Từ Rạch Giá đi Mũi Cà Mau bao nhiêu km

Nhiều trăm năm trước , di dân miền Trung vào vùng này , sông rạch chằng chịt . Tại một vùng sát biển , có những con rạch ló đầu ra , hai bên bờ rạch mọc rất nhiều cây giá , chứng tỏ đất tuy thấp mà không bị sạt lở , có thể định cư lâu dài được !

Chiều trên sông Rạch Giá .

Thấy mặt đặt tên , người ta gọi nơi đây là Rạch cây giá , về sau do nói nhanh và nói tắt nên trở thành Rạch Giá . Nhà văn Sơn Nam có viết :

” Xứ quê của tôi là con rạch mà nơi cửa biển mọc nhiều cây giá nguyên sinh , cây giá giờ đã biến mất nhưng để lại một địa danh , một thành phố hiện đại ” .

Thành phố Rạch Giá với 330.000 cư dân gồm người Kinh , Hoa và Khmer , là tỉnh lỵ của Kiên Giang , bên bờ đông vịnh Thái Lan và trên một giòng sông .

Sông Rạch Giá , còn có tên là sông Kiên , chảy từ phía đông bắc , đến cách biển 1,5km sông tách ra 2 nhánh , tạo thành một cù lao dài 1.500m rộng từ 400m đến 600m . Khu trung tâm phố xá , phố xưa phố cũ của Rạch Giá nằm gọn trên cù lao này , nối với phần tây bắc và đông nam rộng lớn còn lại bằng 4 cây cầu bê tông .

Khách sạn và nhà nghỉ nằm rải rác ở khu vực trung tâm phố , chung quanh công viên có tượng đài Ông Nguyễn Trung Trực . Gần bến tàu cao tốc đi Phú Quốc ở cuối đường Nguyễn Công Trứ tập trung nhiều khách sạn , đủ các hạng giá , thường là trung bình , tiện cho khách đi đến các đảo trong vịnh Rạch Giá .

Quán ăn có khắp nơi , dễ tìm nhứt vẫn là ở trong phạm vi 4 cây cầu bê tông , có thể đi dạo chơi dễ dàng trên vỉa hè đủ rộng cho khách bộ hành . Có mấy câu thơ nhắn nhủ cho khách tìm ” của lạ ” ở Rạch Giá :

Ai về Rạch Giá – Kiên Giang ,
Ăn tô bún cá chứa chan tình người .

Trên đường Quang Trung có một loạt 4 ngôi chùa : chùa Phật Lớn , chùa Phật Quang , chùa Ông Bốn , chùa Ông Mù .

Đường vào lăng mộ và đền thờ Ông Nguyễn Trung Trực .

Các bạn nào có quan tâm đến giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc Ta , buổi ban đầu dám gan góc đứng lên để đánh lại giặc Pháp xâm lược , chắc chắn sẽ không quên đến viếng lăng mộ và đền thờ vị Anh Hùng Dân Tộc Nguyễn Trung Trực .

Đền nằm trên đường Nguyễn Công Trứ , nhìn ra sông Kiên – sông Rạch Giá , chỉ cách bến tàu cao tốc đi Phú Quốc khoảng chừng 400m .

Tháng 6 năm 1868 , Ông chỉ huy đánh úp đồn Kiên Giang – địa điểm Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ngày nay , tiêu diệt nhiều giặc Pháp và làm chủ tình hình được 5 ngày ! Pháp phản công , Ông kéo quân ra Phú Quốc tiếp tục lập căn cứ ở vùng Cửa Cạn , chống Pháp lâu dài .

Pháp phải huy động một lực lượng hùng hậu , đến đảo Phú Quốc , bao vây và tấn công , có cả tên Việt gian phản dân hại nước Huỳnh Công Tấn bày mưu kế đê hèn cho giặc Pháp , để Ông bị cùng đường , vì mạng sống của biết bao nghĩa quân , phải tự ra nộp mạng cho giặc .

Sau nhiều lần dụ dỗ , mua chuộc Ông không được , cuối cùng giặc Pháp đem Ông ra hành hình ở chợ Rạch Giá ngày 27 tháng 10 năm 1868 , khi Ông mới 30 tuổi . Lúc đền nợ nước Ông yêu cầu Pháp mở trói , không bịt mắt , và Ông hiên ngang , dõng dạc trước pháp trường , nhìn bầu trời , nhìn đất nước , từ giã đồng bào và đã khẳng khái nói vào mặt kẻ thù :

” Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây ” .

Ngoài cổng đền có hai câu đối do danh sĩ Huỳnh Mẫn Đạt ca ngợi hai chiến công nổi bật gắn liền với Nguyễn Trung Trực :

Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần

Thái Bạch dịch

Lửa bừng Nhật Tảo rêm trời đất
Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần .

Sau khi Ông bị hành hình , dân chúng cảm thương vô cùng nên đã bí mật thờ Ông như một vị anh hùng trong đền thờ Nam Hải Đại Vương – tức là Cá Ông hay cá Voi , chính là ngôi đền thờ Nguyễn Trung Trực tại thành phố Rạch Giá hiện nay .

Trong khuôn viên đền còn có nhà bảo tàng , đặc biệt có phòng khám và chữa bệnh bằng thuốc Nam .

Anh Hùng Dân Tộc Nguyễn Trung Trực .

Cho đến bây giờ , Lễ tế Anh Hùng Dân Tộc Nguyễn Trung Trực vẫn được tổ chức trang trọng hàng năm vào các ngày 26 , 27 , 28 tháng 8 âm lịch . Đây là lễ hội lớn nhứt và có sức thu hút mạnh nhứt ở Rạch Giá .

Cũng vào dịp lễ hội này , nhiều nhà hảo tâm và cả người bình dân cùng nhau đóng góp tiền của , công sức , cơm gạo để làm cơm thết đãi du khách . Người ta nô nức đi ” ăn cơm đình ” , đó là bát cơm tình nghĩa , bát cơm của dân Rạch Giá thết đãi du khách phương xa đã không ngại đường xá xa xôi đến đây dự lễ . Phải nói đây là một nét văn hóa đẹp , rất đáng được trân trọng và bảo tồn !

Rạch Giá cách Sài Gòn 280km , là nút giao thông lớn để đi Hà Tiên qua Campuchia , Thái Lan , đi Cà Mau đến Đất Mũi hoặc ngược lên Cần Thơ về Sài Gòn . Đây cũng là thành phố đi tiên phong trên cả nước về chuyện lấn biển làm khu đô thị !

Tại bến tàu lớn có ghe thuyền ra những đảo ở trong vịnh Rạch Giá , thuộc huyện đảo Kiên Hải như :

– Hòn Tre , 25km , có núi cao 315m .
– Hòn Lại Sơn , 55km , tên thông dụng là đảo Sơn Rái , nói gọn là hòn Sơn . Cao nhứt là đỉnh Ma Thiên Lãnh – 400m
– Quần đảo Nam Du , 85km . Các địa địa danh Giếng Ngự , Bãi Ngự cho ta biết trên quần đảo này có vết tích của chúa Nguyễn Ánh , thời bị quân Tây Sơn truy lùng rượt đuổi , đã từng lẫn trốn nơi đây !

Mấy năm gần đây đã có tàu cao tốc đến các đảo này , phục vụ nhu cầu đi lại của cư dân trên đảo và khách du lịch . Tiện nghi vật chất trên mấy đảo này tuy còn rất ” khiêm tốn ” , có nơi còn chưa có điện , nhưng bù lại khách được ngây ngất trước cảnh thiên nhiên đẹp hoang dại , cư dân hiền hòa , tình người chân chất , đơn sơ , mộc mạc , dễ mến !

Đã được ghé và nghỉ tại Rạch Giá nhiều dịp nên lần này mình không lưu lại đây lâu . Ngày hôm sau là lo cuốn gói lên đường . . . hành phương Nam !

Khởi hành trong nắng ấm ban mai , hứa hẹn một ngày đẹp trời và nhứt là . . . không bị mưa !

Rời trung tâm , qua khỏi cầu Nguyễn Trung Trực , quẹo phía tay phải ta sẽ lọt vào ” Khu đô thị lấn biển ” !

Hoàng hôn , khu đô thị lấn biển .

Đây là một vạt đất nằm ở đông nam Rạch Giá , giữa biển và quốc lộ 80 đi Rạch Sỏi , là chỗ biển cạn nên đã được san lấp , trở thành một khu đô thị hoàn toàn mới , diện tích 420ha , kéo dài 7km và rộng khoảng 600m . Nhiều nhà được xây lên , đã có người ở , nhiều dự án địa ốc đang được xây dựng với triển vọng tốt .

Km 9 – Ngả 3 thị trấn Rạch Sỏi . Từ ngả 3 này , nếu quẹo trái về hướng đông bắc , vẫn là quốc lộ 80 , đi thêm 70km nữa ta sẽ đụng sông Hậu Giang và gặp phà Vàm Cống .

Ta đi thẳng , đồng nghĩa là rời quốc lộ 80 để bắt đầu vào quốc lộ 63 !

Km 20 – Ngả 3 thị trấn Minh Lương – huyện Châu Thành . Tại ngả 3 này , nếu đi thẳng , ta sẽ bắt đầu lọt vào quốc lộ 61 , đi tiếp theo quốc lộ 61 thêm 50km ta sẽ đến thành phố Vị Thanh , tỉnh lỵ của Hậu Giang .

Nhưng lộ trình hôm nay sẽ để cho ta quẹo phải , đi theo quốc lộ 63 , sau vài cây số sẽ qua Km 25 – cầu sông Cái Bé và liền đó là cầu sông Cái Lớn , thay cho phà Xẻo Rô – Tắc Cậu . Năm 2009 , lúc đi từ Cà Mau đến Rạch Giá , mình đã phải qua phà Xẻo Rô – Tắc Cậu . Cảnh cũ đã thay đổi , con phà ngày xưa giờ đây chỉ còn là kỷ niệm .

Tiếp tục trên quốc lộ 63 khoảng chừng 15km nữa ta lại gặp một ngả 3 lớn : Ngả 3 thị trấn Thứ Bảy . Từ ngả 3 này ta có hai sự chọn lựa để về Cà Mau :

– Quẹo trái , vẫn đi tiếp trên quốc lộ 63 độ 80km nữa , ngang qua Vĩnh Thuận rồi về Cà Mau .
– Đi thẳng , để bắt đầu vào đường mới có tên là Hành lang ven biển phía Nam , nghe qua tên là đã thấy hấp dẫn rồi ! Cũng dài chừng 80km để đến Cà Mau .

Mình rất hăm hở chọn đi theo đường Hành lang ven biển phía Nam và đi vào một vùng được gọi là Miệt Thứ .

Trong tiếng Nam Bộ , Miệt là một danh từ dùng để chỉ một vùng , miền nào đó , thường là vùng thôn quê . Nên chúng ta có miệt dưới , miệt U Minh , miệt vườn . . .

Chợ vùng Miệt Thứ .

Miệt Thứ là một địa danh , nơi có mười con rạch – xưa kia gọi là Thập Câu , cùng chạy song song ra biển . Thực tế là có hơn mười con rạch và được cư dân nơi đây gọi theo thứ tự : Từ rạch Thứ Nhứt tới rạch Thứ Mười Một , nên vùng này được gọi là Miệt Thứ .

Miệt Thứ được thiên nhiên hào phóng cho biết bao nhiêu là thực phẩm đặc biệt như : nai , chồn , chim , tôm , cua , cá , rắn , mật ong v . . . v . . . Có một thời những sản vật quí hiếm này đã ngược dòng Xẻo Rô lên tận Cần Thơ , Sài Gòn !

Nơi đây xưa kia thực thực sự là nơi ” khỉ ho cò gáy ” , vì vậy nên có những câu ca dao như :

Má ơi đừng gả con xa ,
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu .

Sương khuya ướt đẫm giàn bầu
Em về Miệt Thứ bỏ sầu cho ai .

Qua khỏi thị trấn Thứ Mười Một chừng 10km ta vào địa phận tỉnh Cà Mau và sẽ đi bên giòng sông Trẹm . Chắc sẽ có nhiều bạn nhớ lại cuốn tiểu thuyết diễm tình ” Bên giòng sông Trẹm ” của nhà văn Dương Hà , viết theo thể loại đăng nhiều kỳ trên báo Sài Gòn mới , năm 1952 lúc tác giả mới 18 tuổi !

Cuốn tiểu thuyết gây đình đám này cũng là nguồn cảm hứng cho kịch bản cải lương của Mộc Tùng – Huỳnh Vũ . Sau năm 1975 , Bên giòng sông Trẹm được đạo diễn Lê Dân chuyển thể thành phim .

Tuổi đầu đời mình được biết ” Bên giòng sông Trẹm ” , bây giờ đến ” cuối đời ” được đi bên giòng sông Trẹm !

Sông Trẹm chia rừng U Minh thành hai phần :

– Vườn quốc gia U Minh Thượng , rộng 21.107 ha , thuộc tỉnh Kiên Giang , có giá trị độc nhất về kiểu rừng úng phèn của Việt Nam và của thế giới .
– Vườn quốc gia U Minh Hạ , rộng 8.286 ha , thuộc tỉnh Cà Mau , sở hữu sự độc đáo của vùng đất ngập nước trên lớp than bùn .

Đường Hành lang ven biển phía Nam đi qua vùng dân cư thưa thớt , đường còn mới , còn tốt và chưa . . . bị hư nên chạy rất thoải mái , nhứt là bằng xe máy .

Cà Mau by night .

Km 120 – thành phố Cà Mau . Khách sạn ở lần trước đã được phá bỏ để xây mới , ” đàng hoàng hơn , to đẹp hơn ” ! Thế là mình có cớ lái xe đi lòng vòng vừa ngắm phố phường vừa tìm khách sạn , lần này lái xe cẩn thận , không để xảy ra vụ đụng vào xe đạp như hôm ở Hồng Ngự , cũng vừa dạo phố vừa để mắt tìm chỗ trọ !

Chủ Đề