Tư tưởng chỉ đạo tác chiến trong nghệ thuật đánh giặc giữ nước của tổ tiến ta là gì

Câu trả lời đúng nhất: Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, ông cha ta luôn phải chống lại kẻ thù xâm lược lớn hơn nhiều lần về quân sự, kinh tế. Song, với lòng yêu nước, ý chí kiên cường, với cách đánh mưu trí, sáng tạo, nghệ thuật đánh giặc của ông cha ta đã đánh thắng tất cả kẻ thù xâm lược.

Cùng Top lời giải tìm hiểu thêm về nghệ thuật đánh giặc của ông cha ta trong bài viết dưới đấy nhé!

1. Về tư tưởng chỉ đạo tác chiến.

Ông cha ta luôn nắm vững tư tưởng tiến công,coi đó như 1 quy luật để dành thắng lợi trong suốt quá trình chiến tranh.Thực hiện tiến công liên tục mọi lúc,mọi nơi,từ cục bộ đến toàn bộ,để quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi.

Tư tưởng tiến công được xem như sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình chuẩn bị và tiến hành chiến tranh giữ nước.tư tưởng đó thể hiện rất rõ trong đánh giá đúng kẻ thù,chủ động đề ra kế sách đánh,phòng ,khẩn trương chuẩn bị lực lượng kháng chiến,tìm mọi biện pháp làm cho địch suy yếu,tạo ra thế và thời cơ có lợi để tiến hành phản công,tiến công…

2. Về mưu kế đánh giặc

Mưu là để lừa địch, đánh vào chỗ yếu, chỗ sơ hở, chỗ ít phòng bị, làm cho chúng bị động, lúng túng đối phó. Kế là để điều địch theo ý định của ta, giành quyền chủ động, buộc chúng phải đánh theo cách đánh của ta. Trong các cuộc chiến tranh giải phóng, với ý chí kiên cường của dân tộc, triều đại nhà Lý, Trần, hậu Lê... đã tạo được thế trận chiến tranh nhân dân, thực hiện toàn dân đánh giặc, kết hợp các cách đánh, các lực lượng cùng đánh. Trong chống giặc ngoại xâm để bảo vệ đất nước, ông cha ta đã kết hợp chặt chẽ giữa quân triều đình, quân địa phương và dân binh, thổ binh các làng xã cùng đánh địch, làm cho lực lượng địch luôn bị phân tán, không thực hiện được hợp quân tại Thăng Long. Để bảo vệ Thăng Long, Lý Thường Kiệt đã xây dựng tuyến phòng ngự sông Cầu để chặn giặc, khi quân nhà Tống tiến công vượt sông không thành công phải chuyển vào phòng ngự, Ông đã dùng quân địa phương và dân binh liên tục quấy rối, làm cho địch mệt mỏi, căng thẳng, tạo thời cơ cho quân đội nhà Lý chuyển sang phản công giành thắng lợi hoàn toàn.

Kế sách đánh giặc của ông cha ta không những sáng tạo, mà còn hết sức mềm dẻo, khôn khéo đó là“biết tiến, biết thoái, biết công, biết thủ”. Biết kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự với binh vận, ngoại giao, tạo thế mạnh cho ta, biết phá thế mạnh của giặc, trong đó tiến công quân sự luôn giữ vai trò quyết định. Lê Lợi, Nguyễn Trãi không những giỏi trong bày mưu, lập kế để đánh thắng giặc trên chiến trường, mà còn thực hiện“mưu phạt công tâm”, đánh vào lòng người. Sau khi đánh tan đạo quân viện binh do Liễu Thăng chỉ huy, đã vây chặt thành Đông Quan, buộc Vương Thông phải đầu hàng vô điều kiện, nhưng các ông đã cấp thuyền, ngựa và lương thảo cho hàng binh nhà Minh về nước trong danh dự, để muôn đời dập tắt chiến tranh.

3. Nghệ thuật đánh giặc của ông cha ta

Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, ông cha ta luôn phải chống lại kẻ thù xâm lược lớn hơn nhiều lần về quân sự, kinh tế. Song, với lòng yêu nước, ý chí kiên cường, với cách đánh mưu trí, sáng tạo, nghệ thuật đánh giặc của ông cha ta đã đánh thắng tất cả kẻ thù xâm lược.

Thực hiện toàn dân đánh giặc là một trong những nét độc đáo trong nghệ thuật quân sự của tổ tiên ta, được thể hiện cả trong khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng. Nét độc đáo đó xuất phát từ lòng yêu nước thương nòi của nhân dân ta, từ tính chất tự vệ, chính nghĩa của các cuộc kháng chiến. Hễ kẻ thù đụng đến nước ta, thì "vua tôi đồng lòng, anh em hoà mục, cả nước chung sức, trăm họ là binh", giữ vững quê hương, bảo vệ xã tắc.

Từ lời thề của hai Bà Trưng và nghĩa quân: "Một xin rửa sạch nước thù; Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng; Ba kẻo oan ức lòng chồng; Bốn xin vẻn vẹn sở công lệnh này", đến Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, nghệ thuật "lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo", nghệ thuật quân sự Việt Nam đã liên tục phát triển dựa trên nền tảng của chiến tranh nhân dân, thực hiện tốt đổi yếu thành mạnh, kết hợp lực, thế, thời, mưu, để đạt mục đích là cùng giành lại và giữ vững chủ quyền đất nước với tư tưởng "dập tắt muôn đời chiến tranh", "đem lại thái bình muôn thuở". Nội dung cơ bản của thực hiện toàn dân đánh giặc là : "Mỗi người dân là một người lính, đánh giặc theo cương vị, chức trách của mình. Mỗi thôn, xóm, bản, làng là một pháo đài diệt giặc. Cả nước là một chiến trường, tạo ra thế trận chiến tranh nhân dân liên hoàn, vững chắc làm cho địch đông mà hoá ít, mạnh mà hoá yếu, rơi vào trạng thái bị động, lúng túng và bị sa lầy". Trong đánh giặc, ông cha ta đã tận dụng địa hình, xây dựng thế trận làng, nước vững chắc, vận dụng sáng tạo cách đánh của nhiều lực lượng, nhiều thứ quân. Vận dụng rộng rãi, sáng tạo nhiều hình thức đánh giặc để đạt hiệu quả cao như : phòng ngự sông Cầu, phục kích Chi Lăng, phản công Chương Dương, Hàm Tử, tiến công Ngọc Hồi, Đống Đa...

4. Về nghệ thuật tổ chức và thực hành các trận đánh lớn

Trong các triều đại phong kiến, ông cha ta đã tổ chức và tiến hành các trận đánh quyết định để giải phóng đất nước, kết thúc chiến tranh. Thời nhà Lý có phòng ngự sông Cầu [Như Nguyệt], đây là một điển hình về kết hợp chặt chẽ hai hình thức tác chiến phòng ngự và phản công trên cả quy mô chiến lược, chiến thuật. Tác chiến phòng ngự ở Như Nguyệt không chỉ chặn đứng 30 vạn quân Tống, mà còn làm thất bại ý đồ đánh nhanh, thắng nhanh để chiếm Thăng Long của chúng, khiến quân địch phải chuyển từ chủ động tiến công sang bị động phòng ngự.

Thời nhà Trần, chống giặc Nguyên - Mông lần thứ hai, Trần Quốc Tuấn đã tổ chức một cuộc rút lui chiến lược, làm thất bại kế hoạch hợp vây của địch. Trong cuộc truy đuổi, giặc Nguyên - Mông không thực hiện được những đòn quyết chiến với chủ lực ta, trái lại, chúng vấp phải một cuộc chiến tranh của toàn dân Đại Việt. Do vậy, quân Nguyên - Mông đã sa vào tình trạng muốn đánh mà không đánh được,“lực càng yếu, thế càng suy”, điều đó đã tạo ra thời cơ phản công cho quân ta.

Nghệ thuật quân sự của Nguyễn Huệ và quân Tây Sơn được biểu hiện tập trung nhất, rực rỡ nhất trong việc tổ chức và thực hành các trận quyết chiến chiến lược, đặc biệt là giải phóng Thăng Long trong mùa xuân Kỉ Dậu 1789. Khi chọn đánh vào Thăng Long là địa bàn tập trung hầu hết quân địch, là nơi bộ chỉ huy quân Thanh và triều đình Lê Chiêu Thống, Nguyễn Huệ đã nhìn thấy rất rõ trong cái mạnh của địch, chúng bộc lộ những điểm yếu và sơ hở. Điểm yếu cơ bản của quân tướng nhà Thanh là rất chủ quan, ngạo mạn, cho rằng, Tây Sơn không dám và không thể tiến công chúng, do đó thế trận rất lỏng lẻo.

-------------------------

Trên đây Top lời giải đã cùng các bạn tìm hiểu thêm kiến thức về Nghệ thuật đánh giặc của ông cha ta.Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

QPTD -Thứ Sáu, 30/08/2019, 10:04 [GMT+7]

Nét đặc sắc của tư tưởng quân sự, nghệ thuật quân sự Việt Nam

Dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại, phát triển của dân tộc Việt Nam. Trong suốt mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân ta phải liên tục đấu tranh chống kẻ thù xâm lược để giành và giữ nền độc lập dân tộc. Thực tiễn lịch sử đã tạo nên truyền thống, khí phách hào hùng của dân tộc và để lại nhiều di sản quân sự quý báu mà không mấy quốc gia có được. Trong đó, trước hết phải nói đến tư tưởng quân sự, nghệ thuật quân sự độc đáo, đặc sắc Việt Nam.

1. Tư tưởng tiến công - tư tưởng quân sự đặc sắc của Việt Nam.

Đối với dân tộc ta, tư tưởng quân sự ở một khía cạnh nào đó đồng nghĩa với tư tưởng giữ nước, hay nói đúng hơn là nội dung cốt yếu của tư tưởng giữ nước và đó cũng là cơ sở quan trọng nhất để hoạch định đường lối quân sự, những chủ trương lớn và kế sách giữ nước. Bởi vậy, tư tưởng quân sự chi phối mọi hoạt động quân sự của Nhà nước, từ tổ chức hệ thống quân sự các cấp, tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang [nòng cốt là quân đội] tới phương thức tiến hành chiến tranh, loại hình tác chiến và các hoạt động liên quan khác. Điều đó cho thấy, tầm quan trọng đặc biệt của tư tưởng quân sự, mà trước hết là sự tác động có tính định hướng của nó đến đường lối quân sự - yếu tố quyết định thành bại trong chiến tranh. Tư tưởng quân sự như thế nào thì đường lối quân sự như thế ấy, có tư tưởng quân sự phù hợp thì mới có đường lối quân sự đúng và ngược lại.

Lịch sử đã khẳng định, tư tưởng quân sự của dân tộc ta là tư tưởng tiến công, cũng có thể nói là tư tưởng chiến lược tiến công. Nét đặc sắc nhất có tính đặc thù của tư tưởng này thể hiện ở chỗ được thực hiện nhất quán, xuyên suốt chiều dài lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Theo tổng kết, dân tộc ta đã tiến hành 14 cuộc chiến tranh chống xâm lược do Nhà nước Phong kiến Đại Việt tổ chức lãnh đạo, trong đó giành thắng lợi 11 cuộc, có 3 cuộc thất bại. Điểm chung đáng chú ý là, các cuộc chiến tranh mà ta giành thắng lợi đều thể hiện rõ việc thực hiện tư tưởng tiến công, còn đối với các cuộc thất bại thì tư tưởng này gần như không được thực hiện, mà thay vào đó là tư tưởng phòng thủ, phòng ngự. Chẳng hạn như cuộc chiến tranh chống quân Minh xâm lược của nhà Hồ ở đầu thế kỷ XV và cuộc chiến tranh của nhà Nguyễn chống thực dân Pháp xâm lược ở giữa thế kỷ XIX là những dẫn chứng điển hình. Khi đó, xét về tương quan so sánh lực lượng, nhà Hồ và nhà Nguyễn không hề kém địch, thậm chí có mặt còn hơn, nhưng kết cục đã bị thất bại. Tất nhiên, sự thất bại đó còn có nguyên nhân khác, nhưng không thể phủ nhận là họ đã không thực hiện tư tưởng tiến công.

Trong chiến tranh, xét về mặt nguyên tắc tác chiến, để tiến công thắng lợi thì nhất thiết phải mạnh hơn đối phương, còn nếu ngang bằng hoặc kém đối phương sẽ dễ thất bại. Trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược của ông cha ta trước đây và tiếp đó là Đảng ta sau này, dân tộc ta thường phải đương đầu với kẻ địch có tiềm lực và sức mạnh quân sự vượt trội, nhưng lại lấy tiến công làm tư tưởng chủ đạo, thay vì phòng thủ hoặc phòng ngự thụ động. Như thế liệu có mâu thuẫn không? Câu trả lời là không! Không những lựa chọn đó không mâu thuẫn, mà còn là lựa chọn khôn ngoan, phù hợp, bởi những cơ sở thực tiễn và khoa học sau:

Thứ nhất, lựa chọn tư tưởng tiến công là thể hiện tinh thần dám đánh, quyết đánh và quyết thắng quân xâm lược của cả dân tộc. Từ đó tạo nên sự đoàn kết toàn dân, niềm tin chiến thắng và không chịu khuất phục kẻ thù cho dù chúng có mạnh và hung bạo đến đâu. Còn nếu lựa chọn tư tưởng quân sự khác, ngoài tư tưởng tiến công thì có nghĩa là không dám đánh địch, sợ địch. Một dân tộc, một quân đội mang theo tư tưởng đó vào cuộc chiến cũng tức là đã tự tước bỏ sức mạnh nội sinh, đó là: chính trị - tinh thần – yếu tố cực kì quan trọng trong chiến tranh và như thế có thể nói chưa đánh đã thua, nếu có đánh cũng sẽ thất bại. Những thất bại của một số vương triều Đại Việt trong lịch sử đã cho thấy rõ điều này.

Thứ hai, về góc độ quân sự, lịch sử chiến tranh thế giới và dân tộc ta cũng đã chỉ ra rằng: để đánh bại quân địch, kết thúc thắng lợi chiến tranh chỉ có thể thực hiện được bằng hình thức tiến công, thậm chí cả hình thức phòng thủ, phòng ngự, dĩ nhiên đó phải là hình thức phòng thủ, phòng ngự tích cực. Đó là đòn tiến công chiến lược, có thể là một hoặc nhiều đòn kế tiếp nhau, trong đó có trận quyết chiến chiến lược để giành thắng lợi quyết định. Thông thường trận quyết chiến chiến lược được ta chủ động tổ chức vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, khi quân địch đã bị thiệt hại nặng, suy yếu nghiêm trọng cả về thế và lực. Nhưng cũng có những trường hợp được tổ chức ngay đầu cuộc chiến tranh với điều kiện ta hội tụ đầy đủ các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 do Ngô Quyền lãnh đạo đánh bại quân Nam Hán là một ví dụ; hoặc Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đại phá 28 vạn quân Thanh năm 1789 và Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút đánh bại 05 vạn thủy quân Xiêm do Quang Trung - Nguyễn Huệ lãnh đạo là minh chứng khác tương tự. Những chiến thắng oanh liệt đó tuy không phổ biến, nhưng rất đáng suy ngẫm, bởi nó kết thúc nhanh chóng chiến tranh chỉ bằng một trận chiến - trận quyết chiến chiến lược, hay còn gọi “cuộc chiến của một trận chiến”.

Thứ ba, đề cập tư tưởng tiến công thực chất là nói đến tư tưởng chỉ đạo tác chiến chiến lược tiến công, còn gọi là tiến công chiến lược. Ở đây, khi nghiên cứu cần chú ý một điểm quan trọng đó là sự giống và khác nhau giữa tư tưởng chỉ đạo tác chiến với hình thức tác chiến [loại hình tác chiến]. Nó thống nhất với nhau ở cấp chiến lược, tức là ở cấp chiến lược chỉ có chiến lược tiến công [cả về tư tưởng chỉ đạo và loại hình tác chiến], hay có thể nói không có chiến lược phòng ngự. Còn ở cấp chiến dịch, chiến thuật thì về mặt tư tưởng chỉ đạo là tiến công, nhưng hình thức tác chiến thì có thể là tiến công hoặc phòng ngự tùy theo điều kiện cụ thể để vận dụng thực hiện.

Kế thừa tư tưởng quân sự truyền thống của dân tộc, Đảng ta luôn nhất quán thực hiện tư tưởng tiến công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Tư tưởng đó của Đảng thống nhất biện chứng với tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh: “Kiên quyết không ngừng thế tiến công”. Với đường lối chiến tranh nhân dân độc đáo, thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, vững chắc, tư tưởng tiến công được thực hiện một cách sáng tạo bằng các loại hình tác chiến phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể thì chúng ta sẽ chiến thắng mọi kẻ thù.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, căn cứ vào so sánh lực lượng giữa ta và địch, chúng ta đã thực hiện tuần tự qua các giai đoạn: phòng ngự, cầm cự, phản công, tiến công với các hình thức tác chiến tương ứng. Nhờ đó, từng bước chuyển hóa thế và lực theo hướng có lợi cho ta. Đến giai đoạn cuối, lực lượng ta lớn mạnh và hoàn toàn giành quyền chủ động chiến lược và kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ bằng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quán triệt sâu sắc tư tưởng tiến công và triệt để thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân độc đáo, sáng tạo trên cả hai miền Nam - Bắc. Miền Bắc thực sự là hậu phương lớn, vừa chiến đấu vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi viện đắc lực cho tiền tuyến lớn miền Nam. Miền Nam trở thành tuyến đầu đánh Mỹ - Ngụy, luôn kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự và đấu tranh ngoại giao; chủ động đánh địch bằng ba mũi giáp công, trên cả ba vùng chiến lược [rừng núi, nông thôn đồng bằng, đô thị]; thực hiện tác chiến ở mọi quy mô [đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ], trong thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, vững chắc. Nhờ đó, liên tiếp đánh bại ba chiến lược chiến tranh của địch [chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh], hoàn thành chủ trương chiến lược: đánh cho Mỹ cút, tiến tới đánh cho Ngụy nhào bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến vĩ đại chứng minh tính đúng đắn của đường lối chiến tranh nhân dân cũng như nét đặc sắc của tư tưởng tiến công cùng tài thao lược và sự chỉ đạo chiến lược xuất sắc, nhạy bén, sáng tạo của Đảng ta. Qua đó, khẳng định việc lựa chọn và triệt để thực hiện tư tưởng tiến công là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam; đồng thời, là cơ sở quan trọng nhất cho việc hoạch định và thực hiện đường lối quân sự của Đảng, phát huy cao độ sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân Việt Nam để giành thắng lợi trước mọi kẻ thù xâm lược, bất kể chúng có hung bạo và sức mạnh quân sự đến nhường nào.

Trong tương lai, nếu chiến tranh xảy ra đối với nước ta, đó sẽ là cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc phát triển ở trình độ cao chống chiến tranh xâm lược của địch. Cuộc chiến tranh đó chắc chắn sẽ rất ác liệt bởi có đặc điểm mới, yêu cầu mới rất khác so với chiến tranh giải phóng của quân và dân ta trước đây. Mặc dù vậy, điều cơ bản và quan trọng nhất là chúng ta cần tiếp tục quán triệt và thực hiện triệt để tư tưởng tiến công - nét đặc sắc của tư tưởng quân sự, nghệ thuật quân sự Việt Nam. Cùng với đó, vận dụng và phát huy nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam phù hợp, hiệu quả trong điều kiện mới. Làm được như vậy, chúng ta tin rằng sẽ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

Thiếu tướng NGUYỄN MẠNH HÙNG
___________________________

[Số sau: II. Nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân độc đáo]

Video liên quan

Chủ Đề