơ có tính chất xã hội.

- Động cơ tự khẳng định.

Bên cạnh việc học tập, Thanh niên sinh viên còn tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học. Hoạt động này của sinh viên có đặc điểm:

- Phải phục vụ cho mục đích học tập.

- Nhận thức khoa học là động cơ chủ yếu.

- Được tiến hành dưới sự hướng dẫn của cán bộ giảng dạy Cao đẳng, Đại học.

- Góp phần hình thành tính độc lập về nghề nghiệp, năng lực giải quyết nhiệm vụ thực tiễn, tương lai.

Kết quả thực hiện IQ test cho thấy, khả năng trí tuệ được tăng lên cho đến 45 - 46 tuổi, sau đó bị giảm. Tuổi 20 - 30 của một đời người có thể tích lũy 2/3 lượng tri thức của cuộc đời. Những nghiên cứu cũng cho thấy việc tiếp tục học tập làm tăng điểm IQ ở người lớn tuổi. Những người thường xuyên luyện tập kỹ năng nhận thức thì đạt điểm số cao hơn những người không được luyện tập

Những so sánh về chiều kích độ tuổi cho thấy có sự khác biệt cơ bản về tư duy của thanh niên sinh viên và thanh thiếu niên. Đặc biệt, thanh niên sinh viên thường có những biểu hiện sau trong nhận thức:

- Thay đổi cách suy nghĩ của mình để tập trung cao độ vào những hướng đi cụ thể.

- Phải xem xét những tương lai [viễn cảnh] khác nhau của mọi người ở các lứa tuổi khác nhau hơn là họ đã làm điều này ở tuổi thanh thiếu niên.

- Phải khám phá ra những cách giải quyết những cuộc tranh luận, bất hòa và giải quyết những xung đột thông qua sự thỏa hiệp, thương lượng, hoặc điều chỉnh mục đích.

Theo Jean Piaget, giai đoạn cuối của sự phát triển nhận thức là giai đoạn tư duy thao tác hình thức [formal opera thought], đạt được ở lứa tuổi thanh thiếu niên nhờ sự phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần cùng với những kinh nghiệm tích lũy nhờ việc học tập. Tư duy hình thức mang tính chất logic, sử dụng tư duy trừu tượng để để giải quyết những vấn đề chung và đòi hỏi những giả thuyết có thể xảy ra trong dạng của hệ thống cấu trúc. Nhưng trong cuộc sống hàng ngày, những vấn đề thực tế của người lớn xảy ra trong mối quan hệ mơ hồ, không có cấu trúc xã hội và mối quan hệ xã hội. Cuộc sống của người trưởng thành đòi hỏi sự năng động hơn, ít trừu tượng hơn và không phải là cách suy nghĩ duy nhất để có thể đối phó với những trường hợp không nhất quán, không dự đoán trước được và mơ hồ [nhiều nghĩa]. Đó là dạng nhận thức hợp lý [thực dụng] khắp nơi được gọi là tư duy sau hình thức.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng tư duy sau hình thức không phải là một giai đoạn riêng biệt mà giai đoạn này cần một sự tổ chức lại về tư duy, đó là một kiểu suy nghĩ mà nó lộ ra ở tuổi trưởng thành. Tư duy trừu tượng, tư duy logic đã phát triển ở trình độ cao với sự phối hợp của nhiều thao tác tư duy. Mặt khác, ở tuổi này tư duy của sinh viên thường linh hoạt, nhạy bén, có căn cứ khả năng tư duy cho phép lĩnh hội nhanh nhạy và sắc bén mọi vấn đề. Bên cạnh đó, sinh viên thường ít thỏa mãn với những gì đã biết mà muốn đi sâu, tìm tòi, khám phá trên bình diện tư duy. Điều này dẫn đến khả năng tìm tòi và nghiên cứu của sinh viên khá phát triển.

Song song đó, ở sinh viên cũng có sự phát triển tư duy sáng tạo. Sinh viên thường hướng đến cái mới và hành trình đi tìm cái mới cũng rất quyết liệt, óc hoài nghi khoa học cũng đặc biệt phát triển về chất trong độ tuổi này thôi thúc khả năng phản biện, khả năng lật ngược vấn đề xuất hiện một cách thường trực.

Riêng xét về khả năng tưởng tượng của sinh viên thì sự phát triển đạt đến đỉnh cao. Điều này thể hiện qua khả năng sáng tác thơ, văn, truyện ngắn, bút ký... đạt mức hoàn thiện.

Xem xét đặc điểm nhận thức và tư duy của sinh viên cần đặt nó trong mối quan hệ với hoạt động học tập. Hoạt động học tập của sinh viên thuộc dạng lao động trí óc. Bản chất của hoạt động nhận thức của sinh viên là nghiên cứu chuyên sâu một chuyên ngành nào đó. Chính vì thế, điều này đòi hỏi ở sinh viên một trình độ phát triển tương ứng về nhận thức. Đó là những kỹ năng phân tích và tổng hợp vấn đề, năng lực đánh giá và nhận xét các tình huống, các sự kiện có liên quan đến chuyên ngành của mình. Bên cạnh việc nghiên cứu chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó, sinh viên cũng phải tìm hiểu thêm những kiến thức chuyên - liên ngành, tổng hợp và ứng dụng những tri thức đó vào ngành nghề họ đang học. Nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin ngày na, sinh viên luôn phải nhạy bén, tính cực cập nhật những tri thức mới.

Hơn thế nữa, sinh viên cũng phải hình thành cho mình năng lực nghiên cứu khoa học. Đây là một hoạt động đặc thù của sinh viên trong môi trường Đại học. Hình thành năng lực này phải thông qua việc học hỏi và trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản như: kỹ năng xác định vấn đề, kỹ năng phân tích - tổng hợp chuyên biệt, kỹ năng giải quyết vấn đề...

Hoạt động học tập của sinh viên mang tính chất độc lập, sáng tạo. Nó đòi hỏi sinh viên phải tự đào tạo, tự hoạch định mục tiêu học tập sao cho phù hợp với năng lực của mình và yêu cầu của nhà trường. Họ phải nhạy bén, uyển chuyển trong từng hoàn cảnh, linh hoạt trong việc vận dụng các kiến thức để xử lý các tình huống mới; sáng tạo trong việc phát hiện ra vấn đề, xem xét và giải quyết vấn đề dưới những góc độ khoa học khác nhau.

3.1.2. Đặc điểm về động cơ học tập của thanh niên sinh viên

Động cơ học tập là những lý do khiến sinh viên tham gia vào các hoạt động học, là nội dung tâm lý của hoạt động học tập. Động cơ học tập có thể bị chi phối bởi nhiều yếu tố, dựa trên nguồn gốc xuất phát có thể chia thành ba yếu tố sau:

- Các yếu tố xuất phát từ chính chủ thể như hứng thú, niềm tin, lý tưởng, tâm thế, mục đích...

- Các yếu tố xuất phát từ phía xã hội [ngoài chủ thể] như danh vọng, mong muốn của gia đình và xã hội...

- Các yếu tố xuất phát trong chính hoàn cảnh học tập như nội dung, phương pháp dạy học, nhân cách của giảng viên, các thiết bị dạy học...

Chính vì thế, lĩnh vực động cơ học tập của sinh viên rất phong phú và thường bộc lộ rõ tính hệ thống. Hoạt động học tập của sinh viên diễn ra không phải đơn thuần chịu sự chi phối của một loại mà bao gồm nhiều loại động cơ. Đó có thể là động cơ có tính chất nhận thức, động cơ có tính chất xã hội và động cơ học tập của sinh viên cũng chịu sự chi phối khá mạnh bởi hoạt động và cách thức tổ chức giảng dạy của giảng viên.

Tìm hiểu từng mặt của việc động cơ hóa đối với hoạt động học tập của sinh viên có thể nhận thấy một số đặc điểm như sau:

- Sinh viên không muốn người khác xem mình như một đứa trẻ mới lớn, nhưng muốn được tôn trọng như một người lớn thực sự. Sinh viên có nguyện vọng thể hiện tính tự lập và độc lập khỏi mọi sự ràng buộc quá mức từ phía gia đình cũng như nhà trường. Sinh viên sẽ không chấp nhận và không thỏa mãn với giảng viên sử dụng những phương pháp dạy truyền thống bởi vì nó mang tính thụ động và không tạo điều kiện cho sinh viên phát huy tính tích cực và cơ hội để thể hiện chính mình. Sinh viên cũng không muốn là những trò giỏi bằng cách ngồi học thụ động, chép những gì giảng viên đọc và xem đó là “giáo trình chính". Họ muốn được thể hiện chính kiến của mình, có thể điều đó khác với quan điểm của giảng viên và các bạn, nhưng chính bằng cách đó sinh viên khẳng định được "cái tôi" và bản sắc riêng của mình.

- Khác hẳn với các học sinh Trung học, sinh viên muốn đem những kiến thức trải nghiệm bản thân vào chính bài học của mình. Những phương pháp dạy học truyền thống cần phải chuyển sang những phương pháp lấy hoạt động làm phương tiện và sinh viên làm trung tâm. Tăng cường hoạt động của sinh viên và giảm bớt hoạt động của giảng viên. Sự thụ động cần được thay thế bằng sự tích cực tham gia trong quá trình thảo luận và làm việc nhóm giữa sinh viên; những vấn đề đưa ra cần phải kích thích tư duy và trí tò mò thì mới khơi gợi được tính tích cực học tập của sinh viên.

- Nhìn chung, động cơ học tập của thanh niên sinh viên rất đa dạng và mang tính hệ thống, việc học của họ bị chi phối bởi nhiều loại động cơ

+ Động cơ nhận thức: sự khao khát trau dồi tri thức, hứng thú các vấn đề khoa học.

+ Động cơ nghề nghiệp: mong muốn có nghề nghiệp ổn định, thành đạt trong lĩnh vực chuyên ngành.

+ Động cơ xã hội: đáp ứng yêu cầu của xã hội.

+ Động cơ tự khẳng định: về năng lực và phẩm chất cá nhân.

+ Động cơ cá nhân: tương lai ổn định, thu nhập cao...

Tóm lại, chính do tính đặc thù của hoạt động học tập trong môi trường Đại học, Cao đẳng sẽ giúp sinh viên phát triển mạnh về mặt nhận thức và trí tuệ để đáp ứng được yêu cầu học tập. Đây sẽ là một ưu điểm lớn để sinh viên trưởng thành hơn khi bước chân vào cuộc sống thực sự. Ngoài ra, việc giảng viên cần tìm hiểu các động cơ học tập rất đa dạng và phức tạp của sinh viên để tổ chức hoạt động học tập hiệu quả cũng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng.

3.2. Đời sống xúc cảm - tình cản của thanh niên sinh viên

3.2.1. Một số đặc điểm chung về sự phát triển xúc cảm - tình cảm

Tuổi sinh viên là thời kỳ phát triển tích cực nhất của những loại tình cảm cao cấp như: tình cảm trí tuệ, tình cảm đạo đức, tình cảm thẩm mỹ, tình yêu nam nữ. Những tình cảm này chiếm vị trí quan trọng và có ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động của sinh viên trong mọi lĩnh vực của đời sống.

Các loại tình cảm này ngày càng trở nên đậm nét thông qua việc khám phá, tìm tòi và tham gia vào nhiều loại hình hoạt động khác nhau. Đáng kể nhất là hoạt động học tập và tham gia các hoạt động xã hội khác. Trong hoạt động học tập, sinh viên cảm nhận được vẻ đẹp của sự đa dạng, sự mới lạ của các lĩnh vực khoa học mà họ có dịp tiếp cận. Sự bí ẩn và huyền diệu của Thiên văn học, sự kỳ diệu của Hóa học, sự logic của Toán học... khơi gợi trong các bạn một nhu cầu khám phá và say mê học hỏi. Trong các hoạt động xã hội như chiến dịch tình nguyện mùa hè xanh, các phong trào đoàn hội... các bạn sinh viên sẽ cảm nhận được vẻ đẹp đơn sơ chất phác của con người trong những làng quê nghèo, hẻo lánh; cảm nhận được sức sống của tuổi trẻ, ý nghĩa của các hoạt động tình nguyện.

Hơn ai hết, sinh viên là người yêu vẻ đẹp thể hiện ở hành vi, phong thái đạo đức, cũng như vẻ đẹp thẩm mỹ ở các sự vật, hiện tượng của thiên nhiên hoặc con người tạo ra. Khác với những lứa tuổi trước, tình cảm đạo đức, tình cảm thẩm mỹ ở tuổi sinh viên biểu lộ một chiều sâu rõ rệt. Họ yêu thích cái gì họ đều có thể lý giải, phân tích một cách có cơ sở. Điều này lý giải vì sao ở độ tuổi này sinh viên đã có cách cảm, cách nghĩ riêng, ăn mặc theo sở thích riêng của mình... Bên cạnh đó, sinh viên có thể lý giải, xây dựng “triết lý" cho cái đẹp của mình theo chiều hướng khá ổn định.

Đặc biệt và nổi trội nhất trong thời kỳ này là sự phát triển mạnh mẽ, có tính định hướng, khá sâu sắc về tình yêu nam nữ. Thông qua các hoạt động giao lưu, các bạn nam nữ sinh viên có dịp để gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu lẫn nhau. Dần dần tình yêu nam nữ sẽ nảy sinh từ những tình bạn chân thành, đồng cảm và gắn bó. Loại tình cảm này mang một sắc thái mới, cao hơn và chín chắn hơn so với tình cảm thời Trung học, nó chiếm một vị trí hết sức quan trọng vào thời điểm này thể hiện ở việc chi phối các hoạt động của sinh viên, hướng sinh viên đến một tương lai gần nào đó mà họ đang mong ước. Tình cảm này có tác dụng tích cực trong việc giúp các bạn thỏa mãn được nhu cầu về mặt tình cảnh chia sẻ những vui buồn của cảnh xa nhà nhớ quê, cùng nhau gắn bó vượt qua những khó khăn của quãng đời sinh viên. Tuy nhiên, tình yêu này cũng có thể gây cho sinh viên cảm giác mâu thuẫn. Mâu thuẫn giữa việc dành thời gian học tập và dành thời gian để đi chơi; giữa việc mong muốn tiến xa hơn trong mối quan hệ và điều kiện chưa chín muồi... Tuy vậy, trong giai đoạn thanh niên sinh viên xuất hiện nhu cầu sẵn sàng gắn bó với người khác, tình yêu nam nữ đích thực xuất hiện.

3.2.2. Các lý thuyết về lựa chọn trong tình yêu

Có thể đề cập đến một số lý thuyết cơ bản sau về tình yêu của thanh niên sinh viên dưới những sự lý giải khác nhau:

* Lý thuyết về sụ thu hút giữa những cái giống nhau:

Lý thuyết này khẳng định, thanh niên sinh viên có thể yêu vì những sự tương đồng.

- Giống nhau về sắc tộc, tôn giáo, giai cấp xã hội, nền giáo dục, nghề nghiệp để người ta thu hút lẫn nhau.

- Yếu tố địa lý hay môi trường lao động chung tạo điều kiện cho đôi nam nữ gặp gỡ.

- Sở thích, lý tưởng giống nhau giúp họ cùng nhìn về một hướng.

* Lý thuyết về sự thu hút giữa những điểm trái ngược:

Lý thuyết này khẳng định có sự thu hút giữa những nhân cách trái ngược nhau. Lý thuyết này cũng được gọi là sự bổ sung các nhu cầu.

* Lý thuyết về "mô hình có sẵn trong tiềm thức":

Lý thuyết này cho rằng có những người tự dưng gặp ai đó lại bị thu hút ngay. Những người này đã xây dựng một hình ảnh lý tưởng về người yêu tương lai và họ cứ bám vào hình ảnh đó. Mô hình lý tưởng này hình thành do:

- Ảnh hưởng của cha, mẹ, người thân.

Kinh nghiệm tình cảm tích cực, sự an toàn có được trong quan hệ với cha, mẹ làm cho họ chọn bạn đời giống cha, mẹ. Kinh nghiệm tình cảm tiêu cực trong quan hệ với cha, mẹ dẫn đến họ chọn bạn đời khác cha, mẹ. Anh, chị em hay các thành viên khác trong gia đình cũng ảnh hưởng tới mô hình mà người ta tự xây dựng về người bạn đời tương lai.

- Ảnh hưởng của "tình yêu” trẻ con.

Những đặc điểm của đối tượng gây cảm xúc mạnh mẽ như khuôn mặt, tiếng nói, cách ứng xử đi vào tiềm thức khi còn nhỏ [8 - 9 tuổi] sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn bạn đời của người thanh niên.

* Lý thuyết về sự phát hiện chính mình trong người kia: Lý thuyết này dựa trên hiện tượng đột nhiên thấy chính mình trong người kia. Những gì người kia phát biểu là chính nhu cầu, ước muốn, thái độ của chính tôi mà tự tôi không dám nói ra. Chính người đó đang và sẽ thể hiện “cái tôi" của tôi.

3.2.3. Các kiểu tình yêu thanh niên sinh viên

Tình yêu sinh viên đạt đến hình thái chuẩn mực, nhìn chung rất đẹp, lãng mạn, đầy thi vị. Trong tình yêu sinh viên cũng gặp phải những mâu thuẫn nội tại phải giải quyết, họ thể hiện những bản sắc riêng của mình trong tình yêu nam nữ. Theo nhà Tâm lý học Robert Stenlberg [1986], tình yêu mà chỉ bao gồm niềm đam mê và sự cảm thông là quá đơn giản. Ông cho rằng tình yêu hợp thành từ ba yếu tố: thân tình, đam mê và trách nhiệm.

Các kiểu tình yêu

[Kind of love]

Gần gủi thân tình [Intimacy]

Đam mê [Pasion]

Trách nhiệm

[commitment /decision]

Thích [liking]

+

-

-

Si mê [infatuated love]

-

+

-

Sự trống rỗng [empty love]

-

-

-

Tình yêu lãng mạn

[Romantic love]

+

-

+

Tình yêu đồng cảm [Companionate love]

+

-

+

Tình yêu dại dột [Fatuous love]

-

+

+

Tình yêu hoàn hảo [Cónumimate love]

+

+

+

Bảng 1. Phân loại các kiểu tình yêu dựa vào lý thuyết tam giác của Sternberg [R. Sternberg's triangular theory of love,1986].

Yếu tố gần gũi, thân tình là tình cảm nảy sinh qua sự thân thiết lâu ngày, yêu mến [về một hay nhiều điểm nào đó], qua sự giao tiếp thường xuyên. Còn yếu tố đam mê bao gồm những ham muốn nhuốm màu sắc tình dục, những gần gũi về thể xác và sự lãng mạn. Yếu tố này được minh họa bởi những cảm xúc lôi cuốn đến khó kiềm chế về thể xác, tình dục khi gặp đối tượng [muốn lại gần, muốn hôn, muốn nắm tay...]. Cuối cùng khía cạnh thứ ba là yếu tố trách nhiệm, bao gồm những ấn tượng mạnh ban đầu khiến bạn yêu người đó [một người giúp đỡ bạn trong cơn hoạn nạn] và quyết định duy trì dài lâu tình yêu này.

Bằng cách xem xét từng yếu tố trên có hiện diện hay không, Sternberg phân loại thành bảy "thể loại" tình yêu theo tình cảm. Không yêu [trống rỗng] là mức độ tình cảm chỉ dừng ở những quen biết thông thường, loại tình cảm này thiếu hẳn ba yếu tố vừa nói trên. Thích lại chỉ có sự hiện diện của yếu tố thân tình. Trong khi đó, tình yêu si mê vắng bóng hai yếu tố thân tình và trách nhiệm.

Những dạng tình yêu khác lại phức tạp hơn. Đơn cử như tình yêu lãng mạn xảy ra khi hai yếu tố thân tình và đam mê xuất hiện; một mối tình được gọi là tình yêu đồng cảm khi hai yếu tố thân tình và trách nhiệm được hợp thành. Khi hai người đến với nhau bằng tình yêu lãng mạn, chính những cảm xúc đam mê và tình dục nồng nàn kẻo họ đến với nhau. Mối quan hệ này có lâu dài hay không đối với họ không quan trọng. Trái lại ở tình yêu đồng cảm, những quan hệ lâu dài bền vững lại ở vị trí cao hơn những đam mê về sinh lý, thể xác đơn thuần. Bên cạnh đó, tình yêu dại dột chỉ tồn tại khi yếu tố thân tình được nảy nở. Cuối cùng là tình yêu đích thực [tình yêu lãng mạn] xuất hiện khi cả ba yếu tố của R. Sternberg đều hiện hữu ở dạng tình yêu này. Mặc dù con người thường cho rằng đây là kiểu mẫu tình yêu "lý tưởng", nhưng cũng có những dạng tình yêu khác mà hạnh phúc và sự vững bền là nền tảng nhưng nó không phải là dạng tình yêu hoàn hảo. Hơn thế nữa, qua thời gian, dạng tình yêu này đặt nền móng trên sự vững bền và hạnh phúc đã chiếm ưu thế trong nhiều mối quan hệ đa dạng của nhân loại. Thuyết tam giác tình yêu của R. Sternberg nhấn mạnh đến tính chất phức tạp của tình yêu, động lực dẫn đến tình yêu phẩm chất của các thể loại tình yêu. Nếu các mối quan hệ của con người phát triển và thay đổi theo thời gian thì tình cảm của con người cũng diễn ra như thế.

3.3. Một số đặc điểm nhân cách thanh niên sinh viên

3.3.1. Sự phát triển về nhu cầu

Theo Abraham Maslow, nhu cầu được phân loại theo các nhóm cấu trúc có đẳng cấp từ thấp đến cao, mà tính nhất quán logic của các nhu cầu chứng tỏ một trật tự xuất hiện các nhu cầu trong quá trình phát triển của cá thể, cũng như chứng tỏ sự phát triển của hệ thống động cơ [Xem biểu đồ 1].

Sự tự thể hiện, tự thực hiện mục đích của mình bằng khả năng phát triển nhân cách bản thân là nhu cầu trên đỉnh tháp các nhu cầu và nó được phát triển vào lứa tuổi đầu của người trưởng thành, lứa tuổi thanh niên sinh viên.

Biểu đồ 1: Thang tháp bậc nhu cầu của Abraham Maslow [1908 - 1970]

Những nghiên cứu cho thấy trong sự phát triển chung về nhu cầu của người trưởng thành trẻ tuổi thì nhu cầu xã hội phát triển về chất rất đặc biệt. Việc thanh niên sinh viên không có những cơ hội giao lưu và tiếp xúc cũng ảnh hưởng khá nhiều đến kỹ năng sống cũng như dễ dẫn đến những triệu chứng rối nhiễu tinh thần. Mặt khác, điều này cũng ảnh hưởng quan trọng đến nhân cách của cá nhân. Song song đó, nhu cầu được tôn trọng tiếp tục phát triển sâu hơn trên bình diện các mối quan hệ khác nhau và chuyển biến theo hướng ngòi bình đẳng thực thụ trong từng tình huống. Ngoài ra, nhu cầu tự thể hiện cũng thôi thúc thanh niên sinh viên tự khẳng định mình một cách quyết liệt và “bung" cái tôi của mình trong những hoàn cảnh khác nhau của đời sống cá nhân cũng như đời sống xã hội.

3.3.2. Sự phát triển về tự đánh giá, tự ý thức và tự giáo dục

Nhân cách của sinh viên phát triển một cách khá toàn diện và phong phú. Sau đây là những đặc điểm đặc trưng nhất: đặc điểm về tự đánh giá, tự ý thức và tự giáo dục của sinh viên.

Tự đánh giá ở lứa tuổi sinh viên phát triển mạnh với những biểu hiện phong phú và sâu sắc. Điều này thể hiện ở điểm sinh viên không chỉ đánh giá hình ảnh bản thân mình với tính chất bề ngoài, hình thức mà còn đi sâu vào nội dung các phẩm chất, các giá trị của nhân cách. Tự đánh giá không chỉ đơn thuần trả lời câu hỏi: “Tôi là ai?" mà còn phải nhận thức rõ: “tôi là người thế nào?", "Tại sao tôi là người như thế", "Tôi có những phẩm chất nào?"... Những cấp độ đánh giá ở trên mang tính phê phán rõ rệt. Vì vậy, tự đánh giá của sinh viên có ý nghĩa tự ý thức và tự giáo dục. Bên cạnh đó, sự tự đánh giá của sinh viên được thể hiện thông qua sự đối chiếu, so sánh, học hỏi từ những người khác. Người khác như là tấm gương để sinh viên soi nhân cách của mình vào, trên cơ sở đó, họ sẽ điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu của xã hội.

Tự ý thức là trình độ phát triển cao của ý thức. Tự ý thức như là cặp mắt để mỗi sinh viên nhìn vào chính nhân cách của mình, để điều chỉnh cũng như nhận ra khiếm khuyết để bổ sung những phẩm chất nhân cách cần thiết cho phù hợp với yêu cầu và sự phát triển của xã hội. Nhìn chung, tự ý thức, tự đánh giá ở sinh viên mang tính toàn diện và sâu sắc:

- Sinh viên nhận thức bản thân, đánh giá bản thân cả hình thức đến những phẩm chất phức tạp bên trong [danh dự, lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ...] và cả năng lực cá nhân.

- Sinh viên bắt đầu có khả năng đi sâu vào lý giải câu hỏi: Tại sao tôi lại như thế?

Một số kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức độ phát triển của những phẩm chất nhân cách có liên quan đến trình độ học lực cũng như kế hoạch sống trong tương lai của sinh viên. Những sinh viên có thành tích học tập tốt thường chủ động và tích cực trong việc nhìn nhận, đánh giá về thái độ cũng như hành vi của mình trong cuộc sống để ngày càng hoàn thiện. Khi thanh niên sinh viên tự nhìn nhận đánh giá bản thân khá chính xác, họ sẽ có kế hoạch học tập, rèn luyện bản thân hướng tới các thành tựu khoa học, lập kế hoạch học tập và nghiên cứu một cách hiệu quả. Ngược lại, những sinh viên có kết quả học tập thấp thường dễ dàng đánh giá bản thân không chính xác theo hướng hoặc đánh giá quá cao hoặc đánh giá quá thấp về mình vì vậy cần lưu ý hỗ trợ về mặt tâm lý cho những sinh viên này một cách thiết thực và hợp lý.

Tự đánh giá và tự ý thức là cơ sở của sự tự giáo dục ở sinh viên. Sinh viên chỉ có thể tự giáo dục chính mình một khi họ hiểu rõ về bản thân mình. Từ đó, họ phải phấn đấu và rèn luyện những phẩm chất nhân cách cần thiết để đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Nhìn chung, sự phát triển các đặc điểm tâm lý nói trên tạo điều kiện cho sinh viên đáp ứng được yêu cầu học tập và các loại hình hoạt động trong môi trường Đại học. Điều này cũng góp phần định hình và hoàn thiện dần nhân cách.

Tóm lại, những phẩm chất của nhân cách như sự tự ý thức, tự đánh giá, lòng tự trọng, sự tự tin, tinh thần trách nhiệm đều phát triển mạnh mẽ ở lứa tuổi này. Chính những phẩm chất nhân cách bậc cao này có ý nghĩa rất lớn đối với việc tự giáo dục, tự hoàn thiện bản thân theo hướng tích cực của những trí thức tương lai.

3.3.3. Sự phát triển về định hướng giá trị - định hướng lối sống

Định hướng giá trị là những giá trị được chủ thể nhận thức; ý thức và đánh giá cao, có ý nghĩa định hướng điều chỉnh thái độ, hành vi, lối sống của chủ thể nhằm vươn tới những giá trị đó. Định hướng giá trị phát triển mạnh vào lúc thanh niên phải đứng trước việc chọn nghề, chọn các chuyên ngành khác nhau trong việc thi vào các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp.

Cấu trúc của định hướng giá trị cũng là một trong những vấn đề cần được đề cập ở đây. Một sự vật có giá trị đối với một cá nhân nào đó khi nó phù hợp và đáp ứng được nhu cầu cũng như mục đích hoạt động của cá nhân đó. Như thế rõ ràng là để biết sự vật đó có giá trị như thế nào đối với bản thân thì chủ thể phải nhận thức về sự vật đó, tỏ thái độ đối với chúng và chọn lựa chúng trong hoạt động của mình. Do đó có thể nói, định hướng giá trị được cấu thành bởi các yếu tố tâm lý cơ bản sau: sự nhận thức, thái độ và hành động lựa chọn.

Kết quả nghiên cứu về định hướng giá trị của chương trình Khoa học Công nghệ cấp Nhà nước, với đề tài KX - 07 - 04 của Nguyễn Quang Uẩn, Nguyễn Thạc, Mạc Văn Trang [1995] cho thấy trong hệ thống các giá trị chung, sinh viên Việt Nam đánh giá cao 5 giá trị: học vấn, niềm tin, nghề nghiệp, sống có mục đích, tự trọng [Theo Nguyễn Thạc, 2007]. Cũng theo tác giả này thì sự lựa chọn trong định hướng giá trị nhân cách của sinh viên gồm:

- Có tư duy kinh tế, biết tính toán hiệu quả.

- Năng động, nhanh thích nghi với hoàn cảnh.

- Sử dụng thành thạo tiếng nước ngoài.

- Dám nghĩ, dám làm chấp nhận mạo hiểm.

- Biết xây dựng cuộc sống gia đình hòa thuận [26].

Ngoài ra, định hướng lối sống của sinh viên cũng có những đặc điểm khá thú vị. Lứa tuổi sinh viên là thời kỳ quan trọng và chín muồi cho việc định hình và hoàn thiện bộ mặt nhân cách. Trong thời kỳ đang có nhiều biến động trên thế giới về mọi mặt, nhất là sự thay đổi về quan niệm giá trị, về hệ thống giá trị, cũng như thang giá trị, sinh viên cần phải có một tầm nhìn rộng, một sự trải nghiệm thực tế để có thể định hướng lối sống cho mình.

Định hướng lối sống của sinh viên là việc sinh viên tự lựa chọn cho mình một phương cách để thể hiện các đặc điểm của bộ mặt nhân cách, cũng như con đường để đạt được những giá trị xã hội mà cá nhân hướng đến. Chính phương cách thể hiện này sẽ bộc lộ nội dung nhân cách của mỗi sinh viên. Đó là quá trình “xuất tâm" những tư tưởng, tình cảm, thái độ, niềm tin, lý tưởng của họ ra ngoài và để lại dấu ấn trong sản phẩm [vật chất cũng như tinh thần] của họ. Dựa trên sự thể hiện này mà người khác nói riêng và dư luận xã hội nói chung có thể nhận xét, đánh giá về họ.

Định hướng lối sống của sinh viên thể hiện ở quá trình hiện thực hóa “nội dung đời sống tâm lý" của mỗi sinh viên. Nói cách khác, sinh viên tự tìm cho “nội dung nhân cách" của mình một “vỏ bọc", một "phương tiện” để chứa đựng, để truyền tải và để thể hiện. Chính do tính chủ thể, do sự khác biệt về đặc điểm tâm lý mà mỗi “nội dung" đòi hỏi một “vỏ bọc” riêng, không ai giống ai. Định hướng lối sống của mỗi người hoàn toàn mang bản sắc cá nhân trong mối quan hệ với định hướng lối sống của cộng đồng.

Định hướng giá trị của người trưởng thành trẻ tuổi liên quan mật thiết với xu hướng nhân cách và kế hoạch đường đời của họ. Giải thích sự phù hợp giữa con người và nghề nghiệp là mục đích của thuyết nhân cách hướng nghiệp của John L. Holland [1985, 1987, 1996]. Tác giả cho rằng: “... người ta nhận thấy công việc được trọn vẹn khi các đặc điểm quan trọng của một công việc hoặc nghề nghiệp phù hợp với nhân cách của người được hướng nghiệp..." [45].

Theo tác giả Nguyễn Thạc [2007], định hướng giá trị nghề nghiệp của sinh viên có sự lựa chọn trùng hợp chín giá trị của kết quả chung trong nghiên cứu về định hướng giá trị của chương trình Khoa học công nghệ cấp nhà nước [Đề tài KX - 07 - 04]:

+ Nghề có thu nhập cao.

+ Nghề phù hợp với sức khỏe, trình độ.

+ Nghề phù hợp với hứng thú, sở thích.

+ Nghề có điều kiện chăm lo cuộc sống gia đình.

+ Nghề có điều kiện phát triển năng lực.

+ Nghề được xã hội tôn trọng.

+ Nghề bảo đảm yên tâm suốt đời.

+ Nghề giúp ích cho nhiều người.

+ Nghề có điều kiện tiếp tục học lên.

Ngoài ra, còn lựa chọn một yêu cầu nổi trội là nghề làm việc bằng trí óc [26].

Cũng cần thiết nhìn nhận về định hướng giá trị của tuổi này không hẳn hoàn toàn ổn định. Xu hướng biến đổi định hướng giá trị của sinh viên theo kết quả nghiên cứu của tác giả Đỗ Ngọc Hà [2002] như sau:

Thứ nhất: Bộc lộ những khuynh hướng mới, năng động của nhân cách phù hợp xu thế biến đổi của xã hội.

Thứ hai: Định hướng giá trị khẳng định cái tôi cá nhân.

Thứ ba: Hệ thống định hướng giá trị có sự đan xen hệ giá trị truyền thống và hiện đại [27].

Từ các xu hướng trên cho thấy tính đa dạng của nhân cách sinh viên, tạo những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển xã hội.

Kết quả này minh chứng cho sự chuyển biến lớn trong định hướng giá trị, định hướng lối sống và định hướng nghề nghiệp của thanh niên sinh viên là hướng về tương lai. hướng về mục tiêu được nhận thức bằng những giá trị đa tầng. Định hướng giá trị của sinh viên liên quan mật thiết với xu hướng nhân cách và kế hoạch đường đời của họ.

Có thể kết luận rằng trong sự phát triển nhân cách của thanh niên sinh viên, những nét cấu tạo tâm lý mới nổi trội được mô tả như sau:

- Sự hoàn thiện cái tôi [sự tự ý thức].

- Sự hoàn thiện thế giới quan khoa học.

- Lập các kế hoạch cuộc đời, chuẩn bị nghề nghiệp cho tương lai.

- Thiết lập cuộc sống độc lập hoàn toàn.

- Dần dần xâm nhập sâu vào các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống.

Nói cách khác, thanh niên sinh viên là lứa tuổi tràn trề sức sống, giàu nghị lực, ước mơ và có hoài bão lớn. Thế giới quan niềm tin, lý tưởng được thể hiện rõ rệt. Tuy nhiên, do sự phát triển không đồng đều nên nhiều sinh viên chưa đạt được mức độ phát triển cần thiết. Sự phát triển phụ thuộc nhiều vào hệ thống các giá trị của mỗi sinh viên định hướng - lựa chọn. Những sinh viên có sự nhìn nhận đúng đắn, khoa học sẽ có những kế hoạch đường đời phù hợp, có mục tiêu phấn đấu rõ rệt để trở thành những chuyên gia hữu dụng, sống có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội. Đây là một cơ sở tâm lý cực kỳ quan trọng để thanh niên sinh viên hướng đến những nền tảng phát triển vững chắc và giàu tiềm lực.

Video liên quan

Chủ Đề