Thuốc hóa học BVTV thường được sử dụng lĩnh động do

Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều so với các nước trong khu vực. Trung bình 5 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam chi từ 500-700 triệu USD để nhập thuốc bảo vệ thực vật. Trong số này, 48% là thuốc diệt cỏ, tương đương 19 nghìn tấn, còn lại là thuốc trừ sâu, trừ bệnh, khoảng trên 16 nghìn tấn. Khối lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật trên 1ha cây trồng mỗi năm ở Việt Nam lên đến 2kg, trong khi một số nước khác trong khu vực chỉ từ 0,2-1 kg/ha. Còn theo Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bình quân tổng lượng phân bón vô cơ các loại sử dụng vào khoảng 2,4 triệu tấn/năm, mỗi năm thải ra môi trường khoảng 240 tấn bao bì, vỏ hộp các loại trong khi lượng thuốc bảo vệ thực vật còn bám lại trên vỏ bao bì bình quân chiếm 1,85% tỷ trọng bao bì. Trong khi đó, người dân hoàn toàn không có ý thức xử lý lượng thuốc bảo vệ thực vật còn tồn lại trên vỏ bao bì. Có tới hơn 65% những người dân được hỏi khẳng định họ vứt vỏ bao bì ngay tại nơi pha thuốc. Thực tế này đang khiến cho môi trường ở khu vực nông thôn xuống cấp nhanh chóng. Không những thế, việc sử dụng tràn lan các loại thuốc trừ sâu, phân bón còn tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn đối với sức khỏe con người cũng như tàn phá nghiêm trọng đất đai, đồng ruộng, khiến đất đai bị chai cứng, giữ nước kém và độ màu mỡ của đất giảm đe dọa đến nền nông nghiệp bền vững. Mặt khác, khi các loại thuốc bảo vệ thực vật bị lạm dụng cũng có nghĩa là các sản phẩm nông nghiệp rất dễ rơi vào tình trạng dư thừa lượng hóa chất - một trong những nguyên nhân cơ bản khiến hàng hóa nông nghiệp nước ta không đáp ứng được các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn nhiều tồn tại và bất cập trong khi bà con nông dân thường có kiến thức hạn chế về các loại hoạt chất trong thuốc bảo vệ thực vật dẫn tới tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thiếu hiệu quả và an toàn, làm tăng chi phí sản xuất và nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và môi trường.

Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, có tới 80% thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam đang được sử dụng không đúng cách, không cần thiết và rất lãng phí. 30% người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định như không đảm bảo lượng nước, không có bảo hộ lao động, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng nồng độ. Tuy nhiên, để khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi canh tác là điều rất khó, một phần vì thói quen của người nông dân, mặt khác vì hiện nay, sự biến đổi khí hậu đã dẫn đến tình trạng sâu bệnh rất dễ bùng phát. Để tránh dịch bệnh lây lan, nhà nông thường xuyên sử dụng thuốc trừ sâu như một liệu pháp dập dịch nhanh chóng nhất mà không nghĩ đến hậu quả về lâu dài của nó. Hiện đại đa số nông dân vẫn dựa vào thuốc bảo vệ thực vật hóa học là chính, tỷ lệ sử dụng thuốc sinh học đạt rất thấp. Trong khi đó, các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật an toàn, hiệu quả trong bảo vệ thực vật chậm được nhân rộng... nên việc mất an toàn khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn cứ tồn tại.

Nhằm hạn chế tình trạng sử dụng quá nhiều, quá lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật như hiện nay, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của các loại hóa chất bảo vệ thực vật đối với môi trường cũng như sức khỏe con người, từ đó có ý thức sử dụng một cách hợp lý, không nên quá lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Về lâu dài, các địa phương nên vận động và hỗ trợ nông dân xây dựng nhiều mô hình sinh thái hữu cơ và tìm thị trường cho các sản phẩm sinh thái hữu cơ vừa tốt cho đất đai, sức khỏe con người và môi trường nông thôn. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần kiểm soát tốt việc sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, loại bỏ dần các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại, lạc hậu, khuyến khích sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc bảo vệ thực vật thế hệ mới, thuốc bảo quản rau, quả an toàn. Khuyến khích, mở rộng việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và các chương trình IPM, ICM, chương trình canh tác lúa cải tiến, đẩy mạnh chương trình khuyến nông, sản xuất cây trồng an toàn theo quy trình VietGAP… Qua đó, giúp nông dân phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới./.

Phương Mai

Thuốc BVTV hóa học là vật tư quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng vào việc phòng chống sinh vật gây hại, bảo vệ mùa màng, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc BVTV hóa học gây ra nhiều hậu quả không mong muốn. Ðể giảm bớt tác động xấu cho cây trồng, môi trường và sức khỏe con người, thuốc BVTV sinh học được xem là giải pháp thay thế tối ưu.

Chìa khóa nâng cao chất lượng nông sản

Không thể phủ nhận thuốc BVTV hóa học là vật tư quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong nhiều năm sử dụng, thuốc BVTV hóa học đã bộc lộ những mặt tiêu cực nhất là đối với vấn đề về chất lượng nông sản và sức khỏe con người.

Không những thế, việc lạm dụng thuốc BVTV hóa học còn làm giảm đa dạng sinh học, ảnh hưởng xấu đến thiên địch và các sinh vật có ích, gây hiện tượng kháng thuốc của sinh vật hại và bùng phát dịch hại, ô nhiễm đất, nguồn nước…

Trong khi đó, thuốc BVTV sinh học lại an toàn hơn, ít độc đối với sinh vật có ích và môi trường, nhanh phân hủy trong tự nhiên, không ảnh hưởng tới đa dạng sinh học trong hệ sinh thái nông nghiệp, thời gian cách ly ngắn, ít để lại dư lượng trong nông sản,

Theo Cục BVTV, những năm gần đây, nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước phát triển thuộc Liên minh châu Âu [EU], Nhật Bản, Mỹ… đã đưa ra hàng loạt quy định nghiêm ngặt về mức tồn dư tối đa cho phép đối với các hoạt chất thuốc BVTV trong thực phẩm cũng như thắt chặt quy định kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu.

 Để vượt qua hàng rào kỹ thuật này, giải pháp tăng sử dụng thuốc BVTV sinh học, giảm dần thuốc hóa học trong sản xuất được xem là sự lựa chọn thông minh và tất yếu. Yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về chất lượng nông sản chính là động lực khuyến khích người sản xuất sử dụng rộng rãi thuốc BVTV sinh học thay thế thuốc hóa học.

Thời gian qua, nhiều mô hình sử dụng thuốc BVTV sinh học với diện tích lớn tại các địa phương như: Hà Nội, Sơn La, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh được đánh giá đạt hiệu quả cao.

Tuy hiệu lực của thuốc chỉ đạt từ 50-60% nhưng các sản phẩm nông sản như rau xanh, cà chua, dưa chuột, cây ăn quả… lại được cải thiện chất lượng rõ rệt nhất là về tỷ lệ  chất xơ, vitamin, độ ngọt. Nhờ vậy, giá bán của các sản phẩm sử dụng thuốc BVTV sinh học cao hơn gấp từ 2 đến 3 lần so với các sản phẩm canh tác bằng thuốc BVTV hóa học.

Xu thế sử dụng thuốc BVTV sinh học ngày càng tăng

Những năm gần đây, việc sử dụng thuốc BVTV sinh học thay thế thuốc hóa học ngày càng nhiều, kể cả ở các quốc gia phát triển và đang phát triển. Trên toàn thế giới, khoảng 1.400 sản phẩm thuốc BVTV sinh học đang được đăng ký và thương mại hóa.

Hiện có 68 hoạt chất thuốc BVTV sinh học được đăng ký tại Liên minh châu Âu [EU] và 202 hoạt chất tại Hoa Kỳ. Khu vực EU chiếm khoảng 20% tổng số thuốc BVTV sinh học trên toàn cầu. Các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới như các nước Bắc Mỹ [Hoa Kỳ, Canada và Mexico] sử dụng thuốc BVTV sinh học số lượng lớn, chiếm khoảng 45% trong tổng lượng thuốc BVTV được sử dụng.

So các nước có nền nông nghiệp phát triển, việc sử dụng thuốc sinh học ở Việt Nam còn khá ít ỏi [chiếm từ 8-10%]. Tuy nhiên, trong khu vực ASEAN, theo báo cáo năm 2016, Việt Nam đứng đầu ASEAN về số lượng cũng như chủng loại thuốc BVTV sinh học.

Các loại thuốc BVTV sinh học được đăng ký tại 10 nước ASEAN [năm 2016] có 471 loại để phòng trừ hơn 70 sinh vật gây hại thực vật, trong đó Việt Nam có 296 loại thuốc – chiếm 62.8% số sản phẩm thuốc sinh học của toàn khu vực.

Theo Bộ NN-PTNT, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam hiện có 1084 hoạt chất với 4021 tên thương phẩm, trong đó thuốc BVTV sinh học có 231 hoạt chất với 721 tên thương phẩm, chiếm 18% tổng các thuốc BVTV trong danh mục. Các loại thuốc BVTV sinh học đã được đăng ký chủ yếu bao gồm ba loại: thuốc BVTV vi sinh vật, thuốc BVTV nguồn gốc tự nhiên, chiết xuất từ thảo mộc, Thuốc BVTV thuộc nhóm hóa sinh.

Đối tượng sinh vật gây hại được đăng ký phòng trừ nhiều nhất là sâu tơ sau đó đến nhện đỏ và bọ trĩ hại cây trồng. Hiện nay, một số công nghệ sản xuất thuốc BVTV sinh học phổ biến trên thế giới đã được đăng ký và ứng dụng tại Việt Nam như: Thuốc BVTV sinh học nano, Chitosan, sản xuất chế phẩm virus nhân đa diện NPV, sản xuất chế phẩm vi sinh, sản xuất chế phẩm nấm đối kháng, thuốc sinh học sản xuất chiết xuất từ thảo mộc.

Hằng năm, lượng thuốc BVTV sinh học nhập khẩu vào Việt Nam trung bình khoảng trên 15 nghìn tấn chiếm khoảng 15% tổng lượng thuốc nhập khẩu. Trong đó nhiều nhất là thuốc BVTV chứa hoạt chất Abamectin khoảng 4.800 tấn [30% tổng lượng thuốc sinh học nhập khẩu].

Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 16.110 tấn thuốc BVTV sinh học [khoảng 50,8 triệu USD] chiếm 17% khối lượng thuốc BVTV nhập khẩu. Đến năm 2024, ước tính sẽ đạt 85,7 triệu USD, với mức tăng trưởng hơn 16%/năm.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam Nguyễn Văn Sơn, xu thế sử dụng thuốc BVTV sinh học ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam ngày càng tăng. Tuy nhiên, thuốc BVTV sinh học đăng ký trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam hiện nay phần lớn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu.

Hầu hết các sản phẩm được nhập khẩu từ nước ngoài về gia công sản xuất ở trong nước, phụ thuộc nhiều vào bản quyền sở hữu, công nghệ sản xuất, giá thành sản phẩm cũng như tính ổn định của sản phẩm. Hằng năm, lượng thuốc BVTV sinh học nhập khẩu vào Việt Nam khoảng 15 nghìn tấn, sản xuất trong nước chỉ đạt khoảng 5 nghìn tấn. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước đã bắt tay vào sản xuất thuốc BVTV sinh học. Tuy nhiên, việc sản xuất mới dừng ở quy mô nhỏ lẻ, chưa có cơ sở sản xuất thuốc BVTV sinh học có quy mô công nghiệp lớn. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, việc phát triển thuốc BVTV sinh học trong nước hiện nay còn gặp một số khó khăn.

 Dây chuyền đóng gói thuốc bảo vệ thực vật tại nhà máy Công ty TNHH Việt Thắng [VITHACO].

Nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển thuốc BVTV sinh học

Thuốc bảo vệ thực vật [BVTV] sinh học có nhiều ưu việt, nhất là bảo đảm an toàn sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng, tuy nhiên lượng thuốc BVTV sinh học được sử dụng hiện chỉ chiếm 8- 10% tổng lượng thuốc BVTV  đang sử dụng trông sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, sản xuất thuốc BVTV sinh học của các doanh nghiệp trong nước cũng gặp nhiều khó khăn, do đó để phát triển thuốc BVTV sinh học cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù

Theo Cục BVTV, hiện nay, cả nước có 85 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, gia công thuốc BVTV, trong số đó có 72 doanh nghiệp có cơ sở sản xuất thuốc BVTV sinh học. Tuy nhiên, việc sản xuất thuốc BVTV sinh học trong nước mới ở quy mô nhỏ lẻ.

Lý giải về điều này, Cục BVTV cho rằng, quy định về quản lý thuốc BVTV sinh học tuy đã có nhiều chính sách ưu tiên nhưng chưa thực sự có động lực để thúc đẩy các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV sinh học.

Việc hỗ trợ về vốn, về miễn giảm thuế, phí đăng ký đối thuốc BVTV sinh học trong quá trình sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh chưa có những chính sách cụ thể để phát triển do đó chưa khuyến khích được doanh nghiệp. Chỉ tiêu đăng ký các thuốc BVTV sinh học mặc dù đã cắt giảm rất nhiều so với thuốc hóa học, tuy nhiên chỉ tiêu yêu cầu về mặt kỹ thuật khi đăng ký thuốc BVTV sinh học còn nhiều.

Một số thuốc BVTV sinh học có tính chuyên tính cao như pheromone, thuốc bảo quản sau thu hoạch, chất bẫy bả mồi, chất phụ trợ… phải thực hiện theo quy định chung như thuốc BVTV hóa học, chưa có quy định cụ thể về yêu cầu kỹ thuật riêng do vậy việc phát triển các loại thuốc BVTV sinh học còn gặp nhiều khó khăn.

Theo đại diện của Hội sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam và  phản ánh của nhiều doanh nghiệp, hiện nay đa phần thuốc BVTV sinh học vẫn phải nhập khẩu từ các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…

Đối với sản xuất trong nước, phần lớn nguyên liệu sản xuất cũng  phụ thuộc vào nguồn cung của các nước dẫn đến giá thành sản phẩm cao. Trong khi đó, thuốc BVTV sinh học có tính chuyên tính cao, phổ tác động hẹp, hiệu lực chậm, không ổn định do bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố ngoại cảnh và điều kiện sử dụng, cho nên rất ít được nông dân lựa chọn trong quá trình sản xuất, khó cạnh tranh được với các sản phẩm hóa học khác.

Thêm vào đó Nhà nước lại chưa có chính sách hỗ trợ về vốn, đất làm xưởng, miễn hoặc giảm thuế sản xuất, tiêu thụ cho thuốc BVTV sinh học. 

Trang thiết bị nghiên cứu phát triển thuốc BVTV sinh học lạc hậu, thiếu đồng bộ, chất lượng thuốc cũng như chế phẩm BVTV sinh học do Việt Nam sản xuất chưa cao, có thời gian bảo quản ngắn [chỉ khoảng 6 đến 12 tháng].

Chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa các cơ quan nghiên cứu với các doanh nghiệp trong nghiên cứu phát triển và ứng dụng thuốc BVTV sinh học ngay từ bước đầu.  Sự đa dạng về sản phẩm cũng như nguồn hàng sẵn có trên thị trường còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được lựa chọn cho người tiêu dùng và nhu cầu của sản xuất.

Cần cơ chế hỗ trợ đặc thù

Hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đặt mục tiêu đến năm 2025 tăng số lượng thuốc BVTV sinh học đăng ký được phép sử dụng lên 30%, tăng số lượng thuốc BVTV sinh học sử dụng lên 20 %.

Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ NN-PTNT cần rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký các thuốc BVTV sinh học. Đơn giản hóa các quy định trong đăng ký như rút ngắn quy trình cấp giấy phép khảo nghiệm, giảm chi phí đối với các việc xin cấp giấy phép khảo nghiệm, giấy chứng nhận đăng ký thuốc BVTV sinh học. Nhà nước cần giảm thuế nhập khẩu đối với thuốc BVTV sinh học và các dây chuyền công nghệ sản xuất thuốc BVTV sinh học với mức 0%.

Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ vốn, cho thuê đất làm xưởng, miễn hoặc giảm thuế sản xuất, tiêu thụ thuốc BVTV sinh học; bổ sung, ưu tiên các chính sách khuyến khích đầu tư, sản xuất; hỗ trợ, khuyến khích việc sử dụng thuốc BVTV sinh học, đặc biệt khuyến khích sử dụng thuốc BVTV sinh học trong chuỗi liên kết sản xuất nông sản, tập trung vào các cây trồng có giá trị kinh tế cao, yêu cầu điều kiện về an toàn thực phẩm để phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dung trong nước…

Đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn An Nông cho rằng, hiện nay, thuốc BVTV sinh học chưa thể thay thế hoàn toàn thuốc BVTV hóa học vì vậy các cơ quan nghiên cứu cũng nên phối hợp các doanh nghiệp nghiên cứu cách sử dụng hài hòa thuốc BVTV hóa học và thuốc BVTV sinh học để vừa phòng trừ sinh vật gây hại vừa bảo đảm an toàn cho người, môi trường và nông sản xuất khẩu.

Hiện nay, tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV sinh học còn thấp, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền cho cộng đồng vai trò của thuốc BVTV sinh học trong canh tác hữu cơ, khuyến khích nông dân sử dụng thuốc BVTV sinh học.  

Cùng với đó, nên xem xét việc cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ được thực hiện các dự án theo hình thức hợp tác công-tư trong lĩnh vực này. Trong đó, khuyến khích các doanh nghiệp phối hợp với các Viện nghiên cứu, các trường đại học, trung tâm nghiên cứu đầu tư, tổ chức nghiên cứu sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học.  

Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tìm kiếm được các công nghệ mới nhất, có hiệu quả phòng trừ sinh vật gây hại và có hiệu quả kinh tế, từ đó kích thích phát triển việc sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học ở Việt Nam.

Tích cực hợp tác với các phòng thí nghiệm của các cơ quan nghiên cứu và các công ty có các sản phẩm thuốc BVTV sinh học nước ngoài để xây dựng các phương pháp và tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng thuốc BVTV sinh học…

MINH HUỆ - Ảnh: NGUYỄN CHINH, VŨ SINH

Video liên quan

Chủ Đề