Tóm tất cách Apple đưa ra chiến lược nhân sự

Tháng 2, Tim Cook, CEO Apple, thông báo trong vòng 6 năm qua, “táo khuyết” đã mua lại 100 công ty. Với tần suất này, cứ 3-4 ngày, công ty đến từ Cupertino lại thâu tóm một doanh nghiệp mới.

Tuy vậy, theo CNBC, các thương vụ giá trị lớn chỉ chiếm số ít, điển hình như sự kiện mua lại Beats Music trị giá 3 tỷ USD diễn ra năm 2014. Phần lớn thương vụ mua lại và sáp nhập (M&A) còn lại đều đến từ các công ty nhỏ, không có hồ sơ doanh nghiệp nổi tiếng.

Chiến lược cá lớn nuốt cá bé

Thay vì bỏ ra hàng tỷ USD giống đối thủ, Apple cải tiến chiến lược mua lại bằng cách thâu tóm nhân lực tại các công ty nhỏ.

Chia sẻ với CNBC, những thành viên mới sáp nhập Apple thông qua hình thức mua lại cho biết nhà sản xuất iPhone định giá các công ty mục tiêu dựa trên số lượng kỹ sư. Sau khi thương vụ sáp nhập hoàn tất, Apple nhanh chóng hợp nhất đội ngũ kỹ sư mới thành các nhóm.

Tóm tất cách Apple đưa ra chiến lược nhân sự

Touch ID là một trong những công nghệ Apple có được nhờ quá trình thâu tóm công ty nhỏ. (Ảnh: MacWorld UK)

Quá trình thâu tóm công ty nhỏ giúp Apple mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới, vốn yêu cầu yếu tố kỹ thuật khắt khe. Ngoài ra, việc sở hữu đội ngũ kỹ sư lớn giúp táo khuyết chiếm ưu thế, tăng khả năng cạnh tranh, tạo ra sự khác biệt với các đối thủ.

Mặc dù M&A là mô hình thâu tóm phổ biến giữa các công ty lớn, Apple vẫn trở nên khác biệt khi tập trung chủ yếu vào những thương vụ M&A nhỏ.

“Chúng tôi thấy Google, Facebook, Intel và Amazon bỏ ra hàng tỷ USD cho những thương vụ mua lại công ty tên tuổi. Trong khi đó, Apple sáp nhập nhiều công ty khởi nghiệp có quy mô nhỏ hơn”, Nicklas Nilsson, nhà phân tích tại GlobalData, công ty chuyên theo dõi các giao dịch M&A, chia sẻ.

Trong cuộc phỏng vấn với CNBC năm 2019, Tim Cook cho biết, việc mua lại những công ty sở hữu công nghệ mới là cách Apple giải quyết thách thức kỹ thuật. Trước đó, nhờ mua lại AuthenTec vào năm 2012, Apple đã có thể tích hợp tính năng mở khóa bằng vân tay trên iPhone. Ngay cả trợ lý ảo Siri cũng là kết quả của một thương vụ mua lại vào năm 2010.

Bên cạnh đó, Apple cũng thâu tóm nhiều công ty khác trong các lĩnh vực như thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, bản đồ, sức khỏe, chất bán dẫn hoặc dự đoán các sản phẩm và tính năng trong tương lai.

Chú trọng đến nhân sự

Theo CNBC, Apple đặc biệt quan tâm đến nhân viên kỹ thuật. Khi hoàn tất thương vụ M&A, Apple yêu cầu một số nhân viên kỹ thuật của công ty bị mua lại gia nhập táo khuyết. Nếu không, thoả thuận mua bán sẽ không được thông qua.

Khi tham gia Apple, những nhân viên này sẽ nhận được một số lượng lớn cổ phần có giá trị từ 3-4 năm, hay còn gọi là những “chiếc còng tay vàng”. Ngoài ra, Apple sẽ trả lại tiền vốn sở hữu của công ty bị mua lại cho nhân viên.

Tóm tất cách Apple đưa ra chiến lược nhân sự

Nhân sự từ các công ty bị mua lại là yếu tố hàng đầu mà Apple hướng tới. (Ảnh: NBC)

Theo nguồn tin thân cận với quy trình M&A của Apple, gã khổng lồ công nghệ thường định giá các công ty dựa trên số lượng nhân viên kỹ thuật, khoảng 3 triệu USD/kỹ sư, thay vì dựa trên hồ sơ theo dõi doanh thu hoặc gây quỹ.

Theo phân tích của CNBC, Apple đã mua 55 công ty kể từ tháng 1/2015. Con số này khớp với các báo cáo mà Quốc hội Mỹ đưa ra 2020 và thấp hơn so với con số Tim Cook công bố.

Những người từng tham gia vào quá trình mua lại của Apple cho biết công ty thường giữ kín vấn đề này. Apple thường không công bố các thương vụ M&A nhỏ, đồng thời yêu cầu nhân viên tại các công ty bị mua lại không cập nhật hồ sơ LinkedIn đề cập đến chi tiết này. Khi bị giới truyền thông chú ý, Apple thường đưa ra các câu trả lời chung chung và tránh đề cập đến tương lai của công ty bị mua lại.

Nhìn chung, Apple không quan tâm đến việc duy trì hoạt động kinh doanh của công ty bị mua lại. Doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới buộc các công ty này ngừng sản xuất và loại bỏ các khách hàng cũ.

Doanh thu từ các công ty bị mua lại không phải mối bận tâm với táo khuyết. Trong báo cáo tài chính năm 2020, doanh thu của Apple đạt 274,52 tỷ USD.

Không có bàn tay của ngân hàng

Theo CNBC, các thương vụ M&A thường diễn ra sau các buổi giới thiệu sản phẩm. Thông thường, Apple sẽ mời các công ty sở hữu công nghệ mới đến giới thiệu và hợp tác. Những thương vụ thâu tóm sau đó sẽ được đội ngũ phụ trách M&A của Apple xúc tiến.

Đặc biệt, Apple sẽ phát cổ phiếu cho những kĩ sư mới gia nhập công ty thông qua hình thức M&A nếu họ cam kết làm việc lâu dài.

Theo CNBC, các thương vụ M&A nhỏ của Apple thường không thông qua ngân hàng. Nhóm M&A của Apple sẽ trực tiếp thẩm định, phỏng vấn và theo sát các giao dịch từ đầu tới cuối. Một nguồn tin giấu tên cho biết đội ngũ xúc tiến của Apple chuyên nghiệp và đáng tin một cách lạ thường, khác với các công ty mà ông từng đàm phán.

Tóm tất cách Apple đưa ra chiến lược nhân sự

Apple có đội ngũ xúc tiến quy trình mua lại chuyên nghiệp. (Ảnh: Getty)

Nhờ danh mục sáp nhập, các nhà phân tích có thể nắm được hướng đi trong tương lai của Apple. Công ty đến từ Cupertino đã thâu tóm 12 công ty thuộc lĩnh vực thực tế ảo kể từ năm 2013. Theo báo cáo, Apple đang nghiên cứu sản phẩm kính thực tế ảo cao cấp, dự kiến ra mắt năm 2022. Thậm chí, nhà sản xuất iPhone sớm tung ra các sản phẩm cải tiến hơn từ năm 2023.

Năm 2018, Apple đã mua Akonia Holographics, công ty nghiên cứu lĩnh vực kính thông minh. Năm 2020, Apple thâu tóm NextVR, công ty chuyên cung cấp nội dung cho kính VR và Spaces, sản phẩm cho trải nghiệm thực tế dựa trên vị trí.

Gần đây, theo GlobalData, kể từ năm 2016, táo khuyết đã thu mua 25 công ty hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Năm 2020, Apple đã mua Xnor.AI, công ty có trụ sở tại Seattle, với giá 200 triệu USD. Nhà sản xuất iPhone tiếp tục thâu tóm máy lọc âm thanh giúp nhận biết giọng nói của Ireland và mua Pullstring, công ty sản xuất linh kiện âm thanh trên đồ chơi vào năm 2019. Theo CNBC, Apple đang nỗ lực cải tiến Siri để cạnh tranh với trợ lý ảo Alexa của Amazon và Google.

Theo CNBC, với hơn 200 tỷ USD tiền mặt, các khoản đầu tư thanh khoản cao và hơn 80 tỷ USD dòng tiền tự do hàng năm, Apple đủ khả năng tham gia vào nhiều thương vụ lớn hơn. Tuy nhiên, công ty này rất thận trọng và khiến nhiều giới tài chính tin rằng Apple không hề phụ thuộc vào M&A để phát triển.

“Quy mô của các thương vụ mua lại không khiến chúng tôi lo lắng. Tuy nhiên, ưu tiên của chúng tôi là giá trị và sự phù hợp với chiến lược của mình. Chúng tôi thường tập trung vào các công ty nhỏ, nơi có khả năng bổ sung và phát triển công nghệ sản phẩm chúng tôi đang sở hữu”, Cook nhận định trong cuộc họp cổ đông.

(Nguồn: Zing News)

Chiến lược tuyển dụng nhân sự của Apple là một yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của doanh nghiệp. Một ban lãnh đạo quyền năng đề ra nhiều quyết sách phù hợp nhằm giữ chân nhân viên. Hãy cùng Tanca hé mở bức màn tuyển dụng của Apple nhé.

1. Văn hóa doanh nghiệp - điểm tựa thu hút nhân tài

Apple là tập đoàn duy nhất đạt được hai danh hiệu cao quý. Đó là công ty lớn nhất hành tinh và thương hiệu đáng giá nhất thế giới. Để đạt được thành công này, văn hóa doanh nghiệp là mấu chốt. Apple đề cao văn hóa làm việc nhiều áp lực nhưng luôn duy trì sự thoải mái. Nhân viên Apple thường xuyên phải làm việc 60-70 tiếng. tuần nhưng vẫn rất vui vẻ.

Chiến lược tuyển dụng nhân sự của Apple và bài học rút ra

Apple - tập đoàn xây dựng văn hóa doanh nghiệp xứng tầm thế giới

1.1. Luôn đòi hỏi sáng tạo, đổi mới và linh hoạt

Apple luôn đòi hỏi sự sáng tạo, đổi mới trong từng công đoạn sản xuất. Bởi đây là yếu tố nền tảng giúp họ phát triển và giữ vững vị thế trong ngành công nghệ đầy biến động. Chính vì vậy, trong chiến lược tuyển dụng nhân tài, Apple luôn đòi hỏi sự chăm chỉ, cầu thị và cam kết làm việc của mỗi ứng viên.

Tuy nhiên, việc sáng tạo đòi hỏi sự nhanh nhạy của nhân viên. Và điều này hẳn sẽ khó thực hiện nếu như họ phải làm việc trong môi trường quá gò bó. Đó là lý do Apple luôn xem trọng việc tạo môi trường làm việc thoải mái, bằng việc tổ chức nhiều chương trình giải trí sau mỗi giờ làm việc. 

1.2. Nhân viên Apple phải làm việc với áp lực cao

Lẽ dĩ nhiên, tất cả những thứ có giá trị đều phải trải qua quá trình mài dũa, tôi luyện. Cũng như nhân viên Apple vậy. Gia nhập tập đoàn giá trị nhất hành tinh, đồng nghĩa với việc bạn phải làm việc và cống hiến nhiều hơn so với người thường.

Đối với mỗi nhân viên, Apple sẽ đưa ra các chỉ tiêu và quy định deadline rõ ràng. Bạn buộc phải thực hiện chúng trong thời gian đó. 

1.3. Lương thưởng và chế độ đãi ngộ tốt

Đằng sau áp lực công việc, mức lương và chế độ đãi ngộ bạn được hưởng lại rất xứng đáng. 

Khi gia nhập vào Apple, cái họ nhận được không chỉ là tiền lương mà còn là bài học. Apple đã ứng dụng thành công tháp nhu cầu Maslow của quá trình quản trị nhân sự, tạo sự an tâm cho nhân viên. 

Mỗi nhân viên của Apple không chỉ được đảm bảo về việc làm mà còn được đảm bảo về khả năng tuyển dụng. Kể cả khi họ không còn là nhân viên của công ty nữa. 

1.4. Bảo mật thông tin tuyệt đối

Apple luôn xây dựng chiến lược riêng cho mình. Mỗi sản phẩm công nghệ đều được bảo mật ở cấp độ cao. Thậm chí, các kỹ sư Apple cũng chỉ biết hình dáng của sản phẩm khi được ra mắt. Nhân viên phần cứng sẽ chẳng thể biết được phần mềm sản phẩm có những gì. Và điều này tương tự khi đặt ở vế ngược lại. Bạn có thấy lạ không? Có thể hiểu, nguyên do của việc này xuất phát từ mong muốn tạo sự mới mẻ trong công việc mà mỗi người đảm nhiệm. 

2. Tuyển chọn người giỏi và đào tạo họ trở nên xuất chúng

Nếu như bạn đang có ý định trở thành nhân viên của Apple, hãy đọc kỹ chiến lược tuyển dụng nhân sự của Apple ngay sau đây. 

2.1. Những bài tuyển chọn gắt gao

Apple mang đến cho ứng viên những thách thức khó hơn so với năng lực của họ. Và yêu cầu ứng viên phải hoàn thành nó một cách tốt nhất. Bằng cách này, họ sẽ hiểu được năng lực nhân viên có thể đạt được tối đa là bao nhiêu, chứ không phải ở mức tối thiểu. 

Cũng thông qua những bài kiểm tra đó, Apple có trên tay bản danh sách những nhân viên giỏi. Thực tế cho thấy, những người có thể gia nhập ngôi nhà quả táo khuyết phải là những tinh anh xuất chúng. Đặc biệt, với nhân sự cấp cao, Apple định hướng họ trở thành người có tầm nhìn rộng và phải có lộ trình xây dựng nên sự vững mạnh của công ty.

Chiến lược tuyển dụng nhân sự của Apple và bài học rút ra

Ứng viên phải vượt qua bài kiểm tra gắt gao của Apple

2.2. Chú trọng phát triển khả năng cho nhân viên

Bí quyết của chiến lược nhân sự được Apple ưu tiên chính là tạo môi trường phát triển cho nhân viên. Trên thực tế, mỗi người đều sẽ có điểm mạnh, điểm yếu riêng của mình. Nếu như biết nắm bắt chúng, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí đào tạo cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm.

“Táo khuyết” luôn nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên phát triển. Mỗi nhân viên sẽ có quyền tự do phát triển dự án của mình. Họ có cơ hội thay đổi phòng ban làm việc trong thời hạn nhất định. Và nơi nào họ cảm thấy phù hợp nhất thì có thể gắn bó lâu dài với nó.

3. Trọng người tài từ vòng phỏng vấn

Nhà điều hành Apple đã cho ra đời bộ tiêu chí tuyển dụng nhân sự cho ứng viên. Dù đã qua nhiều đời lãnh đạo, nhưng chiến lược tuyển dụng nhân sự của Apple vẫn luôn được vận dụng. Một số tiêu chí được đặt ra như sau:

  • Chú trọng vào thành tựu ứng viên. Apple sẽ kiểm tra thành tựu mà ứng viên đạt được tại vị trí công việc trước đó. Một bản CV với nhiều chứng chỉ đẹp nhưng lại không có thành tựu thật khó để được tuyển chọn.
  • Tin tưởng lựa chọn người yêu thích sản phẩm được tạo ra bởi Apple. Nếu bạn đã từng trải nghiệm sản phẩm và có những hiểu biết cơ bản về nó thì bạn đã bước một chân vào Apple rồi đấy. Apple đòi hỏi ứng viên của mình phải làm việc dựa trên sự tin tưởng và yêu mến tuyệt đối với sản phẩm mình làm ra. Đó là sự trân trọng và là bước đệm để cải tiến chất lượng sau này.
  • Chỉ tuyển những người thực sự giỏi. Không chỉ Apple mà có lẽ hầu hết công ty đều muốn tuyển người giỏi. Ở Apple, ứng viên phải trải qua nhiều vòng phỏng vấn. Nội dung không chỉ là kiến thức chuyên môn, mà còn nhiều phạm trù khác như kỹ năng mềm… Cuộc phỏng vấn kéo dài liên tục trong 6 tiếng đồng hồ cùng 12 người thuộc hội đồng tuyển dụng và hành chính nhân sự.

Đọc thêm: Cách tạo điểm độc đáo cho CV xin việc của bạn

4. Chế độ đãi ngộ phù hợp

Chiến lược tuyển dụng nhân sự của Apple thành công nhờ phần lớn vào chế độ đãi ngộ. 

Vượt qua bao chông gai, thử thách, bạn trở thành một phần ngôi nhà của quả táo cắn dở. Xin chúc mừng bạn, vì những nỗ lực đó sẽ được đền đáp xứng đáng. Apple hiện là “thiên đường làm việc” tuyệt vời nhất của thế giới. Để làm được điều này, doanh nghiệp đã ứng dụng thành công tháp nhu cầu Maslow và chiến dịch tuyển dụng nhân sự của mình.

Chiến lược tuyển dụng nhân sự của Apple và bài học rút ra

Apple cho bạn cơ hội thăng tiến và nhiều đãi ngộ hấp dẫn

4.1. Giảm giá sản phẩm 

Bạn biết đấy, khi Apple ra mắt sản phẩm mới, công chúng muốn sở hữu nó phải chi một số tiền khủng. Tuy nhiên, nếu bạn là nhân viên chính thức của họ, bạn sẽ được hưởng nhiều ưu đãi bất ngờ.

Theo đó, khi mua sản phẩm Ipod, IPad, Iphone hay Macbook, bạn nhận được ưu đãi chiết khấu tới 25%. Đối với sản phẩm phần mềm, mức chiết khấu lên đến 50%. Không chỉ dừng lại ở đó, nếu người thân bạn mua sản phẩm cũng sẽ được hưởng ưu đãi trên. Một phiếu mua hàng trị giá 250$ khi mua iPad hay 500$ khi mua máy tính cũng sẽ thuộc về bạn.

4.2. Chế độ thai sản

Điều đặc biệt ở Apple nằm ở chế độ thai sản dành cho cả nam và nữ. Đây cũng là điểm mới trong chiến lượng tuyển dụng nhân sự của Apple mà các doanh nghiệp nên học.

Nhân viên nữ làm việc cho tập đoàn được hưởng 4 tuần nghỉ chuẩn bị sinh và 16 tuần nghỉ trước lúc sinh. Đối với các ông chồng có vợ mang thai, Apple cho phép họ nghỉ 6 tuần phép có lương. 

Thêm nữa, để khuyến khích nhân viên làm việc hết mình và hiệu quả, công ty sẵn sàng chi trả 100% chi phí dịch vụ đóng băng trứng cho nhân viên nữ. Thế mới nói mọi sự cố gắng, nỗ lực làm việc của bạn đều được đền đáp xứng đáng.

4.3. Được nghỉ ngơi, thư giãn

Nhân viên Apple phải chịu áp lực lớn trong công việc. Điều này thực sự rất dễ hiểu đối với ngành công nghệ có nhiều biến động như hiện nay. Apple mang đến hệ sinh thái thư giãn đa dạng cho nhân viên của mình. Những cuộc vui sau giờ làm việc hay những đêm nhạc với nhiều tên tuổi lớn như Miley Cyrus, One Republic… Đồ uống được miễn phí hoàn toàn… Tất cả sự kết hợp trên đều quá tuyệt vời, đúng như văn hóa “work hard, play hard” mà tập đoàn luôn đề cao.

Ngoài ra, Apple còn tài trợ thẻ tập Gym cho nhân viên của mình. Chẳng cần tìm kiếm đâu xa, Apple có khu tập thể hình chất lượng bậc nhất. Nhân viên có thể đến đây để vận động, cân bằng thể chất mỗi ngày. Nhờ vậy mà nhân viên có đủ sức khỏe để cống hiến cho công ty.

Có thể thấy rằng, tập đoàn đắt giá như Apple có những chiến lược nhân sự đáng để học tập. Qua bài viết này, Tanca  hi vọng bài học chiến lược tuyển dụng nhân sự của Apple cần được nêu cao và trở thành kim chỉ nam giúp chiêu dụ người tài. 

>>> Đọc thêm:

Top 7 phần mềm quản lý nhân sự miễn phí và tốt nhất 2022 mà doanh nghiệp không thể bỏ lỡ

Giá trị cốt lõi là gì? 12 giá trị cốt lõi của doanh nghiệp hàng đầu

Phần mềm HRM là gì? TOP 4 điều cần biết