Thúc sinh là ai

THÚC SINH – NGÔN NGỮ VÀ TÍNH CÁCH LÊ THỊ HỒNG MINH* Cho đến cuối thế kỷ XX, trong nền văn học hiện đại vẫn không ít tác phẩm xây dựng nhân vật theo kiểu tính cách một chiều. Thế nhưng trong Truyện Kiều đã xuất hiện một nhân vật đặc biệt, dường như là trung gian của mọi quan niệm: Thúc Sinh. Thật khó có thể xếp anh ta vào loại nhân vật nào – chính diện hay phản diện? Tốt hay xấu? Mọi quan niệm của thời đại, qua Thúc Sinh, dường như đều bị đảo lộn. Thời đại Thúc Sinh, thi ca được dùng “chở đạo”, nói “chí”, vịnh cảnh, ngợi ca những thú nho nhã, thanh cao Còn Thúc Sinh, thi hứng chỉ phát sinh khi anh chàng trông thấy người đàn bà khoả thân đang tắm - điều mà văn học phong kiến tối kỵ! Kiều đang khi “lòng còn gửi ánh mây Hàng” nhớ mẹ, nhớ cha da diết thì chàng lại đem chuyện tắm táp của nàng ra mà ngợi ca, ngâm vịnh. Thế đã đủ vô duyên! Dan díu với nàng từ xuân qua hè, mà vẫn tưởng Thuý Kiều là con gái Tú Bà, đến nỗi kinh ngạc hỏi một câu ngớ ngẩn: “Cành kia chẳng phải cỗi này mà ra?”. Kiều nói thẳng thừng: Thúc là người “yêu hoa yêu được một màu điểm trang”, “ngắn ngày thôi chớ dài lời làm chi” mà anh chàng không hề tự ái. Nghe Kiều trù liệu, ái ngại những tình huống có thể phát sinh từ phía Hoạn Thư và Thúc Ông, Thúc chẳng bận tâm nghĩ lại, còn cho Kiều là “hay nói dè chừng”. Không phải vì muốn trấn an Kiều mà vì anh ta tin như vậy. Thúc đâu có hiểu gì về cha mình, vợ mình! Để đến khi mọi việc xẩy ra, anh ta chỉ còn biết trách mình, khóc người. Nông nổi, hời hợt đến thế, nhưng trong ngôn ngữ đối thoại. Thúc Sinh toàn dùng những lời cực tả, những từ ngữ “búa lớn, đao to”: 1329. Sinh rằng: - Từ thuở tương tri, Tấm riên riên những nặng vì nước non. Trăm năm tính cuộc vuông tròn, Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông.” nghe có vẻ sâu sắc, tình nghĩa! 1363. Đường xa chớ ngại Ngô, Lào, Trăm điều hãy cứ trông vào một ta. Đã gần chi có điều xa, Đá vàng cũng quyết, phong ba cũng liều”. nghe có cái chí của người quân tử, cái khí của người anh hùng, với một quyết tâm son sắt, chung thuỷ. Sâu nặng, hùng hồn là thế mà người nghe không khỏi có cảm tưởng “thùng rỗng kêu to”. Nhưng Thúc Sinh không phải là kẻ hoàn toàn huênh hoang, dối trá. Anh ta cũng đã dám chèo chống trước Tú Bà, Thúc Ông và quan xử kiện. Thúc yêu thương Kiều thực lòng, nhưng là yêu thương theo kiểu của Thúc, tình yêu bắ t đầu từ nơi hành viện, từ chuyện gió trăng có vẻ đắm đuối, nồng nàn, thiên về sắc dục. Lúc tưởng Kiều chết, Thúc khóc than vật vã ghê gớm. Đến phút chót, chỉ một suy nghĩ “thân này dễ lại mấy lần gặp tiên?” đầy tiếc rẻ Nguyễn Du - với một nụ cười hóm hỉnh – đã cho thấy tất cả sự tiếc thương và toàn bộ bản chất tình yêu của Thúc đối với Kiều. Nhưng, điều đó mới chỉ làm rõ nét tính cách của Thúc. Thúc chỉ hoàn toàn bộc lộ bản chất, tính cách của mình khi đối mặt với Hoạn Thư, nhất là trong những cuộc chạm trán tay ba Hoạn – Thúc - Kiều. Trước mặt Hoạn Thư, Thúc “xếp cáng” bị vợ giật dây như con rối. Đến cả cái khóc cười, Thúc củng không còn “mình được là mình” mà phải theo sự điều khiển của người khác. Không giữ được chút gì thể diện của người đàn ông, Thúc càng không giữ được vai trò của người chủ gia đình của một “đấng trượng phu” trong quan hệ phu - phụ của trật tự phong kiến. Khi lo liệu việc dàn xếp gia đình, người ta chỉ nghe thấy tiếng nói của Kiều [2 lần 32 câu]. Đến lúc tính toán cho Kiều “liệu bài xa chạy cao bay”, Thúc tựa như chiếc radio bắt trúng tần số, nói tưởng chửng không dứt, Hoạn Thư xuất hiện, lập tức anh ta “tắt đài”, trả lời vợ được đúng một câu, lại là câu nói dối. Thúc ba lần đối đáp với Hoạn Thư thì hết hai lần chối quanh, nói dối. Gặp Kiều ở Quan Âm các, Thúc khóc như mưa, nhận tội hết sức thành khẩn: 1945. “-Đã cam chịu bạc với tình, Chúa xuân để tội một mình cho hoa! Thấp cơ thua trí đàn bà, Trông vào đau ruột, nói ra ngại lời. Vì ta cho lụy đến người, Cát lầm ngọc trắng, thiệt đời xuân xanh.” Thấy Kiều bị hành hạ, Thúc chỉ biết “trông vào đau ruột”, đến cả một tiếng bênh vực cho nàng, Thúc cũng “ngại lời”, không dám nói ra. Thậm chí khóc thương Kiều, bị vợ hỏi, Thúc còn phải nói trại ra là khóc thương người mẹ quá cố: 1931. Sinh rằng: “Hiếu phục vừa xong, Suy lòng trắc dĩ đau lòng chung thiên!” Phải viện đến cái chết của mẹ để che giấu những giọt nước mắt khóc thương Thuý Kiều! Chỉ một câu nói thôi cũng đủ cho thấy cái bi hài của tính cách Thúc, thân phận Thúc! Xét theo vị thế xã hội, Thúc là chủ nhân ông của gia đình. Lẽ ra Thúc phải có quyền quyết định, xếp đặt mọi việc. Thế nhưng, nghịch cảnh ở đây là đến nhận mặt vợ lẽ, Thúc còn không dám, nói chi đếm bênh vực, bảo vệ. Buổi tiệc mừng chàng sum họp gia đình, chàng phải là người được hưởng mọi niềm vui hạnh phúc. Nhưng sự thực, Thúc “như dại như ngây”, “phách lạc, hồn xiêu”, “nát ruột tan hồn”, “thảm thiết bồi hồi”, và “lã chã”, “sụt sùi” - chỉ toàn nước mắt Đành đoạn cắt đứt, bỏ rơi Kiều vào lúc nàng gặp khó khăn, nguy hiểm nhất trong khi Thúc có khả năng giải thoát cho Kiều – nhưng lời lẽ ngôn ngữ đối thoại của Thúc vẫn mang cái vẻ sâu tình, nặng nghĩa buổi ban đầu: 1973. “Bây giờ kẻ ngược, người xuôi, Biết bao giờ lại nối ời nước non? Dẫu rằng sông cạn, đá mòn, Con tằm đến thác cũng còn vương tơ” Thúc yêu thương Kiều thực lòng, mà khi Kiều bị đoạ đày, gặp nguy hiểm, Thúc đã bỏ rơi nàng, để mặc nàng tự xoay sở, chèo chống. Rốt cuộc thì Thúc chỉ thực sự yêu mỗi bản thân mình. Xây dựng nhân vật Thúc Sinh, Nguyễn Du ít miêu tả tính cách xã hội được quy định bởi nghề nghiệp buôn bán của Thúc, mà chủ yếu tập trung miêu tả tính cách cá nhân của một điển hình ươn hèn, sợ vợ. Sự lép vế của Thúc Sinh trước Hoạn Thư có một phần mang dấu ấn xã hội: sự lép vế của tầng lớp thương nhân trước giai cấp phong kiến quý tộc, nhưng chủ yếu là do tính cách nhân vật. Cặp vợ chồng này hoàn toàn đối lập nhau về tính cách: Hoạn Thư sâu sắc, lý trí, chủ động bao nhiêu thì Thúc Sinh nông cạn, hời hợt, bị động bấy nhiêu. Hoạn Thư kỷ cương, Thúc Sinh phóng túng. Hoạn Thư bản lĩnh, Thúc Sinh bạc nhược Một người như Hoạn Thư, thông minh như Kiều còn khiếp đảm, Thúc Sinh sợ là phải. Nhưng sợ vợ hơn cả sợ cha, sợ quan như Thúc Sinh thì quả là trong văn học Việt Nam xưa nay chỉ có một, dù tiền thân của Thúc - những anh chàng sợ “giàn thiên lý đổ” – trong văn học dân gian cũng chẳng hiếm gì! Xây dựng một nhân vật đặc biệt như Thúc Sinh, Nguyễn Du sử dụng một thủ pháp nghệ thuật khác hẳn các nhân vật khác. Thúc Sinh là đối tượng của sự châm biếm, của cái hài và cái bi hài. Ngôn ngữ của anh ta có độ đàn hồi rất lớn. Khẩu khí, sắc thái, tính ngôn ngữ đối thoại của Thúc Sinh mỗi lúc mỗi thay đổi trước từng đối tượng giống như sự đổi màu của một con kỳ nhông. Thúc huênh hoang trước Thuý Kiều, nhưng lại nhún nhường “xuống nước” trước Thúc Ông, thành thật trước quan xử kiện nhưng lại loanh quanh, dối trá với Hoạn Thư Cái thật của Thúc Sinh cũng không hoàn toàn đồng nhất với sự trung thực. Sống với Thuý Kiều, Thúc mới được là Thúc: vừa nông cạn, bản năng, vừa chân thật, vừa bốc đồng. Thúc Sinh khoác lác một cách thành thật, cũng luôn thành thật thừa nhận mọi lỗi lầm, yếu kém: -“Cạn lòng chẳng biết nghĩ sâu.” -“Thấp cơ thua trí đàn bà.” Hiếm có nhân vật nào trong văn học Việt Nam lại luôn luôn ‘xưng tội” một cách nhiệt tâm thành khẩn như Thúc. Các nhân vật Truyện Kiều phần đông đều rất thông minh, chỉ một Thúc Sinh là trí tuệ hơi kém người một chút, nhưng bù lại, anh ta rất giàu nước mắt. Giống Sở Khanh, Thúc Sinh có những phút nói năng khẩu khí hùng hồn như một trang hiệp sĩ, một Từ Hải anh hùng. Nhưng, khác với Sở Khanh, khi nói với Thuý Kiều. Sở Khanh biết nói dối, còn Thúc Sinh lại tin là mình nói thật. Nếu xét theo quan niệm sáng tác của văn học trung đại, Thúc Sinh là đối tượng của cái hài một phạm trù mỹ học thường gắn với nhân vật phản diện. Nếu xét theo quan niệm đạo đức, anh ta là kẻ ăn chơi trác táng, bội bạc, đạo lộn cương thường. Nhưng anh ta là người trung hậu và đã có công cứu Kiều thoát khỏi cuộc sống nhà chứa ô nhục, bẩn thỉu. Trong con mắt Thúy Kiều là ân nhân, là nhân vật chính diện. Trong xã hội Truyện Kiều, những người vừa có tài, vừa chí tình với Thuý Kiều như người anh hùng Từ Hải, chàng văn nhân Kim Trọng, cuối cùng đều bất hạnh. Rốt cuộc, chỉ một Thúc Sinh chẳng tài cán gì, mà vừa được hưởng hạnh phúc với Kiều, vừa được nàng ban thưởng – ngay cả sau khi anh ta bỏ rơi nàng. Nhân vật này làm ta nhớ đến Dương Khuông của Hoàng Lê nhất thống chí “vì ngu si mà được hưởng phúc thái bình”. Phải chăng, đây cũng là một khía cạnh của ý nghĩa xã hội toát lên từ hình tượng nhân vật Thúc Sinh? - Một phản đề có ý nghĩa bổ sung cho thuyết “tài mệnh tương đố” được tác giả thể hiện trong tác phẩm. THUC SINH – LANGUAGES AND CHARACTERS LE THI HONG MINH One of the strange phenomenon of medieval of medieval literature is Thuc Sinh, a “two way” character of feudal literature. Thuc Sinh’s lanluage is superficial but has deep loyalty. His language has the very large resiliency. The way of speaking, as well as nuance and property of Thuc Sinh’s dialogic languages always changes in accordance with each object like changes of colour of a slamander: bragging, self- effacement, honesty and deceit. The honesty of Thuc Sinh is not quite courageously truthful. Building a special character as Thuc Sinh, Nguyen Du used the art method that is quite different with other characters. Thuc Sinh is the object of statire, humorousness and tragi-humourousness. An aesthectic category is used to connect with villains. However, Thuc Sinh was upright and kind- hearted and he helped Kieu espace out of the brothel. In Thuy Kieu’s eyes, Thuc Sinh was a good friend. In the society of Thuy Kieu, the persons, who were both were talented and whole- hearted with Kieu such as Tu Hai, Kim Trong, were unhappy at last. Finally, only untalented Thuc Sinh could be happy with Kieu, and rewarded by her as well. Is it true that the character “Thuc Sinh” is a antithesis supplementing for the theory “Talent hates fate” expressed in the work by the writer? THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Du - Truyện Kiều. Văn bản cơ sở và chú giải: Đào Duy Anh. Giới thiệu: Đào Duy Anh, Xuân Diệu, Hoài Thanh, NXB Văn học, Hà Nội, 1979. 2. Lê Đình Kỵ - Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực, Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh, 1992. 3. Đặng Thanh Lê - Truyện Kiều và thể loại truyện nôm, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1979. 4. Nguyễn Lộc - Nguyễn Du – Con người và cuộc đời, NXB Đà Nẵng, 1990. 5. Nguyễn Lộc - Về ngôn ngữ nhân vật trong Truyện Kiều, Tạp chí Văn học, tháng 11/1965, trang 62. 6. Thanh Tâm Tài Nhân - Truyện Kim Vân Kiều, Nguyễn Khắc Hanh và Nguyễn Đức Vân dịch – NXB Hải Phòng, 1994. 7. Phan Ngọc – Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, NXB Khoa học xã hội Hà Nội, 1985. 8. Lê Trí Viễn - Những bài giảng văn ở đại học, Nhà xuất bản Giáo dục, 1982

Video liên quan

Chủ Đề