Trình bay chủ trương của ta trong các chiến dịch Đông Xuân 1953 1954 và Điện Biên Phủ 1954

Cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ thể hiện rõ tính chất toàn dân, toàn diện của cuộc chiến tranh nhân dân do Đảng ta lãnh đạo. Điện Biên Phủ là trung tâm điểm, là trận quyết chiến chiến lược của chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 của toàn chiến trường Đông Dương. Đánh giá toàn diện về chiến thắng Điện Biên Phủ, tác động của nó đối với mục tiêu chiến trường, đối với ta cũng như với địch, không thể tách rời Điện Biên Phủ với các mặt trận khác khắp chiến trường Đông Dương lúc bấy giờ. Tầm vóc quốc tế và ý nghĩa thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ do công sức, xương máu của cả dân tộc Việt Nam, của từng người dân, của mỗi chiến sĩ từ mọi miền của đất nước xây nên; trong đó có phần đóng góp sức người, sức của, xương máu của quân và dân Nam bộ.

Nhìn trên toàn cục của chiến trường Đông Dương và lấy Điện Biên Phủ làm tâm điểm thì Nam bộ là chiến trường xa nhất về phía Nam. Đối với ta, trong điều kiện lúc bấy giờ, với sự xa cách ấy hầu như không thể chi viện cụ thể bằng sức người, sức của cho Điện Biên Phủ, nhưng đối với thực dân Pháp thì Nam bộ lại rất “gần” với chiến trường chính của chúng về chính trị, chiến lược quân sự và những vấn đề kinh tế xã hội. Nhìn lại lịch sử, ngay từ giữa thế kỷ XIX, khi xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã chọn giải pháp đánh chiếm Nam bộ trước, chúng xây dựng, củng cố nơi đây trở thành hậu phương trực tiếp, làm bàn đạp để tiến quân đánh chiếm miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Đến cuộc xâm lược lần thứ hai – tháng 9/1945, thực dân Pháp cũng đánh chiếm Sài Gòn – Nam bộ trước, chúng ổn định tình hình ở đây và một năm sau mới chính thức gây chiến ở Hà Nội và Bắc Kỳ. Sự lặp lại ấy hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà là sự tính toán rất có cơ sở của giới quân sự Pháp vì đối với Đông Dương, Sài Gòn và Nam bộ là đầu cầu đường biển gần nhất nối với Pháp cho nên giữ được đầu cầu này có ý nghĩa chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến sức chiến đấu của đội quân viễn chinh ở xa chính quốc hàng vạn dặm. Mặt khác Nam bộ lại là nơi đông dân, nhiều của nhất để thực dân Pháp có thể khai thác được nhanh và nhiều để phục vụ cho chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”. Tóm lại, trong chiến tranh Đông Dương, Nam bộ luôn có vai trò là căn cứ lớn trực tiếp của quân xâm lược Pháp.

Trong bối cảnh chiến trường Đông Dương trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, Nam bộ còn có ý nghĩa quan trọng hơn đối với Pháp vì ở đây còn chứa đựng những quyền lợi trước mắt và lâu dài của Mỹ mà Pháp phải bảo vệ để đổi lấy viện trợ quân sự. Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam [khóa II] cũng đã chỉ rõ vấn đề này cho Trung ương Cục Miền Nam như sau: “Nam bộ là nơi Mỹ bỏ vốn vào các đồn điền cao su, các hãng buôn và nhà máy. Như vậy Mỹ càng mưu mô với Pháp việc bình định Nam bộ, Mỹ còn có hy vọng phát triển các đội quân ngụy. Ngụy quân càng nhiều Mỹ càng có điều kiện nắm lấy lực lượng vũ trang ở Đông Dương”. Chính vì vậy mà “Trong năm 1953, địch bị động đối phó với ta ở chiến trường chính, phải rút nhiều quân ở Nam ra Bắc, nhưng ở Nam bộ, địch vẫn chủ động càn quét và chiếm đóng thêm nhiều nơi”.[1]

Trên cơ sở đánh giá tình hình như trên, Ban Bí thư nhận định: “Cuộc kháng chiến ở Nam bộ sẽ thêm khó khăn và lâu dài, nhưng Nam bộ có nhiều thuận lợi để đối phó thắng lợi với âm mưu của địch”. Những thuận lợi đó là “Quân và dân Nam bộ đã chiến đấu bền bỉ, gian khổ, anh dũng suốt tám năm. Đó là điều kiện căn bản để giữ vững phong trào kháng chiến. Địch càng thua ở chiến trường chính, càng bị động, tinh thần càng suy nhược. Ta có nhiều điều kiện để tiêu diệt các bộ phận sinh lực, phá âm mưu càn quét bình định của địch”.[2]

Tóm lại, mặc dù ở rất xa Điện Biên Phủ và chiến trường chính Bắc bộ nhưng Nam bộ lại có mối liên hệ hết sức nhạy cảm về chiến lược đối với thực dân Pháp vì nó là đầu cầu quan trọng nhất nối nước Pháp với tất cả các lực lượng và quyền lợi của họ ở Đông Dương. Do đó cần nhìn nhận vai trò chiến lược của Nam bộ trong cục diện chiến trường toàn Đông Dương Đông Xuân 1953-1954 mà không bó hẹp ở khía cạnh quân sự cụ thể là cầm chân được bao nhiêu quân địch hay “chia lửa” với Điện Biên Phủ như thế nào.

Mặc dù phải tập trung cho chiến trường chính Bắc bộ nhưng lực lượng quân Pháp ở Nam bộ vẫn lớn hơn ta khá nhiều: chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 1953, chúng đã bắt thêm được 17.000 lính mới, chuyển được 20 tiểu đoàn Cao Đài và Hòa Hảo sang hệ thống chính quy, lực lượng này làm nhiệm vụ chiếm đóng thay thế cho 7 tiểu đoàn lính Âu Phi được rút ra làm lực lượng cơ động. Với lực lượng như trên, chúng tiến hành các hoạt động bình định ở hầu hết các tỉnh miền Trung Nam bộ và miền Tây Nam bộ.

Cũng vào thời điểm này, lực lượng chủ lực của ta ở Nam bộ chỉ có 3 tiểu đoàn của Khu là 302, 304, 307 và 7 tiểu đoàn của các tỉnh là: 300, 303, 306, 308, 310, 311, 410; ngoài ra còn có các đại đội, trung đội bộ đội địa phương của các huyện và dân quân du kích xã.

Lực lượng ta so với địch không những ít hơn về số lượng mà trang bị vũ khí cũng kém hơn, vì vậy mà nhiệm vụ của Nam bộ trong Đông Xuân 1953-1954 chủ yếu là hoạt động đều khắp ở các vùng sau lưng địch, kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa theo kiểu du kích nhằm tiêu hao, cầm chân và gây bất ổn hậu phương địch. Về chỉ đạo, Trung ương Cục miền Nam đã chủ động đề ra chủ trương “chuẩn bị đón thời cơ mới” bằng cách đẩy mạnh tấn công quân sự, chính trị kết hợp với “địch ngụy vận” để phối hợp với chiến trường chính Bắc bộ. Chủ trương này được thực hiện trong Thu Đông 1953 và đạt kết quả như sau: loại khỏi vòng chiến đấu 11.203 tên địch, trong đó có 7.891 tên bị giết, 2.889 tên bị thương, 423 tên bị bắt. Thu 1.619 khẩu súng, phá hủy 151 xe quân sự, bắn rơi 7 máy bay, diệt 101 đồn bót, bức rút 61 đồn tua. Với kết quả ấy, có thể nói trong năm 1953, chiến trường Nam bộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu sau lưng địch, gây cho chúng nhiều tổn thất lớn lao.

Trong Thư Chúc Tết Xuân Giáp Ngọ 1954, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã đánh giá: “Trên mặt trận Nam bộ, chiến tranh du kích đã tiến mạnh, hàng loạt đồn bót của địch bị ta tiêu diệt hoặc bức hàng, nhiều vùng du kích và căn cứ du kích được mở rộng".[3]

Sang năm 1954, chỉ từ ngày 1 đến 24/1 quân và dân Nam bộ đã tiêu diệt và bức rút 259 đồn bót, tháp canh; nhiều nhất là ở Mỹ Tho. Quân dân ta đẩy mạnh giao thông chiến, uy hiếp các đường số 13, 14 và đường 12; diệt và phá 3 thiết giáp, 1 xe tăng, 12 xe vận tải, 2 xe “gíp”, 1 đầu máy xe lửa, 15 toa xe lửa, diệt 1.900 tên, trong đó có 1 quan ba, 1 quan hai. Ta thu 4 súng cối, 1 đại liên, 18 trung liên, 61 tiểu liên, 656 súng trường.[4]

Trên cơ sở đứng vững trên chiến trường và giữ quyền làm chủ tấn công trong năm 1953, khi chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu từ ngày 13/3/1954, Trung ương Cục Miền Nam đã chỉ đạo dốc toàn lực đẩy mạnh nhịp độ tấn công để phối hợp chiến trường. Các tiểu đoàn chủ lực của Khu và tỉnh đã kết hợp với bộ đội địa phương tấn công vào vùng địch hậu của các tỉnh Gia Định Ninh, [Gia Định – Tây Ninh], Thủ Biên [Thủ Dầu Một – Biên Hòa], Long Châu Sa [Long Xuyên – Châu Đốc – Sa Đéc], Mỹ Tho, Cần Thơ, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu… và tấn công vào hàng loạt các trục giao thông quan trọng của địch như quốc lộ số 1, số 13, số 14, các tuyến đường sắt Sài Gòn – Phan Thiết, Sài Gòn – Lộc Ninh. Lực lượng ta đánh địch bằng nhiều hình thức từ phục kích, tập kích đến công đồn… và đã diệt được khá nhiều sinh lực và đồn bót ngay sau lưng địch, trong đó có những trận thắng lớn cả về tiêu hao vật chất, sinh lực địch cả về tinh thần, làm nhụt chí quân thù.

Mặc dù lực lượng ta ở Nam bộ ít hơn địch nhưng ở vào thời điểm chiến dịch Điện Biên Phủ đang tiếp diễn, ta đã nâng cao nhịp độ tấn công cả về quân sự, chính trị và binh vận: như ở Gò Công, Mỹ Tho, Bến Tre… và nhiều nơi khác. Nhân dân đã nổi lên biểu tình, bao vây đồn bót, tấn công bằng binh vận làm rã ngũ hàng ngàn lính ngụy, trong đó có 6 đại đội Hòa Hảo tự tan rã, hàng chục đồn bót phải rút chạy. Cũng trong thời điểm này, phong trào đấu tranh chính trị trong các đô thị lớn ở Nam bộ cũng phát triển mạnh mẽ với các khẩu hiệu đòi dân sinh, dân chủ, hòa bình, chống bắt lính, chống đàn áp…[5]

Kết quả chiến đấu của quân và dân Nam bộ trong Đông Xuân 1953-1954 là: tiêu diệt, bức hàng, bức rút được 1.200 đồn bót, phá hủy 132 xe quân sự, bắn cháy 20 tàu chiến, diệt hàng ngàn tên địch và làm rã ngũ hàng vạn tên khác. Một thành quả quan trọng khác của Đông Xuân 1953-1954 ở Nam bộ là ta đã mở rộng được nhiều vùng giải phóng thuộc các tỉnh Gia Định, Vĩnh Trà [Vĩnh Long – Trà Vinh], Sóc Trăng, Gò Công, Mỹ Tho, Long Châu Sa [Long Xuyên – Châu Đốc – Sa Đéc], Tây Ninh, Thủ Dầu Một… với hàng chục vạn dân trở về vùng tự do.

Ngay trung tâm hậu phương lớn của bọn xâm lược ở Sài Gòn – Gia Định và vùng phụ cận Đông Nam bộ như Gia Định Ninh [Gia Định – Tây Ninh] trong Đông Xuân 1953-1954 phong trào du kích chiến tranh cũng đã phát triển đều và rộng khắp. Nhiều nơi, quần chúng tự động nổi dậy cướp đồn bót địch bằng vũ khí thô sơ như dao, cuốc…; chỉ trong tháng 3/1954 đã diệt 20 đồn bót. Tiểu đoàn chủ lực 306 liên tục chống càn và tiến công địch mọi nơi, tiêu diệt gọn một đơn vị địch từ bót Lý Văn Mạnh hành quân vào cầu Xáng [Trung huyện] ngày 10/3; tiêu diệt lực lượng Cao Đài phản động đi bắt phu tại ấp Vĩnh Lộc [Bình Chánh] và trên đường số 6 phía Nam Trảng Bàng [Tây Ninh]. Tại Liên Huyện, Tỉnh ủy Bà Chợ [Bà Rịa – Chợ Lớn] từ tháng 1 đến khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, đã tiêu diệt 4 bót, 4 tháp canh, đánh 5 trận lớn nhỏ, tiêu hao 5 bót khác, diệt 150 tên, bắt sống trên 100 tên, thu nhiều vũ khí. [6]

Đặc biệt là trận đánh của Đội biệt động số 205 vào khu kho quân sự ở Phú Thọ Hòa [5/1954] đã phá hủy 9.345 tấn bom đạn, thiêu hủy 10 triệu lít xăng dầu do một đại đội lính Âu Phi canh giữ. Trận tiêu diệt kho dự trữ chiến lược này là đòn chí tử đánh vào “dạ dày” của địch giữa lúc địch đang gặp khó khăn trên các chiến trường.[7]

Bên cạnh hoạt động vũ trang, tiến hành chiến tranh du kích, ở Sài Gòn – Gia Định, phong trào đấu tranh chính trị, đòi dân sinh dân chủ phát triển ngày càng rộng khắp với số người tham gia ngày càng đông như cuộc bãi công của 400 công nhân xưởng cơ khí ASAM; của công nhân ô tô buýt Sài Gòn; của thợ giày ở đường Lê Lợi; của công nhân nhà đèn Chợ Quán vào tháng 4/1954. Đặc biệt sau khi quân ta tấn công “Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ” vào ngày 13/3/1954 với những chiến thắng liên tục đã làm cho các giới đồng bào Sài Gòn – Gia Định hết sức nức lòng.

Tháng 3/1954, 325 nhân sĩ và trí thức nổi tiếng như Kỹ sư Lưu Văn Lang, Luật sư Trịnh Đình Thảo, Dược sĩ Trần Kim Quang, Phó giám đốc Ngân hàng Pháp Á Nguyễn Văn Vỹ, Giáo sư luật học Nguyễn Văn Dưỡng, Dương Trung Tín… ký tên vào bản Tuyên ngôn đòi Chính phủ Pháp phải thương thuyết với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để sớm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Thực dân Pháp tìm mọi cách bưng bít và xuyên tạc nội dung bản Tuyên ngôn, nhưng phong trào vận động cho hòa bình vẫn lan rộng, thu hút dư luận trong và ngoài nước. Báo Nhân dân ra ngày 06/5/1954 gọi bản Tuyên ngôn của các nhân sĩ, trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn là “một quả bom hòa bình nổ ở Nam bộ”.[8]

Đặc biệt trên phương tiện truyền thông đã liên tiếp đưa tin về chiến thắng Điện Biên Phủ. Từ các nguồn tin của BBC, VOA, các hãng thông tấn Reuters, AP, AFP và Đài Tiếng nói Việt Nam, các báo ở Sài Gòn đăng 6 – 8 cột báo với tít lớn, hấp dẫn “Trận đánh khu lòng chảo Điện Biên Phủ thật sự mở màn”, “Việt quân pháp kích dữ dội trước khi ồ ạt tấn công quân trú phòng Điện Biên Phủ”, “Phi trường Mường Thanh bị pháo kích hàng trăm quả đạn đã mất khả năng hoạt động” v.v… Ngót gần 2 tháng, ngày nào báo chí Sài Gòn cũng đăng tin về quân ta vây hãm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, phản ánh sự tổn thất về sinh lực và suy sụp về tinh thần của hàng ngàn quân viễn chinh Pháp. Số lượng phát hành ngày càng tăng vọt. Điều đó đã dẫn đến “một sự hợp đồng ngẫu nhiên” giữa báo chí yêu nước ở Sài Gòn với báo chí chính quốc ở Pháp đòi chấm dứt chiến tranh, khiến cho tướng H. Navarre vô cùng căm tức và than vãn “… Chính phủ đã dung túng báo chí gieo rắc hoang mang trong dư luận bằng rêu rao tất cả đã mất rồi và phải buông tất cả. Chính phủ đã để cho sự kinh hoàng xâm chiếm các giới chính trị và tạo ra ở đây không khí đầu hàng”.[9]

Bên cạnh đó, vùng bị tạm chiếm ở Nam bộ đã thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về chống bắt lính, coi đó là nhiệm vụ quan trọng phối hợp đắc lực với cuộc chiến đấu của quân ta trên các mặt trận, góp phần làm cho kế hoạch Nava thất bại[10]. Báo chí đã viết bài, đưa tin tố cáo trước dư luận những hành động bắt lính bừa bãi gây ra nhiều cảnh đau lòng; đồng thời Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt ra kiến nghị cực lực lên án hành động bắt lính của Pháp và chính quyền bù nhìn, đòi chấm dứt hành động bắt thanh niên Việt Nam đi lính, đòi thả ngay những người bị bắt về với gia đình; đòi Pháp phải thương thuyết với Chính phủ Hồ Chí Minh, chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút quân viễn chinh Pháp về nước; công nhận nước Việt Nam độc lập, thống nhất… Hoạt động của giới thông tin truyền thông, của Nghiệp đoàn Ký giả Nam Việt ở Sài Gòn – Chợ Lớn có tiếng vang lớn, dấy lên phong trào chống đi lính cho Pháp khắp mọi nơi, làm cho quân địch lúng túng, bế tắc; sào huyệt của chúng không bao giờ yên, có giá trị như một đòn tấn công phối hợp nhịp nhàng với quân dân cả nước trên mọi chiến trường, đặc biệt là mặt trận trọng điểm Điện Biên Phủ.

Quân và dân Nam bộ không chỉ hướng về Điện Biên Phủ bằng những hành động chiến đấu phối hợp chiến trường mà còn gửi cả những tình cảm chân thành đến động viên các chiến sĩ đang chịu gian khổ, đang “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt…” trực tiếp chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Một phong trào gửi thư, gửi điện cho chiến sĩ Điện Biên Phủ đã được phát động ở tất cả các đoàn thể, tổ chức quần chúng cách mạng như Hội Phụ nữ, Thanh niên, Phụ lão, Nông hội… Bức thư của Hội Văn nghệ Nam bộ viết: “Anh chị em văn nghệ chúng tôi ở Nam bộ được biết các đồng chí vượt nhiều khó khăn, đánh mạnh, đánh giỏi, lập được nhiều chiến công oanh liệt, chúng tôi hoan nghênh các đồng chí, chúng tôi ra sức tuyên truyền các chiến công vẻ vang của các đồng chí bằng mọi hình thức và đồng thời cũng xin hứa với các đồng chí là chúng tôi sẽ viết nhiều chuyện, thơ, kịch để động viên nhân dân phát triển mạnh mẽ chiến tranh du kích, giam chân và tiêu diệt nhiều sinh lực địch để phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ”. Những lá thư như thế được truyền tay các chiến sĩ từ chiến hào này sang chiến hào khác là một món quà tinh thần vô cùng quý báu làm cho các chiến sĩ luôn cảm thấy cả nước đang hướng về các anh, cả nước đang truyền sức mạnh cho Điện Biên Phủ.

Với diện tấn công rộng, nhịp độ tấn công liên tục và toàn diện cả về quân sự, chính trị của ta, quân địch ở Nam bộ không còn khả năng chủ động mở những cuộc càn quét quy mô lớn vào các vùng giải phóng như đầu năm 1953 mà đã bị dồn vào thế chống đỡ, bị động, không thể thực hiện được mưu đồ sử dụng tiềm năng sức người, sức của ở Nam bộ để chi viện cho chiến trường chính Bắc bộ, mà ngược lại đã làm cho những người chỉ huy cao nhất của Pháp phải lúng túng vì đối phương tấn công liên tục ngay ở hậu phương quan trọng nhất của chúng ở Đông Dương, đồng thời còn là nơi có quyền lợi của Mỹ mà Pháp phải bảo vệ để đổi lấy viện trợ vũ khí cho chiến trường đang bị nguy khốn ở Bắc bộ. Quân dân và dân Nam bộ đã tuân thủ và thực hiện xuất sắc tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ, sự chỉ đạo của Trung ương Đảng “phân tán kẻ thù ra mà tiêu diệt” đóng góp phần thiết thực với Điện Biên Phủ, với cả nước.

Những kết quả chiến đấu mang tính toàn diện trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 ở Nam bộ, trước hết là do sự chỉ đạo sát đúng của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Cục Miền Nam, do tinh thần chủ động khắc phục khó khăn chiến đấu kiên cường dũng cảm của quân và dân Nam bộ, đồng thời có phần ảnh hưởng, tác động rất lớn về tinh thần do những tin tức chiến sự từ Điện Biên Phủ đối với cả hai bên ở Nam bộ.

Đối với phía địch, mỗi khi nhận được tin một cứ điểm của Điện Biên Phủ bị thất thủ và vòng vây của Việt Minh siết chặt thì tinh thần của binh lính địch lại hoang mang hơn vì chúng biết rằng Điện Biên Phủ mà mất thì quân Pháp sẽ thua. Điều ấy biểu hiện rất rõ ở hiện tượng đào rã ngũ của địch năm 1954 tăng hơn rất nhiều so với năm 1953.

Đối với lực lượng ta, tin chiến thắng từng ngày từ Điện Biên Phủ đưa về làm nức lòng đồng bào và chiến sĩ Nam bộ, biến thành sức mạnh và hành động chiến đấu với tinh thần đang phối hợp và chi viện cho Điện Biên Phủ. Số lượng đồn bót mà ta diệt, bức hàng bức rút của cả năm 1953 ở Nam bộ là 162 nhưng chỉ nửa đầu năm 1954 – thời kỳ chiến dịch Điện Biên Phủ là 1.200. Sự biến động nhanh chóng của con số đó phản ánh sự biến đổi về tương quan lực lượng từ tinh thần chiến đấu đến thế và lực. Đó chính là kết quả thực tiễn của tư tưởng chỉ đạo chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là Điện Biên Phủ của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, của thiên tài quân sự Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã tạo ra điều kiện thuận lợi cho Nam bộ vươn lên diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng thêm nhiều dân và nhiều vùng rộng lớn và đến lượt mình, Nam bộ đã góp phần phân tán địch, cầm chân và tiêu diệt địch, hạn chế sự tiếp viện của địch từ vùng Nam bộ giàu có, tạo nên thế bị động cho địch để chiến trường chính tập trung dứt điểm và chiến thắng.

Khẩu hiệu chung của cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”, đến Đông Xuân 1953-1954, khẩu hiệu ấy được cụ thể hóa là “Tất cả cho Điện Biên Phủ, cả nước vì Điện Biên Phủ”, do vậy chiến thắng Điện Biên Phủ là của cả nước, đồng thời cũng là phần xương máu của tất cả các chiến sĩ và những ai đã ngã xuống trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 ở bất cứ nơi nào trên chiến trường Đông Dương trong đó có sự hy sinh dũng cảm và đóng góp to lớn của quân và dân Nam bộ.

________________________________________________________________________

[1] Thư của Ban Bí thư gửi Trung ương Cục Miền Nam về tình hình nhiệm vụ năm 1954.

[2] Tài liệu vừa dẫn.

[3] Chiến thắng Điện Biên Phủ biểu tượng của sức mạnh Việt Nam trong thời đại HCM. NXB Thời đại, 2014, tr.70.

[4] Tài liệu vừa dẫn.

[5] Lịch sử Nam bộ kháng chiến – Tập I [1945-1954]. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật. Hà Nội – 2010. Tr.505-510.

[6] Lịch sử Đảng bộ Đảng CSVN TPHCM [1930-1975] - Bản Dự thảo [đang in]. NXB Chính trị Quốc gia 2014 – tr.299-300.

[7] Lịch sử Nam bộ kháng chiến. Tài liệu đã dẫn – tr.509.

[8] Tài liệu vừa dẫn. tr.508.

[9] Theo Agonie de L’Indochine [1953-1954] NXB Plon Paris – 1956. Tr.310.

[10] Văn kiện Đảng toàn tập. NXB Sự thật. HN.1977 – t.15, tr.65-69.

PGS.TS. Phan Xuân Biên Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM

Tin liên quan

Video liên quan

Chủ Đề