Thông điệp dữ liệu điện tử là gì năm 2024

“Hình thức hợp đồng bằng thông điệp dữ liệu hay còn gọi với cái tên quen thuộc là hợp đồng điện tử theo xu thế của thời đại mới đã dần du nhập vào nước ta, ngày càng trở nên phổ biến. Chúng ta không còn quá bất ngờ khi chủ thể ở một quốc gia này có thể ký kết hợp đồng với chủ thể của một quốc gia khác mà không phải đi đến tận nơi gặp nhau trực tiếp để thương thảo hợp đồng. Thông qua mạng Internet, các doanh nghiệp ở các địa phương khác nhau, ở các quốc gia khác nhau có thể nhanh chóng tìm kiếm được bạn hàng để thiết lập mối quan hệ làm ăn, mở rộng thị trường. Với chiếc máy tính nối mạng Internet, ngồi ở nhà chúng ta có thể dạo quanh thị trường một cách thoải mái vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Khi cần mua một món hàng nào, chúng ta chỉ cần lướt và liên lạc với cửa hàng qua hệ thống mạng, sẽ có người mang món hàng đó đến tận nơi theo yêu cầu. Sự phát triển mạnh mẽ của giao dịch điện tử kéo theo sự ra đời một hình thức hợp đồng mới: hợp đồng điện tử – hợp đồng được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu.”

  1. Quy định của pháp luật về hình thức hợp đồng thông điệp dữ liệu

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 119 Bộ luật dân sự 2015 cũng đã quy định: “Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.” Tuy nhiên, giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu chỉ được coi là giao dịch bằng văn bản khi tuân thủ theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Theo Bộ luật dân sự 2015, Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Tại Điều 33 Luật giao dịch điện tử 2005 có định nghĩa rằng: “Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật này.”. Tại Khoản 1 Điều 36 Luật này có quy định: “Giao kết hợp đồng điện tử là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng.” . Như vậy, có thể định nghĩa và ngầm hiểu rằng: hợp đồng điện tử là sự thỏa thuận được thiết lập giữa hai hay nhiều bên thông qua mạng thông tin điện tử dưới dạng thông điệp dữ liệu nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của một phần hoặc toàn bộ giao dịch của các bên.

Nhiều quan điểm cho rằng không thể có một hình thức hợp đồng nào có thể thật sự thay thế hợp đồng truyền thống bằng văn bản với đầy đủ giá trị pháp lý. Nhưng sự phát triển của công nghệ cũng góp phần ảnh hưởng đến pháp luật, việc một hình thức hợp đồng hiện đại theo xu thế cũng có thể sẽ thay thế được hợp đồng truyền thống trong tương lai không xa. Để làm rõ hơn về hợp đồng điện tử, ta có thể thấy các đặc điểm nổi bật sau đây của hợp đồng điện tử có phần khác so với các loại hợp đồng truyền thống khác:

– Thứ nhất, hợp đồng điện tử được thực hiện thông qua trung gian là phương tiện điện tử. Đồng thời, chữ ký có thể được mã hóa và sử dụng là chữ ký số. Tất cả nội dung và thỏa thuận đều được chuyển tải qua thông điệp dữ liệu, đi qua phương thức trung gian để cũng kết nối các bên trong hợp đồng.

– Thứ hai, hợp đồng điện tử có giá trị pháp lý nhưng lại được thiết lập qua một thế giới ảo. Con người xuất hiện ở thế giới ảo với các thông tin dữ liệu được mã hóa. Hợp đồng được thiết lập và lưu giữ trong thế giới này, chúng ta không thể cầm trên tay, không thể sử dụng nó như các hợp đồng truyền thống từ trước đến nay. Tuy nhiên, trong thế giới ảo này đã tạo lập nên các ràng buộc pháp lý thực tế, được pháp luật công nhận.

– Thứ ba, về phạm vi ký kết. Đối với hợp đồng bằng thông điệp dữ liệu, chỉ cần có công cụ bổ trợ kết nối, quá dễ dàng để các chủ thể kết nối với nhau dù có cách trở địa lý bao xa đi nữa.

– Thứ tư, về chủ thể tham gia giao kết hợp đồng. Hợp đồng điện tử được giao kết bằng thông điệp dữ liệu với chữ ký được mã hóa. Vì vậy, khi ký kết hợp đồng này, luôn xuất hiện một bên thứ ba là nhà cung cấp mạng và chữ ký số. Bên thứ ba này đóng vai trò xác nhận sự tin cậy của thông tin và lưu giữ thông tin giao dịch giữa các bên.

Để thúc đẩy thu hút nhà đầu tư và hướng Việt Nam ra thế giới, thì song song với nền kinh tế mà chúng ta cần hiện nay chính là nền công nghệ thông tin tiên tiến. Hợp đồng điện tử là một trong những đại diện của trí tuệ và công nghệ số với nhiều đặc tính và lợi ích rất ưu việt như tốc độ nhanh, chi phí thực hiện rẽ, chuyển tải thông tin đa dạng mà không bị cản trở bởi khoảng cách địa lí hay ngôn ngữ giao tiếp… Đặc biệt, với tình hình dịch Covid-19 đang lây lan sang nhiều quốc gia và có diễn biến rất phức tạp trên toàn thế giới, việc tận dụng được công nghệ thông tin trong việc giao kết hợp đồng phần nào đó giúp giải quyết được nhiều khó khăn về kinh tế, thị trường trong hoàn cảnh bị hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa các chủ thể giao kết hợp đồng.

Ngày nay, hợp đồng điện tử được hình thành khi các chủ thể tham gia giao dịch trong môi trường sử dụng thông điệp dữ liệu và được thể hiện bởi nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, các hình thức phổ biến nhất của hợp đồng điện tử có thể kể đến như là: hợp đồng truyền thống được đưa lên website, webpage; hợp đồng được hình thành qua giao dịch tự động; hợp đồng hình thành qua thư điện tử [phổ biến nhất là email]; hợp đồng điện tử có sử dụng chữ ký số.

  1. Giá trị pháp lý, giá trị chứng cứ của hợp đồng điện tử

Theo Điều 14 Luật giao dịch điện tử 2005 quy định: “Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu”. Tại Điều 34 Luật này cũng nêu rằng: “Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu”.

Theo Điều 93 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 cho rằng: Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp. Đối với thông điệp dữ liệu thì “Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.” . Do đó, hợp đồng điện tử có đủ giá trị pháp lý và có thể được sử dụng như là chứng cứ khi đáp ứng được các điều kiện về độ tin cậy trong cách thức khởi tạo, lưu trữ, các yếu tố khác…

Đồng thời, theo Điều 95 Bộ Luật tố tụng dân sự, thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử thì được xác định là chứng cứ. Vì vậy, hợp đồng điện tử có giá trị pháp lý và giá trị làm chứng cứ nếu xảy ra tranh chấp trong dân sự hay các tranh chấp khác. Luật giao dịch điện tử và Bộ luật tố tụng dân sự đều có sự khẳng định về giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu, hợp đồng điện tử. Tuy nhiên lại chưa có định nghĩa nào về chứng cứ điện tử. Với những phân tích trên, tác giả mạo muội được đưa ra khái niệm về chứng chứ điện tử như sau: Chứng cứ điện tử là thông điệp dữ liệu được khởi tạo, lưu trữ, truyền tải, nghe, nhìn được bằng phương tiện điện tử và đảm bảo các yêu cầu của pháp luật về cách thức khởi tạo và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu do các chủ thể tham gia quan hệ thương mại điện tử lưu giữ, thu thập cung cấp cho Tòa án hoặc do Tòa án, cơ quan có thẩm quyền thu thập nhằm chứng minh cho các yêu cầu của các chủ thể này khi giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại bằng các phương thức khác nhau trong đó có phương thức giải quyết bằng các thủ tục tố tụng.

Khái niệm này em có tham khảo bên trang khác vì vậy em trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo nha.

  1. Thực trạng áp dụng pháp luật khi sử dụng hợp đồng điện tử trong giao dịch mua bán

Có thể thấy, từ năm 2005 khi Luật giao dịch điện tử được ban hành, tiếp theo đó, Chính phủ đã ban hành khoảng 10 Nghị định quy định, sửa đổi và văn bản hướng dẫn trong các hoạt động liên quan về thương mại điện tử, ngân hàng và chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Tuy nhiên, với mức độ phát triển của công nghệ số thời đại 4.0 thì những văn bản này không còn phù hợp với hiện nay nữa. Đặc biệt, việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử không được quy định rõ ràng ở một văn bản luật, văn bản dưới luật nào.

Khi chúng ta chọn một phương thức giao kết và thực hiện hợp đồng, nếu có giá trị nhỏ, ta sẵn sàng lựa chọn sự mạo hiểm, chấp nhận rủi ro để chọn một hình thức tiện lợi và nhanh chóng. Nhưng đối với một phi vụ làm ăn với giá trị lớn, đòi hỏi chủ thể các bên phải suy xét kỹ nhiều mặt thì sẽ không ai chấp nhận bỏ ra một khối tài sản lớn để nhận lại sự mơ hồ và khả năng dễ mất trắng. Đó chính là lý do tại sao Việt Nam dù được du nhập sử dụng mạng internet kết nối toàn cầu từ năm 1997, biết đến hình thức hợp đồng điện tử và có văn bản quy định từ năm 2005 nhưng hầu hết việc sử dụng hình thức hợp đồng bằng thông điệp vẫn trở nên không phổ biến và chưa thực chất phát triển theo tầm nhìn thế giới.

Hợp đồng điện tử phát triển từ các giao dịch nhỏ lẻ như mua một cái áo trên Shopee, một chiếc điện thoại trên Lazada, một cuốn sách trên tiki hay xa hơn là một vài món đồ nội trợ làm đẹp hàng nội địa Trung trên thị trường thương mại điện tử nổi tiếng năm châu của Jack Ma. Tuy nhiên, những người mua hàng thường không quan tâm đến pháp luật khi đặt hàng, nếu có vấn đề mang tính rủi ro xảy ra, phần đông sẽ chấp nhận hậu quả đó vì thủ tục rườm rà, kéo dài và có khi là bị ngó lơ bởi bên quản trị hệ thống. Ngoài ra, đối với những hợp đồng điện tử làm ăn trong thương mại, kinh doanh với giá trị lớn ở nước ta chỉ đạt mức trung bình, thua xa gấp mấy lần so với sự phát triển của công nghệ 4.0.

Sau gần 15 năm triển khai thi hành, Luật Giao dịch điện tử đã bộc lộ những điểm bất cập, chưa thực sự phù hợp với thực tiễn phát triển như: Các quy định chi tiết đối với thông điệp dữ liệu về định dạng, thời gian gửi, nhận, lưu trữ, chuyển đổi.. chưa nhất quán, dẫn đến nhiều khó khăn khi liên thông, công nhận lẫn nhau giữa các hệ thống; Thiếu quy định về xác thực danh tính điện tử đối với các cá nhân, tổ chức trong giao dịch điện tử, thiếu quy định về giao kết và đảm bảo tính pháp lý cho hợp đồng điện tử,… Ví dụ như có thể thấy rằng tại các điều khoản quy định về hợp đồng điện tử [từ điều 33 đến điều 38 Luật giao dịch điện tử 2005] nhưng lại không quy định cụ thể về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử là như thế nào, trường hợp nào thì hợp đồng điện tử vô hiệu hay hậu quả nếu hợp đồng điện tử vô hiệu, ngoài ra, phương thức giải quyết tranh chấp liên quan đến hình thức hợp đồng này cũng chưa được hoàn thiện…

Thực tế, có những giao kết hợp đồng điện tử hầu như dựa trên niềm tin, còn cơ chế để bảo vệ khi có tranh chấp đang là rào cản mà nhiều chủ thể e ngại, một khi chưa biết rõ chủ thể hoặc chủ thể ở các quốc gia khác nhau. Đơn cử, vừa qua, Công ty Luật F có ký các hợp đồng với một công ty LLC T ở thành phố Tyumen – một thành phố ở Vùng liên bang Ural của Nga thông qua email với các chủ thể là đại diện hai bên công ty để cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý định kì hàng tháng. Với khoảng cách địa lý rất xa như vậy, toàn bộ các công việc liên quan đến thực hiện, thanh lý hợp đồng đều được thông qua phương tiện điện tử. Tương tự, với các đề nghị thanh toán cũng đều thực hiện qua bản scan, email. Sau khi hoàn tất công việc, hợp đồng sẽ tự động thanh lý. Tính đến nay, đã rất nhiều hợp đồng với các đối tác nước ngoài được công ty Luật F thực hiện trên nhiều quốc gia khác nhau như Nga, Đức, Hồng Kông,… Đối với Công ty Luật F trên phương diện tầm nhìn quốc tế, để vươn mình hội nhập với thế giới, chúng ta không thể mãi dừng lại ở vùng an toàn ít rủi ro.

Thông thường, để tạo bằng chứng xác thực từ thông điệp dữ liệu khi giải quyết tranh chấp, người dùng phải sử dụng các dịch vụ thừa phát lại lập vi bằng. Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác, nó xác thực được chứng cứ liên quan đến dữ liệu điện tử, hợp đồng điện tử. Tuy nhiên, để thực hiện lập vi bằng phải bỏ ra giá trị khá lớn và đôi khi là lớn hơn giá trị tranh chấp.

Đối với Tòa án, việc giải quyết tranh chấp thì sẽ vẫn ưu tiên hơn đối với các tài liệu như hợp đồng bằng văn bản, có công chứng chứng thực, chứng cứ được thiết lập rõ ràng ngoài đời thực. Còn các chứng cứ khác liên quan thông điệp dữ liệu thường chỉ đóng vai trò bổ sung, hỗ trợ các chứng cứ khác. Nếu có tranh chấp xảy ra chỉ liên quan đến hợp đồng và chứng cứ điện tử, tin chắc rằng sẽ có nhiều khó khăn khi đánh giá vấn đề để giải quyết tranh chấp vì những bất cập và quy định chưa thật sự rõ ràng trong hệ thống pháp luật.

Tòa án đã từng xét xử một số vụ án kinh doanh thương mại mà một phần quá trình chào hàng, đề nghị giao kết hợp đồng và các thỏa thuận phát sinh được thực hiện bằng phương tiện điện tử. Giữa nguyên đơn [công ty A trụ sở tại Việt Nam] và Bị đơn [Công ty B là công ty liên doanh giữa Việt Nam và Hàn Quốc, trụ sở tại Hà Nội] đã ký hợp đồng thực hiện cung cấp hàng hóa trong một thời gian dài. Sau khi thông báo ngừng cung cấp hàng hóa dịch vụ theo hợp đồng đã ký kết, hai bên đã tiến hành thanh lý hợp đồng này và chốt công nợ, theo đó Công Ty B còn nợ Công ty A số tiền 8.980.000.000 VND [Tám tỷ chín trăm tám mươi triệu đồng] với thời gian thực hiện thanh toán là 01 năm. Trong thời hạn này, phía Công ty B đã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo cam kết và đưa ra lý do chưa nhận đủ hàng hóa, các giấy tờ giao nhận không do người đại diện theo pháp luật của Công ty A ký…

Vì hai bên không giải quyết được tranh chấp, Công ty A đã khởi kiện tại Tòa án nhân dân thành phố TH và được thụ lý giải quyết, trong quá trình giải quyết vụ án, phía Công ty A đã sao lục và cung cấp cho Tòa án những chứng cứ điện tử như email, tin nhắn, danh sách các cuộc gọi điện thoại, bản sao kê thanh toán qua Ngân hàng. Phía bị đơn thì cho rằng họ không nhận được các thông tin trao đổi qua hộp thư điện tử, các số máy điện thoại không phải của người đại diện theo pháp luật hay các văn bản ủy quyền hợp lệ, không chấp nhận các tập quán thương mại mà hai bên đã thực hiện vì không có thỏa thuận.

Để giải quyết vụ án một cách toàn diện, đầy đủ, Tòa án nhân dân thành phố TH đã tiến hành thu thập và kiểm tra tính xác thực của các chứng cứ mà nguyên đơn cung cấp, tuy nhiên do thời gian thực hiện hợp đồng tương đối dài, các máy chủ không đặt tại Việt Nam cũng như một bên không cung cấp nên các chứng cứ do nguyên đơn cung cấp đều không được chấp nhận. Vì vậy, Tòa án nhân dân thành phố TH đã tiến hành xét xử và ra bản án bác yêu cầu khởi kiện của Công ty A.

Vậy, đối với việc giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng thông điệp dữ liệu còn phát sinh nhiều bất cập. Nếu có tranh chấp xảy ra và được giải quyết bởi tòa án, e rằng vấn đề này sẽ còn rất mới, và chưa có đầy đủ công cụ pháp lý đầy đủ để đảm bảo làm cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp giữa các bên.

  1. Một số đề xuất hoàn thiện pháp luật

Hợp đồng điện tử là một trong những vấn đề sẽ tiếp tục phát triển rộng khắp và trở nên phổ biến trong đời sống xã hội Việt Nam, do vậy để hòa nhập và phát triển cùng xu thế của thời đại mới, chúng ta cần có những bước đi kịp thời để pháp luật theo kịp các bước đi và nhịp điệu mới của cuộc sống. Theo chúng tôi, chúng ta cần hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật liên quan đến hợp đồng điện tử với những vấn đề như sau:

– Thứ nhất, cần đánh giá, rà soát các bất cập từ các quy định pháp luật đã không còn phù hợp và có phương hướng đổi mới theo hướng hoàn thiện hơn, quy định chi tiết về hình thức hợp đồng bằng thông điệp dữ liệu để đảm bảo được khả năng bảo vệ các bên trong giao dịch hợp đồng nhằm giúp người dân mà đặc biệt là các doanh nhân, chủ đầu tư thật sự tự tin khi áp dụng hợp đồng bằng thông điệp dữ liệu trong việc giao kết hợp đồng.

– Thứ hai, khắc phục và hoàn thiện thêm tính pháp lý của chữ ký số, có các tài liệu, hướng dẫn ký năng sử dụng chữ ký số, hợp đồng điện tử, từ đó khuyến khích sự phát triển của hình thức hợp đồng này.

– Thứ ba, hoàn thiện hơn các quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng bằng thông điệp dữ liệu, có các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, nâng cao nghiệp vụ trong công tác giải quyết tranh chấp phát sinh.

Hy vọng, cuộc sống với những bước tiến mạnh mẽ và với những đòi hỏi không ngưng nghỉ sẽ cùng được tư duy của người làm luật chạm tới, từ đó có những điều chỉnh phù hợp nhằm đón nhận những tiện ích giá trị do công nghệ mang lại, ví như hợp đồng điện tử.

Quốc hội [2015], Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13, ngày 24/11/2015

Quốc hội [2005], Luật giao dịch điện tử số 51/2015/QH11, ngày 29/11/2005

Quốc hội [2005], Luật giao dịch điện tử số 51/2015/QH11, ngày 29/11/2005

Quốc hội [2015], Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13, ngày 25/11/2015

Ls. Lê Văn Thiệp [2016], Chứng cứ điện tử trong giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại, Tạp chí kiểm sát số 05/2016

Chủ Đề