Tư tưởng hồ chí minh trong quốc phòng an ninh là gì

QPTD -Thứ Năm, 11/01/2018, 08:29 [GMT+7]

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân là một trong những nội dung cốt lõi của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, là bài học quý được đúc rút từ thực tiễn cách mạng. Vì thế, vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân là sự vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, sự kế thừa, phát triển truyền thống, kinh nghiệm trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc và tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa giữ nước của nhân loại vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Tư tưởng đó của Người được hình thành, phát triển và kiểm nghiệm trong thực tiễn hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần quan trọng vào huy động mọi nguồn lực của đất nước, dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp ngăn ngừa, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược và nó đang tiếp tục khẳng định giá trị trường tồn trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Theo Người, xây dựng nền quốc phòng toàn dân là yêu cầu khách quan của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, nhằm tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng để bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng và duy trì hoạt động của chính quyền nhà nước chuyên chính vô sản.Nhận thức sâu sắc luận điểm: một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự bảo vệ của V.I.Lê-nin, bám sát điều kiện thực tiễn cách mạng nước ta khi mới giành được chính quyền [1945], Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Nước ta mới giành lại quyền độc lập tự do, nhưng còn phải trải qua nhiều bước khó khăn, để củng cố quyền tự do, độc lập đó. Vậy nên quốc dân ta, bất kỳ già trẻ, đều phải ra sức gánh vác một vai”1. Cùng với đó, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người thường xuyên nhắc nhở: “Chúng ta phải ra sức bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, cho nên chúng ta phải củng cố quốc phòng...”2, làm cho nền quốc phòng, nhất là Quân đội vững mạnh, đủ sức trấn áp bọn phá hoại, giữ gìn an ninh trật tự cho nhân dân, đồng thời Quân đội phải luôn luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Bác Hồ nói chuyện với nhân dân tại đình Tân Trào năm 1961 [Ảnh tư liệu]

Người quan niệm, quốc phòng là phòng vệ Tổ quốc, là công việc giữ nước của quốc gia. Để thực hiện nhiệm vụ to lớn đó, trên cơ sở vận dụng luận điểm: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, vũ trang toàn dân của chủ nghĩa Mác - Lê-nin; kế thừa những tư tưởng đặc sắc trong lịch sử dân tộc ta về xây dựng nền quốc phòng “trăm họ đều là binh”, “cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc”, “cử quốc nghênh địch”..., Hồ Chí Minh nêu rõ: chúng ta phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện. Theo Người, quốc phòng toàn dân là nền quốc phòng của dân, do dân, vì dân. Điều này được Bác thể hiện rõ trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” năm 1946: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”3. Người chỉ rõ, việc tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của mọi người dân, mọi địa phương, mọi ngành, mọi cấp, tất cả các thành phần, lực lượng xã hội. Để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này, phải tập trung xây dựng, củng cố quốc phòng, bất cứ ai là công dân Việt Nam yêu nước đều phải tham gia, kể cả “Các em lớn chưa hẳn đến tuổi phải gánh công việc nặng nhọc ấy, nhưng các em cũng nên, ngoài giờ học ở trường, tham gia vào các Hội cứu quốc để tập luyện thêm cho quen với đời sống chiến sĩ và để giúp đỡ một vài việc nhẹ nhàng trong cuộc phòng thủ đất nước”4. Trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, Hồ Chí Minh chỉ rõ cần chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh cả về chính trị, quân sự làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ chế độ mới. Người yêu cầu: “phải ra sức đẩy mạnh việc xây dựng và củng cố công tác chính trị và quân sự trong bộ đội ta. Phải nâng cao giác ngộ chính trị, nâng cao chiến thuật và kỹ thuật, nâng cao kỷ luật tự giác của bộ đội ta. Phải làm cho quân đội ta thành một quân đội chân chính của nhân dân”5. Tức là phải xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, quân sự, trong đó quan trọng là nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật và kỷ luật, bảo đảm cho Quân đội có sức mạnh chiến đấu cao và tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa và bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Người hết sức quan tâm xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ. Người nói: “Tự vệ là vệ lấy mình, lấy gia đình mình, rồi đến thành phố mình, nước mình. Ta phải ngăn ngừa mọi sự uy hiếp”6. Đồng thời, để nâng cao hiệu quả công tác quốc phòng, quân sự địa phương, Người chỉ đạo chính quyền các cấp cử một ủy viên phụ trách quân sự, có nhiệm vụ: “Đốc suất tự vệ giữ vững sự an toàn cho nhân dân, Võ trang và huấn luyện quân sự cho nhân dân; động viên họ lên đường tranh đấu du kích chống xâm lược”7. Người cho rằng: tổ chức dân quân, du kích không chỉ để giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phối hợp tác chiến với bộ đội chủ lực, mà còn là một nguồn có chất lượng cao bổ sung cho Quân đội khi cần thiết.

Về quốc phòng toàn diện, theo Người: là nền quốc phòng phải được xây dựng vững mạnh cả về tinh thần, vật chất của quốc gia và được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực [chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, xã hội, ngoại giao,...]; trong đó, chú trọng xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, củng cố, xây dựng hệ thống chính quyền cách mạng các cấp của nhân dân. Trong Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức mạnh như một viên đạn... Những người trúng cử, sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào”8. Cùng với đó, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng xây dựng tiềm lực kinh tế để động viên cho kháng chiến. Người chỉ rõ: muốn kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp thắng lợi, chúng ta phải có tiềm lực về kinh tế. Tiềm lực kinh tế là nhân tố quyết định sức mạnh quốc phòng của đất nước. Do vậy, để tăng cường tiềm lực kinh tế, phải đẩy mạnh phát triển mọi ngành, nghề, lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, như: công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, giao thông vận tải, tài chính, ngân hàng,...; trong đó, trọng tâm là nâng cao khả năng huy động mọi nguồn lực kinh tế phục vụ cho kháng chiến. Đồng thời, phải thường xuyên kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng. Theo Người, đây là bài học quý, có tính quy luật “dựng nước đi đôi với giữ nước” của dân tộc ta.

Cùng với xây dựng, phát triển lực lượng quốc phòng là toàn dân, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, Hồ Chí Minh quan tâm chỉ đạo xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, trong đó chú trọng các địa bàn xung yếu, có vị trí chiến lược [miền núi, biển, đảo]. Người nói: “Miền núi đối với quốc phòng rất quan trọng. Vì vậy phải chăm lo đến việc củng cố quốc phòng, duy trì trật tự trị an, để chủ động tiêu diệt nhanh chóng bọn biệt kích, đập tan âm mưu của bọn phản động. Cố nhiên đây là trách nhiệm chính của bộ đội, của công an biên phòng, của dân quân. Nhưng toàn Đảng, toàn dân đều có trách nhiệm giúp sức vào việc đó”9. Người chỉ đạo, quá trình xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân phải gắn kết chặt chẽ với xây dựng thế trận an ninh nhân dân để vừa đáp ứng yêu cầu chống xâm lược, bảo vệ độc lập, chủ quyền, vừa giữ vững an ninh - chính trị, trật tự, an toàn xã hội và an ninh, quốc phòng.

Trong bối cảnh hiện nay, để giữ vững nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta cần tăng cường đấu tranh bảo vệ, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào điều kiện mới của đất nước, trọng tâm là vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Để làm được điều đó, chúng ta cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

1. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình giáo dục, cần kết hợp chặt chẽ với quán triệt và thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị [khóa XII] về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

2. Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; trong đó, phải tăng cường xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố đi vào chiều sâu, vững mạnh toàn diện, từng bước tạo thế phòng thủ chung, thống nhất trên từng khu vực, địa bàn và cả nước. Trong tình hình hiện nay, cần đặc biệt coi trọng xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc ngay từ cơ sở, tạo nền tảng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân.

3. Thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, làm nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân; trong đó, chú trọng xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân, tự vệ vững mạnh, rộng khắp, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, phát huy vai trò đông đảo quần chúng nhân dân tham gia nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tập trung vào địa bàn chiến lược, trọng điểm: biên giới, biển, đảo, v.v.

4. Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong điều kiện Việt Nam hội nhập quốc tế sâu, rộng. Đây là yêu cầu khách quan, đòi hỏi phải được giải quyết hợp lý, cụ thể trong từng bước đi, mỗi giai đoạn phát triển của đất nước. Cần thống nhất nhận thức và giải quyết thấu đáo mối quan hệ giữa kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, nhất là khi chúng ta tham gia các hoạt động thương mại toàn cầu. Thực hiện những bước đi tắt, đón đầu, nhằm xây dựng một nước Việt Nam thực sự ổn định về chính trị, xã hội; đa dạng, bản sắc về văn hóa; giàu về kinh tế; mạnh về quốc phòng, an ninh, vững bước trên con đường hội nhập quốc tế hiện nay.

PGS, TS. NGUYỄN VĨNH THẮNG
_______________

1 - Hồ Chí Minh -Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 23.

2 - Sđd , Tập 9, tr. 226.

3, 4 - Sđd, Tập 4, tr. 534, 35.

5 - Sđd, Tập 7, tr. 37.

6, 7, 8 - Sđd, Tập 4, tr. 170, 13, 166.

9 - Sđd, Tập 14, tr. 167.

Video liên quan

Chủ Đề